Thực Trạng Khả Năng Tham Gia Bảo Hiểm Xã Hội Tự Nguyện Ở Việt Nam

vay để bù đắp tổn thất trong trường hợp không lập quỹ dự phòng trước. Bảo hiểm là biện pháp khắc phục rủi ro có hiệu quả nhất, bằng việc lập quỹ bảo hiểm tập trung trên phạm vi toàn xã hội, là sự chuyển giao, san sẻ rủi ro giữa những người cùng tham gia bảo hiểm trên cơ sở những nguyên tắc, chuẩn mực đã được thống nhất và quy định trước.

Mục đích của bảo hiểm là góp phần ổn định kinh tế cho mọi người, mọi tổ chức, đơn vị có tham gia bảo hiểm, đảm bảo an toàn, an sinh xã hội, đồng thời tạo nguồn vốn quan trọng để tham gia đầu tư phát triển kinh tế. Thực chất của bảo hiểm là quá trình lập quỹ tài chính để thực hiện sự chia sẻ và tương trợ cộng đồng giữa những người, những đơn vị, tổ chức có tham gia bảo hiểm; nhằm cung cấp tài chính để khắc phục những tổn thất khi rủi ro xảy ra đối với họ và góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện khá rộng rãi trên thế giới, đầu tiên là ở Anh và ở Đức với những quỹ khác nhau do các hội tương tế, hội nghề nghiệp quản lý. Bảo hiểm xã hội bước đầu được hình thành theo hình thức tự nguyện. Do tác dụng to lớn của nó, Nhà nước đứng ra tổ chức và hỗ trợ và sau này quy định thành bảo hiểm bắt buộc. Từ đó bảo hiểm xã hội bắt buộc đã trở thành chủ yếu, bên cạnh đó bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, góp phần bổ sung cho bảo hiểm xã hội bắt buộc. Năm 1893 Thụy Sĩ lập quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo hình thức tham gia tự nguyện. Đến đầu thế kỷ XX có nhiều nước công nghiệp Châu Âu đã ban hành Luật Bảo hiểm thất nghiệp với hình thức tham gia tự nguyện và được Nhà nước trợ cấp. Đến năm 1930 Luật Bảo hiểm xã hội đã được thực hiện ở Mỹ La tinh, Bắc Mỹ và Canada. Sau chiến tranh chế giới thứ II, bảo hiểm xã hội được thiết lập ở các nước mới được giải phóng ở Châu Á, Châu Phi và vùng Caribê. Cho tới nay đã được xây dựng và thực hiện ở hầu hết các nước trên thế giới và quyền bảo hiểm xã hội đã trở thành một quyền cơ bản của con người. Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc ngày 10/12/1984 quy định

rằng: "Tất cả mọi người với tư cách là thành viên của xã hội, có quyền được hưởng bảo hiểm xã hội. Quyền đó được đặt trên sự thỏa mãn các quyền về kinh tế, văn hóa và xã hội, cần cho nhân cách và sự tự do phát triển của con người" [14]. Nhưng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện ở mỗi nước đều có những nét riêng do điều kiện kinh tế, xã hội và quá trình phát triển của từng nước quy định.

Mặc dù ở mỗi nước khác nhau việc quy định về nội dung, phương thức và tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện khác nhau, song đều có những đặc điểm chung sau đây:

- Bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện trên cơ sở hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc và chủ yếu áp dụng cho các chế độ bảo hiểm xã hội dài hạn;

- Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là những người lao động tự nguyện đóng góp một phần thu nhập của mình vào quỹ bảo hiểm xã hội theo chế độ tự nguyện;

- Độ tuổi quy định được nhận trợ cấp hưu trí bổ sung tự nguyện cũng trùng với độ tuổi nhận trợ cấp hưu trí theo quy định trong bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ví dụ, ở Đức, nam nhận trợ cấp bảo hiểm hưu trí tự nguyện khi tròn 65 tuổi và nữ khi tròn 60 tuổi;

- Việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là do người lao động hoàn toàn tự nguyện đóng góp một phần thu nhập của mình. Tham gia vào bảo hiểm xã hội tự nguyện mức đóng góp được chia cho các bên là người lao động và người sử dụng lao động, song tỷ lệ đóng góp của các bên khác nhau tùy ở mỗi quốc gia, thậm chí không có tỷ lệ đóng cố định chung mà tùy thuộc vào sự thỏa thuận khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động và người sử dụng lao động.

- Theo cơ chế tự nguyện nên trong điều kiện hưởng của loại hình bảo hiểm này không quy định thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

- Bảo hiểm xã hội tự nguyện là sự tiếp nối của bảo hiểm xã hội bắt buộc, trên cơ sở của bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, thực hiện sự nghiệp bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn là cơ quan bảo hiểm xã hội quốc gia.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật Lao động quy định bảo hiểm xã hội bắt buộc áp dụng đối với doanh nghiệp sử dụng 10 lao động trở lên. Khoản 2 Điều 141 quy định dưới 10 lao động, lao động dưới 3 tháng, theo mùa vụ thì có thể tự nguyện hoặc tự lo về bảo hiểm [10] và được quy định chi tiết tại Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 1 năm 1995 của Chính phủ. Theo khoản 1 Điều 141 Luật sửa đổi bổ sung thì bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động từ 3 tháng trở lên và hợp đồng không xác định thời hạn. Còn tại khoản 2 Điều 141 Luật Sửa đổi bổ sung có nêu vấn đề bảo hiểm tự nguyện đối với người lao động làm việc ở những nơi sử dụng lao động làm việc dưới 3 tháng, theo mùa vụ hoặc làm việc có tính chất tạm thời thì các khoản bảo hiểm được tính vào tiền do người sử dụng lao động trả để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tự lo [11]. Trong thông tư số 21/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 hướng dẫn thi hành đã không còn quy định số người lao động mà chỉ quy định là lao động có hợp đồng từ dưới 3 tháng thì người sử dụng lao động phải thanh toán tiền bảo hiểm xã hội vào tiền lương cho người lao động [4]. Luật bảo hiểm xã hội quy định tất cả những đối tượng không phải là đối tượng của bảo hiểm xã hội bắt buộc (lao động có hợp đồng từ 3 tháng trở lên) đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và được thực hiện 2 chế độ là hưu trí và tử tuất [12].

Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng - 3

Với việc xác định trên, bảo hiểm xã hội tự nguyện là một nội dung quan trọng của chính sách xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Theo Báo cáo tổng kết của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sau hơn 6 năm thực hiện Bộ luật Lao động đã áp dụng trong 5.400 doanh nghiệp Nhà nước, hơn 37.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 18.000 hợp tác xã. Đến năm 2003 có khoảng 9 triệu lao động áp dụng theo Bộ luật Lao động gồm 1,8 triệu người trong doanh nghiệp nhà nước, 2,8 triệu người trong doanh nghiệp tư nhân, 0,32 triệu người lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hàng triệu người trong các khu vực kinh tế khác. Theo tính toán với chiến lược phát triển kinh tế xã hội tại Đại hội Đảng lần thứ IX thì đến năm 2010 giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn khoảng 50% (năm 2000 là 80%) thì đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động sẽ tăng lên khoảng 20 triệu người [3].

Tuy nhiên, việc thực hiện Bảo hiểm xã hội theo Điều 141 của Bộ luật Lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của phát triển như đã dự báo.

Theo số liệu thống kê năm 2005, cả nước có gần 42 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong đó, khoảng 11 triệu lao động làm công ăn lương nhưng thực tế mới có khoảng hơn 6,2 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, chiếm khoảng 15% lực lượng lao động xã hội. Trong số lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội, chủ yếu vẫn thuộc khu vực cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Lao động ở khu vực ngoài quốc doanh tham gia bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng xong chỉ chiếm khoảng 20% tổng số lao động ngoài quốc doanh thuộc diện phải tham gia [27].

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng nhiều, điều đó yêu cầu cần mở rộng bảo hiểm xã hội đến mọi người lao động cả hai hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ngoài lực lượng cán bộ công chức, công nhân quốc phòng, quân nhân công an tại ngũ, cán bộ xã phường, theo Luật Sửa đổi năm 2002, mọi doanh nghiệp đã sử dụng lao động thì phải có trách nhiệm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao

động. Loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc áp dụng đối với mọi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn [11].

Công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đã thu được những thành quả tốt đẹp, do vậy đời sống nông dân và lao động ở hầu hết các vùng được cải thiện rò rệt, từ năm 1996 đến 1999 tốc độ tăng thu nhập bình quân hàng năm khoảng 6% thu nhập bình quân đầu người của năm 1999 so với năm 1992. Theo số liệu thống kê năm 2001 thu nhập bình quân tính theo đầu người ở khu vực nông thôn là 300.000 đồng/người/tháng, thấp nhất khoảng

180.000 đồng/người/tháng và cao nhất khoảng 400.000 đồng/người/tháng. Với mức thu nhập bình quân 400.000 đ/tháng trở lên hàng tháng người nông dân có thể tiết kiệm được một khoản tiền nhất định để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm đảm bảo cuộc sống khi tuổi già, nhưng cho tới nay 75% lực lượng lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội do chưa có loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện [21].

Như vậy, theo phân tích trên, việc ban hành loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện là một vấn đề cấp thiết và phù hợp với nguyện vọng của đa số người lao động. Nguyện vọng, nhu cầu và khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động được xem như là yếu tố quyết định đến việc cho ra đời một loại hình bảo hiểm xã hội mới, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nếu người lao động không có nguyện vọng, nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội hoặc không có khả năng đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội để quỹ được hình thành, thì chính sách Nhà nước ban hành sẽ không có khả năng thực thi trong thực tiễn.

1.1.3. Thực trạng khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam

Để xác định nhu cầu, nguyện vọng và khả năng tham gia bảo hiểm xã hội của nông dân, người lao động nông thôn và các lao động khác ở khu vực

phi kết cấu đã có một số cuộc điều tra ở các địa bàn điều tra khác nhau, tác giả xin nêu một kết quả khảo sát gần đây nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện để làm cơ sở cho việc nghiên cứu xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện:

a. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 7 và tháng 8 năm 2003, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã triển khai lấy ý kiến bằng văn bản từ các địa phương, đồng thời phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội đồng Trung ương Liên minh các hợp tác xã Việt Nam và Hội Phụ nữ Việt Nam, Sở Lao động Thương binh và Xã hội một số tỉnh, thành phố tiến hành lấy ý kiến trực tiếp người lao động tại 19 xã, phường ở 11 tỉnh, thành phố thuộc ba miền (miền Bắc: Hà Nội, Hải Dương, Hà Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên; miền Trung: Phú Yên, Khánh Hòa; miền Nam: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương). Các Sở Lao động Thương binh và Xã hội gửi trực tiếp dự thảo tóm tắt Điều lệ Bảo hiểm xã hội tự nguyện và phiếu lấy ý kiến cho người lao động. Tổ chức cuộc họp những người lao động được lấy ý kiến, trình bày các nội dung chính của dự thảo, giải thích những vấn đề người lao động chưa rò và người lao động tự lựa chọn phương án trả lời trong phiếu hỏi.

Số lượng người lao động được lấy ý kiến là 928 người, trong đó lao động nam là 665 người (chiếm 72%) và lao động nữ là 263 (chiếm 28%). Đối tượng tham gia ý kiến được lựa chọn tập trung là nông dân, lao động nông nghiệp, thợ thủ công trong các làng nghề, hộ kinh doanh dịch vụ cá thể, với cơ cấu thu nhập:

Tình hình thu nhập của người được lấy ý kiến như sau:

Từ 100.000 đ đến dưới 200.000 đ/tháng: 60 người (chiếm 6,5%)

Từ 200.000 đ đến dưới 400.000 đ/tháng: 298 người (chiếm 32,5%)

Từ 400.000 đ đến dưới 700.000 đ/tháng: 338 người (chiếm 36%)

Từ 700.000 đ đến dưới 1.000.000 đ/tháng: 93 người (chiếm 10%)

Thu nhập 1.000.000 đ trở lên: 139 người (chiếm 15%) Các ý kiến rút ra từ cuộc thăm dò ý kiến này:

- Về sự cần thiết phải ban hành chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện:

Hầu hết các ý kiến đều thống nhất bảo hiểm xã hội tự nguyện là một chính sách cần thiết, nhằm đảm bảo mục đích an sinh xã hội lâu dài, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người lao động trong xã hội thuộc các thành phần kinh tế.

- Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội:

Trên 80% số người được hỏi đồng ý với quy định về đối tượng tham gia của bảo hiểm xã hội tự nguyện là những người không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Một vài ý kiến cho rằng cả những người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để bổ sung thêm tiền lương hưu hàng tháng.

Số người có nguyện vọng tham gia chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện này chiếm 87%, còn lại 13% không có nguyện vọng.

- Quy định về mức đóng và phương thức đóng phù hợp theo khả năng của người lao động.

+ Mức đóng 20.000 đồng/tháng: 325 người cho là phù hợp (chiếm 41%)

+ Mức đóng 30.000 đồng/tháng: 212 người cho là phù hợp (chiếm 26%)

+ Mức đóng 50.000 đồng/tháng: 212 người cho là phù hợp (chiếm 28%)

+ Mức đóng 70.000 đồng/tháng: 18 người cho là phù hợp (chiếm 2%)

+ Mức đóng 100.000 đồng/tháng: 25 người cho là phù hợp (chiếm

3%)

Trên 80% người lao động đồng ý với quy định thời gian tối thiểu đóng

bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu là 20 năm. Chỉ có 59 người (chiếm 6,4%)

đề xuất tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu lên 25 năm để có được mức hưởng cao.

Đa số đồng ý với tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi chung cho cả nam và nữ (chiếm 80%), số ít đề nghị tuổi nghỉ hưu của nữ là 55 tuổi và nam là 60 tuổi (chiếm 7%). Những người không đồng ý cho rằng nên quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60 tuổi và đối với nữ là 55 tuổi như quy định đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc; số ý kiến còn lại (13%) cho rằng tuổi nghỉ hưu nên quy định linh động hơn, vì có những người đã đủ 60 tuổi nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, muốn kéo dài thêm thời gian đóng để đủ điều kiện nghỉ hưu.

- Những ý kiến khác:

Nhà nước cần có sự hỗ trợ cho quỹ và đảm bảo giá trị của đồng tiền, đặc biệt khi lạm phát cao thì mức lương hưu sẽ rất thấp, không có ý nghĩa; Tổ chức thực hiện phải thuận tiện cho việc đóng và hưởng. Thủ tục phải gọn, tránh gây phiền hà cho người tham gia (dễ đóng, dễ hưởng); Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho người lao động; Thu, chi quản lý quỹ phải công khai, rò ràng, minh bạch.

b. Cuộc điều tra do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức hợp tác Kỹ thuật Việt Đức (GTZ) tiến hành với số lượng 1.600 phiếu về "Nhu cầu về khả năng tham gia bảo hiểm xã hội của lao động nông thôn" trong thời gian từ tháng 8 năm 2004 đến tháng 10 năm 2004 tại 4 tỉnh: Hải Dương, Yên Bái, Đà Nẵng, Vĩnh Long. Kết quả điều tra đã phản ảnh thực trạng việc làm, thu nhập, nhu cầu và khả năng tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động nông thôn tại các địa phương trên. Tại các tỉnh, tập trung điều tra vào các xã ven thành phố, vì đây là đối tượng cũng đã có những nhận thức nhất định về chính sách bảo hiểm xã hội, điều kiện việc làm đa dạng và thu nhập khá hơn so với các hộ ở vùng sâu, vùng xa. Nói cách khác, là đối tượng đầu tiên có thể áp dụng khi thực hiện loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện ở nông thôn. Qua phân tích điều tra về nhu cầu và khả năng tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động nông thôn ta có một số kết luận sau [33]:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/07/2022