triển, với điều kiện nguồn lực còn hạn chế, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư không nhiều, lại đang có một khoảng cách lớn về trình độ phát triển so với các nước công nghiệp phát triển, thì giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững như thế nào cho phù hợp, không vì quá tập trung tăng trưởng nhanh để mất ổn định xã hội và suy thoái môi trường, cũng không vì quá tập trung vào duy trì ổn định xã hội và bảo vệ môi trường dẫn đến tăng trưởng chậm, tụt hậu so với các nước. Đây là vấn đề nan giải, không dễ giải quyết nhưng cũng không thể lẩn tránh.
Theo Ngô Doãn Vịnh (2005), sự phát triển bền vững thường được phân tích ở các khía cạnh: phát triển bền vững về mặt kinh tế được thể hiện khi nền kinh tế phát triển có hiệu suất tức là độ gia tăng của sản lượng đầu ra nhiều hơn là tổng phần tăng đầu vào; phát triển bền vững về mặt xã hội thể hiện ở mục tiêu vì con người, không chỉ là sự mở rộng cơ hội lựa chọn cho thế hệ hôm nay mà còn không được làm tổn hại đến những cơ hội lựa chọn của các thế hệ mai sau; phát triển bền vững về mặt môi trường thông qua các chỉ tiêu về chất lượng môi trường phải được đảm bảo và không ngừng cải thiện môi trường.
Thật ra, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững có mối quan hệ hết sức chặt chẽ. Khi kinh tế phát triển sẽ giúp cho con người nâng cao được khả năng hưởng thụ của mình không chỉ vật chất mà cả văn hóa xã hội và có nhiều hiểu biết, trách nhiệm hơn về môi trường, khả năng tái đầu tư vào bảo vệ môi trường sẽ cao hơn và do đó sẽ cải thiện môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế quá nhanh là nguyên nhân gây nên sự sử dụng quá mức, lãng phí ngày càng tăng nguồn tài nguyên và môi trường. Phát triển kinh tế một cách không tính toán sẽ vượt quá năng lực tải của môi trường về khả năng sản xuất tài nguyên và khả năng chứa chất thải an toàn. Sự mất an toàn tài nguyên sẽ tác động đến đời sống, an sinh xã hội của người dân.
Trình độ khoa học và công nghệ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đặc biệt ở khía cạnh môi trường. Chỉ khi có được nền khoa học và công nghệ hiện đại, không những tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh
để đạt tăng trưởng nhanh mà còn là điều kiện cơ bản giảm thiểu ô nhiễm môi trường do đã hình thành ra nền công nghiệp sạch.
Chính sách của Chính phủ có tác động quyết định đến giải quyết các mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững như: xây dựng mạng lưới an sinh xã hội, phát động các phong trào xây dựng cuộc sống mới, ban hành các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, tham gia các công ước quốc tế.
1.2.6. Vai trò của Nhà nước
Ngày nay, không có một nền kinh tế nào là kinh tế “hoàn toàn” thị trường, tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều có thể gọi là “nền kinh tế hỗn hợp” giữa thị trường và nhà nước. Nhưng mức độ và cách thức nhà nước được sử dụng trong các hoạt động kinh tế lại tạo ra sự khác biệt giữa các nền kinh tế. Trong kinh tế học, lập luận quan trọng nhất ủng hộ việc nhà nước can thiệp vào nền kinh tế là “sự thất bại của thị trường” hay “sự khiếm khuyết của thị trường”.
Có thể bạn quan tâm!
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2020 - 1
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2020 - 2
- Tổng Tỷ Suất Phụ Thuộc 8 Về Dân Số Của Việt Nam Và Một Số Nước Trong Khu Vực (1960-2050)
- Tăng Trưởng Gdp Trên Đầu Người Của Việt Nam Và Các Nước
- Cơ Cấu Gdp Và Cơ Cấu Vốn Đầu Tư Theo Thành Phần Kinh Tế
Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.
Theo Li Tan (2006), một số nền kinh tế phát triển đi sau dựa vào nhà nước trong phát triển kinh tế có thể được lý giải bằng cách kết hợp hai nhân tố: chi phí sử dụng thị trường và lợi thế thông tin của các nền kinh tế phát triển sau. Phát triển dựa vào nhà nước nổi lên trước hết là do sử dụng chính phủ như là công cụ điều phối với giá rẻ hơn sử dụng thị trường1. Nhưng trong vai trò điều phối, chính phủ cần có thông tin “chuẩn xác” để định hướng các hoạt động sản xuất trong nền kinh tế. Với lợi thế thông tin của các nền kinh tế phát triển sau, các nước này có thể dựa vào nhà
nước như một công cụ phát triển, cắt bỏ một số chi phí giao dịch liên quan đến việc sử dụng thị trường trong nước.
Vai trò của nhà nước còn thể hiện ở việc phải duy trì tính ổn định của nền kinh tế vĩ mô thông qua việc quản lý chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; và với chức năng như là một chủ thể trung gian trong nền kinh tế để tạo ra một nền tảng vững chắc cho các hoạt động sản xuất và trao đổi diễn ra trong nền kinh tế thị trường tự do. Karl Marx đã chỉ ra rằng, với vai trò là nhà thi hành pháp luật trong nền kinh tế thị trường, nhà nước hiện đại thể hiện sức mạnh ở chỗ: lợi ích cá nhân
1 John Wallis và Douglass North (1986), chi phí giao dịch chiếm gần một nửa thu nhập quốc dân (GNP) của nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn 1870-1970.
của các quan chức công quyền hoàn toàn tách biệt khỏi công việc quản lý sản xuất và tiêu thụ. Chính sự tách biệt này cho phép chính phủ hoạt động như một thực thể độc lập nhằm thực thi nhiệm vụ của mình.
1.3. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở một số nước
1.3.1. Trung Quốc
Trong Ngô Doãn Vịnh (2007), các học giả Trung Quốc cho rằng nước mình có đại chiến lược hay chiến lược tổng thể, nó bao gồm hai bộ phận cơ bản là chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đây là chiến lược tổng thể, cao nhất về phát triển đất nước được một cơ quan của nhà nước chuyên nghiên cứu về chiến lược phát triển quốc gia đệ trình lên Quốc vụ viện xem xét. Quốc vụ viện xem xét và chấp nhận ý tưởng chiến lược, mục tiêu chiến lược cũng như con đường đạt được mục tiêu ấy và công bố tinh thần cơ bản của chiến lược với công chúng. Họ không thông qua chiến lược theo kiểu ban hành một Nghị quyết về chiến lược phát triển đất nước và không pháp lý hóa văn bản chiến lược.
Việc nghiên cứu chiến lược được giới học giả rất quan tâm và các nhà lãnh đạo, những người làm chính sách hết sức coi trọng. Năm 1980, Đặng Tiểu Bình nêu ra ý tưởng về sự phát triển của Trung Quốc trải qua 3 bước và ý tưởng này đã trở thành chiến lược phát triển của Trung Quốc. Nội dung tổng quát của Chiến lược này là: bước 1, đến năm 1990 thoát nghèo khổ, GDP/người tăng gấp đôi năm 1980; bước 2, đến năm 2000, xây dựng xã hội no đủ, GDP/người tăng gấp đôi năm 1990; bước 3, xây dựng xã hội khá giả và trở thành nước phát triển trung bình của thế giới đến năm 2020.
Tại Diễn đàn Bát Ngao (13/11/2003) ông Trịnh Tất Kiên đề xuất ý tưởng phát triển hòa bình. Ý tưởng này được diễn đạt bằng các khái niệm “quật khởi hòa bình”, “trỗi dậy hòa bình”, “phát triển hòa bình”. Đến 20/4/2004, cũng tại Diễn đàn Bát Ngao, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã chính thức phát biểu Trung Quốc kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình. Sau đó, ý tưởng này đã trở thành “Chiến lược phát triển hòa bình” của Trung Quốc.
Trong các văn kiện báo cáo về chiến lược phát triển đất nước, các học giả Trung Quốc rất chú ý trình bày các luận cứ khoa học; từ đó xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phát triển và đưa ra quan điểm, định hướng giải quyết cho những vấn đề lớn nêu trên.
Bên cạnh đại chiến lược phát triển đất nước, người Trung Quốc còn đưa ra chiến lược cho từng lĩnh vực trọng yếu, như chiến lược khai thác biển, chiến lược khai phát miền Tây, chiến lược trỗi dậy miền Trung, chiến lược chấn hưng vùng Đông Bắc, chiến lược xây dựng thể chế, chiến lược năng lượng, chiến lược cường quốc nhân tài.
1.3.2. Nhật Bản
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2007), Nhật Bản không có văn bản chiến lược công bố chính thức, có sự phê duyệt của Chính phủ. Song trong suốt chặng đường công nghiệp hoá trước đây, nước Nhật Bản luôn nhất quán một tư tưởng chiến lược là: “Chiến lược đi nhờ xe” với phương châm: “Tinh thần Nhật Bản + Kỹ nghệ phương Tây” (tức là học tập và làm chủ bằng được khoa học và công nghệ của phương Tây). Hiện nay ở Nhật Bản có hai tài liệu chiến lược đến 2020 do hai cơ quan xây dựng, bao gồm:
- Bản chiến lược của Viện nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản (NIRA), xác định “Nhiệm vụ của Nhật Bản trong thế kỷ XXI”, trong đó nêu rò nền tảng của sự phát triển quốc gia tập trung vào: Phát triển năng lượng, đặc biệt là phát triển năng lượng nguyên tử; Cải tổ cơ cấu đối với công nghiệp; Chiến lược trong lĩnh vực an ninh quốc gia và hệ thống các hành động của Nhật trong điều kiện xảy ra tình huống khủng hoảng; Chiến lược trong quan hệ Nhật Bản với các nước Bắc-Nam; Chiến lược phát triển và củng cố quan hệ với Hoa Kỳ, các nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương và khu vực khác.
- Bản chiến lược của Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản (Nippon Keidanren), với nội dung cơ bản của chiến lược là “Tiến tới xây dựng một nước Nhật Bản năng động trong thế kỷ XXI”. Trong đó nêu rò mục tiêu chiến lược giai đoạn đến 2020 là: Xây dựng một nhà nước vững mạnh trên phạm vi toàn cầu (gồm: Vai trò nhà nước
đóng góp vào hoà bình, thịnh vượng; có cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong; minh bạch, nhỏ gọn và hiệu quả đặt trong nguyên tắc chuyển giao quyền lực từ khu vực nhà nước sang tư nhân, từ trung ương xuống địa phương); Đồng thời nêu rò Chương trình hành động giai đoạn đến 2020, gồm: Lĩnh vực kinh tế và công nghệ; Chính sách và hành động của chính phủ; Lĩnh vực ngoại giao và trao đổi hợp tác quốc tế; Lĩnh vực giáo dục; Lĩnh vực kinh doanh.
1.3.3. Liên minh châu Âu
Theo Ngô Doãn Vịnh (2007), Liên minh châu Âu công bố chiến lược phát triển bền vững cho thời kỳ đến năm 2020 vào tháng 4 năm 2001. Căn cứ vào chiến lược chung này các nước thành viên trong khối xây dựng chính sách phát triển cho quốc gia mình.
Trong đó, Ba Lan và Hungary có chiến lược phát triển đất nước cho thời kỳ 10 năm hoặc 25 năm, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh tế và xã hội. Họ cho rằng gia nhập khối EU là vấn đề vừa có tính kinh tế vừa có tính xã hội, có ý nghĩa đột phá để thực hiện được chiến lược phát triển quốc gia. Cả hai nước đều đặc biệt coi trọng hai vấn đề của chiến lược: xây dựng nhà nước gắn với xây dựng nền kinh tế quốc gia và hợp tác kinh tế quốc tế; đồng thời, họ coi trọng việc điều hành và thực hiện chiến lược; và đều chú ý xây dựng nguồn nhân lực và cải cách thể chế.
Tháng 3-2005, nước Anh có chiến lược phát triển nhà nước bền vững trong thời kỳ dài hạn. Trong chiến lược mới này, họ lấy việc giúp con người có được những lựa chọn tốt hơn, kiểm soát môi trường tốt hơn, an ninh năng lượng tốt hơn, xây dựng những cộng đồng bền vững làm nòng cốt.
1.3.4. Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)
Tháng 12 năm 1997 tại Kuala Lumpur, Malaysia, những người đứng đầu các quốc gia của Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã cùng nhau đưa ra “Tầm nhìn ASEAN” với mong muốn vào năm 2020 ASEAN thịnh vượng, trở thành khu vực ổn định, hòa bình, hữu nghị và hợp tác, không có vũ khí hạt nhân, không có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tầm nhìn ASEAN định hướng phát triển và liên kết các quốc gia trong khu vực.
1.3.5. Malaysia
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2007), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Malaysia được công bố làm tầm nhìn và làm căn cứ cho các ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức để xây dựng kế hoạch phát triển, song không được phê duyệt như một văn bản pháp quy. Ý tưởng chiến lược xuyên suốt của Malaysia là: Tìm mọi phương sách tạo cho Malaysia có khả năng vươn tới không ngừng. Các giai đoạn chiến lược của Malaysia:
- Chiến lược giai đoạn 1957-1990: Chia thành 3 giai đoạn ngắn hơn: Giai đoạn 1957-1970: chiến lược thay thế nhập khẩu, tập trung phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, giảm phụ thuộc vào các mặt hàng công nghiệp nhập khẩu, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội; Giai đoạn 1971-1985: Chiến lược hướng về xuất; Và giai đoạn 1986-1990: Điều chỉnh chính sách và tự do hoá. Tạo ra một xã hội công bằng và tăng trưởng. Trong đó tập trung thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế, lĩnh vực chế tạo trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng cao, tạo cho khu vực tư nhân tăng trưởng vượt trội.
- Chiến lược giai đoạn 1991-2020: Đây là bản chiến lược được công bố, tầm nhìn quốc gia 30 năm. Mục tiêu của chiến lược là thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Xã hội chu đáo và công bằng, dân chủ. Ổn định, năng động, vững mạnh và đầy sức cạnh tranh. Xây dựng một nền kinh tế của doanh nghiệp.
1.4. Công tác nghiên cứu và thực thi chiến lược phát triển ở Việt Nam thời gian qua
Đến nay Việt Nam đã qua hai thời kỳ xây dựng chiến lược: chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010.
1.4.1. Tích cực
Về nhận thức: Các nhà hoạch định chính sách và quản lý đều khẳng định vai trò to lớn của chiến lược; đều thấy rằng cần phải có chiến lược để căn cứ điều hành và lãnh đạo quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Các tư duy có tính chiến lược đã có
những tác dụng nhất định trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi ngành, mỗi địa phương.
Về nội dung: Đã xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cho giai đoạn 10 năm, trong đó đưa ra được tầm nhìn, phác họa định hướng phát triển, đề xuất những giải pháp lớn, từ đó thấy được bức tranh chung phát triển đất nước, các vùng và ngành trong thời kỳ triển vọng. Như “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 1991-2000” là chiến lược có mục tiêu chiến lược rò ràng; thực hiện chiến lược này, đất nước Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng và phát triển mạnh mẽ, thu được những thành tựu vượt bậc; Các bản chiến lược đã làm căn cứ cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch và các chính sách lớn.
Về mặt tổ chức nghiên cứu chiến lược: đã có ý thức thu hút sự đóng góp, lấy ý kiến của đông đảo các nhà khoa học trong nước, các chuyên gia nước ngoài, các tổ chức Đảng, các tổ chức quần chúng và đại bộ phận nhân dân trong cả nước qua các thông tin đại chúng; Có sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và Chính phủ.
Về mặt tổ chức thực hiện chiến lược: Đã có bước cụ thể hoá chiến lược, bằng việc xây dựng chương trình hành động của Chính phủ, bao gồm các chương trình, đề án cụ thể để các ngành thực hiện hoặc căn cứ vào đó xây dựng chương trình hành động cụ thể của ngành và địa phương; Cụ thể hoá một số nội dung chiến lược vào trong các Nghị quyết của Trung ương.
1.4.2. Hạn chế
Về nhận thức: Còn mơ hồ, lẫn lộn trong nhận thức vị trí và nội dung của chiến lược. Không thống nhất từ trung ương đến địa phương, từ nhà nước đến ngoài nhà nước và giữa các cơ quan nhà nước; Việc xây dựng chiến lược phát triển ở các ngành, địa phương mang tính phong trào, mang tính đối phó với cấp trên, chưa thực sự có kế hoạch cụ thể để nghiên cứu chiến lược một cách thường xuyên, liên tục.
Về nội dung chiến lược: Nội dung một bản chiến lược rất nhiều, song ý đồ
chiến lược của quốc gia không rò, đặc biệt là chưa thể hiện rò trọng tâm, trọng điểm
và sự bứt phá2. Ở các nước, ý tưởng chiến lược rất rò, họ không liệt kê các ngành, lĩnh vực phải làm mà họ chỉ xác định mục tiêu chiến lược, ví dụ: Thái Lan tìm mọi cách tận dụng được cơ hội để “luồn lách” và bứt phá có lợi cho Thái Lan; Hàn Quốc noi gương các nước tiên tiến (đặc biệt là EU) làm gì thì Hàn Quốc học tập làm được cái đó để có được nền khoa học - công nghệ ngang bằng; ở Nhật Bản trong thời kỳ đầu CNH luôn nhất quan một tư tưởng chiến lược, đó là “Chiến lược đi nhờ xe” với phương châm: “Tinh thần Nhật Bản + Kỹ nghệ phương Tây”, tức là học tập và làm chủ bằng được khoa học và công nghệ của phương Tây. Từ những ý tưởng chiến lược này mà các nước định hướng cho các địa phương, các ngành, các công ty, các doanh nghiệp thực hiện các công việc “chiến thuật” rất cụ thể.
Về mặt tổ chức nghiên cứu chiến lược: Nghiên cứu hoạch định chiến lược chỉ giới hạn trong các cơ quan nhà nước, các cơ quan ngoài nhà nước, đặc biệt hệ thống các doanh nghiệp không tham gia3. Theo một tổng kết của cơ quan tư vấn Nhật Bản, việc tham gia vào hoạch định các chính sách quốc gia ở Nhật, thì 60% là các đại gia (các công ty và doanh nghiệp lớn), 20% là các nhà khoa học, 10% là các nhà hoạch
định chính sách của Chính phủ, chỉ có 10% là của các quan chức.
Về mặt tổ chức thực hiện chiến lược: Mang tính hình thức, giống triển khai nghị quyết, chẳng hạn học tập, phổ biến. Thực chất chiến lược quốc gia là phải bí mật, không công bố văn bản chiến lược cụ thể, chi tiết. Chính phủ chỉ công bố những tư tưởng chiến lược đã được lựa chọn, khi hành động thì cụ thể hoá vào trong các quy hoạch, kế hoạch. Bên cạnh đó, công tác rà soát, điều chỉnh chiến lược không được
2 Chẳng hạn, “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2001 - 2010” với chủ đề là: “Chiến lược đẩy mạnh CNH, HĐH theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”, đây là chủ đề rất chung mang tính đạo lý, không xác định rò ý tưởng chiến lược và các mục tiêu chủ đạo của giai đoạn chiến lược. Không có các căn cứ vào tiêu chí gì để có thể xác định thời kỳ chiến lược 2001-2010 chúng ta đã (hoặc chưa) hoàn thành được việc “đẩy mạnh CNH, HĐH theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”. Cũng không xác định được thời kỳ 2001-2010 cần “xây dựng nền tảng của một nước công nghiệp hóa” đến mức độ như thế nào để có thể đến năm 2020 nước ta trở thành một nước công nghiệp?. Ý đồ chiến lược không nổi rò còn thể hiện là các nội dung cơ bản của chiến lược thời kỳ 2001- 2010 lại nêu lại các vấn đề của nội dung chiến lược thời kỳ 1991-2000, chỉ khác về mức độ, không thấy sự lựa chọn mới và trọng tâm mới.
3 Trong chiến lược phát triển thời kỳ 1991-2000 đã tổ chức cho 6 cơ quan cùng xây dựng, chiến lược thời kỳ 2001-2010 đã triển khai 15 chuyên đề giao cho hầu hết các Bộ ngành tham gia xây dựng. Tất cả các cơ quan tham gia xây dựng chiến lược của hai thời kỳ chiến lược đều là cơ quan nhà nước. Các doanh nghiệp, các tổ chức quần chung chỉ được hỏi ý kiến, không phải là những thành phần cùng tham gia hoạch định chiến lược. Chính vì vậy, các chiến lược này chưa thực sự vào cuộc sống.