Cơ Cấu Doanh Thu Du Lịch Các Tỉnh Đbscl, Trung Bình Giai Đoạn 2016-2020

Bên cạnh yếu tố văn hóa, các vấn đề xã hội cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch. Các tệ nạn xã hội như: tình trạng cướp giật, móc túi, đeo bám khách du lịch để ăn xin, chèo kéo trong mua bán đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự và môi trường du lịch. Nhận thức được những nguy cơ này, chính quyền thành phố Cần Thơ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhằm chủ động phòng, chống có hiệu quả sự lây lan của các tệ nạn.

Yếu tố tự nhiên

Du lịch là ngành kinh tế nhạy cảm với các điều kiện môi trường tự nhiên. Đây được xem là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật, hệ sinh thái dẫn đến làm giảm chất lượng tài nguyên du lịch; đồng thời, gây ra tình trạng xuống cấp các di tích, danh lam thắng cảnh, hư hỏng cơ sở vật chất - hạ tầng du lịch; gây hạn chế khả năng tổ chức tour, thậm chí các tour du lịch có thể bị hủy do điều kiện thời tiết xấu, bão, lũ lụt. Đối với thành phố Cần Thơ, tác động của biến đổi khí hậu biểu hiện ngày càng rõ ở mức tăng nhiệt độ không khí, lượng mưa trung bình hàng năm giảm, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bão và giông lốc đã ảnh hưởng to lớn đến đời sống của người dân, các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ và du lịch.

Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch lại có những tác động nhất định đến môi trường tự nhiên. Ở khía cạnh tích cực, phát triển du lịch phù hợp, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường giúp bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn môi trường sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, thông qua hoạt động du lịch, cơ sở hạ tầng của địa phương được đầu tư nâng cấp; nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ và tăng cường chất lượng môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển hoạt động du lịch, từ việc xây dựng các công trình, khu du lịch đến vận hành các hoạt động du lịch lại có những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Cụ thể, ô nhiễm nguồn nước do chất thải, khai thác tài nguyên không hợp lý; ô nhiễm không khí do mật độ xe, tàu thuyền và người tập trung quá đông vào một số thời điểm; ô nhiễm, suy thoái tài nguyên đất do chất thải không được xử lý và hiện tượng xói mòn, sạt lở; hệ động thực vật tự nhiên bị tổn hại do khai thác quá mức. Chính vì vậy, các hoạt động du lịch có liên kết chặt chẽ với công tác bảo vệ môi trường đã và đang được các địa phương quan tâm nhiều hơn.

Yếu tố công nghệ và kỹ thuật

Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có du lịch. Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần

thứ tư bùng nổ, việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin - truyền thông càng trở nên cấp thiết, cho phép tạo ra các sản phẩm ứng dụng đa dạng đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch, hoạt động du lịch ngày càng được công nghệ hóa, trở nên hiện đại hơn.

Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành du lịch là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, đã được cụ thể hóa thông qua Quyết định số 1671/QĐ - TTg, ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Đề án đã nêu rõ: “Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan, tạo môi trường cho cộng đồng, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến các Bộ, ngành, tỉnh, thành trên cả nước. Thành phố Cần Thơ đã xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực là nhiệm vụ quan trọng. Trong lĩnh vực du lịch, Thành phố đã đưa vào hoạt động Cổng thông tin du lịch và Ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động, đã đem đến những lợi ích thiết thực. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ứng dụng công nghệ làm tăng hiệu quả công tác quản lý thông tin người dùng và doanh nghiệp, quản lý những phản hồi của khách du lịch, phân tích và dự báo xu hướng phát triển du lịch. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch ứng dụng công nghệ làm tăng hiệu quả của hoạt động kinh doanh. Khách du lịch ứng dụng công nghệ hỗ trợ cho các hoạt động du lịch như: tìm kiếm thông tin về điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch, lên kế hoạch đi du lịch, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn nhanh chóng. Ứng dụng các tiến bộ về khoa học và công nghệ đang làm thay đổi hoạt động du lịch trên toàn thế giới và riêng đối với thành phố Cần Thơ, góp phần đưa Thành phố trở thành trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

4.2.2.2 Môi trường vi mô

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 264 trang tài liệu này.

Cạnh tranh giữa các địa phương trong phát triển du lịch

Phân tích so sánh với các địa phương trong vùng ĐBSCL

Chiến lược marketing địa phương nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Cần Thơ - 16

Trong những năm gần đây, du lịch ĐBSCL liên tục phát triển mạnh mẽ theo nhịp phát triển du lịch của cả nước. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2016- 2020), tổng doanh thu du lịch ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 đạt 106.228 tỷ đồng,

tăng trưởng doanh thu du lịch bình quân giai đoạn này là 19,5%/năm. Hình 4.10 cho thấy, trong cơ cấu doanh thu du lịch các tỉnh ĐBSCL, trung bình giai đoạn 2016- 2020, các tỉnh Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ chiếm đến 62,6% doanh thu du lịch của vùng; 3 địa phương kế tiếp, gồm: Bạc Liêu, Bến Tre và Cà Mau chiếm 21,0% doanh thu du lịch của vùng; Các địa phương còn lại, gồm: Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh và Hậu Giang chỉ chiếm 16,4% doanh thu du lịch của vùng.


Long An 2,5% Vĩnh Long 1,7%

Sóc Trăng 3,0%

Đồng Tháp 3,6%

Tiền Giang 3,9%


Bến Tre 6,1%

Cà Mau 7,3%%

Trà Vinh 1,1%

Hậu Giang 0,6%

Kiên Giang 28,9%


Bạc Liêu 7,6%


Cần Thơ 15,2%

An Giang 18,5%



Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 2016-2020.

Hình 4.10: Cơ cấu doanh thu du lịch các tỉnh ĐBSCL, trung bình giai đoạn 2016-2020

Kiên Giang có vị trí địa lý phía Tây Nam của Việt Nam, kết nối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia và Thái Lan bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không. Phía Đông Bắc giáp với các tỉnh An Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ; phía Nam giáp với các tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu; phía Tây Nam giáp với vịnh Thái Lan; phía Bắc giáp với Campuchia. Kiên Giang được thiên nhiên ưu đãi, có cả đồng bằng, rừng, núi, biển và các hải đảo với nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch. Du lịch Kiên Giang luôn duy trì vị trí dẫn đầu vùng ĐBSCL trong thời gian qua. Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang (2016-2020), tổng doanh thu du lịch của địa phương giai đoạn 2016-2020 là 30.679 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 22,3%/năm. Doanh thu du lịch bình quân hàng năm giai đoạn này là 6.136 tỷ đồng, chiếm 28,9% doanh thu du lịch của vùng. Kiên Giang thu hút khách du lịch với đặc trưng nổi bật là phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển Phú Quốc và du lịch tham quan cảnh quan Hà Tiên. Ngoài ra, Kiên Giang có nhiều di tích lịch sử cách mạng như: rừng U Minh, Hòn Đất, Hà Tiên, Phú Quốc và các lễ hội văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc là những sản phẩm du lịch văn hóa được địa phương đầu tư khai thác phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Để phát huy hơn nữa thế mạnh về du lịch, Kiên Giang đã tăng cường liên kết với các

địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên và các nước trong khu vực, nhất là Campuchia và Thái Lan nhằm khai thác tiềm năng du lịch, đa dạng hóa tour, tuyến du lịch, hướng đến mục tiêu xây dựng Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn nhất vùng ĐBSCL.

An Giang có vị trí địa lý giáp với các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ và vương quốc Campuchia. An Giang, một vùng đất du lịch nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ, vừa có đồng bằng, núi, lại sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sông nước hữu tình và nhiều di tích lịch sử - văn hóa nên khách du lịch đến với An Giang những năm gần đây ngày một đông. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang (2016-2020), tổng doanh thu du lịch của địa phương giai đoạn 2016-2020 là 19.630 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23,8%/năm. Doanh thu du lịch bình quân hàng năm giai đoạn này là 3.926 tỷ đồng và chiếm 18,5% doanh thu du lịch của vùng. An Giang phát triển đa dạng sản phẩm du lịch như: du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái; du lịch thể thao, vui chơi giải trí và du lịch cộng đồng. Trong đó, du lịch văn hóa, tâm linh là sản phẩm du lịch đặc trưng của An Giang với Khu du lịch Núi Sam, nơi có di tích và lễ hội vía Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu; Khu du lịch Núi Cấm trên dãy Thất Sơn hùng vĩ với nhiều cảnh đẹp như: suối Thanh Long, hồ Thủy Liêm, chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh; Lễ Dolta và đua bò của người Khmer; Lễ hội Mùa nước nổi Búng Bình Thiên; Lễ hội văn hóa dân tộc Chăm. Để khai thác tiềm năng và thế mạnh về du lịch, An Giang đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước đưa ngành du lịch trở thành điểm đến “Hội tụ - Khám phá - Đồng tâm - Lan tỏa” trong khu vực ĐBSCL và cả nước.

Bạc Liêu nằm trên bán đảo Cà Mau, giáp với các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang. Bạc liêu có dạng địa hình chủ yếu là đồng bằng, sông rạch và kênh đào chằng chịt. Nơi đây nổi tiếng với đặc trưng về di sản văn hóa “Nghệ thuật đờn ca tài tử”. Đến Bạc Liêu, khách du lịch được tìm hiểu nghệ thuật đờn ca tài tử tại Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu - người sáng tác ra bản nhạc “Dạ cổ hoài lang” đã đi vào lòng người dân Nam Bộ. Ngoài ra, khách du lịch còn được tham quan những di tích lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề và thưởng thức nhiều đặc sản nổi tiếng nơi đây. Theo Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu (2016-2020), tổng doanh thu du lịch của địa phương giai đoạn 2016-2020 là 8.079 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,5%/năm. Doanh thu du lịch bình quân hàng năm giai đoạn này là 1.616 tỷ đồng, chiếm 7,6% doanh thu du lịch của vùng. Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, Bạc Liêu chú trọng đa dạng hóa các loại hình du lịch, gắn du lịch với quảng bá về đất và người Bạc Liêu, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư hạ tầng du lịch, liên kết với các địa phương hình thành mạng

lưới du lịch trong nội vùng, mạng lưới du lịch quốc gia nhằm từng bước đưa du lịch Bạc Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn ĐBSCL.

Cà Mau là tỉnh cực nam của Việt Nam, giáp với các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, biển Đông và vịnh Thái Lan. Ngành du lịch Cà Mau đã có bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau (2016-2020), tổng doanh thu du lịch của địa phương giai đoạn 2016-2020 là 7.798 tỷ đồng và doanh thu du lịch bình quân hàng năm giai đoạn này là 1.560 tỷ đồng, chiếm 7,3% doanh thu du lịch của vùng. Cà Mau có vị trí địa lý khá đặc biệt, với ba mặt tiếp giáp biển, có tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, thuận lợi phát triển các loại hình du lịch như: du lịch biển đảo, du lịch địa lý, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Cà Mau thu hút khách du lịch với đặc trưng nổi bật là du lịch sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm U Minh hạ. Hệ sinh thái động thực vật vô cùng phong phú nơi đây đã góp phần làm nên sự mới lạ và hấp dẫn khách du lịch trong hành trình khám phá vẻ đẹp sông nước Cà Mau.

Bến Tre nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, giáp với các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Thời gian qua, ngành du lịch Bến Tre đã đạt được những kết quả tích cực. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre (2016-2020), tổng doanh thu du lịch của địa phương giai đoạn 2016-2020 là 6.486 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15,4%/năm. Doanh thu du lịch bình quân hàng năm giai đoạn này là 1.297 tỷ đồng và chiếm 6,1% doanh thu du lịch của vùng. Bến Tre được biết đến là quê hương của cách mạng Đồng Khởi và là mảnh đất của những vườn dừa bạt ngàn, những vườn cây trái sum xuê, nhiều làng nghề thủ công truyền thống và di tích văn hóa - lịch sử nên Bến Tre có thế mạnh phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Trong đó, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn là loại hình đặc trưng của Bến Tre. Đến với Bến Tre, khách du lịch còn được thưởng thức ẩm thực xứ dừa, là một trong những trải nghiệm thú vị trong hành trình khám phá văn hóa ẩm thực Nam Bộ. Để phát huy tiềm năng và thế mạnh du lịch, Bến Tre chú trọng phát triển cơ sở vật chất - hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn kết du lịch Bến Tre với du lịch các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL và cả nước.

Tiền Giang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp với các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An, thành phố Hồ Chí Minh và biển Đông. Phát triển du lịch của Tiền Giang thời gian qua ở mức khá so với các địa phương khác trong vùng. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang (2016- 2020), tổng doanh thu du lịch của địa phương giai đoạn 2016-2020 là 4.123 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 4,0%/năm. Doanh thu du lịch bình quân hàng năm

giai đoạn này là 825 tỷ đồng và chiếm 3,9% doanh thu du lịch của vùng. Tiền Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đan xen nhau đã tạo nên những vườn cây ăn trái xanh tươi bốn mùa, những sản phẩm đặc sản nổi tiếng như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, cam, quít Cái Bè, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo, sơri Gò Công. Với những đặc trưng sông nước Nam Bộ, hệ sinh thái đa dạng, bản sắc văn hóa độc đáo, nhiều di tích văn hóa lịch sử nên đây chính là tiềm năng và thế mạnh rất lớn để Tiền Giang thu hút khách du lịch với đặc trưng nổi bật là du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, Tiền Giang còn đầu tư khai thác loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch biển Gò Công mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.

Đồng Tháp nằm ở đầu nguồn sông Tiền, giáp với các tỉnh Long An, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Đồng Tháp có tài nguyên thiên nhiên phong phú, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hệ thống sông ngòi chằng chịt, các vườn cây trái sum sê, nhiều di tích lịch sử văn hóa và lễ hội dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Với những đặc trưng đó, Đồng Tháp có lợi thế phát triển sản phẩm du lịch sinh thái và sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng gắn với những giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa. Mặc dù có nhiều tiềm năng về du lịch nhưng phát triển du lịch của Đồng Tháp vẫn còn khá khiêm tốn so với các địa phương khác trong vùng. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp (2016-2020), tổng doanh thu du lịch của địa phương giai đoạn 2016-2020 là 3.887 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,4%/năm. Doanh thu du lịch bình quân hàng năm giai đoạn này là 777 tỷ đồng và chỉ chiếm 3,6% doanh thu du lịch của vùng. Vì thế, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, Đồng Tháp tập trung phát triển nguồn nhân lực, phát triển hệ thống cơ sở vật chất - hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng khu, điểm du lịch trọng điểm, mời gọi đầu tư phát triển du lịch, cải thiện môi trường du lịch và liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong vùng.

Sóc Trăng nằm ở cửa Nam sông Hậu, giáp với các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh và biển Đông. Nét đặc sắc tạo nên sự khác biệt của du lịch Sóc Trăng là loại hình du lịch văn hóa tâm linh với các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng và các công trình kiến trúc chùa chiền độc đáo mang bản sắc riêng. Ngoài ra, Sóc Trăng còn có hệ thống các cù lao, vườn cây trái sum sê, cùng với đó là hệ thực thật rừng ngập mặn ven biển nên Sóc Trăng có điều kiện phát triển du lịch sinh thái miệt vườn và du lịch biển. Tuy nhiên, kết quả hoạt động du lịch tại Sóc Trăng thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng (2016-2020), tổng doanh thu du lịch của địa phương giai đoạn 2016-2020 là 3.218 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8,3%/năm. Doanh thu du lịch bình quân

hàng năm giai đoạn này là 644 tỷ đồng và chiếm 3,0% doanh thu du lịch của vùng. Do đó, để phát huy hơn nữa tiềm năng về du lịch, Sóc Trăng đã tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong vùng, đồng thời chú trọng đầu tư phát triển cơ sở vật chất - hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch đa dạng, mang tính đặc thù, để Sóc Trăng trở thành một trong những điểm đến yêu thích của khách du lịch.

Long An, cửa ngõ miền Tây Nam Bộ, giáp với các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và Vương quốc Campuchia. Long An có hệ sinh thái động thực vật đa dạng, hệ thống kênh rạch chằng chịt, cùng với sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông mang phù sa bồi đắp cho những vườn cây trái trĩu quả, những cánh đồng lúa bạt ngàn nên Long An có nhiều lợi thế phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, điển hình như: Làng nổi Tân Lập, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Khu du lịch sinh thái vùng Đồng Tháp Mười. Ngoài ra, Long An còn hấp dẫn khách du lịch bởi những di tích lịch sử - văn hóa, các làng nghề truyền thống và nhiều lễ hội gắn liền với tín ngưỡng dân gian, thể hiện tính cộng đồng, gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Tuy nhiên, kết quả hoạt động du lịch của Long An thời gian qua vẫn chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng của địa phương và còn thấp hơn so với nhiều địa phương khác trong vùng. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An (2016-2020), tổng doanh thu du lịch của địa phương giai đoạn 2016-2020 là 2.638 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,2%/năm. Doanh thu du lịch bình quân hàng năm giai đoạn này là 528 tỷ đồng và chỉ chiếm 2,5% doanh thu du lịch của vùng. Vì thế, để du lịch Long An phát triển hơn nữa trong thời gian tới, Long An đã đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, mời gọi đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng và thành phố Hồ Chí Minh phát triển thêm các sản phẩm du lịch, các tour, tuyến mới nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Vĩnh Long nằm gần trung tâm vùng ĐBSCL, giáp với các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ. Phát triển du lịch của Vĩnh Long thời gian qua còn khá khiêm tốn so với các địa phương khác trong vùng. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long (2016- 2020), tổng doanh thu du lịch của địa phương giai đoạn 2016-2020 là 1.777 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,1%/năm. Doanh thu du lịch bình quân hàng năm giai đoạn này là 355 tỷ đồng và chiếm 1,7% doanh thu du lịch của vùng. Vĩnh Long, vùng đất trù phú giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu, sở hữu hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, ruộng vườn cây trái tươi tốt, khí hậu trong lành nên từ lâu nơi đây đã nổi tiếng với đặc trưng du lịch sinh thái miệt vườn như: khu du lịch sinh thái Cù Lao An Bình, Vinh Sang, Trường Huy, Hoàng Hảo và nhà xưa Vĩnh Long. Song song đó, Vĩnh Long có tài nguyên nhân văn khá phong phú với nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh và cấp quốc gia, tiêu biểu như: Khu lưu niệm Chủ tịch Hội

đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa và Di tích quốc gia Văn Thánh Miếu; cùng các làng nghề truyền thống: đan đát, chằm lá, làm bánh tráng, làm gốm, lò rèn được địa phương khai thác phát triển loại hình du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Trà Vinh có vị trí địa lý nằm giữa sông Tiền và Sông Hậu, giáp với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng và biển Đông. Phát triển du lịch của Trà Vinh thời gian qua còn thấp so với các địa phương khác trong vùng. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh (2016-2020), tổng doanh thu du lịch của địa phương giai đoạn 2016-2020 là 1.197 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 12,5%/năm. Doanh thu du lịch bình quân hàng năm giai đoạn này là 139 tỷ đồng và chỉ chiếm 1,1% doanh thu du lịch của vùng. Trà Vinh có tài nguyên du lịch phong phú với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, những vườn cây trái đặc sản, rừng ngập mặn có hệ động thực vật phong phú, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cách mạng, kiến trúc nghệ thuật độc đáo và các lễ hội truyền thống chủ yếu của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Do đó, Trà Vinh có thế mạnh phát triển các loại hình du lịch như: du lịch văn hóa tâm linh; du lịch biển; du lịch sinh thái miệt vườn; du lịch sông nước; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, nét đặc trưng của du lịch Trà Vinh là du lịch văn hóa tâm linh với rất nhiều ngôi chùa Khmer cổ kính và các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.

Hậu Giang nằm ở hạ lưu sông Hậu, giáp với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Với nguồn lực và xuất phát điểm còn hạn chế nên phát triển du lịch của Hậu Giang thời gian qua ở vị trí thấp nhất so với các địa phương khác trong vùng. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang (2016-2020), tổng doanh thu du lịch của địa phương giai đoạn 2016- 2020 là 604 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15,9%/năm. Doanh thu du lịch bình quân hàng năm giai đoạn này là 121 tỷ đồng và chỉ chiếm 0,6% doanh thu du lịch của vùng. Hậu Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nhiều loại cây trái đặc sản, các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề thủ công truyền thống và các hoạt động lễ hội. Do đó, Hậu Giang xác định sản phẩm du lịch chủ lực cần phát huy khai thác là du lịch sinh thái; song song đó, kết hợp phát triển du lịch văn hóa, du lịch về nguồn, du lịch cuối tuần, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng. Để khai thác tiềm năng về du lịch, Hậu Giang đã tăng cường liên kết với các địa phương khác trong vùng và thành phố Hồ Chí Minh nhằm phát triển các tour tuyến và điểm đến du lịch, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, hợp tác quảng bá xúc tiến, kêu gọi đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và sản phẩm du lịch.

Xem tất cả 264 trang.

Ngày đăng: 29/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí