Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - Thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện - 15

Nhắc tới áp dụng pháp luật, chủ thể đầu tiên được nhắc tới và cũng đóng vai trò quan trọng đó là Tòa án. Hiện nay, tình trạng thiếu cán bộ đặc biệt là đội ngũ thẩm phán hầu như năm nào cũng được nhắc tới trong báo cáo tổng kết ngành Tòa án hàng năm. Tòa án cấp huyện, nơi xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ việc HN&GĐ không có thẩm phán chuyên trách, số lượng vụ việc cần giải quyết nhiều dẫn đến tình trạng tồn đọng án, đặc biệt là tình trạng án phải xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm khá nhiều. Theo Báo cáo của TANDTC, năm 2007, trong số 73.174 vụ việc đã được Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết, có 2.936 vụ việc phải xét xử phúc thẩm, 141 vụ việc thụ lý để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Năm 2008, tổng số 79.143 vụ việc được Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết, có 2.975 vụ việc phải xét xử phúc thẩm, 111 vụ việc thụ lý để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm… [48]. Trong đó, có nhiều vụ việc không phức tạp, đầy đủ căn cứ pháp luật để giải quyết nhưng do hạn chế về trình độ hoặc do thiếu "công tâm" mà thẩm phán đã giải quyết không đúng pháp luật, không bám sát các nguyên tắc chia tài sản chung được quy định tại Luật HN&GĐ năm 2000 và các quy định có liên quan của các luật chuyên ngành khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích chính đáng của đương sự, mất lòng tin của nhân dân. Bởi vậy, bên cạnh việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật, một vấn đề quan trọng và cần thiết khác là ngành Tòa án phải tiếp tục tăng cường số lượng, kịp thời bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán khi hết nhiệm kỳ... Bổ nhiệm các thẩm chuyên trách về HN&GĐ cho Tòa án cấp huyện để nâng cao chất lượng xét xử các vụ việc về HN&GĐ tại cấp xét xử này. Đồng thời, Nhà nước cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ xét xử các vụ việc về HN&GĐ đặc biệt là vụ việc về chia tài sản chung của vợ chồng để các thẩm phán trao đổi kinh nghiệm, học tập nâng cao kỹ năng xét xử. Bên cạnh đó, TANDTC cần định kỳ ban hành các tập hợp án điển hình về các vụ án liên quan đến chế định chia tài sản chung của vợ chồng để thẩm phán Tòa án các cấp nghiên cứu, học tập và vận dụng vào thực tiễn xét xử. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng xét

xử của các vụ việc liên quan đến chia tài sản chung của vợ chồng, giảm số lượng án bị kháng cáo, kháng nghị.

3.2.2. Có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển các tổ chức hành nghề công chứng

Với kiến nghị mọi văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đều phải công chứng hoặc được Tòa án công nhận thì cần thiết phải có cơ chế hỗ trợ công chứng phát triển. Chính phủ đã ban hành tiêu chí quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 kèm theo quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 17/2/2011, đây sẽ là cơ sở để xây dựng quy hoạch và phát triển các tổ chức hành nghề công chứng một cách "bài bản" theo lộ trình khoa học, hợp lý và phù hợp với thực tiễn. Việc cấp phép thành lập mới các văn phòng công chứng tư phải đảm bảo theo quy hoạch, phân bổ hợp lý giữa các vùng, các địa phương để đáp ứng nhu cầu công chứng các văn bản, hợp đồng.. của nhân dân. Thực hiện tốt việc quản lý cấp phép thành lập cùng với việc xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả sẽ đảm bảo "chất lượng" công chứng, không để tình trạng các văn phòng công chứng tư chạy theo lợi nhuận mà "sao nhãng" nhiệm vụ kiểm soát tính xác thực, tính hợp pháp của các văn bản thỏa thuận chia tài sản chung. Nhờ đó, hiện tượng vợ chồng làm các giao dịch giả tạo khi có nhu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân cũng sẽ được hạn chế.

3.2.3. Triển khai đồng bộ, nghiêm túc quy định pháp luật về đăng ký tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng

Hiện nay, việc đăng ký tài sản chung của vợ chồng đã được các văn bản pháp luật liên quan quy định khá đồng bộ và thống nhất. Đó là các quy định tại Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000 "Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng"; Điều 12 Luật nhà ở 2005 "trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì ghi tên của cả vợ và chồng, trường hợp có vợ hoặc chồng không

thuộc diện sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật thì chỉ ghi tên người có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam"; Khoản 3 Điều 48 Luật Đất đai năm 2003 "trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng"… Mặc dù pháp luật đã quy định đầy đủ như vậy nhưng thực tế vẫn còn nhiều trường hợp tài sản chung của vợ chồng nhưng chỉ đăng ký tên của một người. Khi có tranh chấp, vợ, chồng và cả các cơ quan xét xử phải mất thời gian, công sức để chứng minh và xác định tài sản chung. Thực trạng trên một phần do hiểu biết pháp luật của vợ chồng còn hạn chế, do thói quen, tâm lý của vợ chồng…; nhưng nguyên nhân cũng còn do sự triển khai quy định pháp luật không đồng bộ, thiếu triệt để; do một bộ phận cán bộ làm công tác đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng còn chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng của việc ghi tên vợ và chồng vào giấy chứng nhận dẫn đến tình trạng thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, hướng dẫn cho người đăng ký về các quy định pháp luật kể trên. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền các quy định pháp luật, tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật về đăng ký tài sản chung cho vợ chồng thì các cơ quan chức năng cũng cần quán triệt việc thực hiện đúng quy định pháp luật đối với đội ngũ cán bộ tiến hành đăng ký tài sản. Đồng thời thường xuyên tổng kết, cập nhật số liệu về tình hình thực hiện đăng ký tài sản chung của vợ chồng để rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng triển khai thực hiện quy định pháp luật hiệu quả hơn.

3.2.4. Tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng pháp luật Hôn nhân và gia đình đặc biệt là các quy định về tài sản chung của vợ chồng

HN&GĐ là lĩnh vực gần gũi và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của tất cả mọi người. Vì thế, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật HN&GĐ là rất cần thiết và cần được chú trọng. Việc tuyên truyền phải đi vào thực chất, phù hợp với từng loại đối tượng để tuyên truyền pháp luật mang lại hiệu quả thiết thực cho đối tượng được tuyên truyền. Bên cạnh việc phổ biến các quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ chồng, các con…cần đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức của vợ chồng về các quy định liên quan

đến tài sản của vợ chồng như quy định pháp luật về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng, hình thức, thủ tục thực hiện các giao dịch về tài sản, quy định về đăng ký quyền sở hữu tài sản chung… bởi trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, tài sản không còn là vấn đề "thứ yếu" mà là một phần quan trọng trong đời sống gia đình và cũng là vấn đề dễ dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp. Thực tế cho thấy, nhiều vụ chia tài sản chung đã được Tòa án giải quyết đúng luật nhưng vẫn bị kháng cáo vì vợ, chồng cho rằng Tòa án chưa giải quyết thỏa đáng quyền lợi của họ. Nguyên nhân của tình trạng này không hẳn do quy định pháp luật còn khuyết thiếu hay do quá trình áp dụng pháp luật của thẩm phán, mà do hiểu biết chưa chuẩn xác của vợ chồng về quy định pháp luật đối với vấn đề tài sản của họ. Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng đặc biệt là các quy định về tài sản chung và chia tài sản chung của vợ chồng là hết sức cần thiết. Từ việc biết, hiểu các quy định pháp luật, vợ chồng sẽ nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật, tránh những tranh chấp tài sản phát sinh, những khiếu kiện không đúng do thiếu hiểu biết pháp luật.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng đang đặt ra cấp thiết để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Nhiều quy định về chia tài sản chung của vợ chồng cần được quy định cụ thể và chặt chẽ hơn đặc biệt là các quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để đảm bảo việc tuân thủ và áp dụng đúng pháp luật. Bên cạnh đó, để chế định pháp luật chia tài sản chung của vợ chồng đi vào cuộc sống, ngoài việc cần hoàn thiện các quy định trực tiếp liên quan đến chế định này trong BLDS, Luật HN&GĐ, còn đòi hỏi sự hoàn thiện của các ngành luật khác như pháp luật về thuế, về đất đai, về v.v…

Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - Thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện - 15

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật thì đội ngũ công chứng viên, thẩm phán cần phải tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp…

Một góc độ khác cũng cần được xem xét để hạn chế các tranh chấp tài sản chung phát sinh và kéo dài, đó là cần có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động từ phía vợ chồng. Vợ chồng cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật không nên vì những lợi ích trước mắt mà cố tình làm trái hoặc tìm cách „lách" luật.

Tóm lại, quy định pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, để các quy định này được áp dụng đúng và hiệu quả cần phải kết hợp nhiều giải pháp và thực hiện những giải pháp đó một cách đồng bộ trên thực tế.

KẾT LUẬN


Qua nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định pháp luật Việt Nam, chúng tôi rút ra một số kết luận chính như sau:

1. Tài sản chung của vợ chồng thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Chia tài sản chung của vợ chồng được hiểu là phân chia tài sản chung thành từng phần thuộc sở hữu riêng của vợ và của chồng. Pháp luật Việt Nam thời kỳ phong kiến chỉ có một vài quy định nhỏ về chia tài sản chung của vợ chồng, qua quá trình phát triển, đến nay chế định này đã trở thành một chế định cơ bản trong hệ thống các quy định pháp luật về HN&GĐ và chế định đó đóng vai trò quan trọng trong thực tiễn.

2. Chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật Việt Nam là chế độ tài sản pháp định, theo đó, nguồn gốc tài sản chung, nguyên tắc sử dụng, định đoạt tài sản chung… do pháp luật quy định. Theo quy định pháp luật, tài sản chung của vợ chồng có thể được chia trong ba trường hợp là chia trong thời kỳ hôn nhân; chia khi ly hôn và chia khi một bên vợ hoặc chồng chết.

3. Pháp luật hiện hành đã quy định nhiều vấn đề cụ thể về các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng tạo cơ sở pháp lý để vợ chồng thực hiện và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tình huống thực tế phát sinh. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, các quy định này đã bộc lộ nhiều hạn chế và chưa phù hợp dẫn đến phát sinh nhiều tranh chấp tài sản phức tạp, kéo dài. Cụ thể, các quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân còn chưa cụ thể, chặt chẽ dễ dẫn đến tình trạng vợ chồng lạm dụng, nhà nước khó kiểm soát và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của những người có liên quan; khi vợ chồng ly hôn, vấn đề xác định tài sản chung của vợ chồng trước khi chia vô cùng khó khăn do thực tiễn nảy sinh nhiều vấn đề là quy định pháp luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể…; về chia tài sản chung khi vợ hoặc chồng chết trước, Tòa án lại lúng túng vì pháp luật không quy định nguyên tắc chia…Bên

cạnh đó, do trình độ của một số thẩm phán còn hạn chế gây cản trở trong quá trình áp dụng pháp luật. Sự thiếu hiểu biết pháp luật của vợ chồng cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả áp dụng pháp pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng trong thực tế.

4. Thực tế trên đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ từ việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật đến việc nâng cao trình độ đội ngũ thẩm phán, nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của vợ chồng…để pháp luật phù hợp và đáp ứng được yêu cầu phát triển của đời sống, hạn chế những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, bảo vệ tốt hơn lợi ích hợp pháp của vợ chồng và của những chủ thể có liên quan.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Bộ Tài chính (2008), Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9 hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 100/2008/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật thuế thu nhập cá nhân, Hà Nội.

3. Thụy Châu (2009), "Tranh chấp tài sản của vợ chồng: lấy ba bà, chết rồi vẫn rối", https://thongtinphapluatdansu.wordpress.com.

4. Chính phủ (2001), Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình, Hà Nội.

5. Chính phủ (2011), Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17/6 về lệ phí trước bạ, Hà Nội.

6. Nguyễn Văn Cừ (2000), "Chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân đang tồn tại", Toà án nhân dân, (9), tr. 18-22.

7. Nguyễn Văn Cừ (2008), Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

8. Nguyễn Văn Cừ - Ngô Thị Hường (2002), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

9. Trần Quang Cường (2011), "Tài sản riêng hay chung", Tòa án nhân dân, (01), tr. 36, 24.

10. Đại học viện Sài Gòn (1959), Hồng Đức Thiện chính thư, Sài Gòn.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Hà Nội.

12. Nguyễn Ngọc Điện (2004), Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/12/2022