Chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo pháp luật Việt Nam - 2

hoàn thiện phù hợp với các quan hệ xã hội XHCN, theo đó quyền và lợi ích về tài sản của công dân được chú trọng bảo vệ ngày một phù hợp hơn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một trong những nội dung quan trọng của pháp luật thừa kế là quan hệ thừa kế nhà ởquyền sử dụng đất ở. Bởi vì, nhà ở và đất ở là những bất động sản có giá trị đối với với cá nhân, với hộ gia đình theo ngạn ngữ: “an cư, lạc nghiệp” và là căn cứ xác định những thuận lợi và khó khăn của một đời người. Tính đến thời điểm hiện nay, các công trình nghiên cứu về thừa kế nói chung của các nhà luật học trong nước khá phong phú. Tuy nhiên, trong các công trình này, việc xác định chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo qui định của pháp luật Việt Nam thì chưa có một công trình nghiên cứu nào nghiên cứu một cách tổng thể và toàn diện, mà chỉ đề cập đến việc phân chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở như một nội dung nhỏ cần phải có trong cơ cấu nội dung của luận văn mà thôi. Các công trình nghiên cứu về thừa kế nói chung hoặc theo pháp luật hoặc theo di chúc hoặc thừa kế thế vị phải kể đến một số công trình tiêu biểu như: Chế độ hôn sản và thừa kế trong luật Việt Nam của TS. Nguyễn Mạnh Bách (Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1993); Một số suy nghĩ về thừa kế trong luật dân sự Việt Nam của TS. Nguyễn Ngọc Điện (Nxb. Trẻ, 1999); Thừa kế theo pháp luật của công dân Việt Nam từ năm 1945 đến nay của PGS.TS. Phùng Trung Tập (Nxb. Tư pháp, 2004); Luật thừa kế Việt Nam của PGS.TS. Phùng Trung Tập (Nxb. Hà Nội, 2009); Luận án tiến sĩ của Phạm Văn Tuyết: Thừa kế theo di chúc trong qui định của Bộ luật dân sự Việt Nam; Pháp luật thừa kế của Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn của TS. Nguyễn Minh Tuấn (NXb. Lao động – Xã hội, 2009) và một số công trình khác được công bố trong các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Tòa án nhân dân, Tạp chí Luật học; Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Tạp chí Dân chủ và pháp luật. Tuy nhiên, những công trình khoa học kể trên chỉ tập trung nghiên

cứu về thừa kế nói chung, mà không có công trình nào nghiên cứu về thừa kế nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo qui định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Ngoài ra, trong những năm qua, tuy đã có một số luận văn cao học luật nghiên cứu về thừa kế tại các cơ sở đào tạo luật là Đại học Luật Hà Nội và Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhưng các công trình này chủ yếu tập trung nghiên cứu về thừa kế thế vị, về những người không được quyền hưởng di sản, về thừa kế theo di chúc, về thừa kế theo hàng cụ thể: Luận văn thạc sĩ của Phạm Thị Bích Phượng (Khoa Luật Đại học Quốc Gia Hà Nội) về Thừa kế thế vị theo qui định của pháp luật Việt Nam hiện hành (2006); Luận văn thạc sĩ của Vũ Thị Lan Hương (Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội) về xác định di sản thừa kế theo di chúc theo qui định trong Bộ luật dân sự năm 2005… Với tình hình nghiên cứu trên, việc nghiên cứu đề tài: “Chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo pháp luật Việt Nam” là một công trình nghiên cứu độc lập, lần đầu tiên được nghiên cứu ở nước ta và không có sự trùng lặp với bất kỳ một công trình khoa học nào đã công bố. Hơn nữa, học viên là người làm công tác thực tiễn tại Toà án, cho nên rất tâm huyết với đề tài này và mạnh dạn nghiên cứu để phục vụ cho công tác thực tiễn của bản thân.

3. Mục đích và phạm vi nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu đề tài: Dựa trên những cơ sở lý luận về thừa kế nói chung để qua đó nghiên cứu thực trạng áp dụng luật thực định để giải quyết những tranh chấp về chia di sản thừa kế là nhà ở và đất ở tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, để qua đó chỉ ra những vụ việc chia di sản thừa kế là nhà ở và đất ở còn tồn tại nhiều sai sót, chưa thỏa đáng đồng thời cũng chỉ ra những bất cập, thiếu sót của luật thực định để khuyến nghị và nêu biện pháp hoàn thiện pháp luật qui định về di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

3.2. Phạm vi nghiên cứu đề tài

Với đề tài luận văn này, học viên chỉ tập trung nghiên cứu pháp luật Việt Nam hiện hành dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, mà không nghiên cứu pháp luật Việt Nam nói chung.

Tập trung nghiên cứu qui định của pháp luật hiện hành về thừa kế, qua đó phân tích thực trạng áp dụng pháp luật hiện hành để giải quyết những tranh chấp về chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Tìm hiểu các cơ sở, các yếu tố tác động ảnh hưởng đến việc xây dựng các qui định của pháp luật qui định về thừa kế nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Nghiên cứu thực tiễn áp dụng các qui định của pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp về chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở, thông qua công tác xét xử tại Tòa án nhân dân các cấp ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu đề tài

Cơ sở phương pháp luận của việc nghiên cứu và hoàn thành đề tài dựa trên cơ sở lý luận của học thuyết Mác – Lênin về chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Trên cơ sở của phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, các phương pháp nghiên cứu sau đây được sử dụng trong việc thực hiện đề tài như: Phương pháp lịch sử, phân tích, thống kê, tổng hợp, phương pháp so sánh…

5. Những kết quả nghiên cứu mới của luận văn

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

- Nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận của qui định pháp luật về thừa kế, về chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo qui định của pháp luật hiện hành.

- Phân tích thực trạng giải quyết những tranh chấp thừa kế nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại Toà án nhân dân trong một số năm trở lại đây, để qua đó nhận xét hiệu quả điều chỉnh của pháp luật qui định về thừa kế nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo pháp luật Việt Nam - 2

- Phân tích, đánh giá những qui định chung về thừa kế và thừa kế nhà ở, quyền sử dụng đất ở, phát hiện những bất cập của một số qui định của pháp luật về thừa kế, để nêu ra phương hướng hoàn thiện pháp luật thừa kế phù hợp với thực tế.

6. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương.

Chương 1: Những vấn đề chung về thừa kế, di sản thừa kế, chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở

Chương 2: Thực tiễn áp dụng pháp luật chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở

Chương 3. Giải pháp hoàn thiện những qui định pháp luật về chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ THỪA KẾ, DI SẢN THỪA KẾ, CHIA DI SẢN LÀ NHÀ Ở VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở


1.1. Khái niệm thừa kế và quyền thừa kế

1.1.1. Khái niệm thừa kế

Thừa kế là một quan hệ xã hội, là việc dịch chuyển tài sản của một người đã chết cho người khác còn sống theo di chúc hoặc theo điều kiện, trình tự hàng thừa kế. Thừa kế xuất hiện đồng thời với quan hệ sở hữu và sự phát triển của xã hội loài người. Trong thời kỳ đầu của chế độ cộng sản nguyên thuỷ, những điều kiện về kinh tế, xã hội và hôn nhân phụ thuộc vào địa vị chủ đạo của người phụ nữ trong thị tộc. Trong chế độ mẫu hệ với địa vị chủ đạo của người phụ nữ đã tạo ra tiền đề cho việc thừa kế tài sản của các con và những người có quan hệ huyết thống của người mẹ. Trong tác phẩm:

Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước, F.Angghen viết: Theo chế độ mẫu quyền, nghĩa là chừng nào mà huyết tộc chỉ kể về bên mẹ và trật tự thừa kế lúc ban đầu trong thị tộc, thì chỉ những người cùng họ hàng trong thị tộc đã chết. Tài sản phải để lại trong nội bộ thị tộc. Vì tài sản để lại không có giá trị gì cho lắm nên trong thực tiễn có lẽ là từ xưa người ta vẫn trao tài sản cho những người bà con thân thuộc nhất về phía người mẹ… Lúc đầu chúng thừa kế người mẹ cùng với những người cùng huyết tộc với mẹ chúng, về sau có thể chúng là người đầu tiên kế thừa mẹ chúng [12, tr.79].

Vào thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ, việc thừa kế được hình thành theo tập quán của thị tộc. Theo đó, tài sản của thị tộc do người mẹ quản lý, khi người mẹ chết đi thì di sản được chuyển dịch cho những người thân thích trong thị tộc và tài sản của thị tộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Hình thức thừa kế này là hình thức thừa kế đầu tiên của xã hội loài người về vật phẩm tiêu dùng và tư liệu sản xuất nhằm tiếp tục duy trì cuộc sống chung cho toàn bộ các thành viên trong thị tộc.

Theo tiến trình phát triển của nhân loại là sự phát triển không ngừng của nền sản suất xã hội, và chính tự thân của sự phát triển này đã là nguyên nhân làm thay đổi địa vị của người phụ nữ trong thị tộc, trong mỗi gia đình thành viên thị tộc. Sự ra đời của nhiều ngành nghề mới như nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt đòi hỏi sức khoẻ và trí tuệ của người đàn ông, sản phẩm lao động mà người đàn ông làm ra không những đủ nuôi sống gia đình mà còn tạo ra nhiều của cải dư thừa. Địa vị của người đàn ông trong gia đình và trong từng thị tộc, bộ lạc dần dần được thiết lập. Đặc biệt khi nhà nước ra đời và qui định chế độ hôn nhân một vợ một chồng đã làm cho con cái biết rõ cha mẹ mình. Từ đó trong quan hệ gia đình xác lập huyết thống theo họ cha và chế độ gia đình phụ hệ thay thế cho chế độ mẫu hệ. Chế độ mẫu hệ đã dần mờ nhạt thay bằng chế độ phụ hệ với vai trò gia trưởng đặc trưng của người đàn ông. Các con trong gia đình có huyết thống với người cha sẽ mang họ cha và được thừa kế tài sản của cha.

Thế là huyết thống theo họ mẹ và quyền thừa kế theo mẹ đã bị xoá bỏ, huyết tộc theo họ cha và thừa kế cha được xác lập”. Như vậy qua mỗi một thời kỳ, qua mỗi một giai đoạn phát triển của xã hội loài người tương ứng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, của hình thức gia đình thì việc điều chỉnh quan hệ sở hữu có thay đổi dẫn theo sự thay đổi của các quan hệ thừa kế đó là do các nguyên nhân về kinh tế, quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân trong xã hội quyết định [30].

Như vậy ngay từ khi nhà nước và pháp luật chưa ra đời thì quan hệ sở hữu và thừa kế đã xuất hiện như một yếu tố khách quan. Thừa kế xuất hiện

phụ thuộc vào chế độ sở hữu. Nếu sở hữu là yếu tố đầu tiên để xuất hiện quan hệ sở hữu thì thừa kế là phương tiện duy trì củng cố quan hệ sở hữu.

Khi xã hội phân chia thành giai cấp và chế độ tư hữu được hình thành, giai cấp thống trị chiếm hữu hầu hết tư liệu sản xuất và truyền lại cho con cháu nên địa vị thống trị được củng cố từ đời này sang đời khác. Việc thừa kế tài sản là sự chuyển dịch công cụ, phương tiện bóc lột của giai cấp thống trị cho con cháu nhằm tiếp tục xác lập quyền lực về chính trị, kinh tế đối với những người lao động.

Qua các thời kỳ phát triển của xã hội loài người, quan hệ thừa kế có tính kế thừa các giá trị vật chất và tinh thần của gia đình và dòng tộc. Những thành quả lao động của gia đình như nhà ở và những của cải để dành khác, đây là những thành quả lao động mà thế hệ trước để lại cho thế hệ sau bởi nhà ở và các tài sản khác không những là tài sản có giá trị lớn, mà nó còn thể hiện giá trị văn hoá đã tồn tại và phát triển qua các thời kỳ lịch sử.

Ở Việt Nam, việc thừa kế di sản đã hình thành theo tập quán của từng dân tộc, từng vùng miền, thậm chí việc chia di sản thừa kế còn theo truyền thống của dòng tộc. Hình thức thừa kế này rõ nét nhất là ở một số tỉnh vùng Tây Nguyên như tỉnh Gia lai, theo Luật tục Êđê và M‟nông thì thừa kế thuộc về những người thuộc về họ của người mẹ. Hai dân tộc này vẫn theo chế độ mẫu hệ truyền thống, do vậy tài sản trong gia đình thuộc quyền sở hữu của người mẹ và người con gái, người đàn ông là người bố hoặc người chồng không có quyền hưởng di sản của người vợ goá [30]. Luật thừa kế hiện đại của nước ta đã quan tâm đến quan hệ huyết thống giữa những người có quyền hưởng di sản của nhau, đồng thời đặt mối quan hệ này trong mối liên hệ với quan hệ hôn nhân và quan hệ nuôi dưỡng. Con cháu trong gia đình được hưởng di sản từ ông bà, cha mẹ và thực hiện nghĩa vụ thờ cúng tổ tiên, việc thờ cúng tổ tiên nhắc nhở con cháu nhớ công ơn của người đã chết.

1.1.2. Khái niệm quyền thừa kế

Nếu thừa kế là một quan hệ xã hội phát sinh ngay cả trong một xã hội chưa phân chia thành giai cấp, chưa có nhà nước và pháp luật (thuộc về phạm trù kinh tế), thì quyền thừa kế chỉ có thể phát sinh trong một xã hội có nhà nước và pháp luật. Quyền thừa kế hàm chứa những yếu tố cấu thành một quan hệ pháp luật và có những đặc điểm pháp luật đặc thù. Chế định về quyền thừa kế không những qui định quyền tự định đoạt của của thể trong việc để lại di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật và quyền của người được thừa kế di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật có quyền hưởng hoặc từ chối quyền hưởng di sản theo những điều kiện do pháp luật qui định. Hình thức dịch chuyển tài sản của người chết cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo qui định của pháp luật chính là cơ sở để xác lập quyền sở hữu đối với tài sản của người thừa kế hợp pháp. Như vậy giữa quyền sở hữu đối với tài sản và quyền thừa kế có mối quan hệ qua lại với nhau, nếu quyền thừa kế là một trong những căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản của người thừa kế hợp pháp, thì quyền sở hữu lại chi phối trực tiếp đến quyền thừa kế. Quyền thừa kế được hiểu dưới hai nghĩa:

Thứ nhất, quyền thừa kế theo theo nghĩa rộng (nghĩa khách quan) là tổng hợp các qui phạm pháp luật qui định về trình tự, hình thức để lại di sản và hưởng di sản thừa kế; người thừa kế có quyền nhận hay không nhận di sản; có quyền kiện hay không kiện yêu cầu chia di sản trong thời hạn pháp luật qui định. Theo qui định tại Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2005: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho những người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật” [23, Điều 631].

Thứ hai, quyền thừa kế hiểu theo nghĩa chủ quan: Là quyền dân sự cụ thể của mỗi cá nhân trong việc để lại di sản cho người thừa kế theo di chúc

Xem tất cả 106 trang.

Ngày đăng: 21/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí