Đặc Điểm Lâm Sàng, Hình Ảnh Nội Soi Ống Cứng Ung Thư Thanh Quản

Nhận xét:

- Sự khác biệt giữa hình thái, vị trí khởi phát và sự lan tràn u với kết quả phân độ mô học trong ung thư thanh quản là không có ý nghĩa thống kê với p>0,05.

CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN


4.1. Đặc điểm lâm sàng, hình ảnh nội soi ống cứng ung thư thanh quản

4.1.1. Đặc điểm chung của nhóm nghiên cứu

4.1.1.1. Phân bố theo độ tuổi

Trong 33 trường hợp nghiên cứu, tuổi thấp nhất là 49 tuổi, cao nhất là 74 tuổi, trung bình 61,85 ± 7,01 tuổi. Bệnh nhân trên 50 tuổi chiếm đa số với tỷ lệ là 90,9%. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi từ 61 đến 70 chiếm 48,5%.

Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Eusternan [49] tuổi trung bình mắc UTTQ từ 60 đến 62 tuổi. Còn theo Adams và Brasnu [50] hay Phạm Tuấn Cảnh và Nguyễn Hoàng Huy [51] thì lứa tuổi trung bình là từ 50 đến 60 tuổi.

Có thể giải thích kết quả nghiên cứu ở trên là do ở độ tuổi trên 50, bệnh nhân đã có thời gian dài tiếp xúc với các yếu tố phơi nhiễm, thường trung bình khoảng 20-30 năm trước đó. Những bệnh nhân này vẫn còn khả năng lao động, cống hiến cho xã hội, hơn nữa ung thư thanh quản nếu được phát hiện sớm và điều trị phù hợp sẽ có tiên lượng tốt về mặt bệnh học và có thể phục hồi hoàn toàn chức năng thanh quản, nên việc chẩn đoán chính xác, tránh bỏ sót bệnh khi còn ở giai đoạn sớm là cần thiết.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 79 trang tài liệu này.

4.1.1.2. Đặc điểm về giới

Trong số 33 trường hợp nghiên cứu, có 32 bệnh nhân nam (97%) cao hơn rất nhiều so với nữ (3%). Tỷ lệ nam/nữ là 32/1.

Chẩn đoán ung thư thanh quản bằng hình ảnh nội soi ống cứng gián tiếp và sinh thiết ống mềm - 7

Kết quả này của chúng tôi tương đồng với nghiên cứu của Phạm Tuấn Cảnh và Nguyễn Hoàng Huy [51], tuy nhiên tỷ lệ này cao hơn so với các tác giả khác như Brasnu là 10/1 [50], còn theo Eusternan là 8/1 [49].

Như vậy cho thấy tỷ lệ ung thư thanh quản ở nữ giới tại các nước Âu – Mỹ cao hơn nước ta. Nguyên nhân lý giải cho sự khác biệt này có thể là do tỷ lệ phụ nữ hút thuốc, uống rượu ở nước ta còn thấp hơn nhiều so với nam giới.

4.1.1.3. Đặc điểm địa dư

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ở nông thôn chiếm đa số với 69,7%, tỷ lệ bệnh nhân sinh sống ở thành thị thấp hơn với 30,3%. Theo các tác giả Nguyễn Quang Trung và Võ Thanh Quang, tỷ lệ bệnh nhân đến khám ở thành thị là 22,05% và ở nông thôn là 77,95%; tỷ lệ phát hiện bệnh ung thư ở thành thị là 0,77% , ở nông thôn là 0,76%.

Theo chúng tôi, tỷ lệ bệnh nhân UTTQ sống ở nông thôn cao hơn thành thị có thể giải thích là do hiện nay số lượng người dân sinh sống ở nông thôn tại nước ta vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn ở thành thị.

4.1.1.4. Các yếu tố nguy cơ và tiền sử các bệnh lý tai mũi họng

Nguy cơ hàng đầu gây UTTQ là các thói quen sử dụng thuốc lá với nhiều hình thức và mức độ tiêu thụ rượu quá mức gây tổn thương mạn tính niêm mạc. Vì thế nghiên cứu yếu tố nguy cơ gây bệnh chủ yếu khảo sát về vấn đề hút thuốc và lạm dụng rượu.

Khi tìm hiểu các yếu tố nguy cơ và tiền sử bệnh lý tai mũi họng chúng tôi thấy đa số bệnh nhân đều có thói quen sử dụng thuốc lá và rượu. Với 23/33 bệnh nhân hút thuốc lá (69,7%), 21/33 bệnh nhân sử dụng rượu (63,6%) và 18/33 bệnh nhân sử dụng cả thuốc lá và rượu (54,5%). Số trường hợp có tiền sử viêm thanh quản mạn tính là ít nhất với 3 trường hợp (9,1%).

Kết quả này của tương đồng với một số nghiên cứu khác, theo Menach và cộng sự, có tới 66% bệnh nhân ung thư thanh quản hiện đang hút thuốc lá, trong đó có 75% đã hút thuốc trong hơn 30 năm [52].

Theo IARC 1986, thuốc lá là nguy cơ chính của UTTQ. Ngoài ra, kết hợp uống rượu và hút thuốc lá kéo dài sẽ làm tăng phơi nhiễm nguy cơ ung thư nguyên phát thứ hai trong những bệnh nhân đã có ung thư đường tiêu hóa hô hấp trên trước đó,cũng có thể điều này liên quan tới giả thuyết vùng ung thư hóa (fieldcancerization) [53]. Tác giả Tuyns (1988) cũng đã chứng minh rằng mức độ tiêu thụ rượu có ảnh hưởng đến nguy cơ UTTQ [54]. Những bệnh nhân sử dụng thuốc lá và lạm dụng rượu còn ảnh hưởng đáng kể tới việc hình thành các bệnh kèm theo, từ đó những bệnh nhân này cộng hưởng các yếu tố sẽ có tiên lượng xấu khi điều trị [55].

4.1.2. Đặc điểm lâm sàng của nhóm nghiên cứu

4.1.2.1. Lý do vào viện

Trong nghiên cứu này, có tất cả 33/33 bệnh nhân đến khám vì khàn tiếng, chiếm tỷ lệ 100%. Khàn tiếng thường kéo dài trên 3 tuần, đã điều trị nội khoa ở các tuyến cơ sở nhưng không đỡ. So với các tác giả khác trong nước, như Nguyễn Vĩnh Toàn là 86,7% [56], Nguyễn Lê Hoa là 82,4% [17], Nguyễn Hoàng Huy là 70% [15], thì kết quả của chúng tối cao hơn. Có thể giải thích sự khác biệt này là do hấu hết các bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi đến viện ở giai đoạn sớm, khi tổn thương u chưa phát triển lớn gây hẹp đường thở hoặc hạn chế sự di động của sụn phễu.

Ngoài khàn tiếng, có một số ít trường hợp người bệnh đến khám có kèm các triệu chứng khác như ho khan (6,1%), rối loạn nuốt (6,1%), đau họng (3%), hụt hơi (3%).

Khàn tiếng là triệu chứng sớm tuy nhiên có nhiều bệnh nhân để khàn tiếng vài tháng hoặc vài năm mới đi khám bệnh. Khàn tiếng có thể gặp ở nhiều bệnh lý thanh quản như viêm thanh quản cấp hay mạn tính, lao thanh quản, nấm thanh quản... Đặc biệt trong ung thư thanh quản, khàn tiếng nhiều khi là dấu hiệu duy nhất. Tuy nhiên, khàn tiếng trong nhóm bệnh lý các khối u lành tính dây thanh có đặc điểm khàn tiếng “mềm”, chủ yếu ở mức độ vừa, tăng dần. Còn trong UTTQ, khàn tiếng là khàn tiếng “cứng” mất hết âm sắc, giống như tiếng nạo gỗ do tổn thương ung thư thâm nhiễm, xấm lấn qua màng đáy của lớp niêm mạc làm tổn thương lớp cơ dây thanh

Như vậy, trong UTTQ khàn tiếng là triệu chứng phổ biến nhất, xuất hiện sớm nhất và gần như đây là dấu hiệu chính khiến bệnh nhân phải đi khám. Hơn nữa, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm và có chỉ định điều trị phẫu thuật phù hợp thì người bệnh sẽ có tiên lượng tốt, gần như khỏi hoàn toàn nếu ở giai đoạn T1a, T1b [57]. Vì vậy, tất cả bệnh nhân có triệu chứng khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, điều trị nội khoa không đỡ nên tới khám tại các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

4.1.2.2. Các triệu chứng khác

Ngoài khàn tiếng là triệu chứng chính, các bệnh nhân trong nghiên cứu còn có các triệu chứng khác như:

- Hụt hơi khi phát âm là cảm giác chủ quan của người bệnh. Trong nghiên cứu của chúng tôi có tới 4/33 trường hợp (12,1%) có dấu hiệu hụt hơi, cảm giác nói mệt. Cảm giác hụt hơi này có thể là do khối u ở dây thanh cản trở sự rung động của dây thanh làm dây thanh khép không kín khi phát âm. Đồng thời, sự mất hơi qua khe hở thanh môn diễn ra liên tục và trong thời gian dài làm bệnh nhân mệt mỏi.

- Ho khan là hiện tượng ho nhưng không kèm theo chất đờm hay chất nhầy từ cổ họng. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 4/33 bệnh nhân có triệu chứng ho khan (12,1%). Ho khan chủ yếu vào buổi sáng do chất nhầy xuất tiết bám ở thanh quản.

- Đau họng là cảm giác chủ quan của người bệnh. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 2/33 trường hợp (6,1%) nguyên nhân có thể do viêm họng mạn tính.

- Rối loạn nuốt: Nghiên cứu ghi nhận 2/33 trường hợp có triệu chứng nuốt vướng (6,1%). Trong UTTQ bệnh nhân có triệu chứng rối loạn nuốt khi có tổn thương vùng rìa (vùng sụn nắp trên móng và nẹp phễu thanh thiệt).

- Khó thở: Trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ ghi nhân 1 trường hợp có triệu chứng khó thở (3%). Đây là triệu chứng tiên lượng nặng vì khó thở xảy ra khi khối u quá to hoặc khối u xâm lấn gây cố định dây thanh, sụn phễu 1 bên hoặc cả 2 bên. Theo kết quả của nhóm tác giả Phạm Tuấn Cảnh và Nguyễn Hoàng Huy [51] với tỷ lệ bệnh nhân khó thở là 20% hay Lê Xuân Nhân và các cộng sự [58] tỷ lệ này là 29%. Tất cả các bệnh nhân khó thở đều ở giai đoạn u to gây cố định thanh quản (T3) hoặc xâm lấn các cơ quan lân cận (T4) [51]. Kết quả này có sự khác biệt với chúng tôi. Có thể lý giải điều này là do nhóm bệnh nhân của chúng tôi có giai đoạn bệnh sớm hơn, u còn khu trú ở một tầng thanh quản, kích thước u nhỏ.

4.1.2.3. Thời gian diễn biến.

Thời gian xuất hiện khàn tiếng đến khi vào viện của bệnh nhân trung bình là 5,1 ± 4,4 tháng, thời gian ngắn nhất là 2 tuần dài nhất là 24 tháng.

Có 22/33 bệnh nhân đi khám khi triệu chứng đầu tiên đã kéo dài ≥ 3 tháng, chiếm 66,7%.

Kết quả này cũng tương tự với nhận định của Weisman: Đa số bệnh nhân đến khám khi khàn tiếng kéo dài hơn 3 tháng và có khoảng 30% bệnh nhân UTTQ giai đoạn sớm có thời gian khàn tiếng kéo dài trên 1 năm hoặc hơn nữa. Điều này có thể giải thích do ung thư vùng thanh môn tiến triển chậm hơn các vùng khác và triệu chứng ban đầu của UTTQ thường giống với các triệu chứng của viêm nhiễm thông thường vùng thanh quản nên bệnh nhân dễ chủ quan và bỏ qua [59]. Hơn nữa, điều này cũng cho thấy sự phối hợp giữa các tuyến y tế còn chưa được tốt khiến cho UTTQ bị chẩn đoán và điều trị nhầm với các bệnh khác.

4.1.3. Hình ảnh ung thư thanh quản qua nội soi

4.1.3.1. Hình thái khối u

Trong y văn thường hay nói đến các dạng hình thái tổn thương trong ung thư như sùi, loét, thâm nhiễm hoặc phối hợp giữa các hình thái này, và các trạng thái tiền ung thư như loạn sản, bạch sản thanh quản, papiloma đảo ngược. Trong đó UTTQ hay gặp nhất là thể sùi [17].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, hình thái tổn thương hay gặp nhất là thể sùi với 31/33 trường hợp, chiếm 93,9%. Hình ảnh khối u qua nội soi thường là một khối u sùi màu hồng nhạt hay đỏ sẫm như dâu tây, bề mặt không đều, chạm vào dễ chảy máu, hoặc khối sùi dạng súp lơ có cuống.

Hiếm gặp hơn là thể hỗn hợp (sùi-loét) với 2/33 trường hợp, chiếm 6,1%. Biểu thị qua nội soi là hình ảnh khối sùi hoại tử bẩn, bề mặt có giả mạc bám. Không ghi nhận trường hợp nào có hình thái loét hay thâm nhiễm đơn thuần.

Các hình ảnh nội soi ghi nhận được trong nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với mô tả của nhóm tác giả Nguyễn Quang Trung và Võ Thanh Quang [60], hay nhóm tác giả Phạm Văn Hữu và Lê Công Định khi nghiên cứu 53 bệnh nhân UTTQ, u sùi là hình thái hay gặp nhất với tỷ lệ 88,7%, ngoài ra còn gặp các tổn thương hiếm gặp trong ung thư thanh quản như u dạng nang và u dạng polyp [61]. Có thể giải thích sự khác biệt này là do các tổn thương như bạch sản, u dạng nang, u dạng polyp hiếm gặp ở bệnh nhân ung thư thanh quản,

trong khi cỡ mẫu của chúng tôi chưa đủ lớn.

Nhìn chung trong UTTQ, hình thái đại thể khối u dạng sùi chiếm đa số, sau đó là thể hỗn hợp, các thể thâm nhiễm, thể loét đơn thuần hiếm gặp hơn. Điều này có thể giải thích do sự tăng sinh tế bào ác tính xếp lớp, nhiều hình dạng, kích thước khác nhau tạo hình ảnh sùi, đặc trưng cho ung thư lớp niêm mạc [62].

4.1.3.2. Vị trí khởi đầu của khối u

Trong UTTQ sự xác định vị trí tổn thương khởi đầu là một vấn đề quan trọng giúp nhận định đúng về sự lan tràn của tổn thương và đánh giá chính xác giai đoạn bệnh để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, hầu hết khối u đều khởi đầu từ thanh môn chiếm 97%, chỉ có 1 trường hợp u khởi phát từ vị trí thượng thanh môn chiếm 3%. Không ghi nhận trường hợp nào u nằm ở vị trí hạ thanh môn.

Tỷ lệ u xuất phát từ tầng thanh môn theo Phạm Tuấn Cảnh và Nguyễn Hoàng Huy là 80%, theo Bailey là 75% thấp hơn so với chúng tôi [51, 63]. Tỷ lệ u xuất phát từ tầng thanh môn trong nghiên cứu của chúng tôi là cao hơn so với các tác giả trên. Theo chúng tôi sự khác biệt này có thể là do cỡ mẫu của chúng tôi chưa đủ lớn.

4.1.3.3. Sự lan tràn của u

Sự lan tràn phụ thuộc vào các yếu tố hàng rào giải phẫu ngăn chặn sự lan tràn của UTTQ (màng sụn, sụn, dây chằng), sự phân bố mạch máu và mạch bạch huyết của vùng.

Ở thời điểm phát hiện bệnh, có 75,8% số bệnh nhân ung thư chỉ giới hạn ở 1 tầng của thanh quản. Tỷ lệ tổn thương lan đến hai tầng là 18,2%, trong đó tổn thương thanh môn – thượng thanh môn chiếm đa số (15,2%), tổn thương thanh môn – hạ thanh môn chiếm tỷ lệ ít hơn khi chỉ ghi nhận 1 trường hợp (3%). Tổn thương lan tràn cả 3 tầng thanh quản chiếm 6,1%. Không có trường hợp nào u lan ra ngoài thanh quản (0%).

Kết quả này của chúng tôi cho thấy đa số bệnh nhân được chẩn đoán UTTQ ở giai đoạn tương đối sớm, khác với các nghiên cứu trước đây của tác giả Phạm Tuấn Cảnh [64] khi tỷ lệ u khu trú ở một tầng thanh quản chỉ chiếm

1/3, tỷ lệ u lan ra hai tầng và ba tầng thanh quản là 2/3, cho thấy đa số bệnh nhân được chẩn đoán UTTQ ở giai đoạn tương đối muộn.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tất cả các trường hợp ung thư chỉ giới hạn ở 1 tầng thanh quản đều là ung thư thanh môn. Do tầng thanh môn rất ít bạch huyết nên khối u vùng này thường không lan tràn theo đường bạch huyết trừ khi nó đã lan tràn tới những vùng giàu bạch huyết hơn. Khối u tầng thanh môn thường chỉ lan tràn tại chỗ. Chúng khu trú trong giới hạn dây thanh trong thời gian tương đối dài và bệnh nhân hay đến khám trong giai đoạn này do có khàn tiếng sớm. Các hình thức lan tràn của u tầng thanh môn bao gồm: từ dây thanh lan ra phía trước xâm lấn mép trước, từ bên dây thanh tổn thương lan sang dây thanh bên đối diện hoặc thâm nhiễm vào sụn giáp; u lan ra phía sau đến sụn phễu; lan ra phía ngoài đến khoang cạnh thanh môn ; lan lên phía trên vào buồng thanh thất và băng thanh thất; lan xuống dưới đến hạ thanh môn [63]. Hình thức lan tràn u chúng tôi thường gặp nhất là từ dây thanh lan ra toàn bộ dây thanh, đến mép trước, sụn phễu và buồng thanh thất sau đó lan lên tầng thượng thanh môn và hạ thanh môn.

Ở giai đoạn muộn khối u có thể lan tràn ra cả 3 tầng thanh quản hoặc lan ra ngoài thanh quản. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 2/33 trường hợp u lan ra cả 3 tầng thanh quản (6,1%) và không có trường hợp nào u lan ra ngoài thanh quản (0%). Kết quả này khác với nghiên cứu của Nguyễn Lê Hoa [17] khi tỷ lệ u lan ra cả 3 tầng thanh quản là 35,3% và u lan ra ngoài thanh quản là 8,8%. Sự khác biệt này có thể giải thích là do nhóm bệnh nhân của chúng tôi đến khám sớm hơn khi bệnh còn ở giai đoạn đầu, khi u chưa xâm lấn, chèn ép các tổ chức xung quanh. Có thể do thời gian gần đây ý thức quan tâm và bảo vệ sức khỏe của người dân đã được nâng cao hơn trước nên người bệnh có xu hướng đến khám sớm hơn, khi chưa xuất hiện các triệu chứng tiên lượng nặng như khó thở, hơi thở hôi,…

4.1.3.3. Sự di động dây thanh

Trong nghiên cứu của chúng tôi, trong tổng số 33 ca bệnh UTTQ, có 27 bệnh nhân dây thanh di động bình thường (81,8%), có 4 bệnh nhân dây thanh di động hạn chế (12,1%) và 2 bệnh nhân dây thanh bị cố định (6,1%). Theo nghiên cứu của Nguyễn Lê Hoa [17], tỷ lệ bệnh nhân có dây thanh di động bình

Xem tất cả 79 trang.

Ngày đăng: 18/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí