Cạnh tranh và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giao nhận - 2

Còn theo C. Mác thì : “Cạnh tranh là sự cạnh ganh đua, sự đấu tranh gay gắt giữa các nhà tư bản nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa để thu lại được lợi nhuận tối đa”. Trên quan điểm kinh tế chính trị thì cạnh tranh là sự ganh đua, sự đấu tranh về kinh tế giữa những chủ thể tham gia sản xuất-kinh doanh với nhau, nhằm giành những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa dịch vụ để thu được nhiều lợi ích nhất cho mình. Mục tiêu của cạnh tranh là giành lợi ích, lợi nhuận lớn nhất, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của các chủ thể tham gia cạnh tranh. Như vậy có nhiều cách hiểu khác nhau về cạnh tranh nhưng đa phần các quan điểm đều thể hiện rõ tính chất và mục đích của cạnh tranh. Theo đó Cạnh tranh là quan hệ kinh tế mà ở đó các chủ thể kinh tế ganh đua nhau tìm mọi biện pháp để đạt mục tiêu kinh tế của mình, thông thường là chiếm lĩnh thị trường, giành lấy khách hàng cũng như các điều kiện sản xuất kinh doanh có lợi nhất. Mục đích cuối cùng của các chủ thể kinh tế trong quá trình cạnh tranh là tối đa hóa lợi ích, đối với người sản xuất-kinh doanh là lợi nhuận, đối với người tiêu dùng là lợi ích tiêu dùng và sự tiện lợi.

Cạnh tranh là quy luật tất yếu, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Để tồn tại và phát triển các doanh nghiệp phải chấp nhận cạnh tranh như là một sự lựa chọn duy nhất.

Cạnh tranh trong kinh tế có những đặc trưng cơ bản:

- Mang bản chất của mối quan hệ kinh tế giữa các chủ thể kinh tế với nhau. Nói đến cạnh tranh là nói đến một quá trình có sự tham gia của nhiều chủ thể. Nếu chỉ có một chủ thể thì không có cạnh tranh, nhưng nếu có nhiều chủ thể mà không cùng một mục tiêu thì cạnh tranh, sức ép cạnh tranh cũng giảm xuống. Do vậy, các chủ thể phải có cùng mục tiêu thì mới xảy ra cạnh tranh. Các doanh nghiệp cạnh tranh vì mục tiêu lợi nhuận tối đa, vì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp thông qua duy trì và gia tăng thị phần,

phát triển thị trường. Còn người tiêu dùng thì có mục tiêu chung là tối đa hóa mức độ thỏa mãn hay sự tiện lợi khi tiêu dùng sản phẩm.

- Các chủ thể cạnh tranh đều phải tuân thủ những ràng buộc chung được quy định thành văn bản hoặc quy định bất thành văn. Những ràng buộc này có thể là hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế; các thông lệ và tập quán kinh doanh trên thị trường, đặc điểm nhu cầu và thị hiếu của khách hàng....Những quy định của Nhà nước thường nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể tham gia.

- Phương pháp cạnh tranh rất đa dạng, không chỉ dừng lại ở việc bán giá thấp, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp còn có thể cạnh tranh bằng cách đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, sử dụng công cụ xúc tiến bán hàng, dịch vụ chăm sóc khách hàng hoàn hảo hơn...

1.2.Các loại hình cạnh tranh

Dựa vào các tiêu thức khác nhau, cạnh tranh được phân ra thành nhiều

loại:

1.2.1. Căn cứ vào chủ thể tham gia thị trường:

Cạnh tranh được chia thành 3 loại:

- Cạnh tranh giữa người mua và người bán:

Người bán muốn bán hàng hóa của mình với giá cao nhất, còn người mua muốn mua với giá thấp nhất. Giá cả cuối cùng được hình thành sau quá trình thương lượng giữa hai bên.

- Cạnh tranh giữa những người mua với nhau:

Mức độ cạnh tranh phụ thuộc vào quan hệ cung cầu trên thị trường. Khi cung nhỏ hơn cầu thì cuộc cạnh tranh trở nên gay gắt, giá cả hàng hóa dịch vụ sẽ tăng lên, người mua phải chấp nhận giá cao để mua được hàng hóa họ cần.

- Cạnh tranh giữa những người bán với nhau:

Là cuộc cạnh tranh nhằm giành giật khách hàng và thị trường, kết quả là giá cả giảm xuống và có lợi cho người mua. Trong cuộc cạnh tranh này,

doanh nghiệp nào tỏ ra đuối sức, không chịu được sức ép sẽ phải rút lui khỏi thị trường, nhường thị phần của mình cho các đối thủ mạnh hơn.


1.2.2.Căn cứ theo phạm vi ngành kinh tế

Cạnh tranh được phân thành 2 loại:

- Cạnh tranh trong nội bộ ngành:

Là cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành, cùng sản xuất ra một loại hàng hóa dịch vụ. Kết quả cả cuộc cạnh tranh này là làm cho kỹ thuật phát triển.

- Cạnh tranh giữa các ngành:

Là cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong các ngành kinh tế với nhau nhằm thu được lợi nhuận cao nhất. Trong quá trình này có sự phân bổ vốn đầu tư một cách tự nhiên giữa các ngành, kết quả là việc hình thành tỷ suất lợi nhuận bình quân.

1.2.3.Căn cứ vào loại thị trường mà trong đó cạnh tranh diễn ra

Cạnh tranh được phân thành:

- Cạnh tranh trên các thị trường đầu vào nhằm giành các nguồn lực sản xuất có chất lượng tốt và chi phí thấp nhất.

- Cạnh tranh trên thị trường sản phẩm nhằm chiếm lĩnh thị trường, tăng thị phần, giành khách hàng.

Ngoài ra còn có thể phân loại cạnh tranh theo cấp độ cạnh tranh. Theo đó có cạnh tranh giữa các quốc gia, cạnh tranh giữa các ngành, giữa các doanh nghiệp và cạnh tranh sản phẩm. Giữa các cấp độ cạnh tranh đó có mối quan hệ tương hỗ và có thể nói suy cho cùng là cạnh tranh sản phẩm. Thông qua cung cấp sản phẩm mà các chủ thể là doanh nghiệp, ngành, quốc gia mong giành thắng lợi trong cạnh tranh, đạt được mục tiêu của mình.

1.3. Vai trò của cạnh tranh

Cạnh tranh là tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Cội nguồn của sự cạnh tranh là sự tự do trong sản xuất kinh doanh, đa dạng kiểu dáng, nhiều thành phần kinh tế, nhiều người hoạt động sản xuất kinh doanh. Cạnh tranh thực chất là một cuộc chạy đua không có đích. Chạy đua về mặt kinh tế phải luôn luôn ở phía trước để tránh những trận đòn của người chạy phía sau, và không phải chỉ để thắng một trận tuyến giữa các đối thủ mà là để thắng trên hai trận tuyến. Đó là cạnh tranh giữa những người mua với người bán và cạnh tranh giữa những người bán với nhau. Do vậy, cạnh tranh không chỉ có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường mà còn có ý nghĩa to lớn đối với người tiêu dùng, nền kinh tế và toàn xã hội.

- Đối với nền kinh tế nói chung:


Cạnh tranh là môi trường là một động lực thúc đẩy sự phát triển bình đẳng của mọi thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường, góp phần xóa bỏ những độc quyền bất hợp lý, xóa bỏ những bất bình đẳng trong kinh doanh. Cạnh tranh đảm bảo thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự phân công lao động xã hội ngày càng tỷ mỉ và chi tiết. Ngoài ra còn làm tăng tính tháo vát, năng động và óc sáng tạo cho các nhà doanh nghiệp, tạo ra những nhà kinh doanh giỏi, chân chính. Cạnh tranh thúc đẩy sự đa dạng hóa của sản phẩm, làm nảy sinh những nhu cầu mới, góp phần nâng cao chất lượng đời sống xã hội và phát triển nền văn minh nhân loại.

- Đối với doanh nghiệp:


Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Cạnh tranh tạo ra động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp tìm mọi biện pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cạnh tranh là động lực giúp cho các doanh nghiệp không ngừng cải thiện công nghệ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chất lượng phục vụ khách hàng. Cạnh tranh làm tăng tính tháo vát,

năng động và óc sáng tạo cho các nhà doanh nghiệp. Do vậy, cạnh tranh đòi hỏi các doanh nghiệp phải áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất kinh doanh, tăng cường công tác quản lý, nâng cao trình độ tay nghề của người lao động. Cạnh tranh thắng lợi sẽ tăng cường vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, tăng thêm uy tín cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó doanh nghiệp sẽ có điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao hiêụ quả, góp phần tăng tích luỹ và cải thiện đời sống của người lao động.

- Đối với người tiêu dùng:

Nhờ có cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ mà người tiêu dùng có thể lựa chọn được các loại hàng hoá và dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú với chất lượng cao hơn, phù hợp với khả năng mua sắm của họ.

Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận mặt tiêu cực của cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh sẽ gây những hậu quả tiêu cực. Cạnh tranh có thể dẫn đến tình trạng “ Cá lớn nuốt cá bé”, làm gia tăng các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh như làm hàng giả, trốn lậu thuế, ăn cắp bản quyền, mua chuộc, hối lộ, lừa đảo, tung tin thất thiệt phá hoại uy tín của đối thủ, vi phạm pháp luật, làm xấu đi các quan hệ xã hội…..Cạnh tranh chạy theo lợi nhuận và lợi ích riêng sẽ làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, gây bất ổn định về kinh tế, gia tăng sự phân hóa giàu nghèo và những bất công trong xã hội.

Vấn đề đặt ra không phải là thủ tiêu cạnh tranh mà phải để cạnh tranh diễn ra trong điều kiện bình đẳng và minh bạch của các chủ thể cạnh tranh, phát huy những mặt tích cực và hạn chế đến mức tối thiểu những tác động tiêu cực của cạnh tranh. Đó là trách nhiệm của nhà nước (thông qua luật pháp và các công cụ điều tiết vĩ mô) và của tất cả các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường.‌

2.NĂNG LỰC CẠNH TRANH

2.1.Khái niệm năng lực cạnh tranh

Trong cạnh tranh nảy sinh ra kẻ có khả năng cạnh tranh mạnh, người có khả năng cạnh tranh yếu. Khả năng cạnh tranh đó gọi là năng lực cạnh tranh hay sức cạnh tranh. Thuật ngữ năng lực cạnh tranh được sử dụng rộng rãi trong phạm vi toàn cầu nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự nhất trí cao giữa các học giả, các nhà chuyên môn về khái niệm cũng như cách đo lường, phân tích năng lực cạnh tranh ở cấp quốc gia, cấp ngành và cấp doanh nghiệp.

Có quan niệm cho rằng: Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chính là khả năng duy trì và mở rộng thị phần, thu lợi nhuận của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh trong và ngoài nước. Quan điểm này tương đối trực diện vì nó lấy khả năng duy trì và mở rộng thị phần, thu lợi nhuận làm thước đo của năng lực cạnh tranh. Mở rộng thị phần, thu lợi nhuận cao là mục tiêu của việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Quan niệm khác cho rằng: năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thể hiện thực lực và lợi thế của nó so với các đối thủ khác trong việc thỏa mãn tốt nhu cầu, đòi hỏi của khách hàng để thu lợi ích ngày càng cao cho doanh nghiệp mình. Quan niệm này đã gắn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với các yếu tố nội tại của doanh nghiệp, thể hiện thực lực và những lợi thế của nó so với các đối thủ. Như vậy, nghiên cứu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phải trong tương quan so sánh doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh. Quan niệm này cũng chỉ rõ nhu cầu của khách hàng là yếu tố quan trọng cần phải tính đến và trên cơ sở đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng mà doanh nghiệp thu được lợi ích ngày càng lớn.

OECD đưa ra định nghĩa sau: Năng lực cạnh tranh là sức sản xuất ra thu nhập tương đối cao trên cơ sở sử dụng các yếu tố sản xuất có hiệu quả làm cho các doanh nghiệp, các ngành, các địa phương, các quốc gia và khu vực phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh quốc tế. Quan điểm này nhắm xét tới khả năng tạo ra thu nhập của doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng tốt

các yếu tố sản xuất sẵn có nhằm thiết lập vị thế bền vững của mình trên thị trường.

Từ đó có thể rút ra: Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thể hiện ở khả năng tạo dựng, duy trì, sử dụng và sáng tạo mới các lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng ( so với các đối thủ cạnh tranh) và đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh.

Nếu doanh nghiệp có khả năng duy trì và sáng tạo liên tục các lợi thế cạnh tranh của mình, nó sẽ luôn đi trước các đối thủ và giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh để đạt mục đích duy trì và mở rộng thị trường, gia tăng lợi nhuận. Doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh mạnh là doanh nghiệp có khả năng tạo dựng, duy trì và phát triển các lợi thế cạnh tranh bền vững. Nếu lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp được xây dựng dựa trên những yếu tố dễ sao chép và không được đổi mới, sáng tạo thì lợi thế đó sẽ nhanh chóng mất đi trước áp lực cạnh tranh gay gắt.

2.2.Các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp người ta dựa vào nhiều tiêu chí:

Tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh:

Tiêu chí đơn giản nhất đo lường hiệu quả là lượng đầu vào cần thiết để sản xuất một mức đầu ra nhất định. Điều đó dẫn đến tính toán năng suất theo công thức tổng quát


Năng suất

=

Đầu ra(hàng hóa, dịch vụ)

Đầu vào(lao động, vốn, công nghệ)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 89 trang tài liệu này.

Cạnh tranh và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giao nhận - 2


Doanh nghiệp càng hoạt động hiệu quả, năng suất càng cao thì càng cần ít đầu vào để sản xuất một mức đầu ra cho trước, do đó chi phí càng thấp.

Từ đó cho thấy doanh nghiệp có lợi thế về chi phí thấp so với đối thủ cạnh tranh.

Khả năng duy trì và mở rộng thị phần.

Thị phần của doanh nghiệp đánh giá năng lực cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp ấy. Nó cho biết khả năng chấp nhận của thị trường với sản phẩm doanh nghiệp cung cấp. Thị phần sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp lớn hơn chứng tỏ nó có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn so với đối thủ. Phải xem xét thị phần của doanh nghiệp trong các thời kỳ khác nhau, phải nghiên cứu sự biến đổi tăng giảm của thị phần qua các giai đoạn để hiểu rõ hơn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chất lượng sản phẩm và dịch vụ

Chất lượng sản phẩm dịch vụ có vai trò ngày càng lớn trong việc khẳng định vị thế của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh trên thương trường. Nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ làm tăng hình ảnh, uy tín, danh tiếng của sản phẩm đó, tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Thêm vào đó chất lượng của các quá trình trong nội bộ doanh nghiệp như thu mua đầu vào, sản xuất, marketing…được nâng cao sẽ làm tăng hiệu quả, giảm chi phí. Các thước đo kỹ thuật phản ánh độ tin cậy của chất lượng sản phẩm đồng thời các hệ thống quản trị chất lượng như ISO, TQM, HACCP...mà doanh nghiệp áp dụng sẽ càng khẳng định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Khả năng đổi mới của doanh nghiệp

Đổi mới bao gồm sự cải tiến hoặc sáng tạo mới các sản phẩm, quá trình sản xuất, cơ cấu tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh, các chiến lược mà doanh nghiệp xây dựng và thực hiện. Do vậy đổi mới thể hiện tính linh hoạt và năng động của doanh nghiệp thích ứng với các điều kiện của môi trường kinh doanh.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/04/2022