Cảm hứng phê phán trong văn xuôi hiện đại Việt Nam thời kỳ đổi mới Qua các tác phẩm của Ma Văn Kháng, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái - 10

tốt xấu khó phân biệt được và hoàn cảnh sống mới đã đặt con người trong nhiều sự lựa chọn khắc nghiệt. Đứng trước những bề bộn cuộc sống, Ma Văn Kháng không hề né tránh mà cố gắng tìm ra một lối đi mới trong sáng tạo tác phẩm để phản ánh hiện thực. Ma Văn Kháng là một nhà văn có trách nhiệm và lương tâm trong nghề văn, ông có cái nhìn nhìn rất đầy đủ về con người. Điều này được minh chứng qua nhiều trang viết cảm động và chân thực của ông về con người. Vì thế, đọc văn Ma Văn Kháng, chúng ta luôn cảm thấy day dứt, xót xa cùng tác giả và đồng cảm với số phận các nhân vật đang rơi vào bế tắc, cùng hy vọng và vui mừng cho những con người tìm thấy lẽ sống, niềm tin trong cuộc sống.

Cảm thông với con người, chia sẻ cùng con người trong mọi hoàn cảnh đó là nội dung nổi bật trong cảm hứng sáng tác của nhà văn Hồ Anh Thái. Với quan niệm “nhà văn đích thực phải tử tế”, Hồ Anh Thái viết văn một cách không mệt mỏi và qua từng tác phẩm của anh, bạn đọc dường như hiểu thấu tấm chân tình của tác giả đối với cuộc sống, đối với con người. Cũng như Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái tâm niệm cuộc sống có mạch ngầm và mạch lộ thiên, có cái được, có cái mất, có hạnh phúc và bất hạnh đan cài với nhau. Trong cái nhìn về cuộc sống và con người, Hồ Anh Thái thường lý giải sự tác động của hoàn cảnh đối với từng số phận con người. Hoàn cảnh có ý nghĩa tác động đến con người, là yếu tố khách quan có khả năng cải biến con người. Theo anh, con người có thể xấu xa, độc ác từ trong bản tính, có thể do hoàn cảnh tác động làm thay đổi tính cách, đồng thời ở con người cũng tiềm ẩn sức mạnh tự thân mãnh liệt, hoàn cảnh không làm con người gục ngã và bất chấp mọi sự éo le của cuộc sống, họ vẫn đem tình yêu thương để hóa giải hận thù. Hoàn cảnh làm thay đổi con người song cũng có khi con người biết chấp nhận hoàn cảnh, cải tạo và vượt lên trên cảnh ngộ của mình. Với Hồ Anh Thái, việc lựa chọn một lối đi trong cuộc sống của con người là vô cùng khó khăn và đó cũng là bài toán lớn của con người ở tất cả mọi thời. Có hai thái cực xảy ra, thứ nhất, con người xuôi theo định mệnh, hoàn cảnh đổi thay thì con người cũng đổi thay theo để được thỏa mãn ham muốn; thứ hai là, con người chấp nhận sống cùng hoàn cảnh, hy sinh ước

vọng của mình vì người khác. Trong cái nhìn tương quan giữa con người và hoàn cảnh, Hồ Anh Thái có cái nhìn hết sức cảm thông. Theo nhà văn, con người thật đáng được cảm thông vì “nhân vô thập toàn”, con người dễ lầm lạc, dễ dao động trước hoàn cảnh, trở nên bé nhỏ vô cùng trước những đổi thay và hiểm họa từ ngoại cảnh song con người cũng thật đáng khâm phục. Hồ Anh Thái trải lên trang viết của mình những nhân vật, những cảnh đời, những số phận...phải đối mặt với nhiều hoàn cảnh khác nhau, qua đó, tính cách nhân vật được bộc lộ một cách rõ nét. Có trường hợp ý định mong muốn chủ quan của con người không thể đối đầu được với hoàn cảnh, nó chịu khuất phục trong cuộc chiến đấu với hoàn cảnh như nhân vật Khuynh trong Người và xe chạy dưới ánh trăng.

Trong quan niệm về cuộc đời và con người của Hồ Anh Thái, ta còn thấy quan niệm của anh cho rằng con người sống trên đời không bao giờ thoát khỏi định mệnh. Trong văn của anh, nhiều người có tài, có đức, có nhan sắc, phẩm hạnh lại thường thua thiệt đủ điều như: Toàn, Hiệp, Trang ( Người và xe chạy dưới ánh trăng), Hòa (Người đàn bà trên đảo), Mai Trừng (Cõi người rung chuông tận thế). Con người thật nhỏ bé, đáng thương trong cái mênh mông vô định, khôn lường của số kiếp, vận mệnh. Ngoài ra, Hồ Anh Thái còn hay lý giải sự can thiệp của bản tính con người đối với số phận của họ. Không chỉ định mệnh chi phối đời người, khiến họ bất hạnh hay hạnh phúc mà bản tính con người từ lúc mới được sinh ra đến lúc hết đời, về cơ bản, ít khi thay đổi. Đối với những kẻ xấu xa “non sông dễ đổi, bản tính khó dời”, dù chúng ta có muốn tác động đến tính cách của họ thì những thói xấu ăn sâu trong tiềm thức cũng không mất đi được. Trong sáng tác của anh, ta nhận thấy những nhân vật xấu từ trong bản chất, dù hoàn cảnh tốt hay xấu, tính cách của họ vẫn không hề đổi thay theo chiều hướng tốt. Nhân vật Diệu trong Người và xe chạy dưới ánh trăng là một người đàn bà dị hình, dị tướng, xấu người xấu nết hay nhân vật Yên Thanh trong Cõi người rung chuông tận thế là một cô gái xinh đẹp nhưng sống quỷ quyệt, xấu xa. Bản tính tráo trở, lật lọng ở hai con người này muôn đời không thay đổi được.

Hồ Anh Thái luôn dành cho con người tấm lòng trân trọng và ưu ái. Nhà văn quan niệm “nhân vô thập toàn” không phải để che giấu và bao biện cho những thiếu sót trong nhân cách của con người mà anh muốn khẳng định một điều: con người khó có thể có tính cách toàn vẹn, hoàn hảo và mong muốn nhắn nhủ một điều con người nên ý thức được điều này, bởi vì chỉ những ai nhận thức được thiếu sót của bản thân, người đó mới có thể vươn tới sự hoàn thiện. Trong sáng tác của anh, nhiều mô hình nhân vật như vậy đã được gợi tả. Họ là những con người vốn có những suy nghĩ, hành động không phù hợp với đạo đức xã hội, với cộng đồng, với chính mình nhưng dần qua những va chạm trong đời sống, họ mới ý thức được những điều thiếu sót trong hành vi nhân cách của mình, họ ý thức được đâu là cái đích cần vươn tới. Hồ Anh Thái muốn khẳng định một điều: Cho dù lầm lỡ, nếu ý thức được, con người hoàn toàn có thể vươn tới sự hoàn thiện bản thân mình. Cũng từ đây, Hồ Anh Thái đã xây dựng những nhân vật khá tương thích với cách đánh giá này về con người của anh, đó là nhân vật thức tỉnh. Bao trùm lên quan niệm về con người vươn tới sự hoàn thiện với kiểu nhân vật thức tỉnh là niềm tin rất lớn của Hồ Anh Thái đối với con người. Sai lầm ai cũng có thể mắc phải, khó mà tránh cho được, nhưng sai lầm mà ý thức được để sửa chữa mới là đáng quý. Chỉ có những con người ham muốn hoàn thiện mình mới làm được điều đó. Trong mỗi con người đều có cái thiện và cái ác, thiện và ác đều tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, nhưng chỉ có ai biết nuôi dưỡng cái thiện làm cho nó lớn dần lên và chiến thắng cái ác thì con người đó mới trở thành người tốt.

Với số lượng tác phẩm dày dặn, Hồ Anh Thái đã chứng tỏ là người nắm bắt tinh tế nhịp sống thời đại trên cả bề nổi cũng như mạch ngầm. Anh đã trải ra trên trang viết của mình nhiều kiếp người ở nhiều thời điểm, nhiều tình huống khác nhau, qua đó thể hiện cảm nhận của mình về nhân sinh. Trong thế giới nghệ thuật văn xuôi Hồ Anh Thái, người đọc sẽ bắt gặp nhiều con người, nhiều trăn trở trước các vấn đề muôn thủa của đời sống: sự vô nghĩa - có ý nghĩa, thiện - ác,

lý trí - bản năng...để vươn lên hoàn thiện bản thân. Ta cũng bắt gặp những nhân vật mang trong mình không ít bi kịch của cá nhân, bi kịch xã hội đồng thời cũng bắt gặp những con người mang trong mình thói xấu của xã hội hiện đại, có thói xấu đáng cười và cả những thói xấu đáng sợ. Đến với con người trong văn xuôi Hồ Anh Thái, người đọc sẽ phải đương đầu với những phân vân do tác giả tạo ra, bởi ở chỗ này anh dành cho con người sự cảm thương sâu sắc, ở chỗ khác thì tràn trề niềm tin nhưng cũng không ít chỗ con người hiện ra dưới ngòi bút của anh thật đáng thất vọng. Nhân vật của anh đa sắc thái và nhà văn là người đặt nhiều niềm tin, nhiều hy vọng vào lòng người do vậy dưới sự sự đa dạng trong thể hiện về các mẫu hình nhân vật, luôn là tấm lòng ưu ái của tác giả dành cho con người mặc dù nhà văn vẫn thể hiện sự buồn chán của cõi đời và của lòng người.

Qua khảo sát, có thể nhận thấy, quan niệm về con người và cuộc đời trong các tiểu thuyết về thế sự, đời tư của Hồ Anh Thái phong phú, sâu sắc hơn các tiểu thuyết mang tính sử thi của anh ở giai đoạn trước. Các tiểu thuyết viết ở giai đoạn sau cho thấy có sự thay đổi tư duy nghệ thuật của nhà văn. Con người trong các tiểu thuyết về thế sự, đời tư được nhìn nhận ở góc độ cá nhân, đời tư hơn là góc độ công dân như ở các tiểu thuyết viết về thế hệ thanh niên, trí thức. Hồ Anh Thái đã có những đóng góp đáng kể cho văn học Việt Nam hiện đại phần lớn là ở một số lượng tác phẩm phong phú về cuộc sống đô thị giai đoạn hậu chiến gắn với thế sự, đời tư. Ở đây quan niệm của nhà văn về con người và cuộc đời ngày một phong phú và phức tạp như chính cuộc sống đời thực. Xây dựng nhân vật hướng thiện, Hồ Anh Thái đặt nhân vật trong một thế giới pha trộn, xen lẫn giữa cái tốt và cái xấu, để cho nhân vật trong thế đan cài những dằn vặt, trăn trở. Với cách xây dựng đó, Hồ Anh Thái đã bứt ra khỏi cách viết đơn giản của tiểu thuyết truyền thống khi thể hiện cuộc đấu tranh sinh tử giữa cái thiện và cái ác. Nhân vật hướng thiện của anh được đặt dưới nhiều góc độ nhưng thực ra lại khá thống nhất ở chỗ họ đều chiến thắng được bản năng và sáng suốt để lựa chọn được cái có nghĩa trong muôn vàn cái vô nghĩa của cuộc đời, nhận thức được đâu là cái hữu ích và

thanh lọc tâm hồn hướng về cái thiện loại trừ cái ác. Sự chiến thắng của cái thiện ở cuối mỗi tác phẩm là giấc mơ của anh về cuộc sống hiện tại trong đó mỗi con người đều biết sống bao dung và yêu thương lẫn nhau.

Trong sáng tác của Tạ Duy Anh, ta thấy sự miêu tả những vấn đề của cuộc sống thường nhật sâu sắc, quyết liệt không kém Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, nhưng dường như trong cách viết và những dòng tư tưởng của Tạ Duy Anh được chi phối bởi những dòng ý thức sâu kín. Đọc văn anh, những chi tiết của câu chuyện luôn mang vẻ thần bí và sâu kín lạ thường nhưng người đọc vẫn nhận ra một tấm lòng đau đáu đến xót gan, xót ruột trong tâm tư của nhà văn. Ai đó đã nhận xét rằng, Tạ Duy Anh hầu như không có ý kiến gì về sự khen chê, nhưng với vấn đề thiện và ác trong văn chương thì anh rất nghiêm túc: anh tự đặt cho mình sứ mệnh phải viết, để cho cái ác nếu không biến mất thì cũng vì những trang viết của anh mà mỗi ngày cái ác ít đi một chút, một chút, như những hạt bụi…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.

Giống như nhân vật của Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, bản chất con người trong sáng tác của Tạ Duy Anh luôn luôn ở ranh giới giữa làn ranh thiện - ác. Nhân vật nào cũng luôn luôn bị đặt trong trạng thái lựa chọn - đấu tranh với xã hội và với chính mình, không bao giờ họ được phép lựa chọn một lần rồi xong, chưa hết sự kiện này đã có tình huống khác bắt buộc họ phải vật vã và tìm ra lối thoát, tìm ra câu trả lời cho ý nghĩa của cuộc sống. Ngay chính bản thân nhà văn cũng tâm niệm về tác phẩm của mình: “Kẻ làm ác ở đây bị tiêu diệt bằng chính điều ác mà chúng định gây ra cho người lương thiện, một thứ hình phạt tự thân. Nhưng cõi người cũng bao dung lắm. Bạn hãy để ý nhân vật chính, dọc theo cuốn sách là hành trình hướng thiện của anh ta cho đến khi trút bỏ được cái ác. Triết học Phật giáo không tin vào định mệnh: kẻ làm ác vẫn còn cơ hội được giác ngộ, được đón nhận trở lại cõi người, chứ không phải bao giờ cũng bị trừng phạt”. (Người lao động cuối tuần, 12/10/2002). Có thể nói, đây cũng là tư tưởng nhân văn xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của Hồ Anh Thái, và cũng là cái cốt lõi trong quan niệm của anh về cõi người.

* Tiểu kết

Cảm hứng phê phán trong văn xuôi hiện đại Việt Nam thời kỳ đổi mới Qua các tác phẩm của Ma Văn Kháng, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái - 10

Trong những sáng tác của Ma Văn Kháng, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, tư tưởng nhân văn được tô đậm xuyên suốt với ý nghĩa to lớn khẳng định giá trị con người và mong ước con người thoát khỏi những vùng u tối của tâm hồn. Mỗi người có một cách thể hiện khác nhau, nhưng đều có một tư tưởng chung muốn khẳng định với con người, đó là: một trong những nguyên nhân gây nên tội ác của con người, đó là lòng tham, sự ích kỷ, vụ lợi. Trong các tác phẩm của Ma Văn Kháng, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, phía sau những tình tiết được xây dựng là cả một tấm lòng đau đớn và những lời nhắn gửi chân thành: “Đồng tiền, quyền lực cũng như những tài sản vật chất khác chung quy chỉ là phương tiện. Người nào coi đồng tiền, quyền lực là mục đích, người đó sẽ trở thành kẻ ác, dẫm đạp lên người khác và tự phá hoại cuộc sống của chính mình. Mục đích của chúng ta cao đẹp biết bao: một cuộc sống có nghĩa, có tình, giàu có về vật chất và tinh thần, giàu có cho mọi người, hoà bình và hữu nghị cho tất cả dân tộc” [Văn Hồng - Lời giới thiệu tác phẩm Côi cút giữa cảnh đời của Ma Văn Kháng].

Chương 3

NGHỆ THUẬT BIỂU HIỆN CẢM HỨNG PHÊ PHÁN TRONG CÁC TÁC PHẨM CỦA MA VĂN KHÁNG, TẠ DUY ANH,

HỒ ANH THÁI


3.1. Kết cấu cốt truyện đa dạng

Cốt truyện là một hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó, các tính cách hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm. [15,137]. Cốt truyện có thể được xem là phương tiện để nhà văn bộc lộ tính cách, hành động của nhân vật và là phương tiện chủ yếu để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội.

Các nhà văn khi cầm bút luôn có ý thức sáng tạo, làm mới cốt truyện để có thể bộc lộ một cách hiệu quả nhất quan niệm của mình về cuộc sống, về con người. Điều này được thể hiện rõ trong sáng tác của những nhà tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới. Trong sáng tác của họ, ta thấy cốt truyện ngày càng có xu hướng bị nới lỏng, vai trò của cốt truyện được hạn chế một cách tối đa bởi nhà văn có xu hướng hạn chế quá trình hành động của nhân vật mà thiên về khắc hoạ dòng nội tâm của nhân vật nhiều hơn, nhân vật suy nghĩ nhiều hơn là hành động. Chính vì thế, cốt truyện trở nên khó tóm tắt, cấu trúc khó định hình.

Trong sáng tác của Ma Văn Kháng, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, ta thấy các nhà văn sử dụng nghệ thuật xây dựng cốt truyện rất mới mẻ và độc đáo, tạo nên những phong cách viết văn riêng. Ma Văn Kháng thường xây dựng cốt truyện số phận, Hồ Anh Thái lại kết hợp nhiều loại cốt truyện đan xen trong cùng một tác phẩm và Tạ Duy Anh thường sử dụng loại cốt truyện phân mảnh, lắp ghép, cốt truyện dòng ý thức để nói lên chủ đề tư tưởng trong tác phẩm của mình. Khảo sát một số tác phẩm của Ma Văn Kháng, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái,

ta có thể xem xét lối kết cấu cốt truyện trong những sáng tác về mảng thế sự đời tư của ba tác giả theo những phương thức tổ chức cơ bản sau đây:

3.1.1. Cốt truyện số phận

Cốt truyện số phận là cốt truyện được nhà văn xây dựng thông qua cuộc đời, số phận, tính cách của nhân vật và đặt ra những vấn đề nhân sinh có ý nghĩa lớn lao làm cho người đọc phải suy ngẫm, trăn trở. Trong sáng tác của Ma Văn Kháng, ta bắt gặp cốt truyện số phận với mật độ lớn. Một trong số những tác phẩm mang cốt truyện số phận của ông là tác phẩm Đám cưới không có giấy giá thú. Đây là tác phẩm để lại nhiều suy ngẫm trong lòng người đọc về các vấn đề xung quanh ngành giáo dục. Tác phẩm bao gồm các sự kiện xoay quanh cuộc đời, số phận của nhân vật chính đó là thầy giáo Tự. Đây là một thầy giáo có tài năng và cốt cách hơn người, có lòng say mê với nghề nghiệp dạy học, hết lòng vì học sinh thân yêu. Anh từng là một nhà giáo có một thời gian dài công tác, giảng dạy ở miền thượng du. Ở nơi công tác này, anh đã dám đấu tranh những điều tiêu cực để bảo vệ quyền lợi chính đáng của học sinh và chính vì những việc làm tốt đẹp đó mà anh đã bị hãm hại, bị vu oan và bị đẩy vào chiến trường. May mắn vì không bị chiến tranh vùi dập, anh sống sót và rời quân ngũ trở về với nghề giáo tại Trường Trung học Số 5. Tưởng như tìm lại được ngọn nguồn cuộc sống đã bị đánh mất, vậy nhưng tại đây, một lần nữa Tự lại bị vùi dập. Anh lại gặp bao khó khăn khác bắt nguồn từ thói ghen ghét, đố kị, sự vu oan của đồng nghiệp, sự vùi dập từ phía lãnh đạo nhà trường. Tự bị tước đoạt dần mọi vị trí của một người thầy giỏi giang, thêm vào đó, gia đình Tự lại lâm vào cuộc khủng hoảng vì mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng. Cuộc đời Tự liên tiếp bị tai họa giáng xuống, anh phải ngậm ngùi bán dần những cuốn sách quý, liên tục phải trải qua những điều phiền muộn của cuộc sống. Trong phần cuối của tác phẩm, hình ảnh nhân vật Tự là một thầy giáo hoàn toàn trắng tay, sức khỏe cạn kiệt, anh đứng thẫn thờ ngắm nhìn mái trường thân yêu mà bao năm từng gắn bó. Thông qua số phận nhân vật Tự và các thầy giáo trong tác phẩm, Ma Văn Kháng đã đặt ra cho người đọc biết

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/02/2023