Đánh giá về tập thơ Lối nhỏ của Dư Thị Hoàn, Văn Tâm đã nhận định: “Với nội dung khá đặc thù, thơ Lối nhỏ va đập mạnh tâm thức độc giả chủ yếu do chữ chứ không phải vì từ. Nhiều lúc tác giả cũng đã hy sinh từ (kể cả vần và nhạc tính)” [37].
Cũng bàn về vấn đề này, nhà phê bình Chu Văn Sơn đã nói cụ thể hơn: “Đọc thơ Dư Thị Hoàn ai cũng thấy một hình thức là lạ, toàn những bài ngắn, câu ngắn. Khước từ thể cách và rất nhiều vần điệu. Không nệ cả những tiết điệu của nhạc tính thông thường. Y như những lời – nói – thơ, hiểu theo nghĩa: những lời nói thường có chất thơ, thế thôi” [27].
Mặt khác, ở những công trình, bài viết nghiên cứu, các tác giả cũng đã có những cảm nhận đánh giá về thơ Dư Thị Hoàn.
Công trình khoa học Chân dung nữ văn nghệ sĩ do Lê Minh chủ biên, tác giả đã nêu lên những đóng góp của nữ văn nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật. Đồng thời, tác giả cũng điểm qua một vài nét về những đóng góp và phong cách sáng tác của họ, trong đó có nữ sĩ Dư Thị Hoàn.
Hồ Thế Hà trong bài viết Sức quyến rũ từLối nhỏ có nhận xét: “Đọc thơ Dư Thị Hoàn một vài lần quả là không có gì đáng chú ý, bởi nó không có vẻ đẹp rực rỡ của câu chữ, không có sự độc đáo của nhạc điệu, tiết tấu. Nhưng đọc nhiều lần, những vấn đề hấp dẫn bề sâu của chất thơ chị lại hiện ra: hiền dịu mà không dễ dãi, lặng lẽ mà dữ dội ngầm, đau buồn mà đầy tin yêu, hy vọng… Giữa những đối lập ấy là tấm lòng nhân ái, một ước mơ hướng thiện, sống có văn hóa. Chị không chạy theo những cảm xúc dễ dãi vay mượn ở người khác một cách giả tạo. Thơ chị là tiếng lòng của chị được thể hiện một cách nghệ thuật” [11, tr.74].
Luận văn thạc sĩ Tình yêu trong thơ nữ Việt Nam từ 1986 đến nay nhìn từ cá tính sáng tạo mang đặc điểm giới của tác giả Trần Thị Thu Hằng (năm 2006) có nhận xét: “Dư Thị Hoàn đến với tình yêu bằng một giọng thơ mạnh mẽ, đầy cá tính. Xuất hiện trên thi đàn chưa nhiều nhưng chị đã sớm khẳng định được chỗ đứng trong lòng độc giả bằng những khám phá sáng tạo của mình. Chị đã tạo cho mình một lối đi riêng dẫu không mấy bằng phẳng, dễ dàng. Thơ chị viết về tình yêu và những biến thái thăng trầm của cuộc đời. Trong trang viết của chị có rất ít niềm vui mà thấm đẫm những nỗi buồn trước nhân tình thế thái. Đó là nỗi đau mà chỉ trái tim nhạy cảm mới cảm nhận
được. Thơ chị là tiếng nói sẻ chia trước những nghịch lý, những bi kịch tình yêu của người phụ nữ. Vẻ đẹp tâm hồn, lòng nhân ái của chị đã thổi vào những vần thơ rất gần gũi, rất đời thường nhưng dễ được độc giả tiếp nhận” [13, tr.57].
Luận văn thạc sĩ Đặc trưng nghệ thuật thơ tự do của Lê Thị Mây, Dư Thị Hoàn, Phạm Thị Ngọc Liên của tác giả Văn Thị Kiều Vương (năm 2010) cũng khẳng định: “Thơ Dư Thị Hoàn là nỗi ám ảnh không nguôi về thận phận của những kiếp người trong cõi nhân sinh. Đó là thân phận long đong của chính mình, của người phụ nữ bạc mệnh, số phận bất hạnh, hẩm hiu, thiệt thòi của những kiếp người nhỏ bé trong xã hội thông qua một loạt những hình ảnh thơ có tính biểu tượng cao” [31, tr.83].
Qua việc tìm hiểu và nghiên cứu các tài liệu liên quan đến nhà thơ Dư Thị Hoàn, chúng tôi thấy rằng các tài liệu này đã chỉ ra nhiều điều lý thú và mới mẻ về Dư Thị Hoàn, đặc biệt là về mảng thơ tình yêu. Các ý kiến tuy diễn đạt khác nhau nhưng không đối lập nhau mà khá thống nhất trong xu hướng khẳng định vẻ đẹp và tài năng của thơ Dư Thị Hoàn. Đó là những ý kiến vô cùng quý giá mà người viết có được để làm tiền đề và mở đường trong việc triển khai các nội dung của đề tài luận văn này.
2.2. Tác giả Đoàn Thị Lam Luyến.
Có thể bạn quan tâm!
- Cái tôi trữ tình trong thơ Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, hoàng Việt Hằng - 1
- Các Hình Thức Biểu Hiện Của Cái Tôi Trữ Tình Trong Văn Học.
- Cá Tính Sáng Tạo Trong Thơ Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Hoàng Việt Hằng.
- Hoàng Việt Hằng – “Một Mình Khâu Những Lặng Im” Và Âm Thầm Tỏa
Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.
Với Đoàn Thị Lam Luyến - chị đã khẳng định được một thế đứng trên thi đàn văn học hiện đại. Với hàng loạt các tập thơ được xuất bản và đạt giải thưởng uy tín của hội nhà văn. Thơ chị được độc giả đón nhận một cách khá nồng nhiệt, thế nên, không hề quá lời khi ta nói rằng người đàn bà “dại yêu” là một hình tượng nổi bật trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến – đó là một cách để nhà thơ tự ý thức về chính cuộc đời mình, và rộng ra là về cuộc đời và số phận của người phụ nữ hiện đại. Đã có khoảng hơn 30 bài viết in trên các tạp chí, báo và mạng internet về thơ của Đoàn Thị Lam Luyến. Nhìn chung các bài viết mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá, nhận xét về một vài bài thơ tiêu biểu trong các tập thơ, hoặc bàn bạc về một tập thơ cụ thể mà chưa có cái nhìn bao quát về toàn bộ thế giới nghệ thuật trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến cũng như cái tôi trữ tình được biểu hiện xuyên suốt và đặc sắc trong toàn bộ các sáng tác của chị.
Đoàn Thị Lam Luyến là một tác giả nữ có bản bản sắc thơ khá rõ nét. Thơ chị trăn trở sới lật câu chuyện muôn thuở của thân phận đàn bà (Xuân Cang).
“Trong thơ chị người ta thấy nó không cao sang, không lên giọng, không làm điệu. Nó bật lên từ ngôn ngữ đời thường, có thế nào nói thế”(Ánh Xuân). Chính chị đã tâm sự trong phần Mấy lời tự bạch ở cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại (nxb Hội nhà văn Việt Nam - 1997) : Làm thơ với tôi như là một nhu cầu tự thân. Cuộc sống vất vả từ nhỏ, vào đời không mấy suôn sẻ và đời tư lại éo le, trắc trở, vì vậy có nhiều điều muốn nói, muốn được giãi bày. Ngoài thơ ra không biết lấy ai để bộc bạch gửi gắm lòng mình. Thơ tôi “Thật” và “đời thường” là vì thế.
Tác giả Lê Thị Mây, trong bài viết “Nhen lại lửa lòng” in trên báo Văn nghệ (Số tháng 12 - 1996) nhìn thơ Lam Luyến dưới góc độ giọng điệu. Lê Thị Mây thấy giọng thơ Lam Luyến mạnh tiết tấu, nhạc điệu các thể thơ truyền thống. Không chỉ có thế, tác giả còn nhận thấy trong thơ Lam Luyến có một người đàn bà yêu không mệt mỏi và yêu như một bản tính hồn nhiên, nhẹ dạ như bất kỳ ai trong phái đẹp. Cái trữ tình nồng hậu ở trong thơ Lam Luyến ẩn chứa một cái “Tâm: cho, tặng và dâng hiến” của chị. Trong bài viết này chúng tôi thấy Lê Thị Mây khá ưu ái và cảm nhận rất sâu sắc thơ Lam Luyến như có sự đồng cảm tri âm, tri kỷ vậy. Tác giả đã có một cái nhìn khá bao quát và thấy một Lam Luyến khác hơn ở Châm khói so với Lỡ một thì con gái và Chồng chị chồng em.
Cũng nhân đọc Châm khói, tác giả Ánh Xuân lại có cảm nhận khác trong bài viết ngắn “Hương nồng đắng một hồn thơ”. Ở đó Ánh Xuân nhận định Chất hương của Đoàn Thị Lam Luyến không chỉ đắng đót, nó còn có vị ấm nóng nồng nàn của một trái tim thương yêu trong một đời sống pha tạp còn đầy những bất trắc. Tác giả Ánh Xuân cũng giống như Lê Thị Mây nhận thấy rằng : Nếu như ở “Chồng chị chồng em” là tâm trạng muôn thuở của thân phận người đàn bà, nhưng là một người đàn bà hiện đại thản nhiên nhặt bã trầu về têm thì ở “Châm khói” là tâm trạng và nỗi niềm của thân phận người đàn bà dở dang, nhỡ nhàng với những cung bậc khác nhau: Cô đơn đến tận cùng, nuối tiếc, một cái cười diễu cợt… Và ở đó là lời ca của một trái tim cháy bỏng yêu thương.
Đọc những dòng thơ tình yêu của Đoàn Thị Lam Luyến, tác giả Vũ Nho trên báo Văn nghệ số tháng 5 – 2003 ở bài viết ngắn với tiêu đề “Đoàn Thị Lam Luyến - Người yêu đến nát cuộc đời cho thơ” lại cảm nhận về thơ Lam Luyến: Với Lam
Luyến tình yêu như là cội nguồn, lại cũng là động lực nuôi dưỡng thúc đẩy cảm hứng sáng tạo, và cũng là sông lớn, là biển cả, là ốc đảo, là miền đất hứa cho trái tim hạn hán của Lam Luyến hướng về. Theo Vũ Nho thì dường như thơ của Lam luyến trào dâng từ một tình yêu mãnh liệt của một trái tim cuồng nhiệt hiếm thấy ở những cây bút nữ vốn thiên về ngọt ngào, duyên dáng và dịu dàng e ấp. Cô gái họ Đoàn đòi hỏi yêu là cuồng nhiệt, yêu là phải cháy bùng ngọn lửa mê say, yêu là phải hết mình.
Lam Luyến đã góp một tiếng nói quan trọng vào khát vọng yêu, khát vọng hạnh phúc muôn đời của phụ nữ. Cùng bàn về vấn đề này, Phan Thị Thanh Nhàn trong bài viết “Lam Luyến càng yêu càng gặp tình hờ” (Vnexpress – ngày 26/11/2008) khẳng định: Lam Luyến dám bộc bạch mọi nỗi niềm riêng tư của chị. Những dòng thơ của chị làm người đọc nao lòng. Theo tác giả Thái Doãn Hiểu (Tạp chí Sông Hương số 205 tháng 3 /2006) Lam Luyến là nhân vật độc đáo nổi lọan tình yêu trong thơ. Lam Luyến lận đận nên khát yêu, vồ vập yêu, dại yêu, xây hạnh phúc như “làm nhà trên lưng cá voi”, nàng dữ dằn châm khói, tuyên chiến với tình yêu. Đúng là đọc thơ Lam Luyến chúng tôi thấy thơ chị luôn hướng về một thế giới hoàn mỹ. Và chất thơ của chị lặng lẽ nhả hương trong bóng tối đời mình.
Tuy các bài viết chưa bao quát hết sự nghiệp thơ Đoàn Thị Lam Luyến, nhưng ý kiến của những người đi trước đã là những gợi ý quý báu và định hướng cho chúng tôi trong khi thực hiện bản luận văn của mình.
2.3. Tác giả Hoàng Việt Hằng
Hoàng Việt Hằng xuất hiện trên văn đàn cách đây vài chục năm , trước hết là văn xuôi (chủ yếu là truyện ngắn), nhưng hình như thơ mới là dòng chảy tâm hồn tha thiết của chị. Chị từng tâm sự : “Tôi trở thành một người làm thơ, viết báo, thế chấp một đời cho văn chương. Tôi như người chạy chợ thức khuya dậy sớm trên ruộng chữ nghĩa của mình”. Bởi vậy có thể nói, Hoàng Việt Hằng có một năng lực sáng tạo khá dồi dào, cùng một cá tính không mấy ồn ào – tạo nên một vẻ đẹp riêng của thơ chị. Người ta ít biết thơ chị và hầu như không viết về chị, đó có lẽ là một mảnh đất mầu mỡ cho người viết tự do khám phá một kiếp thi nhân – đàn bà. Một số bài viết của các tác giả tiểu biểu như: Phạm Hồ Thu, Vũ Nho, Lê Thiếu Nhơn, Việt Quỳnh…
Cũng như người, thơ Hoàng Việt Hằng ít khi vui, luôn mang sự cô đơn quạnh quẽ lạnh vắng của người quen sống một mình, và bao nhiêu chuyến đi xa, lang thang khắp các vùng miền đất nước cũng lại một mình. Tác giả Việt Quỳnh nhân đọc tập thơ “Xóa đi và không xóa” đã chia sẻ “Lời thơ của Hoàng Việt Hằng đơn giản như thủ thỉ, thấy gì, cảm gì thì ghi chép lại. Câu thơ không phức tạp chữ nghĩa, không hoa lệ ngôn từ, cứ như một khoảnh tự mình trò chuyện với mình, dọc đường những lúc nghỉ chân đỡ phần mỏi mệt”. Có lẽ những trải nghiệm trong từng chuyến đi đã khiến chị thấu hiểu tâm sự của mọi kiếp người trong cuộc mưu sinh đầy cơ cực. Đúng như Vũ Nho đã nhận định trong cuốn 33 gương mặt thơ nữ: “ Thơ Hoàng Việt Hằng khiến người đọc nhìn vào cuộc mưu sinh đầy khó khăn gian khổ, thấy những phận người lầm lũi, những gắng gỏi, an nhiên của họ để biết rằng cuộc sống của mình là hạnh phúc, cần phải quý trọng, nâng niu…”. Phải chăng vì hướng đến những người lam lũ mà thơ Hoàng Việt Hằng thường nhạy bén chạm vào những góc khuất, những bất thường của cảnh vật làm bật ra những trăn trở, băn khăn, day dứt.
Đồng quan điểm trên Lê Thiếu Nhơn trong bài viết “Hoàng Việt Hằng cầu cạnh bút nghiên run rẩy viết” đã nhận định “Thơ Hoàng Việt Hằng không thuộc diện tài hoa, nhưng nhiều câu lấp lánh nước mắt khiến người đọc nao dạ!”. Hoàng Việt Hằng là người Hà Nội chính gốc nhưng chị lại chọn cho mình lối sống và cách viết hướng về nhà quê. Nói như Lê Thiếu Nhơn quả không quá “ Hoàng Việt Hằng đã nếm trải nhiều lao đao để những sóng gió bất trắc lặn vào trang giấy trắng thành những câu thơ vỗ về kiếp người nổi nênh”.
Hoàng Việt Hằng xuất hiện trên văn đàn cách đây vài chục năm, trước hết bằng văn xuôi (chủ yếu là truyện ngắn). Tuy Hòa sau đọc tản văn của Hoàng Việt Hằng đã viết “ Văn xuôi của Hoàng Việt Hằng có gì lạ? Thứ nhất, chị có bề dày hoạt động văn học để tạm đủ tư liệu viết về chân dung nghệ sĩ. Thứ hai, lối cảm lối nghĩ của một nhà thơ mang lại vẻ đẹp riêng cho thể loại tùy bút hoặc tản mạn”. Chị đã có 4 tập văn xuôi xuất bản, nhưng hình như thơ mới là dòng chảy da diết nhất từ tâm hồn chị. Đặc biệt với tập “Vệt trăng và cánh cửa” của chị đã đạt giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội. Phạm Hồ Thu đã chia sẻ sau khi tập thơ đạt giải thưởng “Vệt trăng và cánh cửa là tập thơ thứ 5 của chị, cho biết một năng lực sáng tạo khá dồi dào, dẫu
bạn bè biết Hoàng Việt Hằng là một cá tính, không mấy ồn ào. Và điều này cũng làm nên nét đẹp riêng của thơ chị”. Đó quả là một thành công đối với một người đàn bà mang nghiệp cầm bút.
Những ý kiến trên tuy chưa trực tiếp đi sâu tìm hiểu, phân tích đánh giá về nghệ thuật của thơ Hoàng Việt Hằng nhưng phần nào đã chỉ ra được tầm quan trọng và ý nghĩa của thế giới nghệ thuật trong thơ của chị. Nhạy cảm với những vất vả,lam lũ, nghèo khó của những phận người, nên Hoàng Việt Hằng đã có những vệt thơ riêng.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
3.1. Đối tượng nghiên cứu.
Do luận văn nghiên cứu về ba tác giả nên chúng tôi chỉ tập trung khảo sát một vài tập thơ tiêu biểu thể hiện rõ cái tôi trữ tình của từng tác giả. Cụ thể như sau: 3.1.1.Tác giả Dư Thị Hoàn luận văn khảo sát ở hai tập thơ tiêu biểu:
1. Lối nhỏ (Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng xuất bản, 1988)
2. Du nữ ngâm (Tập thơ đăng mạng Internet)
3.1.2. Tác giả Đoàn Thị Lam Luyến luận văn khảo sát tập trung ở ba tập thơ:
1. Lỡ một thì con gái (1989)
2. Chồng chị chồng em (1991). 3. Dại yêu (2000).
3.1.3. Tác giả Hoàng Việt Hằng chúng tôi tập trung khảo sát qua hai tập thơ:
1. Một mình khâu những lặng im
2. Vệt trăng và cánh cửa.
3.2. Phạm vi nghiên cứu.
Phạm vi nghiên cứu của luận văn là Cái tôi trữ tình trong thơ Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Hoàng Việt Hằng được triển khai theo các phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật như ngôn ngữ, giọng điệu, thể thơ…Điều quan trọng là muốn đi vào thế giới nghệ thuật của các nhà thơ, chúng tôi luôn phải đối sánh với nội dung thơ, đời sống và tư tưởng của từng nhà thơ.
4. Mục đích nghiên cứu.
Luận văn nhằm làm sáng tỏ vấn đề sau:
- Tìm hiểu về cái tôi trữ tình trong thơ Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Hoàng Việt Hằng qua những nguồn cảm hứng tiêu biểu và nghệ thuật thể hiện nó để thấy được sự đóng góp của các nhà thơ nữ trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại
- Góp phần làm sáng tỏ phong cách thơ của Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Hoàng Việt Hằng .
5. Phương pháp nghiên cứu.
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau đây:
Phương pháp phân tích – tổng hợp. Phương pháp thống kê, phân loại Phương pháp so sánh – đối chiếu Phương pháp cấu trúc – hệ thống Phương pháp tiểu sử
6. Bố cục của luận văn.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, phần Nội dung chính của luận văn được triển khai gồm ba chương:
Chương 1: Nhận thức chung về cái tôi trữ tình – Sự hình thành cá tính sáng tạo trong thơ Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Hoàng Việt Hằng
Chương 2: Cái tôi trữ tình trong thơ Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Hoàng Việt Hằng nhìn từ phương diện nội dung
Chương 3: Cái tôi trữ tình trong thơ Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Hoàng Việt Hằng nhìn từ phương diện nghệ thuật.
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: NHẬN THỨC CHUNG VỀ CÁI TÔI TRỮ TÌNH – SỰ HÌNH THÀNH CÁ TÍNH SÁNG TẠO TRONG THƠ DƯ THỊ HOÀN, ĐOÀN THỊ LAM LUYẾN, HOÀNG VIỆT HẰNG.
1.1. Khái niệm về “cái tôi”, “cái tôi trữ tình” và biểu hiện của cái tôi trữ tình trong thơ ca truyền thống.
1.1.1. Cái tôi
Chúng ta thường có xu hướng tự nhiên muốn tìm hiểu, khám phá bản chất của các sự vật, hiện tượng trong thế giới bên ngoài, thuộc về tự nhiên và xã hội. Tuy