Cũng nghiên cứu về Cát bụi chân ai, tác giả Đặng Thị Hạnh đi sâu tìm hiểu cấu trúc thời gian và chỉ ra: “Dòng hoài niệm trong Cát bụi chân ai chạy lan man, rối rắm như ba mươi sáu phố phường, những phố hẹp của Hà Nội cổ đan xen nhau dày đặc, với những rẽ ngoặt quanh co…, vương quốc của Tô Hoài, Nguyễn Tuân (người sáng tạo ra từ “phố Phái”) và bạn bè. Thời gian hồi tưởng như ngẫu hứng, cũng chạy long bong theo dòng hoài niệm, móc vào đâu đấy, dừng lại một lát rồi lại đi, vấp phải một câu nói, có khi chỉ là một từ, tên con tàu Chantilly chẳng hạn, chứ không hẳn phải là một bóng chiều trên sóng hồ lăn tăn nhà Thủy Tạ, là đã có thể đổi chiều, đi ngược về trước hoặc lùi về sau, có khi hàng chục năm. Tưởng đó cũng là bình thường khi “trò chơi lớn”của văn viết hồi ký là đặt chồng lên nhau các lớp thời gian, cách viết này đã được nhiều nhà văn các nước, trước tiên là Chateaubriand “khánh thành”từ thế kỷ trước. Đối với giới nghiên cứu phương Tây điều này đánh dấu sự chuyển đổi vị trí (nghĩa là tầm quan trọng) của cái tôi nhân chứng trong các sự kiện lịch sử thời hiện đại: Việc không còn tuân thủ trình tự biên niên như hồi ký cổ điển khiến cho không gian và thời gian truyện kể được đặt cao hơn không gian và thời gian các sự cố được kể” [32. 398].
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn cũng có những nhận xét về thể hồi ký của Tô Hoài. Trong Lời bạt: Tô Hoài và thể hồi ký, tác giả viết: “Trong cái động có cái tĩnh, dường như trong kho văn chương của tác giả luôn có một góc riêng dành cho cái mà người xưa hay gọi là dĩ vãng và nó được ông quan niệm như một bộ phận không thể thiếu của hiện tại”[25. 927- 928].
PGS. TS Đoàn Trọng Huy khi nghiên cứu về ký của Tô Hoài đã nhận ra rằng: “Sau Tự truyện là Cát bụi chân ai (1992). Đây là tập hồi ký đan xen vào nhau từng mảng hồi ức và kỷ niệm gắn với đời văn, bạn văn … trong một không gian và thời gian rộng mở”. “Cách viết nhiều biến hóa với những liên
tưởng mạnh mẽ tung hoành theo không gian và thời gian nhiều chiều” [16. 495].
Nhìn chung các nhà nghiên cứu đều khẳng định vai trò và những đặc điểm riêng trong các tập hồi ký của Tô Hoài. Các tập hồi ký này có giá trị đánh dấu vị trí quan trọng trong toàn bộ sáng tác của tác giả. Các tập hồi ký của Tô Hoài đã cho chúng ta một cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống và con người trong những giai đoạn lịch sử khác nhau.
Như vậy, vấn đề về hồi ký nói chung và về cái nhìn, không gian và thời gian nghệ thuật trong hồi ký của Tô Hoài nói riêng đã được các nhà nghiên cứu đề cập trong một số bài viết của mình. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những nhận xét ban đầu mà chưa có một công trình nghiên cứu chuyên biệt. Vì vậy, tiếp thu và phát triển ý kiến của những người đi trước, chúng tôi đi sâu nghiên cứu vấn đề: “Cái nhìn, không gian và thời gian nghệ thuật trong hồi ký của Tô Hoài” với mong muốn tìm hiểu kỹ hơn về hồi ký ở góc độ thi pháp.
3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Có thể bạn quan tâm!
- Cái nhìn không gian và thời gian nghệ thuật trong hồi ký của Tô Hoài Qua hồi ký Cát bụi chân ai và Chiều chiều - 1
- Cái Nhìn Nghệ Thuật Trong Hồi Ký Của Tô Hoài
- Cái Nhìn Nhân Bản Nghiêng Về Cuộc Sống Sinh Hoạt Đời Thường
- Cái nhìn không gian và thời gian nghệ thuật trong hồi ký của Tô Hoài Qua hồi ký Cát bụi chân ai và Chiều chiều - 5
Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.
Luận văn không đi sâu nghiên cứu tất cả những vấn đề thi pháp mà chỉ tập trung vào: Cái nhìn nghệ thuật, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật trong hồi ký của Tô Hoài.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Vì thời gian có hạn, luận văn chỉ nghiên cứu những vấn đề đặt ra qua hai tập hồi ký Cát bụi chân ai và Chiều chiều. Để có một cái nhìn toàn diện, chúng tôi có so sánh với những tập hồi ký khác của tác giả.
4. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu: “Cái nhìn, không gian và thời gian nghệ thuật trong hồi ký của Tô Hoài” nhằm hướng tới các mục đích sau:
4.1. Cảm thụ hồi ký của Tô Hoài một cách sâu sắc hơn, hiểu rò hơn một số phương diện thi pháp trong hồi ký, đồng thời làm rò hơn đặc sắc riêng trong thế giới nghệ thuật của nhà văn.
4.2. Từ đó có cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về đóng góp của Tô Hoài cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, đặc biệt là trong thể hồi ký.
5. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
- Nghiên cứu những vấn đề lý thuyết có liên quan đến đề tài
- Nghiên cứu một số phương diện: cái nhìn, không gian, thời gian nghệ thuật trong hai tập hồi ký Cát bụi chân ai và Chiều chiều của Tô Hoài
6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu mà đề tài đặt ra, luận văn sẽ vận dụng các quan điểm và thao tác nghiên cứu thi pháp học, sử dụng và phối hợp các phương pháp nghiên cứu văn học sau:
- Phương pháp thống kê, khảo sát
- Phương pháp phân tích, tổng hợp
- Phương pháp so sánh, đối chiếu
- Phương pháp hệ thống
7. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
7.1. Tô Hoài là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Từ trước tới nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu cũng như bài viết về sáng tác của Tô Hoài. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu chuyên biệt về vấn đề thi pháp: cái nhìn, không gian và thời gian trong hồi ký của Tô Hoài. Luận văn là công trình đầu tiên có tính chất chuyên biệt về vấn đề trên. Luận văn vừa kế thừa những nhận định, đánh giá của các nhà nghiên cứu đi trước, vừa tìm tòi, lựa chọn một số phương diện tiêu biểu trong thế giới nghệ thuật của nhà văn và đặt chúng trong mối quan hệ thống nhất hữu cơ, để
từ đó nêu bật những đặc điểm thi pháp: cái nhìn, không gian và thời gian nghệ thuật trong hồi ký của Tô Hoài.
7.2. Kết quả của luận văn ít nhiều góp phần gợi mở hướng tiếp cận tác phẩm hồi ký trên phương diện thi pháp học. Giải quyết những vấn đề đặt ra luận văn đem lại cho người đọc yêu thích nhà văn Tô Hoài một cái nhìn đầy đủ hơn về tác giả. Đồng thời luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho giáo viên, học viên, sinh viên khi nghiên cứu tác giả Tô Hoài.
8. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, phần nội dung của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Cái nhìn nghệ thuật trong hồi ký của Tô Hoài Chương 2: Không gian nghệ thuật trong hồi ký của Tô Hoài Chương 3: Thời gian nghệ thuật trong hồi ký của Tô Hoài
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1
CÁI NHÌN NGHỆ THUẬT TRONG HỒI KÝ CỦA TÔ HOÀI
1.1. Đặc điểm hồi ký của Tô Hoài
1.1.1. Khái niệm hồi ký
Thể loại hồi kí ra đời rất sớm, từ thời cổ Hi Lạp. Hồi ức của Kxê - nô – phôn và Xô- cơ- rát và những ghi chép của ông về các cuộc hành quân của người Hi Lạp (thế kỉ V tr. CN) thường được coi là những tác phẩm hồi kí cổ xưa nhất.
Ở nước ta vào những năm cuối thập niên 90 thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI trên văn đàn xuất hiện nhiều tác phẩm hồi ký của văn nghệ sĩ, chủ yếu là các nhà văn đã tạo dựng một mảng sinh động của đời sống văn học mà có thể nói rằng trước đó chưa thể có. Nhiều sự kiện văn học quá khứ, nhiều số phận văn chương cùng nhiều vấn đề phức tạp của quá khứ gần, xa… đã được tái dựng theo một cách nhìn mới. Những chuyển động ban đầu báo hiệu tầm ảnh hưởng sâu rộng của hồi ký đối với tư tưởng cũng như cuộc sống có thể kể đến Đặng Thai Mai hồi ký, Từ bến sông Thương của Anh Thơ và tiếp đó là những tác phẩm thu hút sự quan tâm, tạo được ấn tượng mạnh đối với độc giả như Cát bụi chân ai, Chiều chiều của Tô Hoài, Bút ký song đôi của Huy Cận, Nhớ lại một thời của Tố Hữu v.v.
Vậy thế nào là hồi ký?
Các tác giả của cuốn Từ điển thuật ngữ văn học đã đưa ra khái niệm: “Hồi ký là một thể loại thuộc loại hình ký, kể lại những biến cố đã xảy ra trong quá khứ mà tác giả là người tham dự hoặc chứng kiến”. Nhóm tác giả cho rằng: “Xét về phương diện quan hệ giữa tác giả với sự kiện được ghi lại về tính chính xác của sự kiện, về góc độ và phương thức diễn đạt, hồi ký có nhiều chỗ gần với nhật ký. Còn về phương diện tư liệu, về tính xác thực và
không có hư cấu thì hồi ký lại gần với văn xuôi lịch sử, tiểu sử khoa học” [12. 152].
Cùng với quan niệm đó, tác giả Lại Nguyên Ân trong cuốn 150 thuật ngữ văn học cũng khẳng định: “Hồi ký là một dạng trứ tác thuộc nhóm thể tài ký. Tác phẩm hồi ký là một thiên trần thuật từ ngôi tác giả, kể về những sự kiện có thực trong quá khứ mà tác giả tham dự hoặc chứng kiến.” [2. 153].
Quan tâm đến vấn đề này, các tác giả của cuốn Lí luận văn học đã dành một chương nghiên cứu về tác phẩm kí văn học. Các tác giả cho rằng: “Phải là loại văn xuôi tự sự trần thuật những người thật việc thật với những đặc điểm riêng biệt trong mức độ và tính chất hư cấu, trong vai trò của người trần thuật cùng mối liên hệ giữa nó với đặc điểm của kết cấu và cốt truyện v.v…. thì mới làm nên đặc trưng của kí.” [13. 423]. Cũng trong cuốn này, các nhà lí luận văn học khẳng định: “Xét từ gốc và bản chất, thì kí không nhằm thông tin thẩm mĩ, mà là thông tin sự thật.” [13. 424].
Như vậy là, trong quan niệm của các nhà nghiên cứu, hồi ký là một thể loại văn học luôn đề cao tính chính xác và độ chân thực của các sự kiện.
Nhà văn Tô Hoài – nhà văn rất thành công trong thể loại hồi ký cũng đưa ra nhận định riêng của mình về: “Ký là một thể loại mang tính cách riêng, tính cách của một lối viết ra những cảm xúc trước sự việc mắt thấy, tai nghe. Ký có lối xây dựng chủ đề, nhân vật, kết cấu, tình tiết, ngôn ngữ… riêng biệt” [55. 20]. Chính từ quan niệm đó mà hồi ký của Tô Hoài có những đặc điểm riêng. Một mặt nó tuân theo những yêu cầu riêng của hồi ký, một mặt nó in đậm cá tính sáng tạo của nhà văn. Trong đó hai cuốn hồi ký Cát bụi chân ai và Chiều chiều là những tác phẩm tiêu biểu minh chứng cho phong cách viết hồi ký của tác giả.
Như vậy hồi ký là một thể quan trọng trong ký tự sự. Hồi ký là một cách thể hiện nhu cầu khám phá đời sống và con người. Sức hấp dẫn của hồi
ký chính là sự tường minh của hồi ức và sự sắp xếp các mạch của hồi ức. Các tác giả không chỉ xây dựng được diện mạo của người cùng thời mà qua chuyện của mình phác họa được gương mặt của thời đại. Nói như nhà thơ Huy Cận: “Viết hồi ký là sống lại một lần nữa cuộc đời mình, cũng là san sẻ cho người trong thiên hạ vui buồn của mình, thân phận của mình và phần nào những trải nghiệm dọc đời đã sống” [54. 83].
1.1.2. Nhà văn Tô Hoài và hành trình viết hồi ký của tác giả
Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920 trong một gia đình thợ thủ công nghèo ở làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hoàn cảnh đó khiến nhà văn từ nhỏ đã sớm hòa mình trong cuộc sống của gia đình, làng quê lúc phong lưu cũng như khi sa sút, túng quẫn. Tô Hoài cũng đã cảm nhận được niềm vui và nỗi buồn trong từng bước thăng trầm của làng nghề truyền thống. Tuổi thơ của Tô Hoài hầu như không được sống trong cảnh êm đềm. “Cậu bé Sen” thường được chứng kiến cảnh ông ngoại nghiện rượu để rồi khi thì ông sinh sự, đay nghiến chửi bà, khi lại rất hiền lành âu yếm kể biết bao nhiêu là chuyện ngày xưa… Bà ngoại vừa cam chịu, cũng vừa lắm điều nhiều lời. Và các dì, cuộc sống quẫn bách nên cũng không còn thuần khiết như xưa, cũng cãi lại cha mẹ, cũng tình ý với thầy giáo làng để bị đánh ghen giữa nơi Kẻ Chợ, cũng đánh chửi con cái… Chính hoàn cảnh ấy đã tác động sâu sắc đến nhãn quan của Tô Hoài.
Tô Hoài chỉ được học hết bậc tiểu học, rồi cũng như mọi thanh niên trai làng khác, Tô Hoài sớm trở thành anh thợ cửi. Nhưng cảnh nhà nghèo, nghề dệt lại lụi bại dần, Tô Hoài lận đận trong mưu kế sinh nhai. Ông phải đi kiếm sống bằng nhiều nghề: thợ cửi, bán hàng, phụ kế toán, coi kho cho hiệu buôn giầy, dạy học và còn sống qua những ngày thất nghiệp tủi nhục không một đồng xu dính túi.
Tô Hoài vừa đi làm, vừa tự học, đọc sách báo và tập viết văn. Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình bằng một số bài thơ có tính chất lãng mạn, sau đó ông đã nhanh chóng chuyển sang viết văn xuôi theo xu hướng hiện thực. Đó là một sự tự ý thức sâu sắc, tinh nhạy và từ đó ông đã gặt hái được rất nhiều thành công.
Tô Hoài sớm giác ngộ cách mạng. Thời kì Mặt trận dân chủ, ông tham gia phong trào hội Ái hữu thợ dệt ở Hà Đông và Thanh niên Dân chủ ở Hà Nội. Sau đó ông gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc, hoạt động tuyên truyền Việt Minh, viết báo bí mật. Sau Cách mạng tháng Tám, ông làm báo Cứu quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh. Ông đi nhiều nơi: Việt Bắc, Tây Bắc… . Đặc biệt Tô Hoài đi theo bộ đội hàng tháng trời trong chiến dịch lớn, thâm nhập thực sự với quần chúng và đời sống nhân dân. Sau khi hòa bình lập lại, ông đã trở lại miền núi để sống và viết. Tô Hoài tham gia công tác lãnh đạo văn nghệ và gắn bó với công tác xã hội. Vào tuổi 70, 80 ông vẫn mải mê đi và viết. Tất cả những gì Tô Hoài được chứng kiến và cảm nhận đều trở thành những tư liệu quý giá trong các trang viết của nhà văn.
Tô Hoài vốn có khiếu quan sát tinh quái, đến “con ruồi bay qua không lọt khỏi mắt” (Vương Trí Nhàn), do đó mọi hoàn cảnh, mọi số phận, buồn vui, hay dở trong cuộc sống đều được nhà văn cảm nhận sâu sắc đầy tính nhân bản.
Cùng với nhu cầu thôi thúc tự bên trong, Tô Hoài còn rất say mê học tập và ham hiểu biết. Để tự trau dồi kiến thức cho mình, ông rất chăm chỉ đọc sách báo, ghi chép hằng ngày một cách tỉ mỉ, chi tiết, từ giá cả sinh hoạt chợ búa, đến tiếng nhà nghề, tiếng địa phương… . Ông học trong sách, học ngoài cuộc đời và học nhân dân, đức tính quý báu ấy đã giúp ông có được những chất liệu phong phú cho sự nghiệp sáng tác của mình.