sống ở lầu Ngưng Bích. Một mình một bóng, ngày ngày ngồi trên lầu cao phóng tầm mắt ra xa ngắm phong cảnh xung quanh, nàng nhận thấy cảnh nhìn từ lầu Ngưng Bích dường như đối lập nhau: phía đông trông ra biển xanh mênh mông nhưng phía bắc lại nhìn lên Kinh kì sầm uất, phía nam ngó lại Kim Lăng, phía tây trông ra dãy núi Kỳ Sơn hoang vắng. Cảnh rộng lớn, mênh mông với cảnh tấp nập sầm uất đan xen nhau, tương phản nhau khiến tâm hồn nàng càng rối bời, dậy sóng. Nỗi nhớ chàng Kim dội về, đêm thề nguyền còn rõ nét như mới xảy ra ngày hôm qua mà nay nàng lại phải sống một cuộc sống khác, xa gia đình, xa người yêu, cô đơn lẻ loi “thê lương biết dường nào”. Nàng bèn cầm bút viết 10 bài Chẳng cùng nhau để ghi lại tấm tình thương nhớ.
Thanh Tâm tài nhân đã để Thúy Kiều nhớ tới chàng Kim trước tiên. Mối tình của nàng và chàng đang đẹp và thắm thiết nhường vậy nhưng “tai bay vạ gió” khiến phải “chia hai ngả”, khiến hiện tại nàng “tình ngắn tình dài chất đầy lòng... đau khổ mung lung”. Nàng lo lắng khi nghĩ tới mẹ cha, rồi trở lại hiện tại xót xa cho thân phận mình. Quá khứ và hiện tại đan xen, chất chứa bộn bề khiến nàng không thể nào khuây đi được. Rồi nàng lại tưởng tượng ra viễn cảnh tương lai: nàng chết đi nhưng lại sống lại, nàng sẽ làm gì? Trăn trở trăm bề, cuối cùng trở lại thực tại, nàng đớn đau xót xa khi nghĩ tới số phận mình “Đớn đau Thúy Kiều số mệnh trái ngang. Ôi chao! Số mệnh trái ngang. Thật bi ai!”.
Với tâm trạng đớn đau, xót xa ấy, khi thấy cảnh mênh mang, đầy sóng, đầy khói với cánh buồm nổi trôi vô định ở lầu Ngưng Bích, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ người yêu trong Thúy Kiều càng dội về mạnh mẽ và cảm giác đau đớn, xót xa khi nghĩ về tình cảnh hiện tại như càng dâng cao. Đứng trên lầu cao, trong buổi chiều tà thảm đạm ấy, nàng ngửi thấy “nước suối thoảng mùi hoa” lan toả khắp chốn, sương khói mông lung mờ ảo ở ngọn núi xa xa, những ngọn sóng cứ đánh vào bờ không ngơi nghỉ, tất cả đều đang diễn ra,
hiển hiện trước mắt nhưng mọi thứ đều xa xôi, mờ ảo. Cảnh vật xa xôi mờ ảo thực hay do tâm trạng con người? Nàng đang nhỏ lệ vì nỗi niềm xưa, vì sự cô đơn, vì cuộc sống vô nghĩa lý hiện tại? Số phận của nàng cũng mịt mờ như thế? Gió nâng vóc liễu lên cao, sóng đánh vào bờ - một chuyện hết sức bình thường nhưng lại khiến nàng nhớ tới biến cố đã xảy đến với gia đình, khiến nàng phải giã từ người thân, người yêu để “đi biệt đất nhà”, trở thành kẻ tha phương. Vậy mà nàng lại tự an ủi mình, tự tạo cho mình niềm hy vọng“Việc cũ can chi mà nhỏ lệ?/ Đốt lò nhắp thử vị hương trà”.
10 bài Đêm nay đêm gì
Về sau, nhờ thế lực của Vệ Hoa Dương, Thúy Kiều đã lấy lẽ Thúc Sinh - một khách làng chơi si mê tài sắc của nàng. Vào buổi tối trước khi Thúc Sinh về quê xem xét tình hình để thú thật việc lấy vợ lẽ với vợ cả, chàng đề nghị hai người làm một thiên ly biệt ghi lại tâm trạng trước khi chia ly. Sau khi nghe bài thơ của Thúc Sinh, Thúy Kiều họa lại bằng 10 bài Đêm nay đêm gì để mở rộng thêm ý. Câu hỏi “Đêm nay đêm gì?” đứng đầu ở mỗi bài thơ như xoáy sâu vào lòng người đọc nỗi đau chia phôi của hai người. Bài thơ như lời oán thán, như câu hỏi không lời đáp tại sao nàng và Thúc Sinh lại phải chia ly: trăng tròn đầy nhưng người phải chia ly, tiếng nhạn khóc trên trời cũng như oán hờn cho cuộc chia ly này. 10 bài thơ cứ trở đi trở lại tâm trạng đau đớn của Thúy Kiều khi phải chia xa Thúc Sinh, đó là nỗi buồn luyến lưu của đêm chia ly ở thời điểm hiện tại, đó là sự lo lắng khi tưởng tượng ra cảnh Thúc Sinh đã lên đường nhưng không biết bao giờ trở về. Sự đớn đau đó như trải dài vô tận bởi những nghĩ suy về hiện tại, hướng về tương lai cách trở rồi trở lại thực tại. Trong thơ, nàng viết để vơi bớt khổ đau, nàng đã mượn rượu giải sầu nhưng vô ích bởi “càng rượu lại càng sầu”. Không những thế, nàng còn tưởng tượng ra cảnh chia ly này là sinh ly tử biệt và hẹn nhau ở suối vàng! Niềm dự cảm chẳng lành, nỗi ám ảnh mệnh bạc lại dấy lên trong lòng nàng chăng? Thế nhưng khi
thấy sự buồn rầu, đau khổ của Thúc Sinh, nàng lại nghẹn ngào an ủi. Thúy Kiều quả thực là người con gái đa sầu, đa cảm, yêu mãnh liệt nhưng cũng rất lý chí và mạnh mẽ.
Có thể bạn quan tâm!
- Dung Hợp Văn Thể Và Đặc Điểm Thơ Từ Trong Kim Vân Kiều Truyện
- Thơ Từ Trong Kim Vân Kiều Truyện Với Chủ Đề Tư Tưởng Tác Phẩm
- Thơ Từ Trong Kim Vân Kiều Truyện Với Vai Trò Khắc Họa Nội Tâm, Tính Cách, Tài Năng Nhân Vật Thúy Kiều
- Nhóm Thơ Từ Chủ Yếu Thể Hiện Tài Năng Thơ Ca Của Thúy Kiều
- Cách Xử Lý Của Nguyễn Du Đối Với Thơ Và Từ Trong Kim Vân Kiều Truyện
- Cách Xử Lý Của Nguyễn Du Đối Với Nhóm Thơ Từ Khắc Họa Nhân Vật Trong Kim Vân Kiều Truyện
Xem toàn bộ 149 trang tài liệu này.
Bài Từ chàng ra đi và bài chú cầu trời
Sau khi Thúc Sinh đi, nỗi nhớ tình Thúc Sinh trào lên da diết khiến Thúy Kiều trằn trọc không ngủ được nên đã sáng tác 6 bài thơ nhan đề Từ chàng ra đi để ghi lại tâm tình thương nhớ. 6 bài thơ đều bắt đầu bằng câu ra “Từ chàng đi”, tuy mỗi bài một ý nhưng tất cả đều nhằm thể hiện những cung bậc, khía cạnh khác nhau của nỗi nhớ Thúc Sinh khôn nguôi. Nhớ chàng, nàng ngày ngày ngóng trông nhưng đều thất vọng “Từ chàng ra đi/ Ngày ngày trông chim xanh/ Chim xanh nào có thấy/ Chỉ thấy mây trắng tinh”. Nàng cũng không dám duy trì thói quen cũ, không dám lên lầu cao bởi trên lầu cao nàng sẽ nhìn thấy hàng liễu “Tha thướt gợi thêm sầu”. Nàng cũng không dám nhắc hay dám khóc bởi “Khóc, sợ chàng trằn trọc”. Để vơi bớt nỗi sầu, nàng ra ngắm sóng nhưng vô ích, sầu lại càng sầu. Ban ngày đã thế, ban đêm nỗi nhớ lại càng thêm da diết bởi từ ngày vắng Thúc Sinh, nàng chỉ có vầng trăng lạnh bầu bạn với nỗi cô đơn, lạnh lẽo bủa vây.
Những vần thơ khao khát yêu đương ấy gợi ta nhớ tới những câu thơ của nàng Nhị Khanh (Truyện cây gạo) trong Truyền kỳ mạn lục. Sau cuộc mây mưa, Nhị Khanh đã làm 2 bài thơ ghi lại cảm xúc của mình. Những vần thơ đậm sắc dục ấy viết bằng tiếng Hán, lại đan xen trong văn xuôi nên độc giả Việt Nam không dễ dàng tiếp nhận ngay nội dung thẩm mỹ của chúng. Nguyễn Dữ cũng không ít lần để nhân vật, đặc biệt là các nhân vật nữ nói lên quan niệm sống sao cho thỏa nguyện của mình. Nhưng người đọc cũng không khó nhận ra sự đối lập giữa những vần thơ say sưa men tình của nghệ sĩ Nguyễn Dữ, sự đồng cảm với những khao khát ân ái lứa đôi chân chính với
lời phê bình gay gắt của nhà Nho nghiêm khắc Nguyễn Dữ trong áng “thiên cổ kỳ bút” này.
Bản đàn đầu tiên Thúy Kiều gảy hầu vợ chồng Thúc Sinh - Hoạn tiểu thư
Lấy Thúc Sinh, tưởng rằng đời Thúy Kiều sẽ rẽ sang trang, dù chỉ là phận lẽ mọn nhưng cũng yên lành hơn. Thế nhưng, trời không chiều lòng người, nàng bị vợ cả của Thúc Sinh (Hoạn tiểu thư) bắt về Vô Tích, xung vào hàng thị nữ. Khi Thúc Sinh về, để trả thù Thúc Sinh và Thúy Kiều cho thỏa lòng ghen của mình, Hoạn tiểu thư hết bắt nàng hầu rượu lại bắt hầu đàn. Tác giả đã phần nào diễn tả được nội tâm của Thúy Kiều qua suy nghĩ thầm của nàng: “Chàng Thúc trước kia là bạn cùng giường, nay ngồi làm khách trên tiệc, trông thấy nhau mà không dám nhận nhau, bất giác cảm khái sự hưng suy, đau đớn nỗi sau trước, bèn dạo lên một khúc” [57, tr. 169-170].
Khúc ca này mang đặc trưng tự sự rõ nét. Trong 4 câu đầu tiên, Thúy Kiều tự nhận mình mệnh bạc, ngầm kể về quãng đời hạnh phúc khi được Thúc Sinh cứu ra khỏi lầu xanh - quãng đời “Rộn ràng trong áng sênh ca/ Đường tơ tiếng sáo, lân la dập dìu” nhưng hồng nhan bạc mệnh, cuộc đời biến ảo khôn lường, nàng lại phải làm thân nô tì. Nàng kể về nỗi khổ của phận nô tì nói chung “Khóc cười nào đâu dám lần khân/ Giận mừng nhờ lượng khoan nhân dám nài”, sau đó, nàng ngầm kể về nỗi nhục nhã khi thân làm vợ Thúc Sinh nhưng lại “mắc vào vành”, phải hầu hạ vợ chồng Thúc Sinh dưới phận con ở “Tin ông chủ, cõi ngoài trở lại/ Gặp nhau cùng tình ngãi đôi ta/ Bên thì khách quý tiệc hoa/ Bên thì tôi tớ phận ta sá gì!”. Cuối cùng, nàng bộc lộ nỗi sợ hãi tột độ khi lâm vào tình cảnh trớ trêu này “Bốn mắt liếc còn chi sinh khí/ Hai lòng soi, càng nghĩ càng ghê/ Tiếng đàn đau đớn tỉ tê/ Buồn này mới thật làm mê mẩn tình” và thể hiện niềm mong mỏi được thoát khỏi tình cảnh này “Ngày nào chắp cánh ngang trời cùng bay”. Có thể nói nỗi sợ
hãi, sự đau đớn và tủi nhục của Thúy Kiều đã gửi cả vào trong tiếng đàn, chính vì thế khúc đàn chưa dạo xong nhưng “hình như gió thoảng mưa sầu, nỉ non thổn thức ở trước bàn tiệc, làm cho Hoạn tiểu thư tiu nghỉu không vui. Thúc Sinh nước mắt dầm dề mà Kiều cũng khóc lóc đứt ruột” [57, tr. 171].
2.3.2.4. Nhóm thơ từ thể hiện con người quyết đoán, lý chí như trang nam nhi của Thúy Kiều
9 bài Gặp phải đứa vô loài
Trước đó, Thanh Tâm tài nhân đã kể rất chi tiết những suy nghĩ, toan tính, hành động của Thúy Kiều từ khi lên kiệu hoa tới khi thất thân với Mã Bất Tiến. Tiếp đó, người kể chuyện cắt nghĩa hoàn cảnh sáng tác thơ của nàng: “Tan cuộc mây mưa, Mã Quy gục đầu ngủ thẳng. Còn Thúy Kiều nước mắt đầm đìa, bụng nghĩ: “Tiếc thay, tính mệnh Vương Thúy Kiều sẽ chết trong tay người này đây”, bèn nghĩ luôn 9 bài, gọi là Gặp phải đứa vô loài” [57, tr. 82].
Nổi bật, xuyên suốt 9 bài thơ là sự căm tức, giận dữ, than thân trách phận nhưng phải chấp nhận thực tại là phải lấy kẻ xấu xa như Mã Bất Tiến của một Thúy Kiều mạnh mẽ, lý chí. Trong thơ, nàng tự nhận mình là “gái đẹp nhà vàng”, cuộc đời đầy hứa hẹn nhưng do số phận nên đã “sinh không gặp chỗ”, lâm vào cảnh khốn cùng, thế nên mặc dù “đau lòng muốn chết”, “ân hận” nhưng vẫn phải lấy Mã Bất Tiến - một kẻ nàng coi “như con chó”, “ngu xuẩn như khỉ... lạnh tanh như gò”, “già như cha”, “gian và độc”,...
Bài Khốc hoàng thiên
Khi lấy Mã Bất Tiến, Thúy Kiều đã dự liệu từ trước là bị hắn bắt vào lầu xanh làm kỹ nữ. Khi tiếp khách, nàng thường nghĩ mình “xuất thân là hạng người thế nào, bình sinh hứa hẹn những gì, mà ngày nay rơi vào nơi bể khổ biết bao giờ có ngày mở mày mở mặt” [57, tr. 120-121]. Mối sầu chan chứa ấy, nỗi bất bình ấy được nàng gửi gắm vào bài Khóc trời (Khốc hoàng thiên).
Nổi bật và xuyên suốt bài ca là sự bất bình của Thúy Kiều khi bị ép phải học cách “đưa đẩy làm tiền” và nỗi khổ cực khi phải tiếp khách xuất thân từ mọi hạng người khác nhau. Ở những câu đầu tiên, nàng tự nhận mình mệnh bạc, kể lại nguyên nhân nàng phải bán mình và “Ép mình đưa đón kiếm ra tiền tài”. Sau đó, ngẫm về xuất thân “đài các” và tình cảnh hiện tại, nàng thể hiện sự tức giận khi phải nghe những lời dạy bảo cách hành nghề của Tú bà “Nghĩ mình vốn thân đài các ấy/ Biết làm sao đưa đẩy làm tiền/ Những nghe dạy bảo mà phiền/ Vô liêm vô sỉ, giận điên cả người”. Cuối cùng, qua việc so sánh cuộc sống của gái lầu xanh với thân phận lẽ mọn, nàng nhắn nhủ tới tất cả chị em lầu xanh hãy tự cứu lấy thân, nhanh chóng thoát khỏi chốn lầu xanh nhơ nhớp. Về sau, bài ca này được phổ vào hồ cầm, khi ca lên không chỉ các chị em trong lầu xanh mà cả Tú bà cũng đều rơi lệ. Bằng cách liệt kê hàng loạt những nỗi khổ, nhục nhã chung của thân gái lầu xanh khi phải tiếp khách xuất thân từ mọi hạng người khác nhau, bài ca này tuy không thể hiện được tâm trạng riêng của cá nhân Thúy Kiều nhưng lại có giá trị hiện thực và tố cáo mạnh mẽ.
Bài thơ an ủi, cổ vũ Thúc Sinh lên đường
Nhờ thế lực của Vệ Hoa Dương, Thúy Kiều đã được cứu ra khỏi lầu xanh của Tú bà và lấy lẽ Thúc Sinh. Khi Thúc Sinh về quê thú thật chuyện với Hoạn tiểu thư, Thúc và Kiều đã làm một thiên thơ từ ghi lại cảnh biệt ly này. Trong hồi 13, qua lời và thơ của nhân vật Thúc Sinh, ta thấy rõ tâm trạng đau đớn, buồn rầu của chàng khi phải chia ly Thúy Kiều. Ngược lại, qua lời của Thúy Kiều và bài thơ an ủi Thúc Sinh, ta lại thấy tâm trạng dường như rất tỉnh táo, đầy chí khí của nàng. Bài thơ để tăng hăng hái, an ủi, cổ vũ cho Thúc Sinh lúc lên đường cũng vậy.
Bản đàn thứ 2 Thúy Kiều gảy hầu vợ chồng Thúc Sinh – Hoạn tiểu thư
Trong cuộc thù tạc đêm hôm đó, dường như Thúy Kiều đã có niềm dự cảm không lành về chuyến đi này của Thúc Sinh “Sinh ly tử biệt ngậm ngùi
than/ Sinh ly đành khổ chia hai ngả/ Tử biệt, cùng nhau gặp suối vàng”. Niềm dự cảm không lành ấy đã trở thành hiện thực: nàng đã bị Hoạn tiểu thư bắt về Vô Tích. Trong bữa tiệc rượu tẩy trần của Thúc Sinh, Hoạn tiểu thư đã tìm mọi cách để đày đọa nàng và Thúc Sinh, hết bắt nàng hầu rượu lại bắt hầu đàn góp vui. Thế nhưng, sau khi nghe Thúy Kiều gảy khúc đàn đầu tiên, Hoạn tiểu thư không những không vui mà còn “tiu nghỉu” nên đã thét mắng và bắt nàng gảy khúc đàn thứ hai. Không còn cách nào khác, “Thúy Kiều rưng rưng nước mắt, đưa nghiêng ngón tay búp măng nắn nót, lại gẩy một khúc đàn nữa” [57, tr. 171].
Trong khúc đàn thứ hai, Thúy Kiều ngầm thể hiện mong ước, ý chí của mình: nàng và Thúc Sinh có thể bỏ đi tới một nơi thật xa để sống cùng nhau, một cuộc sống đạm bạc nhưng hạnh phúc, tự do tự tại, phó thác cho số mệnh. Trái ngược với khúc đàn đầu tiên, khúc đàn thứ hai gảy xong không khiến Thúc Sinh đau khổ, Hoạn tiểu thư tức giận mà khiến hai người họ “tâm hồn thanh sảng”. Thúc Sinh và Hoạn tiểu thư hết lời khen ngợi ngón hồ cầm của nàng. Như vậy, qua việc miêu tả tiếng đàn của Thúy Kiều, Thanh Tâm tài nhân muốn ca ngợi tài đàn và thể hiện ý chí của nàng nhưng nội dung bản đàn không phù hợp với tâm trạng đau đớn, sợ hãi của nàng khi đó và lời khen của Thúc Sinh, Hoạn tiểu thư cũng không phù hợp logic tâm trạng hai nhân vật này.
Bài kệ viết lên cửa Quan Âm các
Bằng sự sắc sảo và khôn ngoan, Thúy Kiều nhận thấy không thể sống được ở nhà họ Hoạn, cũng không thể sống yên ổn ở Quan Âm các nên đã quyết tâm trốn thoát khỏi nơi đây. Vào một đêm, lợi dụng khi hai người hầu đã ngủ, nàng thu nhặt ít đồ thờ bằng vàng bạc, gói lại một bọc rồi đem ra mé cạnh vườn phía tây buộc một chiếc thừng lên cành cây, tự mình ăn vận quần áo đạo cô rồi viết lên cửa mấy câu kệ lời lẽ rất hào sảng, thể hiện ý chí của mình. Sau đó, nàng trở ra leo lên cây rồi nắm thừng tụt xuống ngoài vườn đi
miết. Nàng quyết tâm trốn khỏi nhà họ Hoạn - nơi chẳng khác chốn địa ngục trần gian, phó mặc cho số phận trôi dạt. Bài kệ hào sảng, mạnh mẽ và đầy chí khí này tuy đã góp phần thể hiện con người mạnh mẽ, quyết đoán của nàng nhưng lại làm chậm tiết tấu truyện.
Bài thơ Thúy Kiều viết trước khi tự vẫn trên sông Tiền Đường
Từ khi trốn khỏi Quan Âm các, Thúy Kiều đã phải trải qua rất nhiều gian truân thử thách. Cuối cùng, khi bị ép gả cho viên quân trưởng, nàng định tự vẫn nhưng sợ có người cứu nên cứ lần nữa ngồi tới canh ca. Cuối cùng, khi biết mình đang ở trên sông Tiền Đường - dòng sông định mệnh Đạm Tiên đã hẹn gặp khi báo mộng thủa nào, nàng đã sáng tác một bài thơ rất quyết đoán trước khi tự vẫn. Trong thơ, nàng đã nhắc lại lời hẹn Tiền Đường với Đạm Tiên 15 năm trước, đời người với bao biến cố cũng thấm thoắt trôi qua, nàng quyết tâm chấm dứt kiếp đoạn trường tại dòng sông định mệnh này bằng cách tự vẫn. Đề thơ xong, nàng kêu lớn một câu đầy khí phách như bậc đại trượng phu, tạ lỗi với Từ Minh Sơn và nguyện lấy cái chết để tạ lỗi “giết oan” chàng…
10 bài thơ Thúy Kiều viết trong đêm sum họp với Kim Trọng
Sau khi tự vẫn trên sông Tiền Đường, được Giác Duyên cứu, Thúy Kiều không những không chết mà còn được gặp lại mẹ cha, hai em và đặc biệt là người tình Kim Trọng. Vì mọi người đều ra sức thuyết phục nàng thành thân với Kim Trọng nên nàng đành phải đồng ý, nhưng chỉ làm “người bạn đứng ngoài thế tục”. Đêm đó, nhớ lại tiếng đàn xưa, Kim Trọng xin Thúy Kiều gảy một khúc cho chàng nghe. Tiếng đàn vui tươi này chính là dấu hiệu cho thấy cuộc đời nàng đã rẽ sang trang mới. Nhận thấy tiếng đàn này là tiếng đàn xấu nhưng “hối thì đã muộn rồi”, nàng thề từ nay không đàn hồ cầm nữa và làm thơ để “đổi vị” cho chàng.