Thành Phần Tộc Người Vùng Biên Và Những Khác Biệt Trong Phân Loại Tộc Người Giữa Việt Nam Và Trung Quốc

chính lãnh thổ thông thường. Tính xuyên biên giới của những cư dân vùng biên đã góp phần tạo nên sự sôi động không ngừng cho khu vực biên giới. Nhưng tính xuyên biên giới cũng lại đang đặt ra nhiều khó khăn cho công tác an ninh quốc phòng khi mà đường biên mỏng manh không thể là một rào cản ngăn các dòng chảy kinh tế - xã hội xuyên quốc gia giữa các cộng đồng dân cư của vùng biên rộng lớn.


3.2. Thành phần tộc người vùng biên và những khác biệt trong phân loại tộc người giữa Việt Nam và Trung Quốc

Cùng một dân tộc nhưng lại có địa bàn cư trú vắt qua biên giới, trở thành công dân của hai quốc gia khác nhau, các cư dân này vẫn duy trì tên gọi của tộc người trong khi nhiều nét tương đồng trong ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục tập quán về cơ bản vẫn được họ bảo lưu. Chúng ta gọi họ là các dân tộc cư trú vắt qua biên giới, cũng có thể gọi họ là các tộc người xuyên quốc gia.

Tính tộc người của cư dân vùng biên Việt - Trung hết sức đa dạng nhưng dường như họ không bị hòa lẫn vào nhau, ngược lại vẫn duy trì đơn vị tụ cư cuối cùng của riêng mình là các làng bản. Tuy nhiên, ở khu vực đô thị, đường biên giới văn hóa giữa các tộc người vùng biên hầu như biến mất. Người Zhuang (Choang), người Hán, người Kinh và các dân tộc thiểu số khác cùng chung sống trên một địa bàn mà không có ranh giới vật chất như kiểu làng bản ở khu vực nông thôn. Ngôn ngữ chung cũng được sử dụng phổ biên trong trao đổi.

Vấn đề các dân tộc xuyên biên giới Việt Trung đã được các nhà nghiên cứu Trung Quốc thảo luận và gần như họ đã đạt được sự đồng thuận trong giới khoa học. Theo tài liệu chính thức, có 12 dân tộc và một số nhóm người mà họ định danh là

―chưa được xác định‖. Jin Chun Zi và Wang Jian Min trong cuốn sách ―Các dân tộc xuyên biên giới Trung Quốc‖ đã nói đến các dân tộc xuyên biên giới Việt - Trung. Căn cứ vào thống kê của họ thì chỉ có các dân tộc như Dai, Yi, Hani, Lahu, Kemu, Zhuang, Buyi, Miao, Yao, Jing được xác định là các tộc người xuyên biên giới. Cuốn sách nói trên hết sức giản lược và cơ bản chỉ dựa trên cơ sở tình hình các dân tộc của Trung Quốc để phân định mà không có những nghiên cứu sâu tình hình thực tế các dân tộc của các nước xung quanh. Do vậy cuốn sách mới chỉ nhắc đến một bộ phận của các dân tộc xuyên biên giới Việt - Trung.

Fan Hong Gui trong tác phẩm ―Dân tộc và vấn đề dân tộc ở Việt Nam‖ đã xác định trong số 56 dân tộc của Trung Quốc có 12 dân tộc xuyên biên giới Việt - Trung

gồm: Zhuang, Han, Dai, Buyi , Miao, Yao, Yi, Hani, Lahu, Kelao, Jing, Hui. Ngoài ra, ông cũng cho rằng còn một vài nhóm người chưa được xác định thành một dân tộc là Mang và Ke Mu (Fan Hong Gui, 1999). Đáng lưu ý là tất cả các dân tộc này đều có mặt ở Việt Nam nhưng lại được gọi bằng các tộc danh khác nhau. Các nhà khoa học Việt Nam dường như chưa quan tâm nhiều đến nghiên cứu các dân tộc xuyên biên giới nên chưa đưa ra được một danh mục cụ thể. Nguyễn Chí Huyên, Hoàng Hoa Toàn và Lương Văn Bảo (2000) đã tập hợp một số bài viết để mang lại một cái nhìn khái quát về nguồn gốc lịch sử các tộc người vùng biên giới phía Bắc Việt Nam nhưng không đưa ra môt danh mục xác định, trong khi thông tin về các đồng tộc của họ phía bên kia biên giới ít ỏi và chưa được cập nhật. Dựa trên các tài liệu mô tả dân tộc học có sẵn ở Việt Nam, chúng ta có thể xác định được 26 trong số 54 dân tộc có địa bàn cư trú xuyên biên giới Việt - Trung, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Hmông, Dao, La Hủ, Cờ

Lao, Chăm, Lự, Bố Y, Giáy, Hoa (Hán), Ngái, Lô Lô, Phù Lá, Pà Thẻn, Sán Dìu, Hà Nhì, Si La, Cống, Pu Péo, La Chí, Sán Chỉ, Khơ mú, Mảng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 220 trang tài liệu này.

Về nguồn gốc tộc người, tác giả Fan Hong Gui đã khái quát về 4 nhóm nguồn gốc chủ yếu của cư dân biên giới Việt – Trung như sau :

Nhóm thứ nhất là các cư dân từ Trung Quốc thiên di đến Việt Nam. Theo cách phân định của Trung Quốc thì có tới 10 dân tộc thuộc nhóm này. Hầu hết các nhóm này do loạn lạc, chiến tranh và nạn đói. Trong số họ, có người bị bắt lính, bắt phu, có người phản kháng, khởi nghĩa, bị đàn áp mà phải thiên di vào Việt Nam.

Các tộc người xuyên biên giới và vấn đề phát triển vùng biên Việt – Trung từ 1990 đến nay - 6

Nhóm thứ hai là từ Trung Quốc thiên di đến nước thứ 2 rồi chuyển đến Việt Nam. Thuộc về trường hợp này là một chi hệ của người Hà Nhì, sau khi di cư đến Lào, rồi quay sang định cư ở Việt Nam và được các nhà nghiên cứu Việt Nam xác định là dân tộc Si La ở Việt Nam.

Nhóm thứ ba là các cư dân từ Việt Nam di cư đến Trung Quốc. Điển hình cho nhóm này chính là người Kinh, hiện đang cư trú tại một địa bàn của Quảng Tây trong mấy thế kỷ qua.

Nhóm thứ tư là các dân tộc bản địa có nguồn gốc lâu đời ở đây. Việc phân chia biên giới đã chia tách các cư dân này thành công dân của hai quốc gia riêng biệt nhưng họ lại cư trú liền nhau trên một không gian địa lý chung như trường hợp người Mang, người Kemu ở Trung Quốc, ở Việt Nam xác định là dân tộc Mảng, dân tộc Khơ mú.

Cách phân biệt như trên của tác giả Fan Hong Gui có vẻ nhận được sự đồng tình vì cho đến hiện nay trong giới học giả Trung Quốc vẫn chưa có những ý kiến phản bác. Cách tiếp cận của Fan Hong Gui chủ yếu dựa vào nguồn gốc tộc người và các đặc trưng văn hóa để xác định các tộc người xuyên biên giới. Các dân tộc được xác định chủ yếu dựa trên cơ sở các tài liệu phân định thành phần dân tộc chính thức của mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu chuyên biệt về các tộc người xuyên biên giới nói chung cũng như các tộc người xuyên biên giới Việt -Trung nói riêng, nên vấn đề số lượng và tên gọi của các dân tộc xuyên biên giới vẫn chưa được đưa ra bàn thảo rộng rãi trong giới khoa học. Tuy nhiên, theo phân loại của Viện Dân tộc học Việt Nam, có 28 nhóm tộc người phân bố trên một khu vực rộng lớn bao gồm vùng núi bắc Việt Nam và nam Trung Quốc. Trong số này, có những tộc người có dân số đông như người Kinh (Việt), Tày, Nùng, Thái, Hmông, Dao, và Hoa nhưng cũng có những nhóm rất nhỏ với tổng dân số chỉ dưới một ngàn người như Pu péo và Si-la. Ngoài các nhóm cư dân vùng thấp như Kinh và Hoa, hầu hết các nhóm cư dân sinh sống phía bên trong lãnh thổ Việt Nam đều cư trú ở vùng thung lũng chân núi và những dãy núi cao phía Bắc, dọc theo biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc. Từ sau khi cuộc chiến tranh Đông Dương lần 1 kết thúc năm 1954, đặc biệt là sau chiến tranh Việt Nam 1975, một bộ phận nhỏ cư dân thuộc một vài nhóm thiểu số miền núi phía Bắc như Tày, Nùng, Thái, và Hmông đã di chuyển vào khu vực Tây Nguyên và một số ít di cư ra nước ngoài, làm cho địa bàn cư trú của các nhóm này được mở rộng hơn.

Do công tác phân định tộc người của hai nước và những nguyên nhân khác nhau nên số lượng cũng như tên gọi các tộc người xuyên biên giới ở Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt. Đi tìm nguyên nhân cho những khác biệt trong phân định thành phần tộc người ở Việt Nam và Trung Quốc, một nguyên nhân căn bản nhất được đưa ra chính là sự khác biệt trong tiêu chí xác định thành phần của hai nước.

Ở cả Việt Nam và Trung Quốc, công tác phân định thành phần tộc ngay từ đầu đã được xem là nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân tộc của mỗi quốc gia. Theo quan điểm chính thống, có phân định được thành phần tộc người thì mới có cơ sở để thực hiện chính sách dân tộc. Đối với Việt Nam ―xác định thành phần dân tộc không phải chỉ là lấy tên đặt cho các dân tộc bằng lòng, mà còn nhằm phục vụ những yêu cầu mới của sự phát triển kinh tế, văn hóa làm sao phát huy được khả năng đóng góp của

các dân tộc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và từng bước cải thiện đời sống quần chúng. Đó là mục đích cơ bản, cũng là yêu cầu thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc‖ (Viện Dân tộc học, 1975:46). Trong khi đó ở Trung Quốc, công tác xác định thành phần tộc người được coi là ―nhiệm vụ chính trị quan trọng‖.

Công việc phân định tộc người vốn dĩ mang tính chất khoa học đơn thuần, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và chính phủ ở hai nước, nó đã được gắn chặt với công tác và nhiệm vụ dân tộc ở mỗi quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu ―đoàn kết, bình đẳng‖ được nêu lên khi hai nhà nước cộng sản được chính thức thành lập. Do những đặc điểm khác nhau về dân tộc và tình hình dân tộc của mỗi quốc gia, chính sách dân tộc và công tác dân tộc cũng không hoàn toàn giống nhau, do đó mỗi nước đã tự xây dựng cho mình những tiêu chí phân định thành phần tộc người riêng.


3.2.1. Tầm quan trọng và tiêu chí xác định tộc người ở Trung Quốc

Ngay sau khi nước Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, công việc đầu tiên cần phải tiến hành trong công tác dân tộc là phân định các thành phần tộc người, tạo cơ sở để thực hiện chính sách dân tộc. Nhà nước Trung Hoa sau khi thành lập đã ban hành một loạt các chính sách để giúp đỡ các dân tộc thiểu số về kinh tế và văn hóa cùng với việc ban hành chế độ Khu vực dân tộc tự trị. Khác với Việt Nam coi việc xây dựng dân tộc tự trị chỉ là một phương tiện đoàn kết dân tộc và được giải tán khi cần, chế độ dân tộc tự trị ở Trung Quốc là chính sách kết hợp giữa lí luận chủ nghĩa Mac và tình hình thực tế dân tộc cũng như vấn đề dân tộc của Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề dân tộc trong nội bộ đất nước. Nhà nghiên cứu Trung Quốc Đằng Thành Đạt (2007) cho rằng chế độ khu vực dân tộc tự trị thể hiện nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc coi chế độ dân tộc tự trị là nội dung cơ bản nhất quán triệt được chính sách dân tộc tổng quát vừa đảm bảo được sự ổn định và đoàn kết giữa các dân tộc, đồng thời nó được thể hiện tại các chính sách dân tộc cụ thể khác. Chính sách xây dựng khu dân tộc tự trị của Trung Quốc trên thực chất là quyền lợi mang tính địa phương của việc quản lí, làm chủ trong nội bộ của các dân tộc tại khu vực tụ cư của các dân tộc thiểu số trong nội bộ một đất nước đa dân tộc thống nhất nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa các dân tộc, phát huy cao độ tính tích cực của nhân dân các dân tộc, bảo lưu những đặc trưng nổi bật về kinh tế,

chính trị văn hóa của từng dân tộc, phát triển sự nghiệp kinh tế văn hóa, thúc đẩy sự phồn vinh của các dân tộc, củng cố sự thống nhất đoàn kết trong quốc gia.

Hai vấn đề cơ bản trong thực hiện khu vực dân tộc tự trị của Trung Quốc bao gồm: a) Thiết lập và xây dựng các cơ quan tự trị bao gồm việc hoàn thiện các vấn đề dân chủ hóa và dân tộc hóa các cơ quan tự trị; b) Thiết lập và sử dụng các quyền tự trị của các cơ quan tự trị.

Trung Quốc chia ra thành các cấp tự trị khác nhau bao gồm: cấp châu, cấp huyện, và cấp khu tự trị. Tùy thuộc vào thành phần các dân tộc ở đây mà đặt tên gọi cho các châu, huyện và khu tự trị khác nhau. Như vậy, cơ sở cho việc thiết lập và xây dựng khu tự trị đầu tiên chính là việc xác định những vùng dân tộc tương đối tập trung các dân tộc. Để thực hiện các chính sách này cần phải làm rõ Trung Quốc có những dân tộc nào, có những khu vực nào tập trung các dân tộc. Để việc phân định các dân tộc được tiến hành một cách thuận lợi các nhà khoa học Trung Quốc đã xây dựng nên những tiêu chí để xác định thành phần các dân tộc và các tiêu chí này phải đáp ứng được yêu cầu thành lập các địa phương dân tộc tự trị.

Có thể thấy rằng Trung Quốc đã hoàn toàn dựa vào lí luận của Stalin về vấn đề dân tộc như là cơ sở khoa học để xác định cộng đồng dân tộc nhưng lại áp dụng một cách linh hoạt trên cơ sở thực tế của tình hình trong nước và làm sao để thực hiện một cách tốt nhất chính sách dân tộc của chính quyền nhà nước.

Mao Trạch Đông, tại hội nghị Trung ương Đảng năm 1953, trong bài phát biểu

―Tổng kết kinh nghiệm trọng yếu tiến hành công tác dân tộc trong nội bộ đảng các năm qua‖ đã nhấn mạnh:

―Phân tích khoa học là việc có thể được, nhưng về chính trị không thể phân một cách rõ ràng đâu là dân tộc, đâu là bộ tộc, đâu là bộ lạc‖.

Chu Ân Lai năm 1957 trong khi nói đến những đặc điểm của dân tộc Choang đã chỉ ra rằng ―Tại nước ta, không thể nhất nhất dựa vào định nghĩa dân tộc của Stalin. Dân tộc trong định nghĩa đó là dân tộc của thời đại tư bản chủ nghĩa phát triển, không thể dùng nó để giải thích những vấn đề phức tạp phát sinh trong các giai đoạn khác nhau của giai đoạn tiền tư bản chủ nghĩa‖. Ông nhấn mạnh :

―Nước ta có rất nhiều các dân tộc trước giải phóng mặc dù không đạt đến giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa nhưng những đặc trưng của nó đã tồn tại ở những mức độ không giống nhau. Những tình hình thực tế và lịch sử này cần

được coi trọng, nghiên cứu và nhìn nhận đúng đắn‘‘ (Văn phòng nghiên cứu lịch sử các đại hội Đảng 1994:150-151).

Kết hợp giữa lý luận về dân tộc của Stalin và tình hình thực tế của Trung Quốc về chính trị cũng như tình hình dân tộc, Trung Quốc đã đề ra tiêu chí phân định thành phần tộc người bao gồm: ngôn ngữ, địa vực cư trú, cộng đồng kinh tế, cộng đồng tâm lý.

Với chủ trương ―chế độ tự trị khu vực dân tộc là chính sách cơ bản do Đảng Cộng Sản Trung Quốc ứng dụng chủ nghĩa Mac – Lênin để giải quyết vấn đề dân tộc của nước ta, là một chế độ chính trị cơ bản của nhà nước‖ (Luật khu dân tộc tự trị nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa), Trung Quốc đã ứng dụng một cách linh hoạt các tiêu chí xác định dân tộc mà Stalin đưa ra để xây dựng nên những khu vực dân tộc tự trị. Tại các khu vực dân tộc tự trị này, các dân tộc được áp dụng nhiều chính sách và quyền tự quyết trên hầu khắp các phương diện phù hợp với đặc điểm của từng khu vực dân tộc và phù hợp với quy định chung của nhà nước. Đồng thời, mỗi một khu vực dân tộc tự trị thuộc về một hay một số dân tộc chủ thể nhằm tạo nên một môi trường văn hóa, kinh tế thống nhất từ đó xây dựng các điều lệ tự trị phù hợp với đặc điểm truyền thống kinh tế văn hóa của khu vực. Với việc coi công tác xác định thành phần dân tộc là một ―nhiệm vụ chính trị quan trọng‖ và chính sách ―khu vực dân tộc tự trị‖ là chính sách cơ bản và xuyên suốt của nhà nước Trung Quốc để thực hiện các chính sách cụ thể khác thì công tác xác định thành phần tộc người sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ của chủ trương này theo hướng xác lập những dân tộc gần nhau trên cùng một địa vực thành một dân tộc thống nhất. Xu hướng hợp nhất các dân tộc nhỏ lẻ có thể theo đó trở thành xu hướng chính của công tác xác định thành phần tộc người của Trung Quốc.

3.2.2. Tầm quan trọng và tiêu chí xác định tộc người ở Việt Nam

Công tác xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam cũng được xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng làm cơ sở cho công tác thực thi các chính sách dân tộc của cả nước. Quan điểm của công tác xác định thành phần tộc người ở Việt Nam là

―Đừng nghĩ rằng chỉ có xác định lại cho chính xác thôi mà không chú ý đến vấn đề đoàn kết dân tộc‖ (Nguyễn Khánh Toàn 1975:39).

―Xác định thành phần dân tộc không phải là đặt lấy cái tên cho các dân tộc bằng lòng mà còn nhằm phục vụ những yêu cầu mới của sự phát triển kinh tế, văn hóa làm sao phát huy khả năng đóng góp của các dân tộc cho công cuộc xây

dựng chủ nghĩa xã hội và từng bước cải thiện đời sống của quần chúng‖ (Chu Văn Tấn 1975:41).

Với quan điểm chỉ đạo đó, công tác xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam phải phục vụ cho sự nghiệp đoàn kết dân tộc của nhà nước. Năm 1973 tại Hà Nội đã tiến hành hai cuộc Hội thảo khoa học (tháng 6 và tháng 11 năm 1973) về xác định tộc người.

Dựa trên tình hình, đặc điểm các dân tộc ở nước ta như sự chênh lệch tương đối lớn về dân số, hình thái cư trú xen kẽ nhau, chủ yếu phân bố rải rác trên vùng núi cao biên giới, trình độ phát triển kinh tế xã hội không đồng đều nhau, có mối quan hệ mật thiết với nhau kết hợp với mục tiêu xây dựng một đất nước đoàn kết và thống nhất, các nhà khoa học Việt Nam đã đi đến việc xác định 3 tiêu chí phân định thành phần tộc người cụ thể như sau: có chung tiếng nói, đặc điểm chung về sinh hoạt văn hóa, cùng chung ý thức tự giác tộc người.

Vận dụng những tiêu chuẩn trên đây để xác định thành phần dân tộc là việc không đơn giản. Do những biến động phức tạp về sinh hoạt văn hóa diễn ra trong các dân tộc nên quá trình phát triển tộc người của các dân tộc không giống nhau. Việc xác định thành phần các dân tộc do đó mà gặp phải nhiều khó khăn. Các tiêu chí xác định thành phần tộc người trên cần được vận dụng một cách linh hoạt trong những điều kiện cụ thể. Các tiêu chí xác định thành phần dân tộc được đưa ra trong các cuộc hội thảo 1973 trở thành những tiêu chí làm cơ sở để xác định 54 dân tộc Việt Nam. Vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề về các tiêu chí xác định tộc người ở Việt Nam nhưng 3 tiêu chí cơ bản trên vẫn được các nhà khoa học đồng tình cho đến tận gần đây.


3.2.3. Những khác biệt trong xác định các tộc người xuyên biên giới Việt -Trung

Có thể nhận thấy rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đều nhận thức được tầm quan trọng của công tác xác định thành phần tộc người, và coi đây là ―nhiệm vụ chính trị quan trọng‖ để thực hiện các chính sách dân tộc, là cơ sở để thực hiện ―đoàn kết và thống nhất dân tộc‖.

Mặc dù có chung mục tiêu, nhiệm vụ nhưng lại xuất phát từ tình hình thực tế khác biệt và cơ chế hoạch định chính sách riêng, hai nước đã đưa ra những tiêu chí phân định tộc người khác nhau nhằm đạt được mục đích cao nhất của mình là phù hợp

với định hướng tổng quát về chính sách dân tộc của từng nước và mục đích chính trị về cơ bản là xây dựng ―bình đẳng, đoàn kết‖ giữa các dân tộc. Chính vì tình hình, mục tiêu khác nhau của từng nước mà các tiêu chí khác nhau và cách sử dụng các tiêu chí cũng khác nhau để xác định thành phần các dân tộc. Nếu Trung Quốc dựa hoàn toàn vào các tiêu chí dân tộc hiện đại của Stalin nhưng áp dụng vào tình hình thực tế của Trung Quốc thì Việt Nam cũng xuất phát từ quan điểm của Stalin nhưng chỉ sử dụng ba tiêu chí ngôn ngữ, văn hóa và ý thức tự giác tộc người. Các tiêu chí này có xu hướng nhấn mạnh yếu tố văn hóa và tâm lý nhưng không đề cao vấn đề nguồn gốc lịch sử của tộc người vì cho rằng nó không được xem là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa tộc người, và do đó không được Việt Nam đưa vào tiêu chí xác định tộc người (Keyes 2002; Phan Ngọc Chiến 2005 ; Phan Hữu Dật 2004).

Quan điểm xây dựng tiêu chí xác định tộc người của Việt Nam có những điểm khác căn bản so với Trung Quốc. Các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định hai tiêu chí được xem là căn cứ chủ yếu trong phân định tộc người là nguồn gốc lịch sử và ý thức tự giác tộc người. Với đặc điểm ―đại phân tán, tiểu tụ cư‖ thì căn cứ về nguồn gốc lịch sử trở thành một cứ liệu quan trọng để đưa các dân tộc ở những khu vực khác nhau, thậm chí là cách biệt nhau vào chung một thành phần dân tộc. Điều này là cơ sở để xây dựng những dân tộc lớn và là cơ sở để thực thi chính sách khu vực dân tộc tự trị. Trong khi đó, Việt Nam lại không đặt yếu tố nguồn gốc lịch sử là tiêu chí xác định thành phần tộc người mà chủ yếu dựa vào các yếu tố ngôn ngữ, văn hóa và ý thức tự giác tộc người trong đó ý thức tự giác tộc người là tiêu chí quan trọng nhất. Phan Hữu Dật (2004) phân tích rằng mặc dù nói là 3 yếu tố nhưng thực ra, cả ba yếu tố này chỉ thuộc về một phạm trù chung là văn hóa mà thôi. Do đó, có thể hiểu Việt Nam chỉ dựa vào các yếu tố văn hóa để xác định tộc người. Hậu quả của quan niệm này là nó làm cho xu hướng chia tách thành các dân tộc nhỏ lẻ hơn để phù hợp với đặc điểm tình hình dân tộc của Việt Nam cũng như chính sách dân tộc mà Việt Nam thực hiện.

Chính sách dân tộc ở Trung quốc được phân chia gồm ba tầng bậc: tầng bậc thứ nhất là chính sách mang tính tổng quát, định hướng mà cụ thể ở đây là chính sách bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc. Tầng bậc thứ hai là những chính sách cơ bản và chế độ khu vực tự trị là một chính sách cơ bản để giải quyết vấn đề dân tộc của Trung quốc. Tầng bậc thứ 3 của chính sách dân tộc ở Trung quốc là các chính sách cụ thể.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/05/2022