Các quyền của công đoàn trong Luật Công đoàn năm 1990 - Thực trạng và phương hướng hoàn thiện - 13

đoàn cơ sở với người sử dụng lao động về quan hệ hợp tác, liên kết hai bên, tạo sự đồng thuận giữa các bên có liên quan trong quá trình giải quyết những vấn đề của quan hệ lao động. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho hoạt động của công đoàn cơ sở, tạo sự ràng buộc về trách nhiệm giữa Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động.

Trong các doanh nghiệp, một trong những việc làm quan trọng khi xây dựng mối quan hệ hợp tác hài hòa giữa công đoàn và người sử dụng lao động đó là việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Thỏa ước lao động tập thể là văn bản được người sử dụng lao động và công đoàn bàn bạc, trao đổi để thống nhất về trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên nhằm làm ổn định quan hệ lao động, phát triển sản xuất kinh doanh về lợi ích hợp pháp của cả hai phía. Thực tế cho thấy, pháp luật lao động không thể quy định cụ thể mọi vấn đề trong quan hệ lao động cho từng doanh nghiệp. Do đó, từng doanh nghiệp, khối doanh nghiệp, cần căn cứ vào quy định của pháp luật, điều kiện của doanh nghiệp mình để xây dựng các điều khoản cụ thể hóa các quy định pháp luật nhằm đảm bảo những điều kiện cần thiết cho người lao động và người sử dụng lao động.

Hiện nay, ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thỏa ước lao động tập thể nhưng chủ yếu đều mang tính hình thức. Việc thỏa thuận tập thể mang tính thủ tục, lặp lại các quy định của luật pháp với một số điểm bổ sung không đáng kể. Chính vì vậy, việc xây dựng và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể là giải pháp quan trọng công đoàn cần tiến hành trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ xây dựng thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp mà cần tiến tới xây dựng thỏa ước cấp khu vực và cấp ngành.

Có thể nói, việc xây dựng và thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể là một giải pháp hữu hiệu và làm ổn định, hài hòa quan hệ lao động trong các doanh nghiệp vừa đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Thực hiện đồng bộ và triệt để giải pháp trên cũng là cách để đảm bảo thực hiện quyền của tổ chức công đoàn.

Thứ bảy, cần tiếp tục đổi mới, phát triển mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa công đoàn với các cơ quan, tổ chức hữu quan. Đẩy mạnh các hoạt động phổ biến hướng dẫn, giải đáp pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến công nhân viên chức lao động thông qua trang Web của Liên đoàn lao động địa phương của Trung tâm tư vấn pháp luật và chuyên mục tư vấn pháp luật trên Báo Lao động.

Không những vậy, trong quá trình hoạt động công đoàn phải thường xuyên liên hệ với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, Tòa án lao động, Viện kiểm sát, các tổ chức luật sư vì nhờ những mối quan hệ này công đoàn mới có thêm điều kiện tiếp nhận thông tin cũng như sự trợ giúp cần thiết từ các cơ quan tổ chức trên khi tham gia giải quyết các vấn đề của quan hệ lao động. Ví dụ như khi đàm phán kí kết Thỏa ước lao động tập thể, công đoàn có thể mời luật sư tham gia vào việc soạn thảo văn bản thỏa ước nhằm đảm bảo tính pháp lý của thỏa ước. Hay trong quá trình hoạt động nếu phát hiện ra những hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động, công đoàn cần kịp thời thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiên quyết xử lý.

Khẳng định, đảm bảo thực hiện có hiệu quả và phát huy các quyền của tổ chức công đoàn không chỉ là trách nhiệm của chính tổ chức công đoàn - các cán bộ, đoàn viên công đoàn mà còn là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức có liên quan, đó cũng chính là nghĩa vụ của người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, Công đoàn chưa thực sự phát huy hết những quyền năng mà pháp luật đã trao cho mình. Thực tế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan như bất cập của các quy định pháp luật đặc biệt là những bất cập của Luật Công đoàn năm 1990. Các quy định của Luật Công đoàn còn bị ảnh hưởng của tư duy kinh tế cũ, thể hiện rõ nét

nhất là các quy định về quyền dân chủ, quyền tham gia quản lý của công đoàn, những quy định về hoạt động công đoàn đối với từng loại hình doanh nghiệp…Cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của công đoàn hiện nay còn bị ảnh hưởng bởi thời kỳ tập trung, bao cấp - công đoàn nhiều khi được coi là nơi để chứa đựng sắp xếp cán bộ dôi dư, thậm chí kém năng lực. Đặc biệt là đối với công đoàn cấp trên và hệ thống công đoàn thuộc khu vực nhà nước. Vì vậy, chất lượng và tác dụng của cán bộ công đoàn trong hoạt động còn nhiều hạn chế.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

Nhiều quy định của Luật Công đoàn năm 1990 không còn phù hợp và tương thích với Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2001), Bộ Luật lao động, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư…Đồng thời kỹ thuật lập pháp ở Luật Công đoàn cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế như: chưa xác định đối tượng và phạm vi điều chỉnh một cách rõ ràng,cụ thể; chức năng, nhiệm vụ và quyền công đoàn được xây dựng chưa theo một tiêu chí rõ ràng, thống nhất, nhiều quy phạm diễn đạt lẫn lộn, trùng lắp giữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; nhiều thuật ngữ sử dụng không chính xác, không phù hợp với thuật ngữ pháp lý thông dụng hiện hành; thiếu các cơ chế bảo đảm thi hành, đặc biệt là các chế tài pháp lý cụ thể đối với các hành vi vi phạm các quy định của Luật Công đoàn…

Những hạn chế về kỹ thuật lập pháp và sự thiếu vắng các quy định về cơ chế bảo đảm thi hành các quyền công đoàn đã ảnh hưởng rất lớn tới việc thực thi cũng như khả năng đi vào cuộc sống của Luật Công đoàn. Trên thực tế, nhiều chế định của Luật Công đoàn chưa trở thành công cụ pháp lý bảo đảm cho công đoàn hoạt động. Ngoài ra, một số khái niệm trong Bộ Luật lao động chưa được làm rõ, hoặc chưa được quy định. Chẳng hạn các khái niệm về đình công, tranh chấp lao động tập thể, phản ứng lao động tập thể, tập thể lao động…gây khó khăn trong việc thống nhất cách hiểu và áp dụng cơ chế giải quyết.

Các quyền của công đoàn trong Luật Công đoàn năm 1990 - Thực trạng và phương hướng hoàn thiện - 13

Ngoài ra, cũng phải nói đến những nguyên nhân từ nội tại của tổ chức công đoàn. Bởi lẽ, trong quá trình tổ chức và hoạt động của mình, tổ chức công đoàn đã bộc lộ khá nhiều những tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực hiện các quyền của tổ chức công đoàn.

Có thể nhận định rằng, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn còn lúng túng, chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của cơ chế quản lý mới. Vẫn còn tình trạng hành chính hóa trong hoạt động công đoàn, chưa sâu sát thực tế cơ sở; sự phân cấp quản lý không rõ ràng, chồng chéo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữa ngành và địa phương.

Ở một số nơi, vai trò tham gia quản lý đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, đoàn viên công đoàn của tổ chức công đoàn còn mờ nhạt, hiệu quả thấp. Một số cán bộ công đoàn còn thiếu bản lĩnh, ngại va chạm, sợ bị trù dập, mất việc làm nên chưa mạnh dạn đấu tranh thực hiện các quyền đã được Luật Công đoàn ghi nhận. Hơn nữa, mặc dù công đoàn là một tổ chức xã hội tự nguyện của người lao động, nhưng ở nước ta một bộ phận đáng kể những người làm công tác công đoàn được nhà nước tuyển dụng và đảm bảo quyền lợi, chế độ từ ngân sách (đối với cán bộ công đoàn chuyên trách). Điều này dẫn đến mâu thuẫn là một mặt, cùng là cán bộ công đoàn nhưng người làm công đoàn thuộc khu vực nhà nước được nhà nước bảo vệ và có các biện pháp đảm bảo cần thiết, còn cán bộ công đoàn thuộc khu vực tư nhân lại không có được sự "ưu đãi" như vậy. Rõ ràng qui định này chưa đáp ứng được cả về mặt khoa học và thực tiễn, nếu không muốn nói rằng là không công bằng, bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Mặt khác, quy định trên dẫn đến sự ngộ nhận của người lao động về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ cán bộ công đoàn khi cần thiết, mà nhiều khi họ quan niệm đây là cán bộ của Nhà nước và Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ.

Tính tích cực, chủ động của tổ chức công đoàn trong việc tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện Luật Công đoàn còn chưa được thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, cũng còn một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng tới việc thực hiện các quyền của tổ chức công đoàn như trước sự phát triển nhanh chóng của kinh tế và cơ chế thị trường, nhìn chung hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, công đoàn còn nhiều khiếm khuyết. Hoạt động thanh tra, xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật lao động, công đoàn còn nhiều yếu kém. Tình trạng vi phạm pháp luật lao động, công đoàn của người sử dụng lao động diễn ra khá phổ biến, song không bị xử lý kịp thời và nghiêm minh.

Công nhân lao động khu vực ngoài nhà nước, phần lớn xuất thân từ nông thôn, trình độ học vấn còn thấp, cường độ lao động căng thẳng, đời sống vật chất và tinh thần còn gặp nhiều khó khăn, không có thời gian tìm hiểu Luật Công đoàn nên nhận thức về tổ chức công đoàn và quyền gia nhập công đoàn còn hạn chế. Điều đó có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình hoạt động nhằm thực hiện các quyền của công đoàn. Do vậy, phát huy các quyền của tổ chức công đoàn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu.

KẾT LUẬN


Công đoàn - tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân, là người đại diện cho quyền lợi của người lao động và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động là thiên chức của công đoàn. Để thực hiện "thiên chức" đó pháp luật đã trao cho công đoàn rất nhiều quyền năng. Việc tham gia của công đoàn trong quan hệ lao động là đòi hỏi tất yếu nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên cũng như nhằm đảm bảo và góp phần vào sự ổn định, bền vững của các quan hệ lao động.

Pháp luật của đa số các quốc gia trên thế giới cũng như pháp luật của nước ta, đều trao cho công đoàn những quyền năng nhất định. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ khác nhau thì mức độ và phạm vi thực hiện quyền là khác nhau.

Qua xem xét thực tiễn việc thực hiện các quyền của tổ chức công đoàn cho thấy công đoàn đã thể hiện khá tốt vai trò của mình cùng với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác làm ổn định và phát triển thị trường lao động. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quyền đó, công đoàn cũng còn rất nhiều hạn chế đặc biệt là cấp công đoàn cơ sở. Thực tiễn này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như quy định của pháp luật còn nhiều bất cập, còn chung chung; chưa có các quy định các quy định để bảo vệ cũng như chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ công đoàn; pháp luật trao quyền và trách nhiệm cho công đoàn rất lớn song điều kiện để thực hiện những quyền năng đó ở Việt Nam chưa được đảm bảo.

Ngoài ra, bản thân tổ chức công đoàn cũng còn khá nhiều hạn chế trong tổ chức và đặc biệt là trong hoạt động như chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn còn thấp; cán bộ công đoàn chưa nhiệt tình với hoạt động…

Nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện quyền của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động là yêu cầu bức thiết đang đặt ra và cũng đang được

Nhà nước, Công đoàn và nhiều tổ chức, cá nhân khác quan tâm. Trên cơ sở những phân tích về quyền của tổ chức công đoàn cũng như thực tiễn thực hiện, tác giả đã mạnh dạn đưa ra những kiến nghị đồng bộ về quy định của pháp luật, về tổ chức thực hiện với mong muốn rằng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức công đoàn sẽ có những nghiên cứu để sớm sửa đổi các quy định của pháp luật cũng như tổ chức và hoạt động của công đoàn để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc thực hiện quyền của tổ chức công đoàn ở nước ta trong thời gian tới.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Nguyễn Bình An (2010), "Những bất cập trong Bộ luật lao động hiện hành", Nghiên cứu lập pháp, 6(176).

2. Ban Pháp luật - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2008), Báo cáo tháng 4/2008, Hà Nội.

3. Ban Tuyên giáo Trung ương (2008), Tài liệu nghiên cứu các Nghị quyết Hội nghị Trung ương VI, khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Nguyễn Đăng Bảo (2006), " Cần có biện pháp hữu hiệu để giảm tải cho hoạt động công đoàn cơ sở", Lao động và Công đoàn, (3).

5. Phạm Công Bảy (2007), " Một số nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động", Nhà nước và Pháp luật, (6).

6. Đỗ Ngân Bình (2008), "Bất hợp lý trong một số quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động", Dân chủ và pháp luật, (7).

7. Bộ Lao động Thương binh - Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2006), Thông tư liên tịch số 04/2006/TT-BLĐTBXH-TLĐLĐVN ngày 21/6 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 145/2004/NĐ-CP, Hà Nội.

8. Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1999), Thông tư liên tịch số 6/1999/TTLT/TC-TLĐ về hướng dẫn trích nộp kinh phí công đoàn, Hà Nội.

9. Nguyễn Hữu Chí (2001), "Vai trò của công đoàn trong cơ chế ba bên và trong việc giải quyết tranh chấp lao động", Nhà nước và pháp luật, (10), tr. 43-49.

10. Nguyễn Hữu Chí, Đào Mộng Điệp (2010), "Pháp luật công đoàn một số nước và kinh nghiệm với Việt Nam", Luật học, (6).

11. Chính phủ (1994), Quyết định số 465/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hà Nội.

Xem tất cả 117 trang.

Ngày đăng: 03/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí