Những Hạn Chế Của Cơ Chế Giải Quyết Tranh Chấp Của Gatt Và Sự Cần Thiết Ra Đời Một Cơ Chế Giải Quyết Tranh Chấp Thiết Thực Và Hữu Hiệu - Cơ


Bước 1: Thương lượng

Các nước ký kết Hiệp định chung tuyên bố quyết tâm tăng cường, cải tiến trình tự thương lượng, bảo đảm hưởng ứng kịp thời yêu cầu thương lượng, có tinh thần tích cực để thương lượng kết thúc nhanh chóng và đi tới kết luận thoả đáng đối với cả hai bên. Trong trường hợp các bên tranh chấp không nhất trí với nhau thì tranh chấp sẽ được chuyển sang bước tiếp theo.

Bước 2: Trình vụ kiện

Chỉ có các quốc gia thành viên (chứ không phải là các cá nhân hay các công ty có tranh chấp liên quan) mới được trình vụ kiện ra GATT. Nước khiếu nại cần chỉ ra các lợi ích có được hợp lý theo Hiệp định đã bị vô hiệu hay suy giảm bởi hành động của nước bị kiện. Nếu vi phạm được chỉ ra, GATT sẽ coi như là có sự vô hiệu hoá và suy giảm, nhưng nếu sau đó GATT tìm thấy không phải sự vô hiệu hóa hay suy giảm thì GATT sẽ bác bỏ điều giả định của bên khiếu nại - tức là, nếu sự vi phạm Hiệp định chưa được khẳng định thì bên khiếu nại sẽ không có quyền áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với bên kia.

Bước 3: Tham vấn

Tham vấn được đề cập trong Điều XXII và Điều XXIII của Hiệp định GATT và là một phần vô cùng quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp trong Hiệp định GATT. Rất nhiều vụ kiện được giải quyết theo cách này trước khi được đưa đến các bên ký kết. Tham vấn có thể rút ngắn được thời gian giải quyết tranh chấp và tiết kiệm công sức của các bên. Tham vấn phải được lập ra bằng văn bản cùng với lý do của tham vấn. Bản giải thích Vòng đàm phán Uruguay đã đề ra một số thời hạn trong giai đoạn này. Trước đây, các bên ký kết sẽ trả lời yêu cầu tham vấn "ngay lập tức" và cố gắng kết luận chúng một cách nhanh chóng. Về sau, các bên ký kết trả lời yêu cầu tham vấn trong vòng 10 ngày và tham gia vào quá trình tham vấn liên quan tới vấn đề khiếu nại trong vòng 30 ngày kể từ ngày yêu cầu đầu tiên của bên khiếu nại. Thất bại trong việc tuân thủ thời hạn này sẽ cho phép bên khiếu nại quyền đề nghị thành lập Ban hội thẩm mà không cần phải duy trì quá trình tham vấn. Nếu cả hai bên đồng ý rằng, biện pháp tham vấn là không thích hợp thì bên khiếu nại có thể yêu cầu


thành lập một Ban hội thẩm. Nếu vấn đề khẩn cấp (bao gồm những tình huống có liên quan đến hàng hoá dễ hỏng đang đi trên đường), thì theo Hiệp định GATT các bên phải tham dự quá trình tham vấn trong vòng 10 ngày và một Ban hội thẩm có thể được yêu cầu thành lập sau 20 ngày nếu như không có thoả thuận nào đạt được.

Bước 4: Hoà giải và trọng tài

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Nếu quá trình tham vấn không đem lại một giải pháp tích cực cho các bên tranh chấp, GATT sẽ cung cấp biện pháp hoà giải từ bên thứ ba. GATT cho phép bất kỳ bên tranh chấp nào đều có thể tìm kiếm sự hoà giải của bên thứ ba. Bản tuyên bố của các Bộ trưởng GATT năm 1982 đã chỉ rõ rằng bất kỳ một nước nào cũng có thể yêu cầu vai trò hoà giải của Tổng giám đốc trong việc giải quyết tranh chấp. Trên thực tế, phần lớn các bên tranh chấp không phải sử dụng đến biện pháp hoà giải của bên thứ ba.

Trong trường hợp tham vấn thất bại, GATT đưa ra biện pháp trọng tài dựa trên sự đồng ý sử dụng bên thứ ba như ở trên. Việc sử dụng trọng tài là hoàn toàn phụ thuộc vào sự đồng ý của các bên tranh chấp và phải được thông báo cho tất cả các bên ký kết Hiệp định GATT.

Các nước đang phát triển với cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức thương mại thế giới - 3

Bước 5: Thành lập Ban hội thẩm hoặc Nhóm công tác

Khi biện pháp tham vấn hoặc hoà giải bị thất bại thì bên khiếu nại có thể đưa vấn đề ra trước Hội đồng GATT. Bên khiếu nại phải đệ trình yêu cầu bằng văn bản, chuyển vấn đề tới Nhóm công tác hoặc Ban hội thẩm. Bên khiếu nại sẽ yêu cầu Nhóm công tác hoặc đặc biệt hơn là Ban hội thẩm (sự lựa chọn được hiểu là phụ thuộc vào bên khiếu nại). Ban hội thẩm phải được thành lập muộn nhất vào cuộc họp tiếp theo của Chương trình nghị sự.

Việc cơ cấu Ban hội thẩm phải được sự đồng ý của các bên tranh chấp. Tổng giám đốc GATT có thể thành lập Ban hội thẩm nếu thời hạn không được đáp ứng nhưng chỉ sau khi đã tham khảo ý kiến cả hai bên. Bản giải thích vòng đàm phán Uruguay cho phép Tổng giám đốc sau khi tham khảo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng chung được thành lập Ban hội thẩm nếu các thành viên không đạt được sự đồng ý trong vòng 20 ngày kể từ thời điểm đáng lý nó phải được thành lập.


Sau khi được thành lập, Ban hội thẩm sẽ đưa ra lịch làm việc hay kế hoạch cho các vụ kiện để khuyến khích các bên tranh chấp ngay lập tức đáp ứng thời hạn. Sau đó, Ban hội thẩm thu thập các thông tin về vụ tranh chấp. Ban hội thẩm không phụ thuộc toàn bộ vào thông tin về vụ tranh chấp mà họ nhận được từ các bên tranh chấp. Bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể được hỏi về các thông tin, hoặc thậm chí về các lời khuyên mang tính chất kỹ thuật.

Ban hội thẩm cũng sẽ yêu cầu các bản đệ trình phải được lập bằng văn bản, đầu tiên từ bên nguyên đơn sau đó đến bên bị đơn và từ các bên thứ ba có liên quan. Bên nguyên đơn sẽ thường xuyên được yêu cầu đưa ra bản đệ trình ban đầu, để bên bị đơn có sự chuẩn bị tốt cho vụ kiện mà nó phải đối mặt. Trên thực tế, Ban hội thẩm đặt vấn đề tranh chấp trước cả hai bên và mong muốn cả hai bên tranh luận một cách mạnh mẽ và triệt để. Cuối cùng, vào cuối phiên họp, Ban hội thẩm sẽ nghe các bên làm sáng rõ các bản tường trình, đôi khi, các bên bị đơn không thể tiến hành bào chữa cho đến lần đối chất thứ hai. Trên thực tế, nguyên nhân của sự trì hoãn thường là sự chậm chạp của các bên tranh cãi.

Ban hội thẩm phải đệ trình bản báo cáo không được quá 6 tháng (không được quá 3 tháng trong trường hợp khẩn cấp) kể từ khi được thành lập hoặc từ khi các điều khoản tham chiếu được đồng ý. Nếu Ban hội thẩm tiến hành nhiều hơn thời gian cho phép, thì phải thông báo cho Hội đồng bằng văn bản nêu rõ lý do của sự trì hoãn, đồng thời dự đoán khi nào Ban hội thẩm sẽ hoàn thành trách nhiệm.

Khi đủ thông tin cần thiết, Ban hội thẩm chỉ thị cho Ban thư ký để bắt đầu soạn thảo bản báo cáo mà không có mặt các bên tranh chấp. Báo cáo này sẽ được sử dụng như một nền tảng cho bản báo cáo cuối cùng tới các bên ký kết. Ban hội thẩm sẽ đánh giá một cách khách quan về những thực tế và việc các bên có tuân theo Hiệp định hay không. Trước khi Ban hội thẩm gửi Báo cáo tới các bên ký kết, bản phác thảo của các phần phải được thông báo tới các bên tranh chấp để xin ý kiến bằng văn bản. Sau đó, bản phác thảo của toàn bộ báo cáo bao gồm các quy tắc giải quyết tranh chấp phải được thông báo cho các bên tranh chấp để xin ý kiến thêm. Mục đích là các bên tranh chấp phải được biết tới Báo cáo của Ban hội thẩm và các


bên tranh chấp phải đạt được một giải pháp thoả đáng trước khi bản báo cáo được trình lên các bên ký kết. Nếu không có sự phản đối nào thì Báo cáo của Ban hội thẩm được chuyển tới các bên ký kết thông qua Hội đồng. Hội đồng tiến hành xem xét bản báo cáo ngay sau đó, mặc dù nó có thể trì hoãn quá trình xem xét cho tới chương trình nghị sự kế tiếp của Hội đồng nếu một bên tranh chấp yêu cầu như vậy. Như vậy Báo cáo của Ban hội thẩm chưa có giá trị pháp lý ngay. Theo thông lệ, Báo cáo của Ban hội thẩm phải được chấp nhận trên cơ sở đồng thuận, có nghĩa là Báo cáo sẽ trở thành "quyết định" chỉ khi không có một bên ký kết nào phản đối.

Bước 6: Thực thi phán quyết

Các quy tắc giải quyết tranh chấp của Hội đồng sẽ hướng dẫn các bên ký kết loại bỏ hoặc điều chỉnh biện pháp nếu biện pháp không hợp pháp theo Hiệp định GATT, hoặc tiến hành các hành động khác để duy trì sự cân bằng của các nhượng bộ nếu biện pháp tìm thấy là hợp pháp theo Hiệp định GATT nhưng đã làm vô hiệu hoá những lợi ích được trông đợi một cách hợp lý từ Hiệp định GATT.

Thông thường, bên khiếu nại có trách nhiệm bảo đảm các vấn đề tranh chấp phải có sự tham dự đều đặn của Hội đồng. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày chấp nhận Báo cáo, bên tranh chấp phải thông báo ngay cho Hội đồng về dự định của họ có liên quan đến việc thực thi các quy tắc và phán quyết trong một thời hạn hợp lý dành cho thành viên vi phạm phụ thuộc vào sự đồng ý của Hội đồng, hoặc các bên tranh chấp, hoặc sẽ được quyết định bởi trọng tài. Thời hạn hợp lý này thông thường không vượt quá 15 tháng kể từ khi chấp nhận bản báo cáo của Ban hội thẩm.

Sáu tháng sau khi đưa ra một khoảng thời hạn hợp lý cho việc thực thi, vấn đề sẽ tự động được đưa vào chương trình nghị sự của Hội đồng và tiếp tục được duy trì trong chương trình nghị sự của Hội đồng cho đến khi giải quyết ít nhất là 10 ngày trước mỗi cuộc họp của Hội đồng, thành viên vi phạm phải thông báo bằng văn bản tới Hội đồng về tiến triển trong việc thực thi phán quyết.

1.1.3. Những hạn chế của cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT và sự cần thiết ra đời một cơ chế giải quyết tranh chấp thiết thực và hữu hiệu - cơ chế của WTO


Không thể phủ nhận rằng hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT đã có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của hệ thống giải quyết tranh chấp kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, thực tế áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT cũng cho thấy những hạn chế làm giảm tính hiệu quả và hiệu lực của nó, thể hiện:

- Trước hết, tiến trình giải quyết tranh chấp của GATT không ổn định, không rõ ràng, dễ bị trì hoãn ở mọi giai đoạn. Một số quy định như sự vô hiệu hoá và suy giảm hầu như không thể sử dụng được cho mục tiêu giải quyết tranh chấp. Nhiều quy định của GATT về giải quyết tranh chấp chỉ mang tính quy tắc, hướng dẫn cho các bên khi tham gia vào tiến trình trên. Kết quả là bên vi phạm không thực hiện hoặc thực hiện nhưng không phù hợp với các phán quyết trong Báo cáo của Ban hội thẩm.

Thứ hai, việc giải quyết tranh chấp theo quy định của GATT chỉ được tiến hành ở một cấp, tức là chỉ được xem xét thông qua Ban hội thẩm. Các bên tranh chấp không có quyền kháng cáo, GATT không có Cơ quan phúc thẩm để xem xét lại vụ tranh chấp một cách thoả đáng. Do vậy, tính chính xác trong việc giải quyết tranh chấp giữa các bên không được đảm bảo.

- Thứ ba, toàn bộ hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT được đặt trên cơ sở ra quyết định đồng thuận, nghĩa là cần phải đạt được sự nhất trí của bên bị khiếu nại trước khi tiến hành các quy trình thành lập Ban hội thẩm, xác định những điều kiện tham chiếu, chỉ định thành viên Ban hội thẩm, thông qua phán quyết và cho quyền trả đũa. Đây là nguyên nhân gây chậm trễ hoặc bế tắc trong việc thông qua Báo cáo của Ban hội thẩm, bởi bất kỳ một bên ký kết nào (kể cả bên tranh chấp) cũng có thể phản đối hay trì hoãn những việc làm này. Việc chấp nhận bản báo cáo và thực thi cũng có thể bị ngăn chặn ở mọi bước bởi sự phản đối kiên quyết của các bên tranh chấp. Và do vậy có thể gây thiệt hại cho quốc gia bị hại do thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài. Suy cho cùng, GATT vẫn là tổ chức dựa trên sự đồng thuận và những biện pháp giải quyết tranh chấp chẳng khác gì gợi ý làm thế nào để giải quyết tranh chấp nhanh chóng hơn. Do vậy, đây được xem là là nhược điểm lớn nhất trong cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT.


- Thứ tư, việc thực thi phán quyết của Hội đồng GATT dễ bị thất bại vì có vô số cách mà một nước thành viên có thể ngăn cản việc thực thi phán quyết, không có một cơ quan đa phương để giám sát việc thực hiện các khuyến nghị và phán quyết của GATT. Các khuyến nghị của GATT chủ yếu định hướng vào hành vi tương lai của bên vi phạm mà không có quy định nào về biện pháp bồi thường thiệt hại. GATT cũng không quy định khoảng thời gian hạn chế để bên vi phạm thi hành phán quyết, điều này dẫn đến việc thi hành các phán quyết của GATT bị kéo dài nhiều năm.

Vũ khí chủ yếu của GATT để bảo đảm tuân thủ - đó là biện pháp trả đũa. Nhưng ngay cả biện pháp này cũng rất mơ hồ và hiếm khi được sử dụng, chỉ duy nhất vụ Hà Lan kiện Mỹ về các biện pháp hạn chế nhập khẩu sữa năm 1952 là được Hội đồng GATT cho phép áp dụng các biện pháp trả đũa. Đây là lý do làm giảm giá trị hiệu lực của các phán quyết của GATT trong việc giải quyết tranh chấp.

- Thứ năm, rất khó tìm thấy thành viên đủ năng lực của Ban hội thẩm. Khoảng một phần năm các nước thành viên của GATT không duy trì đại biểu thường xuyên của mình tại Giơnevơ, kết quả là họ hiếm khi có được cá nhân có đủ năng lực để tham dự vào Ban hội thẩm. Thực tế cho thấy, Ban hội thẩm thường né tránh hơn là đối đầu trực tiếp với khó khăn và những gì mà Ban hội thẩm tìm được thường không có mấy giá trị trong việc kết thúc tranh chấp. Hơn thế nữa Ban hội thẩm không phải là một cơ quan thường trực, không hỗ trợ sự phát triển của cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT.

- Thứ sáu, cơ chế giải quyết tranh chấp trong GATT chưa bảo vệ được lợi ích của các nước đang phát triển và kém phát triển trong quá trình giải quyết tranh chấp.

- Thứ bảy, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương ngày càng tăng khi các yêu cầu cho phép đình chỉ nhượng bộ không được chấp thuận và trên thực tế tình trạng này đã làm đau đầu Hội đồng GATT.

Tóm lại, hạn chế của cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT là trình tự tố tụng thường bị kéo dài, dễ bị chi phối bởi các bên tranh chấp và thiếu hiệu quả, đặc biệt là trong việc thi hành những khuyến nghị và phán quyết. Những hạn chế của cơ


chế giải quyết tranh chấp của GATT đã được thảo luận tại Vòng đàm phán Uruguay và một trong những kết quả của Vòng đàm phán này là sự ra đời của của Tổ chức thương mại thế giới và cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức thương mại thế giới.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được thành lập ngày 1/1/1995 theo Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại thế giới. WTO là một thiết chế liên Chính phủ quy định cơ sở pháp lý và tổ chức cho việc thực hiện nghĩa vụ điều chỉnh và thi hành pháp luật thương mại quốc tế của các thành viên. Tổ chức này được xem là nền tảng cho sự phát triển quan hệ thương mại giữa các quốc gia thông qua thảo luận, đàm phán và giải quyết các vấn đề có liên quan đến thương mại quốc tế.

Sau khi kết thúc Vòng đàm phán Uruguay ngày 15/12/1993, các quan chức cấp Bộ trưởng đại diện cho những nước tham gia đàm phán đã ký kết Văn kiện cuối cùng tại cuộc họp ở Marrakesh, Marocco ngày 14/4/1994 (Tuyên bố Marrakesh). Tuyên bố này khẳng định kết quả của Vòng đàm phán Uruguay trong khuôn khổ của GATT là “tăng cường nền kinh tế thế giới, thúc đẩy phát triển trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, việc làm và thu nhập trên phạm vi toàn thế giới”. Có thể nói WTO là tổ chức kế thừa của GATT và là hiện thân các kết quả của vòng đàm phán Uruguay. Cơ cấu tổ chức và các nguyên tắc của GATT tiếp tục được thể hiện lại trong các qui định của WTO. Các lĩnh vực trước đây GATT chỉ khuyến cáo đã được WTO chuyển hoá thành quy định, đó là những lĩnh vực về: các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ.

Cùng với việc thành lập WTO, thông qua các Hiệp định quan trọng cho việc thành lập và tổ chức hoạt động của WTO, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO cũng đã được kế thừa và phát triển. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO không chỉ bao gồm Điều XXII và XXIII của GATT mà còn có cả Thoả thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp - DSU (Dispute Settlement Understanding). DSU được thông qua và có hiệu lực thi hành từ tháng 12 năm 1996, gồm 27 điều và 4 phụ lục. Ngoài ra, trong các tranh chấp liên quan đến một số vấn đề thương mại cụ thể, còn có các hiệp định đặc biệt hay bổ sung được quy


định tại một số hiệp định liên quan (được liệt kê tại Phụ lục 2 của DSU). Theo Điều

1.2 của DSU thì các quy định đặc biệt hay bổ sung này có giá trị ưu tiên áp dụng trong trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định này với các quy định của DSU. Tuy nhiên, các quy định của DSU vẫn được coi là xương sống của cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. DSU quy định các phương pháp, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp, bảo đảm tính công bằng, thống nhất, khách quan, đồng thời cũng đưa ra các biện pháp bảo đảm thi hành các khuyến nghị, phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp.

Như vậy, bên cạnh việc kế thừa các giá trị của GATT, WTO đã xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp mạnh hơn cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT trước đây. Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO có quyền thành lập Ban hội thẩm, thông qua báo cáo của Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm, có quyền giám sát thi hành các khuyến nghị trong các Báo cáo đã được thông qua và có quyền áp đặt các biện pháp trả đũa nếu một bên không chịu thi hành phán quyết. Phạm vi điều chỉnh của WTO đã được mở rộng bao gồm hàng loạt các lĩnh vực thương mại như: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, cơ chế rà soát chính sách thương mại, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.

Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO ra đời, đưa ra những quy định pháp lý nhằm bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của các thành viên theo hiệp định có liên quan. Tuyên bố của WTO nhấn mạnh rằng, việc xúc tiến nhanh chóng công việc giải quyết tranh chấp là rất quan trọng đối với sự duy trì cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của các thành viên và hiệu quả hoạt động của WTO. Mục tiêu của cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định WTO là "bảo đảm có được kết luận đúng cho việc tranh chấp", vì vậy, việc tìm kiếm cách giải quyết mà hai bên cùng có lợi và có thể chấp nhận được đồng thời phù hợp với điều khoản của WTO là được khuyến khích. Nếu không đạt được một giải pháp mà các bên tranh chấp cùng nhất trí, thì cơ chế giải quyết tranh chấp thường cố gắng thu hồi những biện pháp có liên quan nếu xem xét những biện pháp này không phù hợp với những quy định trong bất kỳ hiệp định có liên quan nào.

Xem tất cả 134 trang.

Ngày đăng: 28/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí