Nhiệm vụ của Ban hội thẩm là đánh giá khách quan vấn đề tranh chấp, bao gồm cả các tình tiết thực tế, khả năng áp dụng các hiệp định, thoả thuận có liên quan của WTO và tìm hiểu điều tra thêm để hỗ trợ DSB đưa ra các khuyến nghị hoặc phán quyết.
Bất kỳ nước thành viên thứ ba nào có quyền lợi đáng kể trong vụ tranh chấp này đều được Ban hội thẩm xem xét với điều kiện nước thứ ba này phải gửi thông báo về quyền lợi của mình cho DSB.
Tại Điều 7 của DSU có quy định về các điều khoản tham chiếu cho Ban hội thẩm. Những điều khoản tham chiếu này có thể hiểu là các quy định về phạm vi, quyền hạn và nhiệm vụ của Ban hội thẩm. Các quy định tại Điều 7 chỉ là những điều khoản tham chiếu mẫu, có nghĩa đây là các điều kiện cơ bản cho hoạt động của Ban hội thẩm: “Kiểm tra, theo tinh thần của các điều khoản có liên quan (tên của (các) hiệp định có liên quan do các bên tranh chấp trích dẫn), vấn đề được (tên của một bên) dẫn chiếu tới DSB trong văn bản... và việc xem xét như vậy sẽ giúp DSB đưa ra các khuyến nghị hoặc các quyết định được dự kiến trong (các) hiệp định có liên quan đó”, các bên tranh chấp phải chấp nhận trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác trong vòng 20 ngày kể từ ngày thành lập Ban hội thẩm.
Ban hội thẩm phải lưu ý đến các điều khoản liên quan trong bất kỳ hiệp định có liên quan nào hoặc các hiệp định được các bên tranh chấp trích dẫn. Khi thành lập Ban hội thẩm theo các quy định ở trên, DSB có thể ủy quyền cho Chủ tịch DSB soạn thảo các điều khoản tham chiếu của Ban hội thẩm có sự tham vấn với các bên tranh chấp. Các điều khoản tham chiếu được soạn thảo như vậy sẽ được gửi tới các thành viên. Nếu các bên thoả thuận các điều khoản tham chiếu khác với các điều khoản tham chiếu chuẩn, thì bất kỳ thành viên nào cũng có thể nêu vấn đề liên quan đến các điều khoản đó với DSB.
Ban thư ký sẽ đề xuất việc bổ nhiệm Ban hội thẩm với các bên có tranh chấp. Các bên tranh chấp sẽ không được phản đối việc bổ nhiệm trừ khi có những lý do thuyết phục. Khi một tranh chấp xảy ra giữa một thành viên phát triển và một thành
viên đang phát triển, nếu có yêu cầu của nước đang phát triển, thì Ban hội thẩm sẽ có ít nhất là một hội thẩm viên lấy từ thành viên đang phát triển.
Nếu trong vòng 20 ngày sau ngày thành lập Ban hội thẩm mà không có sự nhất trí về thành viên Ban hội thẩm, theo yêu cầu của bất cứ bên nào, Tổng Giám đốc sau khi tham vấn với các bên tranh chấp, với Chủ tịch DSB và Chủ tịch Hội đồng hay Ủy ban liên quan sẽ quyết định thành phần Ban hội thẩm bằng việc bổ nhiệm các hội thẩm từ những người mà Tổng giám đốc coi là thích hợp nhất với bất kỳ quy tắc hoặc thủ tục đặc biệt hoặc bổ sung có liên quan của những hiệp định có liên quan được áp dụng cho tranh chấp đó. Chủ tịch của DSB sẽ thông báo cho các thành viên về thành phần Ban hội thẩm đã được thành lập không quá 10 ngày kể từ ngày Chủ tịch nhận được yêu cầu như vậy.
Các hội thẩm viên sẽ làm việc bằng năng lực cá nhân của mình và không phải là đại diện của chính phủ và cũng không phải là đại điện của một tổ chức nào. Vì thế các thành viên sẽ không chỉ dẫn hay tìm cách gây ảnh hưởng đến họ về những vấn đề được khởi kiện trước Ban hội thẩm..
Có thể bạn quan tâm!
- Những Hạn Chế Của Cơ Chế Giải Quyết Tranh Chấp Của Gatt Và Sự Cần Thiết Ra Đời Một Cơ Chế Giải Quyết Tranh Chấp Thiết Thực Và Hữu Hiệu - Cơ
- Cơ Quan Và Nguyên Tắc Giải Quyết Tranh Chấp Của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới
- Các Nguyên Tắc Giải Quyết Tranh Chấp Của Wto [10], [23]
- Vị Trí Của Các Nước Đang Phát Triển Trong Wto
- Giải Quyết Tranh Chấp Của Các Nước Đang Phát Triển Theo Cơ Chế Giải Quyết Tranh Chấp Của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới
- Các nước đang phát triển với cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức thương mại thế giới - 9
Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.
Trong quá trình tố tụng, Ban hội thẩm sẽ tuân thủ những quy định có liên quan của DSU. Ngoài ra, những thủ tục làm việc sau đây sẽ được áp dụng:
- Ban hội thẩm sẽ họp kín. Các bên có tranh chấp, và những bên có quan tâm, sẽ có mặt tại các buổi họp chỉ khi được Ban hội thẩm mời trình diện.
- Việc nghị án của Ban hội thẩm và những tài liệu được đệ trình lên sẽ được giữ bí mật. Không có phần nào trong Thoả thuận này ngăn cản một bên có tranh chấp công bố những tuyên bố về quan điểm của mình. Các thành viên sẽ coi các thông tin do một thành viên cung cấp cho Ban hội thẩm là thông tin bí mật nếu thành viên này cho rằng thông tin đó là bí mật. Khi một bên tranh chấp đệ trình lên Ban hội thẩm một phiên bản mật của văn bản đệ trình của mình lên Ban hội thẩm, bên đó cũng sẽ, theo yêu cầu của một thành viên, cung cấp một bản tóm tắt không mật có thể công bố công khai về những thông tin chứa đựng trong bản đệ trình đó.
- Trước cuộc họp chính thức đầu tiên của Ban hội thẩm với các bên, các bên tranh chấp chuyển cho Ban hội thẩm văn bản đệ trình trong đó trình bày tình tiết của vụ kiện và những lập luận của mình.
- Tại cuộc họp chính thức đầu tiên với các bên, Ban hội thẩm sẽ yêu cầu bên nguyên đơn trình bày vụ kiện của mình. Sau đó, tại cùng cuộc họp, bên bị khiếu kiện sẽ được yêu cầu trình bày quan điểm của mình.
- Tất cả các bên thứ ba đã thông báo có quan tâm đến vụ tranh chấp sẽ được mời bằng văn bản để trình bày quan điểm của mình trong một phiên làm việc của cuộc họp chính thức đầu tiên của Ban hội thẩm được thành lập riêng cho mục đích này. Tất cả các bên thứ ba như thế đều có thể có mặt trong suốt phiên làm việc đó.
- Sự bác bỏ chính thức sẽ được đưa ra tại cuộc họp chính thức lần hai của Ban hội thẩm. Bên bị đơn có quyền phát biểu trước, sau đó tới bên nguyên đơn. Trước khi cuộc họp đó diễn ra, các bên phải đệ trình sự bác bỏ bằng văn bản lên Ban hội thẩm.
- Trong bất cứ thời điểm nào, Ban hội thẩm cũng có thể đưa ra câu hỏi với các bên và yêu cầu họ phải giải thích hoặc ngay trong cuộc họp với các bên hoặc bằng văn bản.
- Các bên tranh chấp và bên thứ ba được mời tới trình bày quan điểm sẽ phải cung cấp cho Ban hội thẩm bản viết của những tuyên bố miệng của họ.
- Để đảm bảo tính minh bạch, các bài trình bày, bác bỏ và tuyên bố như được đề cập đến được đọc khi có mặt của các bên. Hơn nữa, những văn bản đệ trình của mỗi bên, bao gồm bất kỳ những ý kiến nào về phần mô tả của bản báo cáo và những câu trả lời của những câu hỏi do Ban hội thẩm đưa ra, sẽ được cung cấp cho bên hoặc các bên khác.
Trình tự giải quyết tranh chấp tại Ban hội thẩm có thể tóm tắt như sau:
(1). Thành lập Ban hội thẩm và các điều khoản tham chiếu (Điều 6, Điều 7 của DSU).
(2). Các bên tranh chấp gửi hồ sơ trình bày các tình tiết của vụ kiện và lập luận của mình cho Ban hội thẩm. Ban hội thẩm kiểm tra, theo tinh thần của các điều
khoản có liên quan, tên của các hiệp định có liên quan do các bên tranh chấp trích dẫn, vấn đề được dẫn chiếu tới DSB trong văn bản.
(3). Phiên họp đầu tiên của Ban hội thẩm để xem xét vụ việc. Cuộc họp chính thức đầu tiên dành cho bên nguyên đơn và bị đơn. Tại đó, hai bên sẽ được trình bày quan điểm của mình và chỉ nêu ý kiến chứ không được đối chất. Bên thứ ba có lợi ích thương mại đáng kể liên quan sẽ được mời dự và trình bày ý kiến của mình trong một phiên họp dành riêng của cuộc họp thứ nhất này. Ban hội thẩm sẽ lắng nghe ý kiến của tất cả các bên. Ban hội thẩm có quyền đặt câu hỏi cho mỗi bên. (4). Phiên họp thứ hai để xem xét vụ việc. Trong cuộc họp chính thức thứ
hai, hai bên bị đơn và nguyên đơn sẽ đối chất trực tiếp với nhau. Trước khi cuộc họp này diễn ra, các bên sẽ chuẩn bị lý lẽ giải trình để bảo vệ mình và đệ trình sự bác bỏ bằng văn bản lên Ban hội thẩm. Ban hội thẩm có quyền đặt câu hỏi cho mỗi bên.
(5). Ban hội thẩm có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia về các vấn đề khoa học và kỹ thuật (nếu cần thiết). Điều 13 của DSU quy định: "Ban hội thẩm có thể tìm kiếm thông tin từ bất kỳ nguồn nào có liên quan và có thể tham vấn chuyên gia để nhận được những ý kiến về những khía cạnh nhất định của vấn đề. Đối với các căn cứ liên quan đến các vấn đề khoa học, hoặc kỹ thuật do một bên tranh chấp nêu ra, thì Ban hội thẩm có thể yêu cầu báo cáo tư vấn bằng văn bản của nhóm chuyên gia thẩm định. Quy tắc thành lập nhóm này và các thủ tục làm việc của nhóm đó được nêu rõ trong Phụ lục 4".
(6). Ban hội thẩm chuyển các phần mô tả thực tế và lập luận của bản dự thảo báo cáo của mình cho các bên tranh chấp góp ý. Các bên sẽ có hai tuần để đệ trình các nhận xét của mình bằng văn bản về phần mô tả báo cáo.
(7). Ban hội thẩm đệ trình báo cáo giữa kỳ để các bên góp ý kiến. Điều 15.2 của DSU chỉ rõ: "Sau khi hết thời hạn tiếp nhận các nhận xét của các bên tranh chấp, Ban hội thẩm sẽ đưa ra một bản báo cáo giữa kỳ cho các bên, gồm cả các phần mô tả, báo cáo điều tra và các kết luận của Ban hội thẩm. Trong phạm vi thời hạn được Ban hội thẩm đặt ra, một bên có thể đệ trình một văn bản yêu cầu
cho Ban hội thẩm để rà soát những khía cạnh chính xác của bản báo cáo giữa kỳ trước khi chuyển bản báo cáo cuối cùng tới các thành viên. Theo yêu cầu của một bên, Ban hội thẩm sẽ tổ chức thêm cuộc họp với các bên về những vấn đề đã được chỉ rõ trong các văn bản nhận xét. Nếu không nhận được bản nhận xét nào của các bên trong thời hạn đã định cho việc nhận xét đó thì bản báo cáo giữa kỳ sẽ được coi là bản báo cáo cuối cùng của Ban hội thẩm và sẽ nhanh chóng được chuyển tới các thành viên". Đây là một bước thủ tục quan trọng để các bên tranh chấp có thể tranh thủ cơ hội này đề nghị Ban hội thẩm xem xét lại các kết luận, phán quyết về vụ việc.
(8). Ban hội thẩm gửi báo cáo chính thức của mình tới các bên tranh chấp. Sau đó đệ trình lên DSB để thông qua. Sau giai đoạn xem xét lại báo cáo giữa kỳ, Ban hội thẩm sẽ hoàn tất và đưa ra báo cáo cuối cùng. Báo cáo cuối cùng được gửi đến cho các bên tranh chấp và tất cả các nước thành viên. Điều 12.8 và 12.9 của DSU quy định: "Để những thủ tục này có hiệu quả hơn, khoảng thời gian mà Ban hội thẩm sẽ tiến hành xem xét, từ ngày thành phần và các điều khoản tham chiếu của Ban hội thẩm được thống nhất cho tới ngày bản báo cáo cuối cùng được chuyển tới các bên tranh chấp, theo quy định chung sẽ không quá 6 tháng. Trong trường hợp khẩn cấp, kể cả những trường hợp liên quan đến hàng dễ hỏng, Ban hội thẩm sẽ cố gắng chuyển bản báo cáo của mình đến các bên tranh chấp trong vòng 3 tháng"; "Khi Ban hội thẩm cho rằng không thể đưa ra bản báo cáo trong vòng 6 tháng hoặc trong vòng 3 tháng trong các trường hợp khẩn cấp, Ban hội thẩm sẽ thông báo cho DSB bằng văn bản về lý do trì hoãn cùng với khoảng thời gian dự kiến Ban hội thẩm sẽ đưa ra báo cáo. Không trường hợp nào mà thời hạn kể từ khi thành lập Ban hội thẩm tới khi gửi các báo cáo cho các thành viên vượt quá 9 tháng".
Khi một hoặc nhiều bên là nước đang phát triển thành viên, báo cáo của Ban hội thẩm sẽ chỉ ra một cách rõ ràng hình thức trong đó có tính đến các điều khoản có liên quan đến chế độ đãi ngộ khác biệt và ưu đãi hơn đối với thành viên là các nước đang phát triển tạo nên một phần của những hiệp định có liên quan mà những
hiệp định này đã được các nước đang phát triển nêu lên trong quá trình tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp. Do đó, khoảng thời gian có thể xê dịch để họ chuẩn bị và trình bày lập trường của mình, vì các nước đang phát triển thường thiếu khả năng ứng phó nhanh về hành chính và kỹ thuật.
Sau khi báo cáo cuối cùng của Ban hội thẩm được gửi đến các nước thành viên, Điều 16.1 và 16.2 của DSU quy định: "Nhằm có đủ thời gian để các thành viên xem xét các báo cáo của Ban hội thẩm, các báo cáo sẽ không được coi là DSB đã thông qua trong vòng 20 ngày sau ngày báo cáo đã được chuyển tới các thành viên", "Các thành viên có phản đối về bản báo cáo của Ban hội thẩm sẽ phải đưa văn bản giải thích lý do phản đối của mình để chuyển tới DSB ít nhất 10 ngày trước ngày phiên họp của DSB xem xét báo cáo của Ban hội thẩm được tổ chức".
Các bên tranh chấp có quyền tham gia đầy đủ vào việc DSB xem xét báo cáo của Ban hội thẩm, các quan điểm và lý lẽ của họ được ghi lại đầy đủ. Theo Điều
16.4 của DSU: "Trong vòng 60 ngày sau ngày chuyển báo cáo của Ban hội thẩm tới các thành viên, báo cáo này được thông qua tại phiên họp DSB, trừ khi một bên tranh chấp chính thức thông báo cho DSB về quyết định kháng cáo của mình hoặc DSB quyết định trên cơ sở đồng thuận không thông qua bản báo cáo này. Nếu một bên đã thông báo quyết định kháng cáo của mình, thì DSB sẽ không xem xét thông qua bản báo cáo của Ban hội thẩm lập cho tới khi hoàn thành việc phúc thẩm. Thủ tục thông qua này không làm phương hại tới quyền của các thành viên được thể hiện quan điểm của mình về bản báo cáo của Ban hội thẩm".
Báo cáo của Ban hội thẩm phải được DSB thông qua thì mới có giá trị pháp lý. Khi đã được DSB thông qua thì báo cáo của Ban hội thẩm có giá trị ràng buộc các bên tranh chấp và các bên phải thi hành. Báo cáo đã được thông qua này được coi là phán quyết của DSB.
1.3.3. Giai đoạn kháng cáo, phúc thẩm
Giai đoạn kháng cáo, phúc thẩm là một bước phát triển mới trong hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO mà trước đây GATT chưa có.
Chỉ các bên có tranh chấp, chứ không phải các bên thứ ba, mới có quyền kháng cáo báo cáo của Ban hội thẩm. Các bên thứ ba đã thông báo cho DSB về quyền lợi xác đáng có thể đệ trình văn bản cho Cơ quan phúc thẩm và sẽ được tạo cơ hội để Cơ quan phúc thẩm nghe vấn đề đệ trình.
Như phân tích ở giai đoạn trước, các kháng cáo chỉ có thể thực hiện trước khi DSB thông qua báo cáo cuối cùng của Ban hội thẩm, tức là trong giai đoạn 20 ngày kể từ ngày Ban hội thẩm gửi báo cáo cuối cùng cho các nước thành viên của WTO và ít nhất 10 ngày trước ngày phiên họp của DSB xem xét báo cáo của Ban hội thẩm được tổ chức.
Theo Điều 17.1 của DSU, sau khi nhận được kháng cáo của một bên tranh chấp, "Một Cơ quan phúc thẩm thường trực sẽ được DSB thành lập. Cơ quan phúc thẩm sẽ nghe các ý kiến kháng cáo về các vụ việc của Ban hội thẩm. Cơ quan này bao gồm 7 người, mỗi một vụ việc sẽ do 3 người xét xử. Những người làm việc ở Cơ quan phúc thẩm làm việc luân phiên. Việc luân phiên như vậy được xác định trong văn bản về thủ tục giải quyết công việc của Cơ quan phúc thẩm".
Phạm vi xem xét kháng cáo của Cơ quan phúc thẩm được giới hạn ở những vấn đề pháp luật được đề cập trong báo cáo của Ban hội thẩm và việc giải thích pháp luật của Ban hội thẩm, chứ không mở rộng phạm vi vụ tranh chấp. Cơ quan phúc thẩm đề cập từng vấn đề được nêu ra trong suốt quá trình tố tụng phúc thẩm.
Như một quy tắc chung, việc tố tụng trong giai đoạn này sẽ không quá 60 ngày kể từ ngày một bên tranh chấp chính thức thông báo quyết định kháng cáo của mình tới ngày Cơ quan phúc thẩm chuyển báo cáo của mình. Khi xác định thời gian biểu của mình, Cơ quan phúc thẩm cân nhắc các quy định của Điều 4.9 (trong trường hợp khẩn cấp), nếu có liên quan. Khi Cơ quan phúc thẩm thấy mình không thể cung cấp báo cáo trong vòng 60 ngày, cơ quan này sẽ thông báo cho DSB bằng văn bản lý do trì hoãn cùng với khoảng thời gian dự kiến sẽ đệ trình báo cáo. Tiến trình này không được vượt quá 90 ngày trong bất cứ trường hợp nào.
Thủ tục làm việc sẽ được Cơ quan phúc thẩm soạn thảo có sự tham vấn với Chủ tịch DSB và Tổng giám đốc, thông báo cho các thành viên về thông tin này.
Quá trình tố tụng của Cơ quan phúc thẩm được giữ kín. Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm được soạn thảo theo tinh thần của các thông tin được cung cấp và các tuyên bố, không có sự tham gia của các bên tranh chấp. Ý kiến của các cá nhân làm việc tại Cơ quan phúc thẩm được trình bày ở Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, nhưng không được ghi tên người phát biểu ý kiến đó. Cơ quan phúc thẩm sẽ đề cập đến từng vấn đề được nêu ra trong báo cáo của Ban hội thẩm trong suốt quá trình tố tụng phúc thẩm. Cơ quan phúc thẩm có thể tán thành, sửa đổi hoặc huỷ bỏ các kết luận pháp lý và các phán quyết của Ban hội thẩm.
Kết quả làm việc của Cơ quan phúc thẩm là "Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm sẽ được DSB thông qua và được các bên tranh chấp chấp nhận vô điều kiện trừ khi DSB quyết định trên cơ sở nhất trí chung không thông qua báo cáo của Cơ quan phúc thẩm trong vòng 30 ngày sau khi báo cáo đó được chuyển tới các thành viên. Thủ tục thông qua này không làm phương hại đến quyền của các thành viên thể hiện quan điểm của mình trong bản báo cáo của Cơ quan phúc thẩm" (Điều 17.14 của DSU).
Như vậy, Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm đã được DSB thông qua trở thành phán quyết của DSB và các bên tranh chấp phải thi hành. Không có bên nào có quyền kháng cáo Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm và phán quyết của DSB.
1.3.4. Giai đoạn thi hành phán quyết và khuyến nghị
Việc tuân thủ ngay lập tức những khuyến nghị và phán quyết của DSB là điều cơ bản nhằm bảo đảm việc giải quyết hữu hiệu tranh chấp vì lợi của tất cả các thành viên. Đó cũng là mục tiêu mà tất cả các thành viên có quyền lợi bị vi phạm đều hướng tới.
Theo Điều 19 của DSU, Ban hội thẩm hoặc Cơ quan phúc thẩm sẽ đưa ra khuyến nghị trong trường hợp thấy rằng một biện pháp nào đó do thành viên thực hiện không phù hợp với các hiệp định có liên quan. Khuyến nghị này sẽ yêu cầu thành viên có liên quan phải sửa lại việc áp dụng các biện pháp đó cho phù hợp với hiệp định có liên quan, đồng thời Ban hội thẩm hoặc Cơ quan phúc thẩm cũng phải nêu ra cách thức mà thành viên có thể thực hiện khuyến nghị.