thiện các vấn đề nội tại, đồng thời dự đoán và ứng phó với các cú sốc (kinh tế, chính trị) bằng các giải pháp sáng tạo (UNDP 2010 và Killick 1995).
Tính ổn định là mức độ mà một thể chế có khả năng làm giảm sự biến động hay sự bất định của hiệu quả thể chế thông qua việc thể chế hóa các thông lệ và quy định, và có thể xác định và giảm thiểu rủi ro bên trong và bên ngoài thông qua quản trị rủi ro (UNDP 2010).
Có thể thấy, quan niệm về chất lương thể chế khá thống nhất ở ba đặc điểm chính đó là tính hiệu quả, khả năng thích ứng và tính ổn định. Quan niệm về chất lượng thể chế trong nghiên cứu này được hiểu theo quan niệm của UNDP (2011).
2.2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thể chế
a) Yếu tố về vị trí địa lý và ảnh hưởng lịch sử. Sự khác biệt về vị trí, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên sẽ ảnh hưởng khác nhau đến thành tựu kinh tế và chất lượng thể chế của các nước. Đối với hình thức thuộc địa định cư (settler colonies như: Mỹ, New Zealand, Úc, Canada) cho phép người châu Âu di cư và hình thành các thể chế tốt hơn (bảo vệ quyền sở hữu, pháp quyền) qua đó thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư. Trong khi đó, ở các nước với hình thức thuộc địa khai thác (extracting colonies, chủ yếu là các nước Châu Phi cận Sahara và Mỹ Latinh) các cuộc di cư của người Châu Âu bị hạn chế do khí hậu, bệnh tật và môi trường tự nhiên. Ở đây các thể chế được thiết kế để đảm bảo sự kiểm soát và khai thác tài nguyên thiên nhiên tại thuộc địa. Như vậy, nguồn gốc thuộc địa đã có tác động lâu dài đến sự hình thành và chất lượng của các thể chế (Acemoglu et al. 2001).
b) Các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng thể chế kinh tế. Chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các thể chế kinh tế bằng cách thúc đẩy các hành vi đòi tiền thuế và thay thế các khoản thu thuế bằng các nguồn thu khác kém minh bạch hơn và ít phụ thuộc vào trách nhiệm giải trình hơn (Javed, 2016).
c) Các hệ thống pháp luật khác nhau và nguồn gốc của chúng. Các quốc gia có hệ thống pháp luật là di sản của nước Pháp và Xã hội Chủ nghĩa thì có sự sắp xếp thể chế kém hơn so với những nước có hệ thống pháp luật truyền thống khác (Anh, Scandinavia hoặc Đức). Theo đó, các quốc gia có hệ thống pháp luật là di sản của Pháp và Xã hội Chủ nghĩa được đặc trưng bởi việc nhà nước đóng một vai trò lớn hơn trong tổ chức kinh tế và xã hội, tạo ra những gánh nặng về các quy định, luật lệ và do đó dẫn đến một thể chể kém linh hoạt về mặt pháp lý và kinh tế. Mặt khác, hệ thống pháp luật truyền thống như Anh, Scandinavia hoặc Đức được xem là linh hoạt hơn và
năng động hơn, dựa trên sự công nhận rộng rãi về tự do kinh tế, hạn chế vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và cho phép hình thành và phát triển các thể chế tốt hơn ( Djankov, La Porta, Lopez-de-Silanes, and Shleifer (2002), Straub (2000), Chong and Zanforlin (2000), Beck, Demirgüç-Kunt, and Levine (2001), Djankov et al. (2002)).
Có thể bạn quan tâm!
- Tóm Lược Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Thể Chế
- Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thể chế địa phương tại Việt Nam - 5
- Chất Lượng Thể Chế Và Các Tiêu Chí Đánh Giá Chất Lượng Thể Chế
- Khái Niệm Về Thể Chế Kinh Tế Và Đo Lường Chất Lượng Thể Chế Kinh Tế Của Luận Án
- Đánh Giá Chung Về Thực Trạng Chất Lượng Thể Chế Việt Nam
- Chỉ Tiêu Chi Phí Không Chính Thức Của Pci, 2006-2019
Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.
d) Nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa dân tộc và chất lượng thể chế đã chứng minh rằng tính đa dạng sắc tộc-ngôn ngữ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chế; Sự thiếu đồng nhất về mặt sắc tộc sẽ tạo ra căng thẳng giữa các nhóm xã hội, giảm sự hợp tác và tạo ra xung đột giữa các thể chế chính thức và không chính thức (Easterly and Levine (1997) và Alberto Alesina et al. (2003)).
e) Về tôn giáo Landes (1998) chỉ ra rằng các quốc gia Công giáo và Hồi giáo, bắt đầu từ thế kỷ XV hoặc thậm chí sớm hơn, đã tồn tại một nền văn hoá không khoan dung và kỳ thị đã dẫn đến những trở ngại trong sự phát triển thể chế của họ.
f) Phân bố thu nhập-bất bình đẳng ảnh hưởng đến sự bền vững và tính hợp pháp của các thể chế. Bất bình đẳng sẽ tạo ra khoảng cách giữa các nhóm xã hội khác nhau, dẫn đến xung đột xã hội, sự bất ổn về chính trị và an ninh, tham nhũng...Đồng thời, bất bình đẳng thu nhập cũng có thể tạo ra việc quyền lực nhà nước bị tập trung vào một nhóm người nhất định và phục vụ lơi ích cho chính họ (A Alesina and Rodrik (1993); Alberto Alesina and Perotti (1996); hay Easterly (2001)). Phân phối thu nhập dường như là điều kiện cho chất lượng thể chế, để đảm bảo cho tính bền vững và hợp pháp của thể chế đòi hỏi xã hội có sự gắn kết ở mức độ nhất định (Alonso and Garcimartin, 2013).
g) Tự do lao động có tác động tích cực đến chất lượng thể chế kinh tế. Mức lương tối thiểu phù hợp, tính linh hoạt về giờ làm việc và thuê mướn, v.v ... tất cả đều giúp cải thiện điều kiện thị trường lao động và các thể chế kinh tế liên quan (Javed, 2016).
h) Hội nhập và mở cửa nền kinh tế giúp thúc đẩy cải thiện chất lượng thể chế kinh tế. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ những đòi hỏi các cải cách thể chế để thích nghi và hội nhập, hạn chế các hành vi tham nhũng và tìm kiếm đặc lợi thông qua việc thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia khác trong quá trình hội nhập ((Rigobon & Rodrik, 2004); (Rodrik et al., 2004)). Thể chế kinh tế sẽ tốt hơn nếu một quốc gia mở cửa hơn đối với các các dòng thương mại, đầu tư và tài chính (Faber and Gerritse, 2009; Lehne, Mo & Plekhanov, 2014; Javed, 2016).
i) Giáo dục là nhân tố được nhiều nghiên cứu chứng minh có ảnh hưởng tích cực
đến chất lượng thể chế kinh tế. Nhìn chung, một xã hội có trình độ giáo dục cao sẽ đòi
hỏi một thể chế minh bạch, năng động hơn và tạo ra những điều kiện tiên quyết để xây dựng một thể chế vững mạnh (Alberto Alesina and Perotti, 1996; Alonso and Garcimartin, 2013). Ngoài ra, giáo dục là yếu tố quan trọng thúc đẩy học tập, khả năng cạnh tranh, đổi mới trong các hoạt động kinh tế. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ nhập học tiểu học thuần túy có tác động tích cực đến chất lượng thể chế kinh tế (Javed, 2016).
j) Trình độ phát triển quyết định chất lượng thể chế nói chung và thể chế kinh tế nói riêng, nhiều nghiên cứu cho rằng trình độ phát triển càng cao thì chất lượng thể chế càng tốt. Sự phát triển sẽ thúc đẩy tạo ra một thể chế tốt và do đó tạo ra một vòng tròn của sự thúc đẩy lẫn nhau giữa thể chế và tăng trưởng. Ngoài ra, một thể chế tốt sẽ tạo ra sự phát triển công bằng hơn, đảm bảo sự phát triển của giáo dục bằng năng lực tài chính. Và ngược lại, khi các điều kiện trên được đáp ứng (sự phát triển, công bằng, giáo dục) sẽ là tiền đề để xây dựng 1 thể chế với các tiêu chuẩn: (i) hiệu quả, (ii) đáng tin cậy, (iii) có thể dự đoán được (Alonso and Garcimartín (2013). Trình độ phát triển đóng vai trò tiên quyết, là cơ sở nguồn lực quan trọng để xây dựng một thể chế tốt ((Chong & Zanforlin, 2000); (Islam & Montenegro, 2002); (Rigobon & Rodrik, 2004)). Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có tác động tích cực đáng kể đến chất lượng thể chế kinh tế. CPI và GDP là những thước đo phản ánh sự tăng trưởng của nền kinh tế đều có tác động tích cực đến chất lượng thể chế kinh tế (Javed, 2016).
k) Nguồn thu từ thuế có tác động tích cực đến chất lượng thể chế. Một hệ thống thuế tốt có tác động tích cực đến chất lượng thể chế, thuế được coi là nguồn thu cần thiết để tạo ra chất lượng thể chế. Hơn nữa, chính sách thuế tạo ra sự liên kết và ràng buộc giữa chính quyền và người dân của mỗi quốc gia, địa phương (Alonso and Garcimartin, 2013).
l) Sự hiện diện của quân đội, sức mạnh của đảng/phe đối lập, viện trợ nước ngoài được cho là có tác động tiêu cực đến chất lượng thể chế kinh tế (Javed, 2016). Các chế độ độc tài quân sự nói chung thiếu sự ủng hộ của dân chúng, vì chúng hầu hết là vi hiến. Điều này khiến chế độ độc tài quân sự không được lòng quần chúng, và có ít cải thiện chất lượng thể chế. Vì vậy, quân đội (nắm quyền) có tác động tiêu cực đến chất lượng thể chế kinh tế.
m) Kinh nghiệm lãnh đạo, trình độ học vấn của các nhà quản lý cũng ảnh hưởng đến chất lượng thể chế. Sự đầu tư vào đào tạo đội ngũ lãnh đạo, nâng cao trình độ chuyên môn giúp nâng cao chất lượng thể chế (Shibru, S., Bibiso, M., & Ousman, K. 2017).
Nhìn chung có rất nhiều các nhân tố khác nhau quyết định đến chất lượng thể chế nói chung và chất lượng thể chế kinh tế nói riêng. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, nghiên cứu này chỉ tập trung vào các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thể chế kinh tế.
2.2.3. Các tiêu chí đánh giá chất lượng thể chế
Mối quan hệ giữa quản trị và các tiêu chí đánh giá chất lượng thể chế
Quản trị (governance) theo Từ điển Anh ngữ Oxford, là "cách thức hay cách quản lý". Là từ có nguồn từ tiếng Hy Lạp "κυβερναν" (kyvernan) hay có nghĩa là "chỉ đạo". Gần đây hơn, thuật ngữ "quản trị' được dùng phổ biến trong các nghiên cứu với các ý nghĩa khác nhau. Ở một số nghiên cứu, quản trị đã được sử dụng để chỉ toàn bộ hệ thống các thể chế chính trị và truyền thống; ở môt số nghiên cứu khác, cụm từ "vấn đề quản trị" đôi khi trở thành một thuật ngữ ám chỉ tham nhũng. Việc sử dụng khái niệm quản trị hiện tại có thể được bắt nguồn từ một nghiên cứu của Mundial (1989) về châu Phi đã định nghĩa quản trị là "việc thực thi quyền lực chính trị để quản lý công việc của một quốc gia". Sau đó, Ngân hàng Thế giới (WB, 1992) đã định nghĩa quản trị là "cách thức thực thi quyền lực trong việc quản lý các nguồn lực kinh tế và xã hội của đất nước vì sự phát triển". Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đã định nghĩa quản trị là "việc thực thi thẩm quyền trong chính phủ và trên trường chính trị". Theo định nghĩa này, "Quản trị công tốt sẽ giúp củng cố nền dân chủ và nhân quyền, thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và sự gắn kết xã hội, giảm đói nghèo, tăng cường bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tăng cường sự tin tưởng đối với chính phủ và hành chính công" (Tarschys, 2001).
Huther and Shah (2005) cho rằng có sự gần gũi chặt chẽ giữa khái niệm quản trị với khái niệm về thể chế, định nghĩa quản trị như là "tất cả các khía cạnh của việc thực thi quyền lực thông qua các thể chế chính thức và phi chính thức trong việc quản lý nguồn tài nguyên của một quốc gia." Quan điểm này cũng được thể hiện qua các nghiên cứu Kaufmann, Kraay, and Zoido-Lobatón (1999) (hay ký hiệu KKZ 1999) và Kraay, Mastruzzi, and Kaufmann (2003) (ký hiệu KKM 2003). Những nghiên cứu này định nghĩa quản trị: là những truyền thống và thể chế mà dựa vào đó quyền lực được thực thi. Dựa trên quan điểm này bộ chỉ số quản trị được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu với vai trò làm đại diện cho chất lượng thể chế. Theo đó, chất lượng thể chế được đo lường qua: (i) quá trình lựa chọn, theo dõi và thay thế các cơ quan có thẩm quyền; (ii) năng lực của chính phủ để xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách và cung cấp các dịch vụ công; và (iii) sự tôn trọng của công dân và nhà nước đối với các thể chế chi phối các tương tác kinh tế và xã hội giữa họ.
Trong nghiên cứu của WB, thể chế được xem là “đầu vào” và tạo ra “đầu ra” là quản trị (Mundial, 2001).
Nhìn chung, dù trước đây người ta cho rằng quản trị là một khái niệm yếu về mặt lý thuyết, vì nó không cung cấp đánh giá, cũng không phải chỉ số, cũng không có định hướng phát triển. Tuy nhiên, với sự tham chiếu rõ ràng đến khái niệm thể chế, thuật ngữ quản trị đã gắn liền với trào lưu kinh tế học thể chế mới (NIE) (Zhuang et al., 2010).
Phát triển kinh tế bền vững
Tăng trưởng và các nhân tố phát triển
Trong nghiên cứu của (Talmaciu, 2014) tác giả đưa ra quan điểm về mối quan hệ giữa thể giữa chất lượng thể chế và quản trị trong vai trò đối với phát triển bền vững, theo các nhìn này chất lượng thể chế tốt bao hàm một chất lượng quản trị tốt.
Hành vi kinh tế xã hội của các
thành viên trong cộng đồng
Chất lượng quản trị
Thị trường tự do, sự đổi
mới sáng tạo
Bối cảnh chính trị
Bối cảnh văn hóa
Vốn xã hội
Lịch sử
Thể chế chính thức và phi chính thức/chất lượng thể chế
Hình 2.2: Mối quan hệ giữa thể chế, quản trị và phát triển
Nguồn: (Talmaciu, 2014)
Nhìn chung, định nghĩa về quản trị và thể chế vẫn còn là vấn đề cần thảo luận và còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, hiếm khi thể chế và quản trị được xem xét đồng thời (là hai yếu tố riêng biệt) khi phân tích các yếu tố quyết định đến tăng trưởng. Trong nghiên cứu này quản trị được định nghĩa theo WB, mà theo đó “Quản trị bao gồm các truyền thống và thể chế theo đó quyền lực trong một quốc gia được thực thi”. Điều này bao gồm quá trình các chính phủ được lựa chọn, giám sát và thay thế; năng lực của
chính phủ để xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách phù hợp; và sự tôn trọng của công dân và nhà nước đối với các thể chế chi phối các tương tác kinh tế và xã hội giữa họ". Dựa trên các định nghĩa, chất lượng thể chề và quản trị là hai khái niệm gần gũi và đồng nhất. Vì vậy, trong nghiên cứu này, chỉ số quản trị được coi là chỉ số đại diện cho chất lượng thể chế.
Các tiêu chí đánh giá chất lượng thể chế
Kể từ những năm 1990, những nghiên cứu về mối quan hệ giữa chất lượng thể chế và tăng trưởng đã đưa ra hàng loạt tiêu chí khác nhau để đánh giá chất lượng thể chế. Các nghiên cứu tập trung chủ yếu vào phân tích số liệu các quốc gia thông qua một loạt các chỉ số như chỉ số tổng hợp về quản trị (bao gồm mức độ tham nhũng, quyền chính trị, hiệu quả của khu vực công và gánh nặng pháp lý đối với hoạt động kinh doanh), bảo vệ quyền sở hữu và duy trì các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, những ràng buộc thể chế đối với các nhà lãnh đạo chính trị (Knack and Keefer (1995); Mauro (1995); Hall and Jones (1999); Rodrik (2000); Acemoglu, Johnson, and Robinson (2001)). Trong khi đó, các nghiên cứu như: Douglass C North (1994), Jones (2003), Greif (2006) thì tập trung vào lịch sử phát triển của các thể chế và cách thức mà nó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Để thực hiện các nghiên cứu như vậy, đã có một số lượng đáng kể các bộ chỉ số đo lường chất lượng thể chế được xây dựng bởi các tổ chức đa phương, các cơ quan đánh giá rủi ro, các viện nghiên cứu hay tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, các đặc điểm cũng như là chất lượng của các bộ chỉ số này rất khác nhau theo các tổ chức, và một điểm chung là hầu hết các bộ chỉ số thiếu đi khung khổ lý thuyết (thiếu đi chủ thuyết) mà liên kết chúng với các định nghĩa trước đó về tiêu chí đánh giá chất lượng thể chế (Alonso & Garcimartín, 2013).
Các thể chế nhằm đáp ứng những tương tác xã hội ngày càng tăng lên trong một thế giới bất định. Trong bối cảnh này, các thể chế được tạo thành các cơ chế điều chỉnh làm giảm hành vi tùy nghi (discretionary behaviors) và hạn chế chủ nghĩa cơ hội. Hơn nữa, vì thể chế hình thành, điều chỉnh các hành vi xã hội, nên qua đó thúc đẩy tương tác xã hội, hành động tập thể, giảm chi phí điều hãnh xã hội. Alonso and Garcimartín (2013) cho rằng sẽ là sai lầm nếu giả định các thể chế luôn phản ứng hợp lý đối với các chi phí giao dịch xã hội, mà chúng hình thành các cơ chế cho phép các chủ thể xã hội thiết lập các chiến lược. Do đó, một xã hội không nhất thiết phải có tất cả các thể chế mà nó cần và những thể chế hiện tại không nhất thiết phải là thể chế tối ưu nhất.
Theo cách tiếp cận này thì thể chế có hai chức năng kinh tế cơ bản: (i), một mặt làm giảm chi phí giao dịch xã hội, tạo ra sự chắc chắn và dễ đoán định của các tương tác xã hội, (ii), chức năng điều phối các tác nhân kinh tế.
Nghiên cứu của Knack and Keefer (1995) cho rằng chất lượng của thể chế có thể được đánh giá qua các tiêu chí như: i) sự đảm bảo đối với quyền sở hữu tài sản; và
ii) mức độ đảm bảo thực thi hợp đồng. Trong khi đó, nghiên cứu của Alberto Alesina and Perotti (1996) lại đo lường chất lượng của thể chế qua các tiêu chí như: i) mức độ hiệu quả của bộ máy hành chính; ii) mức độ tham nhũng; iii) mức độ bảo đảm quyền sở hữu; và iv) công bằng của pháp luật.
Ngoài ra các học giả đo lường chất lượng thể chế bởi các khía cạnh như: thực thi luật pháp pháp định và sự hiệu quả của quản trị công (North, 1991), chất lượng chính phủ trung ương (Schleifer & Vishny, 1993), chất lượng điều chỉnh của luật pháp (Johnson, Kaufmann, & Zoido-Lobatón, 1998), tự do chính trị (Mendez & Sepulveda, 2006). Knack & Keefer (1995) sử dụng bốn thành phần để đo lường thể chế gồm tham nhũng, chất lượng bộ máy hành chính, tuân thủ luật pháp và bảo vệ quyền tài sản"(Phạm Chí Hiếu, 2017).
Với cách tiếp cận thể chế theo "mức độ gắn kết", những nghiên cứu gần đây, đặc biệt là của các tổ chức quốc tế, đã gắn việc đánh giá chất lượng thể chế với việc đánh giá chất lượng quản trị (governance indicator quality).
Báo cáo “Quản trị: Kinh nghiệm của Ngân hàng thế giới” do WB công bố năm 1994 cho rằng quản trị tốt bao gồm các yếu tố: i) tiến trình hoạch định chính sách công khai và có thể dự đoán được; ii) hệ thống hành chính công quyền chuyên nghiệp; iii) bộ máy hành pháp có trách nhiệm giải trình; iv) xã hội dân sự tham gia tích cực vào các hoạt động công; và v) pháp quyền. Còn theo Báo cáo Phát triển thế giới năm 1997 của WB, cơ chế để đảm bảo quản trị tốt gồm có 3 yếu tố chính: i) các quy tắc và hạn chế nội bộ (thí dụ, có các hệ thống kiểm toán, sự độc lập của ngân hàng trung ương, các quy định về công chức và ngân sách…); ii) tiếng nói và đối tác (thí dụ, có các hội đồng công tư, các điều tra về phản hồi của xã hội…); và iii) cạnh tranh (thí dụ, có cạnh tranh trong cung cấp các dịch vụ, tham gia của khu vực tư nhân, các cơ chế giải quyết tranh chấp,…).
Hiệp hội phát triển quốc tế đánh giá chất lượng quản trị và thể chế dựa trên 4 trụ cột là: i) trách nhiệm giải trình, bao gồm trách nhiệm giải trình về mặt tài chính ở cấp độ vĩ mô và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động của tổ chức ở cấp vi mô; ii) tính minh bạch, đặc biệt là minh bạch trong tiến trình phân bổ ngân sách, mua sắm
công; iii) pháp quyền, trong đó có tầm quan trọng của một khung khổ pháp lý công bằng, ổn định, có thể dự đoán được và được công chúng biết đến; và iv) sự tham gia, đặc biệt nhấn mạnh cơ hội tham gia của của xã hội dân sự vào việc hình thành các chiến lược phát triển có ảnh hưởng đến cộng đồng (IDA, 1998).
Một số tổ chức quốc tế khác cũng đưa ra các tiêu chí để đánh giá chất lượng quản trị. Thí dụ, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đưa ra bốn yếu tố cơ bản của quản trị tốt là: i) trách nhiệm giải trình; ii) đảm bảo sự tham gia (của các bên liên quan trong quá trình hoạch định chính sách); iii) tính có thể dự đoán được; và iv) tính minh bạch (ADB, 1995).
Ngân hàng phát triển châu Phi (AfDB) cho rằng quản trị tốt cần có các yếu tố như: i) trách nhiệm giải trình; ii) tính minh bạch; iii) chống tham nhũng; iv) đảm bảo sự tham gia; và v) cải cách pháp lý (IFAD, 1999). Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) nêu ra các đặc tính cơ bản của quản trị tốt gồm: i) đảm bảo sự tham gia; ii) pháp quyền; iii) tính minh bạch; iv) đáp ứng mọi bên liên quan; v) hướng tới sự đồng thuận; vi) bình đẳng; vii) hiệu lực và hiệu quả; viii) trách nhiệm giải trình; và ix) tầm nhìn chiến lược (UNDP, 1997).
Nhìn chung, thể chế là một phạm trù rộng, và các học giả và các tổ chức khác nhau đã đưa ra các tiêu chí khác nhau để đo lường và đánh giá chất lượng thể chế. Bởi vậy, các tiêu chí đánh giá là không thống nhất. Tuy nhiên, dựa trên việc tổng quan tài liệu và tổng hợp các tiêu chí, có thể thấy các chỉ tiêu thường được sử dụng để đánh giá và đo lường chất lượng thể chế gồm: tính minh bạch trong thông tin của chính quyền, khả năng kiểm soát tham nhũng, tiếng nói của người dân, pháp quyền, trách nhiệm giải trình của chính quyền, và chất lượng bộ máy hành chính, sự đảm bảo đối với quyền sở hữu tài sản, mức độ đảm bảo thực thi hợp đồng, công bằng của pháp luật.v.v
2.2.4. Các bộ chỉ đo lường chất lượng thể chế
(i) Các bộ chỉ số đánh giá chất lượng thể chế của Việt Nam
Bên cạnh các bộ chỉ số quốc tế đánh giá chung về chất lượng thể chế/quản trị quốc gia, Việt Nam cũng đã có một số bộ chỉ số nhằm đánh giá hiệu quả quản trị cấp tỉnh được nhiều nghiên cứu sử dụng để đánh giá chất lượng thể chế ở Việt Nam như:
Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là chương trình hợp tác nghiên cứu, đánh giá chất lượng quản trị quốc gia và cấp địa phương giữa giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển-Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009 cho tới nay.