(iii) Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa chất lượng thể chế địa phương và các biến số vĩ mô
Vấn đề chất lượng thể chế ngày càng được Đảng, Nhà nước và các chủ thể tham gia hoạt động trong nền kinh tế quan tâm. Vì vậy, nghiên cứu liên quan đến chất lượng thể chế Việt Nam đang ngày càng nhiều hơn trong những năm gần đây. Có thể kể đến một số nghiên cứu tiêu biểu sau:
Nghiên cứu “Đánh giá tác động của chất lượng thể chế cấp tỉnh tới khả năng thu hút FDI vào các địa phương tại Việt Nam” của Nguyễn Quốc Việt và cộng sự (2014) sử dụng mô hình kinh tế lượng để đo lường động mạnh của thể chế tới khả năng thu hút FDI ở các địa phương của Việt Nam. Theo tác giả, xem xét chất lượng thể chế cấp tỉnh là xét tới hiệu lực của những luật lệ, quy tắc được áp dụng, thực hiện trên phạm vi một tỉnh cũng như chất lượng của các cơ quan chính quyền thực thi luật và chính sách tại địa phương. Trong nghiên cứu này, tác giả phân tách thể chế địa phương thành hai loại: thể chế thực thi và thể chế hỗ trợ. Trong đó, thể chế thực thi là thể chể chính thức, còn thể chế hỗ trợ có thể coi là thể chế phi chính thức. Thể chế hỗ trợ của chính quyền cấp tỉnh được thể hiện qua tính linh hoạt, nhạy bén trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển các kỹ năng cho người lao động cùng với những ưu đãi về thuế, đất đai. Nghiên cứu cũng sử dụng các chỉ số thành phần trong PCI để phản ánh chất lượng thể chế địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chính môi trường thể chế địa phương mà cụ thể là thể chế thực thi bao gồm tính minh bạch, tham nhũng (phí bôi trơn), tiếp cận sử dụng đất có vai trò quan trọng hơn cả đối với việc thu hút FDI. Những biến thể chế hỗ trợ: đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, tính năng động tiên phong lại ít có tác dụng.
Tác giả Bạch Ngọc Thắng (2017) sử dụng dữ liệu PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) để đánh giá chất lượng thể chế thực thi của 63 tỉnh thành giai đoạn 2006 – 2014 thông qua bốn chỉ số tổng hợp. Đó là các chỉ số gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí không chính thức và thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Theo đó, chỉ số gia nhập thị trường được đánh giá cao nhất trong số bốn chỉ số, trung bình từ 7.4 năm 2006 đến 8.3 vào năm 2014. Chỉ số tính minh được đánh giá là ổn định theo thời gian, trung bình từ 5.3 đến 6.0 trong giai đoạn 2006-2014. Ngược lại, chỉ số chi phí không chính thức dường như không cải thiện thêm trong giai đoạn này. Điều đó phản ánh tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hành vi tham nhũng ở cấp địa phương. Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự là thấp nhất trong số bốn chỉ số, trung bình 3.8 trong năm 2006 và cải thiện đến 5.8 vào năm 2014. Bên cạnh việc đánh
giá chất lượng thể chế, phân tích tác động của thể chế quản lý điều hành cấp tỉnh tới tăng trưởng của doanh nghiệp thì nghiên cứu này của tác giả Bạch Ngọc Thắng còn là một trong những nghiên cứu đầu tiên vận dụng khái niệm thể chế quản lý điều hành của Dixit (2009) trong nghiên cứu về thể chế địa phương tại Việt Nam.
Nguyễn Văn Thắng và các cộng sự (2017) trong nghiên cứu “Thể chế địa phương, tham nhũng và chất lượng dịch vụ công: Bằng chứng từ cuộc điều tra quốc gia ở Việt Nam” đã sử dụng dữ liệu khảo sát của Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam ( PAPI) và ứng dụng mô hình probit để kiểm nghiệm mối quan hệ giữa tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân với mức độ tham nhũng thấp. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng sử dụng dữ liệu cấp huyện để kiểm chứng mối quan hệ giữa tham nhũng và chất lượng của các dịch vụ công. Kết quả cho thấy mức độ minh bạch, sự tham gia và trách nhiệm giải trình cao có liên quan đến mức độ tham nhũng thấp và tham nhũng có liên quan đến chất lượng dịch vụ công.
Van Tung, N. (2017) với nghiên cứu “Liên kết nào giữa hiệu quả kinh tế và chất lượng thể chế? Bằng chứng từ các tỉnh và thành phố Việt Nam” tìm kiếm các mối liên hệ có thể có giữa kết quả hoạt động kinh tế và chất lượng thể chế của các tỉnh và thành phố ở Việt Nam bằng cách sử dụng phân tích hồi quy. Hiệu quả kinh tế được đo lường bằng Doanh thu thuần của tất cả các công ty trong từng tỉnh, thành phố. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh hoặc thành phố được sử dụng làm đại diện cho chất lượng thể chế. Theo tác giả, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ khi được công bố năm 2005 đã nâng cao tiếng nói quan trọng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh. PCI là một bằng chứng tham khảo cho các nhà lãnh đạo địa phương tự nhìn lại mình để kiểm tra khả năng lãnh đạo và khả năng hoạch định, điều hành chính sách của họ. Hơn nữa, PCI là thước đo hiệu quả và việc thực hiện các chính sách. Kết quả là, nó buộc các nhà lãnh đạo cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp, báo cáo PCI cung cấp những thông tin hữu ích và khách quan thông tin. Do đó, PCI được sử dụng làm đại diện cho chất lượng thể chế của các tỉnh.
Có thể bạn quan tâm!
- Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thể chế địa phương tại Việt Nam - 2
- Nhóm Nghiên Cứu Về Các Nhân Tố Quyết Định Chất Lượng Thể Chế
- Tóm Lược Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Thể Chế
- Chất Lượng Thể Chế Và Các Tiêu Chí Đánh Giá Chất Lượng Thể Chế
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Thể Chế
- Khái Niệm Về Thể Chế Kinh Tế Và Đo Lường Chất Lượng Thể Chế Kinh Tế Của Luận Án
Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.
Trong khi chất lượng thể chế của một tỉnh được thể hiện bằng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thì Doanh thu của tất cả các doanh nghiệp ở mỗi tỉnh được sử dụng như một chỉ số mới về hoạt động kinh tế trong nghiên cứu này. Các Lý do chính cho sự lựa chọn này là Doanh thu thuần của tất cả các doanh nghiệp trong một tỉnh là một phần quan trọng để phản ánh GDP. Mục tiêu chính của
nghiên cứu này là tìm ra mối liên hệ giữa kết quả hoạt động kinh tế và chất lượng thể chế của 63 tỉnh thành Việt Nam. Bằng cách sử dụng dữ liệu của năm 2012 và 2013, nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa kết quả hoạt động kinh tế của năm 2013 với PCI 2012 và PCI 2013.
Cụ thể, PCI 2012 có tác động tích cực đến Doanh thu thuần của tất cả các doanh nghiệp trong năm 2013 và PCI 2013 cũng có tác động tích cực đến Doanh thu thuần của tất cả các doanh nghiệp trong năm 2013.
Tóm lại, nghiên cứu này tìm thấy mối liên hệ giữa chất lượng thể chế và hiệu quả kinh tế của các tỉnh ở Việt Nam qua sử dụng dữ liệu của năm 2012 và 2013. Tuy nhiên, các liên kết này nên được kiểm tra trong thời gian nhiều năm trên khắp các tỉnh thành. Điều đó sẽ cho thấy sự đa dạng của các liên kết ở các quốc gia khác nhau.
Nghiên cứu “Ảnh hưởng của thể chế quản trị địa phương tới tăng trưởng kinh tế cấp tỉnh ở Việt Nam” của tác giả Lê Quang Cảnh và Đỗ Tuyết Nhung (2019) sử dụng mô hình tăng trưởng nội sinh do Mankiw và công sự (1992) để ước lượng tác động của chất lượng thể chế quản trị tới tăng trưởng kinh tế cấp tỉnh ở Việt Nam. Trong bài này, thể chế được nghiên cứu dưới góc độ quản trị địa phương. Các tác giả lựa chọn bốn chỉ số trong bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đại diện cho chất lượng thể chế bao gồm: (i) chỉ số minh bạch;(ii) chỉ số chi phí không chính thức;
(iii) chỉ số thiết chế pháp lý;(iv) chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy chất lượng thể chế cao gắn với tăng trưởng kinh tế cao hơn, các biến đo lường chất lượng thể chế quản trị khác nhau có sự tác động khác biệt tới tăng trưởng và các tỉnh có quy mô nhỏ hơn thì các tác động của chất lượng thể chế tới tăng trưởng cao hơn.
Đề tài khoa học cấp bộ của Đỗ Thị Lê Mai và các cộng sự (2019) với chủ đề “ Thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội ở Việt Nam: Lý luận, thực trạng và định hướng giải pháp đến năm 2030” đã cung cấp được cơ sở lý luận về khung thể chế nói chung và thể chế liên kết vùng nói riêng, đánh giá thực trạng thể chế liên kết vùng ở Việt Nam theo 3 cấu phần của thể chế là cơ chế, chính sách, bộ máy và cơ chế thực thi. Nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Tóm lại, các nghiên cứu về thể chế nói chung và chất lượng thể chế nói riêng tại Việt Nam đã bước đầu đưa ra những cơ sở lý luận về thể chế, vị trí, vai trò cũng như tác động quan trọng của thể chế đối với phát triển kinh tế xã hội. Hầu hết các nghiên cứu về chất lượng thể chế ở Việt Nam trong những năm gần đây đều sử dụng các chỉ
số thành phần trong hai bộ Chỉ số PAPI và PCI để làm đại diện cho chất lượng thể chế. Tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu khác nhau mà các tác giả có sự lựa chọn các chỉ số thành phần khác nhau trong PAPI và PCI cho nghiên cứu của mình. Từ những nghiên cứu này cho thấy, chất lượng thể chế của Việt Nam ngày càng được cải thiện, xong mức độ vẫn còn chậm và thấp so với trung bình của thể giới. Thực trạng thể chế Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế và rào cản đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
1.2. Khoảng trống nghiên cứu
Từ việc tổng quan tài liệu có thể chỉ ra một số vấn đề liên quan đến các nghiên cứu về chất lượng thể chế trong mối quan hệ với các biến số kinh tế ở Việt Nam như sau:
Thứ nhất, đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thể chế. Tuy nhiên các nghiên cứu đó chủ yếu ở cấp độ quốc gia. Đề tài của luận án sẽ nghiên cứu ở cấp độ địa phương. Bên cạnh đó, nghiên cứu này sẽ góp phầm làm sáng tỏ hơn quan điểm về chất lượng thể chế địa phương.
Thứ hai, đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến các vấn đề cải cách thể chế, vai trò và tác động của thể chế kinh tế, rào cản về thể chế kinh tế, hoặc tác động của thể chế đến tăng trưởng và các biến số kinh tế khác (FDI, ...) tại Việt Nam. Các nghiên cứu này có quan điểm khá đồng thuận về mối quan hệ nhân quả giữa thể chế với tăng trưởng và phát triển kinh tế: các thể chế tốt là nguyên nhân của tăng trưởng và phát triển kinh tế; chất lượng thể chế thấp sẽ là rào cản lớn đối với phát triển đất nước. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về các nhân tố tác động đến chất lượng thể chế ở Việt Nam. Đặc biệt tác giả chưa tìm được nghiên cứu nào toàn diện, có hệ thống về các nhân tố tác động đến chất lượng thể chế địa phương tại Việt Nam.
Thứ ba, đã có nhiều nghiên cứu ở Việt Nam sử dụng bộ chỉ số PCI hoặc PAPI để làm đại diện cho chất lượng thể chế, tiêu biểu như nghiên cứu của các tác giả Bạch Ngọc Thắng, Nguyễn Văn Thắng, Đỗ Tuyết Nhung & Lê Quang Cảnh...Nhưng các nghiên cứu này tập trung vào xem xét mối quan hệ giữa chất lượng thể chế với các biến số kinh tế. Khác với những nghiên cứu trên, đề tài của luận án sẽ sử dụng bộ chỉ số PCI để đại diện cho chất lượng thể chế địa phương và xem xét đến các nhân tố tác động đến chất lượng thể chế.
Với những khoảng trống về nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thể chế Việt Nam như trên, nghiên cứu này sẽ tập trung vào việc tìm kiếm và đánh giá vai trò của các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng thể chế thông qua phương pháp
nghiên cứu định lượng. Với việc tìm hiểu các yếu tố đó, nghiên cứu này tiếp tục giúp làm sáng tỏ hơn cho câu hỏi: Những nhân tố nào ảnh hưởng đến chất lượng thể chế địa phương ở Việt Nam; làm thế nào để cải thiện chất lượng thể chế địa phương? và rút ra những hàm ý chính sách, bài học kinh nghiệm giá trị cho quá trình cải cách thể chế của Việt Nam.
1.3. Đề xuất mô hình nghiên cứu
Thông qua nghiên cứu tổng quan cho thấy nghiên cứu của Alonso and Garcimartín (2013) đã đưa ra các nhân tố tác động đến chất lượng thể chế như trình độ phát triển, phân hóa sắc tộc, mức độ mở cửa nền kinh tế, hệ thống pháp luật truyền thống, vị trí địa lý, trình độ giáo dục, chênh lệch thu nhập, hệ thống thuế. Kết quả nghiên cứu của hai tác giả trên cũng khá thống nhất và phù hợp với các nghiên cứu trước đó về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thể chế, nên nghiên cứu sinh đề xuất lấy mô hình này làm cơ sở cho nghiên cứu của mình.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Alonso and Garcimartín (2013) được thực hiện ở cấp độ quốc gia. Vì vậy, trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của Alonso and Garcimartín (2013 ) và có những điều chỉnh để phù hợp với nghiên cứu thể chế ở cấp độ địa phương và những đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam các nhân tố tác động đến chất lượng thể chế địa phương tại Việt Nam được đề xuất như sau:
(1) Thu nhập bình quân trên đầu người. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh trình độ phát triển quyết định đến chất lượng thể chế của một quốc gia, trình độ phát triển càng cao chất lượng thể chế càng tốt. Ở cấp độ tỉnh/thành, thu nhập bình quân trên đầu người của tỉnh thường được sử dụng để phản ánh trình độ phát triển, hiệu quả kinh tế của địa phương đó. Vì vậy, nhân tố này được xem xét đưa vào mô hình nghiên cứu. Nói cách khác, một địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao được kỳ vọng là có chất lượng thể chế tốt.
(2) Trình độ giáo dục của mỗi tỉnh thành. Các nghiên cứu trước đã chỉ ra mối quan hệ thuận chiều giữa giáo dục và chất lượng thể chế. Một xã hội với trình độ giáo dục cao tất yếu sẽ đặt ra nhiều yêu cầu hơn về một thể chế minh bạch và có chất lượng tốt (Alesina và Perotti, 1996). Bởi vậy, quan hệ thuận giữa giáo dục và chất lượng thể chế, hay ảnh hưởng tích cực của giáo dục đến chất lượng thể chế được kỳ vọng thể hiện trong kết quả hồi quy của mô hình.
(3) Khả năng thu hút đầu tư FDI vào tỉnh. Các nghiên cứu nước ngoài chỉ ra rằng hội nhập và mở cửa nền kinh tế dẫn đến cải thiện chất lượng thể chế bắt nguồn từ đòi hỏi các cải cách thể chế để thích nghi và hội nhập, hạn chế các hành vi tham nhũng
và tìm kiếm đặc lợi thông qua việc thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia khác trong quá trình hội nhập, mở cửa ((Rigobon & Rodrik, 2004); (Rodrik et al., 2004)) (Faber and Gerritse, 2009). Theo Tổng cục thống kê tại Việt Nam, độ mở nền kinh tế Việt Nam không chỉ thể hiện ở tỷ lệ xuất, nhập khẩu so với GDP mà còn thể hiện ở việc mở cửa cho đầu tư nước ngoài (FDI). Ở địa phương, khả năng thu hút FDI cũng phản ánh mức độ cởi mở và hội nhập của kinh tế của địa phương với kinh tế quốc tế. Do vậy, mục tiêu thu hút và khuyến khích các dòng đầu tư nước ngoài được kỳ vọng là động lực cho các cải cách môi trường thể chế kinh tế và chính trị ở mỗi địa phương.
(4) Bất bình đẳng thu nhập ở mỗi tỉnh thành. Một số nghiên cứu cho rằng bất bình đẳng thu nhập ảnh hưởng đến khả năng dự báo và tính hợp pháp của thể chế. Thứ nhất, vì sự bất bình đẳng mạnh mẽ gây ra các mối quan tâm khác nhau giữa các nhóm xã hội khác nhau, dẫn đến xung đột, sự bất ổn về chính trị-xã hội và mất an ninh. Thứ hai, sự bất bình đẳng tạo điều kiện cho các thể chế này vẫn bị nắm bắt bởi các nhóm quyền lực, nhưng những hành động của họ được định hướng cho các lợi ích cụ thể chứ không phải là lợi ích chung. Thứ ba, nó làm giảm bớt các hoạt động hợp tác của tổ chức xã hội và gây ra tham nhũng. Mối quan hệ này cũng được chỉ ra bởi các nghiên cứu trước đây (Alesina và Rodrik, 1993; Alesina và Perotti, 1996; hoặc Easterly, 2001); mặc dù trong một số trường hợp, các kết quả phụ thuộc vào khu vực nghiên cứu khác nhau. Ngoài ra, Engerman and Sokoloff (2005) và (Engerman & Sokoloff, 2002) lập luận rằng phân phối thu nhập không bình đẳng sẽ khuyến khích các thể chế có xu hướng kéo dài sự bất bình đẳng, do đó tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn giữa bất bình đẳng và chất lượng thể chế thấp. Trong nghiên cứu này, sử dụng biến chênh lệch thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất làm đại diện cho chỉ số GINI.
(5) Năng lực tiếp cận sử dụng Internet tại mỗi tỉnh thành. Tiếp cận Internet làm tăng khả năng tiếp cận thông tin, giúp tăng cường nhận thức cho công chúng, là phương tiện quan trọng trong xây dựng nền hành chính điện tử hiện đại. Vì vậy, năng lực tiếp cận sử dụng Interntet tại mỗi tỉnh thành được kỳ vọng cải thiện chất lượng thể chế ở địa phương.
(6) Mức độ phân hóa sắc tộc của mỗi tỉnh (sự đa dạng các thành phần dân tộc ở địa phương). Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng tính đa dạng sắc tộc-ngôn ngữ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chế. Với đặc thù về sự đa dạng các thành phần dân tộc ở Việt Nam nên nhân tố này được đưa vào xem xét trong mô hình nghiên cứu.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Chương 1 đã tổng quan các nghiên cứu liên quan đến chất lượng thể chế bao gồm các nhóm: nhóm nghiên cứu về vai trò của thể chế đối với tăng trưởng và phát triển của một quốc gia, nhóm về các nhân tố tác động đến chất lượng thể chế, nhóm nghiên cứu về thể chế địa phương, và nhóm nghiên cứu về chất lượng thể chế của Việt Nam. Trên cơ sở đó, một số kết luận được đưa ra:
(1) Thứ nhất, một thể chế tốt có ảnh hưởng tích cực đến các biến số kinh tế vĩ mô (thương mại, đầu tư,..) và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế;
(2) Thứ hai, các yếu tố quyết định đến chất lượng thể chế được chia làm hai nhóm bao gồm: nhóm thuộc về đặc điểm lịch sử của quốc gia và nhóm thuộc về lựa chọn kinh tế, chính trị xã hội (có thể can thiệp bởi các chính sách của chính phủ);
(3) Thứ ba, tổng quan tài liệu cho thấy có rất ít nghiên cứu về ảnh hưởng của thể chế/quản trị khu vực/địa phương đối với sự phát triển của các khu vực và địa phương trong tương quan với các nghiên cứu về thể chế ở cấp quốc gia.
Trên cơ sở tổng quan nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước, tác giả đã chỉ ra các khoảng trống nghiên cứu và đề xuất mô hình nghiên cứu để thực hiện luận án.
CHƯƠNG 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG THỂ CHẾ
2.1. Lý luận về thể chế
2.1.1. Khái niệm thể chế
Theo lịch sử ra đời và phát triển của Kinh tế học thể chế (cũ) và Kinh tế học thể chế (mới), đã có nhiều tư tưởng và quan niệm khác nhau về thể chế cũng như vai trò và tác động của nó đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Chính vì vậy, lý luận về thể chế và thể chế kinh tế rất phong phú và vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện. Trong nghiên cứu này, tác giả chỉ tập trung đến các khái niệm thuộc trường phái kinh tế học thể chế mới (New Institutional Economics-NIE). Người khởi xướng cho trường phái kinh tế học thể chế mới là Coase (1960), bên cạnh đó các nghiên cứu của Douglass North cũng được xem là các nghiên cứu kinh điển trong trào lưu kinh tế học thể chế mới ((Douglass C North & Thomas, 1973), (Douglass Cecil North, 1981); (D. North, 1990), (D. North, 2005)). Trường phái NIE nỗ lực phát triển kinh tế học cổ điển bằng sự kết hợp các phân tích thể chế, tập trung vào vai trò của thể chế trong việc giải thích các hoạt động kinh tế trong dài hạn (Zhuang, de Dios, & Martin, 2010).
Theo khái niệm về thể chế được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất là của North DC (1990) thì theo đó thể chế là những ràng buộc (những luật lệ) do con người tạo ra để để điều chỉnh và định hình các tương tác của mình. Hay có thể hiểu, thể chế là những “luật chơi trong một xã hội”. Thể chế bao gồm thể chế chính thức (chẳng hạn như luật pháp, quyền sở hữu, cách thức tổ chức quyền lực nhà nước) và những thể chế phi chính thức (chẳng hạn như những tục lệ, truyền thống, và chuẩn mực ứng xử trong xã hội). Các thể chế chính thức chủ yếu đề cập đến hiến pháp, đạo luật, và các quy tắc và quy định rõ ràng của chính phủ, được ban hành và thực thi bởi các cơ chế cá nhân, quan trọng nhất là nhà nước có quyền lực và tổ chức cưỡng chế. Mặt khác, các thể chế hoặc ràng buộc không chính thức bao gồm các quy tắc bất thành văn như truyền thống, chuẩn mực và quy tắc ứng xử, những điều cấm kỵ và các cơ chế xã hội khác dựa trên và được thực thi thông qua quan hệ giữa các cá nhân.
Knight (1992) định nghĩa “một tập hợp các quy tắc mà thiết lập nên các mối tương tác xã hội theo các cách riêng biệt”.
Greif (2006) cho rằng thể chế được định nghĩa bao gồm tập hợp các yếu tố xã hội, các quy tắc, niềm tin và tổ chức cùng phối hợp thúc đẩy tính đứng đắn trong các hành vi của cá nhân và xã hội.