Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Việc Quy Định Điều Kiện Nuôi Con Nuôi

nhu cầu tình cảm, tinh thần một cách đầy đủ, trọn vẹn của một người làm cha, làm mẹ. Đối với trẻ em được nhận làm con nuôi là việc được chăm sóc, được nuôi dưỡng được sống trong tình yêu thương trong một gia đình, nơi có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. Nếu nhân cách của con người bao gồm hai mặt đức và tài, thì gia đình là nơi nuôi dưỡng đạo đức và gieo mầm tài năng. Vì vậy việc nuôi con nuôi sẽ tạo cho trẻ em được sống dưới mái ấm gia đình, góp phần vào việc xây dựng và ươm mầm tài năng cho đất nước.

1.2. Khái niệm về điều kiện nuôi con nuôi

Pháp luật là sự thể hiện ý chí của nhà nước nhằm điều chỉnh những nhu cầu của cá nhân phát sinh từ đời sống thực tế. Ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau sự điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi khác nhau. Khi chưa có nhà nước và pháp luật thì việc nuôi con nuôi diễn ra tự nhiên, dựa vào nhu cầu tình cảm của cá nhân mà không bị chi phối bởi các điều kiện nuôi con nuôi. Khi xã hội hình thành giai cấp, xuất hiện nhà nước và pháp luật, lúc này việc nuôi con nuôi được gắn với lợi ích của trẻ em, của gia đình và lợi ích của giai cấp thống trị. Vì vậy, pháp luật sẽ quan tâm điều chỉnh bằng việc quy định các điều kiện nuôi con nuôi để đảm bảo lợi ích của các bên liên quan và duy trì trật tự công cộng của xã hội.

Mặt khác, việc nuôi con nuôi được xác lập trên cơ sở ý chí, tình cảm của các bên mà không gắn với quan hệ tự nhiên thuần túy về mặt sinh học huyết thống nên việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi phải gắn liền với các điều kiện cụ thể để tạo môi trường sống lành mạnh, an toàn cho trẻ. Các điều kiện này được quy định bởi các quy phạm pháp luật mà người nhận nuôi con nuôi và con nuôi phải đáp ứng. Các điều kiện này gắn với nhân thân, hoàn cảnh...của các chủ thể để đảm bảo quan hệ nuôi con nuôi xác lập phù hợp với ý chí, nguyện vọng của các bên. Nếu chủ thể của quan hệ nuôi

con nuôi không đáp ứng được các điều kiện đó thì quan hệ nuôi con nuôi không có giá trị pháp lý.

Dưới góc độ pháp lý, điều kiện nuôi con nuôi là sự thể hiện ý chí của nhà nước thông qua các quy phạm pháp luật quy định các điều kiện cần có đối với các chủ thể có liên quan trong việc cho - nhận con nuôi phù hợp với mục đích của việc nuôi con nuôi và trên cơ sở đó việc nuôi con nuôi được công nhận là hợp pháp.

1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc quy định điều kiện nuôi con nuôi

- Điều kiện kinh tế, xã hội trong một giai đoạn nhất định ảnh hưởng trực tiếp đến việc quy định các điều kiện nuôi con nuôi. Tuy nuôi con nuôi là một chế định có lịch sử lâu đời, nhưng bản chất của việc nuôi con nuôi đã có những thay đổi lớn qua từng thời kì. Thời kỳ đầu, nuôi con nuôi chủ yếu là biện pháp đảm bảo cho các cặp vợ chồng hiếm muộn không có con có người nối dòi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Việc nuôi con nuôi lúc đó vì lợi ích của gia đình người nhận nuôi mà chưa xuất phát từ lợi ích của trẻ em được nhận nuôi. Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của trẻ em năm 1989 ra đời đã đánh dấu cuộc cách mạng tư tưởng về quyền trẻ em. Công ước khẳng định trẻ em phải được coi là trung tâm bảo vệ đã góp phần làm thay đổi mục đích của việc nuôi con nuôi từ chỗ “đem lại cho gia đình một trẻ em” đã chuyển thành “đem lại cho trẻ em một gia đình”. Vì vậy, khung pháp luật về nuôi con nuôi cũng như quy định về các điều kiện nuôi con nuôi được xây dựng và có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em.

- Quy định điều kiện nuôi con nuôi xuất phát từ ý chí của Nhà nước trong việc điều chỉnh quan hệ gia đình nói chung và quan hệ nuôi con nuôi nói riêng. Việc nuôi con nuôi có ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đối với các bên chủ thể mà còn làm hình thành một gia đình mới – một cấu trúc cơ bản của xã hội, nên nó ảnh hưởng tới sự ổn định và phát triển của một đất nước. Đặt ra

các điều kiện đối với các bên chủ thể trong việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi nhằm định hướng, tạo ra khung pháp lý cơ bản cho việc nuôi con nuôi, để việc nuôi con nuôi được thực hiện với mục đích nhân đạo, bảo vệ các quyền cơ bản của con người đặc biệt là của trẻ em, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của xã hội và lợi ích chung của đất nước.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 110 trang tài liệu này.

Mặt khác, đường lối chủ trương của Nhà nước có ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có việc nuôi con nuôi, là cơ sở để quy định các điều kiện nuôi con nuôi. Chính sách xã hội có thể tác động theo hai hướng: thúc đẩy, khuyến khích việc nhận nuôi con nuôi hoặc hạn chế, kìm hãm việc nhận nuôi con nuôi. Các biện pháp, chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới việc nuôi con nuôi như: biện pháp hỗ trợ kinh tế, phúc lợi xã hội cho người nhận con nuôi, kế hoạch dân số và kế hoạch hóa gia đình, khuyến khích nhận các trẻ em mồ côi, khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo làm con nuôi...Do vậy, tùy theo đường lối chủ trương của nhà nước trong từng thời kỳ có tác động tới việc nuôi con nuôi cũng như quy định các điều kiện nuôi con nuôi đối với các chủ thể tham gia vào quan hệ này.

- Việc quy định điều kiện nuôi con nuôi bị chi phối bởi các nguyên tắc điều chỉnh pháp luật đối với việc nuôi con nuôi, trong đó nguyên tắc đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc là một nguyên tắc cơ bản chi phối việc quy định các điều kiện nuôi con nuôi. Bởi nuôi con nuôi chỉ thực sự cần thiết và vì lợi ích của trẻ được cho làm con nuôi khi trẻ em đó không thể được nuôi dưỡng, chăm sóc trong gia đình ruột thịt của mình vì những lý do nhất định. Chỉ khi đó việc cho – nhận trẻ em làm con nuôi mới phù hợp với quyền của trẻ em được sống trong gia đình, phù hợp với nguyên tắc: “Trẻ em không bị buộc cách ly khỏi cha mẹ trái với ý muốn của cha mẹ, trừ trường hợp một sự cách ly như thế là cần thiết cho lợi ích tốt nhất của trẻ em” [24, Điều 9]. Ngay cả trong trường hợp phải cách ly khỏi cha mẹ thì ý

Các điều kiện nuôi con nuôi theo Luật nuôi con nuôi năm 2010 - 3

muốn của trẻ em cũng phải được quan tâm trước tiên khi trẻ em có khả năng thể hiện ý chí của mình. Vì vậy, việc đưa trẻ em ra khỏi gia đình ruột thịt của mình để làm con nuôi người khác chỉ có thể xuất phát từ lợi ích của chính trẻ em, không phải mọi trẻ em đều được cho làm con nuôi người khác. Trẻ em chỉ được cho làm con nuôi khi không có sự chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của gia đình do bố mẹ đã chết, bị mất tích, không xác định được hoặc đều bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc khi cha mẹ đẻ của trẻ tuy còn sống nhưng không thể có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Lúc này cho trẻ em làm con nuôi là giải pháp tốt nhất cho lợi ích của trẻ. Do đó, quy định về các điều kiện của việc cho – nhận con nuôi phải xuất phát từ nguyên tắc cơ bản này.

- Phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống cũng ảnh hưởng đến việc quy định các điều kiện của việc nuôi con nuôi. Việc nuôi con nuôi chịu ảnh hưởng sâu đậm của những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta như tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, cưu mang, đùm bọc những trẻ em lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Tuy nhiên, với ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường, những nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang bị đe dọa nghiêm trọng. Những giá trị nhân văn và giá trị tinh thần có phần bị xem nhẹ và coi thường, dẫn đến sự thay đổi trong hành vi xử sự của con người theo xu hướng thực dụng, vụ lợi. Việc giữ gìn được những truyền thống văn hóa có giá trị tốt đẹp của dân tộc như tính cộng đồng, lòng nhân ái...có ảnh hưởng tích cực đến việc nuôi con nuôi.

Đạo đức, lối sống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng nuôi con nuôi. Trong xã hội phong kiến, quan niệm về chuẩn mực đạo đức rất khắt khe. Ngày nay sự hiểu biết của con người ngày càng mở rộng, chất lượng cuộc sống được cải thiện và nâng cao, quan niệm sống, cách sống của con người có nhiều thay đổi, trở lên phóng khoáng, tự do, cởi mở hơn đặc biệt là giới trẻ. Sự trưởng thành về tình dục của nam nữ thanh niên sớm hơn, nhưng lại không

được giáo dục để có sự hiểu biết cần thiết về an toàn tình dục cũng như các biện pháp phòng tránh thai và sức khỏe sinh sản. Do đó tình trạng trẻ em gái chưa thành niên mang thai là một hiện tượng tương đối phổ biến và đáng lo ngại. Những đứa trẻ được sinh ra bởi cha mẹ không có quan hệ hôn nhân, không có điều kiện kinh tế, người mẹ không có hiểu biết và khả năng cần thiết tối thiểu để nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, hơn nữa người mẹ trẻ bị áp lực bởi những định kiến xã hội nên dẫn đến việc người mẹ trẻ bỏ rơi con ngay sau khi sinh tại cơ sở y tế, trên đường phố hoặc các trung tâm nuôi dưỡng trẻ... Những trẻ em này là đối tượng có thể được cho làm con nuôi. Việc cho trẻ em làm con nuôi trong những trường hợp này thường xảy ra do sự bồng bột thiếu suy nghĩ, chín chắn. Do đó, việc quy định các điều kiện về sự thể hiện ý chí của cha mẹ đẻ trong việc cho con đi làm con nuôi là cần thiết.

- Dựa trên các văn bản pháp luật quốc tế về quyền trẻ em, quy định các điều kiện nuôi con nuôi cho phù hợp với pháp luật quốc tế về nuôi con nuôi như: Công ước Lahay 1993 về bảo vệ quyền trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế… Những văn bản này được coi là cơ sở pháp lý quan trọng để quy định các điều kiện nuôi con nuôi theo hướng tiệm cận với pháp luật nuôi con nuôi quốc tế.

1.4. Sự cần thiết quy định điều kiện nuôi con nuôi

Một trong những quyền cơ bản của trẻ em được pháp luật bảo vệ là quyền được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình – nơi có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. Nhưng không phải tất cả trẻ em sinh ra đều có cha mẹ và đều có may mắn được sống trong môi trường gia đình. Vì vậy, việc tìm một gia đình thay thế cho trẻ thiếu may mắn được xem là biện pháp đảm bảo tốt nhất cho trẻ. Nó vừa thể hiện sự tôn trọng những quyền cơ bản của trẻ, vừa đảm bảo cho trẻ được yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình. Tuy

nhiên, mối quan hệ gia đình trong quan hệ nuôi con nuôi xác lập xuất phát từ ý chí chủ quan của con người, không dựa trên quan hệ huyết thống tự nhiên nên lợi ích của trẻ em được cho làm con nuôi có thể không được đảm bảo hoặc việc nuôi con nuôi được xác nhằm những mục đích vụ lợi khác, làm biến đổi bản chất, mục đích tốt đẹp của việc nuôi con nuôi. Để bảo vệ tốt các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em được nhận làm con nuôi cần có các quy định pháp luật điều chỉnh, trong đó việc quy định các điều kiện của việc nuôi con nuôi là cần thiết bởi những lý do sau:

- Việc cho – nhận con nuôi là một quan hệ ý chí, xuất phát từ ý chí, tình cảm của các bên chủ thể mà không phải là một quan hệ tự nhiên thuần túy về mặt sinh học. Mục đích của việc nuôi con nuôi là bảo đảm quyền, lợi ích của người con nuôi và người nhận nuôi, nhưng trên hết là lợi ích của trẻ em được cho làm con nuôi. Về mặt xã hội, việc cho - nhận con nuôi có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, bị chi phối bởi quan điểm của mỗi cá nhân về lợi ích, đạo đức, niềm tin, giá trị xã hội cùng với tình cảm, hoàn cảnh cụ thể của họ. Song về mặt pháp lý, việc cho – nhận con nuôi được xem xét trên cơ sở lợi ích tốt nhất của con nuôi chưa thành niên. Vì vậy, việc quy định các điều kiện của việc nuôi con nuôi là một yêu cầu khách quan và cần thiết để bảo vệ lợi ích của người được nhận nuôi. Các điều kiện đối với các bên chủ thể càng chặt chẽ, càng đảm bảo trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất để mục đích nuôi con nuôi đạt được.

- Quy định các điều kiện nuôi con nuôi đặc biệt là quy định các điều kiện của người nhận nuôi sẽ tạo ra một môi trường gia đình an toàn, lành mạnh trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện nuôi con nuôi của người nhận nuôi đảm bảo người nhận nuôi có đủ tư cách đạo đức, hiểu biết, kinh tế và thật sự mong muốn được yêu thương, chăm sóc trẻ. Người nhận nuôi sẽ ý thức được việc sẽ nhận nuôi một đứa trẻ

phù hợp với nguyện vọng của mình để có trách nhiệm trong việc giáo dục trẻ và xây dựng tình cảm gắn bó chặt chẽ với trẻ trong quan hệ cha mẹ và con.

- Việc quy định các điều kiện đối với trẻ em được nhận làm con nuôi về độ tuổi, hoàn cảnh gia đình...mới được cho làm con nuôi sẽ đảm bảo quyền trẻ em được sống trong gia đình gốc ruột thịt của mình. Về nguyên tắc, trẻ em phải được ưu tiên sống trong gia đình gốc ruột thịt của mình, không phải mọi trẻ em đều được cho làm con nuôi. Trẻ em chỉ được cho làm con nuôi khi không có sự chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của gia đình do bố mẹ đã chết, bị mất tích, không xác định được hoặc đều bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc khi cha mẹ đẻ của trẻ tuy còn sống nhưng không thể có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Trường hợp trẻ em đang được sống trong gia đình với bố mẹ đẻ của mình, nhận được đầy đủ sự yêu thương, chăm sóc về vật chất lẫn tinh thần thì vấn đề cho trẻ em đó làm con nuôi không cần đặt ra. Việc cho con làm con nuôi, dù phù hợp với nguyện vọng của cha mẹ đẻ, vẫn phải xuất phát từ lợi ích của con, chứ không phải lợi ích của cha mẹ đẻ. Quy định điều kiện đối với trẻ được nhận làm con nuôi còn nhằm đảm bảo việc giữ gìn gốc gác dân tộc, văn hóa, ngôn ngữ của trẻ. Bởi vì việc cho trẻ làm con nuôi ở nước ngoài chỉ được coi là giải pháp cuối cùng khi không thể tìm một gia đình thích hợp cho trẻ tại nước gốc.

- Quy định điều kiện nuôi con nuôi sẽ tạo ra khung pháp lý, một hành lang pháp lý để bảo vệ đứa trẻ được cho làm con nuôi. Bởi trẻ em là người chưa trưởng thành đầy đủ về thể chất và tinh thần nên cần được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục để có thể phát triển bình thường. Nếu việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi diễn ra một cách tự do, các bên không đáp ứng các điều kiện nhất định thì việc cho nhận con nuôi rất dễ bị biến dạng, bị lợi dụng để thực hiện những hành vi bắt cóc, chiếm đoạt, mua bán trẻ em hoặc nhằm những mục đích trục lợi khác, không phù hợp với mục đích của việc nuôi con. Ví dụ:

cho con làm con nuôi để được xuất cảnh đi nước ngoài, cho làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng để được hưởng chế độ ưu tiên, đãi ngộ của nhà nước đối với những người này... Thực chất đây là những hành vi lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi mà không nhằm mục đích xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa hai bên. Vì vậy, pháp luật cần quy định những điều kiện cần thiết của người được nhận làm con nuôi để bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ, đồng thời ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, lợi dụng việc cho – nhận con nuôi nhằm những mục đích vụ lợi khác.

- Do quan hệ nuôi con nuôi bị chi phối trước hết bởi ý chí, tình cảm của các bên chủ thể nên sự điều chỉnh của pháp luật có ý nghĩa quan trọng. Các điều kiện nuôi con nuôi là cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận một quan hệ nuôi con nuôi là hợp pháp, vừa là cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quan hệ nuôi con nuôi. Nếu các bên chủ thể vi phạm một trong các điều kiện nuôi con nuôi thì việc nuôi con nuôi không được công nhận, không có giá trị pháp lý và không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ trong quan hệ cha mẹ - con. Vì thế các bên có liên quan phải ý thức hành vi của mình và xác định được những xử sự cần thiết đúng pháp luật khi muốn xác lập quan hệ nuôi con nuôi. Mặt khác, các điều kiện nuôi con nuôi là cơ sở pháp lý để xác định quan hệ nuôi con nuôi là hợp pháp hay không không hợp pháp. Trên cơ sở đó giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc nuôi con nuôi. Ví dụ: tranh chấp về nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; tranh chấp về thừa kế tài sản.

Xem tất cả 110 trang.

Ngày đăng: 27/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí