Lý Luận Chung Về Thực Hiện Pháp Luật Nuôi Con Nuôi

Quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi là quan hệ cha, mẹ và con đặc biệt, các chủ thể trong quan hệ pháp luật nuôi con nuôi bao gồm cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi và con nuôi. Quan hệ này phát sinh dựa trên ý chí, tình cảm giữa các bên chủ thể, được tạo lập một cách có chủ định. Việc nuôi con nuôi phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, các chủ thể liên quan đến việc cho, nhận con nuôi phải thể hiện ý chí của mình một cách tự nguyện và trung thực. Tất cả phải xuất phát từ sự chủ động, từ yếu tố tình cảm, nhu cầu thiết thực, có suy nghĩ kĩ càng trước khi đi đến quyết định. Việc có xác lập quan hệ cha mẹ con hay không là do chính bản thân các chủ thể của quan hệ này quyết định trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, chủ động và hiểu biết đầy đủ về hậu quả pháp lí của nó.

Vì không phải là một quan hệ tự nhiên nên các bên chủ thể phải có các điều kiện, không như quan hệ giữa cha mẹ đẻ và con đẻ hình thành một cách tự nhiên bằng con đường huyết thống, sự gắn bó tình cảm và mối liên hệ giữa cha mẹ đẻ với con đẻ là quy luật tự nhiên có tính bền vững, không thể thay đổi bởi nguồn gốc huyết thống. Trong khi đó nuôi con nuôi là việc đưa một đứa trẻ vào một môi trường gia đình với bố mẹ nuôi, không phải bố mẹ ruột của trẻ theo nguyên tắc nhất định.

Vì vậy, pháp luật cần quy định những điều kiện cần thiết, cơ bản nhất phải có đối với người nhận nuôi và người được nhận nuôi và con nuôi, để việc nuôi con nuôi được thực hiện đúng, bảo đảm việc xác lập quan hệ cha mẹ và con lâu dài, bền vững, đồng thời bảo đảm tạo được môi trường gia đình an toàn cho trẻ, trẻ được hưởng sự nuôi dưỡng, giáo dục tốt nhất.

Thứ hai: Mục đích của việc nuôi con nuôi là xác lập quan hệ cha mẹ và con, bảo vệ quyền cơ bản của trẻ em

Việc nuôi con nuôi, trước hết phải xuất phát từ mục đích là vì lợi ích của người được nhận làm con nuôi. Lợi ích tốt nhất đối với trẻ em được nhận

làm con nuôi phải xem xét trong mọi mặt cuộc sống của trẻ em, liên quan đến suốt cuộc đời của trẻ, do đó cần phải cân nhắc một cách toàn diện về lợi ích của trẻ và là yếu tố có tính quyết định đến việc cho, nhận con nuôi. Quyết định cho, nhận con nuôi nhằm mang lại cho trẻ được nhận làm con nuôi một mái ấm gia đình, được yêu thương, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Đồng thời việc nuôi con nuôi cũng xuất phát từ nhu cầu tình cảm của người nhận nuôi, nhằm thiết lập quan hệ tình cảm gắn bó giữa cha, mẹ và con cái. Bên cạnh ý nghĩa tạo mái ấm gia đình cho trẻ em, việc nuôi con nuôi còn góp phần đáp ứng nhu cầu chính đáng của vợ chồng nhận con nuôi, nhất là những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm con; phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, sống đơn thân.

Xuất phát từ ý nghĩa xã hội và mục đích nhân đạo của việc nuôi con nuôi, nên cần phải có pháp luật điều chỉnh cụ thể, phải quy định rõ mục đích của việc nuôi con nuôi, nhằm tránh những hành vi lạm dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm quyền trẻ em. Ví dụ: buôn bán trẻ em, sử dụng trẻ em vào những hoạt động phi pháp, trái đạo đức hoặc nuôi con nuôi vì mục đích trục lợi…

Luật Nuôi con nuôi năm đã chỉ rõ mục đích của nuôi con nuôi là: “Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình” [29, Đ2].

Thứ ba: Trong quan hệ nuôi con nuôi luôn tồn tại ba mối quan hệ cơ bản: Quan hệ cha mẹ nuôi với con nuôi, con nuôi với cha mẹ đẻ, cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi.

Kể từ thời điểm được nhận làm con nuôi thì giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như giữa cha mẹ đẻ và con đẻ. Cụ thể là: Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.

Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ …Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quyền thừa kế của nhau.

Ngoài các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, người con được cho làm con nuôi không chấm dứt hoàn toàn quan hệ với cha mẹ đẻ. Con nuôi vẫn có quyền thừa kế của cha mẹ đẻ và ngược lại, cha mẹ đẻ vẫn có quyền thừa kế của con đã cho làm con nuôi. Quy định này tồn tại từ Quốc triều hình luật, cho đến tận ngày nay đều có quy định con nuôi vẫn có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ đẻ [23].

Thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi qua thực tiễn tại Thừa Thiên Huế - 4

Người đã được nhận làm con nuôi đã thiết lập quan hệ nuôi dưỡng với cha nuôi, mẹ nuôi nhưng không vì thế mà quan hệ huyết thống với các thành viên khác trong gia đình cha mẹ ruột bị mất đi. Do vậy, việc kết hôn giữa người con nuôi và những người thân thuộc trong mối quan hệ huyết thống vẫn bị cấm trong phạm vi ba đời.

Về quan hệ giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi: Trong quá trình thực hiện việc cho, nhận con nuôi thì cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có mối liên hệ với nhau trong việc thỏa thuận thực hiện một số quyền theo quy định của pháp luật như: thỏa thuận về việc thay đổi phần khai về cha, mẹ từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi hoặc thỏa thuận giữ lại một số quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Vì vậy, việc quy định, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể là cần thiết, đảm bảo sự ổn định, bền vững lâu dài của quan hệ nuôi con nuôi, cũng như bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các bên chủ thể, mà trước hết là của trẻ em được nhận nuôi.

Thứ tư: Việc nuôi con nuôi, đặc biệt là việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cần phải được điều chỉnh bằng pháp luật

Kể từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, quan hệ

quốc tế ngày càng được mở rộng, giao lưu về mọi mặt giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài ngày càng phát triển, thì các quan hệ về hôn nhân và gia đình của công dân Việt Nam với người nước ngoài, trong đó có các quan hệ nuôi con nuôi cũng ngày càng phát triển. Việc ban hành các văn bản pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý an toàn, vững chắc cho việc giải quyết và quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này là điều cần thiết nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý những hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để mua bán, chiếm đoạt trẻ em. Quan hệ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài có thể có nguy cơ dẫn đến những hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền của trẻ em, bởi những hành vi mua bán trẻ em nhằm mục đích trục lợi. Do đó, việc quy định cụ thể các điều kiện, thủ tục, quy trình chặt chẽ trong toàn bộ quá trình xác lập, thực hiện việc nuôi con nuôi, cũng như những chế tài cần thiết khi có hành vi vi phạm là cần thiết.

Thứ năm: Đảm bảo sự phù hợp và tương thích với luật pháp quốc tế

Nuôi con nuôi là một vấn đề quan trọng không chỉ trong hệ thống pháp luật của nhiều nước mà còn thể hiện rất rõ trong pháp luật quốc tế. Vấn đề nuôi con nuôi được các quốc gia và cộng đồng quốc tế quan tâm đặc biệt vì nó là sự bảo vệ về pháp lý rất cần thiết nhằm đảm bảo những lợi ích tốt nhất cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được sự chăm sóc từ phía gia đình và xã hội. Chính vì vậy, vấn đề nuôi con nuôi được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, tuy mỗi nước có những quy định khác nhau về trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi, nhưng đều có chung một mục đích đó là nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Việt Nam đã tham gia các Công ước quốc tế đa phương, ký kết các điều ước quốc tế song phương nhằm tạo ra một cơ chế hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa Việt Nam với các nước liên quan về lĩnh vực nuôi con nuôi, đảm bảo cho trẻ em được nhận làm con nuôi có đủ điều kiện được hưởng những gì tốt đẹp

nhất, cũng như tạo thuận lợi hơn về mặt thủ tục cho cha mẹ nuôi trong lĩnh vực này, đồng thời hạn chế đến mức tối đa những hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong lĩnh vực hết sức nhạy cảm này. Do đó, việc làm cho pháp luật Việt Nam hài hoà với thông lệ quốc tế cũng như pháp luật của nhiều nước về nuôi con nuôi là việc làm cần thiết, nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích của trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài.

Thứ sáu: Quy định các quy phạm pháp luật về nuôi con nuôi là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp phát sinh, cũng như có cơ sở pháp lý đề xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực nuôi con nuôi

Các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi là cơ sở pháp lý để giải quyết một cách hợp tình hợp lý, phù hợp với thực trạng khách quan của quan hệ nuôi con nuôi và bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của các bên khi xảy ra tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và con nuôi trong quá trình thực hiện việc nuôi con nuôi, cũng như xử lý các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Bởi không có các quy định mang tính quy phạm thì cơ quan nhà nước sẽ không có căn cứ để giải quyết, vì vậy quyền và lợi ích của các bên không được bảo đảm trong những trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc có hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

1.2 Lý luận chung về thực hiện pháp luật nuôi con nuôi

1.2.1 Khái niệm chung về thực hiện pháp luật

Theo Từ điển bách khoa Việt Nam tập 4 của Nhà xuất bản từ điển bách khoa, Hà Nội, năm 2003, thì: thực hiện pháp luật là đưa pháp luật vào đời sống. Thực hiện pháp luật gồm các hình thức cơ bản: tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật.

Áp dụng pháp luật là hoạt động của các cơ quan công quyền (Tòa án, các cơ quan hành chính nhà nước); tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử

dụng pháp luật là các hình thức thực hiện pháp luật của mọi chủ thể của các quan hệ pháp luật [38, tr 344]

Mục đích của việc ban hành văn bản pháp luật chỉ có thể đạt được khi các quy phạm pháp luật do Nhà nước đặt ra được các tổ chức và cá nhân trong xã hội thực hiện một cách chính xác, đầy đủ. Việc thực hiện pháp luật là mối quan tâm không chỉ từ Nhà nước mà từ các cá nhân trong xã hội, vấn đề không phải chỉ là xây dựng và ban hành nhiều các văn bản pháp luật, mà điều quan trọng là phải thực hiện pháp luật, làm cho những quy định của pháp luật trở thanh hiện thực, xã hội tôn trọng và thực hiện chính xác và đầy đủ các quy định đó [11]

Dưới góc độ pháp lý, thực hiện pháp luật là hành vi hợp pháp, có lợi cho Nhà nước, cho xã hội và cho mỗi cá nhân. Hành vi hợp pháp có thể được thực hiện trên cơ sở nhận thức của chủ thể, có thể do chủ thể bị ảnh hưởng bởi những đối tượng xung quanh, hoặc có thể có những hành vi hợp pháp được thực hiện do kết quả của việc áp dụng hay sợ bị áp dụng những biện pháp cưỡng chế của nhà nước [11].

Nhà nước ban hành ra pháp luật để điều chỉnh hành vi của các chủ thể có khả năng nhận thức được hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó đối với xã hội, đồng thời điều khiển được hành vi của mình. Bằng việc quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các chủ thể tham gia vào những quan hệ pháp luật nhất định, pháp luật tác động lên nhận thức của các chủ thể, giúp cho họ biết mình được làm gì, không được làm gì, phải làm gì và làm như thế nào khi ở vào một điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nào đó. Trên cơ sở nhận thức đó, các chủ thể sẽ lựa chọn và thực hiện các hành vi đúng đắn của mình. Pháp luật cũng quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện pháp luật bằng khen thưởng hoặc trừng phạt đối với các chủ thể vi phạm pháp luật, pháp luật sẽ tác động lên nhận thức của các chủ thể, giúp cho họ có thể lựa chọn và thực hiện cách xử sự.

Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật của Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2005 đã nêu: “Thực hiện pháp luật là hành vi (hành động hoặc không hành động) của con người phù hợp với những quy định của pháp luật. Nói cách khác đi, tất cả những hoạt động nào của con người, của các tổ chức mà thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật thì đều được coi là biểu hiện của việc thực hiện các quy phạm pháp luật”. Giáo trình cũng đưa ra khái niệm “Thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật” [11].

Căn cứ vào tính chất của các hoạt động thực hiện pháp luật, khoa học pháp lý đã xác định các hình thức thực hiện pháp luật bao gồm: Tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật. Cụ thể:

- Tuân thủ pháp luật: Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật kiềm chế không tiến hành những hoạt động mà pháp luật cấm [11]. Ở đây đòi hỏi các chủ thể thực hiện nghĩa vụ một cách thụ động, thực hiện các quy phạm pháp luật dưới dạng không hành động.

- Thi hành pháp luật: Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực [11].

Khác với tuân thủ pháp luật, trong hình thức thi hành pháp luật đòi hỏi các chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý dưới dạng hành động tích cực.

- Sử dụng pháp luật: Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình (thực hiện những hành vi mà pháp luật cho phép) [11]. Các chủ thể pháp luật có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền được pháp luật cho phép theo ý chí của mình chứ không bị bắt buộc phải thực hiện.

- Áp dụng pháp luật: Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó

nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nhà chức trách tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy định của pháp luật, hoặc tự mình căn cứ vào những quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể. Trong trường hợp này, các chủ thể pháp luật thực hiện các quy định của pháp luật có sự can thiệp của nhà nước [11].

Nếu như tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật và sử dụng pháp luật là những hình thức mà mọi chủ thể pháp luật đều có thể thực hiện thì áp dụng pháp luật là hình thức luôn có sự tham gia của Nhà nước. Áp dụng pháp luật mang tính tổ chức, quyền lực nhà nước, cụ thể, hoạt động này chỉ do những cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền tiến hành. Đây là một hình thức quan trọng của thực hiện pháp luật.

Tóm lại, dù thực hiện pháp luật được thực hiện dưới các hình thức khác nhau nhưng cuối cùng đều là những hoạt động có mục đích, có định hướng để đưa các quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống và tạo ra cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tế của các chủ thể pháp luật. Thực hiện pháp luật là hoạt động không thể thiếu vì nó có vai trò hiện thực hoá các quy định của pháp luật, biến các quy định ấy từ trong văn bản thành cách xử sự thực tế hợp pháp của các chủ thể khi tham gia vào những quan hệ pháp luật cụ thể. Thông qua hoạt động thực hiện pháp luật, mục đích của nhà nước khi ban hành pháp luật được hiện thực hoá, nhờ đó nhà nước có thể điều hành và quản lý xã hội, có thể thiết lập và giữ gìn trật tự xã hội trong những lĩnh vực nhất định.

1.2.2 Thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi

Thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi bao gồm toàn bộ các hoạt động nhằm đưa các quy phạm pháp luật về nuôi con nuôi vào đời sống xã hội. Thực hiện pháp luật nói chung và thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi nói riêng đều có 4 hình thức cơ bản: Tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/03/2024