mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi dựa trên cơ sở ý chí chủ quan của các chủ thể tham gia quan hệ nuôi con nuôi. Nuôi con nuôi có thể được xem xét dưới các góc độ:
Thứ nhất: Nuôi con nuôi là một sự kiện pháp lý
Từ góc độ lý luận chung, sự kiện pháp lý là những hoàn cảnh, tình huống, điều kiện của đời sống thực tế, được ghi nhận trong phần giả định của các quy phạm pháp luật mà nhà làm luật gắn với sự phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật cụ thể khi chúng xảy ra. Như vậy, không phải tất cả các sự kiện xảy ra, mà chỉ những sự kiện xã hội nào có ý nghĩa pháp lý mà nhà làm luật thừa nhận trong các quy phạm pháp luật tương ứng. Một sự kiện pháp lý có thể làm phát sinh một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật, hoặc cũng có nhiều trường hợp phải có nhiều sự kiện pháp lý mới làm phát sinh quan hệ pháp luật [11].
Sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật nuôi con nuôi được hiểu là một sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ cha mẹ và con khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Sự kiện pháp lý của việc nuôi con nuôi bao gồm: Sự thể hiện ý chí của người nhận nuôi con nuôi, ý chí của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được cho làm con nuôi, ý chí của bản thân người con nuôi (theo độ tuổi nhất định do pháp luật quy định) và ý chí của Nhà nước.
+ Sự thể hiện ý chí của người nhận nuôi con nuôi. Người nhận nuôi con nuôi phải thể hiện ý chí của mình về việc mong muốn nhận nuôi đứa trẻ và thiết lập quan hệ cha mẹ và con với đứa trẻ đó.
+ Sự thể hiện ý chí của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được cho làm con nuôi. Ý chí của những người này trong việc cho trẻ em làm con nuôi phải tự nguyện, không có bất cứ sự tác động, dụ dỗ, ép buộc nào.
+ Sự thể hiện ý chí của bản thân người con nuôi. Pháp luật quy định trẻ
em từ đủ 9 tuổi trở lên có quyền thể hiện ý chí độc lập, quyết định vấn đề có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của mình; sự đồng ý làm con nuôi của trẻ từ đủ 9 tuổi trở lên là điều kiện bắt buộc để việc nuôi con nuôi có giá trị pháp lí. Thể hiện quyền cơ bản của trẻ em trong việc bày tỏ ý kiến của mình.
+ Sự thể hiện ý chí của Nhà nước. Ý chí của Nhà nước được thể hiện qua việc công nhận (hay không công nhận) việc nuôi con nuôi, thông qua thủ tục đăng kí việc nuôi con nuôi (hay từ chối việc đăng kí nuôi con nuôi). Việc nuôi con nuôi được công nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm phát sinh hiệu lực pháp lí của việc nuôi con nuôi [20].
Việc nuôi con nuôi là tập hợp các sự kiện pháp lí. Nếu thiếu đi một trong các sự kiện cấu thành tập hợp đó thì không làm phát sinh quan hệ pháp luật cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và đứa trẻ được nhận nuôi.
Có thể bạn quan tâm!
- Thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi qua thực tiễn tại Thừa Thiên Huế - 1
- Thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi qua thực tiễn tại Thừa Thiên Huế - 2
- Lý Luận Chung Về Thực Hiện Pháp Luật Nuôi Con Nuôi
- Đặc Điểm Của Việc Thực Hiện Pháp Luật Về Nuôi Con Nuôi
- Nguyên Tắc Tôn Trọng Quyền Của Trẻ Em Được Sống Trong Môi Trường Gia Đình Gốc
Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.
Vậy, dưới góc độ là một sự kiện pháp lý, nuôi con nuôi được hiểu là việc một người (hoặc hai người là vợ chồng) nhận nuôi dưỡng người khác không do họ sinh ra, nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ, con giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật [20].
Thứ hai: Nuôi con nuôi là một quan hệ pháp luật
Quan hệ pháp luật là những quan hệ xã hội đặc biệt nảy sinh do sự tác động hữu cơ giữa quy phạm pháp luật và sự kiện pháp lý tương ứng làm xuất hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các chủ thể [13]. Quan hệ pháp luật nuôi con nuôi là dạng quan hệ xã hội đặc trưng bởi sự hiện diện và tương tác về quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa các bên có liên quan trong việc cho, nhận con nuôi và được các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý tương ứng giữa các chủ thể, trên cơ sở quan hệ cha, mẹ, con hợp pháp giữa người nhận và người được nhận làm con nuôi. Do đó, quan hệ pháp luật nuôi con nuôi cũng có đầy đủ các yếu tố về chủ thể, khách thể và nội dung.
+ Về chủ thể của quan hệ pháp luật nuôi con nuôi: bao gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và con nuôi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Đối với cha mẹ nuôi phải đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi; đối với con nuôi phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi; đối với cha mẹ đẻ phải xác định được hậu quả pháp lý sau khi quan hệ nuôi con nuôi được xác lập. Sự thể hiện ý chí của các bên là điều kiện tiên quyết và có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ nuôi con nuôi, để tránh tình trạng xảy ra tranh chấp và đảm bảo cuộc sống ổn định cho con nuôi sau này.
+ Về khách thể của quan hệ pháp luật nuôi con nuôi là những lợi ích vật chất hoặc tinh thần mà các bên cùng mong muốn là chung sống với nhau và xác lập quan hệ cha, mẹ, con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất cho các bên. Những lợi ích về tinh thần trong quan hệ nuôi con nuôi rất đa dạng, có thể là sự thỏa mãn mong muốn có con, có chỗ dựa lúc tuổi già, sự hướng thiện, niềm tin, đạo đức…; những lợi ích vật chất có thể là điều kiện ăn ở, học hành, khám chữa bệnh…
+ Về nội dung của quan hệ pháp luật nuôi con nuôi: Quan hệ nuôi con nuôi được xác lập làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên, không chỉ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi mà còn đối với cả cha mẹ đẻ. Giữa các chủ thể này có những quyền và nghĩa vụ pháp lý tương ứng trên cơ sở phát sinh quan hệ cha, mẹ và con hợp pháp giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi. Quyền và nghĩa vụ đó tạo thành nội dung của quan hệ pháp luật nuôi con nuôi và được pháp luật quy định cụ thể, đảm bảo phù hợp với bản chất của mối quan hệ nuôi con nuôi.
Việc đưa ra khái niệm nuôi con nuôi dưới các góc độ khác nhau để có cách nhìn nhận toàn diện, chính xác về việc nuôi con nuôi cũng như quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con trong quan hệ nuôi con nuôi, là cơ sở khoa học để nghiên cứu pháp luật về nuôi con nuôi.
1.1.2 Khái niệm chung về pháp luật nuôi con nuôi
Quan hệ nuôi con nuôi đã được điều chỉnh từ rất lâu trong lịch sử pháp luật thế giới, từ thời La Mã cổ đại đã hình thành chế định về pháp luật nuôi con nuôi. Ở Việt Nam vấn đề nuôi con nuôi cũng đã được quy định trong pháp luật từ thời phong kiến mà tiêu biểu là bộ Quốc triều hình luật và Hoàng việt luật lệ, mặc dù hai bộ luật này mang bản chất giai cấp phong kiến song vẫn chứa đựng nhiều yếu tố tiến bộ.
Trong lĩnh vực quan hệ gia đình, bộ Quốc triều hình luật đã điều chỉnh các quan hệ như quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa các thân thuộc khác như: quan hệ giữa vợ cả-vợ lẽ và nhà chồng, anh- chị-em…Việc nuôi con nuôi được quy định tại các Điều 380, 381, 506 theo đó việc nhận nuôi con nuôi phải được lập thành văn bản và phải đối xử như con đẻ, ngược lại, con nuôi phải có nghĩa vụ như con đẻ đối với cha mẹ nuôi.
Bộ Hoàng việt luật lệ được ban hành dưới triều Nguyễn, đã có những quy định về nghĩa tử và nghĩa dưỡng. Tử hệ nghĩa dưỡng là một tử hệ giả tạo (hay nhân tạo) được thiết lập bởi ý chí của các cá nhân trong những hoàn cảnh và thể thức được luật pháp chuẩn nhận, nó cũng phát sinh những tương quan pháp lý tương tự như trong tử hệ tự nhiên, nhưng theo các điều kiện nhất định như: có thể nuôi một người đồng tông hay khác họ, trường hợp nếu biết rõ cha mẹ đẻ của dưỡng tử thì việc nhận dưỡng tử phải được cha mẹ đẻ của nó ưng thuận…
Dưới thời Pháp thuộc, đất nước ta bị chia làm ba kỳ là Nam kỳ, Bắc kỳ, và Trung kỳ. Thực dân Pháp đã ban hành Bộ dân luật giản yếu Nam kỳ áp dụng ở Nam kỳ và ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đã Nẵng; Bộ dân luật Bắc kỳ được ban hành để thi hành trên toàn Bắc kỳ thay cho Bộ luật Gia Long và Bộ luật dân sự Trung kỳ để thi hành trên toàn Trung kỳ. Về quan hệ gia đình, các bộ luật này đã quy định về vấn đề nuôi con nuôi. Trong đó quy định
khá cụ thể về hình thức (thể thức) của việc nhận con nuôi; về điều kiện lập con nuôi; về quan hệ giữa con nuôi với gia đình cha mẹ đẻ; về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi và con nuôi. Đây là một trong những điểm tiến bộ được ghi nhận trong Bộ Dân luật Bắc kỳ và Dân luật Trung kỳ là đã có những điều khoản quy định về nghĩa vụ của cha mẹ với con cái nói chung và con nuôi nói riêng rất tiến bộ. Với những điều khoản này, các Bộ Dân luật thời kì này đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc đề cao quyền con người đối với trẻ em nói chung và trẻ em được nhận làm con nuôi nói riêng trong gia đình Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Ngoài nghĩa vụ cơ bản như bất kỳ triều đại nào trước đó là cha mẹ nuôi có nghĩa vụ nuôi nấng, chăm sóc, dạy bảo con nuôi, Điều 193 Dân luật Bắc kỳ và Điều 192 Dân luật Trung kỳ còn nói rõ “cha mẹ nuôi phải đối đãi con nuôi cũng như con đẻ”; ngược lại người con nuôi đối với cha mẹ nuôi phải chịu các nghĩa vụ và phận sự như con đẻ;... Luật cũng quy định chế tài đối với người đứng nuôi nếu để con nuôi phải thiếu thốn, hoặc đối đãi tàn nhẫn thì tòa đệ nhị cấp có thể tuyên án tước bỏ người đứng nuôi (Điều 201 Bộ Dân luật Bắc kỳ và Điều 200 Bộ Dân luật Trung kỳ). Việc quy định chế tài này cũng là một điểm tiến bộ đáng kể trong pháp luật nuôi con nuôi thời kỳ này.
Sau cách mạng Tháng 8 năm 1945, tại Hiến pháp đầu tiên năm 1946, Nhà nước Việt Nam đã công nhận và bảo vệ tất cả các quyền của công dân về chính trị, kinh tế, văn hóa trong đó có quyền được chăm sóc nuôi dưỡng của trẻ em, Điều 14 Hiến pháp ghi nhận “... trẻ em được săn sóc về mặt giáo dưỡng”. Những quy định về nuôi con nuôi bước đầu mang tính “khai phá” là các quy định cơ sở. Đến Hiến pháp năm 1959 là cơ sở pháp lí quan trọng để điều chỉnh quan hệ gia đình trong thời kì này, sau đó Luật HN&GĐ cũng đã được ban hành vào ngày 29/12/1959, Luật HN&GĐ năm 1959 là đạo luật đầu tiên của nhà nước ta điều chỉnh vấn đề nuôi con nuôi. Tuy nhiên, vấn đề nuôi
con nuôi mới chỉ được quy định rất sơ sài bởi một điều luật (Điều 24). Ở miền Bắc, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 04 ngày 16/01/1961 kèm theo Điều lệ về đăng kí hộ tịch. Ngày 21/06/1961, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 05/NV hướng dẫn thi hành Điều lệ về đăng kí hộ tịch nói trên. Ở miền Nam, cũng trong giai đoạn này, chính quyền Ngụy Sài Gòn đã ban hành Bộ Dân luật ngày 20/12/1972.
Sau khi đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta bước sang một thời kỳ mới. Luật HN&GĐ năm 1986 ra đời và đã ghi rõ mục đích của việc nuôi con nuôi là “nhằm gắn bó tình cảm giữa người nuôi và con nuôi trong quan hệ cha mẹ và con cái, bảo đảm người con nuôi chưa thành niên được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục tốt” (Điều 34); Nhà nước Việt Nam luôn “khuyến khích việc nhận các trẻ em mồ côi làm con nuôi” (Điều 38). Luật cũng đã quy định điều kiện về con nuôi và nhận nuôi con nuôi, thủ tục công nhận việc nuôi con nuôi, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong vấn đề nuôi con nuôi...
Đến Luật HN&GĐ năm 2000 đã dành hẳn một chương (Chương VIII) quy định về con nuôi. Song các vấn đề liên quan đến nuôi con nuôi còn được quy định tản mát trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, hai khung pháp lý về nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài hầu như riêng rẽ, làm cho cơ chế thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi thiếu đồng bộ và thống nhất. Do đó, để khắc phục các hạn chế này Luật Nuôi con nuôi đã được Quốc hội Khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010 đã quy định một cách chi tiết, đầy đủ quan hệ nuôi con nuôi.
Từ sự phân tích trên có thể hiểu pháp luật nuôi con nuôi là hệ thống tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, điều chỉnh việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa người nhận nuôi, người được nhận nuôi và các chủ thể khác có liên quan trong việc
hình thành quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi.
1.1.3 Sự cần thiết phải điều chỉnh việc nuôi con nuôi bằng pháp luật.
Để đảm bảo trật tự và ổn định xã hội, nhà nước nào cũng cần đến các công cụ, phương tiện điều chỉnh hành vi và các quan hệ xã hội của con người nhằm đưa các hành vi của cá nhân, tổ chức vào những khuôn khổ nhất định, theo những tiêu chí, nguyên tắc nhất định nhằm trật tự hóa các mối quan hệ xã hội. Về nguyên tắc, pháp luật chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng, có liên quan đến lợi ích chính đáng của cá nhân, lợi ích công cộng, lợi ích của quốc gia [11]. Do quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi là quan hệ cha, mẹ và con đặc biệt, phát sinh trên cơ sở ý chí, tình cảm giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi, quan hệ này được tạo lập một cách có chủ định mà không dựa trên cơ sở sinh học huyết thống tự nhiên nên cần có sự điều chỉnh bằng pháp luật.
Quan hệ giữa cha mẹ nuôi với con nuôi không chỉ đơn thuần là việc đem lại cơm no, áo ấm cho trẻ mà nó còn là giúp cho trẻ có một gia đình thực thụ, được cha mẹ nuôi chăm sóc, đùm bọc, bảo vệ, chính vì vậy mà pháp luật quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia đều có những quy định cụ thể và rõ ràng để điều chỉnh về vấn đề nuôi con nuôi nhằm bảo đảm được quyền cơ bản của trẻ em.
Chế định nuôi con nuôi được các quốc gia và cộng đồng quốc tế quan tâm đặc biệt vì nó là sự bảo vệ về pháp lý rất cần thiết nhằm đảm bảo những lợi ích tốt nhất cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được sự chăm sóc từ phía gia đình và xã hội. Ở Việt Nam pháp luật điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi được hình thành từ lâu và được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Sự điều chỉnh thống nhất việc nuôi con
nuôi và tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội trong việc giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các em được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường gia đình thay thế, hòa nhập với cộng đồng và có điều kiện phát triển thành người có ích cho xã hội là tất yếu, đồng thời còn bảo vệ quyền và lợi ích của cha mẹ nuôi, giúp họ ổn định tư tưởng và yên tâm trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con nuôi như con đẻ. Ngoài ra, còn thể hiện sự tôn trọng các cam kết quốc tế của Việt Nam khi tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1989 và Công ước Lahay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế. Do đó, cần phải có hành lang pháp lý ổn định cho việc bảo đảm quá trình giải quyết cho trẻ em làm con nuôi theo đúng tinh thần nhân đạo, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; ngăn ngừa và chống các hành vi mua bán trẻ em hoặc lợi dụng việc nuôi con nuôi nhằm mục đích trục lợi khác.
Trong những năm qua, pháp luật về nuôi con nuôi của Việt Nam đã thể hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ trẻ em, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, góp phần đấu tranh phòng chống hiện tượng mua bán trẻ em làm con nuôi hoặc lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi; góp phần quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường gia đình.
Sự điều chỉnh bằng pháp luật việc nuôi con nuôi xuất phát từ những đặc điểm khách quan và bản chất của quan hệ nuôi con nuôi, từ yêu cầu phải bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ nuôi con nuôi, do đó, việc điều chỉnh bằng pháp luật việc nuôi con nuôi là cần thiết bởi những lý do sau đây:
Thứ nhất: Quan hệ nuôi con nuôi là quan hệ cha mẹ và con phát sinh trên cơ sở ý chí của các chủ thể mà không phải phát sinh một cách tự nhiên từ quan hệ huyết thống.