Cơ Sở Pháp Lý Của Việc Áp Dụng Các Biện Pháp Pháp Lý Chống Thất Thu Thuế Nhập Khẩu Ở Việt Nam

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thất thu thuế nhập khẩu, nhưng qua thực tiễn cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do các đối tượng nộp thuế có tình trốn tránh nghĩa vụ thuế bằng các hình thức như gian lận thương mại, nợ thuế rồi bỏ trốn,... Vì vậy, để đảm bảo nguồn thu từ thuế nhập khẩu, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp có tính chất cưỡng chế nhằm truy đòi số tiền thuế chưa nộp theo quy định pháp luật đối với người nộp thuế nhập khẩu. Biện pháp này được thực hiện dựa trên cơ sở các quy định pháp luật về quản lý thuế nhập khẩu, kết quả của biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

1.3. Cơ sở pháp lý của việc áp dụng các biện pháp pháp lý chống thất thu thuế nhập khẩu ở Việt Nam

1.3.1. Các quy định về nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu

1.3.1.1. Quy định về chủ thể nộp thuế nhập khẩu và đối tượng chịu thuế nhập khẩu

Trước hết, cần làm rõ quy định về chủ thể nộp thuế nhập khẩu.

Việc xác định chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hành thu thuế nhập khẩu, không những nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đồng thời góp phần hạn chế các vi phạm pháp luật về thuế nhập khẩu. Theo quy định tại Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2005, “Người nộp thuế nhập khẩu là tổ chức, cá nhân có hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu. Trong thực tiễn pháp lý, người nộp thuế nhập khẩu được hiểu chính là người trực tiếp đứng tên làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa”.

Người nộp thuế nhập khẩu thường bao gồm:

- Người trực tiếp đứng tên làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa cho chính mình (kể cả trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về để bán tại Việt Nam với tư cách là bên đại lý tiêu thụ sản phẩm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài theo hợp đồng đại lý tiêu thụ sản phẩm) [57, tr. 70].

- Người nhận ủy thác nhập khẩu hàng hóa cho chủ thể khác theo hợp đồng nhập khẩu [57, tr. 70].

Ngoài ra, theo Điều 3 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP, người nộp thuế nhập khẩu có thể là: Đại lý làm thủ tục Hải quan trong trường hợp được đối tượng nộp thuế ủy quyền nộp thuế nhập khẩu; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trong trường hợp nộp thay thuế cho đối tượng nộp thuế; tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng trong trường hợp bảo lãnh, nộp thay thuế cho đối tượng nộp thuế theo quy định của pháp luật quản lý thuế.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

Theo sự phát triển của xã hội, các đại lý thuế ngày càng được xem trọng, do đây là những tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực kê khai, tính thuế, nộp thuế và thậm chí có thể thay mặt đối tượng nộp thuế giải quyết các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế, vì không phải đối tượng nộp thuế nào cũng am hiểu pháp luật thuế. Chế định về đại lý thuế đã tồn tại từ lâu trên thế giới và sự xuất hiện của các tổ chức này được coi là tất yếu trong cơ chế tự khai, tự nộp thuế. Tuy nhiên, ở Việt Nam trước đây chỉ có Luật quản lý thuế có đề cập đến đại lý thuế nhưng chưa có quy định chi tiết. Nhận thấy những thiếu sót này, ngày 16/2/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2011/NĐ-CP quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục Hải quan và Thông tư số 80/2011/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 14/2011/NĐ-CP. Việc ban hành các văn bản pháp luật quy định chi tiết về vấn đề này là vô cùng hợp lý trong tình hình hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình nộp thuế - thu thuế nhập khẩu, đồng thời hạn chế phần nào những gian lận thương mại về thuế nhập khẩu [55, tr. 39].

Thứ hai, về đối tượng chịu thuế nhập khẩu.

Các biện pháp pháp lý chống thất thu thuế nhập khẩu ở nước ta hiện nay - 4

Theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và hướng dẫn tại Điều 1 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP, đối tượng chịu thuế nhập khẩu bao gồm các loại hàng hóa sau đây:

- Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam (hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ, đường sông, cảng biển, cảng hàng không,

đường sắt liên vận quốc tế, bưu điện quốc tế và địa điểm làm thủ tục Hải quan khác được thành lập theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền);

- Hàng hóa được đưa từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước. Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.

Có thể nói, quy định về đối tượng chịu thuế nhập khẩu trong Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2005 phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế hơn so với Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 1991. Thật vậy, theo quy định tại Điều 1 Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 1991, “đối tượng chịu thuế nhập khẩu là hàng hóa được phép nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, kể cả hàng hóa từ khu chế xuất đưa vào thị trường trong nước”. Tuy nhiên, theo sự phát triển của đất nước, ngoài những khu chế xuất còn hình thành nhiều khu kinh tế thương mại khác được ưu đãi thuế quan tương tự như khu chế xuất, có thể kể đến một vài ví dụ như là: khu thương mại và phát triển kinh tế Lao Bảo (Hướng Hóa – Quảng Trị), khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), Khu kinh tế Cầu Treo (Hương Sơn – Hà Tĩnh)… Theo Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2005, những khu vực này gọi chung là Khu phi thuế quan và hàng hóa được đưa từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước là đối tượng chịu thuế nhập khẩu. Như vậy, quy định của Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2005 đã bao quát hơn về đối tượng chịu thuế nhập khẩu, do đó góp phần tránh thất thu thuế tiềm năng.

1.3.1.2. Quy định về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu của nhà nhập khẩu và trách nhiệm của cơ quan thu thuế nhập khẩu

Trước hết, về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu

Như đã đề cập ở trên, nộp thuế nhập khẩu là nghĩa vụ cơ bản, cốt lõi của tổ chức, cá nhân nhập khẩu. Hiện nay, do thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp

thuế nên người nộp thuế nhập khẩu phải có trách nhiệm kê khai thuế đầy đủ, chính xác, minh bạch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung mà mình đã kê khai. Cơ chế tự khai tự nộp thuế là cơ chế quản lý thuế trong đó các đối tượng nộp thuế tự giác căn cứ vào kết quả, hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và căn cứ vào những quy định của pháp luật để tự xác định nghĩa vụ thuế của mình, kê khai, nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của việc kê khai. Đây là điểm mới trong cơ chế quản lý thuế ở Việt Nam, theo hướng tiệm cận gần hơn với thông lệ và chuẩn mực quốc tế trong quản lý thuế hiện đại.

Cơ chế tự khai, tự nộp thuế được xây dựng dựa trên nền tảng là sự tự nguyện, tự giác tuân thủ của đối tượng nộp thuế, theo đó việc quản lý thuế dựa trên kĩ thuật quản lý rủi ro. Theo cơ chế này, cơ quan Hải quan không can thiệp vào quá trình kê khai, nộp thuế nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhưng sẽ chủ động thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và áp dụng các biện pháp xử phạt, cưỡng chế theo luật định đối với những trường hợp người nộp thuế có hành vi vi phạm pháp luật như trốn thuế, gian lận về thuế nhập khẩu.

Qua thực tiễn hành thu thuế nhập khẩu cho thấy, cơ chế tự cơ chế tự khai, tự nộp thuế có những tác dụng cơ bản sau:

- Cơ chế tự khai, tự nộp thuế nhập khẩu là cơ chế quản lý thuế tiên tiến, hiện đại, khoa học, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, phù hợp với trình độ quản lý của cơ quan Hải quan, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Cơ chế này cho phép các cơ quan thuế phân bổ nguồn lực theo hướng chuyên môn hóa, chuyên sâu trong quản lý, cải tiến các quy trình quản lý rõ ràng, làm tăng sự minh bạch trong quản lý thuế [56, tr. 6].

- Theo cơ chế tự khai tự nộp thuế, doanh nghiệp không phải chịu sự áp đặt của cơ quan Hải quan mà chủ động về số thuế phải nộp cho lô hàng nhập khẩu của mình. Đây là cơ sở để ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp từ

khâu khai báo đến khâu nộp thuế, giúp phân biệt rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và cán bộ Hải quan trong việc xử lý sai phạm về thuế. Việc kê khai tính thuế hoàn toàn dựa vào tinh thần tự giác và ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về thuế của doanh nghiệp. Do đó các tổ chức, cá nhân nộp thuế nhập khẩu phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính trung thực của số liệu kê khai, tính chính xác của việc tính toán số thuế. Như vậy, có thể thấy cơ chế tự khai tự nộp thuế góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm pháp lý của đối tượng nộp thuế [56, tr. 7].

- Cơ chế tự khai tự nộp thuế tạo tiền đề nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế của cơ quan thuế. Do không mất thời gian tính lại số thuế phải nộp, gửi thông báo thuế nên cán bộ thuế có điều kiện tập trung thời gian, công sức cho các công việc quản lý như công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu nộp và xử phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm pháp luật thuế [56, tr. 8].

Như vậy, nếu thực hiện hiệu quả cơ chế tự khai, tự nộp thuế, chắc chắn sẽ đẩy nhanh thủ tục hành chính thuế, đồng thời nâng cao khả năng phát hiện và xử lý vi phạm về thuế; do đó góp phần hạn chế tình trạng thất thu thuế nhập khẩu hiện nay ở Việt Nam.

Sau khi kê khai, tự tính số thuế phải nộp thì người nộp thuế phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình trong thời hạn theo luật định. Thời hạn nộp thuế nhập khẩu được quy định tại Điều 15 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005 và các văn bản hướng dẫn. Trong trường hợp quá thời hạn nộp thuế mà nghĩa vụ nộp thuế mới được thực hiện hoặc không được thực hiện thì người nộp thuế bị coi là vi phạm nghĩa vụ nộp thuế và phải chịu chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật.

Không chỉ quy định nghĩa vụ của người nộp thuế nhập khẩu, tại chương VI Luật quản lý thuế năm 2006 và các văn bản hướng dẫn như Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính còn quy định về “trách nhiệm hoàn thành

nghĩa vụ nộp thuế” trong các trường hợp: người nộp thuế xuất cảnh, chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc mất tích; doanh nghiệp nộp thuế bị giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động hoặc tổ chức lại doanh nghiệp mà trước đó các đối tượng nộp thuế trên chưa hoàn hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của mình.

Thứ hai, về trách nhiệm của cơ quan thu thuế nhập khẩu

Về phương diện lý thuyết, khi quy định nghĩa vụ thuế nhập khẩu, nhà làm luật không chỉ xác định rõ ai phải nộp thuế nhập khẩu, hàng hóa nào phải chịu thuế nhập khẩu, cách thức thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu như thế nào mà còn phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thu thuế nhập khẩu ra sao khi tổ chức hành thu thuế nhập khẩu. Trên tinh thần đó, pháp luật hiện hành ở Việt Nam quy định cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thu thuế nhập khẩu (đồng nghĩa với việc tổ chức thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu) là cơ quan Hải quan.

Theo quy định Luật Hải quan năm 2014, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Hải quan là tổ chức thu thuế nhập khẩu theo pháp luật. Đồng thời, cơ quan Hải quan có trách nhiệm đảm bảo để các chủ thể thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo đúng quy định pháp luật bằng các biện pháp như thanh tra, kiểm tra, giám sát, ấn định thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Bên cạnh đó, để thực hiện chức năng hành thu thuế nhập khẩu có hiệu quả, Nhà nước còn trao quyền cho một số cơ quan hữu trách khác cùng phối hợp với cơ quan Hải quan, chẳng hạn như Bộ tài chính, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục thuế, Ủy ban nhân dân các cấp chính quyền địa phương…

1.3.2. Các quy định về biện pháp chống thất thu thuế nhập khẩu

1.3.2.1. Quy định về quản lý thông tin người nộp thuế

Hệ thống thông tin về người nộp thuế là tất cả các thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế của người

nộp thuế, bao gồm các thông tin định danh, thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, kê khai, nộp thuế, tình hình tuân thủ pháp luật thuế, giải quyết khiếu nại tố cáo về thuế và các thông tin khác do người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân khác tự nguyện cung cấp hoặc cung cấp theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền [52, tr. 38].

Thực tế cho thấy hệ thống thông tin về người nộp thuế có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuế và chống thất thu thuế nói chung, trong đó có thuế nhập khẩu. Thật vậy, thông tin về người nộp thuế là cơ sở thiết yếu để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đánh giá tác động của chính sách thuế đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tăng trưởng kinh tế để xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện chính sách thuế, cơ chế quản lý thuế, ngăn ngừa các hành vi gian lận thuế; dự báo, phân tích khả năng thu ngân sách và mức độ động viên, đóng góp nghĩa vụ thuế đối với từng người nộp thuế hoặc nhóm người nộp thuế; lập báo cáo thống kê phục vụ cho việc chỉ đạo điều hành công tác quản lý thuế và phục vụ cho các mục đích quản lý khác của Nhà nước; xây dựng và thực hiện các biện pháp quản lý thuế, các chương trình rà soát đánh giá tình hình kê khai, nộp thuế để ngăn ngừa, phát hiện kịp thời các vi phạm pháp luật về thuế; đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế để áp dụng các biện pháp quản lý, xử lý thuế phù hợp [52, tr. 38].

Xuất phát từ tầm quan trọng nêu trên, hệ thống thông tin về người nộp thuế phải đảm bảo chính xác và được cập nhật kịp thời. Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về việc xây dựng, thu thập, xử lý và quản lý hệ thống thông tin về người nộp thuế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trách nhiệm cung cấp thông tin của người nộp thuế và tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời luật nghiêm cấm hành vi làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, lấy cắp thông tin, làm ngừng

trệ hoạt động của hệ thống thông tin, phá huỷ hệ thống thông tin về người nộp thuế. Mọi hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng thông tin đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

1.3.2.2. Quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát hải quan

Trước hết, về các quy định liên quan đến thanh tra thuế nhập khẩu

Thanh tra thuế nhập khẩu là một trong những nội dung quan trọng của chống thất thu thuế nhập khẩu. Việc thanh tra thuế được thực hiện bởi hệ thống các cơ quan thanh tra chuyên ngành về thuế và sự phối hợp của các cơ quan chức năng có liên quan. Theo quy định hiện hành, đối tượng thanh tra thuế là các tổ chức kinh tế và cá nhân hoạt động xuất nhập khẩu và bao gồm cả các đơn vị thuộc ngành thuế. Mục đích của thanh tra thuế là nhằm phát hiện để từ đó có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật thuế nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng thất thu thuế; đảm bảo nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế cho các đối tượng nộp thuế và cho người thi hành công vụ trong ngành thuế; phát hiện những nội dung không phù hợp trong các văn bản pháp quy về thuế, những điểm không hợp lý về công tác tổ chức hệ thống bộ máy ngành thuế, các vấn đề nghiệp vụ của công tác hành thu, từ đó kiến nghị các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung kịp thời để không ngừng hoàn thiện hệ thống thuế [52, tr. 45].

Nội dung thanh tra thuế được xác định theo từng loại đối tượng thanh tra, cụ thể là: Đối với các tổ chức và cá nhân là đối tượng nộp thuế, việc thanh tra tập trung vào các vấn đề cơ bản như: Thanh tra việc chấp hành những quy định về đăng ký kê khai nộp thuế; thanh tra việc chấp hành chế độ thống kế - kế toán, hoá đơn - chứng từ; thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Đối với các đơn vị trong nội bộ ngành thuế, việc thanh tra tập trung vào các nội dung như: Thanh tra việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn chấp hành các luật thuế; thanh tra việc thực hiện quy

Xem tất cả 112 trang.

Ngày đăng: 21/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí