quan đến tội phạm nói riêng trong BLHS hiện hành, ở những mức độ khác nhau, bộc lộ những hạn chế, thiếu sót nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu của việc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh hiện nay. Mặt khác, công tác giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức nên một số quy định của pháp luật hình sự, trong đó có các quy định về biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm còn có những nhận thức không thống nhất, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật trong hoạt động thực tiễn.
Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu về biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm trong khoa học và việc áp dụng nó trong thực tiễn, trên cơ sở đó đưa ra những kiến giải lập pháp hoàn thiện phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả của tội phạm gây ra có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng. Đây là lý do mà chúng tôi chọn đề tài "Biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm trong luật hình sự Việt Nam" làm luận văn thạc sĩ luật học.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Vấn đề TNHS cũng như hình phạt, các biện pháp tư pháp, với tư cách là một trong các dạng của TNHS, đã được nhiều sách, báo, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập một cách đa dạng, phong phú. Nhưng việc nghiên cứu các biện pháp tư pháp nói chung, biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm nói riêng, với tư cách là những biện pháp hỗ trợ hoặc thay thế cho hình phạt vẫn còn chưa được quan tâm
đúng mức mà mới chỉ được đề cập khái quát trong một số công trình nghiên cứu.
Sau khi BLHS năm 1999 ban hành, chế định biện pháp tư pháp nói chung, biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm nói riêng cũng được đề cập trong một số giáo trình, sách tham khảo do các tác giả khác nhau biện soạn như:
- Chương XV – Khái niệm hình phạt, hệ thống hình phạt và các biện pháp tư pháp của TS. Trịnh Quốc Toản, trong sách: Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung). Tập thể tác giả, do TSKH. Lê Cảm chủ biên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2001 (tái bản năm 2003, 2007);
- Chương XII - Khái niệm hình phạt, hệ thống hình phạt và các biện pháp tư pháp của GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, trong sách: Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập I. Tập thể tác giả, do GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2007;
- Chương XV - Khái niệm hình phạt, hệ thống hình phạt và các biện pháp tư pháp của GS.TS. Võ Khánh Vinh, trong sách: Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập I. Tập thể tác giả, do GS.TS. Võ Khánh Vinh chủ biên, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2005;
- Phần thứ ba – Chương II – Hệ thống hình phạt và các biện pháp tư pháp trong Luật hình sự Việt Nam của PTS. Đỗ Ngọc Quang, trong sách: Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung). Tập thể tác giả, do PTS. Đỗ Ngọc Quang chủ biên, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Hà Nội, 1996 (tái bản năm 2005);
Có thể bạn quan tâm!
- Biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm trong luật hình sự Việt Nam - 1
- Khái Niệm, Đặc Điểm Và Vai Trò Của Biện Pháp Tịch Thu Vật, Tiền Trực Tiếp Liên Quan Đến Tội Phạm
- Vai Trò Của Biện Pháp Tịch Thu Vật, Tiền Trực Tiếp Liên Quan Đến Tội Phạm
- So Sánh Giữa Biện Pháp Tịch Thu Vật, Tiền Trực Tiếp Liên Quan Đến Tội Phạm Và Hình Phạt Tịch Thu Tài Sản
Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.
- ThS. Đinh Văn Quế. Chương XI – Các biện pháp tư pháp, trong sách: Bình luận khoa học Bộ luật hính sự năm 1999 (Phần chung), NXB thành phố Hồ Chí Minh, 2000;
- Chương VI – Các biện pháp tư pháp của ThS. Trần Minh Hưởng, trong sách: Bình luận khoa học Bộ luật hính sự năm 1999 (Phần chung). Tập thể tác giả, do ThS. Trần Minh Hưởng chủ biên, Học viện Cảnh sát nhân dân, Hà Nội, 2002;
- GS.TS. Lê Cảm. Chương thứ bảy – Hình phạt và biện pháp tư pháp, trong sách: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), sách chuyên khảo sau đại học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.
- GS.TS. Lê Cảm. Chương thứ bốn – Hệ thống hình sự: Những phương hướng cơ bản để nâng cao hiệu quả của hệ thống tư pháp hình sự trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền, trong sách chuyên khảo: Hệ thống tư pháp hình sự trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2009.
- Ts. Trịnh Quốc Toản. Chương 2 – Các hình phạt bổ sung trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành, trong sách chuyên khảo: Hình phạt bổ sung trong luật hình sự Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011.
Ngoài ra, còn có một số bài đăng trên tạp chí khoa học pháp lý như:
- “Hình phạt và biện pháp tư pháp trong luật hình sự Việt Nam” của TSKH.GS Lê Cảm, Tạp chí Dân chủ và pháp luật số 11/2000;
- “Các biện pháp tư pháp trong Bộ luật hình sự năm
1999 và vấn đề Bộ luật tố tụng hình sự về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp đó” của Phạm Hồng Hải, Tạp chí Luật học số 5/2000;
- “Nghiên cứu so sánh luật hình sự của một số nước Châu Âu” của TSKH.GS Lê Cảm, Tạp chí Tòa án nhân dân tháng 10 năm 2005;
- "Những khía cạnh pháp lý hình sự về các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội" của TS. Trịnh Tiến Việt, Tạp chí Tòa án nhân dân tháng 7 năm 2010.
Các công trình nghiên cứu nói trên đã đề cập đến biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm nhưng chỉ dừng lại ở mức độ khái quát. Tuy nhiên, về phương diện nghiên cứu lý luận chuyên sâu và có hệ thống về biện pháp tư pháp này vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức mặc dù đây là một biện pháp cưỡng chế hình sự có ý nghĩa lớn trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do vậy, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn xung quanh biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm đòi hỏi cần phải được tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn.
3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
* Mục đích của luận văn:
- Làm sáng tỏ một cách có hệ thống về mặt lý luận những nội dung cơ bản về biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam.
- Phân tích những bất cập của các quy định về biện pháp
tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm cả về mặt lý luận và thực tiễn.
- Từ đó, luận văn đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật, bảo đảm cho việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm được chính xác và triệt để.
* Nhiệm vụ của luận văn:
Với mục đích nghiên cứu như trên, luận văn đặt ra những nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể sau đây:
- Nghiên cứu các vấn đề lý luận và các quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam về biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm và các chế định có liên quan như: hình phạt, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp…
- Khảo sát, đánh giá thực trạng việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm trong thực tiễn các giai đoạn thực hiện tố tụng hình sự (TTHS) ở nước ta hiện nay.
- Nghiên cứu so sánh pháp luật hình sự một số nước về vấn đề tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm và các vấn đề có liên quan.
- Phân tích những tồn tại, hạn chế và những vướng mắc của việc áp dụng pháp luật hình sự liên quan đến chế định biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm và đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm góp phần tạo sự nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất.
* Đối tượng nghiên cứu của luận văn:
Luận văn nghiên cứu về biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm theo LHS Việt Nam. Cụ thể là nghiên cứu các vấn đề như sau: Khái niệm; đặc điểm; điều
kiện áp dụng; thủ tục áp dụng…
Chế định biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau của LHS và luật tố tụng hình sự (LTTHS) như: hình phạt, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp chung…Việc đề cập đến các vấn đề trên của LHS và LTTHS cũng chỉ nhằm giải quyết một cách có hệ thống và làm rõ hơn chế định biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm theo LHS Việt Nam.
* Phạm vi nghiên cứu của luận văn:
Biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là một nội dung tuơng đối hẹp nhưng lại rất phức tạp. Biện pháp này đã được nghiên cứu chung trong hệ thống hình phạt và các biện pháp tư pháp nhưng chưua có nghiên cứu chuyên sâu và riêng rẽ nên việc hiểu trong lý luận và vận dụng trong thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.
Trong khuôn khổ luận văn chủ yếu nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm trong LHS Việt Nam trong BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, luận văn còn có sự phân tích, đối chiếu, so sánh với pháp luật hình sự một số nước khác để tham khảo trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm trong pháp luật hình sự của nước ta.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận
văn
* Cơ sở lý luận của luận văn:
- Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về đấu tranh phòng và chống tội phạm;
- Những thành tựu của khoa học luật hình sự của một số nước trong khu vực và trên thế giới;
- Các nghiên cứu về hình phạt và biện pháp tư pháp nói chung, biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm nói riêng của các tác giả trong và ngoài nước.
- BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999 hiện hành cũng như các văn bản pháp luật của các ngành bảo vệ pháp luật hướng dẫn hoạt động điều tra, xử lý các vụ án hình sự.
* Phương pháp nghiên cứu:
Trong quá trình hoàn thành, tác giả luận văn đã sử dụng tổng hợp và đồng bộ các phương pháp nghiên cứu có độ tin cậy cao của khoa học luật hình sự và một số ngành khoa học khác. Dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, luận văn đặc biệt coi trọng các phương pháp điều tra điển hình, so sánh, hệ thống, lịch sử, phân tích, tổng hợp để làm sáng tỏ những nội dung cần nghiên cứu của luận văn.
5. Những đóng góp mới về khoa học của luận văn
- Xác định những bất cập trong việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm cả về mặt lập pháp và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự.
- Đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện những vấn đề lý luận về biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm trong luật hình sự Việt Nam.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
Những kết quả nghiên cứu của luận văn là những bổ sung vào khoa học luật hình sự Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức lý luận về biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm. Do đó nội dung và kết quả nghiên cứu của luận văn có thể được khai thác sử dụng trong công tác nghiên cứu lý luận của các ngành bảo vệ pháp luật phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; cũng có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp luật hình sự, trong việc biên soạn các giáo trình luật hình sự và các luật khác trong các trường có giảng dạy pháp luật.
Những kết luận, đề xuất của luận văn là kết quả nghiên cứu có cơ sở lý luận và thực tiễn, vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, các ngành pháp luật có thể khai thác, sử dụng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn gồm có 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề chung về biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm.
Chương 2: Biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm trong Bộ luật hình sự năm 1999 và thực tiễn áp dụng.
Chương 3: Những giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự và nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm trong thực tiễn.