Các Tổ Chức Có Liên Quan Đến Thị Trường Chứng Khoán

- Công ty chứng khoán là những công ty được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, có thể thực hiện một hoặc nhiều trong số các nghiệp vụ chính là bảo lãnh phát hành, môi giới, tự doanh, quản lý qũy đầu tư và tư vấn đầu tư chứng khoán.

- Công ty quản lý quỹ cũng là công ty hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, ngoài các nghiệp vụ kinh doanh quy định tại Điều 61 Luật Chứng khoán, công ty quản lý quỹ được huy động và quản lý các quỹ đầu tư nước ngoài có mục tiêu đầu tư vào Việt Nam.

- Quỹ đầu tư chứng khoán, gồm quỹ đại chúng và quỹ thành viên. Việc thành lập các quỹ này theo quy định của Luật Chứng khoán

- Công ty đầu tư chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp để đầu tư chứng khoán.

1.2.3.2. Các tổ chức có liên quan đến thị trường chứng khoán

Theo quy định của Luật Chứng khoán, gồm:

- Cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nuớc...).

- Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán…

1.3. CÁC LOẠI HÀNG HOÁ TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

Theo quy định của Luật Chứng khoán, hàng hóa trên thị trường chứng khoán gồm các loại sau đây.

1.3.1. Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam - 3

- Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

Cổ phiếu là một loại chứng khoán vốn. Cổ phiếu thể hiện quan hệ đồng sở hữu giữa người phát hành và nhà đầu tư. Người mua cổ phần gọi là

cổ đông của công ty. Cổ đông nhận được một giấy chứng nhận sở hữu cổ phần gọi là cổ phiếu. Người mua cổ phiếu trở thành người sở hữu một phần công ty và được hưởng các quyền đối với công ty tương ứng với tỷ lệ cổ phần nắm giữ. Khi công ty làm ăn thua lỗ, các cổ đông phải chịu thiệt hại tương ứng với giá trị cổ phiếu nắm giữ.

- Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành. Trái phiếu là chứng khoán nợ. Người nắm giữ trái phiếu là chủ nợ và chủ thể phát hành là con nợ. Lãi suất của các trái phiếu rất khác nhau và được quy định bởi các yếu tố cung cầu vốn trên thị trường tín dụng, mức rủi ro của mỗi nhà phát hành và của từng đợt phát hành và thời gian đáo hạn của trái phiếu. Trái phiếu bao gồm: Trái phiếu chính phủ, do Chính phủ phát hành nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách; tài trợ cho các công trình công ích; hoặc làm công cụ điều tiết tiền tệ. Trái phiếu công trình do Chính phủ hoặc chính quyền địa phương phát hành nhằm huy động vốn cho những mục đích cụ thể và trái phiếu công ty do các công ty phát hành để vay vốn dài hạn tài trợ cho các hoạt động kinh doanh.

- Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đại chúng.

1.3.2. Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán

- Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành kèm theo đợt phát hành cổ phiếu bổ sung nhằm bảo đảm cho cổ đông hiện hữu quyền mua cổ phiếu mới theo những điều kiện đã được xác định.

- Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng khoán được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong thời kỳ nhất định.

- Quyền chọn mua, quyền chọn bán là quyền được ghi trong hợp đồng cho phép người mua lựa chọn quyền mua hoặc quyền bán một số lượng chứng khoán được xác định trước trong khoảng thời gian nhất định với mức giá được xác định trước.

- Hợp đồng tương lai là cam kết mua hoặc bán các loại chứng khoán, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán nhất định với một số lượng và mức giá nhất định vào ngày xác định trước trong tương lai.

Các loại chứng khoán nói trên là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Các loại chứng khoán nói trên được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.


1.4. VẤN ĐỀ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN


Với tính chất là một loại tài sản, chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu chứng khoán đối với tài sản hoặc vốn của tổ chức phát hành.

Cơ sở pháp lý của việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cá nhân xuất phát từ các nguyên tắc bảo đảm quyền sở hữu; quyền tự do kinh doanh, quyền tự do cạnh tranh và các quyền khác được quy định trong Luật doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

1.4.1. Về quyền sở hữu chứng khoán

Vấn đề quyền sở hữu nói chung là một nguyên tắc hiến định đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001), trong đó quyền sở hữu cá nhân có ý nghĩa rất quan trọng. Điều 15 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) ghi nhận: "Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân…". Đối với thị trường chứng khoán, vấn đề sở hữu chi phối tới tất cả các giao dịch tại thi trường. Thị trường chứng khoán chỉ có thể

vận hành và sôi động được khi có sự tham gia của các nhà phát hành, các nhà đầu tư, trong đó phần lớn là nhà đầu tư cá nhân. Vấn đề sở hữu và đa hình thức sở hữu quyết định sự đa dạng và sôi động cho các giao dịch thị trường. Chứng khoán là một loại tài sản cho nên nhà đầu tư cá nhân được quyền sở hữu chứng khoán.

Về quyền sở hữu tài sản của cá nhân nước ngoài, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) quy định rất rõ ràng. Điều 25 Hiến pháp quy định: "Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ vào Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối với vốn, tài sản và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài…".

Như vậy, có thể hiểu quyền sở hữu chứng khoán đã được Nhà nước bảo vệ. Nhà đầu tư sở hữu chứng khoán có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với chứng khoán. Vì vậy, Nhà nước đã quy định biện pháp pháp lý để dựa vào đó nhà đầu tư cá nhân bảo vệ được quyền sở hữu chứng khoán của mình. Đó là ngăn chặn hoặc yêu cầu ngăn chặn các hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc sở hữu chứng khoán của mình hoặc quyền được đòi bồi thường thiệt hại…

Báo Lao động ngày 24/3/2008, trang Tiền tệ và Đầu tư có bài về một khách hàng của Công ty Chứng khoán Vietcombank sau khi phát hiện bị "mất" chứng khoán trong tài khoản đã "đòi" lại được số chứng khoán bị mất. Liên quan đến vấn đề này Báo Đầu tư Chứng khoán số 36 ngày 24/3/2008 đã đăng ý kiến của Bà Dương Thị Phương, Phó Trưởng ban Giám sát (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), theo đó Ban giám sát sẽ giám sát kiểm tra quy trình mở tài khoản, đặt lệnh và giao dịch tại Công ty chứng khoán. Mục đích là bảo vệ quyền sở hữu chứng khoán của nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư cá nhân nói riêng; đảm bảo việc cung cấp dịch vụ môi giới, giao dịch cho nhà đầu tư của các công ty chứng khoán được công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Trong lĩnh vực chứng khoán, những biện pháp này có ý nghĩa quan trọng nhằm giải quyết những tranh chấp, xuất phát từ khả năng có thể xảy ra rủi ro trong quá trình giao dịch chứng khoán. Như vậy, có thể khẳng định rằng quyền sở hữu chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định mức vốn đầu tư cho nền kinh tế thông qua thị trường chứng khoán.

1.4.2. Về quyền tự do kinh doanh

Cũng như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp khẳng định. Điều 57 Hiến pháp quy định: "Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật". Đây là tiền đề ban đầu cho việc thực hiện giao dịch chứng khoán. Tại thị trường chứng khoán, quyền tự do kinh doanh cho phép nhà đầu tư cá nhân tự do mua bán chứng khoán cũng như lựa chọn công ty chứng khoán mà không ai được can thiệp. Nếu không tôn trọng quyền này thì giao dịch mua, bán trên thị trường chứng khoán không thể tồn tại, tính thanh khoản của chứng khoán không đạt được. Điều này có thể dẫn đến làm đổ vỡ thị trường.

1.4.3. Về quyền tự do cạnh tranh

Cũng như các quyền trên, quyền tự do cạnh tranh cũng được quy định trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001). Điều 16 của Hiến pháp quy định: "Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật". Quyền này bảo đảm sự công bằng cho tất cả các nhà đầu tư có nhu cầu giao dịch trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, pháp luật chỉ thừa nhận sự cạnh tranh hợp pháp. Những hành vi như sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán; giao dịch nội gián, thông tin sai sự thật; tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ… được coi là những hành vi bị cấm trên thị trường chứng khoán và thể hiện sự cạnh tranh bất hợp pháp. Nhiều chuyên gia kinh tế và

pháp lý cho rằng, cạnh tranh trên thị trường chứng khoán là cạnh tranh hoàn hảo. Pháp luật điều chỉnh chặt chẽ các giao dịch trên thị trường chứng khoán nhằm thực hiện cạnh tranh lành mạnh. Những hành vi được coi là cạnh tranh không hoàn hảo sẽ bị thị trường loại bỏ và pháp luật cấm thực hiện.

1.4.4. Quyền được có thông tin về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp để quyết định mua hay bán chứng khoán

Đối với nhà đầu tư, thông tin về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp là điều kiện cần để thành công trong đầu tư chứng khoán. Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn đã quy định công ty đại chúng và công ty niêm yết có nghĩa vụ công bố thông tin chính xác và đúng thời gian quy định về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch và bình đẳng của thị trường chứng khoán, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư cá nhân nói riêng. Là một trong những chủ thể quan trọng nhất trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân có quyền được biết về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư. Riêng nhà đầu tư đang sở hữu chứng khoán của doanh nghiệp còn có quyền được có thông tin về doanh nghiệp theo quy định tại điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty. Vì vậy, việc doanh nghiệp công bố thông tin không trung thực và không đúng thời gian quy định của pháp luật không chỉ xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư mà còn vi phạm quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Hiện nay, trên thị trường chứng khoán nước ta vẫn có những doanh nghiệp cố tình công bố thông tin không trung thực, ví dụ, như Công ty cổ phần Bông Bạch tuyết (mã chứng khoán BBT). Công ty này có kết quả kinh doanh thua lỗ hai năm liền nhưng vẫn công bố kinh doanh là có lãi. Sau khi vụ việc "vỡ lở" nhiều nhà đầu tư cá nhân đã bị thua lỗ vì trước đó đã mua cổ phiếu của công ty này. Ví dụ trên cho thấy, để đảm bảo thông tin chính xác cho nhà

đầu tư, Nhà nước cần quy định cả doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan (cơ quan kiểm toán) cùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc nội dung bản công bố thông tin của doanh nghiệp.

1.4.5. Quyền được bảo vệ bằng các chế tài

Luật Chứng khoán đã quy định tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc người nào lợi dụng chức vụ cản trở hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán… thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Như vậy, quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư đã được bảo vệ bằng các chế tài. Các quy định của Luật Chứng khoán và Nghị định số 36/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm là căn cứ pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư bằng các chế tài. Báo Đầu tư Chứng khoán số 90 (562), ngày 28/7/2008 đã có bài "Mạnh tay loại bỏ tiêu cực trên thị trường chứng khoán", theo đó 6 tháng đầu năm 2008, Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán đã ký 54 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, tổng số tiền phạt là 1.565 tỷ đồng. Bài báo cũng cho biết, thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán sẽ tăng cường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trực tiếp đối với các Sở/ Trung tâm giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty niêm yết…

Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc áp dụng các chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán đã góp phần quan trọng đảm bảo cho thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, nhờ đó quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân được bảo vệ tốt hơn.

1.4.6. Một số quyền và lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư cá nhân

Ngoài các quyền và lợi ích hợp pháp nói trên, nhà đầu tư cá nhân còn có những quyền và lợi ích hợp pháp sau:

- Quyền dùng chứng khoán làm tài sản thế chấp vay vốn khi cần thiết.

- Quyền được quản lý công ty cổ phần theo quy định của pháp luật nếu chứng khoán là cổ phiếu. Ví dụ, như dự họp và biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông.

- Quyền được chia lãi từ chứng khoán sở hữu; quyền được ưu tiên mua cổ phần khi công ty phát hành cổ phần mới.

Đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu trên thị trường chứng khoán, họ là chủ nợ của doanh nghiệp (trái chủ) lúc này trái phiếu còn được gọi là chứng khoán nợ. Trái chủ chỉ được hưởng từ lãi suất cố định và định kỳ và không có quyền tham gia quản lý công ty. Khi tham gia vào quỹ đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư có quyền "Khởi kiện công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát hoặc tổ chức liên quan nếu tổ chức này vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình" (Điều 84 Luật Chứng khoán năm 2006).

Mặt khác, theo ông Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Hoa Kì (NASD) Robert R.Glauber, nhà đầu tư cá nhân còn có quyền lợi khác là quyền được bảo vệ. Ông nói: "Họ đặt những đồng tiền khó nhọc tích cóp vào thị trường chứng khoán để mong tìm kiếm lợi nhuận khi hưu trí, để mong mua được nhà hay có thể nuôi con cái ăn học. Vậy thì họ đáng được tham gia vào một hệ thống công bằng và tin cậy". Đó cũng là yêu cầu đặt ra đối với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán. Bảo đảm được sự công bằng cho nhà đầu tư cá nhân, tạo được niềm tin của họ đối với thị trường chứng khoán là yếu tố rất quan trọng đảm bảo cho sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán, nếu không nhà đầu tư cá nhân sẽ là những người đầu tiên rời bỏ thị trường.

Đúng như TS. Ruediger VonRosen (Viện Cổ phiếu Cộng hòa Liên bang Đức) đã nhận xét: "Đối với thị trường vốn, lòng tin của nhà đầu tư là quan trọng nhất. Nếu việc đối xử công bằng không được đảm bảo hoặc không chắc chắn thì những nhóm nhà đầu tư quan trọng nhất sẽ bỏ phiếu bằng chân".

Xem tất cả 106 trang.

Ngày đăng: 30/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí