Biện Pháp Kiện Đòi Trả Lại Tài Sản

2.1.2.1. Biện pháp kiện đòi trả lại tài sản

Đối tượng hướng đến của biện pháp bảo vệ quyền sở hữu thông qua yêu cầu Tòa án buộc người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản theo quy định tại Điều 256 BLDS chính là tài sản. Do đó, để thực hiện được biện pháp kiện đòi tài sản cần phải có cơ sở chứng minh về sự tồn tại của tài sản tại thời điểm khởi kiện, tính chất của tài sản, tài sản hiện đang thuộc sự nắm giữ, quản lý tài sản của ai, tư cách nắm giữ, quản lý tài sản của người đó là gì để có thể đề nghị Tòa án yêu cầu chính xác người phải trả lại tài sản và bảo đảm về giá trị, tính chất tài sản khi chuyển giao lại cho người có quyền. Bên cạnh đó, chức năng, khả năng có thể khai thác đối với tài sản cũng là một vấn đề quan trọng, giả sử tài sản vẫn còn tồn tại nhưng đã bị hỏng một số chức năng dẫn đến tài sản bị hạn chế khả năng khai thác, sử dụng như ban đầu cũng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn thực hiện hay không thực hiện kiện đòi tài sản, hoặc kết hợp giữa việc kiện đòi tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại… Công dụng của tài sản không phải là một yêu cầu bắt buộc khi người có quyền thực hiện kiện đòi tài sản, nhưng là một trong yếu tố để người có quyền cân nhắc lợi ích đạt được khi gửi đơn kiện tới Tòa án cũng như hành vi chiếm hữu bất hợp pháp của người mà mình kiện đòi, đó chính là cơ sở để Tòa án có thể chấp nhận yêu cầu của người kiện đòi tài sản. Như vậy, để thực hiện kiện đòi trả lại tài sản, người khởi kiện cần lưu ý các điều kiện về mặt nội dung sau:

Thứ nhất, đối tượng là tài sản trong yêu cầu kiện đòi tài sản phải là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữuvà hiện đang còn tồn tại trên thực tế. Ngoại lệ, đối tượng kiện đòi tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu chỉ tồn tại khi động sản này nằm trong sự nắm giữ, quản lý của người thứ ba ngay tình thông qua một hợp đồng không có đền bù hoặc

động sản bị lấy cắp, bị mất, hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu. Phụ thuộc vào tính chất di dời hay không di dời được của tài sản, Bộ luật dân sự phân loại tài sản thành động sản và bất động sản. Trong đó, “Bất động sản là các tài sản bao gồm: đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó, các tài sản gắn liền với đất đai và các tài sản khác theo quy định của pháp luật” [6,Điều 174,Khoản 1]. Bất động sản là loại tài sản có giá trị lớn, để có cơ chế quản lý và bảo vệ của người sở hữu hợp pháp loại tài sản này, nhà nước quy định quyền sở hữu của các tài sản này phải được xác lập thông qua cơ chế đăng ký sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Động sản là tài sản không phải là bất động sản, thông thường có giá trị nhỏ hơn so với bất động sản, để đảm bảo tính linh hoạt cho các giao dịch liên quan đến động sản, chỉ trong các trường hợp nhất định động sản mới phải trải qua thủ tục đăng ký sở hữu như bất động sản. Các động sản cần phải đăng ký quyền sở hữu có thể kể đến như tàu bay, tàu biển, ô tô, xe máy… Việc đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản không làm thay đổi quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản cũng như quyền được thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu do pháp luật quy định. Nhưng đăng ký quyền sở hữu lại là sự thừa nhận của pháp luật, đồng thời là một hình thức công khai hay công bố rộng rãi về chủ sở hữu thực sự của tài sản cũng như mang lại cho chủ sở hữu khả năng chứng minh một cách nhanh chóng về quyền sở hữu của mình đối với tài sản trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Yêu cầu kiện đòi tài sản phụ thuộc vào khả năng công khai quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với tài sản vì trong các trường hợp này khi giao dịch liên quan đến tài sản được xác lập, người tham gia giao dịch buộc phải biết về chủ sở hữu của tài sản để có thể thực hiện, hoàn thành việc chuyển nhượng, tặng cho…đối với tài sản. Ví dụ, khi mua một mảnh đất, mua một chiếc ô tô, người mua phải tìm hiểu về chủ sở hữu của tài sản cũng như

chỉ khi có sự đồng ý của chủ tài sản được ghi nhận bằng Hợp đồng, cơ quan có thẩm quyền mới cấp chứng nhận quyền sở hữu dụng đất, hay chuyển đăng ký chủ sở hữu đối với ô tô đã mua. Một điều kiện hết sức quan trọng để chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp thực hiện được quyền kiện đòi tài sản của mình đó là chứng minh được tài sản đó hiện đang tồn tại trên thực tế. Đòi tài sản gắn liền với việc chiếm hữu, do vậy không thể kiện đòi một tài sản không tồn tại dẫn đến chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không thể nắm giữ, chiếm hữu nó.

Thứ hai, người bị kiện trong vụ án kiện đòi tài sản là người thực tế đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với tài sản là đối tượng kiện đòi. Việc xác định này người bị kiện không chỉ bao gồm việc chỉ ra được danh tính, đặc điểm của người đang chiếm hữu tài sản mà bao gồm cả việc chứng minh việc chiếm hữu không có căn pháp luật cũng như thông tin về địa chỉ, cách thức liên lạc của chủ thể này đảm bảo khi tòa án thụ lý yêu cầu của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, người thực tế đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật được triệu tập và thực hiện được việc trả lại tài sản. Nếu như vật đang còn tồn tại là một yêu cầu về đối tượng tài sản bị kiện đòi thì việc chiếm hữu bất hợp pháp thực tế đối với tài sản là điều kiện tiên quyết để chứng minh tư cách người bị kiện. Tài sản có thể bị chuyển giao, chiếm đoạt tài sản qua nhiều người nhưng chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không thể kiện đòi tài sản với tất cả những người đó mà chỉ có thể kiện đòi đối với ai hiện đang nắm giữ, quản lý tài sản mà không có căn cứ pháp luật. Trong trường hợp, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không thể xác định được tài sản hiện đang thuộc sự chiếm hữu của ai thì họ không thể lựa chọn phương thức kiện đòi tài sản mà chỉ có thể lựa chọn phương thức yêu cầu hoặc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật là người chiếm hữu tài sản không căn cứ trên các quy định tại Điều 183 Bộ Luật

dân sự được chia thành hai dạng là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình và người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình. Về mặt lý thuyết, người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu không có sự đồng ý của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp đều phải trả lại tài sản cũng như “…phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật” [6,Điều 601,Khoản 1] khi có yêu cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số trường hợp thông qua một chủ thể trung gian có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, người hiện đang chiếm hữu tài sản có được tài sản một cách hợp pháp nhưng sau đó có cơ sở để xác định rằng cơ quan có thẩm quyền đã xác định sai chủ sở hữu thực sự của tài sản do đó người chiếm hữu hợp pháp đã trở thành người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình. Đó là các trường hợp người chiếm hữu có được tài sản thông qua bán đấu giá tài sản hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án quyết định bị hủy, sửa. Khi xác lập giao dịch, vì dựa trên uy tín của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, họ không thể biết về việc người tài sản được chuyển giao cho mình không thuộc sở hữu của người mình xác lập giao dịch.

Bán đấu giá là một phương thức giao dịch đặc biệt bởi giao dịch giữa người mua và người bán được thực hiện thông qua trợ giúp của một chủ thể trung gian là các tổ chức bán đấu giá bao gồm tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và Hội đồng bán đấu giá tài sản. Người có tài sản để bán trong bán đấu giá đa dạng hơn người bán tài sản trong các quan hệ dân sự thông thường, đó có thể là chủ sở hữu tài sản, người được chủ tài sản ủy quyền; hoặc là ngân hàng, tổ chức tín dụng đối với tài sản bảo đảm; người có trách nhiệm chuyển

giao tài sản để bán đấu giá là cơ quan quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý sử dụng hoặc chủ trì xử lý tài sản nhà nước; chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự, cá nhân, tổ chức khác có thẩm quyền xử lý tài sản của người khác thông qua bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật [3,Điều 10]. Hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa người có tài sản bán đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản là cơ sở để tài sản được đưa vào bán đấu giá theo quy định. Để ký kết hợp đồng, pháp luật có quy định về có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức bán đấu giá tài sản giấy chứng nhận hợp pháp hoặc bằng chứng khác chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền được bán tài sản theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các bằng chứng đó của người có tài sản cũng như trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của các thông tin về nguồn gốc tài sản, quyền sở hữu, quyền sử dụng của tài sản do người có tài sản bán đấu giá cung cấp của tổ chức bán đấu giá tài sản [3,Điều 26, Khoản 2]. Điều này có nghĩa tài sản đem ra bán đấu giá đã được các tổ chức bán đấu giá đảm bảo về tính hợp pháp của tài sản, người tham gia đấu giá mặc nhiên coi tài sản được bán bởi chủ sở hữu thực sự hoặc người có quyền đối với tài sản. Mọi rủi ro liên quan đến tính hợp pháp của giao dịch thực hiện thông qua đấu giá (nếu có) trước tiên thuộc về tổ chức bán đấu giá tài sản. Vì vậy, để đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người mua tài sản thông qua bán đấu giá, pháp luật dân sự quy định chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không được đòi lại tài sản là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu từ người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá. Cách hiểu trên không bao gồm việc người có được tài sản thông qua bán đấu giá biết được nguồn gốc, tình trạng pháp lý thực sự của tài sản được bán đấu giá không đúng như thông tin nêu trong hồ sơ bán tài sản bán đấu giá

nhưng vẫn tham gia đấu giá và trở thành người mua được tài sản bán đấu giá. Hoặc người mua được tài sản thông qua đấu giá là đối tượng không được tham gia đấu giá theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản nhưng bằng một cách nào đó, họ vẫn được tham gia đấu giá và trở thành người mua tài sản bán đấu giá. Đối với các trường hợp này, chủ thể kiện đòi tài sản vẫn có thể là người mua tài sản đấu giá nếu chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có đầy đủ chứng cứ chứng minh về tính không ngay tình của người thực tế đang chiếm hữu tài sản thông qua việc mua đấu giá tài sản.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

Trường hợp thứ hai, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không được đòi lại tài sản từ người thứ ba chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình có được tài sản thông qua giao dịch với người mà theo quyết định, bản án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy. Quyết định công nhận quyền sở hữu tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành như Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Ủy ban nhân dân, Quyết định cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp của Cục sở hữu trí tuệ, Quyết định công nhận ... hay bản án có hiệu lực thi hành của Tòa án là một trong các căn cứ xác lập quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản được quy định tại Điều 126 BLDS. Để ra các quyết định, bản án công nhận quyền sở hữu nêu trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải căn cứ trên các quy định pháp luật, trải qua các thủ tục luật định và điều kiện thực tế để công nhận chủ sở hữu hợp pháp tài sản. Quyết định, bản án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là sự bảo đảm về mặt nhà nước với tư cách chủ thể được công nhận là chủ sở hữu tài sản. Do đó, việc người chiếm hữu ngay tình tin tưởng khi xác lập giao dịch với chủ sở hữu theo quyết định, bản án là hợp lý.

Ở hai trường hợp đặc biệt trên, quyền sở hữu đối với tài sản của người thứ ba chiếm hữu ngay tình được công nhận và để đảm bảo quyền lợi của họ, họ sẽ không trở thành chủ thể bị kiện đòi tài sản khi chủ sở hữu đích thực kiện đòi. Chủ sở hữu lúc này chỉ có một lựa chọn duy nhất là kiện lên Tòa án yêu cầu các cơ quan này bồi thường thiệt hại cho mình do hành vi, quyết định trái pháp luật của họ gây ra.

Bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự Việt Nam - 7

Đối với tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì người thứ ba chiếm hữu ngay tình không trở thành chủ thể bị kiện, ngoại trừ trường hợp “người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu” [6,Điều 257]. Người không có quyền định đoạt tài sản là người được chủ sở hữu chuyển giao một phần quyền sở hữu như quyền chiếm hữu, quyền sử dụng nhưng không chuyển giao quyền định đoạt số phận pháp lý của tài sản như: người thuê, mượn tài sản, người chiếm hữu tài sản căn cứ trên hợp đồng gửi giữ, văn bản ủy quyền... hoặc là người được chủ sở cam kết chuyển giao quyền định đoạt tài sản trong một số điều kiện nhất định nhưng các điều kiện này chưa xuất hiện thì họ đã thực hiện việc định đoạt đối với tài sản như người nhận cầm cố, thế chấp tài sản chuyển nhượng, tặng cho tài khi chưa hết thời hạn cầm cố, thế chấp hay chủ sở hữu không vi phạm quy định về cầm cố, thế chấp... Đây là trường hợp, người chuyển giao tài sản cho người thứ ba là người chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản dựa trên việc xác lập một giao dịch hợp pháp với chủ sở hữu tài sản nhưng việc chuyển giao tài sản của họ cho người thứ ba lại không có sự đồng ý của chủ sở hữu. Với các động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì người thứ ba nhận được tài sản từ người không có quyền định đoạt tài sản đều

là những người chiếm hữu ngay tình do họ không thể biết về chủ sở hữu thực sự của tài sản. Đương nhiên đã loại trừ trường hợp người thứ ba biết về việc người chuyển giao tài sản cho mình không có quyền định đoạt đối với tài sản. Vì đa phần động sản không phải trải qua thủ tục đăng ký quyền sở hữu nên giao dịch của các bên được xác lập chủ yếu từ niềm tin giữa các bên và dựa trên nguyên tắc suy đoán người chuyển giao là người có quyền định đoạt đối với tài sản do họ đang chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản từ việc xác lập một giao dịch với chủ sở hữu. Phần lớn trong các giao dịch này, bên nhận chuyển giao tài sản thực tế đã bỏ ra một tài sản khác, thực hiện công việc hay không thực hiện một công việc để tương xứng một phần hoặc toàn bộ giá trị tài sản mình nhận được. Họ không có lỗi khi xác lập giao dịch nhằm thỏa mãn nhu cầu sở hữu tài sản của mình mà lỗi thuộc về người đã chuyển giao tài sản cho họ trong khi thực tế không có quyền định đoạt đối với tài sản đã chuyển giao. Vì chủ sở hữu đã có một giao dịch hợp pháp nhằm chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản cho người đang nắm giữ, quản lý tài sản (không bao gồm quyền định đoạt, hoặc thiết lập các điều kiện định đoạt tài sản) nên họ phải chịu rủi ro liên quan và buộc phải lường trước cũng như ngăn chặn các rủi ro này trên cơ sở thiết lập các biện pháp áp dụng khi người giao dịch với mình vi phạm thỏa thuận. Để bảo vệ quyền lợi cho người chiếm hữu ngay tình, nâng cao trách nhiệm của người chiếm hữu, sử dụng nhưng không có quyền định đoạt đối với tài sản, tạo ổn định cho các giao dịch liên quan đến động sản không phải đăng ký sở hữu, pháp luật không thừa nhận việc chủ sở hữu đòi lại tài sản từ người chiếm hữu ngay tình. Để bảo đảm quyền lợi của mình, chủ sở hữu có thể kiện yêu cầu người không có quyền định đoạt đền bù một tài sản tương ứng (nếu tài sản đó có vật cùng loại, vật có thể thay thế được) hoặc yêu cầu bồi thường giá trị tài sản, thậm chí là phạt hợp đồng (nếu hai bên có thỏa thuận) do vi phạm thỏa thuận giữa hai bên.

Xem tất cả 106 trang.

Ngày đăng: 22/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí