Có thể nói, sự tham gia của người vợ trong quá trình quyết định những công việc lớn của gia đình ngày càng được bàn bạc và quyết định đối với một số công việc gia đình. Điều này cũng tương xứng với vấn đề người phụ nữ đã bình đẳng trong quan hệ tài sản với người chồng, góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong thời gian tới ngày càng cao lên.
Tóm lại, một vài số liệu phân tích ở trên chứng tỏ: vai trò và vị thế của người phụ nữ trong gia đình ngày càng cao. Quyền bình đẳng của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa người phụ nữ với người chồng nói riêng và trên các lĩnh vực khác của đời sống gia đình nói riêng ngày càng được củng cố và phát huy. Đây cũng chính là một minh chứng cho quá trình đấu tranh bình đẳng giới tại Việt Nam.
3.1.1.2. Kết quả bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng thông qua hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp
Ở Việt Nam vấn đề bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu to lớn của Đảng và nhà nước ta đã được khẳng định trong các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trong hiến pháp qua các thời kỳ và đã được thể chế hóa trong hầu hết các văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý, tạo điều kiện và cơ hội trao quyền bình đẳng cho cả nam và nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử nam, nữ, xác định rằng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới.
Đối với vấn đề bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng đã được quy định cụ thể trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản khác có liên quan. Những vướng mắc trong vấn đề tài sản của vợ chồng còn được Tòa án nhân dân tối cao giải đáp, hướng dẫn trong các báo cáo tổng kết hàng năm, trong các công văn… Hệ thống các văn bản hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng đã quy định rõ ràng, cụ thể, đầy đủ hơn về vấn đề bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong
quan hệ tài sản giữa vợ với chồng, thông qua các quy định về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng, chia tài sản chung, nhập tài sản riêng vào tài sản chung, vấn đề thừa kế, vấn đề cấp dưỡng…
Có thể nói, hệ thống pháp luật quốc gia đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ quyền của người phụ nữ ở mỗi quốc gia, đó cũng là cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Cũng chính vì thế mà vai trò và vị thế của người phụ nữ trong gia đình, trong xã hội ngày càng được nâng cao. Hoạt động xây dựng và ban hành pháp luật luôn theo hướng tạo mọi điều kiện cho phụ nữ phát triển, bảo đảm cao nhất cho quyền lợi của người phụ nữ.
Trong mối quan hệ pháp lý đối với tài sản là đất đai, yếu tố giới luôn được coi trọng, coi đó là yếu tố đảm bảo thành công trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật, xây dựng một xã hội thực sự của dân, bảo vệ quyền lợi mọi công dân, không phân biệt nam, nữ. Đảng và Nhà nước đã xác định tăng cường bình đẳng giới, lồng ghép các vấn đề về giới vào chính sách, pháp luật nói chung. Vấn đề này đã được thể hiện rõ trong việc ban hành Luật bình đẳng giới - một minh chứng cho sự đấu tranh, phát triển cho sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trên mọi lĩnh vực của xã hội. Đây chính là ý nghĩa to lớn về mặt pháp lý mà pháp luật đã tạo ra cho người phụ nữ và cho sự bình đẳng giới.
* Theo số liệu từ Tòa án nhân dân tối cao, cho thấy công tác xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình ở các cấp đều đã có nhiều cố gắng, vận dụng đúng đắn các quy định để giải quyết vụ án cụ thể, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các đương sự, đặc biệt là quyền lợi của người phụ nữ.
Theo thông tin của Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân tối cao thì các vụ án hôn nhân và gia đình được đưa ra giải quyết trong thời hạn luật định. Thông qua kết quả hòa giải thành; tỉ lệ các bản án bị hủy, sửa và việc chấp hành pháp luật về thời hạn xét xử đã cho thấy chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự và hôn nhân và gia đình theo trình tự sơ thẩm đã có tiến bộ và chuyển biến tích cực hơn năm trước. Điều đó chứng tỏ sự nỗ lực của ngành Tòa án cả nước, là cơ quan bảo vệ công lý cũng là bảo vệ quyền lợi người phụ nữ theo những
định hướng mà Đảng và Nhà nước đã chỉ ra, chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự và hôn nhân gia đình đã được nâng lên; bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, đặc biệt là quyền lợi của người phụ nữ.
Ngoài ra, theo số liệu từ Vụ thống kê tổng hợp - Tòa án nhân dân tối cao chỉ tính riêng số lượng án giải quyết về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân trong cả nước đang có chiều hướng gia tăng: năm 2004 là 159 vụ, năm 2005 là 398 vụ, năm 2006 là 404 vụ, năm 2007 là 452 vụ. Nếu xét theo góc độ bình đẳng của vợ chồng trong việc sở hữu tài sản thì các số liệu trên đã cho thấy quyền bình đẳng của người phụ nữ trên thực tế đã được thực thi, những người phụ nữ đã dám chủ động đề nghị chồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đề phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này cũng là tất yếu khi chức năng kinh tế của gia đình đã chuyển từ tiêu dùng sang sản xuất, vợ chồng có những hoạt động kinh tế khác nhau. Mặc dù quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn còn một số điểm chưa chặt chẽ nhưng nói chung hệ thống văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện nay cơ bản đã đáp ứng và theo kịp sự phát triển của từng gia đình và xã hội.
* Theo báo cáo quốc gia lần thứ 5 và thứ 6 về tình hình thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, pháp luật Việt Nam đã đảm bảo cho phụ nữ quyền bình đẳng với nam giới trong việc tham gia và hưởng thụ các phúc lợi xã hội, phúc lợi gia đình.
Báo cáo cũng đánh giá rằng: mối quan hệ giữa vợ chồng ở Việt Nam được bảo vệ bởi luật pháp và phong tục tập quán. Luật Bình đẳng giới được thông qua đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử với phụ nữ trong gia đình nói riêng và trong mọi thiết chế xã hội khác. Nhờ có sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của toàn thể xã hội, địa vị người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Những thành tựu về kinh tế xã hội là cơ sở thuận lợi cho Việt Nam thực hiện chính sách bình đẳng giới. Nhận thức rõ phụ nữ vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển, khẳng định rằng bất bình đẳng giới là một
nguyên nhân của nghèo đói và là một lực cản của sự phát triển, Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện Công ước Cedaw đồng thời ban hành chính sách, xây dựng, bổ sung và điều chỉnh luật pháp nhằm thực hiện và bảo vệ quyền của người phụ nữ và đạt được những kết quả nhất định. Việt Nam đã có những hoạt động tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ về thực hiện bình đẳng giới nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Tuy vậy, quyền của người phụ nữ trong luật pháp, chính sách và việc thực thi quyền trong thực tế còn khoảng cách…
3.1.2. Một số tồn tại trong việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giữa phụ nữ và nam giới không có sự khác biệt về mặt xã hội, mà chỉ có sự khác biệt về mặt sinh học. Tuy nhiên, trong thực tế, cho đến bây giờ các định kiến giới vẫn còn tồn tại. Một số định kiến coi phụ nữ là phụ thuộc, yếu đuối, thụ động, dịu dàng và thứ yếu; một số định kiến coi nam giới là độc lập, mạnh mẽ, có năng lực, quan trọng hơn và là người ra quyết định tốt hơn. Một trong những định kiến giới biểu hiện khá rõ là gắn phụ nữ với vai trò gia đình, coi việc nội trợ, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái là của phụ nữ. Định kiến giới dẫn đến phân công lao động trong gia đình, xác định vai trò giới. Từ suy nghĩ đó nhiều phụ nữ đã bị hạn chế trong quan hệ tài sản với người chồng, ảnh hưởng đến khả năng làm giàu, giảm khả năng đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Theo số liệu điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 thì phân công lao động theo giới trong gia đình Việt Nam vẫn là các phương thức phổ biến, trong đó người phụ nữ - người vợ trong gia đình vẫn được quan niệm và tự quan niệm là phù hợp hơn với các công việc ở nhà hay gần nhà như nội trợ, chăm sóc người thân trong gia đình; nam giới phù hợp hơn với các công việc sản xuất kinh doanh và ngoại giao ở bên ngoài. Ngoài ra, trong quan niệm về người chủ gia đình hiện đại, nhìn chung vẫn là người đàn ông, đồng nghĩa với việc họ thường là người chủ hộ khẩu, người quyết định chính mọi việc lớn trong gia đình…
Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù các nguyên tắc bình đẳng nam nữ trong gia đình và các quyền cơ bản của người phụ nữ đã được đảm bảo bởi hệ thống pháp luật, nhưng trên thực tế, quyền và lợi ích của người phụ nữ chưa thực sự được bảo vệ hợp lý. Ví dụ như về quyền đối với tài sản chung của vợ chồng, Luật Hôn nhân và gia đình đã khẳng định rất rõ ràng những tài sản cần đăng kí chứng nhận quyền sở hữu thông thường là những tài sản lớn như nhà, đất, ô tô, xe máy; quy định này nhằm bảo vệ quyền đối với tài sản của phụ nữ và nam giới trong gia đình và nhằm hạn chế tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng trong quá trình chung sống. Xét từ góc độ đảm bảo quyền của người phụ nữ, quy định này là vô cùng hợp lý nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn. Mặc dù Luật Đất đai 2003 đã được ban hành gần 10 năm nhưng, trên thực tế giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chủ yếu vẫn đứng tên người chồng.
Theo điều tra quốc gia về gia đình Việt Nam năm 2006 thì tỷ lệ người vợ đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở năm 2006 là 10,9%, đất canh tác là 8,6% và cơ sở sản xuất kinh doanh là 41,4%. Các tỷ lệ tương ứng của người chồng là 81,4%, 86,3% và 52,1%. Số còn lại là do cả vợ và chồng đứng tên. Tỷ lệ người vợ đứng tên quyền sử dụng đất ở thành thị là 20,9%, cao hơn so với ở nông thôn là 7,3%. Tỷ lệ tương ứng đối với cơ sở sản sản xuất kinh doanh là 53,1% và 31,4%.
Bảng 3.3: Tỷ lệ đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và cơ sở sản xuất kinh doanh theo thành thị nông thôn và giới tính
Đơn vị tính: (%)
Nhà ở, đất ở | Đất canh tác | Cơ sở sản xuất kinh doanh | ||||
Thành thị | Nông thôn | Thành thị | Nông thôn | Thành thị | Nông thôn | |
Vợ | 20,9 | 7,3 | 15,2 | 8 | 53,1 | 31,4 |
Chồng | 61,1 | 88,6 | 76,9 | 87,2 | 40 | 62,4 |
2 vợ chồng | 18 | 4,1 | 7,9 | 4,8 | 6,9 | 6,2 |
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo Vệ Quyền Của Người Phụ Nữ Trong Quan Hệ Sở Hữu Tài Sản Riêng Của Vợ, Chồng
- Các Hình Thức Thừa Kế Tài Sản Giữa Vợ Với Chồng Theo Quy Định Pháp Luật Hiện Hành
- Một Số Vấn Đề Về Tình Trạng Thực Thi Và Bảo Vệ Quyền Của Người Phụ Nữ Trong Quan Hệ Tài Sản Giữa Vợ Với Chồng
- Vài Nét Về Áp Dụng Pháp Luật Bảo Vệ Quyền Của Người Phụ Nữ Trong Quan Hệ Tài Sản Giữa Vợ Và Chồng Qua Thực Tiễn Xét Xử Tại Nam Định
- Bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 - 13
- Bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 - 14
Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Điều tra quốc gia về gia đình Việt Nam, 2006.
Tỷ lệ cả vợ và chồng đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu/sử dụng đất ở, nhà ở còn quá thấp, đặc biệt là ở nông thôn. Đây là một vấn đề cần được quan tâm. Việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực này rõ ràng cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Còn theo số liệu từ cuộc khảo sát "Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ nhìn từ thực trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" do Tổ chức nghiên cứu phát triển Action Aid Việt Nam thực hiện vào năm 2010 thì kết quả cho thấy chỉ có khoảng 3-5% số hộ gia đình được cấp "sổ đỏ" có tên cả hai vợ chồng. (Cuộc khảo sát được tiến hành tại Hòa Bình, Lai Châu, Ninh Thuận, Gia Lai, Trà Vinh, và Vĩnh Long). Người dân ở sáu tỉnh này chưa hiểu hoặc hiểu rất ít về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hai người và cho rằng gia đình có chồng đại diện là đủ. Kết quả khảo sát của tổ chức Action Aid cho thấy, do thiếu hiểu biết, người phụ nữ không dám hỏi chồng về quyền chủ hộ gia đình, có trường hợp người phụ nữ nghĩ rằng việc đứng ngang tên trong "sổ đỏ" là điều bất bình thường. Người đại diện Action Aid Việt Nam cho rằng, ngoài hạn chế trong nhận thức của người phụ nữ thì trong một số gia đình, người chồng chưa tạo điều kiện để người vợ được có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đó là những ông chồng gia trưởng, muốn một mình nắm giữ tài sản để tạo quyền uy trong các quyết định. Kết quả khảo sát cho thấy điều khiến phụ nữ chưa biết đền quyền lợi của mình trong việc sở hữu tài sản là do chính quyền địa phương chưa tuyên truyền cho họ hiểu...
* Vấn đề bình đẳng giữa vợ và chồng trong những năm gần đây đang vướng mắc bởi vấn đề bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình là một vấn đề không mới, những năm gần đây được nhắc đền nhiều hơn bởi người thiệt thòi nhiều nhất vẫn là phụ nữ. Mặc dù Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã được ban hành vào năm 2007 nhưng hiệu quả thực thi vẫn chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong gia đình cũng như trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng.
Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2010 thu thập thông tin chi tiết về tỷ lệ bạo lực, tần suất, những yếu tố nguy cơ và hậu quả của bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Đây là nghiên cứu đầu tiên trên phạm vi toàn quốc cũng như 6 vùng kinh tế xã hội. Nghiên cứu chỉ ra rằng, người phụ nữ bị chính người chồng sử dụng cả bốn loại bạo lực, đó là bạo lực thể xác, bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế. Trong đó bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế cũng không kém phần quan trọng so với bạo lực tình dục, bạo lực thể xác và thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn bạo lực tình dục, bạo lực thể xác. Kết quả chỉ ra rằng tỷ lệ bị bạo lực tinh thần rất cao: 54% phụ nữ cho biết đã phải chịu bạo lực tinh thần trong đời, tỷ lệ bị bạo lực về kinh tế trong đời là 9%; mà tập trung chủ yếu vào nhóm hành vi chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.
Thế nhưng cũng theo đánh giá của nghiên cứu này thì một nửa số phụ nữ từng bị chồng gây bạo lực chưa từng nói với bất cứ ai về vấn đề mà mình phải hứng chịu cho tới khi được phỏng vấn. Nếu họ đã từng nói điều này với ai đó thì thường là thành viên trong gia đình. Nhiều phụ nữ nghĩ bạo lực trong quan hệ vợ chồng là chuyện "bình thường" và rằng phụ nữ phải làm quen và chịu đựng những gì đang diễn ra vì hạnh phúc gia đình. Hầu hết phụ nữ bị bạo lực (87%) chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính thống hoặc từ những người có thẩm quyền. Trong khảo sát khoảng 60% phụ nữ từng bị bạo lực thể xác và tình dục do chồng gây ra nói rằng họ có nghe về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, phỏng vấn định tính cho thấy phụ nữ không nắm được chi tiết luật và ngay cả các cấp chính quyền địa phương cũng không nắm được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong vòng 5 năm qua 2003-2008, các tòa án địa phương trong cả nước thụ lý và giải quyết sơ thẩm
352.047 vụ việc hôn nhân và gia đình. Trong đó có 186.954 vụ việc về hôn nhân và gia đình có hành vi đánh đập, ngược đãi, chiếm 53,1% trong các nguyên nhân dẫn đến ly hôn. Riêng năm 2005, có tới 39.730 vụ ly hôn do bạo lực gia đình trong tổng số 65.929 vụ án về hôn nhân và gia đình, chiếm 60,3%.
Tình trạng ly hôn gia tăng kèm theo vấn đề chia tài sản khi ly hôn ngày càng phức tạp. Bởi trên thực tế, khi chia tay, tranh chấp quyền sở hữu tài sản thực sự là một vấn đề nóng bỏng. Việc phân chia tài sản thuộc về ai là điều vô cùng quan trọng cho cuộc sống sau này của mỗi người, đó cũng là điều kiện đảm bảo cho đời sống gia đình và con cái. Thực tế đã chứng minh, các bên trong vụ án ly hôn phải theo kiện nhiều năm để đòi quyền lợi chính đáng của mình, thậm chí có nhiều trường hợp do không chứng minh được tài sản chung, tài sản riêng. Có những vụ ly hôn mà người vợ chỉ nhận được1/20 khối tài sản chung hoặc trắng tay rời khỏi nhà chồng. Theo lời của một Hội thẩm nhân dân - Tòa án nhân dân Hà Nội đã từng tham gia rất nhiều vụ ly hôn cho rằng đa số những người vợ phải nhận về mình nhiều thiệt thòi do nhận thức kém, "ú ớ" về mặt pháp luật. Tư tưởng "của chồng công vợ" đã khiến nhiều phụ nữ cả đời làm lụng vất vả, tằn tiện gom góp mua tài sản rồi lại để người chồng đứng tên, để đến khi ra tòa, nhiều phụ nữ chỉ biết ngồi khóc, không chứng minh được tài sản của mình.
Bên cạnh những tồn tại trên thì chất lượng xét xử của các vụ án hôn nhân và gia đình mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa thể bảo vệ triệt để quyền lợi của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng. Theo đánh giá của các các Tòa án thì các thiếu sót chủ yếu trong việc giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến quan hệ tài sản giữa vợ với chồng chủ yếu là việc điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu của vụ án chưa đầy đủ, chính xác. Ví dụ như trong các vụ án xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng thì chưa thu thập đầy đủ chứng cứ dẫn đến không chính xác trong việc