Bảo vệ quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 14

tiếp cận và cung cấp các dịch vụ việc làm cho họ. Đẩy mạnh công hỗ trợ học nghề đối với người khuyết tật, tăng cường vận động người khuyết tật tham gia học nghề, giúp họ hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học đối với cuộc sống hiện tại và tương lai; Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào công tác tuyển dụng và hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật; Tìm mọi biện pháp hỗ trợ những người khuyết tật tham gia học nghề có được việc làm, giúp những người khuyết tật khác có động lực quyết tâm tham gia học nghề. Đồng thời xem xét tăng kinh phí hỗ trợ học nghề và các cơ sở tham gia dạy nghề cho người khuyết tật; nghiên cứu triển khai các mô hình dạy nghề linh hoạt, đa dạng cả về thời gian, địa điểm, chương trình, cách thức tiến hành phù hợp với khả năng, điều kiện của người khuyết tật.

Năm là, tập trung chỉ đạo các địa phương thành lập quỹ việc làm cho người khuyết tật. Cần phát huy hơn nữa hiệu quả của quỹ này và thực hiện nghiêm túc chế độ thưởng phạt doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Chính quyền các cấp phải phối hợp tập trung thực hiện tốt chính sách của nhà nước, thực hiện phân cấp cụ thể nhiệm vụ quản lý thu, chi và chế độ báo cáo việc thực hiện quỹ việc làm cho người khuyết tật. Mục đích là minh bạch hóa trong việc thu chi và hỗ trợ các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi từ quỹ, tránh việc thất thoát, tham ô, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm của các cán bộ, công chức Nhà nước làm ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người khuyết tật cũng như các tổ chức sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người khuyết tật.

Sáu là, đẩy mạnh vai trò của các tổ chức hoạt động vì người khuyết tật. Hiện nay cả nước chỉ có mười hai địa phương có Hội người khuyết tật cấp tỉnh là Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và hơn ba mươi tổ chức người khuyết tật cấp quận, huyện. Các Hội thành viên cấp trung ương có Hội người mù Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam, Hiệp hội thể thao của người khuyết tật Việt Nam, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội

phục hồi chức năng Việt Nam. Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam được thành lập ngày 14/10/2010 theo quyết định số 1179/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ là tổ chức đại diện cho hàng triệu người khuyết tật Việt Nam, có tiếng nói chung của nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vì người khuyết tật và của người khuyết tật.Tôn chỉ, mục đích thành lập và hoạt động của Liên hiệp hội là: Là tổ chức xã hội, phi lợi nhuận, tập hợp các, tổ chức hợp pháp của người khuyết tật và vì người khuyết tật, các cá nhân tự nguyện tham gia Liên hiệp hội vì mục đích bảo vệ, hỗ trợ người khuyết tật thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; Liên kết, tập hợp sức mạnh của các tổ chức, cá nhân người khuyết tật và vì người khuyết tật, điều hòa phối hợp với các hội, tổ chức thành viên, hội viên của Liên hiệp hội nâng cao năng lực, tạo điều kiện cho cộng đồng và người khuyết tật hỗ trợ nhau trong sinh hoạt, học tập và làm việc theo hướng hòa nhập; Tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đối với người khuyết tật, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, nâng cao vị thế, vai trò của người khuyết tật, đại diện các tổ chức của người và vì người khuyết tật Việt Nam tham gia các hoạt động quốc tế [11]. Do vậy, tăng cường hoạt động của các hội này sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của toàn xã hội về bảo vệ quyền của người khuyết tật; góp phần vận động xây dựng chính sách để bảo vệ tốt hơn quyền của người khuyết tật trong các quan hệ xã hội.

Bảy là, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở, kiện toàn tổ chức công đoàn cơ sở. Công đoàn là tổ chức đại diện cho tập thể người lao động trong đó có lao động khuyết tật, công đoàn có nhiều quyền hạn được pháp luật quy định để bảo vệ quyền của người khuyết tật trong doanh nghiệp. Do đó, kiện toàn tổ chức công đoàn cơ sở để đảm bảo sự có mặt của công đoàn ở tất cả các đơn vị sử dụng lao động là người khuyết tật là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở là người tiếp xúc trực tiếp và bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật. Vì vậy, họ cần phải am hiểu pháp luật, có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình và tâm huyết với công việc của mình. Để xây dựng được một đội ngũ cán bộ công đoàn như vậy, Nhà nước phải chú trọng vào việc đào tạo và bồi

dưỡng cán bộ công đoàn đồng thời phải chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của họ để họ có thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tám là, tăng cường công tác thanh tra lao động, đội ngũ thanh tra viên lao động. Cũng giống như các cán bộ công đoàn, đội ngũ thanh tra viên lao động là nòng cốt để thực hiện công tác thanh tra lao động. Vì vậy, trước hết Nhà nước cần phải chú trọng tăng cường đội ngũ thanh tra viên lao động cả về số lượng và chất lượng đảm bảo đáp ứng được hoạt động thanh tra lao động trên cả nước. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra lao động tại các doanh nghiệp cũng là việc làm quan trọng. Chất lượng các cuộc thanh tra phải được đảm bảo, thanh tra viên phải được chủ động tiến hành các hoạt động thanh tra cần thiết và các quyết định xử lý sau thanh tra phải chính xác và phải được đảm bảo áp dụng, việc xử lý phải kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm, mang tính răn đe và phòng ngừa hiệu quả.

Chín là, thường xuyên tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách đã ban hành ở địa phương, cơ sở, từng ngành và liên ngành. Cụ thể là tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dạy nghề, việc làm đối với người khuyết tật, chú trọng điều kiện làm việc, vệ sinh và an toàn lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, bố trí việc làm cho người khuyết tật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Mười là, chính quyền nhân dân các địa phương và các cơ quan có liên quan phải xác định địa phương mình có những ưu thế nào trong các ngành nghề dành riêng cho người khuyết tật để triển khai công tác việc làm cho người khuyết tật tại địa phương đó. Mỗi địa phương cần đánh giá đúng những hạn chế, ưu thế của chính người khuyết tật để lựa chọn những ngành nghề lợi thế làm ngành nghề mũi nhọn cho người khuyết tật tại địa phương. Xây dựng các chính sách ưu tiên về sản phẩm do người khuyết tật làm ra như: ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, ghép tranh lá, tranh cát, đồ họa, lắp ráp một số bộ phận điện tử… là những ngành nghề cần sự tỉ mẩn, chăm chỉ, khéo léo mà người khuyết tật có những đức tính đáng quý đó. Nhà nước cần tìm kiếm, giới thiệu đầu ra cho các sản phẩm này của người khuyết tật.

Mười một là, có các biện pháp và tạo điều kiện cho Hội đồng doanh nghiệp

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.

hoạt động có hiệu quả. Hoạt động tư vấn doanh nghiệp cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chủ sử dụng lao động và khuyến khích họ trong việc tuyển dụng lao động là người khuyết tật và bảo vệ quyền lợi của họ khi tham gia lao động. Phải có những chương trình, kế hoạch cụ thể để tuyên truyền, vận động các nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về khả năng lao động, những quyền lợi chính đáng của người khuyết tật và những lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng từ các chính sách bảo vệ quyền của người khuyết tật.

Mười hai là, hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh, tự tạo việc làm và cung cấp kỹ năng quản trị doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ cho người khuyết tật; đồng thời giúp họ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, ưu tiên cho các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người khuyết tật.

Bảo vệ quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 14

Mười ba là, Nhà nước cần xúc tiến nhanh việc thành lập một Ủy ban hoặc cơ quan chuyên trách về quyền của người khuyết tật để giám sát, tiếp nhận và xử lý các trường hợp xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

Mười bốn là, Nhà nước cần chủ động tham gia và đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế và khu vực về việc làm cho người khuyết tật. Tổ chức nhiều hơn các chương trình xúc tiến việc làm cho người khuyết tật, đẩy mạnh các hoạt động giao dịch việc làm cho người khuyết tật như sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm ví dụ như hình thức chợ việc làm. Thông qua các chương trình này nhằm kết nối người khuyết tật với doanh nghiệp, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động về người khuyết tật, tầm quan trọng, ý nghĩa của vấn đề việc làm đối với người khuyết tật; tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ khi thực hiện các quy định về việc làm đối với người khuyết tật (tuyển dụng, tạo việc làm…). Thực tế đã cho thấy trong các phiên giao dịch định kỳ có số lượng lớn lao động tham gia, doanh nghiệp có điều kiện lựa chọn lao động phù hợp, tỷ lệ tuyển chọn đạt tăng hơn hình thức truyền thống. Bên cạnh đó, thông qua giao dịch, người lao động khuyết tật có điều kiện tìm hiểu thông tin về yêu cầu kỹ năng, khả năng cụ thể cho các công việc thị trường đang cần, người khuyết tật sẽ tiếp tục tự bổ sung khả năng, kỹ năng còn hạn chế so với yêu cầu để tham gia thị trường tích cực hơn [55, tr.38].

Mười lăm là, tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề về bảo vệ quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực lao động. Mục đích của tập huấn để nâng cao nhận thức và hiểu biết của toàn xã hội, của những người làm công tác tuyên truyền về vấn đề người khuyết tật và việc làm cho người khuyết tật; đẩy mạnh sự hợp tác giữa các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức của người khuyết tật và các cơ quan truyền thông để tăng cường tiếng nói của người khuyết tật; kiến nghị Chính phủ trong việc xây dựng chính sách, pháp luật thúc đẩy việc thực hiện quyền của người khuyết tật ở Việt Nam, trong đó có vấn đề việc làm. Kiến nghị này xuất phát từ thực tế nhận thức, quan điểm của người sử dụng lao động về người khuyết tật theo lời bà Trần Mai Vân, trưởng ban nhân sự của hiệp hội thương mại Mỹ tại Hà Nội:

Trên thực tế, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc tại chi nhánh cho đến một ngày tôi tham dự khóa tập huấn về các kỹ năng giao tiếp và tìm việc cho người khuyết tật do dự án “Good for Business” tổ chức. Sự nhiệt tình muốn được làm việc, muốn thể hiện mình của các bạn đã đem đến cho tôi một cảm nhận mới là họ không khác gì so với người bình thường, gây được thiện cảm ở sự quyết tâm và coi trọng công việc. Một ứng cử viên như vậy có thể đem đến cho bất kỳ công ty nào một tinh thần làm việc hết mình, nghiêm túc và cống hiến lâu dài. Sự tò mò ban đầu của tôi đã qua đi cùng những bài phỏng vấn và cùng lúc đó tôi nghĩ đến việc tuyển chọn những người khuyết tật vào làm việc… Một người chỉ cần có khả năng và trình độ phù hợp, khuyết tật không phải là rào cản để họ có cơ hội làm việc [84, tr.76].

Mười sáu là, cần tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về các chính sách, quy định về việc làm cho người khuyết tật. Trong những năm qua, thực hiện hợp tác quốc tế với các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ khu vực và quốc tế đã mang lại cho Việt Nam những kết quả đáng kể như: nguồn lực, trình độ và phương pháp xây dựng, thực thi chính sách và pháp luật về quyền của người khuyết tật; kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật về quyền của người khuyết tật.

Quá trình hợp tác quốc tế về hỗ trợ nguồn lực cho việc nghiên cứu, xây dựng và áp dụng luật pháp vào thực tiễn quản lý nhà nước về công tác chăm sóc và bảo vệ quyền của người khuyết tật, đặc biệt trong lĩnh vực lao động việc làm giúp chúng ta học hỏi được kinh nghiệm, kỹ thuật lập pháp về bảo vệ quyền của người khuyết tật. Do vậy, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lập pháp về bảo vệ quyền của người khuyết tật vừa là hoạt động thực hiện nội dung quản lý nhà nước vừa là giải pháp nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hóa các điều ước quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia nói chung và pháp luật về bảo vệ quyền của người khuyết tật nói riêng nhằm hoàn thiện pháp luật, góp phần tạo môi trường pháp lý thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế, phát triển đất nước.

KẾT LUẬN


Đứng trước sự phát triển không ngừng của xã hội, hòa vào xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, cùng với nhận thức ngày càng cao của xã hội nói chung và người khuyết tật nói riêng, vấn đề bảo vệ quyền của người khuyết tật đặc biệt trong lĩnh vực lao động trở lên đáng quan tâm hơn bao giờ hết. Không chỉ các quốc gia xây dựng hệ thống pháp luật lao động về bảo vệ quyền của người khuyết tật mà cả những tổ chức quốc tế lớn cũng ban hành những quy định riêng, nâng việc bảo vệ quyền của người khuyết tật lên tầm cỡ đa quốc gia, quốc tế. Việt Nam bằng sự nỗ lực của mình đã phê chuẩn rất nhiều Công ước quốc tế về vấn đề này. Bên cạnh đó hệ thống pháp luật lao động Việt Nam về bảo vệ quyền của người khuyết tật cũng không ngừng được củng cố, hoàn thiện.

Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay, các quan hệ lao động cũng đã có những thay đổi, thêm vào đó, xuất hiện nhiều vấn đề mới mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh. Do đó, pháp luật lao động Việt Nam đã dần bộc lộ những hạn chế, thiếu sót và gây ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định này trên thực tế. Vấn đề chất lượng việc làm chưa được quan tâm thích đáng. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khuyết tật chưa có cơ chế để bảo vệ. Tính mạng, sức khỏe của người khuyết tật vẫn bị xâm phạm khá nhiều.

Để tạo đà phát triển cho các quan hệ lao động trong những điều kiện mới và đưa Việt Nam theo kịp sự phát triển của thế giới, Nhà nước và xã hội cần nỗ lực để hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền của người khuyết tật, khắc phục những vướng mắc và tăng cường hiệu quả của việc thực thi các quy định pháp luật trong vấn đề này. Quyền của người khuyết tật sẽ được bảo vệ tốt nhất khi có cơ sở pháp lý vững chắc, đội ngũ thực thi pháp luật có trình độ, nhiệt tình, tâm huyết và đặc biệt là ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động là người khuyết tật và người sử dụng lao động được nâng cao.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


Tiếng Việt

1. Nguyễn Quốc Anh (2010), Thực trạng người khuyết tật và kết quả thực hiện chăm sóc người khuyết tật, http://www.vietnamplus.vn/hoi-thao-quoc-te-cong- uoc-ve-quyen-cua-nguoi-khuyet-tat/234329.vnp.

2. Ban điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (2006), Kết quả thực hiện pháp luật về người tàn tật 1998-2006, http://www.nccdvn.org.

3. Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương (2009), Báo cáo kết quả suy rộng mẫu tổng điều tra dân số vào nhà ở, Hà Nội.

4. Nguyễn Thị Báo (2008), Hoàn thiện pháp luật về quyền của người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay, tr.52, Luận án tiến sỹ Luật học, Hà Nội.

5. Vũ Ngọc Bình (2011), Quyền con người và người tàn tật, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội.

6. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (1995), Thông tư số 07/LĐTBXH/TT ngày 11/04/1995 hướng dẫn thực hiện một số điều của Bộ luật lao động và Nghị định số 195/CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, Hà Nội.

7. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – Bộ Tài chính – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1998), Thông tư liên tịch số 01/1998/TT-LT-BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 31/01/1998 về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ về lao động tàn tật, Hà Nội.

8. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2003), Báo cáo tham luận đánh giá 5 năm triển khai thi hành Pháp lệnh về người tàn tật, Hà Nội.

9. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – Bộ Tài chính – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2005), Thông tư liên tịch số 19/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BKHĐT hướng dẫn thi hành Nghị định số 81/CP ngày 23 tháng 11 năm 1995 và Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ngày 23/4/2004 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động là người tàn tật, Hà Nội.

Xem tất cả 126 trang.

Ngày đăng: 16/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí