việt của biện pháp bảo lãnh bằng thư tín dụng; mặt khác nó còn chứng tỏ việc các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có quan hệ mật thiết với doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó cho thấy rằng quá trình hội nhập của chúng ta đã thực chất hơn, đi vào chiều sâu hơn, nhất là sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Với doanh số bảo lãnh và tỷ trọng cơ cấu khách hàng trong hoạt động bảo lãnh của các tổ chức tín dụng nêu trên cùng với các số liệu tham khảo từ hoạt động xét xử của ngành Tòa án nhân dân, chúng ta có thể thấy rằng, với nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ như hiện nay, việc phát triển nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng là hướng đi đúng của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế đang có cơ hội to lớn để tiếp cận với nền công nghệ và khoa học tiên tiến, kỹ thuật công nghệ cao. Cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường, các doanh nghiệp tìm đến sự hỗ trợ bảo đảm về mặt tài chính cho việc thực hiện hợp đồng tại các tổ chức tín dụng là điều tất yếu khách quan.
Tuy nhiên, để khuyến khích phát triển các giao dịch có bảo đảm bằng bảo lãnh trong đời sống dân sự, một mặt cần hoàn thiện khung pháp lý về bảo lãnh. Mặt khác, cần cải cách mạnh mẽ hoạt động của Tòa án, cũng như các cơ quan hành chính nhà nước có liên quan, để các tranh chấp, yêu cầu phát sinh từ hoạt động bảo lãnh được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, người có quyền cảm thấy an tâm với nghĩa vụ được bảo lãnh.
3.2. Thực tiễn giải quyết các tranh chấp có liên quan đến bảo lãnh tại Tòa án.
Thực tế giải quyết các tranh chấp có liên quan đến hợp đồng bảo lãnh là rất đa dạng, mỗi vụ án đều có những tình tiết riêng biệt. Qua nghiên cứu khá nhiều các tranh chấp loại này, chúng tôi đã cố gắng xếp loại những vụ án có
cùng tính chất, có nhiều tình tiết tương đồng vào chung một dạng tranh chấp. Sau đây chúng tôi sẽ trích nội dung một số vụ án trong số những vụ đã nghiên cứu mà theo đánh giá là điển hình, có nhiều tình tiết đặc trưng, còn vướng mắc trong thực tiễn giải quyết tranh chấp. Chúng tôi sẽ lựa chọn những vụ án đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, nếu còn thời hạn kháng nghị thì chúng tôi không ghi tên đầy đủ của nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng như những thông tin có thể ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.
* Vụ thứ nhất có nội dung như sau: Chị Trần Thị T trú tại thôn Bí Trung, xã Phương Đông thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh có ngôi nhà và công trình phụ xây trên thửa đất rộng 160m2 tại khu cầu Sến, xã Phương Đông, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ngày 6/8/1994 chị T ký hợp đồng bảo lãnh với Ngân hàng Công thương Việt Nam, chi nhánh Uông Bí để bảo đảm cho khoản vay của hợp đồng tín dụng giữa bố đẻ của chị là ông Trần Đình Ch và Ngân hàng Công thương Uông Bí, Quảng Ninh để vay số tiền gốc là 80.000.000 đồng. Để được vay tiền, vợ chồng các con gái ông Ch là Trần Thị T và Trần Thị M đã có giấy bảo lãnh để cho bố là ông Ch vay tiền. Cụ thể đối với chị T có tài sản bảo lãnh là nhà mái bằng khoảng 40 m2 và công trình phụ được xây dựng trên diện tích đất là 160 m2 tại khu cầu Sến, xã Phương Đông, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đến ngày 30/8/1995 thì hết hạn vay, nhưng ông Ch không trả được nợ cho Ngân hàng, tính đến ngày 21/8/1999, ông Ch còn nợ Ngân hàng 52.750.000 đồng và không có khả năng thanh toán nợ.
Ngày 20/3/1999 và ngày 29/3/1999 ông Ch đã có đơn đề nghị Ngân hàng cho bán tài sản bảo lãnh của con gái là chị T để thanh toán nợ. Do có nhu cầu mua nhà nên vợ chồng chị Trần Thị N có đơn gửi Ngân hàng xin mua nhà của chị T, nhưng đơn của chị Ng không được Ngân hàng Công thương
Có thể bạn quan tâm!
- D Và 3.4.g Mục Này Mà Gây Thiệt Hại Cho Bên Bảo Lãnh Thì Bên Bảo Lãnh Có Quyền Yêu Cầu Bồi Thường Thiệt Hại Và Sử Dụng Số Tiền Bồi Thường Thiệt
- Bảo lãnh trong pháp luật dân sự Việt Nam - 9
- Thực Tiễn Hoạt Động Bảo Lãnh Thực Hiện Nghĩa Vụ Trong Giao Dịch Dân Sự
- Bảo lãnh trong pháp luật dân sự Việt Nam - 12
- Phương Hướng Hoàn Thiện Pháp Luật Về Bảo Lãnh Thực Hiện Nghĩa Vụ Trong Pháp Luật Dân Sự Việt Nam.
- Bảo lãnh trong pháp luật dân sự Việt Nam - 14
Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.
Uông Bí phê duyệt. Anh Bùi Huy V là cán bộ Ngân hàng Công thương Uông Bí với tư cách cá nhân đã giới thiệu để bên mua nhà là vợ chồng chị Ng và bên bán nhà là ông Ch gặp nhau để thỏa thuận.
Ngày 30/3/1999, chị Ng nộp 45.000.000 đồng tại Ngân hàng Công thương Uông Bí, Quảng Ninh. Cũng ngày này, ông Ch đã có văn bản bán nhà, ký nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A500809 và giao toàn bộ nhà, đất là tài sản bảo lãnh của chị T cho vợ chồng chị Ng. Hợp đồng mua bán nhà giữa ông Ch và vợ chồng chị Ng không có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền và cũng không có ý kiến của chủ nhà là chị T. Chị T đã khởi kiện.
Tại Bản án Dân sự sơ thẩm số 07/2006/DSST ngày 8/9/2006, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh áp dụng Nghị quyết số 45/2005/QH11, ngày 14/6/2005 của Quốc hội; Áp dụng các Điều 130;131;133;146;336;443;444; 447;705;707;708 và Điều 709 Bộ luật dân sự năm 1995; Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC, ngày 3/1/2002 giữa Tòa án
nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng cục Địa chính; Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Xử: tuyên bố giao dịch mua bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất giữa ông Trần Đình Ch với anh Vũ Văn S, chị Trần Thị Ng là vô hiệu. Buộc anh Vũ Văn S, chị Trần Thị Ng phải trả lại cho chị Trần Thị T toàn bộ nhà, công trình phụ như nguyên trạng và 60 m2 đất ở.
Buộc ông Trần Đình Ch phải bồi thường thiệt hại, trả cho anh Vũ Văn S, chị Trần Thị Ng với số tiền là 436.665.736 đồng (Bốn trăm ba mươi sáu triệu, sáu trăm sáu mươi lăm nghìn, bảy trăm ba sáu đồng). Nếu ông Ch không có khả năng thi hành án thì phải lấy tài sản bảo lãnh của chị Trần Thị T đã bảo lãnh cho ông Ch để bảo đảm thi hành án, theo trách nhiệm của người
bảo lãnh. Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo của các đương sự và án phí sơ thẩm.
Sau khi có bản án sơ thẩm, ngày 16 tháng 9 năm 2006, nguyên đơn là chị Trần Thị T có đơn kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm. Khi xét xử phúc thẩm bản án phúc thẩm số 02/2007/DSPT ngày 11/1/2007 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định y án sơ thẩm.
Từ nội dung của vụ án cũng như qúa trình giải quyết ở các cấp Tòa án, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề sau đây cần được làm rõ:
Đây là một vụ kiện đòi lại tài sản (nhà đất) phát sinh từ quan hệ bảo lãnh cho việc thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng tín dụng giữa ông Ch và Ngân hàng Công thương chi nhánh Uông Bí. Vì vậy, trước tiên chúng ta cần xem xét đến nội dung của hợp đồng bảo lãnh giữa chị Trần Thị T và chị Trần Thị M với Ngân hàng Công thương Uông Bí. Theo thỏa thuận thì cả chị T và chị M đều đứng ra bảo lãnh cho ông Ch (đồng bảo lãnh). Tuy nhiên, chỉ có chị T là có tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh đó là nhà và đất của chị, còn chị M thì không có tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh. Một quan hệ bảo lãnh phức tạp như vậy, song Tòa cũng không làm rõ được nghĩa vụ bảo lãnh là nghĩa vụ liên đới hay nghĩa vụ dự bị giữa người bảo lãnh và người được bảo lãnh; nghĩa vụ của những người cùng bảo lãnh là nghĩa vụ liên đới hay nghĩa vụ theo phần. Nếu nghĩa vụ bảo lãnh là nghĩa vụ dự bị thì những người bảo lãnh là chị T và chị M chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ Ngân hàng Công thương Uông Bí khi Ngân hàng chứng minh được ông Ch không còn khả năng trả nợ (việc chứng minh này phải bằng quyết định của bản án của Tòa án và quyết định Thi hành án của cơ quan thi hành án). Ngược lại, nếu nghĩa vụ bảo lãnh là nghĩa vụ liên đới thì chị T và chị M sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bảo
lãnh ngay khi đến hạn trả nợ mà ông Ch không có khả năng thanh toán (nếu Ngân hàng yêu cầu).
Đối với những người cùng bảo lãnh (chị T và chị M), Tòa cũng không làm rõ việc hai chị cùng cam kết bảo lãnh cho ông Ch là bảo lãnh liên đới hay bảo lãnh theo phần. Nếu là bảo lãnh liên đới thì Ngân hàng có thể đòi nợ ở cả hai người hoặc cũng có thể yêu cầu một trong hai người phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nếu người đó có điều kiện. Khi đó, Ngân hàng có thể chỉ yêu cầu chị T thực hiện toàn bộ nghĩa vụ bảo lãnh bởi vì chị T đã có tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh (nhà, đất của chị). Ngược lại, nếu là bảo lãnh theo phần, tức là chị T, chị M và Ngân hàng có thỏa thuận rõ về phạm vi phần nghĩa vụ của từng người bảo lãnh, khi đó chị T chỉ phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong phạm vi đã cam kết.
Vấn đề tiếp theo là việc xử lý tài sản thế chấp, Ngân hàng Công thương chi nhánh Uông Bí đã không thực hiện đúng quy trình bán phát mại tài sản thế chấp, mà chỉ giới thiệu vợ chồng chị Ng và ông Ch để hai người ký hợp đồng chuyển nhượng với nhau là không đúng. Vì rằng ông Ch không phải là chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà và mảnh đất thế chấp, do vậy ông Ch không có quyền chuyển nhượng.
Việc Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Ch và vợ chồng chị Ng vô hiệu và xác định lỗi của ông Ch để buộc phải bồi thường thiệt hại là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, Toà lại buộc chị T phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường nếu ông Ch không còn tài sản là không chính xác. Bởi vì, Chị T chỉ cam kết bảo lãnh cho nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng tín dụng ban đầu, còn khoản bồi thường thiệt hại phát sinh từ hành vi giao kết hợp đồng giữa ông Ch và vợ chồng chị Ng là nghĩa vụ không được bảo đảm. Vợ chồng chị Ng chỉ có thể yêu cầu ông Ch thực hiện mà chị T không có nghĩa vụ liên đới.
* Vụ thứ hai có nội dung như sau: Vụ án yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh giữa nguyên đơn Nguyễn Ngọc N với bị đơn là ông Phạm Tuấn Kh. Ngày 20 tháng 5 năm 2000, anh Phạm Tuấn Ch ở thôn La Khê, xã La Phù huyện P.C, tỉnh V.P (là con trai ông Phạm Tuấn Kh) làm nghề buôn bán hoa quả có hỏi vay ông Nguyễn Ngọc N số tiền là 20.000.000 đồng để gom hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Do không tin tưởng vào khả năng kinh doanh của anh Ch, mặt khác anh Ch cũng chưa có vợ con và cũng không có tài sản gì để cầm cố, thế chấp nên ông N chưa dám cho vay và hẹn đến ngày hôm sau nếu có tiền sẽ cho vay. Ngay tối hôm đó, ông N đã đến gặp ông Kh nói lại câu chuyện anh Ch có đến hỏi vay tiền ông và hỏi luôn ý kiến của ông Kh. Sau khi nghe xong, ông Kh có nói: chú cứ cho cháu nó vay nếu nó không trả được nợ cho chú thì tôi sẽ có trách nhiệm trả thay nó. Để cho chắc chắn, ông N đã yêu câu ông Kh viết mấy chữ vào giấy, thể hiện việc ông Kh đứng ra bảo lãnh cho con trai là anh Ch. Trong giấy này, ông Kh đã hứa sẽ trả nợ thay cho anh Ch nếu sau một tháng anh Ch không trả nợ ông N. Hai người đã thỏa thuận với nhau là sẽ không nói gì cho anh Ch biết để tự anh Ch phải lo liệu và có trách nhiệm với khoản nợ với ông N.
Quá trình buôn bán không thuận lợi, sau một tháng anh Ch không trả được nợ cho ông N, ông N đã đến đòi nợ nhiều lần không được. Ngày 21/12/2000, tức là sau 06 tháng cho anh Ch vay tiền, ông N đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện P.C, tỉnh V.P, yêu cầu anh Ch trả khoản nợ gốc là
20.000.000 đồng và lãi suất tổng cộng là 6.000.000 đồng, đồng thời yêu cầu ông Kh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thay cho anh Ch.
Bản án số 12/2000/DSST ngày 27/1/2001 của Tòa án nhân dân huyện
P.C đã tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N, buộc ông Kh có trách nhiệm trả cho ông N số tiền gốc là 20.000.000 đồng và tiền lãi là 6.000.000 đồng. Trong trường hợp anh Ch không có tài sản để thi hành án thì người có
quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Kh phải có trách nhiệm trả nợ thay cho anh Ch theo giấy cam kết bảo lãnh ngày 20/5/2000.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Kh cho rằng, ông chỉ cam kết trả thay số tiền 20.000.000 đồng tiền gốc, còn khoản lãi 6.000.000 đồng ông không chịu trách nhiệm. Ngày 5 tháng 2 năm 2001, ông Kh đã làm đơn kháng cáo gửi lên Tòa án nhân dân tỉnh V.P, đề nghị Tòa án tỉnh xem xét lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Tại bản án phúc thẩm dân sự số 56/2001/DSPT ngày 10/3/2001, Tòa án nhân dân tỉnh V.P đã xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm.
Trong vụ án này, các đương sự tranh chấp với nhau về phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh. Trong giấy cam kết bảo lãnh, ông Kh chỉ hứa sẽ trả nợ thay cho anh Ch nếu sau một tháng anh Ch không trả nợ ông N. Như vậy, việc cam kết bảo lãnh giữa ông Kh và ông N là không cụ thể về phạm vi nghĩa vụ được bảo lãnh. Điều này cho phép chúng ta có thể suy luận theo hai hướng khác nhau: Ông Kh cam kết trả thay con trai mình là anh Ch, tuy nhiên chỉ là trả thay phần nợ gốc là 20.000.000đ; và cũng có thể suy luận theo hướng ông Kh cam kết trả thay con trai cả khoản nợ gốc và khoản lãi phát sinh tổng cộng là 26.000.000đ.
Ngoài ra, cách tính lãi suất trong hợp đồng vay tiền giữa ông N và anh Ch của Tòa sau đó tuyên buộc người bảo lãnh phải có nghĩa vụ liên đới cũng chưa thật chính xác (lãi suất như vậy là cao quá mức quy định). Tuy nhiên, vấn đề này thuộc về kỹ năng của Tòa án, chúng tôi không có ý định phân tích sâu hơn. Vấn đề đặt ra là việc xác định phạm vi bảo lãnh từ vụ án cụ thể đây liệu đã hoàn toàn chính xác?
* Vụ thứ ba là vụ án tranh chấp Hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) và bị đơn là Công ty Xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Công ty Nông sản).
Từ năm 2000, Ngân hàng có cho Công ty Nông sản vay vốn để đầu tư dự án nhà máy chế biến nước dứa cô đặc xuất khẩu thông qua hợp đồng số 29/00/HĐ ký ngày 8/11/2000; biên bản bổ sung hợp đồng tín dụng số 01/01/PLHĐ ngày 27/12/2002; phụ lục hợp đồng tín dụng trung dài hạn số 02/01/PLHĐ ngày 8/11/2003; phụ lục hợp đồng trung dài hạn số 03/01/PLHĐ ngày 20/4/2004 và biên bản bổ sung Hợp đồng tín dụng trung dài hạn số 05/29/00/BSHĐ ngày 3/8/2004.
Tài sản bảo đảm là tài sản được đầu tư bằng vốn vay: đó là dây chuyền thiết bị sản xuất nước dứa có giá trị 2.735.400 USD. Ngoài ra, Tổng công ty Rau quả - Nông sản (gọi tắt là Tổng công ty) còn cam kết bảo lãnh vốn vay cho Công ty Nông sản thông qua Công văn 326 ngày 22 tháng 9 năm 2000.
Tính đến ngày khởi kiện tại Tòa án, dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng trung hạn và dài hạn là 1.404.780 USD và nợ lãi là 212.722,86 USD. Ngoài ra, Công ty Nông sản còn vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh thông qua các hợp đồng tín dụng ngắn hạn với tổng số dư nợ là 340.624,55 USD và 5.470 triệu đồng; nợ lãi phát sinh do chậm trả là 69.562,36 USD và 1.408.443.600 đồng.
Tài sản bảo đảm cho các hợp đồng tín dụng ngắn hạn là: xe Toyota du lịch BS 43K-6967; xe IFA tải ben BS 92k-2891; xe ôtô con YAZ BS 92k- 0970; và các khoản phải thu, hàng tồn kho của Công ty theo biên bản làm việc ngày 4/4/2005. Toàn bộ các khoản Công ty Nông sản vay của Ngân hàng đã bị quá hạn. Mặc dù đã được gia hạn nhiều lần, nhưng việc đòi nợ của Ngân hàng vẫn không thực hiện được và cũng không có khả năng thanh toán nợ.
Ngân hàng khởi kiện và đề nghị Tòa án: buộc Tổng công ty thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với khoản vay dài hạn với số tiền nợ gốc là 1.404.780.000 USD và nợ lãi là 212.722,86 USD; buộc Công ty nông sản phải trả toàn bộ số nợ vay ngắn hạn, cụ thể: nợ gốc là 340.624,55 USD và