Báo chí đồng bằng sông Cửu Long truyền thông về vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay - 2


3.1. Những thành công và nguyên nhân của báo chí Đồng bằng sông Cửu Long trong truyền thông tái cơ cấu ngành nông nghiệp 103

3.2. Những hạn chế và nguyên nhân của báo chí Đồng bằng sông Cửu Long trong truyền thông tái cơ cấu ngành nông nghiệp 114

Chương 4: NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TRUYỀN THÔNG VỀ VẤN ĐỀ TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP CỦA BÁO CHÍ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG 132

4.1. Một số vấn đề đặt ra đối với công tác truyền thông tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay 132

4.2. Các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng truyền thông về TCCNNN của báo

chí ĐBSCL 134

KẾT LUẬN 165

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 168

PHỤ LỤC 182

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 289 trang tài liệu này.


MỞ ĐẦU

Báo chí đồng bằng sông Cửu Long truyền thông về vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay - 2


1. Tính cấp thiết của đề tài

Không đầy một năm sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết bài “Gửi nông gia Việt Nam” đăng trên báo “Tấc đất” (nay là báo Nông Nghiệp) ngày 11/4/1946 khẳng định vai trò, tầm quan trọng của ngành nông nghiệp (NN) ở nước ta: “Việt Nam ta là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào NN một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông dân ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Quán triệt tư tưởng của Người, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam Đảng ta luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn lên hàng đầu, xem đây vừa là cơ sở vừa là lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. Qua 35 năm đổi mới, NN Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất to lớn, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngành NN đóng góp 18,38% GDP cả nước. Nông thôn là thị trường rộng lớn với dân số chiếm 67,64% tổng dân số cả nước. Ngành NN đã góp phần quan trọng thực hiện xóa đói giảm nghèo, đưa nước ta từ chỗ thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với 7 mặt hàng chủ lực như: xuất khẩu tiêu dùng đứng thứ nhất thế giới, cà phê và hạt điều đứng thứ hai; gạo, cao su và thủy sản đứng thứ ba và chè đứng thứ năm. Nền NN nước ta tự hào có 12 loại cây trồng, vật nuôi có năng suất thuộc vào loại nước có năng suất sinh học cao nhất thế giới là hạt điều, tiêu, cà phê, nho, dừa, cao su, gạo, chè, đay, thuốc lá, cá tra và bò sữa.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, NN nước ta phát triển chưa xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu


kém. Kinh tế nông thôn nhìn chung vẫn mang nặng tính thuần nông, quy mô sản xuất nhỏ. Sản xuất NN lấy kinh tế hộ làm động lực, nhưng quy mô kinh tế hộ đa số là nhỏ, riêng lẻ. Nông dân sản xuất nhiều nông sản nhưng lại phân tán, manh mún, không gắn kết giữa vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, vì vậy thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa rớt giá, lúc thì trồng ồ ạt, khi ùn ùn phá bỏ. Mặt khác, ngành NN còn phải đối mặt với nhiều thách thức như: nguồn tài nguyên, nhất là nguồn nước ngọt, nguồn lợi thủy sản có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, phèn hóa cục bộ, mưa lũ, hạn hán…ngày càng gia tăng, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Trong khi xu hướng phát triển của NN thế giới ngày càng hiện đại, đòi hỏi về chất lượng nông sản khắt khe hơn, mẫu mã đẹp, đa dạng, an toàn sức khỏe, thân thiện với môi trường và chi phí sản xuất thấp.

Những yếu kém trên đã cản trở việc phát huy tiềm năng to lớn của sản xuất NN và năng lực sáng tạo của người nông dân Việt Nam. Đã đến lúc phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) theo mô hình tăng trưởng mới. Ngày 10/6/2013, Chính phủ có Quyết định 899/QĐ-TTg chính thức phê duyệt Đề án TCCNNN theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mặc dù chỉ hơn 8 năm thực hiện chủ trương TCCNNN nhưng kết quả bước đầu rất đáng phấn khởi: thực hiện cơ cấu lại trong các lĩnh vực, cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, chuyển tăng trưởng dựa vào tăng số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng làm mục tiêu phấn đấu; tăng những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi. Trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản đã tăng từ 22,48% năm 2012 lên 24,95% năm 2017; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 2,69% năm 2012 lên 3,79% năm 2017. Tỷ trọng giá trị gia tăng thủy sản tăng từ 18,8% lên 20,5%, lâm nghiệp tăng từ 3,8 lên 4,5%. Các nông sản lớn, chủ lực vẫn tiếp


tục khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, bảo đảm đứng vững khi hội nhập quốc tế nên sản lượng tiếp tục tăng với chất lượng ngày càng được cải thiện. Những kết quả đó đã khẳng định chủ trương TCCNNN của Đảng, Nhà nước là rất đúng và cấp thiết hơn bao giờ.

Là vùng trọng điểm sản xuất NN của Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang tập trung thực hiện chủ trương TCCNNN. Báo chí khu vực ĐBSCL xem việc tuyên truyền “TCCNNN” là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Thời gian qua, báo chí khu vực ĐBSCL đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc cổ vũ, phản ánh những mặt tích cực cũng như những tồn tại, bất cập, những yêu cầu đặt ra trong quá trình TCCNNN. Tuy nhiên, do đề án “TCCNNN” mới được báo chí khu vực ĐBSCL đẩy mạnh truyền thông từ tháng 6.2013 nên chưa tiến hành một cuộc điều tra, nghiên cứu xã hội học nào để tìm hiểu, đánh giá về công tác truyền thông hơn 8 năm qua đã tác động như thế nào đến các cơ quan quản lý nhà nước, nông dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác. Công chúng đang yêu cầu gì từ công tác truyền thông “TCCNNN”. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng truyền thông nói chung, truyền thông vấn đề “TCCNNN” nói riêng đòi hỏi cần tiến hành những cuộc khảo sát chi tiết về chất lượng, hiệu quả của truyền thông cũng như nhu cầu, nguyện vọng của công chúng về nội dung truyền thông này.

Do đó việc tác giả chọn đề tài “Báo chí Đồng bằng sông Cửu Long truyền thông về vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay” làm luận án Tiến sĩ báo chí học là rất bức thiết, vì việc nghiên cứu này cũng phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng truyền thông của báo chí khu vực ĐBSCL và chủ trương của Đảng, Nhà nước về “TCCNNN”.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục đích

Mục đích nghiên cứu của đề tài là: Bước đầu xây dựng khung lý thuyết của vấn đề nghiên cứu; làm rò mối quan hệ giữa báo chí và


TCCNNN; khảo sát, phân tích thực trạng báo chí ở ĐBSCL truyền thông về vấn đề TCCNNN Việt Nam hiện nay, đánh giá thành công, hạn chế và chỉ ra nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế của báo chí ĐBSCL truyền thông về vấn đề này. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng truyền thông về TCCNNN của báo chí ĐBSCL trong thời gian tới.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích trên, tác giả của luận án sẽ thực hiện những nhiệm vụ sau:

- Trên cơ sở hệ thống hóa những vấn đề lý luận và tổng kết thực tiễn, luận án sẽ xây dựng khung lý thuyết báo chí ĐBSCL truyền thông về TCCNNN;

- Khảo sát, phân tích thực trạng báo chí ở ĐBSCL truyền thông về vấn đề TCCNNN Việt Nam hiện nay;

- Đánh giá những thành công, hạn chế và chỉ ra nguyên nhân của những thành công, hạn chế trong truyền thông về “TCCNNN” của báo chí khu vực ĐBSCL;

- Đưa ra những quan điểm và kiến nghị, đề xuất các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng truyền thông về vấn đề “TCCNNN” của báo chí ở ĐBSCL trong thời gian tới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu của đề tài: Báo chí ĐBSCL truyền thông về vấn đề TCCNNN Việt Nam hiện nay.

- Đối tượng khảo sát: Là các sản phẩm báo chí liên quan đến NN, TCCNNN; các nhà lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí, các nhà báo, công chúng.

- Thời gian khảo sát: từ tháng 6/2013 đến tháng 12/2017


3.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi khảo sát, nghiên cứu: Luận án tập trung khảo sát những hoạt động truyền thông của các loại hình báo chí khu vực ĐBSCL về TCCNNN thông qua tác phẩm báo chí, sản phẩm báo chí của các cơ quan báo chí. Còn các sản phẩm truyền thông khác của các cơ quan báo chí ĐBSCL, luận án chỉ nhắc đến mà không khảo sát những hoạt động này.

Việc chọn các cơ quan báo chí để khảo sát dựa vào vị trí địa lý đặc trưng của ĐBSCL: khu vực Bắc sông Hậu, khu vực Nam sông Hậu và khu vực miền biển và có đông đồng bào Khmer. Mỗi khu vực đều có 04 loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình). Gồm có 6 cơ quan báo chí với 12 loại hình báo chí, đó là:

+ Bắc sông Hậu: Báo Đồng Tháp, Đồng Tháp online (báo in và báo điện tử), Đài Phát thanh-Truyền hình Đồng Tháp (THĐT) (báo nói và truyền hình). Địa phương đi đầu trong thực hiện TCCNNN với nhiều mô hình và cách làm đột phá được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các bộ, ngành đánh giá cao.

+ Nam sông Hậu: Báo Cần Thơ và Cần Thơ Online (báo in và báo điện tử), Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố Cần Thơ (THTPCT) (báo nói và truyền hình). Cần Thơ là thủ phủ của vùng ĐBSCL nên nhiều mô hình TCCNNN được triển khai tại đây. Và địa phương này thường diễn ra các hội nghị, hội thảo phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về TCCNNN.

+ Miền biển: Báo Trà Vinh và Trà Vinh Online (báo in và báo điện tử), Đài Phát thanh - Truyền hình Trà Vinh (THTV) (báo nói và truyền hình). Tỉnh này có đặc trưng của ĐBSCL đó là kinh tế biển và có đông đồng bào Khmer.

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

4.1. Cơ sở lý luận

Việc nghiên cứu đề tài này được thực hiện dựa trên cơ sở quán triệt các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam tại các kỳ Đại hội gần đây; các


chủ trương, văn bản pháp luật của Nhà nước có liên quan đến đề án TCCNNN; khung lý thuyết về báo chí và truyền thông; khung lý thuyết về xã hội học; khung lý thuyết về truyền thông chính sách; khung lý thuyết về truyền thông phát triển.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu, tác giả sử dụng những phương pháp nghiên cứu chính sau đây:

+ Phương pháp nghiên cứu tài liệu: được tiến hành đối với các công trình khoa học lý luận về báo chí của các tác giả trong và ngoài nước đã công bố. Phương pháp này được sử dụng với mục đích khái quát, bổ sung hệ thống lý thuyết về báo chí và công tác truyền thông TCCNNN. Phương pháp này cũng được sử dụng để nghiên cứu các chủ trương, chính sách liên quan đến đề án TCCNNN, các kết quả nghiên cứu khoa học của đồng nghiệp đã được công bố, số liệu thống kê, tư liệu trong và ngoài ngành báo chí, các dữ liệu liên quan đến đề tài, những bài viết, bài nghiên cứu chuyên ngành về lĩnh vực NN, báo chí được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tác phẩm khoa học, tạp chí, báo cáo khoa học.

+ Phương pháp phân tích nội dung: dùng để đánh giá chất lượng, các yếu tố nội hàm, thông điệp của sản phẩm truyền thông về TCCNNN và để trả lời cho các câu hỏi được đặt ra trong luận án là nội dung truyền thông có phong phú, đa dạng, đúng chủ trương không? nội dung đó được truyền thông với thời lượng, liều lượng, tần suất, hình thức ra sao?... Từ đó chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của các nội dung truyền thông về TCCNNN trên các loại hình báo chí ở ĐBSCL.

Trong số tin, bài liên quan đến TCCNNN, tác giả tiếp tục phân loại và thống kê số lượng tin, bài về những nội dung cụ thể, gồm: chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các hoạt động liên quan đến TCCNNN; những mô hình sản xuất NN mới theo chủ trương TCCNNN, các


giải pháp kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất NN theo chủ trương TCCNNN; Quy hoạch sản xuất và tiêu thụ các ngành hàng nông sản; Những mô hình liên kết, xây dựng chuỗi ngành hàng TCCNNN; Phản biện những chủ trương, chính sách trong thực hiện TCCNNN.

Khảo sát về thời lượng, tần suất xuất hiện của các sản phẩm báo chí liên quan đến TCCNNN để đánh giá những ưu điểm, hạn chế và độ phù hợp với từng đối tượng công chúng của từng loại hình báo chí, cơ quan báo chí.

+ Phương pháp phỏng vấn sâu: được thực hiện với các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu hoặc quan tâm đến đề tài, lĩnh vực đang nghiên cứu; nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà chuyên môn, lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên, công chúng để có thêm thông tin chuyên sâu với nhiều quan điểm, cách nhìn khác nhau, làm cơ sở để đánh giá chất lượng truyền thông về TCCNNN của báo chí ĐBSCL. Cụ thể đã phỏng vấn: GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch và Kinh tế Nhà nước; TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển NN - Nông thôn; TS. Nguyễn Thành Tài, nguyên phó giám đốc sở NN và PTNT Đồng Tháp...và một số lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo.

+ Phương pháp tọa đàm, thảo luận nhóm thực hiện nhằm thu thập ý kiến tranh luận, phản biện, chính kiến của những người trong cuộc, trực tiếp hoặc gián tiếp tác động, tiếp nhận nội dung của các sản phẩm báo chí liên quan đến truyền thông về TCCNNN. Đối tượng được mời tham gia tọa đàm là nhà quản lý, lãnh đạo ngành NN, lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo ở tỉnh Đồng Tháp. Đây là những chủ thể, khách thể quyết định đến chất lượng nội dung của các sản phẩm báo chí truyền thông về TCCNNN.

Xem tất cả 289 trang.

Ngày đăng: 09/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí