bao nơi khác của đất nước nhưng hương vị ngai ngái đắng của cỏ cây - cái mùi đã trở thành linh hồn xứ sở núi cao, đã khiến thu miền núi có cái gì đó riêng hơn, mộc mạc hơn song tinh tế vô cùng. Cao Duy Sơn thường sử dụng một gam màu nào đó làm điểm nhấn cho bức tranh thiên nhiên của miền núi. Thu đến mang theo sắc vàng hoa cúc, thu đi sẽ để lại sắc đỏ bao trùm rừng núi: “Tiết thu đang tàn, những ngọn cây sau sau, cây núc nác đã chuyển màu đỏ sậm như tiết dê” [40,495]; “Cuối thu tất cả bỗng chuyển màu vàng rực của những cánh đồng chín rộ và thẫm đỏ của lá rừng đang tiết chuyển hàn” [42,98]. Sắc đỏ cũng trở thành gam màu mà Nguyễn Huy Thiệp dùng khi miêu tả độ tàn của mùa thu: “Bạc Kì Sinh khỏi bệnh vào cuối mùa thu. Lúc ấy rừng đang thay lá. Rặng cây sau nhà Muôn từ màu xanh chuyển sang màu đỏ như mận và màu đỏ của máu” [54].
Sẽ thật thiếu sót khi nói tới thiên nhiên miền núi mà không nhắc tới những dòng sông. Dòng sông, với người miền núi, như đã trở thành biểu tượng của cội nguồn, của sức sống từ ngàn đời nay. Nó cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ. Họ viết về dòng sông với một xúc cảm tự hào thiêng liêng, với một sự gắn bó diệu kì. Cao Duy Sơn cũng đưa những dòng sông quê mình vào trang viết. Với Lương trong Chòm ba nhà thì sông Quy là dòng sông đẹp nhất: “Chị bảo trên thế giới này chẳng đâu có sông nào đẹp như sông Quy quê mình…Mỗi khi leo lên đỉnh núi cao, nhìn dòng sông Quy lấp lóa như trở bạc ngược bắc” [42,162]. Độc giả đọc được niềm tự hào của Lương về dòng sông quê mình trong câu nói của chị. Dù đó chỉ là cảm xúc, là niềm tự hào của một cá nhân nhưng ta vẫn như bắt gặp được cả niềm tự hào của tác giả ẩn sau đó. Mỗi một con sông mang một dáng hình. Dáng hình ấy được người nghệ sĩ tạc nên để gửi gắm những xúc cảm của mình cho nên nó như mang trong mình một linh hồn. Vì lẽ đó, dòng sông trong sáng tác của Cao Duy Sơn không chỉ là nơi gửi gắm niềm tự hào của biết bao dân quê mà còn là những hình ảnh giàu tính thẩm mĩ: “Dòng sông Bắc Vọng mùa này trong xanh lạ lùng,
trên mặt sông những cánh hoa mận bồng bềnh trôi mang theo mùa xuân làm sáng cả một vùng sông nước” [38 213]. Sắc hoa hòa trong sắc nước. Không cần đặc tả mà chỉ phác họa dáng của những cánh hoa trôi trên sông hòa vào màu xanh của nước, nhà văn đã gợi được tận cùng nét mềm mại, thơ mộng và êm đềm của dòng sông quê. Những đặc tính ấy đã trở thành cảm hứng chủ đạo của nhà văn khi miêu tả hình ảnh dòng sông quê hương. Đây là con sông Dâng vào ban ngày: “con sông Dâng lấp lóa chở cả bầu trời mây bạc như một dòng thiếc” [40,60]. “Nước sông Dâng trong vắt mềm như lụa” [40,288]. Màn đêm cũng không thể phủ lên nó sắc tối mịt mùng: “Đêm, không trăng nhưng dòng sông Dâng vẫn sáng lên lấp lánh trong ánh điện hắt xuống từ những ngôi nhà hai bên bờ. Giữa dòng hàng chục mảng luồng thấp thoáng như những chiếc lá đè sóng lướt nhẹ…” [40,17]. Có thể nói, hình ảnh dòng sông trong sáng tác của Cao Duy Sơn đã mở ra một không gian khoáng đạt, nên thơ. Cố nhà văn Vi Hồng cũng viết rất nhiều về hình ảnh dòng sông nhưng chúng dường như không có nét lung linh, huyền ảo như trong sáng tác của Cao Duy Sơn mà đượm vẻ truyền kì hoang dã. Trong Đất bằng, sông, vực hiện lên với những hang thuồng luồng, “piêu ngược” (Lỗ thông hơi của thuồng luồng ở những chỗ có hang sâu, vực rộng dọc bờ sông): “Một vạt rừng sừng sững hai bên bờ nước. Lòng suối đá lởm chởm, nhiều hình thù kì lạ. Cửa hang thuồng luồng đổ xuống vực thác thuồng luồng. Từ xa chẳng ai dám đến gần…”[15,174]. Cao Duy Sơn đã miêu tả dòng sông quê hương với những câu văn giàu chất thơ và mang ý nghĩa biểu tượng để phản chiếu tâm hồn trong trẻo, sáng ngời như nước sông trong xanh, lấp lánh của con người nơi đây.
Được sống ở một vùng quê ngập tràn nắng gió, lạnh như cắt da cắt thịt nhưng cũng lại hết sức mượt mà, dịu dàng mỗi độ thu về, Cao Duy Sơn như đã thuộc từng ngọn cỏ, từng gốc cây của quê hương mình. Cộng với khả năng quan sát tinh tế, tâm hồn đa cảm, Cao Duy Sơn đã đem đến cho bạn đọc yêu văn những hình ảnh đẹp, thơ mộng nhưng cũng hết sức mộc mạc, quen thuộc
của quê hương mình. Điều đó đã khiến người đọc như được sống trong không gian Cô Sầu với đất bạt ngàn núi sông, với trời bạt ngàn mưa gió.
2.3.2. Thiên nhiên gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân miền núi
Thiên nhiên vừa là môi trường sinh thái, vừa là cơ sở thiết yếu nhất để con người tồn tại, đồng thời cũng là người bạn thiết thân của con người. Con người miền núi tựa vào thiên nhiên để sống và lao động, nuôi dưỡng thể chất, bồi đắp tình cảm và thanh lọc tâm hồn. Văn xuôi của Cao Duy Sơn thể hiện rất rõ mối quan hệ hữu cơ này.
Cô Sầu từ rất lâu rồi đã nổi tiếng với một loài cây: Cây dẻ. Cao Duy Sơn đã đưa loài cây thân thuộc của quê hương mình vào trang viết với một sự gần gũi, gắn bó sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên mà độc giả bắt gặp rất nhiều hình ảnh của loài cây ấy trong sáng tác của ông. Đó là loài cây thường mọc nhiều trong rừng, thân thẳng đứng vươn lên cao để đón ánh mặt trời: “Thằng Pồn lẩn vào một gốc dẻ ven lối đi…Trên cao kia ánh nắng xuyên qua kẽ lá, thả bóng lốm đốm quanh nơi nó đứng” [39,125]. Không chỉ trong rừng mới có, người Cô Sầu còn trồng nó ngay bên nhà như một thứ vô cùng thiết thân với họ. Có khi nó là hình ảnh gợi nhớ về một thời xa vắng: “Vẫn nguyên vậy chẳng có gì thay đổi. Ngấn đưa mắt quan sát quanh khu nhà. Cây dẻ già đứng lặng đón những bụi mưa lất phất ướt át nhắc Ngấn nhớ đến ngày đầu mới lên đây” [35,244]. Cũng có khi nó trở thanh nhân chứng cho cuộc chia tay bịn rịn của gia đình Ngấn với Diên - đứa con nuôi của họ: “Dưới gốc cây dẻ mốc meo già nua, mọi người đang đứng vây quanh con bé Điềm. Cuộc chia tay thật bịn rịn” [35,293]. Như vậy, trong sáng tác của Cao Duy Sơn, cây dẻ không đơn thuần là loài cây chỉ mọc tự nhiên tạo nên những cánh rừng dẻ bạt ngàn mà còn rất gần gũi với cuộc sống con người nơi đây.
Thiên nhiên miền núi trong những trang viết của Cao Duy Sơn hiện lên như một người bạn đặc biệt của con người. Có những khi nó là chỗ dựa tinh thần cho con người, là nơi để con người tìm đến khi ưu phiền. Một chiếc lá
rừng cũng có thể trở thành đối tượng để con người gửi trọn tâm trạng mình: “Bứt một chiếc lá cây bên đường Thim đưa lên môi, một điệu kèn lá như bơi vào giữa cánh rừng bạt ngàn, bầu trời cao rộng ngăn ngắt khe khẽ ngiêng tai lắng nghe cái điệu kèn buồn như làn khói trấu gieo chậm trong nắng vàng vắng lặng. Điệu kèn Thim dành riêng cho mình một nỗi buồn mà chỉ riêng mình mới thấm được hết nó mà chẳng muốn rơi vào tai ai” [36,19]. Nỗi buồn Thim mang như đang tỏa vào không gian lan đến tận trời cao nhờ tiếng kèn lá. Không thể sẻ chia với con người nhưng nỗi buồn ấy, Thim đã gửi vào thiên nhiên như để trải lòng. Có những điều không thể nói, không thể sẻ chia cùng ai thì họ tìm đến với thiên nhiên bởi khi hòa mình vào thiên nhiên họ như quên đi những buồn đau để được sống với chính mình: “Đặt đôi thùng gỗ bên mỏ nước chảy ra từ chân núi sau nhà, Mảy Lìn nhẹ nhàng bước xuống từng bậc đá. Ngồi đây thị thấy ấm hơn, bên nguồn nước như chiếc gương tròn, đang nén hơi loang ra như khói, thị thấy mình trong đó, chợt không dám ngắm, không muốn nhìn lại những mệt mỏi âu lo...Vục nước ấp lên mặt, thị thấy mình tỉnh táo lại. Mỗi sáng ra gánh nước thị thường ngồi lại đây, chút thảnh thơi dù ít ỏi nhưng cũng đủ để quên đi chốc lát nỗi cô đơn và cởi bỏ phần nào những nhọc nhằn nặng nề trong lòng. Sống trong cái khổ mãi rồi cũng quen, nhưng trong nỗi buồn tiếp diễn như không bao giờ chấm dứt cũng dễ dẫn con người ta tìm đến cái chết để giải thoát. Thị cũng đã từng nghĩ đến điều đó những chính những lúc như thế này, khi chỉ một mình với nước với núi thị đã dành cho mình phút thảnh thơi nhìn lại mình, thấy được con, tưởng tượng về con, thì thầm với chúng, thoát khỏi sự trầm uất và lại hy vọng, hy vọng…” [38,188-189]. Cái mát lành, trong vắt của nước suối đã xóa đi những mệt mỏi về cả tinh thần lẫn thể xác của Mảy Lìn. Núi nước hiền hòa như bao bọc lấy cô, gieo mầm hy vọng cho tâm hồn để cô tiếp tục sống, vượt qua những tháng ngày cực nhọc, nuôi một mong ước sớm được gặp và sống cùng những đứa con thương yêu. Tâm hồn con người thật kì diệu. Đôi khi chỉ một khung cảnh, một chiếc lá thậm chí là chỉ một mùi
Có thể bạn quan tâm!
- Con Người Trung Thực, Thủy Chung, Giàu Lòng Vị Tha
- Cảm Hứng Về Những Giá Trị Văn Hóa Truyền Thống Của Đồng Bào Dân Tộc Thiểu Số
- Cảm Hứng Trữ Tình Về Thiên Nhiên Miền Núi
- Xây Dựng Thế Giới Nhân Vật Phân Cực Thiện - Ác
- Bản sắc văn hoá dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn - 11
- Sử Dụng Thành Ngữ, Tục Ngữ Giàu Sắc Thái Địa Phương
Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.
hương thôi cũng đã đủ để con người lấy lại tinh thần. Thế mới thấy thiên nhiên quan trọng như thế nào đối với cuộc sống con người. Những giằng xé tâm can, những cảm giác tội lỗi, khó xử... của người đàn ông yêu cả hai người đàn bà và tất cả họ đang sống chung dưới một mái nhà đã đẩy người đàn ông ấy tìm đến với thiên nhiên. Ông “tha thẩn bên cây Mộc Vương. Dường như ông muốn tìm sự bình yên trong hương thơm dịu êm” [41,161]. Đó là hương thơm của hoa Mộc Vương - một loài cây “chỉ ưa sống trên núi cao giá lạnh” [41,160]. Chỉ khi đến với thiên nhiên, ông mới tìm lại cho mình được những giây phút bình yên trong tâm hồn, dứt bỏ được những giằng xé yêu thương.
Không chỉ như một liều thuốc giúp tâm hồn con người thư thái hơn, thiên nhiên còn xoa dịu nỗi đau tinh thần, còn tưới tắm, làm tươi mới cho tâm hồn con người. Mạc đã tìm đến với con sông Quy để gột rửa thân xác, gột rửa những đớn đau, tăm tối của quá khứ để sống cho hiện tại: “Trước khi làm những việc đó ta sẽ ra sông Quy tắm táp, tẩy rửa cho sạch sẽ thân thể, sự thay đổi bề ngoài sẽ giúp ta đến với mọi người dễ dàng hơn. Rời khỏi ngôi nhà hoang, Mạc đi về phía sông Quy với tâm trạng phấn chấn lạ thường” [39,46]. Không chỉ dòng sông mà màn đêm, ánh sáng mặt trời cũng xoa dịu những đớn đau về tinh thần mà Mạc đang phải chịu đựng: “Cám ơn màn đêm đã cho ta một giấc mơ tuyệt đẹp. Ta đã gặp lại An - tình yêu và nỗi buồn của ta…Cám ơn mặt trời của rừng núi. Người đã mang đến cho ta một sinh khí mới, một sức mạnh không gì cản phá nổi” [39,151-152]. Bóng tối và ánh sáng đã đem lại những thay đổi kì diệu, mạnh mẽ trong tâm hồn Mạc. Bóng tối đã giúp anh nhận ra mình đang sống những tháng ngày hoài phí với quá khứ đớn đau. Ánh sáng đem lại cho anh một quyết định mới: Phải làm một việc có ý nghĩa cho bản thân và cho người mình yêu thương để bắt đầu một cuộc sống mới. Hành trình từ bóng tối ra ánh sáng của đời sống tâm hồn Mạc chính là do thiên nhiên đem lại.
Trong sáng tác của Cao Duy Sơn, có những mảnh đời mà thiên nhiên núi rừng đã trở thành ngôi nhà lớn che chở cho cuộc đời họ. Rừng núi bao bọc lấy
họ để họ được sống cuộc đời bình yên. Đó chính đại ngàn không một bóng người qua lại trong truyện ngắn Nơi đây không một bóng người. Lớp lông bao phủ trên người Ò Lình ngay từ khi nó mới sinh ra là nguyên nhân chính của sự chạy trốn của hai mẹ con nó. Lớp lông ấy khiến cho nó giống một con khỉ hơn một con người. Vì vậy hai mẹ con phải nương nhờ rừng hủi -“một khu rừng không ai dám đặt chân đến” [37,80]. Ở đây, cây cối, loài vật cung cấp cho họ thức ăn, con suối cho họ nước uống, hang động cho họ nơi trú ngụ… Rừng đã bao bọc để đem lại sự yên bình cho cuộc sống của họ. Ngay cả khi sự sống không còn, con người cũng trở về với vòng tay thiên nhiên: “Người dân Cô Sầu đã đặt Tài Pẩu nằm trên một ngọn đồi cao, nơi có những cây dẻ cổ thụ, bốn mùa đầy nắng và gió” [38,96].
Thiên nhiên miền núi xuất hiện trong những trang viết đầu tiên về nó mang vẻ kì lạ, gợi trí tò mò, thậm chí là sợ hãi của người đọc. Bởi các tác giả như Thế Lữ, Đái Đức Tuấn…đã nhìn nó với cái nhìn của người ngoài cuộc nên không tránh khỏi sự cường điệu, có khi sai lệch. Khi các nhà văn người dân tộc thiểu số viết về chính vùng đất quê hương họ thì điều đó đã không còn. Đến với những trang viết của Cao Duy Sơn thì “không một sắc màu, không một sự sáng tạo nào của con người có thể sánh nổi” [40,147] với bức tranh tuyệt diệu của thiên nhiên núi rừng. Đó là một thiên nhiên rất đặc trưng của vùng Đông Cao Bằng. Nó như những sinh thể với đời sống nội tâm phong phú, khá phúc tạp: Dịu dàng, hiền hòa đấy nhưng cũng dữ dội và khắc nghiệt vô cùng. Nó còn hiện lên với tấm lòng bao dung như người mẹ nuôi dưỡng, chở che cho những đớn đau, bất hạnh của con người. Chính vì thế mà con người nơi đây đã “yêu mảnh đất này với tình yêu của con với cha mẹ” [40,147].
Thiên nhiên vùng núi không phải chỉ có trong những trang viết của Cao Duy Sơn mà độc giả cũng có thể bắt gặp nó trong sáng tác của rất nhiều nhà văn viết về đề tài miền núi như Triều Ân, Vi Hồng, Đoàn Lư…Tuy nhiên, cùng là thiên nhiên miền núi nhưng không phải cách khai thác nào cũng giống nhau.
Văn xuôi Vi Hồng thường rất chú ý đến thiên nhiên nhưng “câu chữ nhiều khi hơi quá trau chuốt nên dễ lẫn với văn học Kinh” [30,80]. Còn thiên nhiên trong văn xuôi của Cao Duy Sơn thiên về gợi nhiều hơn tả. Bên cạnh đó, cái làm nên nét đặc sắc trong những trang viết về thiên nhiên của Cao Duy Sơn xuất phát từ chính sự “thuộc” văn hóa, “thuộc” vùng đất Cô Sầu đến nhuần nhuyễn của nhà văn. Vì thế thiên nhiên trong sáng tác của Cao Duy Sơn hiện lên không chỉ đậm sắc màu miền núi mà còn hết sức chân thực, thiết thân với cuộc sống con người. Có những khi nó đã trở thành người bạn tâm giao của rất nhiều những tâm hồn khổ đau, bất hạnh. Với tình yêu thiết tha, sâu lắng dành cho quê hương, Cao Duy Sơn đã dồn tâm huyết để khắc họa được những khung cảnh thiên nhiên với đủ mọi khía cạnh, mọi góc độ.
Với một mong mỏi khôn cùng là “viết văn để trả nợ quê hương”, để ghi danh xứ sở “U tì quốc”, Cao Duy Sơn đã để cả sự nghiệp văn chương của mình gắn với địa danh Cô Sầu. Con người, cuộc sống và thiên nhiên nơi đây đã được nhà văn miêu tả một cách sinh động, chân thực với tất cả tấm lòng yêu mến và gắn bó. Việc làm ấy giúp ông chuyển được điệu hồn, điệu cảm của con người và cuộc sống, của cỏ cây và đất trời quê hương ông tới bạn đọc mọi miền Tổ quốc. Độc giả vừa ngỡ ngàng trìu mến, vừa thích thú say mê đón nhận những mạch nguồn cảm hứng mang đậm sắc thái dân tộc trên từng trang viết của tác giả. Những cảm hứng ấy được chắt lọc từ những “vỉa tầng văn hóa nguyên bản” mà vẫn tươi ròng chất sống của vùng đất Cổ Lâu, từ tấm lòng nhân bản, hướng tới những giá trị Chân - Thiện - Mĩ của nhà văn Cao Duy Sơn.
Chương 3
MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG SÁNG TÁC CỦA CAO DUY SƠN
Nghệ thuật trần thuật trong văn xuôi bao gồm rất nhiều phương diện: cốt truyện, kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu, nhân vật…Tuy nhiên, do khuôn khổ của luận văn, chúng tôi chỉ tập trung vào một số phương diện nghệ thuật đặc sắc thể hiện rõ nét bản sắc dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn.
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.1.1. Miêu tả ngoại hình
Nhân vật văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan về con người qua sáng tạo của nhà văn. Nó là phương tiện cơ bản để nhà văn phản ánh, khái quát hiện thực, qua đó thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá, thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình đối với con người và cuộc sống. Có nhiều nhà văn coi việc xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình là một trong những thủ pháp quan trọng để thể hiện tính cách và số phận nhân vật. Tuy nhiên, cũng có những nhà văn lại không coi đó là thủ pháp đắc lực. Trong quá trình xây dựng nhân vật, Cao Duy Sơn ít đi sâu đặc tả ngoại hình nhân vật nhưng với sự kế thừa cách miêu tả truyền thống kết hợp với bút pháp miêu tả hiện đại, những nhân vật của ông vẫn hiện lên với nét riêng độc đáo.
Đặc điểm nổi bật trong thủ pháp miêu tả ngoại hình nhân vật của Cao Duy Sơn là ít miêu tả trực tiếp mà thường dùng phép so sánh liên tưởng. Nhà văn mượn vẻ đẹp của thiên nhiên để nói tới vẻ đẹp ngoại hình của con người. Có khi nhà văn sử dụng thủ pháp so sánh liên tưởng để miêu tả vẻ đẹp của khuôn mặt: “Mặt nàng đẹp như bông đào trong nắng” [41,93]; của mái tóc: “mái tóc bồng bềnh như mây trôi.” [35,44]; của cánh tay: “mềm như con suối” [35,256]…Thủ pháp này được nhiều nhà văn dân tộc thiểu số sử dụng như một