Khái Quát Kết Quả Nghiên Cứu Của Các Công Trình Khoa Học Đã Công Bố Và Những Vấn Đề Luận Án Tiếp Tục Nghiên Cứu Giải Quyết

18


dựng môi trường sư phạm mang tính nhân văn dựa trên nền tảng các giá trị; thứ hai, tăng cường giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; thứ ba, nâng cao ý thức tự giáo dục, tự đánh giá, tự rèn luyện của sinh viên sư phạm.

- Bàn về ý thức chính trị của sinh viên được đề cập đến trong công trình: Phạm Đình Khuê (2016), Ý thức chính trị của sinh viên ở nước ta hiện nay - thực trạng và những vấn đề đặt ra [91]; Công trình đã làm rõ những vấn đề lý luận về ý thức chính trị của sinh viên, thực trạng ý thức chính trị của sinh viên, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp nâng cao ý thức chính trị cho sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, tác giả đã xác định những vấn đề đặt ra đối với việc nâng cao ý thức chính trị của sinh viên Việt Nam hiện nay xuất phát từ trong nội tại bản thân sinh viên; từ môi trường giáo dục, xã hội và từ những chính sách liên quan trực tiếp đến quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên.

- Lê Thị Hà (2017), Đổi mới phương thức lãnh đạo của các tỉnh ủy vùng Bắc Trung Bộ đối với công tác thanh niên giai đoạn hiện nay [62]. Công trình đã khẳng định Bắc Trung Bộ là “vùng đất thép” của Tổ quốc, là địa bàn có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự ổn định và phát triển của cả nước. Để khai thác và phát huy tiềm năng hiệu quả của vùng, cần phải phát huy mạnh mẽ nguồn nhân lực, nhất là thanh niên - lực lượng chiếm hơn 30% dân số và 55% lực lượng lao động. Tuy nhiên, tình hình thanh niên cũng đang diễn biến phức tạp, một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước. Bên cạnh đó, tác giả còn chỉ ra một số hạn chế về trình độ học vấn, thiếu kiến thức và kỹ năng trong hội nhập quốc tế; tính độc lập, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên đang gia tăng và diễn biến phức tạp…

- Nguyễn Quang Hùng (2018), Niềm tin chính trị của sinh viên Việt Nam hiện nay [84]. Công trình đã xây dựng và áp dụng một khung lý thuyết khoa học tương đối hoàn chỉnh về niềm tin chính trị với tư cách là một nhân tố cấu thành của văn hoá chính trị để luận giải và làm rõ niềm tin chính trị của sinh viên. Tác giả nghiên cứu niềm tin chính trị của sinh viên bao gồm các khái niệm, cơ chế hình thành, cấu trúc, đặc điểm và chức năng. Tác giả đã phân tích và làm rõ khái niệm, đặc điểm sinh viên, trong đó, tác giả nhấn mạnh đặc điểm nổi trội: thứ


nhất, sinh viên Việt Nam hiện nay đang sống, học tập và rèn luyện trong bối cảnh nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới; thứ hai, thế hệ sinh viên ngày nay được sống, lao động, học tập trong môi trường hòa bình; thứ ba, sinh ra và lớn lên trong môi trường thông tin đa chiều và xu thế hội nhập quốc tế.

- Lối sống chính là phương thức sống, là dạng hoạt động của con người, chịu sự quy định của toàn bộ điều kiện sống của con người. Do đó, lối sống của sinh viên cũng chính là một biểu hiện của bản lĩnh chính trị. Bàn về lối sống của sinh viên từ trước đến nay có nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau: Lưu Văn Minh, Trần Văn Kham (2016), Giá trị trong lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay: thực trạng và xu hướng (nghiên cứu tại Hà Nội) [119]; Ban Tuyên giáo Trung ương (2013), Những biến đổi lệch lạc trong đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên hiện nay - thực trạng và các giải pháp khắc phục [10]; Đào Thị Trang (2018), Giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay [160]; Nguyễn Văn Hiếu (2018), Kế thừa giá trị lối sống truyền thống dân tộc trong việc xây dựng lối sống mới cho sinh viên Việt Nam hiện nay [66]…

- Để thực hiện mục tiêu đào tạo sinh viên phát triển toàn diện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên càng trở nên bức thiết. Bàn về đạo đức sinh viên hiện nay có nhiều công trình đề cập đến: Trần Sỹ Phán (2016), Giáo dục đạo đức với sự phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay [128]; Lương Gia Ban, Nguyễn Thế Kiệt (Đồng chủ biên, 2013), Giáo dục đạo đức mới cho sinh viên trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay [11]; Trần Thị Minh Ngọc (2014), “Đạo đức sinh viên Việt Nam thực trạng và giải pháp” [125]; Nguyễn Thị Thanh Hà (2014), Giá trị đạo đức truyền thống dân tộc với việc xây dựng lối sống mới cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay [59]; Nguyễn Thị Hoài (2018), Giáo dục đạo đức cho sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay [68]; Lương Thị Thúy Nga (2019), Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên đại học Thái Nguyên hiện nay [121]; Phùng Thu Hiền (2015), Giáo dục đạo đức truyền thống với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Qua thực tế các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội) [65]; Mai Thị Ngọc Bích (2020), Sự lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên đại học Thái Nguyên hiện nay [13]…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 194 trang tài liệu này.


Sinh viên các trường đại học là một lực lượng quan trọng, khá đông đảo, đã và đang rèn luyện và học tập tích cực để chuẩn bị hành trang bước vào tương lai. Ở các địa phương, họ đã và đang thể hiện vai trò xung kích, tiên phong, nêu gương trong từng gia đình, trong từng dòng họ, ở từng thôn xóm, làng quê... Thế nhưng, cho đến nay, chưa có công trình khoa học nào đề cập một cách sâu sắc, toàn diện đến bản lĩnh chính trị của họ dưới góc độ chính trị học. Khoảng trống khoa học đó, cho thấy rằng cần có sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học, sự quan tâm của các cấp, các ngành, các trường đại học, các địa phương để tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực cao cho đất nước.

Bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ - 4

1.2. Khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công bố và những vấn đề luận án tiếp tục nghiên cứu giải quyết

1.2.1. Khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công bố có liên quan đến đề tài luận án

Thứ nhất, các công trình đã khẳng định vai trò quan trọng của thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên; đồng thời, khẳng định sự cần thiết phải trang bị cho họ hệ thống tri thức, bản lĩnh chính trị để họ đủ phẩm chất, năng lực trong hành trang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các công trình đều đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ để họ trở thành con người toàn diện như niềm tin và sự kỳ vọng mà xã hội đã dành cho họ. Trước những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực trong đời sống xã hội hiện nay, bản lĩnh chính trị của thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên trở thành vấn đề có ý nghĩa quan trọng, là điểm tựa để họ vững tin trước những thử thách của cuộc sống. Đây được coi là tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu các nội dung liên quan đến luận án.

Thứ hai, khái niệm bản lĩnh và bản lĩnh chính trị được các nhà khoa học quan tâm bàn sâu. Bản lĩnh được khẳng định là phạm trù tổng hợp của nhiều đức tính, phẩm chất gắn liền với tính chủ thể, gắn liền với mỗi cá nhân; là kết quả của quá trình đào luyện và phấn đấu của chủ thể chính trị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập và rèn luyện trên giảng đường đại học.

Thứ ba, có khá nhiều công trình nghiên cứu về bản lĩnh chính trị gắn liền với các chủ thể. Khi con người đạt đến một trình độ nhận thức nhất định và biểu hiện thông qua hành động phù hợp thì sẽ có bản lĩnh chính trị. Nghiên cứu bản

21


lĩnh chính trị của từng chủ thể mang tính đặc thù có thể thấy: 1) Bản lĩnh chính trị bao giờ cũng gắn liền với chủ thể, mang đặc trưng của chủ thể; 2) Bản lĩnh chính trị là phẩm chất quan trọng và cần thiết của mỗi cá nhân; 3) Bản lĩnh chính trị có cấu trúc bao gồm tổng hòa của nhiều đức tính, phẩm chất. Mỗi cấu trúc của bản lĩnh chính trị là một cái riêng sâu sắc mang tính chủ thể và tương đối hoàn chỉnh về mặt nội dung. Đây là một nguồn tư liệu quý giá để tác giả tham khảo khi xây dựng cấu trúc bản lĩnh chính trị của sinh viên.

Thứ tư, sinh viên là đối tượng được các nhà khoa học trong nước và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Mặc dù các công trình nghiên cứu đề cập đến sinh viên trên nhiều phương diện khác nhau nhưng đều có chung nhận định, sinh viên là lực lượng mang lại sự kỳ vọng lớn lao cho đất nước với những đặc trưng nổi trội cả về ưu điểm lẫn hạn chế. Để sinh viên phát triển toàn diện theo đúng định hướng phát huy nguồn lực con người trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân sinh viên còn có sự tác động mạnh mẽ và nhiều chiều từ những yếu tố khách quan.

Như vậy, các nhà khoa học đã bàn đến một số nội dung liên quan đến bản lĩnh chính trị của sinh viên. Các công trình này trở thành những chỉ dẫn định hướng, cung cấp những cơ sở ban đầu cho việc nghiên cứu bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học về cả lý luận và thực tiễn. Trong quá trình triển khai thực hiện đề tài, nghiên cứu sinh trân trọng kế thừa và tiếp thu có chọn lọc kết quả nghiên cứu của những công trình đã công bố ở trên. Dựa vào phân tích trên có thể khẳng định, vấn đề bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học chưa trở thành đối tượng nghiên cứu của một công trình khoa học nào. Đây là một khoảng trống khoa học cần được bổ sung, nghiên cứu nhằm góp phần làm sáng tỏ vai trò bản lĩnh chính trị của sinh viên và sự cần thiết phải tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

1.2.2. Những vấn đề luận án cần tập trung nghiên cứu giải quyết

Nghiên cứu về bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, góp phần quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động xung kích, tình nguyện, sáng tạo; phát huy tiềm năng và thế mạnh của sinh viên các trường đại học trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở kế thừa có


chọn lọc những kết quả nghiên cứu đã công bố, để làm rõ đề tài bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ, luận án cần tiếp tục giải quyết những vấn đề cơ bản sau:

Một là, luận giải khung lý thuyết khoa học về bản lĩnh chính trị của sinh viên bao gồm: Khái niệm, nội dung, những yếu tố tác động bản lĩnh chính trị của sinh viên.

Làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận về bản lĩnh chính trị và bản lĩnh chính trị của sinh viên; làm nổi bật những yếu tố tác động và sự cần thiết phải tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên. Đặc biệt, chỉ ra và phân tích cấu trúc bản lĩnh chính trị của sinh viên và sự ảnh hưởng của những yếu tố đó đến quá trình thực hiện vai trò và nhiệm vụ của sinh viên các trường đại học hiện nay.

Hai là, phân tích thực trạng, phân tích nguyên nhân của thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ.

Phân tích, đánh giá những điểm căn bản, khác biệt về thực trạng bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ qua các nội dung chủ yếu là lập trường chính trị, phẩm chất chính trị, năng lực chính trị, dũng khí chính trị. Dựa vào khung lý luận đã xây dựng, luận án chỉ ra nguyên nhân thực trạng, trên cơ sở đó, làm rõ hơn những vấn đề đặt ra nhằm tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ.

Ba là, xây dựng quan điểm và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu lý luận và thực trạng bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ, luận án cần xây dựng quan điểm và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên. Luận án cần tập trung vào các giải pháp cơ bản để có thể giải quyết tốt những tiêu cực đã và đang tác động đến bản lĩnh chính trị của một số sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ hiện nay. Cần chú trọng và quan tâm đến các giải pháp nhằm khơi dậy và phát huy nghị lực vươn lên của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ trước những biến động phức tạp của tình hình chính trị - xã hội trong nước và thế giới.


Kết luận chương 1

Các công trình nghiên cứu trong nước và ngoài nước đã có những đóng góp nhất định đối với vấn đề bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ. Bản lĩnh chính trị được khẳng định là tổng hòa của nhiều phẩm chất hay đức tính mang tính chủ thể, do đó, gắn liền với mỗi chủ thể. Các công trình cũng đã khẳng định, đối với mỗi người, bản lĩnh chính trị là đức tính cần thiết và do đó, cần xây dựng các giải pháp mang tính toàn diện để tăng cường giáo dục, rèn luyện, điều chỉnh nhận thức và hành vi đúng đắn cho mỗi chủ thể, mang lại ý nghĩa tích cực cho cộng đồng, cho đất nước.

Tuy nhiên, từ góc độ chính trị học, chưa có công trình nghiên cứu phân tích một cách có hệ thống cơ sở lý luận, đồng thời khảo sát đánh giá thực trạng để xây dựng quan điểm và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ. Do đó, luận án kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước và tiếp tục phát triển cơ sở lý luận về vấn đề bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ ở những chương sau của luận án là vấn đề hoàn toàn mới, không trùng lặp với các công trình khoa học đã được công bố.


Chương 2

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN

VỀ BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ CỦA SINH VIÊN


2.1. Một số khái niệm có liên quan

2.1.1. Khái niệm bản lĩnh chính trị

2.1.1.1. Bản lĩnh

Có nhiều quan niệm và cách tiếp cận khác nhau về bản lĩnh.

Trong Tâm lý học, bản lĩnh được hiểu là một phẩm chất của nhân cách mà thành phần cốt lõi là ý chí của con người được thể hiện ra trong hoạt động thực tiễn bao gồm các phẩm chất cơ bản như: tính mục đích, tính kiên định - vững vàng, tính kiên trì - bền bỉ, tính độc lập - tự chủ. Theo đó, nếu không có lòng dũng cảm, tính kiên trì và quyết tâm thì không thể xuất hiện bản lĩnh; ngược lại, nếu cả nể, tham lam và dễ dao động thì cũng không thể có bản lĩnh.

Theo Từ điển tiếng Việt, bản lĩnh là “đức tính tự quyết định một cách độc lập thái độ, các hành động của mình” [168; tr.350]. Như vậy, hai yếu tố tạo nên bản lĩnh đó là ý thức và hành động của con người. Bản lĩnh được nói đến khi có sự vững vàng, tự chủ và từng trải của con người trong cuộc sống và hoạt động.

Bản lĩnh được xem xét trong mối quan hệ với các phẩm chất khác của con người bởi con người có bản lĩnh là lúc họ có khả năng và ý chí làm chủ cuộc sống của mình. Do đó, “bản lĩnh có thể hiểu là một phẩm chất xã hội cơ bản, tổng hợp của con người, phản ánh trình độ cao của việc làm chủ tự nhiên, xã hội và bản thân của con người, thể hiện sự vững vàng trước mọi khó khăn thử thách, kiên định thực hiện mục đích đã chọn” [131; tr.33].

Bản lĩnh được biểu hiện ở trình độ làm chủ, khẳng định vai trò chủ thể của con người trong mối quan hệ biện chứng với thế giới và với chính mình. Về thực chất, bản lĩnh là năng lực làm chủ cuộc sống và hoạt động của con người: “bản lĩnh là một phẩm chất xã hội cơ bản, tổng hợp của con người, bảo đảm cho con người làm chủ cuộc sống và hoạt động của mình, vững vàng trước mọi khó khăn thử thách, kiên quyết đạt đến mục đích” [27; tr.31].

Quan niệm cho rằng, bản lĩnh là khái niệm thuộc phần người, tức là phần xã hội cho nên nó chỉ có ý nghĩa đối với con người sống trong xã hội. “Đây là phẩm chất có tính tổng hợp của con người, nó thể hiện ở tính kiên định và khả năng quyết định một cách độc lập thái độ, hành vi (hành động) của chủ thể


(người); không vì một tác động, áp lực bên ngoài nào làm thay đổi quan điểm, thay đổi chí hướng của mình; bằng ý chí và năng lực của mình, chủ thể quyết tâm thực hiện mục đích theo hướng kiên định của chủ thể” [144; tr.11].

Bản lĩnh là đức tính rất quan trọng đảm bảo cho thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Bản lĩnh là kết quả của quá trình rèn luyện trên nhiều lĩnh vực, giúp con người đứng vững trước những hoàn cảnh phức tạp và tình huống chính trị - xã hội có sự biến động. Bản lĩnh được khẳng định bao gồm những đặc điểm bên trong mang tính cốt lõi, đó là năng lực tiềm tàng và ổn định của con người. Bởi vậy, “bản lĩnh là yếu tố tạo nên giá trị của một con người, là mặt thực tiễn - hiệu quả của nhân cách. Bản lĩnh chỉ có ở con người, là sản phẩm của sự phát triển xã hội, là yếu tố để giúp con người thể hiện đúng mình, làm chủ bản thân mình trước những biến đổi đa chiều của cuộc sống xã hội” [143; tr.14-15].

Tiếp cận bản lĩnh ở các góc độ khác nhau chỉ là tương đối, bởi chúng có mối quan hệ tác động qua lại với nhau, là tiền đề, điều kiện của nhau, xâm nhập vào nhau và có thể chuyển hóa lẫn nhau. Bản lĩnh chỉ được hình thành và xuất hiện trong những hoàn cảnh cụ thể của con người như hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, nghiên cứu khoa học, thể thao, tôn giáo... Bản lĩnh thể hiện ở tính độc lập, tự chủ trong nhận thức, thái độ, hành vi; tính kiên định, vững vàng không vì một áp lực, một tác động bên ngoài nào làm thay đổi quan điểm, thay đổi chí hướng của mình; bằng ý chí và tài năng của mình để kiên trì, bền bỉ, quyết tâm thực hiện bằng được mục đích, lý tưởng mà mình đã chọn.

Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, bản lĩnh là phẩm chất tự quyết định một cách độc lập, sáng tạo suy nghĩ, thái độ và hành động của chủ thể mà không bị dao động trước bất cứ tác động nào từ bên ngoài, là sự vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách và kiên quyết thực hiện mục đích đã xác định ở một giai đoạn lịch sử cụ thể xác định.

2.1.1.2. Chính trị

Chính trị là một trong những lĩnh vực hoạt động cơ bản của đời sống xã hội kể từ khi xã hội phân chia thành giai cấp và nhà nước ra đời. Cho đến nay, có nhiều cách hiểu, cách định nghĩa khác nhau về chính trị.

Thuật ngữ chính trị (Politics) trong ngôn ngữ phương Tây ngày nay bắt nguồn từ chữ Hy Lạp có nguồn gốc là từ thành bang (Polis). Theo đó, chính trị là công việc của nhà nước.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/12/2022