2.3.3.2. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe khách liên tỉnh
Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có hệ thông bến xe khách phân bố rải rác khắp Thành phố với 9 bến xe: Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Lương Yên, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng. Các bến xe này là nơi tập trung của các xe khách liên tỉnh. Tính đến năm 2013, chỉ riêng các doanh nghiệp đăng ký vận tải hành khách bằng xe khách ở Hà Nội có trên 1000 doanh nghiệp. Hàng ngày, trung bình số lượt xe ra vào bến ở một số bến xe lớn như Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát khoảng trên 1000 lượt. Với số doanh nghiệp trên, hiện tại ở Thành phố Hà Nội đang quản lý trên 10000 đầu xe khách liên tỉnh, tiêu biểu là các tuyến liên tỉnh như: Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Thanh Hóa, Hà Nội - Nghệ An, Hà Nội - Hải Phòng,…
Với đặc điểm tình hình như trên, trong những năm qua, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã nỗ lực thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng xe khách liên tỉnh.
Qua khảo sát năm 2013 tại hai Bến xe khách Mỹ Đình và Giáp Bát, với 240 tuyến xe khách tương đương với gần 100 doanh nghiệp, đã phát hiện và xử lý 63 trường hợp vi phạm, với những lỗi điển hình như: Chạy sai luồng tuyến, không có nhân viên phục vụ, không đóng cửu lên xuống khi xe đang chạy, không niêm yết tiêu chuẩn chất lượng, sai giờ xuất bến, chở quá số người quy định,… Số trường hợp vi phạm của xe khách liên tỉnh đã giảm gần 40 trường hợp so với năm 2012.
Như vậy, có thể thấy, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe khách liên tỉnh đang dần đi vào sự hoạt động có quy củ hơn, ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe khách liên tỉnh ngày càng được nâng cao.
Những thành tựu đạt được kể trên chứng tỏ hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc vận tải hành khách bằng xe khách liên tỉnh của lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội ngày càng được nâng cao. Số lượng vi phạm hành chính của các doanh nghiệp vận tải hành khách có chiều hướng giảm đáng kể, chất lượng phục vụ được nâng cao, tạo niềm tin trong nhân dân khi tham gia giao thông bằng xe khách liên tỉnh, giảm ùn tắc và đảm bảo trật tự an toàn giao thông xung quanh khu vực bến xe.
Mặc dù đã kiểm tra, xử lý khá triệt để nhưng tình trạng vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe khách liên tỉnh trên địa bàn Thành phố vẫn tiếp tục tái diễn. Đặc biệt là tình trạng xe “rùa bò”, xe dù, xe chạy vượt tuyến, chở quá số người quy định, bắt khách dọc đường, đón trả khách không đúng nơi qui định,….vẫn diễn ra thường xuyên, gây mất trật tự an toàn giao thông, làm lộn xộn, tắc nghẽn nơi khu vực bến xe và quanh bến xe, gây khó khăn cho hoạt động quản lý của cơ quan có thẩm quyền, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân khi tham gia giao thông bằng xe khách liên tỉnh.
2.3.3.3. Thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động trong lĩnh vực giao thông tĩnh.
* Thực trạng giao thông tĩnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Giao thông tĩnh là toàn bộ những cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ giao thông nhưng không trực tiếp tham gia quá trình giao thông như bến xe, nhà ga, bến cảng, chỗ để xe, nơi gửi xe…
Có thể bạn quan tâm!
- Tổ Chức Bộ Máy Thanh Tra Chuyên Ngành Giao Thông Vận Tải Của Thành Phố Hà Nội
- Tổng Hợp Đội Ngũ Cán Bộ, Công Chức Thanh Tra Sở Gtvt Hà Nội
- Kết Quả Xử Lý Vi Phạm Hành Chính Trong Lĩnh Vực Cầu, Đường Từ Năm 2011 Đến 2013
- Yêu Cầu Nâng Cao Hiệu Quả Áp Dụng Pháp Luật Xử Lý Vi Phạm Hành Chính Trong Lĩnh Vực Thanh Tra Chuyên Ngành Giao Thông Vận Tải Trên Địa Bàn Thủ Đô Hà Nội
- Một Số Giải Pháp Nhằm Nâng Cao Hiệu Quả Hoạt Động Áp Dụng Pháp Luật Xử Lý Vi Phạm Hành Chính Trong Lĩnh Vực Thanh Tra Chuyên Ngành Giao Thông Vận Tải
- Tăng Cường Kiểm Tra Giám Sát Chặt Chẽ Trong Áp Dụng Pháp Luật Và Chấp Hành Pháp Luật Xử Lý Vi Phạm Hành Chính
Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.
Như vậy, giao thông tĩnh bao gồm hai thành phần:
- Bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe
Theo số liệu khảo sát của lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội tại 10 Quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Đông Anh có tổng cộng 397 điểm trông giữ phương tiện với diện tích: 113.574,80 m2. Diện tích đó chỉ đáp ứng một phần so với yêu cầu thực tế và quy hoạch…
Hiện nay, số lượng các phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố tăng nhanh, trong khi đó, quỹ đất dành cho các điểm trông giữ xe rất hạn chế, cầu lớn hơn cung dẫn đến hiện tượng các điểm trông giữ đang quá tải. Đây chính là nguyên nhân hình thành các điểm trông giữ trái phép, gây rối loạn, ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông.
- Bến xe, nhà ga, bến cảng.
Như đã trình bày ở trên, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có hệ thống bến xe khách phân bố rải rác khắp Thành phố với 09 bến xe và 03 ga đường sắt. Tính đến tháng 9 năm 2013, chỉ riêng các doanh nghiệp đăng ký vận tải hành khách bằng xe khách ở Hà Nội có trên 1000 doanh nghiệp.
Ga Long Biên là một nhà ga xe lửa, đặt tại điểm cuối của cầu Long Biên, thuộc địa bàn phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. Ga tiếp theo nằm về phía tây là ga Hà Nội, về phía đông là ga Gia Lâm.
Nhìn chung phần lớn các bến xe, nhà ga ở Hà Nội đã được xây từ lâu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại.
Một số bến xe nằm gần trung tâm Thành phố gây ùn tắc giao thông, tình trạng quá tải, lộn xộn, xe dù, bến cóc diễn ra ở hầu hết các bến xe.
* Kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Trước hoạt động của các bến xe, điểm trông giữ xe, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội thường xuyên chỉ đạo các đội Thanh tra Giao thông vận tải Quận, Huyện phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tiến hành tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý và giải tỏa đối với các trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trông giữ phương tiện trái phép, các bến xe hoạt động sai quy định.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã huy động và phân công nhiệm vụ cho trên 270 cán bộ, thanh tra viên, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc chấp hành điều kiện kinh doanh vận tải hành
khách bằng ô tô đối với các doanh nghiệp vận tải, mở đợt thanh tra các bến xe về tổ chức và hoạt động của bến.
Tại các bãi, điểm trông giữ xe, để đảm bảo tốt trật tự an toàn giao thông, trong năm 2012, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đặc biệt trên địa bàn 10 quận nội thành Thành phố và 2 huyện giáp ranh có các điểm trông giữ phương tiện là Đông Anh, Từ Liêm tiến hành rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp trông giữ phương tiện trái phép, không phép và các phương tiện dừng đỗ sai qui định gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố. Kết quả điển hình, tính đến giữa tháng 12 năm 2012, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã kiểm tra, xử lý 29.604 trường hợp, phạt 14.139.755.000 đồng, tạm giữ 961 phương tiện vi phạm.
Tại các bến xe, lực lượng Thanh tra Sở đã tiến hành thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải khách liên tỉnh của 3 bến xe: Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình và 11 đơn vị hoạt động vận tải khách trên địa bàn Thành phố Hà Nội, đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm tại tất cả các đơn vị này. Ví dụ: Bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình còn thiếu cửa bán vé; Bến xe Nước Ngầm chưa ghi số lượng khách xuất bến; Bến xe Giáp Bát chưa điều chỉnh giá dịch vụ ra vào bến và giá dịch vụ cho thuê mặt bằng làm quầy bán vé...
Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã kiểm tra và xử lý hơn 1.000 lượt phương tiện trước khi xuất bến. Tổ chốt trực đã đi trực tiếp đến các xe chuẩn bị xuất bến để kiểm tra các điều kiện an toàn kỹ thuật.
Thanh tra Sở đã xử lý gần 400 trường hợp vi phạm, tạm giữ 6 trường hợp, với các lỗi như: Xe không có phù hiệu, đón trả khách không đúng quy định, mở cửa khi xe đang chạy, chạy sai hành trình, không niêm yết chất lượng dịch vụ,…
Nhìn chung, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các điểm
trông giữ xe, bến xe trên địa bàn Thành phố của lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đạt được những kết quả xuất sắc.
Tuy nhiên, do quỹ đất dành cho hoạt động giao thông tĩnh thấp, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện cá nhân cùng với ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân chưa cao nên các vi phạm tại các điểm trông giữ phương tiện, các bến xe vẫn tiếp tục tái diễn và chưa thể xử lý dứt điểm.
2.4. Nhận xét chung về hoạt động áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính qua thanh tra chuyên ngành tại Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội
2.4.1 Kết quả đạt được và nguyên nhân
Trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội có vai trò rất quan trọng, thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành những quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác giao thông, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Trong nhiều năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn cả về biên chế, trang thiết bị và kinh phí hoạt động nhưng Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã nỗ lực, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Căn cứ vào nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm theo quy định, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra việc chấp hành những quy định về pháp luật giao thông của các tổ chức, cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố.
Hơn nữa, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội còn tiến hành kiểm tra xử lý giải tỏa các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội và đã đạt được những thành tựu, kết quả đáng ghi nhận.
Những thành tựu đã đạt được nêu trên về việc đảm bảo trật tự an toàn
giao thông trên địa bàn Thành phố của lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội những năm gần đây phải kể đến một số nguyên nhân.
Thứ nhất, Thanh tra Sở thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội trong công tác chuyên môn.
Thứ hai, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội luôn chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như báo, đài trung ương và địa phương, thường xuyên tuyên truyền các văn bản pháp luật trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông như: Luật Giao thông đường thuỷ nội địa năm 2004, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, Thông tư của Bộ và các cơ quan ngang Bộ liên quan.
Thứ ba, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thường xuyên tổ chức và thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Thứ tư, các cán bộ, công chức Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã nỗ lực, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
2.4.2. Hạn chế và nguyên nhân
Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, hiệu quả của hoạt động áp dụng pháp luật qua thanh tra, xử lý vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội chưa cao. Trong quá trình áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ còn có một số vấn đề bất cập như:
Thứ nhất: Các quy định của pháp luật không phù hợp với thực tế cũng như chư đủ để răn đe người vi phạm gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xử lý vi phạm hành chính. Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường
bộ đi vào thực tế đã khắc phục được phần nào trong vấn đề giải bài toán khó về xử lý vi phạm giao thông, ý thức chấp hành luật giao thông tốt hơn, đặc biệt là tại những giao lộ, tình trạng lưu thông không đúng phần đường giảm đặc biệt... Nghị định quy định Thanh tra giao thông được xử phạt 201 trường hợp về vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ còn gặp một số vướng mắc dẫn đến khó áp dụng trong thực tế.
Tại điểm a khoản 5 Điều 15 Nghị định quy định phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi chiếm dụng đường phố để: kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày bán hàng hóa; kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng; sản xuất, gia công hàng hóa; làm nơi trông, giữ xe; sửa chữa hoặc rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; làm mái che; thực hiện các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông là quá cao, xa rời thực tế ở Việt Nam. Với đặc thù của hình thức kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ cùng với thói quen mua sắm, ăn uống... của người Việt Nam thì các hành vi bị xử phạt nêu trên diễn ra phổ biến, đặc biệt là các chợ tạm. Vốn kinh doanh của họ không lớn, lãi thu về không nhiều nên việc xử phạt họ với số tiền cao như vậy rất khó áp dụng. Đối với vi phạm này hầu hết chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở để người dân hiểu và chấp hành chứ không tiến hành xử phạt tiền.
Cũng tại Điều 15 quy định xử phạt việc trồng cây, xây dựng lều quán, nhà ở... vi phạm đất dành cho đường bộ. Tuy nhiên, khái niệm “đất dành cho đường bộ” không được quy định trong Luật giao thông đường bộ, không được hiểu là bao gồm cả đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ dẫn đến việc không xử lý, tháo dỡ được các lều quán, nhà ở... xây dựng vi phạm an toàn hành lang đường bộ.
Một số vi phạm có tính chất phổ biến nhưng mức xử phạt còn thấp,
điển hình như quy định phạt tiền đến 100.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt, thiếu khoảng cách an toàn, điều khiển xe không đúng phần đường,... Đây là các hành vi thường xuyên diễn ra khi lưu thông trên đường nhưng mức xử phạt quá thấp dẫn đến không răn đe được người vi phạm. Do vậy, mặc dù bị xử phạt nhiều lần nhưng tình trạng đó vẫn tiếp tục tái diễn.
Tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 (văn bản này chưa có hiệu lực) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và đường sắt đã quy định điều chỉnh mức phạt nêu trên nhưng hiện nay Nghị định vẫn chưa có hiệu lực áp dụng và tại Nghị định cũng vẫn sử dụng từ “đất dành cho đường bộ”.
Thứ hai, đa số công chức làm công tác thanh ta cũng như Thanh tra viên chưa đáp ứng được về trình độ chuyên môn. Như phần thực trạng đã nêu, hiện nay trình độ chuyên môn của những người làm trong công tác Thanh tra giao thông vận tải ở Thủ đô Hà Nội chưa cao. Trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ thấp, một số cán bộ lại không được đào tại đúng chuyên ngành về thanh tra giao thông vận tải nên nhiều khi lúng túng trong vấn đề chuyên ngành như về: kết cấu hạ tầng, an toàn giao thông, vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, cơ sở vận tải,...). Trình độ chuyên môn không đồng đều và còn thấp dẫn đến thực tiễn áp dụng pháp luật xử phạt vi phạm hành chính chưa được hiệu quả, đôi khi chưa đúng trình tự, chưa kịp thời gây thắc mắc trong người dân.
Thứ ba, mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố nhưng các vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn. Điều này cho thấy việc quản lý, kiểm tra, rà soát của các lực lượng chức năng còn khá lỏng lẻo.
Hoạt động thanh tra giao thông vận tải vẫn còn một số lĩnh vực, nội dung chưa được thanh tra, kiểm tra. Công tác xử lý sau kết luận thanh tra còn hạn chế, dẫn tới hiệu quả, hiệu lực của một số cuộc thanh tra chưa cao.