Theo Nguyễn Đình Giao và ctv. (1997) thì số bông/m2 là yếu tố đóng góp nhiều nhất vào năng suất lúa. Số bông có thể đóng góp 74% năng suất, trong khi đó số hạt và trọng lượng của hạt đóng góp 26%. Khi xem xét mối quan hệ nguồn và sức chứa thì số bông/m2 ảnh hưởng đến năng suất kinh tế với hệ số tương quan rất cao r = 0,91 (Phạm Văn Chương, 2002).
Khi phân tích tương quan hệ số Path năng suất và thành phần năng suất cho thấy số bông/m2 gia tăng khi mật độ sạ tăng (Trần Thị Ngọc Huân và ctv,. 1999). Tuy nhiên, trong điều kiện mật độ sạ cao làm tăng số bông/m2 ở mức vừa phải, nếu tăng mật độ lên quá cao sẽ gây hiện tượng lốp, đỗ, sâu bệnh dễ bộc phát và số hạt trên bông sẽ ít đi rò rệt (Yosida, 1981).
Theo Vũ Văn Hiển và Nguyễn Văn Hoan (1999), số bông trên đơn vị diện tích được quyết định bởi hai yếu tố: mật độ sạ và tỷ lệ đẻ nhánh. Mật độ sạ đặt cơ sở cho việc hình thành số bông. Trong điều kiện thâm canh cần mật độ sạ phù hợp tùy giống, đất đai, phân bón, thời vụ,..
Nói chung, đối với các giống lúa ngắn ngày, thấp cây, nở bụi ít, đất xấu, nhiều nắng nên gieo cấy dày để tăng số bông trên đơn vị diện tích. Ngược lại, trên đất giàu hữu cơ, thời tiết tốt, lượng phân bón nhiều (nhất là đạm) và giữ nước thích hợp thì lúa nở bụi khỏe có thể gieo cấy thưa hơn. Các giống lúa cải thiện thấp cây có số bông/m2 trung bình phải đạt 500 – 600 bông đối với lúa sạ hoặc 350 – 450 bông đối với lúa cấy mới có được năng suất cao (Phạm Sĩ Tân, 2008).
Tóm lại, số bông/m2 là một thành phần năng suất góp phần quan trọng trong
việc tạo nên năng suất và chịu ảnh hưởng của mật độ gieo sạ. Số chồi hữu hiệu là yếu tố trực tiếp quyết định đến số bông/m2.
1.2.2 Số hạt/bông
Số hạt/bông cũng là yếu tố quan trọng cấu thành năng suất. Số hạt/bông chủ yếu do yếu tố di truyền của giống quy định. Tuy nhiên nó cũng chịu tác động của các yếu tố ngoại cảnh do ảnh hưởng đến quá trình phân hóa hoa. Số hạt/bông phụ thuộc vào số gié, số hoa phân hóa cũng như số gié, số hoa thoái hóa. Số hạt/bông = Số hoa phân hóa - Số hoa thoái hóa (Nguyễn Thị Nga, 2011).
Số hạt trên bông được quyết định từ lúc tượng cổ bông đến 5 ngày trước khi trổ, nhưng quan trọng nhất là thời kỳ phân hóa hoa và giảm nhiễm tích cực. Ở giai đoạn này,
số hạt trên bông có ảnh hưởng thuận đối với năng suất lúa do ảnh hưởng đến số hoa được phân hóa. Sau giai đoạn này, số hạt trên bông đã hình thành có thể bị thoái hóa có ảnh hưởng âm (Vò Thị Lang và ctv,. 2008).
Có thể bạn quan tâm!
- Ảnh hưởng của mật độ gieo sạ đến năng suất giống lúa OM4218 trong vụ Hè Thu năm 2012 tại xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang - 1
- Ảnh hưởng của mật độ gieo sạ đến năng suất giống lúa OM4218 trong vụ Hè Thu năm 2012 tại xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang - 2
- Bản Đồ Hành Chính Huyện Vị Thủy, Tỉnh Hậu Giang
- Ghi Nhận Tổng Quan Thí Nghiệm Giống Lúa Om4218 Sạ Với Các Mật Độ Khác Nhau Tại Huyện Vị Thủy, Tỉnh Hậu Giang Vụ Hè Thu 2012.
- Ảnh hưởng của mật độ gieo sạ đến năng suất giống lúa OM4218 trong vụ Hè Thu năm 2012 tại xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang - 6
- Ảnh hưởng của mật độ gieo sạ đến năng suất giống lúa OM4218 trong vụ Hè Thu năm 2012 tại xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang - 7
Xem toàn bộ 65 trang tài liệu này.
Số hạt trên bông nhiều hay ít tùy thuộc vào số gié, hoa phân hóa cũng như số gié, hoa thoái hóa. Các quá trình này nằm trong thời kỳ sinh trưởng sinh dục từ lúc làm đòng đến trổ bông (Nguyễn Đình Giao và ctv., 1997).
Số hạt/bông chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Yếu tố trồng trọt: trong điều kiện canh tác ngoài đồng cây lúa tăng trưởng kém, số hạt/bông có thể được làm tăng bằng cách gia tăng mật độ gieo sạ ở mức vừa phải và gia tăng lượng phân đạm bón cho cây. Yếu tố đặc tính sinh trưởng: nếu như cây lúa có đặc tính đẻ nhánh kém thì đòi hỏi mật độ gieo sạ phải cao, các giống có thời gian sinh trưởng ngắn và trong điều kiện bón ít phân đạm thì đòi hỏi mật độ sạ phải cao hơn để đạt số hạt trên đơn vị diện tích không thay đổi (Lê Hữu Toàn, 2009).
Nhìn chung, số hạt/bông phụ thuộc vào số hoa được phân hóa và số hoa bị thoái hóa, hai yếu tố này chịu ảnh hưởng bởi giống lúa, kỹ thuật canh tác và điều kiện thời tiết. Đối với những giống lúa bông to, kỹ thuật canh tác tốt, bón phân đầy đủ, chăm sóc đúng mức, thời tiết thuận lợi thì số hoa phân hóa sẽ nhiều, số hoa thoái hóa càng ít, nên số hạt cuối cùng trên bông cao. Ở các giống lúa cải thiện, số hạt từ 80 – 100 hạt đối với lúa sạ hoặc 100 – 120 hạt đối với lúa cấy là tốt trong điều kiện Đồng Bằng Sông Cửu Long (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008). Như vậy, số hạt/bông là yếu tố quyết định bởi sự sai khác giữa số hoa được phân hóa và số hoa bị thoái hóa đi, yếu tố thành phần năng suất này chịu ảnh hưởng của đặc tính về giống và điều kiện ngoại cảnh.
1.2.3 Tỷ lệ hạt chắc
Tỷ lệ hạt chắc được quyết định từ đầu thời kỳ phân hóa đòng đến khi lúa vào chắc nhưng quan trọng nhất là các thời kỳ phân bào giảm nhiễm, trổ bông, phơi màu, thụ phấn, thụ tinh và vào chắc. Tỷ lệ hạt chắc tùy thuộc vào số hoa trên bông, đặc tính sinh lý của cây lúa và chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện ngoại cảnh, thường số hoa trên bông quá nhiều sẽ dẫn đến tỷ lệ hạt chắc thấp. Các giống lúa có khả năng quang hợp, tích lũy và chuyển vị các chất mạnh, cộng với cấu tạo mô cơ giới vững chắc không đỗ ngã sớm, lại trổ và tạo hạt trong điều kiện thời tiết tốt, dinh dưỡng đầy đủ thì tỷ lệ hạt chắc sẽ cao và ngược lại. Muốn có năng suất cao tỷ lệ hạt chắc phải trên 80% (Nguyễn Xuân Trường, 2004).
Nguyên nhân hạt lép là do quá trình thụ phấn thụ tinh không thuận lợi, khi ra hoa gặp rét hoặc nóng quá, ẩm độ không khí quá thấp hoặc quá cao, làm cho hạt phấn mất khả năng nảy mầm hoặc trước đó nhị và nhụy phát triển không hoàn toàn, tế bào mẹ hạt phấn bị hại... (Nguyễn Đình Giao và ctv., 1997).
Khi xét mối quan hệ nguồn và sức chứa, số hạt chắc trên bông ảnh hưởng đến năng suất thực tế (Phạm Văn Chương, 2002). Kết quả phân tích hệ số tương quan Path năng suất và thành phần năng suất cho thấy khi gia tăng mật độ gieo sạ thì số hạt chắc/bông giảm và làm giảm tỷ lệ hạt chắc (Trần Thị Ngọc Huân và ctv., 1999).
Nguyễn Thành Hối (2003) cho rằng, lúa Hè Thu xuống giống muộn sẽ gặp bất lợi nhiều về điều kiện thời tiết lúc lúa trổ, do lúc này mưa dầm nên vũ lượng cao, mưa kéo dài và đặc biệt là trời hay mưa vào buổi sáng nên bông lúa khó thụ phấn, thụ tinh và hạt bị lép nhiều. Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, như nhiệt độ thấp và cao vào giai đoạn phân bào giảm nhiễm và trổ gié hoa có thể gây ra bất thụ. Các điều kiện thời tiết không thuận lợi lúc chín có thể ức chế sự sinh trưởng trực tiếp của vài gié hoa, cho ra những gié hoa lép (Bùi Huy Đáp, 1980).
Tỷ lệ hạt chắc ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: phân bón, nhiệt độ, mưa gió và hạn hán. Đối với mỗi giống có yêu cầu về lượng phân bón nhất định. Nhiệt độ trên 20 0C nếu duy trì liên tục từ lúc lúa làm đòng đến trổ bông hoặc nhiệt độ cao trên 35 0C sau khi lúa trổ xong đều làm giảm tỷ lệ hạt chắc. Gió, mưa và bão làm ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, thụ tinh và gây đỗ ngã làm ảnh hưởng đến tỷ lệ hạt chắc. Ngoài ra, hạn hán làm thiếu nước tưới của một số vùng cũng làm giảm tỷ lệ hạt chắc nhất là khi cây lúa vừa trổ xong và bắt đầu ngậm sữa (Lê Hữu Toàn, 2009). Tỷ lệ hạt chắc là kết quả của quá trình thụ phấn và thụ tinh trong môi trường. Và thành phần này chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố môi trường vào khoảng thời gian trước, trong và sau trổ.
1.2.4 Trọng lượng 1000 hạt
Trọng lượng hạt được quyết định ngay từ thời kỳ phân hóa hoa đến khi lúa chín, nhưng quan trọng nhất là các thời kỳ giảm nhiễm tích cực và vào chắc rộ. Trọng lượng hạt tùy thuộc vào cỡ hạt và độ mẩy (no đầy) của hạt lúa. Đối với lúa, người ta thường biểu thị trọng lượng hạt bằng trọng lượng của 1000 hạt với đơn vị là gram. Ở phần lớn các giống lúa, trọng lượng 1000 hạt thường biến thiên tập trung trong khoảng 20 – 30 gram (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008).
Trọng lượng 1000 hạt ít chịu tác động của môi trường và có hệ số di truyền cao. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào giống. Trọng lượng 1000 hạt của một giống giữ ổn định không có nghĩa là từng hạt có khối lượng như nhau, chúng thay đổi trong một giới hạn nhất định nhưng có giá trị trung bình luôn ổn định. Trọng lượng 1000 hạt do hai bộ phận cấu thành, trọng lượng vỏ trấu và trọng lượng hạt gạo. Trọng lượng vỏ trấu thường chiếm 20% và trọng lượng hạt gạo chiếm 80% trọng lượng toàn hạt. Muốn có trọng lượng hạt gạo cao phải tác động vào cả hai yếu tố này (Nguyễn Đình Giao và ctv., 1997).
Khi xem xét mối quan hệ nguồn và sức chứa cho thấy, trọng lượng 1000 hạt ảnh hưởng đến năng suất thực tế (Phạm Văn Chương, 2002). Kết quả phân tích tương quan hệ số Path năng suất và thành phần năng suất cho thấy trọng lượng 1000 hạt là đặc tính của giống và là nhân tố thứ hai (sau số hạt chắc/bông) trong xác định năng suất cây lúa (Trần Thị Ngọc Huân và ctv., 1999).
Nguyễn Đình Giao và ctv. (1997) cho rằng hạt lúa được quy định bởi kích thước của hai vỏ trấu tạo nên sức chứa cho hạt và yếu tố kế đến là lượng chất khô tích lũy tạo nên hạt gạo. Cho nên, quá trình quang hợp trong giai đoạn chín của cây lúa sẽ làm ảnh hưởng đến sự cung cấp carbohyrate cho hạt, bên cạnh đó nếu tình trạng đỗ ngã xảy ra sẽ làm ngăn cản sự chuyển vị sản phẩm của quang hợp làm cho hạt lúa bị lép lững nhiều. Trọng lượng hạt chủ yếu do đặc tính di truyền của giống quyết định, điều kiện môi trường có ảnh hưởng một phần vào thời kỳ giảm nhiễm (18 ngày trước khi trổ) trên cở hạt, cho đến khi vào chắc rộ (15 – 25 ngày sau khi trổ) trên độ mẩy của hạt (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008).
Như vậy, trọng lượng 1000 hạt chịu ảnh hưởng lớn của đặc tính giống, sự tác động của điều kiện tự nhiên và kỹ thuật canh tác có thể cũng làm thay đổi trọng lượng hạt phần nhỏ, sản phẩm quang hợp sau trổ là yếu tố quyết định đến trọng lượng 1000 hạt.
1.3 PHƯƠNG PHÁP GIEO SẠ
Có nhiều phương pháp để gieo sạ. Tuy nhiên, dựa vào điều kiện đất đai và nước tưới mà chọn lựa phương pháp sạ thích hợp. Những vùng chủ động được nguồn nước tưới và đất tương đối bằng phẳng thường áp dụng phương pháp sạ ướt. Hiện nay, hầu hết diện tích trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long là lúa cao sản và phương pháp sạ ướt được áp dụng nhiều nhất (Nguyễn Thành Hối, 2010).
1.3.1 Phương pháp sạ lan
Đặc điểm của phương pháp sạ này là cây lúa đẻ nhánh sớm, số bông nhiều, năng suất quan hệ chặt chẽ với số bông. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là mật độ thường không đều, bộ rễ ăn cạn, dễ bị chim chuột phá hoại và lúa thường bị đỗ ngã vào mùa mưa gió nhiều (Nguyễn Đình Giao và ctv., 1997).
Phương pháp sạ lan đã được nông dân áp dụng từ khi bắt đầu canh tác lúa cao sản thay thế cho lúa mùa năng suất thấp. Phương pháp này tỏ ra có những ưu điểm nổi trội so với phương pháp sạ hoặc cấy lúa mùa về khả năng gia tăng số bông/m2, tính đồng đều về chiều cao và khả năng nhận ánh sáng (Trần Đức Viên, 2007).
Hiện nay, lượng giống cao sản ngắn ngày sạ lan được khuyến cáo là 150 kg/ha (Nguyễn Thành Hối, 2010). Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất thường người dân trồng lúa theo tập quán với mật độ cao, lượng giống gieo sạ từ 200 – 300 kg/ha (Nguyễn Văn Luật, 2001). Với lượng giống gieo sạ nhiều như thế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tiếp nhận ánh sáng của từng cây lúa trong quần thể ruộng lúa, nhu cầu dinh dưỡng từ đất trồng và tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển. Các nhà khoa học đã chứng minh được những yếu tố gây dịch bệnh tích cực nhất là khi cây trồng phải sống trong quần thể chật hẹp thiếu ánh sáng cho các lá dưới, làm cây lúa trở nên yếu ớt sâu bệnh dễ tấn công (Nguyễn Kim Chung và Nguyễn Ngọc Đệ, 2005).
1.3.2 Phương pháp sạ hàng
Hiện nay, sạ hàng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thể hiện nhiều ưu điểm so với sạ lan truyền thống như: tiết kiệm vật tư mà chủ yếu là giống và phân bón, tạo điều kiện thuận lợi để thâm canh, giảm thiệt hại do sâu bệnh, tăng năng suất so với sạ lan và kết hợp nuôi cá hay nuôi vịt chóng lớn (Nguyễn Văn Luật, 2001).
Ứng dụng kỹ thuật từ mẫu máy sạ hàng được cải tiến từ “drum seeder” của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và bắt đầu được thực hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1990 cho đến nay (Bùi Chí Bửu và Nguyễn Thị Lang, 2009). Có thể thấy rằng phương pháp sạ hàng tỏ ra hiệu quả so với sạ lan truyền thống. Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật này cũng gặp một số trở ngại như ốc bươu vàng, diện tích nhỏ khó áp dụng và đất thiếu bằng phẳng (Lê Trường Giang, 2005).
Với phương pháp này, cây lúa có sự phân bố trong quần thể ruộng lúa thích hợp nên đã tận dụng được năng lượng mặt trời cho quá trình quang hợp tạo năng suất và làm giảm thiệt hại do tác động của ngoại cảnh (Nguyễn Văn Luật, 2001). Theo nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy lượng giống gieo sạ thích hợp cho kỹ thuật này ở Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng từ 70-100 kg giống/ha (Bùi Chí Bửu và Nguyễn Thị Lang, 2009). Dưới điều kiện quản lý đồng ruộng tốt, mật độ sạ 100 kg giống/ha được khuyến cáo để nhận năng suất lúa có chất lượng tốt, cũng như đáp ứng đủ số bông/m2 cho việc chín đồng bộ trong hệ thống canh tác lúa sạ ướt (Trần Thị Ngọc Huân và ctv ., 1999).
So với phương pháp sạ lan truyền thống thì phương pháp sạ hàng có thể làm giảm được lượng giống sử dụng từ 50-75%, lượng giống giảm tương ứng khoảng 100-150 kg/ha (Nguyễn Văn Luật và ctv., 1999). Như vậy, phương pháp sạ hàng có nhiều ưu điểm so với sạ lan như: giảm được lượng giống gieo sạ, giảm sâu bệnh và có thể tăng năng suất.
1.4 NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ MẬT ĐỘ GIEO SẠ
Theo Nguyễn Văn Hoan (1995), thì tùy từng giống lúa để chọn mật độ thích hợp vì cần tính đến khoảng cách đủ rộng để làm hàng lúa thông thoáng, các bụi lúa không chen nhau. Cách bố trí bụi lúa theo hình chữ nhật là phù hợp nhất vì như thế mật độ trồng được đảm bảo nhưng lại tạo ra được sự thông thoáng trong quần thể, tăng khả năng quang hợp, chống bệnh tốt và tạo ra hiệu ứng rìa sẽ cho năng suất cao hơn.
Mật độ trồng thích hợp, quần thể lúa sẽ sử dụng tốt nước và dinh dưỡng để tạo ra năng suất cao nhất, mật độ sản xuất giống đảm bảo tạo ra 400-500 bông/ m2, có nghĩa là 70-100 cây mạ/ m2 là tốt nhất. Mật độ thưa sẽ tăng khả năng đẻ nhánh và có thể gây ra biến động lớn về độ chín đồng đều của các bông ảnh hưởng tới chất lượng hạt giống, mật độ thưa làm tăng cỏ dại cũng làm giảm chất lượng hạt giống. Mật độ trồng quá cao làm giảm năng suất và chất lượng hạt giống vì cạnh tranh nước và dinh dưỡng, che khuất lẫn nhau, dễ đổ và giảm kích thước hạt (Nguyễn Thị Nga, 2011).
Theo Tăng Thị Hạnh (2003) cho rằng mật độ gieo cấy khác nhau ảnh hưởng rò đến khả năng đẻ nhánh của cây lúa. Chỉ số diện tích lá tăng khi mật độ tăng từ
25- 165 chồi/ m2, nếu cùng số chồi/ bụi khi mật độ tăng trong hai giai đoạn nhưng sang giai đoạn chín sữa khối lượng chất khô sẽ giảm nếu tiếp tục tăng mật độ. Công thức cấy thưa ( 25-30 bụi/m2) có hiệu suất quang hợp cao nhưng chỉ số diện tích lá thấp hơn nên khối lượng chất khô được tổng hợp qua các thời kỳ ít hơn công thức cấy dày. Mật độ thích hợp còn hạn chế được quá trình đẻ nhánh kéo dài, hạn chế nhánh vô hiệu, lãng phí chất dinh dưỡng. Cấy dày các cây còn cạnh tranh về dinh dưỡng, ánh sáng, cây lúa sẽ vươn cao, lá nhiều rậm rạp ảnh hưởng đến hiệu suất quang hợp thuần, sâu bệnh phát triển nhiều, cây có khả năng chống chịu kém và năng suất cuối cùng không cao. Hạt chín không đều, mầm mống sâu bệnh trên hạt có thể tăng do độ ẩm hạt tăng nhanh chóng trong quá trình bảo quản… ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng hạt giống (Nguyễn Thị Nga, 2011).
Mật độ là một trong những biện pháp ảnh hưởng đến năng suất lúa vì mật độ cấy quyết định diện tích lá và sự cấu tạo quần thể, đến chế độ ánh sáng và sự tích lũy chất khô của ruộng lúa mạnh mẽ nhất (Nguyễn Văn Hoan, 2003). Nhận xét về mối quan hệ diện tích dinh dưỡng và sự đẻ nhánh, Bùi Huy Đáp (1980) cho rằng sự đẻ nhánh của lúa có quan hệ với diện tích dinh dưỡng. Nếu diện tích dinh dưỡng càng lớn thời gian đẻ nhánh càng dài. Ngược lại diện tích dinh dưỡng càng nhỏ thì thời gian đẻ nhánh càng ngắn. Cấy dày ở mật độ cao lúa sẽ không đẻ nhánh và một số cây mẹ sẽ lụi dần. Đối với lúa cấy, số lượng tuyệt đối về nhánh thay đổi nhiều qua các mật độ, nhưng tỷ lệ nhánh hữu hiệu giữa các mật độ lại không thay đổi nhiều. Theo tác giả thì các nhánh đẻ của cây lúa không phải nhánh nào cũng cho năng suất mà chỉ những nhánh đạt được thời gian sinh trưởng và số lá nhất định mới thành bông (Nguyễn Thị Nga, 2011).
Về khả năng chống chịu sâu bệnh đã có rất nhiều nghiên cứu của nhiều tác giả và đều có chung nhận xét rằng: gieo cấy với mật độ dày sẽ tạo môi trường thích hợp cho sâu bệnh phát triển vì quần thể ruộng lúa không được thông thoáng, các lá bị che khuất lẫn nhau nên bị chết lụi nhiều (Bùi Huy Đáp, 1980).
Như vậy, mật độ là một kỹ thuật làm tăng quang hợp của cá thể và quần thể của ruộng lúa, do khả năng tiếp nhận ánh sáng, tạo số lá và chỉ số diện tích lá thích hợp cho cá thể và quần thể ruộng lúa, ảnh hưởng tới khả năng đẻ nhánh và số nhánh
hữu hiệu/bụi, khả năng chống chịu sâu bệnh,..từ đó mà ảnh hưởng mạnh đến năng suất lúa.
Dựa trên sự phân tích mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành năng suất, Bùi Huy Đáp (1999), đã đưa ra lập luận các yếu tố cấu thành năng suất có liên quan chặt chẽ với nhau, muốn năng suất cao phải phát huy đầy đủ các yếu tố mà không ảnh hưởng lẫn nhau. Số bông tăng lên đến một phạm vi mà số hạt/ bông và tỷ lệ hạt chắc giảm ít thì năng suất đạt cao, nhưng số bông tăng quá cao, số hạt/bông và tỷ lệ hạt chắc giảm nhiều thì năng suất thấp. Trong 3 yếu tố cấu thành năng suất: số bông/ m2, số hạt chắc/bông và trọng lượng 1000 hạt thì 2 yếu tố đầu giữ vai trò quan trọng và thay đổi theo cấu trúc quần thể còn khối lượng 1000 hạt của mỗi giống ít biến động. Vì vậy, năng suất sẽ tăng khi mật độ cấy trong phạm vi nhất định. Phạm vi này phụ thuộc vào nhiều đặc tính của giống, đất đai, phân bón và thời tiết. Để tăng số bông/đơn vị diện tích gieo cấy có thể tăng mật độ cấy hay tăng số bụi.
Theo Nguyễn Văn Hoan (1995), để có cùng số bông trên đơn vị diện tích nên cấy ít tép nhiều bụi tốt hơn cấy ít bụi nhiều tép. Không nên cấy quá nhiều tép vì khi đó cây lúa đẻ ra nhiều nhánh quá nhỏ, yếu, tỷ lệ bông hữu hiệu thấp, số hạt/ bông ít dẫn đến năng suất không đạt yêu cầu.
1.5 CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NĂNG SUẤT
1.5.1 Nhiệt độ
Nhiệt độ có tác dụng quyết định đến tốc độ sinh trưởng của cây lúa nhanh hay chậm, tốt hay xấu. Trong phạm vi giới hạn (20-30oC), nhiệt độ càng tăng cây lúa phát triển càng mạnh. Nhiệt độ trên 40oC hoặc dưới 17oC cây lúa tăng trưởng chậm lại. Dưới 13oC cây lúa ngừng sinh trưởng, nếu kéo dài quá một tuần cây lúa sẽ chết (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008).
Nhiệt độ cao tăng vận tốc ra lá và sinh nhiều mầm chồi hơn. Nhiệt độ cao sẽ rút ngắn giai đoạn vào chắc, thời tiết có mây thường xuyên gây hại cho sự chắc hạt. Nhiệt độ cao hơn 35oC khi trổ gié hoa có thể làm phần trăm bất thụ cao (Đinh Thế Lộc, 2006).