4.2.2.2. Xây dựng hệ thống và tiêu chí quản lý và kiểm tra mạng lưới các cơ sở ăn uống du lịch và nâng cao nhận thức của cộng đồng, trách nhiệm xã hội trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và thương hiệu ẩm thực Việt
Đảm bảo chất lượng dịch vụ trong các cơ sở ăn uống du lịch, qua đó nâng cao hình ảnh của du lịch Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung. Nâng cao được ý thức tự giác và hành động có trách nhiệm của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh ăn uống trong phục vụ khách du lịch. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng dịch vụ, nâng cao hình ảnh và uy tín của điểm đến cũng như của du lịch Bến Tre. Nâng cao được nhận thức của các chủ thể trong xã hội, tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh phục vụ ăn uống trong việc khai thác, sử dụng các nguyên liệu, gia vị và các trang thiết bị dụng cụ phục vụ quá trình chế biến và thưởng thức các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ khách du lịch nói riêng và thực khách nói chung.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cần xây dựng hệ thống quản lý các cơ sở ăn uống thống nhất. Xây dựng hệ thống tiêu chí áp dụng cho các cơ sở ăn uống. Tiến tới xây dựng hệ thống tiêu chí và cấp biển công nhận cơ sở ăn uống du lịch đạt chuẩn nhằm động viên và khuyến khích các nhà hàng, cơ sở ăn uống tham gia tích cực. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các chủ thể liên quan đến khai thác và phát huy các giá trị của văn hóa ẩm thực người Việt ở Bến Tre để phát triển du lịch và liên quan về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, để định hướng trong việc lựa chọn, khai thác và sử dụng các nguyên liệu thực phẩm gia vị, trong quá trình chế biến món ăn, đồ uống, phục vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng cho khách du lịch, nâng cao hình ảnh du lịch và con người xứ Dừa. Lồng ghép các nội dung liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm trong các chương trình tập huấn cho doanh nghiệp và cộng đồng tại các địa phương.
4.2.2.3. Tăng cường nghiên cứu, lồng ghép hoặc xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch ẩm thực độc lập phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch
Khẳng định văn hóa ẩm thực là một tài nguyên du lịch đặc sắc, có tiềm năng xây dựng thành các sản phẩm du lịch chuyên biệt của loại hình Du lịch ẩm thực. Góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du
lịch, tăng thêm nguồn thu từ du lịch. Giúp xây dựng và củng cố uy tín, hình ảnh và thương hiệu của Du lịch Bến Tre.
Sở Du lịch tỉnh Bến Tre tổ chức nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường và phân khúc thị trường khách về ẩm thực và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp du lịch thông qua các phương thức và kênh khác nhau; Tổ chức hội thảo định hướng phát triển loại hình và sản phẩm du lịch ẩm thực cho các doanh nghiệp du lịch, cũng như tổ chức cho các chuyên gia về ẩm thực và sản phẩm du lịch trao đổi, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với các doanh nghiệp để hỗ trợ họ triển khai thuận lợi.
Các doanh nghiệp du lịch được khuyến khích chủ động quảng bá ẩm thực và văn hóa ẩm thực Bến Tre ở cấp độ quốc gia và theo vùng miền, trao đổi với các đối tác để đề xuất việc xây dựng các chương trình du lịch ẩm thực lồng ghép hoặc độc lập để bán và phục vụ khách du lịch. Các nhà nghiên cứu về ẩm thực và du lịch cần triển khai các đề tài nghiên cứu, xác định và cụ thể hóa nội hàm của loại hình du lịch ẩm thực, các dạng thức sản phẩm du lịch ẩm thực, nâng cao nhận thức của các chủ thể, các bên liên quan trong việc phát triển loại hình và các sản phẩm du lịch ẩm thực nhiều tiềm năng của Bến Tre.
4.3. Một số khuyến nghị để thực hiện được các giải pháp
4.4.1. Khuyến nghị với Uỷ ban nhân tỉnh
Có thể bạn quan tâm!
- Kênh Thông Tin Khách Biết Đến Văn Hoá Ẩm Thực Bến Tre
- Cơ Sở Đề Xuất Giải Pháp Khai Thác Giá Trị Ẩm Thực Phát Triển Du Lịch Bến Tre
- Doanh Nghiệp Đề Xuất Giải Pháp Đưa Văn Hoá Ẩm Thực Bến Tre Đến Khách Du Lịch
- Ẩm thực người Việt với du lịch ở tỉnh Bến Tre hiện nay - 21
- Ẩm thực người Việt với du lịch ở tỉnh Bến Tre hiện nay - 22
- Danh Mục Các Món Ăn Đặc Trưng Ở Bến Tre
Xem toàn bộ 243 trang tài liệu này.
Uỷ ban nhân dân tỉnh cần có chủ trương cụ thể trên cơ sở chủ trương của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan trực tiếp chủ trì hoạt động này. Việc tạo điều kiện đó thể hiện ở việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động, bằng các cơ chế hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hệ thống hóa các món ăn, đồ uống đặc sắc của tỉnh, tránh được thực trạng còn thiếu hoặc chưa đầy đủ. Có cơ chế và hỗ trợ hoặc cấp kinh phí khuyến khích các cơ quan nghiên cứu triển khai nghiên cứu hệ thống hóa các giá trị của văn hóa ẩm thực. Cũng như có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu, xây dựng các chương trình du lịch ẩm thực trong đó sử dụng các món ăn, đồ uống đặc sắc theo một chủ đề có định hướng để phát huy và quảng bá các giá trị của văn hóa ẩm thực Việt đối với thế giới.
4.4.2. Khuyến nghị với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch
Xây dựng hệ thống món ăn tiêu biểu của địa phương để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá ẩm thực người Việt ở Bến Tre cũng như xây dựng thương hiệu ẩm thực người Việt ở Bến Tre. Tập trung sưu tầm và số hoá các món ăn tiêu biểu, những ẩm thực truyền thống có nguy cơ bị mai một. Có chính sách gìn giữ tay nghề của các nghệ nhân ẩm thực tại địa phương. Đồng thời Bến Tre tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong hoạt động quảng bá, xúc tiến và các doanh nghiệp trong việc phát triển các sản phẩm, chương trình du lịch ẩm thực đến với thực khách trên thị trường trong nước và quốc tế. Thực hiện các hoạt động xúc tiến ở cấp vĩ mô áp dụng các hình thức quảng cáo cho cả du lịch và ẩm thực, hiệu quả của quảng cáo sẽ tác động đến ẩm thực và du lịch. Do đó, vấn đề nâng cao chất lượng quảng cáo và đa dạng quảng cáo có vai trò hết sức quan trọng.
4.4.3. Khuyến nghị với các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khách sạn du lịch, nhà hàng cũng cần có những sự phối hợp chặt chẽ với các Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động lựa chọn, lồng ghép các món ăn, đồ uống đặc sắc trong các chương trình, sản phẩm du lịch để quảng cáo bán các sản phẩm du lịch trong nước và quốc tế; tăng cường nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu khách du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch ẩm thực để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của thị trường và quảng bá các giá trị của văn hóa ẩm thực. Cung cấp các chuyên gia nấu ăn để phục vụ cho các đợt xúc tiến quảng bá, tích cực tham gia các hội chợ du lịch, hội chợ ẩm thực....
KẾT LUẬN
Là ngành kinh tế đặc thù, du lịch đang ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu nói chung. Bên cạnh yếu tố kinh tế, du lịch với đặc trưng riêng của mình còn có vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Việt Nam là một quốc gia có nền ẩm thực phong phú có sự tiếp thu và biến đổi qua lịch sử phát triển của đất nước, văn hoá ẩm thực Việt đã được định hình, có sự khác biệt và nhiều giá trị đặc sắc đã được quan tâm nghiên cứu, phổ biến rộng rãi. Trong quá trình phát triển du lịch, ẩm thực là một yếu tố không thể thiếu, vừa đóng vai trò thoả mãn nhu cầu cơ bản của khách du lịch trong quá trình đi du lịch. Đồng thời ẩm thực luôn được coi là một nội dung quan trọng, cùng với các giá trị của tài nguyên du lịch khác, được quan tâm khai thác để quảng bá văn hoá truyền thống, góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thu hút khách du lịch Việt Nam đi du lịch Việt Nam.
Văn hoá ẩm thực người Việt ở Bến Tre vừa có tính thống nhất với văn hoá ẩm thực của cả nước nhưng cũng có tính khu biệt, có nét riêng phù hợp với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội địa phương. Đặc tính văn hoá ẩm thực của người Việt ở Bến Tre thể hiện bản sắc của một văn hóa ẩm thực gắn bó chặt chẽ với môi trường thiên nhiên, được khai thác từ thiên nhiên hào phóng và được thưởng thức ở những không gian mở, gần gũi với thiên nhiên với lối ứng xử phóng khoáng, tự nhiên của cư dân nơi đây. Đặc tính gắn bó với thiên nhiên thể hiện ở việc người Bến Tre ăn rất nhiều rau, thường là những loại rau có sẵn bờ hồ, ruộng vườn, đến các loại lá cây hay các loại cá, tôm, côn trùng bắt ở ao, đìa… Sự hào phóng của thiên nhiên đối với ẩm thực Bến Tre còn được thể hiện qua không gian thưởng thức với thói quen chế biến tại chỗ, gắn với những không gian tự nhiên. Ẩm thực Bến Tre không những độc đáo về sự đa dạng về số lượng, chủng loại mà còn có các dấu ấn khác biệt, đặc sắc về nguồn nguyên liệu, cách chế biến, hương vị, màu sắc, khẩu vị, cách bài trí và không gian thưởng thức.
Thực trạng khai thác ẩm thực gắn với du lịch ở Bến Tre hiện nay thực hiện thông qua sức thu hút khách du lịch đến với Bến Tre; Sự đầu tư để phát triển du lịch địa phương; Những sản phẩm mà địa phương đang khai thác; Thực trạng khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch văn hoá của Bến Tre; Thực trạng khai thác và sử
dụng truyền thông marketing… Thực trạng khai thác ẩm thực ở Bến Tre qua các hình thức tổ chức ẩm thực ở địa phương như qua các cơ sở ẩm thực từ resort, khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, homestay, famstay, quán ăn… cho đến thực trạng khai thác ẩm thực qua các chương trình du lịch hay các chương trình du lịch ẩm thực chuyên biệt. Mỗi loại hình tổ chức đó mức độ khai thác và sử dụng ẩm thực như thế nào dưới góc độ đánh giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đánh giá của các doanh nghiệp là một trong các bên liên quan khai thác sản phẩm ẩm thực đưa vào hoạt động du lịch cho đến người dân địa phương là chủ thể của nền văn hoá hay là đánh giá của khách du lịch là người được thụ hưởng các dịch vụ. Mặc dù văn hoá ẩm thực đã được quan tâm khai thác và sử dụng rộng rãi thu hút khách du lịch, tuy nhiên ẩm thực đang chỉ là yếu tố hỗ trợ phục vụ nhu cầu của khách về ăn uống đơn thuần, mà chưa trở thành mục đích của chuyến đi với những hạn chế cần quan tâm cải thiện để khai thác tốt giá trị văn hoá ẩm thực trong hoạt động du lịch.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ẩm thực của người Việt ở Bến Tre với những giá trị đặc sắc của mình là tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Là một bộ phận cấu thành sản phẩm du lịch, ẩm thực được khẳng định là yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn và khác biệt cho điểm đến du lịch cho nên ẩm thực cũng có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy du lịch ẩm thực ở Bến Tre nói riêng và ở Việt Nam nói chung chưa phát triển vì nhiều lý do: Ẩm thực mới chỉ được xem là một bộ phận của chương trình du lịch; Vai trò của ẩm thực vẫn rất mờ nhạt trong các chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch của quốc gia và nhiều địa phương; Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá ẩm thực chưa thực sự hiệu quả; Nhận thức xã hội và ý thức của một bộ phận không nhỏ nhân lực tham gia vào quá trình khai thác, chế biến, phục vụ, tiêu thụ đồ ăn thức uống còn nhiều hạn chế; Vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo do quá trình sản xuất, nuôi trồng, khai thác, bảo quản không đủ tiêu chuẩn an toàn và không được kiểm soát chặt chẽ; Hoạt động xúc tiến, truyền thông cho ẩm thực và du lịch ẩm thực chưa được quan tâm tương xứng với tiềm năng to lớn có thể mang lại cả về kinh tế lẫn văn hoá – xã hội của ẩm thực.
Vì vậy, để khai thác được giá trị văn hoá ẩm thực một cách hiệu quả cần có sự phối hợp liên ngành trong các hoạt động nhằm đảm bảo các giá trị này được bản tồn
và phát huy, góp phần phát triển du lịch bền vững. Trên cơ sở tổng hợp tư liệu, phân tích cơ sở dữ liệu đã thu thập, luận án đưa ra một số khuyến nghị như sau:
Trước hết, cần phải xác định được sự phong phú và đa dạng của kho tàng di sản văn hóa ẩm thực của quốc gia thông qua việc thống kê các loại hình di sản văn hóa ẩm thực đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, các vùng miền khác nhau trong cả nước. Trên cơ sở đó, việc tư liệu hóa di sản văn hóa ẩm thực sẽ là cơ sở khoa học cho việc bảo vệ và phát huy di sản. Lý tưởng nhất là phải xây dựng được tổng tập hay từ điển chuyên sâu về văn hóa ẩm thực của bảy vùng văn hóa Việt Nam cũng như các nghệ nhân ẩm thực tiêu biểu hiện đang nắm giữ, truyền dạy và thực hành những món ẩm thực là đặc sản của các địa phương.
Thứ hai, dựa vào kết quả kiểm kê di sản văn hóa ẩm thực, các địa phương lựa chọn xây dựng hồ sơ khoa học về các món ăn đặc sản địa phương trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở khoa học và pháp lý để xây dựng và triển khai các Đề án bảo vệ, phát huy làm cho giá trị di sản văn hóa ẩm thực khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội và thực sự có ích cho việc phát triển ngành Du lịch Việt Nam.
Thứ ba, nguồn nhân lực - các nghệ nhân dân gian, đầu bếp danh tiếng - người nắm giữ bí quyết nghề nghiệp và thực hành di sản cần được đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng, phù hợp các quy định của Luật Di sản văn hóa: “Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ nhân với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể”. Theo đó, cần hỗ trợ các nghệ nhân ẩm thực tiêu biểu, xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt, tham mưu cho Chủ tịch nước có quyết định vinh danh danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và Nghệ nhân nhân dân theo đúng các tiêu chuẩn của Nhà nước. Đây sẽ là một cú hích có sức nặng vào khâu quan trọng nhất trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa - di sản văn hóa do cộng đồng sáng tạo, nắm giữ và thực hành thì chính họ mới là lực lượng xã hội có khả năng bảo tồn tốt nhất loại hình di sản đó.
Thứ tư, các thiết chế văn hóa như di tích lịch sử - văn hóa và bảo tàng là những không gian có đầy đủ khả năng kết nối và tạo điều kiện giao tiếp, giáo dục, trải nghiệm cũng như thực hành, trình diễn các di sản văn hóa ẩm thực thông qua các kỳ lễ hội tại di tích và các sự kiện văn hóa tổ chức tại bảo tàng. Bên cạnh đó, xây dựng một số trung tâm văn hóa ẩm thực tại một số địa phương có điều kiện theo hướng
xã hội hoá với mục tiêu tạo lập “không gian công cộng” đặc sắc nhằm thu hút nguồn lực của tất cả các bên hữu quan cho mục tiêu bảo vệ và khai thác giá trị di sản văn hóa ẩm thực. Những địa điểm này hoàn toàn có khả năng trở thành những điểm đến du lịch với không gian ẩm thực đặc trưng mang tính vùng miền hấp dẫn du khách, trong đó, giá trị văn hoá ẩm thực vừa được bảo tồn, vừa được phát huy theo đúng tinh thần phát triển du lịch bền vững.
Thứ năm, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cùng các Sở cần điều chỉnh, bổ sung vào chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch của quốc gia và địa phương nội dung phát triển du lịch ẩm thực như một hình thức đặc thù cùng với một số loại hình du lịch tiêu biểu khác. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế… cùng chính quyền các cấp cũng cần vào cuộc để đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên cả nước nói chung, tại các địa điểm phục vụ khách du lịch nói riêng.
Thứ sáu, hoạt động thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội nói chung về vai trò của ẩm thực, của du lịch ẩm thực, của phát triển du lịch bền vững cần được chú trọng và thực hiện song song với hoạt động xúc tiến, quảng bá cho giá trị di sản ẩm thực và các chương trình du lịch ẩm thực Việt Nam tới khách du lịch trong nước và quốc tế. Hoạt động này cũng cần được thực hiện bởi cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, văn hoá ở các cấp cùng với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, nhà hàng để đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán.
Cuối cùng, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch bền vững đòi hỏi sự tham gia, hợp tác chặt chẽ của của tất cả các bên có liên quan như cộng đồng dân cư địa phương, các đơn vị kinh doanh du lịch, du khách, chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý trong lĩnh vực văn hoá, du lịch… trong quá trình đảm nhận vai trò của mình để hướng tới lợi ích chung, đảm bảo sự đóng góp và chia sẻ một cách công bằng, ổn định và dài hạn về lợi ích theo đúng các nguyên tắc của phát triển du lịch bền vững.
Những kết quả nghiên cứu được trình bày ở trên thể hiện mục tiêu mà nghiên cứu luận án đặt ra được giải quyết. Tuy nhiên, với thời gian nghiên cứu luận án có hạn nên luận án chưa phân tích sâu ẩm thực với từng loại hình du lịch ở Bến Tre. Đây cũng chính là hướng đi tiếp theo mà nghiên cứu sinh tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tiếp theo.
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ
1. Phan Thị Ngàn, Xây dựng cơ sở dữ liệu văn hoá ẩm thực trong du lịch tại tỉnh Bến Tre, 2020 – đề tài nghiên cứu Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
2. Phan Thị Ngàn, Du lịch ẩm thực ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, Tạp chí Dân tộc học, số 3 (219)/2020, tr.103.
3. Phan Thị Ngàn, Khai thác các giá trị văn hoá trong phát triển du lịch ở Nam Bộ, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Thủ Đô, số 43, tháng 8/2020, tr.25.
4. Nguyễn Thị Thanh Bình, Phan Thị Ngàn, Tổng quan nghiên cứu về Nhân học du lịch trên thế giới và Việt Nam, Tạp chí Dân tộc học, số 1(223)/2021, tr.44.
5. Phan Thị Ngàn, Dương Thanh Tùng, Tạp chí Du lịch, số tháng 5/2021, ISSN 0866 – 7373, tr.29.
6. Phan Thị Ngàn, The Current Situation of Exploiting the Single Food Tourism Products in Ben Tre Province, Social Science and Humanities Journal, 2021, ISSN-2456-2653.
7. Phan Thị Ngàn, Agritourism – Sustainable tourism trend in Ben Tre province, Humanities and Social Science Research, 2021, ISSN 2576-3024 E-ISSN 2576-3032.
8. Phan Thị Ngàn, Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Hội thảo Giải pháp phát triển du lịch Bến Tre trên cơ sở liên kết, hợp tác các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, 2019, Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần V, 2019.
9. Trương Phúc Hải, Phan Thị Ngàn, Du lịch ẩm thực – Loại hình du lịch tiềm năng ở đồng bằng sông Cửu Long, Hội thảo Giải pháp phát triển du lịch Bến Tre trên cơ sở liên kết, hợp tác các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần V, 2019.
10. Phan Thị Ngàn, Trương Phúc Hải, Du lịch ẩm thực – Loại hình du lịch tiềm năng ở các cù lao, Bình Dương, Hội thảo khoa học Di sản văn hoá và tiềm năng phát triển du lịch của các cù lao ở tỉnh Bình Dương và Đông Nam Bộ, 2020
11. Phan Thị Ngàn, Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long, Hội thảo Liên kết phát triển du lịch bền vững giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam Bộ, 2020