Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp hoàn thiện - 12

là một trường hợp điển hình. Trong thời gian tới, Nhà nước cần có các chính sách rõ ràng trong việc quản lý cán bộ, quy trách nhiệm cụ thể cho từng cấp lãnh đạo, thưởng phạt nghiêm minh, tránh để tình trạng như hiện nay là “Trở thành giám đốc doanh nghiệp Nhà nước rất khó (vì phải chạy chọt lo lót, cạnh tranh nhiều), nhưng làm giám đốc doanh nghiệp Nhà nước lại rất dễ (vì không phải chịu trách nhiệm cụ thể)”. Cần bắt buộc các cơ quan Nhà nước tổ chức thi tuyển nhân sự công khai, trong Hội đồng tuyển người cần mời những người có chuyên môn bên ngoài tham dự, để tránh tình trạng thi tuyển hình thức. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng đội ngũ nhân sự các cấp trong cơ quan, cải tiến được chất lượng Văn hóa doanh nghiệp. Đây chính là bước khởi điểm để tạo nên môi trường kinh doanh trong sạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

1.3. Nâng cao nhận thức về Văn hóa doanh nghiệp


Cho đến nay, hiện tượng nhận thức sai lệch hoặc không đầy đủ về bản chất và tầm quan trọng của Văn hóa doanh nghiệp còn rất phổ biến. Vì vậy, Nhà nước cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền về vai trò của Văn hóa doanh nghiệp. Nói cách khác, cần tạo ra một cuộc đổi mới tư duy kinh tế tại Việt Nam. Trong công cuộc này, các phương tiện thông tin đại chúng đóng một vai trò quan trọng, sự xuất hiện thường xuyên của các bài báo, công trình nghiên cứu với cách nhìn sâu sắc và thấu đáo hơn về các khía cạnh của Văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao trình độ nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề này.

Để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn nữa đến việc tạo dựng Văn hóa doanh nghiệp thì Nhà nước đóng một vai trò hết sức quan trọng. Hiện nay, Nghị quyết TW5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đang đi dần vào cuộc sống, trong khi đó văn hóa của một doanh nghiệp thực chất có thể coi là nền văn hóa xã hội thu nhỏ. Vì vậy, chú trọng xây dựng Văn hóa doanh nghiệp cũng chính là chú trọng xây dựng và củng cố Văn hóa xã hội. Những biện pháp khuyến khích của Nhà nước sẽ là một lực đẩy rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

1.4. Xây dựng các trung tâm tư vấn quản lý


Trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay, khi nhận thức của đội ngũ quản lý còn thấp thì các nhà tư vấn chính là những người giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vai trò của Văn hóa doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp định hướng cho việc xây dựng nền Văn hóa doanh nghiệp bản sắc của riêng mình. Hiện nay, Việt Nam đã có các trung tâm tư vấn về kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, pháp luật… nhưng các trung tâm tư vấn quản lý còn chưa phổ biến, đặc biệt trong tư vấn rất ít đề cập đến vấn đề Văn hóa doanh nghiệp. Thêm vào đó, hiện nay hoạt động tư vấn tại Việt Nam đang phát triển một cách tự phát, không có định hướng, người hành nghề cũng ít được đào tạo bài bản… nên hiệu quả hoạt động còn thấp, chưa gây được sự tín nhiệm với khách hàng. Bước đầu, các tổ chức như VCCI, Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam… có thể đứng ra tổ chức một số Trung tâm tư vấn quản lý, giúp đỡ các doanh nghiệp trong bước đầu xây dựng Văn hóa doanh nghiệp, từ đó nhân rộng mô hình này ra. Để làm được điều này, Nhà nước cần có chính sách ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tư vấn hoạt động, như tạo một hành lang pháp lý (luật, văn bản hướng dẫn…) cho hoạt động tư vấn, thành lập hiệp hội các nhà tư vấn để các thành viên có điều kiện học hỏi, nâng cao trình độ…

2. Giải pháp từ phía Doanh nghiệp


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 107 trang tài liệu này.

2.1. Chú trọng xây dựng giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp


Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp hoàn thiện - 12

Giá trị cốt lõi chính là bộ phận quan trọng nhất của Văn hóa doanh nghiệp, nó là nguồn gốc căn bản để doanh nghiệp xây dựng nên triết lý kinh doanh của riêng mình. Nhìn từ khía cạnh nào đó, đôi lúc triết lý kinh doanh chính là giá trị cốt lõi của Văn hóa doanh nghiệp. Trên thế giới và cả ở Việt Nam, nhiều công ty đã thành công với những triết lý kinh doanh nổi tiếng như Sony với “Luôn tìm kiếm những điều mới lạ thông qua tiến bộ kỹ thuật”, Prudential với “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, Trung Nguyên với “Khởi nguồn cho mọi sáng tạo”… Thế nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi triết lý kinh doanh đơn giản chỉ là những câu khẩu hiệu mà doanh nghiệp vẫn đem ra hô hào suông mà thôi. Chẳng hạn, đó là những câu khẩu hiệu trong các chương trình quảng cáo, triển

lãm… như “Chất lượng là trên hết”, “Khách hàng là thượng đế”… Thậm chí, không ít doanh nghiệp khi được hỏi đến thì không biết triết lý kinh doanh là gì. Thêm vào đó, thứ triết lý kinh doanh tiêu cực lại phổ biến trong xã hội với những phương châm như “Đầu tiên là tiền đâu”, “Bên B là chùm khế ngọt” hay “Không thầy (quan chức đỡ đầu) đố mày làm nên”…

Muốn có một triết lý kinh doanh có giá trị, được coi là phần hồn của Văn hóa doanh nghiệp, thường người lãnh đạo phải mất một, hai chục năm lăn lộn trong thương trường. Mặt khác, triết lý kinh doanh phải có tính kế thừa, tức là giữa người sáng lập và những người kế nhiệm phải có sự tiếp nối về lý tưởng, kinh nghiệm và suy nghĩ. Triết lý kinh doanh của doanh nghiệp có thể là công cụ tốt nhất để thống nhất hoạt động của mọi thành viên trong sự hiểu biết chung về mục đích và giá trị. Triết lý cung cấp một tiêu chuẩn giải đáp các vấn đề, trình bày một cách cụ thể và minh bạch cái gì là quan trọng, cái gì là không, đem lại hiệu quả trong việc kế hoạch hóa và việc phối hợp giữa những người thuộc cùng một nền văn hóa. Nó phản ánh hình ảnh của doanh nghiệp, hình ảnh này thậm chí có thể ảnh hưởng tới hình ảnh mà cá nhân thành viên doanh nghiệp xây dựng về bản thân mình.

2.2. Xây dựng một mô hình Văn hóa doanh nghiệp tích cực, làm nền tảng cho sự

phát triển bền vững của doanh nghiệp


Như đã bàn đến trong các phần trước, ngay khi doanh nghiệp thành lập là đã hình thành Văn hóa doanh nghiệp, dù các thành viên doanh nghiệp có ý thức được hay không. Tuy nhiên, một nền Văn hóa doanh nghiệp hình thành tự phát có thể tiềm ẩn những yếu tố đe dọa sự phát triển lâu bền của doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần tự mình nghiên cứu, đề ra một mô hình Văn hóa doanh nghiệp tiên tiến và phù hợp để có thể gắn kết được mọi thành viên trong doanh nghiệp và làm nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Không có một mô hình Văn hóa doanh nghiệp tối ưu dành cho tất cả, tuy nhiên nhìn chung một nền Văn hóa doanh nghiệp tiên tiến phải đạt được những yêu cầu sau:

- Văn hóa doanh nghiệp phải hướng về con người: Kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công trên thế giới và ở Việt Nam đều cho thấy, một trong

những bí quyết thành công chính là định hướng phát triển hướng về con người. Tuy nhiên, tính chất này không phải là mặt mạnh trong Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Do văn hóa truyền thống của Việt Nam không đề cao vai trò của từng cá nhân mà chỉ chú trọng đến tập thể và công việc chung, nên điều này cũng được phản ánh rõ rệt trong Văn hóa doanh nghiệp. Trong các doanh nghiệp Nhà nước, mặc dù hoạt động Công đoàn khá mạnh nhưng do cơ chế kinh tế chỉ huy, các hoạt động hướng tới người lao động còn mang tính phong trào, ít cụ thể, không thu hút được người lao động. Khía cạnh này trong các doanh nghiệp tư nhân còn mờ nhạt hơn. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn không thành lập cả tổ chức Công đoàn, nên quyền lợi của người lao động không được đảm bảo. Đặc biệt, trong cơ chế thị trường, tình trạng các doanh nghiệp chạy theo năng suất, ép buộc người lao động tăng ca, tăng giờ làm, ảnh hưởng đến sức khỏe ngày càng phổ biến. Ngay cả trong các doanh nghiệp Nhà nước, sức ép thành tích cũng buộc người lao động phải dành ngày càng nhiều tâm sức cho công việc, ảnh hưởng đến đời sống riêng tư và gia đình. Báo chí đã lên tiếng về tình trạng khủng hoảng gia đình do bố mẹ quá bận bịu với công việc, bỏ bê con cái, là mầm sống cho những tệ nạn xã hội nghiêm trọng như ma túy, mại dâm… Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn nhân lực của doanh nghiệp và xã hội.

Vì vậy để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đề ra một mô hình Văn hóa doanh nghiệp chú trọng đến sự phát triển toàn diện của người lao động, không nên chỉ chạy theo thành tích trong công việc mà còn phải quan tâm cả đến các tiêu chí khác như tham gia các phong trào văn thể mỹ, tuyên dương những gia đình gương mẫu… Trên thực tế, những công ty như FPT, Mai Linh… đã tổ chức những cuộc thi tài như vậy và đã thu được nhiều kết quả khả quan trong việc khuyến khích sự phát triển toàn diện của người lao động và tạo nên bầu không khí thân ái tại nơi làm việc.

- Phù hợp với môi trường bên trong và cả môi trường bên ngoài của doanh nghiệp. Từ khái niệm Văn hóa doanh nghiệp của Edgar H. Schein có thể thấy: Văn hóa doanh nghiệp chính là những giá trị, phong cách của các thành viên trong doanh

nghiệp, hình thành trong quá trình đối phó với môi trường bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp. Chính vì vậy, muốn thành công thì mô hình Văn hóa doanh nghiệp phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp. Chỉ khi khai thác được những giá trị Văn hóa dân tộc và những nét đặc trưng về lĩnh vực kinh doanh thì Văn hóa doanh nghiệp mới có thể thành công và trở thành nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp.

2.3. Bản thân người lãnh đạo cần là một tấm gương về Văn hóa trong doanh nghiệp


Văn hóa doanh nghiệp là một vấn đề liên quan mật thiết tới hệ thống quản trị công ty, nên trách nhiệm cuối cùng và quan trọng nhất thuộc về những nhà lãnh đạo. Kinh nghiệm của những doanh nghiệp thành công trên thế giới đã minh chứng cho vấn đề này. Về mặt đối ngoại, nhà lãnh đạo phải xác định chiến lược hoạt động của công ty trên thị trường. Về đối nội, nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm đề ra quy định, lề lối làm việc nhằm khuyến khích quá trình sáng tạo của nhân viên. Nhà lãnh đạo cũng phải có những quyết định hợp lý trong việc xây dựng hệ thống giá trị văn hóa để phát huy các lợi thế của Văn hóa dân tộc và tiếp thu những giá trị văn hóa học hỏi được từ bên ngoài. Dù trong lĩnh vực nào, nhà lãnh đạo cũng phải là người đi đầu trong việc thực hiện những mục tiêu đã đề ra để làm động lực gắn kết các thành viên trong công ty. Đó chính là cơ sở cho một nền Văn hóa doanh nghiệp bền vững.

2.4. Nâng cao ý thức về Văn hóa doanh nghiệp cho các thành viên doanh nghiệp


Văn hóa doanh nghiệp không phải là kết quả của riêng người lãnh đạo mà phải do tập thể người lao động tạo nên. Chính vì vậy, mặc dù nhà lãnh đạo đóng vai trò đầu tàu trong xây dựng Văn hóa doanh nghiệp, nhưng quá trình này chỉ có thể thành công khi có được sự đóng góp tích cực của mọi thành viên trong doanh nghiệp. Có nhiều cách để thu hút người lao động quan tâm đến Văn hóa doanh nghiệp, như tổ chức các lớp huấn luyện về Văn hóa doanh nghiệp với mọi thành viên mới của doanh nghiệp, lưu truyền tài liệu về Văn hóa doanh nghiệp trong nội bộ công ty, thường xuyên tuyên truyền về truyền thống của công ty trong nhân viên, trưng cầu ý kiến nhân viên khi cần đổi mới Văn hóa doanh nghiệp.

Một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động với Văn hóa doanh nghiệp là các công ty cần liên kết với nhau khi tuyển dụng nhân lực. Hiện nay, hiện tượng người lao động di chuyển từ công ty này sang công ty khác không phải là hiếm. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, lại không hề yêu cầu bản nhận xét của công ty cũ, nơi người lao động làm việc trước khi nộp đơn vào doanh nghiệp mới, do đó không hề biết lý do thật sự làm người lao động bỏ việc nơi đó. Tập quán này có thể làm nảy sinh tâm lý coi thường lãnh đạo cũng như công ty nơi mình làm việc ở một số lao động, vì nếu không thích thì họ có thể chuyển sang công ty khác làm việc mà không bị ảnh hưởng nhiều từ quá khứ của mình. Ở nhiều nước khác trên thế giới, khi đi xin việc, người lao động cần có Chứng chỉ nghề nghiệp và Lý lịch công tác, trong đó có nhận xét của mọi cơ quan làm việc cũ. Nếu thủ tục này cũng trở thành phổ biến ở Việt Nam thì sẽ nâng cao được ý thức trách nhiệm của người lao động trong công việc, góp phần xây dựng Văn hóa doanh nghiệp lành mạnh cho công ty.

2.5. Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong xây dựng Văn hóa doanh nghiệp


Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp là một quá trình lâu dài, mỗi doanh nghiệp có một cách thức riêng nhằm tạo nên một nền văn hóa với những nét đặc thù độc đáo. Tuy vậy, dù là nền văn hóa của doanh nghiệp nào đi nữa cũng cần có hai đặc điểm sau: đậm đà bản sắc dân tộc, có khả năng thích nghi và hội nhập với môi trường kinh doanh khu vực và thế giới. Hay nói một cách khác, đó phải là một nền văn hóa vừa có tính bền vững lại vẫn đảm bảo được tính linh hoạt.

Không có một công thức chung nào cho việc vận dụng các giá trị Văn hóa dân tộc vào từng doanh nghiệp bởi nền văn hóa Việt Nam vốn phong phú và vô cùng đa dạng, cộng thêm cách nhìn nhận và tiếp cận nền Văn hóa dân tộc khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu của mỗi doanh nghiệp. Tuy vậy, để có thể xây dựng một nền văn hóa bền vững và hướng tới con người trong doanh nghiệp thì không thể bỏ qua yếu tố bản sắc Văn hóa dân tộc, vốn là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng và giữ nước (Nghị quyết hội nghị lần thứ V ban chấp hành Trung ương Đảng

khóa VIII). Có thể nhận dạng một số bản sắc Văn hóa dân tộc trong tính cách con người Việt Nam như: lòng yêu nước nồng nàn, ý thức tự chủ tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khoang dung, trọng tình nghĩa, đức tính cần cù trong lao động…

Đây là một định hướng rất đúng đắn, phù hợp với chiến lược “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Đảng và Nhà nước ta, bởi một trong những biện pháp thiết thực nhất để đưa Nghị quyết TW5 đi vào cuộc sống là mỗi doanh nghiệp xây dựng, duy trì và phát triển đời sống văn hóa của mình theo tinh thần của Nghị quyết cộng thêm những nét văn hóa đặc trưng riêng mình.

Mặt khác, trong điều kiện môi trường kinh doanh không ngừng biến động cộng với sự tiến bộ như vũ bão của khoa học công nghệ (đặc biệt là công nghệ thông tin) trên thế giới, để có thể thích nghi nhanh chóng và mở rộng thị trường, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một nền văn hóa không chỉ đậm đà bản sắc dân tộc mà còn chứa đựng những yếu tố văn hóa hiện đại. Nói cách khác, đó phải là một nền văn hóa linh hoạt, có khả năng học hỏi và tiếp thu những thành tựu, tiến bộ khoa học kỹ thuật, những giá trị văn hóa tốt đẹp từ bên ngoài, nhờ đó phát huy được tính sáng tạo của mọi thành viên trong doanh nghiệp.

2.6. Tăng cường đầu tư vật chất cho xây dựng Văn hóa doanh nghiệp


Để từng thành viên thấm nhuần được tinh thần của những văn bản, triết lý hay khẩu hiệu chung của doanh nghiệp thì việc nhắc nhở, nêu gương của người lãnh đạo cũng chỉ là một cách thức. Cách thức khác hiệu quả không kém là gắn những văn bản, triết lý hay khẩu hiệu ấy với hoạt động hội hè, vui chơi giải trí của nhân viên, chế độ lương thưởng, đồng phục, trang thiết bị làm việc, những nghi thức trong doanh nghiệp… Đó là những yếu tố thuộc bề nổi của Văn hóa doanh nghiệp và rất dễ cảm nhận vì tính hữu hình của chúng.

Những hoạt động hội hè để tạo thành nét riêng của doanh nghiệp phải đảm bảo các yếu tố: thứ nhất, được tổ chức định kỳ và đều đặn hàng năm, hàng quý…

với mục tiêu nâng cao tinh thần doanh nghiệp và gây dựng niềm tự hào cho mọi thành viên, thứ hai là độc đáo sáng tạo, khác biệt với doanh nghiệp khác.

Các phong trào chung do các bộ phận ngành tổ chức như: xây dựng nhà tình nghĩa, nuôi dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng..., các cuộc thi giữa nhiều doanh nghiệp như “Giờ thứ 9”... là dịp để các thành viên trong doanh nghiệp khẳng định mình “Tôi là nhân viên FPT”, “Tôi là thành viên của Petrolimex”... một cách đầy tự hào, cái tôi mà họ thể hiện lúc này cũng chính là cái tôi đại diện cho doanh nghiệp. Có thể nói, tham gia vào các hoạt dộng tập thể với doanh nghiệp khác là cơ hội để các nhân viên cảm nhận được “bầu không khí gia đình” trong doanh nghiệp, và cảm thấy gắn bó hơn, có tinh thần trách nhiệm hơn đối với các công việc chung.

Tăng cường đầu tư cho văn hóa là việc làm rất cần thiết không chỉ riêng với những doanh nghiệp lâu năm và đạt được tốc độ phát triển cao. Những quan điểm cho rằng “chỉ nên chú trọng xây dựng văn hóa khi công ty đã lớn mạnh, đã ăn nên làm ra” là hoàn toàn phiến diện, coi văn hóa chỉ là thứ trang sức để phô trương. Thực tế đã chứng minh, con người lao động và cống hiến nhiều khi không phải vì lợi ích vật chất mà còn vì những yếu tố tinh thần thôi thúc họ, vì tình cảm gắn bó với công ty của mình. Để tạo ra những động lực phi vật chất đó thì nhất thiết doanh nghiệp cần phải có một nền Văn hóa doanh nghiệp mạnh. Người lãnh đạo doanh nghiệp phải có ý thức coi đây là những đầu tư cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp, không nên chỉ chú trọng đến kết quả kinh doanh. Bởi Văn hóa doanh nghiệp chính là chất keo để gắn kết người lao động với doanh nghiệp, tạo nền móng để doanh nghiệp có thể phát triển lâu bền.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/09/2022