Xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo luật Hôn nhân và gia đình 2014 - 11

- Về tính chất của giao dịch: Việc xác định tính chất của giao dịch nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung cần theo hướng thừa nhận rằng đây là một giao dịch đặc biệt chỉ có trong Luật HN&GĐ về tài sản, có tác dụng biến một tài sản riêng thành một tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ và chồng. Tài sản được nhập sẽ đi vào khối tài sản chung và được vợ chồng cùng quản lý theo luật chung về quan hệ tài sản giữa vợ và chồng. Việc nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung được coi như một hình thức đóng góp của chủ sở hữu riêng vào sự phát triển của khối tài sản chung, chủ sở hữu có quyền yêu cầu ghi nhận sự đóng góp này khi tính toán để xác định giá trị phần quyền của mình trong khối tài sản chung sau khi hôn nhân chấm dứt.

Bằng những nội dung cụ thể trên, khi đưa vào hướng dẫn Luật HN&GĐ năm 2014 có lẽ sẽ góp phần đáng kể trong việc giải quyết vấn đề liên quan tới việc nhập tài sản riêng của vợ hoặc chồng vào tài sản chung.

3.2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn

Pháp luật HN&GĐ Việt Nam đã có sự phát triển ngày càng cao, đáp ứng được tốt hơn các yêu cầu khách quan trong sự phát triển của xã hội và gia đình, chế độ tài sản của vợ chồng là một trong những chế định của Luật HN&GĐ phản ánh rõ nét nhất vấn đề này. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, các quy định về xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn trong pháp luật HN&GĐ hiện hành còn chưa thực sự đi vào đời sống xã hội, điều này không chỉ do thiếu một số quy định pháp luật, các quy định pháp luật chưa cụ thể mà còn do sự nhận thức của người dân còn hạn chế về pháp luật HN&GĐ đối với các quy định về tài sản của vợ chồng; sự yếu kém trong công tác tổ chức và áp dụng Luật HN&GĐ; thái độ, tinh thần trách nhiệm của một số cá nhân, cơ quan, tổ chức khi giải quyết các vấn đề liên quan tới xác định tài sản vợ chồng

khi ly hôn. Xuất phát từ những lý do đó và để khắc phục hiện tượng nêu trên, theo tôi cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

3.2.1. Tăng cường công tác giải thích và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật

Do các quy định của pháp luật chúng ta hiện nay vẫn còn những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, còn nhiều các quy định chưa cụ thể, rõ ràng nên đến cách hiểu, cách áp dụng pháp luật chưa thống nhất trong hệ thống Tòa án, trong nhiều trường hợp cùng một điều luật, cùng một nội dung tranh chấp nhưng Tòa án lại có cách nhìn nhận, đánh giá, áp dụng pháp luật và phán quyết khác nhau gây mất lòng tin trong dân chúng. Do đó, cần tăng cường công tác giải thích và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật mới có thể mang lại sự thống nhất và hiệu quả của công tác xét xử.

3.2.2. Phát huy vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong nhân dân

Cùng với sự phát triển không ngừng của kinh tế xã hội có không ít quan hệ hôn nhân trong thời đại hiện nay không còn nằm trong vòng chuẩn mực, không được coi trọng, gìn giữ như trước. Khi có mâu thuẫn, vợ chồng thường không kiên nhẫn cùng nhau bàn bạc, cảm thông, “gạn đục lắng trong” để cùng tìm cách tháo gỡ mà họ dễ dàng chấp nhận sự “tan đàn xẻ nghé”. Bên cạnh đó, cùng do trình độ kiến thức pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân của nhiều cặp vợ chồng vẫn còn hạn chế nên đã gây ra khó khăn nhất định cho cơ quan trực tiếp giải quyết vụ việc ly hôn và xác định tài sản. Nếu ngay từ đầu các cặp vợ chồng nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích nhân văn sâu sắc của quan hệ hôn nhân, quan hệ gia đình, ý thức được việc tạo lập, giữ gìn, phát triển tài sản chung, ý thức được việc bảo vệ quyền lợi của mình đối với tài sản thì giữa họ sẽ hạn chế đến mức tối đa sự mâu thuẫn về tình cảm và sự

tranh chấp về tài sản. Vì vậy bên cạnh việc củng cố và kiện toàn hệ thống pháp luật, cần phải có các biện pháp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của gia đình cũng như các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đến với người dân đặc biệt là các cặp vợ chồng để họ có thể tự chủ động bảo vệ được quyền lợi của mình. Việc tuyên truyền có thể được thực hiện thông qua báo chí, mạng lưới truyền thanh cơ sở, internet, thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý hay xét xử lưu động của Tòa án.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền, từ đó tạo điều kiện cho người dân hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Tăng cường tích cực hoạt động của các tổ chức xã hội, các đoàn thể trong việc tổ chức hoà giải cơ sở giúp giải quyết mâu thuẫn giữa vợ chồng, hạn chế việc ly hôn dẫn đến yêu cầu giải quyết tranh chấp về xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn của vợ chồng.

Xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo luật Hôn nhân và gia đình 2014 - 11

Các cơ quan áp dụng và bảo vệ pháp luật cần tiến hành tập huấn chuyên sâu về Luật HN&GĐ nói chung và nhiệm vụ kế thừa, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp nói riêng cho thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký toà án, hội thẩm nhân dân, hộ tịch viên và nhân viên tư pháp khác. Tránh hiện tượng cực đoan hoặc phủ nhận toàn bộ các giá trị truyền thống trong phong tục, tập quán về HN&GĐ, hoặc quá lạm dụng phong tục, tập quán về HN&GĐ làm giảm tính hiệu lực của các quy phạm pháp luật HN&GĐ.

Tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo…đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền và giáo dục pháp luật HN&GĐ trong nhân dân. Qua đó, nâng cao ý thức của nhân dân trong gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống đạo đức tốt đẹp về HN&GĐ. Đồng thời,

giúp nhân dân nhận biết các phong tục tập quán lạc hậu cần được loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội và đời sống gia đình.

3.2.3. Giải pháp nâng cao chất lượng công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng

Bên cạnh những kết quả đạt được của các tổ chức hành nghề công chứng, cụ thể là những hoạt động của các Văn phòng công chứng. Song, chất lượng đội ngũ công chứng viên, chất lượng hoạt động công chứng còn nhiều hạn chế, điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người dân khi tham gia các giao dịch, trong đó các vấn đề liên quan tới xác định tài sản vợ chồng chiếm một tỷ trọng tương đối lớn. Đặc biệt những đối tượng tranh chấp là nhà, đất của vợ chồng khi ly hôn.

Trên thực tế có các hợp đồng mua bán nhà là các hợp đồng không có đủ các điều kiện có hiệu lực của một hợp đồng mua bán nhà hợp pháp, như trường hợp nhà ở đều thuộc sở hữu chung của vợ chồng nhưng một bên lại đứng ra bán, không đáp ứng điều kiện về hình thức (thiếu trách nhiệm trong việc xác định chữ ký của chủ sở hữu), tuy nhiên, hợp đồng vẫn được Phòng công chứng chứng nhận. Hoặc có trường hợp Phòng công chứng không xác minh về tình trạng căn nhà đem bán, cho rằng đó là tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng (có chữ ký của một bên), nhưng thực chất lại là tài sản chung của vợ chồng và khi công chứng Phòng công chứng vẫn chứng nhận hợp đồng hợp pháp. Vậy trách nhiệm của Công chứng viên và cơ quan công chứng được xử lý như thế nào? Đây là vấn đề khá bức xúc, bởi Nhà nước đã giao cho Công chứng viên thay mặt Nhà nước và giúp người dân đảm bảo tính hợp pháp của các giao dịch quan trọng bậc nhất trong đời sống, nhưng họ đã thiếu trách nhiệm, hoặc cố tình tạo điều kiện vi phạm pháp luật.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm:

Phải đưa ra các biện pháp triệt để, sao cho việc công chứng không chỉ nhằm đảm bảo điều kiện về mặt hình thức của hợp đồng, mà còn cần phải chứng nhận cả tính hợp pháp về mặt nội dung của hợp đồng, tạo cho các giao lưu dân sự đi đúng quỹ đạo của pháp luật, giảm bớt các tranh chấp dân sự, phải kiện tại Toà án.

3.2.4. Nâng cao chất lượng của công tác hòa giải

Theo quy định của BLTTDS thì hòa giải là nguyên tắc cơ bản của việc giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự, là chế định quan trọng của pháp luật tố tụng dân sự, là sự mở rộng quá trình thương lượng giữa hai bên nhằm hàn gắn những mâu thuẫn. Hòa giải thành sẽ mang lại hiệu quả thi hành án cao và góp phần giảm kinh phí giải quyết tranh chấp cho Nhà nước và các đương sự.

Đối với những vụ án ly hôn có tranh chấp về tài sản giữa vợ chồng, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Khi thực hiện công tác hòa giải, Tòa án giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình; nội dung thỏa thuận của các đương sự không được trái pháp luật và trái đạo đức xã hội. Xuất phát từ nguyên tắc này, Thẩm phán nên kiên trì hòa giải, giáo dục, thuyết phục để các bên đương sự có thể hòa giải và thỏa thuận với nhau về những vấn đề tranh chấp.

Thông qua việc thực hiện hòa giải theo luật định khi giải quyết các vụ việc dân sự, Thẩm phán giải thích để các đương sự hiểu đúng pháp luật về vấn đề họ đang tranh chấp. Việc hòa giải thành có ý nghĩa rất quan trọng vì giúp cho vụ án sớm được giải quyết; đảm bảo được sự đoàn kết, ổn định trong nội bộ nhân dân; tiết kiệm và hạn chế tối đa chi phí về thời gian và tiền bạc cho các bên tranh chấp...

Kiên trì hòa giải, giáo dục, thuyết phục là một phương châm công tác của ngành Tòa án nhưng không phải Thẩm phán nào cũng ý thức được vấn đề này trong khi tiến hành hoạt động nghề nghiệp; khi xét xử, thẩm phán cần chú trọng đến chất lượng xét xử, đồng thời giáo dục pháp luật cho đương sự và những người tham dự phiên tòa là cần thiết.

KẾT LUẬN


Trong giai đoạn phát triển của xã hội hiện nay, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội thì số lượng các vụ việc vợ chồng ly hôn ngày càng xảy ra nhiều và phức tạp hơn. Vì vậy việc xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của gia đình, xã hội. Vợ chồng đều có trách nhiệm không những về mặt xã hội, mà còn là trách nhiệm pháp lý. Sự ràng buộc nhau giữa vợ và chồng không những về quan hệ tình cảm, mà còn là quan hệ tài sản chung hợp nhất thì quan hệ hôn nhân mới thật sự bền vững. Quan hệ tài sản trong gia đình trước hết được điều chỉnh bởi pháp luật HN&GĐ. Các giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng ngày càng nhiều và phức tạp. Vì vậy, việc giải quyết các vụ việc liên quan tới tài sản của vợ chồng cũng gặp nhiều khó khăn, rắc rối; đòi hỏi pháp luật phải cụ thể hơn, những người thực thi pháp luật phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong giải quyết đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của các đương sự.

Với đề tài “Xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014”, luận văn được hoàn thành với những nội dung chủ yếu sau:

1. Đưa ra khái niệm chế độ tài sản của vợ chồng, xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn. Phân tích ý nghĩa của việc xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn.

2. Phân tích các quy định về xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo pháp luật về HN&GĐ của một số nước trên thế giới và hệ thống pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở đó, so sánh, đối chiếu để thấy được nét tương đồng và đặc thù.

3. Hệ thống hoá sự phát triển của pháp luật Việt Nam điều chỉnh việc xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn.

4. Phân tích các quy định của pháp luật HN&GĐ hiện hành về xác định tài sản của vợ chồng khi ly hôn;

Nêu rõ những điểm mới về các cách xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn trong Luật HN&GĐ năm 2014 so với các văn bản pháp luật về HN&GĐ trước đó.

5. Trên cơ sở nghiên cứu về mặt lý luận và thực tiễn áp dụng việc xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn luận văn chỉ rõ những quy định còn bất cập, chưa hợp lý, không phù hợp thực tiễn. Từ đó, luận văn đưa ra một số kiến nghị đề xuất những hướng hoàn thiện các quy định xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo pháp luật hiện hành, cùng với việc đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật HN&GĐ nói chung và các quy định về xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn nói riêng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/02/2024