Như vậy có thể thấy rằng, mặc dù lượng nitơ tích lũy từ thức ăn ở gà chịu sự tác động của độ tuổi nhưng không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê về kết quả xác định giá trị ME cũng như MEN trong thức ăn ở gà giai đoạn 21-56 ngày tuổi. Điều này có nghĩa là trong giai đoạn 21-56 ngày tuổi, có thể chọn gà ở bất kỳ giai đoạn nào để đưa vào thí nghiệm xác định giá trị ME và MEN của thức ăn mà không làm ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
3.3. Thí nghiệm 3. Xác định giá trị năng lượng trao đổi có hiệu chỉnh nitơ và tỉ lệ tiêu hóa các chất dinh dưỡng tổng số trong các loại thức ăn cho gà
3.3.1. Giá trị năng lượng trao đổi có hiệu chỉnh nitơ của các thức ăn thí nghiệm
3.3.1.1. Ngô
Kết quả tính toán giá trị năng lượng trao đổi có hiệu chỉnh nitơ của 7 mẫu ngô thí nghiệm theo phương pháp sai khác được trình bày ở bảng 3.7. Giá trị MEN trong ngô có sự biến động nhỏ, cao nhất ở ngô Lào (3693 kcal/kg DM hay 15,45 MJ/kg DM) và thấp nhất ở ngô VN10 - 2 (3351 kcal/kg DM hay 14,02 MJ/kg DM). Sự sai khác về giá trị MEN của ngô Lào và VN10 - 2 là có ý nghĩa thống kê (P < 0,05). Kết quả của nghiên cứu này cao hơn so với một số công bố khác trên thế giới. Theo Kocher và cs. (2003), giá trị MEN của ngô biến động từ 12,71 đến 13,04 MJ/kg DM [115]. Ngoài ra, Donkoh và Attoh-Kotobu (2009) cũng chỉ ra rằng giá trị năng lượng trao đổi của ngô là 13,1 MJ/kg DM [52]. Trong khi đó, kết quả xác định giá trị năng lượng trao đổi theo phương pháp Farrell của Vũ Duy Giảng và cs. (2000) cho thấy giá trị năng lượng trao đổi của ngô đỏ biến động từ 3626 đến 3868 kcal/kg DM [5]. Ngoài ra, Dourado và cs. (2009) cũng thông báo giá trị MEN của ngô là 3504 kcal/kg DM [54].
Kết quả ở bảng 3.7 cũng cho thấy sự sai khác đáng kể giữa giá trị MEN xác định bằng phương pháp in vivo trong nghiên cứu này so với kết quả ước tính từ thành phần các chất dinh dưỡng tổng số theo các công thức của Janssen (1989 tdt [160]). Giá trị MEN ước tính cao hơn kết quả thí nghiệm từ 4,49 – 12,99% khi áp dụng công thức của Janssen (1989 tdt [160]). Kết quả nghiên cứu của Vũ Duy Giảng và cs. (2000) cũng cho thấy giá trị năng lượng trao đổi ước tính cao hơn so với giá trị xác định bằng phương pháp trực tiếp là 5% [5].
Bảng 3.7. Giá trị năng lượng trao đổi có hiệu chỉnh nitơ (MEN) của ngô
MEN | MEN* (kcal/kg DM) | ||||
kcal/kg DM | MJ/kg DM | kcal/kg NT | MJ/kg NT | ||
Ngô Lào | 3693a ± 29 | 15,45a ± 0,12 | 3306a ± 26 | 13,83a ± 0,11 | 3858 |
Ngô VN10 - 1 | 3631ab ± 31 | 15,19ab ± 0,13 | 3214ab ± 27 | 13,45ab ± 0,11 | 3815 |
Ngô lai F1 | 3540abc ± 85 | 14,81abc ± 0,35 | 3152abc ± 75 | 13,19abc ± 0,32 | 3796 |
Ngô Phần | 3461bc ± 44 | 14,48bc ± 0,18 | 3098bc ± 39 | 12,96 bc ± 0,16 | 3779 |
Ngô lai 1 | 3356c ± 64 | 14,04c ± 0,27 | 2881d ± 55 | 12,06d ± 0,23 | 3792 |
Ngô lai 2 | 3450bc ± 15 | 14,43bc ± 0,06 | 3085bc ± 13 | 12,91bc ± 0,05 | 3799 |
Ngô VN10 - 2 | 3351c ± 39 | 14,02c ± 0,16 | 3001cd ± 35 | 12,55cd ± 0,14 | 3755 |
SEM | 69,08 | 0,29 | 61,01 | 0,26 | - |
P | 0,000 | 0,000 | 0,000 | 0,000 | - |
Có thể bạn quan tâm!
- Thí Nghiệm 3. Xác Định Giá Trị Năng Lượng Trao Đổi Có Hiệu Chỉnh Nitơ Và Tỉ Lệ Tiêu Hóa Các Chất Dinh Dưỡng Tổng Số Trong Các Loại Thức Ăn Cho
- Hàm Lượng Amino Acid Tổng Số Trong Các Thức Ăn Thí Nghiệm
- Thí Nghiệm 1. Ảnh Hưởng Của Phương Pháp Nghiên Cứu (Trực Tiếp Và Gián Tiếp) Đến Kết Quả Xác Định Giá Trị Me N Của Thức Ăn Thí Nghiệm
- Giá Trị Me N Của Các Sản Phẩm Từ Gạo Và Thức Ăn Phụ Phẩm
- Tỉ Lệ Tiêu Hóa Biểu Kiến Các Chất Dinh Dưỡng Trong Các Phụ Phẩm Protein
- Tốc Độ Sinh Trưởng Tuyệt Đối Của Gà Thí Nghiệm Qua Các Tuần Tuổi
Xem toàn bộ 166 trang tài liệu này.
MEN *: giá trị MEN tính theo Janssen, 1989 (tdt [160]): MEN (kcal/kg DM) = 36,21× CP + 85,4 × EE + 37,26 × NfE); Các giá trị trung bình trong cùng một cột có ít nhất một chữ cái giống nhau thì sự sai khác không có ý nghĩa thống kê với P > 0,05
3.3.1.2. Cám gạo nguyên dầu và trích ly
Giá trị MEN của 6 mẫu cám gạo nguyên dầu thí nghiệm có sự biến động lớn (bảng 3.8). Chênh lệch giữa giá trị MEN cao nhất và thấp nhất là 1235 kcal/kg DM hay 5,16 MJ/kg DM. Giá trị MEN cao nhất ở cám gạo 4B (2814 kcal/kg DM hay 11,77 MJ/kg DM). Giá trị năng lượng trao đổi có hiệu chỉnh nitơ ở cám gạo và cám gạo Khang Dân tương tự với kết quả nghiên cứu của Rajaguru và Ravindran (1985): 9,30 MJ/kg DM [178]; Rezaei (2006): 2038 kcal/kg DM [194]. Tính theo trạng thái thức ăn, cám gạo nguyên dầu trong thí nghiệm có giá trị MEN biến động từ 1468 – 2501 kcal/kg. Kết quả này thấp hơn so với kết quả đã công bố của Lã Văn Kính và
Huỳnh Thanh Hoài (2005) [7]. Khi sử dụng phương pháp Farrell để xác định giá trị năng lượng trao đổi của cám gạo, nhóm tác giả này đã thông báo rằng cám gạo có giá trị năng lượng trao đổi là 2665 kcal/kg nguyên trạng. Giá trị MEN của cám gạo trích ly trong nghiên cứu này là rất thấp (3,61 MJ/kg DM), điều này có thể do tỉ lệ khoáng tổng số và xơ thô cao trong mẫu cám gạo trích ly thí nghiệm đã gây ảnh hưởng đến chất lượng của thức ăn.
Bảng 3.8. Giá trị năng lượng trao đổi có hiệu chỉnh nitơ (MEN) của cám gạo
MEN | MEN* (kcal/kg DM) | ||||
kcal/kg DM | MJ/kg DM | kcal/kg NT | MJ/kg NT | ||
Cám gạo 4B | 2814a ± 65 | 11,77a ± 0,27 | 2501a ± 57 | 10,46a ± 0,24 | 2791 |
Cám gạo 38 | 2646a ± 83 | 11,07a ± 0,35 | 2355a ± 74 | 9,85a ± 0,31 | 2683 |
Cám gạo Khang Dân | 2170b ± 81 | 9,08b ± 0,34 | 1948b ± 73 | 8,15b ± 0,31 | 3265 |
Cám gạo | 2118b ± 67 | 8,86b ± 0,28 | 1850b ± 58 | 7,74b ± 0,24 | 3112 |
Cám gạo X | 1718c ± 23 | 7,19c ± 0,10 | 1514c ± 20 | 6,33c ± 0,09 | 3103 |
Cám gạo sấy | 1579c ± 77 | 6,61c ± 0,32 | 1468c ± 71 | 6,14c ± 0,30 | 2694 |
Cám gạo trích ly | 864d ± 38 | 3,61d ± 0,16 | 799d ± 35 | 3,35d ± 0,15 | 628 |
SEM | 92,56 | 0,39 | 83,26 | 0,35 | - |
P | 0,000 | 0,000 | 0,000 | 0,000 | - |
MEN *: giá trị MEN tính theo Janssen, 1989 (tdt [160]) (MEN (kcal/kg DM) = 46,7 × DM - 46,7 × Ash – 69,54 × CP + 42,94 × EE – 81,95 × CF) ; Các giá trị trung bình trong cùng một cột có ít nhất một chữ cái giống nhau thì sự sai khác không có ý nghĩa thống kê với P > 0,05
Kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng cho thấy các mẫu cám gạo trong nghiên cứu này đều có chất lượng cao (bảng 2.3). Tuy nhiên, khoảng biến động của giá trị MEN trong các mẫu cám gạo nguyên dầu ở nghiên cứu này chỉ nằm ở
vùng giá trị thấp và trung bình so với các số liệu của Lã Văn Kính (2003): 1501
– 3199 kcal/kg nguyên trạng [6]. Điều này có thể lý giải là do sự sai khác giữa phương pháp ước tính [6] và phương pháp thí nghiệm in vivo. Kết quả ở bảng 3.8 cũng cho thấy sự sai khác rất lớn giữa giá trị MENxác định được bằng thí nghiệm trực tiếp trên gà với kết quả ước tính từ thành phần hóa học của thức ăn theo các công thức của Janssen (1989 tdt [160]). Chênh lệch giữa giá trị MEN ước tính so với kết quả trong nghiên cứu này dao động từ là -0,82% đến
+80,66% đối với cám gạo nguyên dầu và -27,31% đối với cám gạo trích ly khi áp dụng công thức của Janssen (1989 tdt [160]).
3.3.1.3. Bột sắn
Kết quả tính giá trị năng lượng trao đổi có hiệu chỉnh nitơ của 4 mẫu bột sắn thí nghiệm theo phương pháp sai khác được trình bày ở bảng 3.9. Giá trị MEN của bột sắn biến động từ 12,10 MJ/kg DM hay 10,94 MJ/kg NT (sắn Ba Trăng) đến 14,86 MJ/kg DM hay 13,59 MJ/kg NT (sắn KM94 - 1). Tính theo trạng thái vật chất khô, sự sai khác về giá trị MEN giữa bột sắn KM94 - 1, KM94 - 2 và sắn nếp là không có ý nghĩa thống kê (P > 0,05). Tuy nhiên, có sự sai khác đáng kể về giá trị MEN giữa bột sắn KM94 - 1 và sắn Ba Trăng. Điều này có thể giải thích là do sự khác nhau về giống, điều kiện canh tác và thời vụ thu hoạch đã tác động đến giá trị năng lượng trao đổi ở các giống sắn. Kết quả thí nghiệm của Stevenson (2006) cũng chỉ ra rằng giá trị năng lượng trao đổi của bột sắn là 14,1 MJ/kg DM [227]. Trong khi đó, theo CVB (1998) (tdt [77]) giá trị MEN của bột sắn là 2990 kcal/kg DM.
Ngoài ra, kết quả ở bảng 3.9 cũng chỉ ra sự sai khác về giá trị năng lượng
trao đổi ước tính theo thành phần các chất dinh dưỡng tổng số và kết quả thí nghiệm in vivo. Kết quả tính toán giá trị MEN theo công thức ước tính của Janssen (1989) (tdt [160]) cho thấy sự chênh lệch so với kết quả thí nghiệm theo cả 2 phía cao và thấp hơn. Trong đó giá trị MEN ước tính ở bột sắn KM94 - 1 và bột sắn nếp thấp hơn so với kết quả thí nghiệm in vivo lần lượt là 7,41 và 1,63%. Ngược lại, kết quả ước tính theo cùng công thức trên đối với bột sắn KM94 - 2 và bột sắn Ba Trăng cho kết quả cao hơn giá trị thu được từ thí nghiệm là 5,32% và 14,77%.
Bảng 3.9. Giá trị MEN của bột sắn
Đơn vị tính | Sắn KM94 - 1 | Sắn nếp | Sắn KM94 – 2 | Sắn Ba Trăng | SEM | P | |
MEN | Kcal/kg DM | 3552a ± 136 | 3292ab ± 65 | 3123ab ± 133 | 2892b ± 84 | 154,31 | 0,004 |
MJ/kg DM | 14,86a ± 0,57 | 13,77ab ± 0,27 | 13,07ab ± 0,56 | 12,10b ± 0,35 | 0,65 | 0,004 | |
Kcal/kg NT | 3247a ± 124 | 2974ab ± 59 | 2814b ± 120 | 2615b ± 76 | 139,93 | 0,003 | |
MJ/kg NT | 13,59a ± 0,52 | 12,44ab ± 0,25 | 11,78b ± 0,50 | 10,94b ± 0,32 | 0,58 | 0,003 | |
MEN* | Kcal/kg DM | 3289 | 3238 | 3290 | 3319 | - | - |
MEN*: giá trị MEN ước tính từ công thức của Janssen (1989) (tdt [160]): MEN (kcal/kg DM) = 39,14 × DM – 39,14 × Ash – 82,78 × CF; Các giá trị trung bình trong cùng một hàng có ít nhất một chữ cái giống nhau thì sự sai khác không có ý nghĩa thống kê với P > 0,05
3.3.1.4. Đậu tương nguyên dầu
Giá trị năng lượng trao đổi có hiệu chỉnh nitơ của 3 mẫu đậu tương nguyên dầu thí nghiệm được tính bằng phương pháp sai khác. Giá trị năng lượng trao đổi có hiệu chỉnh nitơ trong 3 mẫu đậu tương nguyên dầu dao động từ 3149 kcal/kg DM (đối với đậu tương rang) đến 4441 kcal/kg DM (đối với đậu tương ép đùn). Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy độ chênh lệch về giá trị MEN trong đậu tương nguyên dầu xử lý bằng phương pháp rang và luộc lên đến 23,51% (3149 kcal/kg DM so với 4116 kcal/kg DM). Trong khi đó, xét theo trạng thái vật chất khô, sự sai khác về giá trị MEN trong đậu tương nguyên dầu được xử lý bằng phương pháp luộc
ở 100oC trong 40 phút và đậu tương được xử lý bằng phương pháp ép đùn là không
có ý nghĩa về mặt thống kê (P = 0,059). Như vậy, có thể thấy rằng việc xử lý các chất kháng dinh dưỡng bằng phương pháp rang thủ công đã làm giảm giá trị năng lượng trao đổi trong đậu tương khi so với phương pháp luộc. Điều này có thể do việc xử lý nhiệt bằng phương pháp rang đã thúc đẩy phản ứng Maillard giữa nhóm amino của amio acid và đường khử, từ đó làm giảm giá trị năng lượng trong thức ăn [176]. Ngược lại, phương pháp ép đùn với nguyên lý sử dụng nhiệt độ cao trong
thời gian ngắn là phương pháp rất có hiệu quả trong việc gây biến tính các chất kháng dinh dưỡng trong thức ăn. Áp lực được tạo ra trong quá trình ép đùn còn làm thay đổi kết cấu của thức ăn, tăng độ ổn định của chất béo và giá trị sinh học của protein trong đậu tương [132].
Bảng 3.10. Giá trị MEN của đậu tương nguyên dầu
Đơn vị tính | Đậu tương ép đùn | Đậu tương luộc | Đậu tương rang | SEM | P | |
MEN | Kcal/kg DM | 4441a ± 80 | 4116a ± 92 | 3149b ± 97 | 127,19 | 0,000 |
MJ/kg DM | 18,58a ± 0,33 | 17,22a ± 0,39 | 13,17b ± 0,41 | 0,53 | 0,000 | |
Kcal/kg NT | 4136a ± 74 | 3650b ± 82 | 2855c ± 88 | 115,31 | 0,000 | |
MJ/kg NT | 17,30a ± 0,31 | 15,27b ± 0,34 | 11,95c ± 0,37 | 0,48 | 0,000 | |
MEN* | Kcal/kg DM | 3718 | 3695 | 3667 | - | - |
MEN* : giá trị MEN ước tính từ công thức của Janssen (1989) (tdt [160]): MEN (kcal/kg DM) = 2769 - 59,1 × CF + 62,1 × EE; Các giá trị trung bình trong cùng một hàng có ít nhất một chữ cái giống nhau thì sự sai khác không có ý nghĩa thống kê với P > 0,05
Đối với đậu tương rang, giá trị năng lượng trao đổi tham khảo từ Viện Chăn nuôi (2001) [11] và Lã Văn Kính (2003) [6] cao hơn từ 18,04 – 36,11% so với kết quả trong nghiên cứu này. Ngược lại, theo Lã Văn Kính (2003), giá trị năng lượng trao đổi trong đậu tương ép đùn là 3484 kcal/kg nguyên trạng [6], thấp hơn 15,76% so với kết quả trong nghiên cứu này. Điều này có thể giải thích là do sự sai khác giữa kết quả xác định giá trị năng lượng trao đổi bằng phương pháp thí nghiệm in vivo và phương pháp ước tính.
Kết quả ở bảng 3.10 cũng chỉ ra sự sai khác đáng kể giữa giá trị MEN ước tính và giá trị MEN thu được từ thí nghiệm in vivo. Khoảng chênh lệch giữa giá trị MEN trong nghiên cứu này so với giá trị ước tính từ thành phần các chất dinh dưỡng tổng số theo các công thức của Janssen (1989) (tdt [160]) dao động từ - 14,13% đến +19,45%. Mặt khác, ngay cả trong trường hợp cùng sử dụng phương
pháp in vivo để xác định giá trị năng lượng trao đổi của thức ăn cũng cho kết quả khác nhau giữa các nhóm tác giả. Kết quả nghiên cứu Zonta và cs. (2004) cho thấy giá trị MEN của đậu tương rang là 4296 kcal/kg DM [257], cao hơn kết quả trong nghiên cứu này (3149 kcal/kg DM). Ngược lại, theo nhóm tác giả trên, năng lượng trao đổi có hiệu chỉnh nitơ trong đậu tương ép đùn chỉ khoảng 3674 kcal/kg DM, thấp hơn so với kết quả trong nghiên cứu này (4441 kcal/kg NT). Kết quả nghiên cứu của Kan và cs. (1988) trên gà broiler cũng chỉ ra rằng giá trị năng lượng trao đổi của đậu tương nguyên dầu trong khoảng từ 3251 - 3692 kcal/kg DM hay từ 13,60 – 15,45 MJ/kg DM [109].
3.3.1.5. Bột cá
Kết quả tính toán giá trị năng lượng trao đổi có hiệu chỉnh nitơ trong 5 mẫu bột cá thí nghiệm theo phương pháp sai khác được trình bày ở bảng 3.11. Giá trị MEN của các mẫu bột cá thí nghiệm biến động từ 1955 kcal/kg DM (cá ngát) đến 2313 kcal/kg DM (cá liệt). Độ chênh lệch giữa 2 giá trị MEN thấp nhất và cao nhất là 15,51%. Không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê về giá trị MEN giữa bột cá cơm, cá liệt, cá elap và cá ong (P > 0,05). Tính chung cho cả 5 mẫu bột cá thí nghiệm, giá trị năng lượng trao đổi có hiệu chỉnh nitơ trong bột cá là 2091 kcal/kg DM, thấp hơn 26,69% so với kết quả nghiên cứu Zarei (2006) (2852 kcal/kg DM) [256]. Ngoài ra, Donkoh và Attoh-Kotoku (2009) cũng thông báo rằng giá trị năng lượng trao đổi trong bột cá dao động từ 13,1 – 14,3 MJ/kg DM [52]. Theo nhóm tác giả trên, giá trị dinh dưỡng của bột cá có sự biến động cao, phụ thuộc vào chất lượng và loại nguyên liệu ban đầu cũng như từng loài cá khác nhau [52].
Sự sai khác giữa giá trị MEN của các mẫu bột cá trong nghiên cứu này so với kết quả ước tính từ thành phần các chất dinh dưỡng tổng số được thể hiện ở bảng
3.11. Kết quả xác định giá trị MEN của 5 mẫu bột cá thí nghiệm bằng phương pháp in vivo đều cho giá trị thấp hơn so với giá trị ước tính theo công thức của Janssen (1989 tdt [160]). Giá trị MEN trong nghiên cứu này thấp hơn từ 8,70 – 32,68% so với giá trị ước tính theo công thức của Janssen (1989 tdt [160]).
Bảng 3.11. Giá trị MEN của bột cá
Đơn vị tính | Cá liệt | Cá cơm | Cá ngát | Cá elap | Cá ong | SEM | P | |
MEN | Kcal/kg DM | 2313a ± 61 | 2226ab ± 57 | 1955b ± 52 | 1955b ± 99 | 2005b ± 69 | 98,30 | 0,003 |
MJ/kg DM | 9,68a ± 0,26 | 9,32ab ± 0,24 | 8,18b ± 0,22 | 8,18b ± 0,41 | 8,39b ± 0,29 | 0,41 | 0,003 | |
Kcal/kg NT | 1997 ± 53 | 1931 ± 49 | 1762 ± 47 | 1775 ± 89 | 1824 ± 63 | 87,99 | 0,060 | |
MJ/kg NT | 8,36 ± 0,22 | 8,08 ± 0,21 | 7,37 ± 0,20 | 7,43 ± 0,37 | 7,63 ± 0,26 | 0,37 | 0,061 | |
MEN* | Kcal/kg DM | 2534 | 2871 | 2547 | 2904 | 2550 | - | - |
MEN* : giá trị MEN ước tính từ công thức của Janssen (1989) (tdt [160]): MEN (kcal/kg DM)
= 35,87× DM – 34,08 × Ash + 42,09 × EE ; Các giá trị trung bình trong cùng một hàng có ít nhất một chữ cái giống nhau thì sự sai khác không có ý nghĩa thống kê với P > 0,05
3.3.1.6. Các sản phẩm từ gạo và thức ăn phụ phẩm
Kết quả ở bảng 3.12 cho thấy giá trị MEN thấp nhất ở khô dầu hạt cải (1711 kcal/kg DM hay 1512 kcal/kg NT) và cao nhất ở tấm gạo (4036 kcal/kg DM hay 3540 kcal/kg NT). Trong các mẫu thức ăn phụ phẩm giàu protein thí nghiệm, bột gia cầm thủy phân có giá trị MEN cao (3355 kcal/kg DM). Không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê về giá trị MEN giữa bột lông vũ, DDGS và khô dầu lạc; giữa bột đầu tôm, bột thịt xương và khô dầu đậu tương; giữa đậu tương thủy phân và khô dầu dừa; hay giữa bột thịt xương và khô dầu hạt cải khi tính ở dạng chất khô (P > 0,05).
DDGS là loại nguyên liệu giàu polysaccharide phi tinh bột (NSP), protein, lipid và khoáng [78]. Tuy nhiên, do động vật dạ dày đơn không tiêu hóa NSP một cách hiệu quả nên giá trị năng lượng trao đổi trong DDGS thấp hơn so với ngô [160], [251]. Điều này hoàn toàn phù hợp với kết quả trong nghiên cứu này. Khi tính theo hàm lượng chất khô, giá trị MEN trong 2 mẫu DDGS thấp hơn đáng kể so với các mẫu ngô thí nghiệm. Tuy nhiên, ở dạng nguyên trạng, giá trị MEN trong 2 mẫu DDGS thí nghiệm tương đương với trong mẫu ngô lai 1 (bảng 3.7). Kết quả