tô đậm một sự thật khác: chiến tranh là tội ác. Chiến tranh kết thúc nhưng nỗi đau nó để lại còn dai dẳng và âm ỉ trong nhiều thế hệ: “sau cuộc chiến tranh kéo dài mấy mươi năm, chiến thắng và hòa bình chấm hết tiếng súng xung đột nhưng những vết thương mất mát vẫn tiếp tục đau quặn từng cơn hoặc âm ỉ suốt đời nhiều số phận cá nhân và gia đình cả hai bên thù địch” [35,153].
Những bi kịch cá nhân ấy được diễn tả xúc động trong Miền cháy, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành… với nỗi đau của người mẹ mất con lại đang cưu mang con trai của kẻ thù, với những khắc khoải đi tìm tình yêu, với nỗi cô đơn của người đàn bà mộng du... Bi kịch của bà mẹ Êm là những diễn biến phức tạp, khổ sở, những giằng xé trong cuộc giáp mặt éo le, đau đớn với bé Sinh khi bà đã phát hiện Sinh chính là con của kẻ sát nhân đã giết con trai mình trong buổi hoàng hôn cuối cùng của chiến tranh. Bi kịch của Quỳ là sự lý tưởng hóa tình yêu và lý tưởng hóa chính mình để rồi sống trong bao éo le, dằn vặt... Nhà văn dường như nhạy cảm hơn, xót xa hơn trước nỗi đau giới tính thầm lặng của người phụ nữ - những nạn nhân tội nghiệp của chiến tranh. Thay thế cho âm hưởng sử thi - anh hùng ca là thứ âm hưởng khác dữ dội hơn, khốc liệt hơn, đó là nỗi day dứt, đau đớn khôn nguôi trước những mất mát mà chiến tranh gây ra, trước sự khắc nghiệt của chiến tranh in hằn lên số phận nhỏ bé của con người.
Đọc văn xuôi hậu chiến, người đọc ít nhiều bị ám ảnh bởi nhiều số phận cá nhân như thế. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ đều cố gắng nén nỗi đau riêng, cố gắng vượt qua để đến được lý tưởng chung. Nhưng hành trình tâm lý của họ từ nỗi đau cá nhân đến sự hy sinh cái riêng vì cái chung được diễn tả tự nhiên, chân thật hơn so với cái nhìn lý tưởng hóa nhân vật trong văn xuôi cách mạng. Tiểu đoàn trưởng Sáu Hóa (Nắng đồng bằng) - một tính cách Nam Bộ sắc nét - con người thẳng thắn, bộc trực, tếu táo - con người tưởng chỉ biết “sinh ra để cầm súng chứ không phải con người của tình cảm, tình thương” [21] đã biết nén đau thương cực độ khi nhìn thấy cảnh vợ mình đang sống cùng tên đại úy ngụy trong một đêm đi trinh sát. “Sáu Hóa thở khó nhọc như người ngủ bị bóng đè. Anh bậm môi, con mắt nhỏ phản chiếu tia sáng đèn lóe lên như đốt cháy người thiếu phụ. Bàn tay vẫn lẩy bẩy trên thanh cửa chắc nịch. Cái đầu anh chúi nhao về phía trước, miệng há ra
như sắp phá tung tất cả, sắp hét lên dữ dội” [21,141]. Anh đã nghiến răng ra đi để giữ bí mật tuyệt đối cho trận đánh sắp tới. Vì nhiệm vụ chung, người chiến sĩ đặc công ấy đã hy sinh hạnh phúc riêng của mình, thậm chí chấp nhận làm người chết khi đang còn sống. Kẻ địch đã tung tin anh chết để mua chuộc vợ anh; ba má anh đêm đêm vẫn cúng vái anh; còn anh không thể công khai việc mình còn sống, bởi như vậy, người thân của anh sẽ bị đưa ra làm con tin, sẽ bị chúng bắt bớ, đánh đập, thậm chí sát hại. Sáu Hóa đã hy sinh anh dũng trong trận đánh chi khu trung tâm, mang theo nỗi đau đớn khôn nguôi của riêng mình.
Chiến tranh là vậy, bao nhiêu người phụ nữ chờ đợi trong vô vọng, bao nhiêu cặp vợ chồng chỉ được sống với nhau những ngày ngắn ngủi, bao nhiêu cặp tình nhân không kịp trở về thực hiện lời ước hẹn và bao nhiêu hạnh phúc dang dở, éo le như Sáu Hóa, như Lực và Thai (Cỏ lau - Nguyễn Minh Châu), Kiên và Phương (Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh), Thảo và Thành (Người sót lại của rừng cười - Vò Thị Hảo)…
Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thụy là những trang viết hào hùng, xúc động về cuộc chiến của trung đoàn 6 với Liên đoàn 2 ngụy. Ở đó, nhà văn đồng cảm, chia sẻ với những nỗi đau của nhân vật, dù họ là ai, thuộc giai cấp nào, mỗi người đều có những bi kịch riêng. Đó là một em bé mất mẹ khi mẹ em bị xe tăng địch nghiến nát (bé gái được Hưng cứu sống), là nỗi đau đớn mất đứa con trai mà hai mươi năm cha con mới biết mặt nhau (Lê Thuần), là những trăn trở của một sĩ quan ngụy, cảm nhận được cuộc chiến vô nghĩa mà mình đang phụng sự nhưng không thể cắt nghĩa lý giải và không thể tự mình thoát ra được (Thuận), là những day dứt, đau đớn của một cô sinh viên khi nhận ra anh trai mình đang đứng trong hàng ngũ những kẻ phản bội mà không thể lên tiếng tố cáo, khi nhận ra đâu là chân lý nhưng không thể kiên quyết đứng về phía đó để đấu tranh với cái ác (Mai)…
Ở bất cứ tác phẩm nào viết về chiến tranh sau 1975, đều có thể thấy bi kịch của những con người bị ném vào guồng quay tàn bạo của chiến tranh. Viết về những bi kịch ấy với cảm hứng nhân đạo sâu sắc, nhà văn bày tỏ nỗi xót thương với những nỗi đau con người phải gánh chịu, tiếp tục tố cáo mặt phi nghĩa, vô nhân tính
của chiến tranh. Đó cũng chính là nét mới trong văn xuôi 1975-1985 viết về đề tài chiến tranh.
2.1.3.2. Những di họa, ám ảnh của chiến tranh
Hiện thực chiến tranh trước hết được nhận thức lại từ sự tác động ghê gớm của nó đến tính cách và số phận con người, với bao nhiêu nỗi éo le, bi kịch. Bên cạnh những số phận bi thảm trong chiến tranh, nhà văn đề cập đến những khía cạnh khác liên quan đến chiến tranh - những di họa, ám ảnh của chiến tranh mà con người buộc phải nhận thức lại với cái nhìn nghiêm túc.
Có thể bạn quan tâm!
- Rạn Nứt Trong Quan Niệm Về Hiện Thực Chiến Tranh
- Cảm Hứng Về Sự Thật Và Khát Vọng Khám Phá Hiện Thực
- Cảm Hứng Nhân Đạo Và Vấn Đề Số Phận Con Người
- Điểm Nhìn Trần Thuật Phá Vỡ Khoảng Cách Sử Thi
- Giọng Điệu Đa Sắc Thái Phá Vỡ Tính Đơn Giọng Của Sử Thi
- Sự Xuất Hiện Khuynh Hướng Văn Xuôi Viết Về Đề Tài Thế Sự - Đời Tư
Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.
Chú ý tới số phận cá nhân, các nhà văn hậu chiến đã khá nhạy cảm trước mối quan hệ giữa người lính với cuộc sống thời bình phức tạp. “Bước ra khỏi một cuộc chiến tranh cũng cần thiết phải có đầy đủ trí tuệ và nghị lực như bước vào một cuộc chiến tranh” [2,120]. Bước ra từ cơn binh lửa, những người lính đã từng xông pha trận mạc bỗng ngơ ngác giữa cuộc sống đời thường. Bỏ lại sau lưng những chiến công, họ bắt đầu hành trình nhọc nhằn, gian khổ kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc... với hành trang duy nhất là những ký ức đẹp đẽ về tuổi trẻ trong chiến tranh. Lửa từ những ngôi nhà, Mùa lá rụng trong vườn, Thời xa vắng... là những tác phẩm như vậy. Dấu vết của chiến tranh được thể hiện qua cuộc sinh tồn của những người lính, những con người đã từng tỏa sáng vẻ đẹp rực rỡ của chiến công, của chủ nghĩa anh hùng nhưng lại là những binh nhì của cuộc sống đời thường [91,52]... Nghịch lý ấy tiếp tục được khám phá, biện giải trong nhiều tác phẩm văn xuôi sau đổi mới như: Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Trung tướng giữa đời thường (Cao Tiến Lê), Tiễn biệt những ngày buồn (Trung Trung Đỉnh) Mảnh vườn xưa hoang vắng (Đỗ Chu)...
Chiến tranh đã đi qua nhưng hậu quả nó để lại vẫn nặng nề trong tâm khảm con người. Đó là hoàn cảnh éo le, bi kịch của bà mẹ Êm (Miền cháy), là sự trớ trêu, dang dở của Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành), là những đứa trẻ mang trên mình chất độc của chiến tranh, là những cuộc gặp mặt của những con người ở hai bên chiến tuyến, là những hận thù chưa vơi, là những thách thức khi bắt đầu cuộc sống mới… “Sau nhiều năm đất nước bị chia cắt và đối địch, con người hai bên trở thành xa lạ với nhau quá, máu đã chảy đầm đìa và nợ máu chưa trả vẫn
còn chồng chất trong lòng người. Những món nợ dằng dịt rất khó gỡ. Thương tích và hận thù sẽ còn rất lâu. Vậy thì, trong tương lai, những người cộng sản sẽ làm cách nào… để có thể gỡ cái đống rối rắm đang tàng trữ trong máu và nước mắt như thế kia, của hàng triệu người?” [2,57]. Những day dứt, băn khoăn ấy sau này đã được Nguyễn Trí Huân viết ám ảnh hơn, khắc khoải hơn trong tiểu thuyết Chim én bay. Xuyên suốt trong Chim én bay là nỗi trăn trở “tìm lại nhà những tên ác ôn mình đã giết xem vợ con chúng hiện sống ra sao” [87,7] của nhân vật Quy. Điều đó khiến chị không thể sống thanh thản. Cái khắc khoải khó gọi tên ấy, cùng với hình ảnh chị Năm - vợ Giám Tuân với tiếng thét “chạy đi” đã cứu chị, cứ day dứt trong chị, khiến chị đã nhiều lần đến nhà Giám Tuân, nhiều lần bênh vực vợ con hắn, mang gạo đến cho mấy mẹ con… Những số phận như vợ Hai Đích, chị Năm, những đứa trẻ lớn lên trong thù hận và sự khinh ghét của mọi người xung quanh… là một khía cạnh khác của chiến tranh. Làm thế nào để phá vỡ định kiến của một tập thể? Làm thế nào để “khắc phục những ấn tượng và quan niệm thiếu nhân đạo đối với gia đình ngụy quân, ngụy quyền cũ”. Làm sao để “những ai làm tốt nghĩa vụ công dân, dù xuất thân từ thành phần nào, có quá khứ thế nào đều đáng được khen ngợi”. Làm sao để “trẻ em…được bình đẳng như nhau, bởi chúng không hề tham dự vào tội ác của cha mẹ chúng và đừng đẩy chúng về phía tội ác mà lẽ ra chúng nó có thể xa lánh được” [87]… Đó thực sự là những vấn đề bức thiết được đặt ra sau cuộc chiến.
Bước ra khỏi cuộc chiến, trước hiện thực phức tạp, con người cần thiết phải có một thái độ, một bản lĩnh, một cách sống. Bởi cuộc đối mặt giữa con người với cuộc sống thời hậu chiến cũng khó khăn và gian khổ vô cùng: “Xưa nay, đất dưới chân những người vừa thắng giặc có bao giờ nở sẵn đầy hoa? Mảnh đất vừa được giải phóng này như một lời thách đố, như một thứ chiến trường mới lập tức mở ra trên chính vùng chiến trường cũ…” [2,120]. Đó là những mảnh đất đầy đạn bom, chất độc hóa học, mìn, dây thép gai, bệnh dịch…, là những cám dỗ ghê gớm của vật chất có khả năng làm tha hóa nhân cách con người. Sự sa ngã của Bàng, một cán bộ, đảng viên vốn năng nổ, tháo vát (Miền cháy) là một khẳng định: chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù chính trên mặt trận không tiếng súng của hòa bình. “Đó là một
thứ kẻ thù có một trăm mặt. Nó phá phách lòng người, nó làm cho tình bạn và tình đồng chí bị thương tổn, nó làm cho mặt trời không còn sức nóng, con người không còn niềm tin vào nhau” [2]. Sự kiên trinh, thủy chung với cách mạng của Dị, vòng tay rộng mở của cán bộ xã với Bàng là một khẳng định khác, tích cực về thái độ, bản lĩnh của con người trong cuộc giáp mặt khó khăn với cuộc sống thời hậu chiến.
Có thể nhận thấy sự thay đổi cách nhìn nhận về chiến tranh trong chính sáng tác của các tác giả, mà tiêu biểu là Nguyễn Minh Châu. Chiến tranh trong sáng tác trước 1975 của Nguyễn Minh Châu là sự lãng mạn, hào hùng, là “tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống - cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi” (Mảnh trăng cuối rừng). Trong văn xuôi hậu chiến, Nguyễn Minh Châu đã nhìn thấy những di họa của chiến tranh ở bi kịch của Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành), của bà mẹ Êm, ở cuộc sống khó khăn thời hậu chiến (Miền cháy). Sau 1986, người lính trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu đã cay đắng nhận ra rằng: chiến tranh “như một nhát dao phạt ngang mà hai nửa cuộc đời tôi bị chặt lìa thật khó gắn liền lại như cũ”, bởi “tôi đã bị chặt lìa ra khỏi ngay cuộc đời mình” (Cỏ lau), bởi người lính ấy sẽ sống suốt phần đời còn lại ở vùng núi Đợi cô đơn…
Chiến tranh đi qua, nhiều người may mắn trở về với gia đình, có người trở về trong hạnh phúc với những chiến công và sự lành lặn, cũng có người trở về với thương tích, bệnh tật, có người trở về trong cô đơn bởi hạnh phúc dang dở, có người trở về chịu đựng nỗi đau đớn khi nhìn thấy hậu quả chiến tranh hiện hữu ở con cháu mình… Và còn rất nhiều người khác vẫn nằm lại chiến trường, người có tên, người chưa có tên, người được quy tập, người còn đang gửi máu xương trong đất, trên sông, dưới biển. Đó là những nỗi đau không kể xiết của dân tộc Việt Nam sau chiến tranh - một cái giá quá lớn để đổi lấy hòa bình - độc lập - tự do. Chiến tranh đã qua gần bốn mươi năm nhưng trên khắp mọi miền đất nước vẫn còn đó những nỗi đau da cam, những hành trình đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ của bao nhiêu gia đình. Câu chuyện về những nỗi đau ấy nối dài từ quá khứ đến hiện tại, từ thế hệ sinh ra, lớn lên trong chiến tranh đến cả những thế hệ sinh ra trong hòa bình mà mọi nguyên cớ đều xuất phát từ hai chữ: chiến tranh.
Lễ Hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn vào ngày 27/7 hàng năm chính là sự tưởng nhớ linh hồn hàng trăm liệt sỹ đã hy sinh, gửi thân xác mình trong lòng sông nước. Tuổi đôi mươi của họ đã dâng hiến cho Tổ quốc để mang lại hòa bình yên ấm cho dân tộc. Và trong cuộc chiến tranh ấy, còn biết bao nhiêu chiến sĩ đang nằm lại đâu đó trên khắp các miền quê, rừng núi…không một nấm mồ, không một nén nhang thơm… Họ đang nằm ở nơi nào? dưới đáy sông sâu ?
“ Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước Vỗ yên bờ bãi mãi nghìn năm…”
(Lê Bá Dương - Lời gọi bên sông)
hay trong lòng đất lạnh?
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời cũng tự trong xanh và lộng gió Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây. Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào…
(Phạm Đình Lân - Tấc đất Cổ thành)
Câu thơ của những cựu chiến binh thành cổ mang chất sử thi hào hùng nhưng nghe ra vẫn xót xa, đau đớn biết nhường nào. Khơi dậy trong thẳm sâu trái tim mỗi người chúng ta hôm nay những day dứt, nhức nhối ấy, văn xuôi hậu chiến đã thực sự thể hiện cảm hứng nhân đạo sâu sắc.
Văn xuôi viết về chiến tranh sau chiến tranh đã phản ánh đầy đủ về hiện thực chiến tranh bằng cái nhìn đa diện. Ý thức viết về nỗi buồn đau, mất mát, về số phận, tâm trạng người lính trong và sau chiến tranh, văn xuôi hậu chiến không phủ nhận quá khứ mà muốn đem lại cho người đọc cái nhìn khách quan, toàn diện về hiện thực chiến tranh. Viết về những góc khuất của nó, với những mất mát, buồn
thảm, văn xuôi thời kỳ hậu chiến không nhằm mục đích làm lòng người nản chí mà hướng tới sự nhìn nhận hai chiều về lịch sử và khẳng định bản lĩnh, sức mạnh phi thường của con người trong chiến tranh. Chiến tranh là môi trường hủy diệt ghê gớm nhưng nó không thể tàn phá tâm hồn và những phẩm chất tốt đẹp của con người. Quá, Thị, An, Hùng (Đất trắng), Mạc, Nhã, Phác, Thiết (Năm 1975, họ đã sống như thế), Vũ (Biển gọi), Hưng, Thục, Mánh (Trong cơn gió lốc), Bình, Hoàn, Lê Cam (Đất miền Đông)... là những chân dung quả cảm trong chiến đấu; Quỳ, mẹ Êm... đều là những thánh nhân có tấm lòng quảng đại, xoa dịu nỗi đau của người khác bằng nỗi đau của chính mình; họ là những con người đầy nghị lực, can trường, đã dám đối diện với nỗi đau, vượt qua nó để trở về với cuộc sống bình thường, với khát khao hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
2.2. Những dấu hiệu phá vỡ phong cách sử thi
Chiến tranh là một đề tài lớn có sức hấp dẫn và chi phối tiến trình lịch sử văn học hiện đại. Nhưng không phải trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào, viết về chiến tranh cũng giống nhau. Quá trình sáng tác ấy chịu sự tác động có tính quy luật của hoàn cảnh lịch sử, của thực tại. Đề tài không thay đổi nhưng cảm hứng, nhu cầu nhận thức và hoàn cảnh lịch sử thay đổi... sẽ tạo ra các tiền đề khách quan và chủ quan để nhà văn tiếp cận tới đối tượng một cách toàn diện, sâu sắc hơn. Nếu văn xuôi viết về chiến tranh thời kỳ 1945 - 1975 mang đậm cảm hứng lãng mạn sử thi thì văn xuôi viết về chiến tranh thời kỳ hậu chiến là sự kết hợp giữa phong cách sử thi hoành tráng và hiện thực trần trụi, giữa lãng mạn bi tráng với thế sự đời thường, giữa cộng đồng và cá nhân... Nhiều tác phẩm viết về chiến tranh ra đời sau đổi mới không còn âm hưởng sử thi mà thay vào đó là cảm hứng bi kịch sâu sắc với hiện thực trần trụi, bi thảm được nhấn mạnh, tô đậm. Nước mắt đỏ, Tiễn biệt những ngày buồn, Vòng tròn bội bạc, Nỗi buồn chiến tranh, Phố, Ăn mày dĩ vãng, Cỏ lau, 49 cây cơm nguội, Người sót lại của rừng cười... không còn là những trang viết hào sảng về cuộc kháng chiến của dân tộc mà là âm hưởng lặng lẽ, khắc khoải của nỗi buồn chiến tranh mênh mang... Như vậy, có thể thấy, đặc trưng của văn xuôi hậu chiến là sự chuyển biến, nối tiếp giữa hai giai đoạn văn xuôi viết về chiến tranh với
những khuynh hướng và cảm hứng khác nhau. Điều đó chứng tỏ sự vận động của tư duy văn học trên con đường đổi mới.
Sử thi vốn là một thể tài tự sự, đã trở thành tính chất, đặc điểm của văn học 1945-1975, chi phối hệ thống hình tượng và các phương thức biểu hiện nghệ thuật, tạo nên một phong cách riêng của văn học thời kỳ này. Phong cách là “khái niệm chỉ những nét chung, tương đối bền vững của hệ thống hình tượng, của các phương thức biểu hiện nghệ thuật, tiêu biểu cho bản sắc sáng tạo của một nhà văn, một tác phẩm, một khuynh hướng văn học, một nền văn học dân tộc” [127,1411]. Văn học 1945-1975 là thời kỳ văn học mang đậm phong cách sử thi với những đặc trưng tiêu biểu. Hướng vào những sự kiện trọng đại với cái nhìn lịch sử và quan điểm cộng đồng, hình tượng nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu… của văn học ba mươi năm chiến tranh đều mang màu sắc sử thi rất rò. Văn xuôi hậu chiến với sự chuyển đổi từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng thế sự đời tư đã dần hình thành những đặc trưng khác về hình tượng và các phương thức biểu hiện nghệ thuật. Đã có những biểu hiện đi chệch đường ray sử thi, có những dấu hiệu phá vỡ một phong cách đã ổn định… Sự kết hợp giữa một phong cách sử thi đã có nhiều biến đổi và một phong cách mới đang ở giai đoạn hình thành, sự dung hòa giữa chất sử thi và chất tiểu thuyết chính là diện mạo rất riêng, phân biệt văn xuôi 1975-1985 với hai giai đoạn văn xuôi trước và sau nó.
Như vậy, phong cách văn học là khái niệm chỉ tính độc đáo có ý nghĩa thẩm mỹ của một hiện tượng văn học (nền văn học của một dân tộc, một thời đại, một trào lưu, toàn bộ sáng tác của một nhà văn hoặc một tác phẩm riêng lẻ…). Biểu hiện của phong cách là cách nhìn, cách cảm thụ giàu tính khám phá với cuộc đời; giọng điệu riêng gắn liền với cảm hứng sáng tác; nét riêng trong sự lựa chọn, xử lý đề tài, xác định đối tượng miêu tả…; tính thống nhất, ổn định trong cách sử dụng các phương thức và phương tiện nghệ thuật. Trong văn xuôi hậu chiến, những biểu hiện trên đã có những dấu hiệu khác biệt với những biểu hiện của văn học sử thi. Trong phạm vi luận án, chúng tôi xin đề cập đến những vận động đổi mới ở các phương diện nghệ thuật: điểm nhìn, giọng điệu và ngôn ngữ để thấy những rạn nứt