Giọng Điệu Đa Sắc Thái Phá Vỡ Tính Đơn Giọng Của Sử Thi

- Cái thằng… ngốc hết sức! Cái còng số tám, lạ quái gì mà lại dại dột đút tay vào. Làm trò cười cho cả trung đoàn rồi đấy, khỉ ạ. Thôi, bây giờ giải tán, về làm công tác chuẩn bị. Tuyệt đối không thằng nào được đi đâu. Có lệnh là lên xe ngay.” [31,351-352].

Đoạn văn ẩn chứa giọng điệu hóm hỉnh trước hành động, lời nói của nhân vật Mánh. Rò ràng, miêu tả nhân vật Mánh, người trần thuật không xem anh như đối tượng để kính cẩn chiêm ngưỡng mà coi anh như một người bình thường, gần gũi, vừa nghiêm trang trong tư thế chỉ huy, vừa hài hước, tếu táo trong tính cách của người lính. Mánh phê bình Ổn một cách nghiêm túc nhưng sau đó anh lại hóm hỉnh trêu đùa, nhắc nhở Ổn với tư cách của một người đồng đội, một người bạn (bởi khuyết điểm của Ổn đáng cười hơn đáng trách) với ngôn ngữ suồng sã hơn (cái thằng, khỉ ạ, không thằng nào được đi đâu). Sự linh hoạt trong ngôn ngữ khiến nhân vật hiện lên không khô cứng mà sống động, tự nhiên.

Trong văn xuôi hậu chiến, bên cạnh cách xưng hô trang trọng của sử thi như: đồng chí, thủ trưởng, anh, chị, gọi tên riêng... các nhân vật cũng dùng cách xưng hô thân mật: mày, tao, thằng, hắn, nó... Ngôn ngữ đời thường còn thể hiện trong cách nhân vật dùng ngôn ngữ để làm động lực sống, chiến đấu. Đoàn thủy thủ lạc trong rừng sau khi hủy tàu (Biển gọi) có lẽ sẽ khó vượt qua những ngày khủng khiếp nếu thiếu những chuyện tiếu lâm của Đĩnh voi, với món chả chó được làm từ “chó già, lông mày cụp xuống, râu vểnh thật hách”, với món Vitamin C từ ổ kiến vàng… Những chiến sĩ nghe Đĩnh voi kể về món chả chó thơm lừng và bao nhiêu món ăn ngon khác để “vừa cười vừa nhấm lá thiên tuế, nhai lá đậu ma và nuốt những con ốc sên tanh mửa” [28,197]. Ở đây, ngôn ngữ đã góp phần thể hiện sự lạc quan và ý chí kiên cường của người lính.

Trong văn xuôi trước 1975, ở một không gian lịch sử rộng lớn của mặt trận, chiến dịch… với các sinh hoạt cộng đồng, ngôn ngữ tác phẩm thường mang không khí, sắc thái cao cả của sử thi (ngôn ngữ tráng lệ, thi vị trong Sống mãi với thủ đô - Nguyễn Huy Tưởng, ngôn ngữ lãng mạn, hào hùng trong Dấu chân người lính - Nguyễn Minh Châu, ngôn ngữ cổ kính, trang nghiêm, huyền thoại trong Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành…). Văn xuôi hậu chiến đã sử dụng ngôn ngữ đậm chất

hiện thực đời thường, không làm mất đi vẻ đẹp cao cả của người lính mà đưa vẻ đẹp của họ bình dị hơn, gần gũi hơn. Ngôn ngữ ấy chứng minh: họ là những con người bình thường mà phi thường chứ họ không phải là thánh nhân.

Trong văn xuôi sau đổi mới, con người đã nói bằng ngôn ngữ khác, những suy nghĩ sâu thẳm trong tâm hồn, những điều trước đây bị cấm kị đã được bóc trần: “- Tôi không sợ chết, nhưng cứ bắn mãi giết mãi thế này thì chết hoại tình người… Tôi thường tự hỏi … Mình vào đây làm gì khi để mẹ già ở nhà cơ cực không nơi nương tựa, ngày đêm than khóc nhớ con… Bao thằng khốn nạn ung dung hưởng lộc chiến tranh, chỉ con cái nông dân là phải dứt lòng ra đi, bỏ lại

đằng sau cảnh mẹ già màn trời chiếu đất… [129,22-23].

Trước 1975, lý tưởng sử thi đã chi phối thời đại, chi phối suy nghĩ và hành động của con người, mỗi cá nhân đều hành động giống như người anh hùng. Sau 1975, cũng vẫn là khát vọng chiến đấu cho dân tộc, nhưng quan niệm về con người đã thay đổi, đa diện, phức tạp hơn. Con người vừa có thể là anh hùng trong chiến đấu lại vừa có thể là kẻ tầm thường, cơ hội… Một chiến sĩ đã từng vào sinh ra tử không hề kém cạnh ai đã trở thành kẻ đào ngũ bởi không chịu nổi guồng máy ác liệt của chiến tranh… Nếu trước 1975, chiến tranh là môi trường lý tưởng thử thách ý chí, lòng quả cảm, là nơi để người anh hùng xả thân và lập chiến công, sẵn sàng hy sinh dù đó là cái chết vô danh thì sau 1975, chiến tranh là lò lửa phân biệt vàng thau, thậm chí là môi trường phi nhân tính “đầy ải tàn nhẫn làm con người suy sụp sâu sắc về cả thể xác lẫn tinh thần” (Nỗi buồn chiến tranh).

Trong văn xuôi hậu chiến, ngôn ngữ suồng sã đậm chất hiện thực đời thường còn được thể hiện ở lối nói giản dị, chân thật, bày tỏ cảm xúc một cách tự nhiên của nhân vật.

Trong Đất trắng, Nguyễn Trọng Oánh miêu tả nhân vật Ba Kiên - trung đoàn trưởng trung đoàn 16 là người sống cởi mở, yêu ghét rò ràng, nghĩ sao nói vậy… Khi còn là cán bộ trung đội, được bình bầu đi dự đại hội chiến sĩ thi đua toàn quân, kể thành tích với phóng viên, ông hồn nhiên nói: “sau trận ấy nghĩ gì à? Còn gì nữa mà nghĩ? Sợ bỏ mẹ! đêm về nằm nghĩ rùng mình..” [26,232]. Ông đã bày tỏ cảm xúc của mình một cách tự nhiên, chân thật, không hề giấu giếm,

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.

không thêm bớt để làm nổi bật chiến công của mình. Cũng vì thế, vẻ đẹp nhân vật hiện lên thật hơn, người hơn. Là chỉ huy nhưng ông Ba Kiên rất gần gũi với anh em chiến sĩ, tác phong sâu sát, lối sống bình dị, hòa đồng, bình tĩnh, quyết đoán, dũng cảm, xông xáo, thương yêu chiến sĩ. Ông đã nhiều lần xuống đơn vị, nhịn đói, nhịn khát với chiến sĩ, chia sẻ mọi khó khăn, thử thách với anh em, đồng đội… Ông là linh hồn của trung đoàn 16, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cán bộ và chiến sĩ trung đoàn.

Ngôn ngữ đời thường đã thể hiện tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của người chiến sĩ một cách tự nhiên, chân thật:

Văn xuôi Việt Nam thời kỳ hậu chiến 1975-1985 - 13

“- Chúng nó bảo lúc máy bay bắn cối, anh sợ quá chúi xuống khe suối nằm đúng không?

- Nói láo! Thằng này coi mấy cái chuồn chuồn ấy ra cái gì.

- Không nhảy xuống khe sao thấy anh ướt như chuột thế?

- Hà hà… tại cái túi nước. Mẹ khỉ, mình vác nước trên vai, lúc chạy máy bay quên khuấy, buông tay ra. Thế là nó đổ òa, tưới ra từ đầu tới chân.

- Thế là anh cũng có hoảng?

- Thì… đã sao? Tránh voi chẳng xấu mặt nào!” [31,61]

Đoạn đối thoại thể hiện lối nói chân thật, thẳng thắn của người lính. Họ dám thể hiện suy nghĩ của mình, những tâm lý có thật trong những hoàn cảnh nhất định nhưng điều quan trọng hơn, họ dám xông pha trên chiến trường, chiến đấu anh dũng và sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng. Điều đó đáng quý biết bao so với những kẻ đớn hèn, luôn giấu giếm những toan tính, dục vọng để rồi trở thành kẻ chiêu hồi, phản bội. Với ngôn ngữ suồng sã, đời thường, văn xuôi hậu chiến đã thể hiện vẻ đẹp bình thường, giản dị của người lính, góp phần xóa bỏ tính trang trọng trong phong cách sử thi, đưa hình tượng văn học gần gũi hơn với cuộc sống, với độc giả.

2.2.3. Giọng điệu đa sắc thái phá vỡ tính đơn giọng của sử thi

Giọng điệu là một trong những yếu tố quan trọng của trần thuật. “Mối quan hệ thái độ của người kể đối với các sự kiện được kể cũng như với người nghe, người kể ở “trong truyện” hay “ngoài truyện”, ở giữa người nghe gần hay cách xa họ lại tạo thành giọng điệu của trần thuật” [124,365]. Không có giọng điệu, tác

phẩm sẽ chỉ đơn thuần là những ghi chép thô sơ, là những tái hiện giản đơn về cuộc sống, bởi ở đó không có những rung cảm, xúc động của người viết. Thậm chí, “thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được một tác phẩm, mặc dù đã có đầy đủ tài liệu và sắp xếp xong hệ thống nhân vật” [124,113]. Do đó, nghiên cứu các tác phẩm tự sự, không thể không xem xét vai trò của yếu tố giọng điệu. Là một yếu tố cốt yếu tạo nên phong cách nghệ thuật, giọng điệu giúp chúng ta hiểu hơn chiều sâu, sự phong phú của chủ thể sáng tạo, là thước đo tài năng, phẩm chất của người nghệ sĩ.

Quan niệm sử thi đòi hỏi các nhà văn thời kỳ 1945 -1975 nói theo cách nói của dân tộc, phát hiện, ngợi ca vẻ đẹp và sức mạnh vĩ đại của dân tộc trong cuộc chiến chống kẻ thù. Sáng tác theo tư tưởng cộng đồng, văn xuôi 1945 - 1975 mang tính đơn giọng, độc thoại. Các cung bậc, sắc thái trong giọng điệu đều thống nhất trong giọng hào hùng, sảng khoái, ngợi ca, tin tưởng.

Sau 1975, đề tài chiến tranh được viết bằng cái nhìn mới, cảm hứng mới. Cùng với những thay đổi trong quan niệm về hiện thực và con người, tính đơn giọng của sử thi cũng bị phá vỡ. Văn xuôi hậu chiến đã xuất hiện những sắc thái giọng điệu mới: có ngợi ca, có châm biếm, có hào sảng, có bi thương, có xót xa, day dứt, tự vấn, có suy ngẫm, triết lý…. Với âm hưởng sử thi, cảm hứng về sự thật và cảm hứng nhân đạo, văn xuôi giai đoạn này bên cạnh giọng khẳng định, ngợi ca đã mang giọng xót xa, trăn trở và nhiều sắc thái giọng điệu khác. Văn xuôi viết về chiến tranh sau chiến tranh vẫn mang giọng ngợi ca, khẳng định - giọng chủ của văn học sử thi - khi nhà văn viết về chiến dịch, người lính, về lý tưởng, mơ ước của họ, nhưng bên cạnh đó, ý thức về nỗi bất hạnh của thân phận con người, về mặt trái của chiến tranh, về sự vô nghĩa của cuộc chiến đã khiến văn xuôi hậu chiến xuất hiện giọng xót xa, trăn trở (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Miền cháy, Biển gọi …), giọng băn khoăn trướ c thự c tạ i (Năm 1975, họ đã sống như thế, Miền cháy, Trong cơn gió lốc), giọng triết lý suy ngẫm…(Miền cháy, Đất miền Đông…)…

Quan tâm đến số phận con người, viết nhiều về những thân phận trong và sau chiến tranh, văn xuôi hậu chiến nổi bật giọng xót xa, trăn trở, giọng điệu phản

ánh những suy tư trong nội tâm nhân vật, được thể hiện bằng điểm nhìn bên trong với những câu cảm thán, những từ chỉ cảm xúc….

Dường như, với mẫn cảm giới tính, những người phụ nữ bao giờ cũng nhạy cảm, suy nghĩ nhiều hơn. Những giằng xé, day dứt trong tâm tư của họ diễn ra nhiều chiều, nhiều phía hơn. Điều đó lý giải vì sao trong văn xuôi thời kỳ hậu chiến, giọng điệu xót xa, trăn trở, day dứt thường gắn với tâm tư, tình cảm của những nhân vật nữ. Khác với bi kịch của Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành), bà mẹ Êm (Miền cháy) phải đối mặt với nỗi đau khác, với một sự lựa chọn nghiệt ngã: tiếp tục yêu thương nuôi dưỡng, chăm sóc thằng bé Sinh như một đứa trẻ bình thường hay căm ghét nó vì nó là con trai của kẻ sát nhân đã giết chết con trai của bà bằng loạt đạn bắn lén? Sự trăn trở, day dứt khôn nguôi diễn ra trong trái tim bà mẹ vốn giàu lòng nhân ái, vị tha. Và quyết định cuối cùng đến với bà mẹ không hề dễ dàng chút nào. “Bà mẹ thấy đau lắm! Bà không quên nguôi cái đứa đã cầm súng giết con trai mình. Nó vẫn lặng lẽ sống trong ý nghĩ của bà với những khuôn mặt thiên hình vạn trạng. Bây giờ thì những khuôn mặt gớm ghiếc kia đều thu vào trong khuôn mặt cái thằng bé”[2,437]. Và sau đó là diễn biến phức tạp, khổ sở trong trái tim bà mẹ. Lạnh lùng, hắt hủi, quát mắng nó, chỉ vài phút thôi đã khiến bà như kiệt sức… “Tiếng khóc đã làm người mẹ sực tỉnh… bà đứng yên hồi lâu rồi tuân theo bản tính thường ngày, sau một chút ngập ngừng bà cúi xuống ôm lấy đứa trẻ, niềm yêu thương và nỗi căm ghét của chính mình” [2,438]. Vừa căm ghét, vừa yêu thương, vừa xa lánh, xua đuổi lại vừa chìa tay đón nhận... Hoàn cảnh éo le, bi kịch của bà mẹ Êm, nỗi đau mà bà phải gánh chịu đòi hỏi một tấm lòng bao dung cao cả, một nghị lực phi thường để vượt qua hận thù…

Chiến tranh là một trong những câu hỏi thường vang lên day dứt trong các tác phẩm văn xuôi. Trước 1975, trong những bản hùng ca chiến trận, người ta thường bắt gặp những triết lý hào sảng về chiến tranh “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù” (Lê Mã Lương), “Thời đánh Mỹ là thời thi vị nhất/ Tỏa nắng cho thơ là triệu ánh mắt anh hùng” (Dương Hương Ly). Sau 1975, suy ngẫm về chiến tranh vẫn mang sắc thái của âm hưởng sử thi: “chiến tranh như một lò luyện thép” [12,618], “Cái quý giá nhất là cuộc sống... vậy mà khi cần, tất cả mọi

người đều sẵn sàng lao ngay vào cái chết, nếu đó là cái chết cần thiết. Mới nhất lúc này là dám hy sinh” [12,430], nhưng với cái nhìn thế sự, chiến tranh được nhận thức với sắc thái bi nhiều hơn tráng. Chiến tranh trong hồi ức, suy ngẫm của những người đã đi qua nó đều gắn với buồn thảm, mất mát, hy sinh: “Nhưng chiến tranh là như vậy. Cái không bình thường đã trở nên bình thường... chiến tranh đã cướp đi tất cả những gì cần thiết nhất cho một đời sống bình thường của chị” [87,24]. Trải qua những mất mát, khổ đau, con người cay đắng nhận ra sự thật về chiến tranh: “Nó như một nhát dao phạt ngang mà hai nửa cuộc đời... bị chặt lìa thật khó gắn liền lại như cũ” (Cỏ lau), “là ngày nào cũng thấy người chết nhưng lại chưa đến phiên mình chết” (Ăn mày dĩ vãng), “là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” (Nỗi buồn chiến tranh).

Đi qua hai cuộc chiến, các nhà văn đều suy ngẫm về những vấn đề bức thiết liên quan đến nó.“Xưa nay đất dưới chân những người vừa thắng giặc có bao giờ nở sẵn đầy hoa? Mảnh đất vừa được giải phóng này như một lời thách đố, như một thứ chiến trường mới lập tức mở ra trên chính vùng chiến trường cũ... Bước ra khỏi một cuộc chiến tranh cũng cần thiết phải có đầy đủ trí tuệ và nghị lực như bước vào một cuộc chiến tranh” [2,119-120]. Những suy tư chính luận ấy là mạch tư tưởng chủ yếu của Miền cháy. Số phận của cậu bé Sinh trong Miền cháy có nét giống với những đứa trẻ con của Giám Tuân trong Chim én bay... “Cuộc đấu tranh để hình thành những quan niệm, những tư tưởng mới bao giờ cũng khó nhọc và lâu dài…” [2,118]. Triết lý, suy ngẫm về chiến tranh thể hiện cái nhìn nghiêm túc của nhà văn về vấn đề số phận con người trong và sau cuộc chiến.

Viết về chiến tranh bằng cái nhìn của người ở phía bên kia chiến tuyến, văn xuôi hậu chiến còn thể hiện giọng băn khoăn, chán nản, hoài nghi. Đó là biểu hiện cho tâm lý hoang mang, dao động của những thế lực phi nghĩa (Năm 1975, họ đã sống như thế, Đất miền Đông, Trong cơn gió lốc…).

Tiểu thuyết Năm 1975, họ đã sống như thế của Nguyễn Trí Huân được mở đầu bằng những trang nhật ký, những dòng tâm trạng hoang mang, chán chường của một sỹ quan ngụy đã không còn niềm tin vào cái chế độ mình đang phục tùng.

Tự vấn, hoài nghi, chán nản đến mức gần như phát điên, những dòng nhật ký như dự báo một sự tan rã không thể nào tránh khỏi:

- “Nhưng xét cho cùng, cả nước bây giờ cũng trở thành một nhà chứa khổng lồ, đẻ ra những quái thai mang bệnh lậu từ máu. Ta biết đi đâu bây giờ?” [12,264]

- “Ý niệm quốc gia? Tại sao người ta cứ vịn mãi vào cái điều dối trá ấy, trong khi chẳng ai thực lòng suy tư về nó…. Vì sao cứ sinh ra đời rồi bám vào lý tưởng mình là công dân nước này hay nước khác để gây hấn nhau?... Hiện giờ ta đang cầm súng chống với những kẻ thù, những người mang cùng tên là người công dân Việt Nam” [12,264]

Đó cũng là tâm trạng của tên sỹ quan mang phu-la (Miền cháy) trong những giờ phút chống trả tuyệt vọng cuối cùng “Bây giờ đi đâu? Bám vào đâu? Chẳng lẽ hắn còn thờ phụng một cái chế độ không phải đang ngắc ngoải mà đã ngã xuống chết hẳn?... Chỗ bám víu của hắn thật là mù mờ, mơ hồ, nhưng nếu không còn tin vào cái đó nữa thì bây giờ hắn trở thành một kẻ hoàn toàn tuyệt vọng và cô độc….[2,174] “Mà tại sao hắn cứ mắc hết sai lầm này sang sai lầm khác? Có phải lần đầu tiên hắn tự vấn mình và rút ra được bài học đâu? Hắn hoang mang và đi đến hoài nghi không tin cả chính mình” [2,178]. Có lẽ đó chính là tâm trạng chung của toàn bộ quân đội ngụy. Những dòng tâm trạng của người sỹ quan ở Du Tự thể hiện tình trạng bi đát của một con người sống mà không tìm thấy một ý nghĩa nào để sống, còn tên trung tá biệt động đeo chiếc phu-la - kẻ đã điên cuồng chống phá cách mạng đến cùng ấy, bề ngoài là “con sói còn thở” nhưng “bề trong đã rữa ra như một con sứa bị lôi lên bãi cát dưới ánh mặt trời…”[2,178]. Suy tư, trăn trở của Thuận (Trong cơn gió lốc) cũng là những băn khoăn, hoài nghi khiến anh không còn niềm tin, nghị lực để tiếp tục cuộc chiến đấu mà mình biết là vô nghĩa: “điều ân hận lớn nhất là mình đã phó thác cuộc đời mình, tuổi trẻ của mình cho một cái gì đó rất vô nghĩa nhưng cũng rất bẩn thỉu. Phải, bẩn thỉu quá, ghê tởm quá! Bẩn thỉu và ghê tởm tới mức không ít người như mình nhận ra sự bẩn thỉu ghê tởm ấy mà không tìm cách nào thoát ra được” [31,117].

Những sắc thái giọng điệu phong phú trong văn xuôi viết về chiến tranh sau chiến tranh đã khiến văn xuôi hậu chiến không còn sự đơn giọng của sử thi. Giọng

cao bao nhiêu năm đã bắt đầu chuyển thành những bè trầm hơn, thể hiện những sắc màu đa dạng của hiện thực cuộc sống. Những biểu hiện này sẽ đậm nét hơn trong mảng văn xuôi viết về đề tài thế sự đời tư, đặc biệt trong văn xuôi thời kỳ đổi mới.

Ở văn xuôi hậu chiến viết về đề tài chiến tranh, những đổi mới về điểm nhìn, ngôn ngữ, giọng điệu chưa nhiều, chủ yếu là ở những dấu hiệu phá vỡ phong cách sử thi, khắc phục khoảng cách, sự trang trọng và tính đơn giọng… của sử thi. Những vận động đổi mới về nghệ thuật đậm dần lên trong văn xuôi đầu thập kỉ tám mươi với đề tài thế sự đời tư.


* Tiểu kết

Sau 1975, dòng chảy văn học viết về chiến tranh ở nước ta đã không còn xuôi chiều như trước. Bằng vốn sống trực tiếp của người lính và cảm quan của người nghệ sĩ, các tác giả đã hướng ngòi bút của mình về phía biểu hiện cuộc chiến đã qua với cái nhìn đa diện, đa chiều hơn.

Âm hưởng sử thi, cảm hứng về sự thật và cảm hứng nhân đạo đã mang lại cho văn xuôi hậu chiến đặc trưng riêng. Khác với văn xuôi giai đoạn trước 1975 - chủ yếu khắc họa con người trong mối quan hệ cộng đồng dân tộc, văn xuôi 1975- 1985 đã khai thác sâu sắc số phận cá nhân, thân phận con người. Văn xuôi hậu chiến vừa mang chất hào hùng của sử thi vừa đậm chất hiện thực ở cái nhìn toàn diện về chiến tranh. Nhận thức đa chiều về cuộc chiến đã được tái hiện, mang đến cho độc giả cái nhìn khách quan, chân thật.

Những vận động, đổi mới trong điểm nhìn, ngôn ngữ, giọng điệu là những dấu hiệu ban đầu trong sự vận động khước từ văn học sử thi của văn xuôi hậu chiến. Khoảng cách sử thi, tính trang trọng, tính độc thoại, một giọng của sử thi đã dần được xóa bỏ bằng những đổi mới nghệ thuật. Tuy nhiên, phải khẳng định một điều: văn xuôi hậu chiến viết về đề tài chiến tranh chủ yếu đổi mới ở phương diện nội dung, chưa có những cách tân đặc sắc về nghệ thuật. Do đó, nhiều tác phẩm còn mang nặng chất ký, chất tư liệu... , nặng về cái được phản ánh hơn cái phản ánh…

Nhìn nhận văn xuôi hậu chiến viết về đề tài chiến tranh cần có một cái nhìn thực sự khách quan, công bằng. Không vì những đổi mới của văn xuôi hậu chiến

Xem tất cả 171 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí