LUẬN VĂN:
Văn hóa kinh doanh ở Công ty phát hành sách Hà Nội trong cơ chế thị trường
mở đầu
1. Lý do lựa chọn đề tài
Trong những năm gần đây nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, từ nền kinh tế hành chính tập trung, quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Cơ chế kinh tế mới khẳng định vai trò to lớn của các hoạt động thương mại, dịch vụ, các doanh nghiệp và doanh nhân nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Trong cơ chế thị trường, phát hành sách (PHS) cũng là một trong số các hoạt động thương mại, có chi phí mua, chi phí bán và sau quá trình đó là lợi nhuận (tiền lãi), vì vậy PHS cũng có nhiều điểm tương đồng với các ngành kinh doanh khác. Tuy nhiên, kinh doanh xuất bản phẩm (XBP) là hoạt động kinh tế đặc thù, vừa đảm bảo mục tiêu đạt hiệu quả kinh tế vừa thực hiện mục tiêu tư tưởng - văn hóa, vì sự tiến bộ và phát triển của xã hội, sự phát triển con người. Kinh doanh XBP có ý nghĩa to lớn và giữ vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa và phát triển tri thức khoa học cho nhân dân. Việc nhận thức đúng đắn về hoạt động kinh doanh XBP trong cơ chế thị trường là cơ sở cần thiết để các doanh nghiệp tổ chức hoạt động theo định hướng mới và giúp Nhà nước có chính sách phù hợp với sự phát triển của ngành PHS.
Có thể bạn quan tâm!
- Văn hóa kinh doanh ở Công ty phát hành sách Hà Nội trong cơ chế thị trường - 2
- Những Tác Động Của Kinh Tế Thị Trường Tới Hoạt Động Kinh Doanh Xuất Bản Phẩm
- Hoạt Động Kinh Doanh Xuất Bản Phẩm Trong Cơ Chế Thị Trường Ở Nước
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
Nói đến kinh doanh là nói tới, một ngành khoa học, một nghề nghiệp, một hệ thống những thao tác trong giao tiếp xã hội có liên quan đến sản xuất, lưu thông, phân phối, lợi nhuận (lãi) đến tiêu dùng. Do đó việc nghiên cứu về văn hóa thương trường phản ánh sự phồn vinh kinh tế và một nền văn hóa giao tiếp trong kinh doanh là vấn đề ngày càng cần thiết. Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh doanh ra sao, làm thế nào để đưa văn hóa vào kinh doanh và kinh doanh có văn hóa để đạt được cả hiệu quả kinh tế và văn hóa là những vấn đề cấp thiết đang được đặt ra với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại nói chung và kinh doanh XBP nói riêng.
Cơ chế quản lý kinh tế thay đổi từ cơ chế quản lý hành chính quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường nhiều thành phần đã tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống. Kinh
tế thị trường có những nguyên tắc vận hành, phát triển riêng đã có ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội. Hệ thống giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức, thói quen suy nghĩ của từng cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng... Sự thay đổi của cơ chế kinh tế mới cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh sách và văn hóa phẩm (VHP) đòi hỏi ngành PHS cần có chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế phát triển mới của toàn xã hội.
Hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung ngày càng được nhận thức không chỉ có mục tiêu lợi nhuận, kinh tế mà còn phải hướng tới mục tiêu văn hóa. Đặc biệt đối với ngành PHS là ngành kinh doanh các văn hóa phẩm có tính chất đại chúng. ở đây, văn hóa kinh doanh có ý nghĩa quyết định sự thành bại trong phương hướng phát triển của doanh nghiệp.
Công ty PHS Hà Nội là doanh nghiệp nhà nước vốn được bao cấp một thời gian rất dài với mục đích chủ yếu là phục vụ công tác chính trị, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, khi chuyển sang cơ chế thị trường đã phải đối mặt với nhiều thách thức mới, đòi hỏi phải có những phương thức kinh doanh phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội. Việc đổi mới phương thức kinh doanh của Công ty PHS Hà Nội nhằm mục đích nâng cao hiệu quả kinh doanh, đẩy mạnh phát triển sản xuất, đa dạng hóa các hình thức kinh doanh, thu hút sự quan tâm chú ý nhiều hơn của nhân dân Thủ đô là một yêu cầu cấp bách. Trong phương hướng đổi mới thì việc xây dựng văn hóa kinh doanh ở Công ty PHS Hà Nội trong cơ chế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự vững mạnh của công ty trong thời kỳ mới.
Từ những vấn đề đặt ra ở trên, chúng tôi lựa chọn đề tài " Văn hóa kinh doanh ở Công ty phát hành sách Hà Nội trong cơ chế thị trường ", làm luận văn tốt nghiệp hệ đào tạo cao học, chuyên ngành lý luận văn hóa, nhằm góp phần nhận thức đúng đắn vai trò của văn hóa kinh doanh trong hoạt động PHS hiện nay; đánh giá đúng thực trạng và đề xuất các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa kinh doanh ở Công ty PHS Hà Nội, đáp ứng được các yêu cầu mới của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
2. Tình hình nghiên cứu
Vấn đề xây dựng văn hóa, đạo đức trong xã hội nói chung trong kinh tế nói riêng đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Sự quan tâm này càng được chú ý hơn khi nước ta chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Có rất nhiều công trình nghiên cứu về các phương diện văn hóa trong kinh tế ở những góc độ khác nhau, do đó khi thực hiện đề tài "Văn hóa kinh doanh ở Công ty Phát hành sách Hà Nội trong cơ chế thị trường" chúng tôi đã kế thừa được từ những nhà nghiên cứu đi trước nhiều ý kiến và kinh nghiệm quý báu.
Thứ nhất là vấn đề văn hóa kinh doanh trong hoạt động kinh tế, thương mại. Trong các công trình Tinh thần doanh nghiệp giá trị định hướng của văn hóa kinh doanh Việt Nam (Trần Quốc Dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003), Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (Đào Duy Quát, Tạp chí Tư tưởng - văn hóa số 6/2003); Văn hóa và kinh doanh (Phạm Văn Nghiêm, Vũ Hòa, Trần Trúc Thanh (chủ biên), Nxb Lao động, Hà Nội, 2001); Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay từ góc nhìn giá trị học (Đỗ Huy, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001); Văn hóa kinh doanh và triết lý kinh doanh (Đỗ Minh Cương, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001); Doanh nghiệp, doanh nhân trong kinh tế thị trường (Vũ Quốc Tuấn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001); Văn hóa và phát triển (Trường Lưu chủ biên, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1995); Văn hóa vì phát triển (Phạm Xuân Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998); Văn hóa và kinh doanh (Phạm Xuân Nam (chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996); Văn hóa và nguyên lý quản trị (Nguyễn Văn Đáng, Vũ Xuân Hương, Nxb Thống kê, Hà Nội, 1996), v.v... các tác giả đã đưa ra các quan niệm cơ bản về văn hóa, về kinh doanh, về văn hóa và kinh tế, văn hóa và kinh doanh, văn hóa kinh doanh... Đồng thời xác nhận vai trò đặc biệt quan trọng của nhân tố văn hóa trong kinh doanh. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng sự phát triển kinh tế không chỉ bị quy định bởi các nhân tố thuần kinh tế (đất đai, lao động, vốn, kỹ thuật...) mà còn chịu sự tác động của các nhân tố văn hóa, giáo dục, đạo đức. Sự tăng trưởng và phát triển kinh tế không phải chỉ nhằm mục tiêu lợi nhuận kinh tế mà còn phải hướng tới mục tiêu văn hóa, do đó cần có một cách tiếp cận rộng rãi hơn của văn hóa học đối với hoạt động kinh tế, kinh doanh. Khái niệm văn hóa kinh tế, văn hóa kinh doanh nhờ vậy đã xuất hiện. Văn hóa kinh doanh "đảm bảo kết hợp được
cả cái đúng, cái tốt, cái đẹp vốn là những giá trị cốt lõi của văn hóa - với cái lợi là mục đích trực tiếp của kinh doanh" [27, tr. 37].
Các tác giả cũng phân tích những mặt mạnh và yếu trong văn hóa kinh doanh của người Việt Nam trong lịch sử, đồng thời bước đầu chỉ ra phương hướng và các giải pháp chủ yếu nhằm đưa các yếu tố văn hóa vào kinh tế, kinh doanh, xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, tinh thần doanh nghiệp, triết lý doanh nghiệp ở nước ta hiện nay.
Thứ hai là vấn đề kinh doanh XBP trong cơ chế thị trường. Các công trình Nguyên lý hoạt động biên tập xuất bản sách (Ngô Sĩ Liên (chủ biên) - Trần Văn Hải - Trần Đăng Hanh - Lê Đỗ Khanh - Quách Văn Lịch - Lê Thị Phúc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998); Lịch sử phát hành sách Việt Nam (Phạm Thị Thanh Tâm (chủ biên), Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1994); Xuất bản và phát triển (Phi líp G.Altbach và Đamtew Teferar (chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999); Đại cương phát hành xuất bản phẩm, Phạm Thị Thanh Tâm, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2002, Đổi mới mô hình tổ chức ngành phát hành sách (Phạm Thị Thanh Tâm, Tạp chí Sách và đời sống, số đặc biệt chào mừng 50 năm ngày truyền thống ngành xuất bản - in - PHS Việt Nam, 9/2002)... đã nêu rõ các vấn đề cơ bản của phát hành XBP trong nền kinh tế thị trường, về thị trường XBP, những nghiệp vụ cơ bản của phát hành XBP và một số giải pháp đổi mới mô hình tổ chức ngành PHS hiện nay đáp ứng yêu cầu xây dựng thể chế kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế. Các ý kiến trong các công trình nghiên cứu ở trên xới gợi những ý tượng quan trọng về hoạt động PHS trong cơ chế thị trường, về văn hóa kinh doanh XBP giúp chúng tôi nghiên cứu sâu hơn về văn hóa kinh doanh PHS trong cơ chế thị trường. Có thể nói các ý kiến của các nhà nghiên cứu đi trước về cơ bản rất gần gũi và quan trọng đối với người thực hiện đề tài này. Chúng tôi tiếp thu được ở đó sự xác định các quan niệm cơ bản về văn hóa, về văn hóa kinh doanh và những đặc trưng cơ bản của PHS trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam... Đến lượt mình chúng tôi sẽ tiến sâu hơn một bước trong việc nghiên cứu văn hóa kinh doanh trong hoạt động PHS ở nước ta nói chung và ở Công ty PHS Hà Nội nói
riêng. Có thể xem đây là một vấn đề còn mới mẻ đối với những người nghiên cứu và hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, kinh doanh XBP.
3. Nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu của luận văn
3.1. Nhiệm vụ của luận văn
Để hoàn thành nội dung nghiên cứu, luận văn có các nhiệm vụ cụ thể là:
- Xác định quan niệm về văn hóa, văn hóa kinh doanh, mối liên hệ giữa văn hóa và kinh doanh ở doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh XBP.
- Đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh và văn hóa kinh doanh ở Công ty PHS Hà Nội trong 5 năm gần đây.
- Đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao văn hóa kinh doanh ở Công ty PHS Hà Nội trong thời gian tới.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Do điều kiện thời gian, khuôn khổ luận văn cao học và trình độ người viết còn hạn chế, đề tài chỉ tập trung nghiên cứu thực trạng văn hóa kinh doanh ở Công ty PHS Hà Nội từ năm 1996 cho đến năm 2002, làm cơ sở để đề xuất các giải pháp thúc đẩy việc xây dựng văn hóa kinh doanh ở công ty trong thời gian tới.
4. Phương pháp nghiên cứu
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, luận văn được tiến hành nghiên cứu từ góc độ văn hóa học và các khoa học khác như: triết học, kinh tế học, xã hội học, xuất bản...
Luận văn được thực hiện với việc áp dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể là: Phương pháp lôgíc thống kê, phương pháp điều tra xã hội học, phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích hoạt động kinh tế...
5. Đóng góp mới của đề tài
Vấn đề văn hóa kinh doanh ở Công ty PHS Hà Nội trong cơ chế thị trường còn chưa được quan tâm nghiên cứu, do đó giải quyết vấn đề này luận văn có một số đóng góp mới:
Thứ nhất, xác định quan niệm về văn hóa kinh doanh trong hoạt động PHS (văn hóa kinh doanh sách).
Thứ hai, đánh giá thực trạng văn hóa kinh doanh ở Công ty PHS Hà Nội từ năm 1996 đến 2002
Thứ ba, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao văn hóa kinh doanh ở Công ty PHS Hà Nội trong thời gian tới.
6. ý nghĩa của đề tài
Một trong những xu hướng nghiên cứu kinh tế, kinh doanh hiện nay là gắn với văn hóa, vì vậy đề tài có thể có những đóng góp nhất định về lý luận văn hóa, về văn hóa kinh doanh - một mắt khâu quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Luận văn cung cấp các tư liệu, số liệu xác thực về văn hóa kinh doanh của công ty PHS Hà Nội có thể giúp ích cho các ngành hữu quan trong công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa trong điều kiện xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Thủ đô nói riêng, ở nước ta nói chung.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung luận văn gồm 3 chương:
- Chương 1: Văn hóa kinh doanh và vai trò của văn hóa kinh doanh với hoạt động kinh tế, thương mại và phát hành XBP trong cơ chế thị trường.
- Chương 2: Thực trạng văn hóa kinh doanh ở Công ty PHS Hà Nội từ 1996 đến
nay.
- Chương 3: Phương hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả văn hóa kinh doanh ở Công ty PHS Hà Nội trong thời gian tới.
Luận văn được hoàn thành nhờ sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo trong Khoa Sau đại học, Khoa Phát hành sách Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo và đồng nghiệp ở Công ty PHS Hà Nội, đặc biệt là sự hướng dẫn tận tình của TS. Nguyễn Duy Bắc, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Tác giả xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thầy, cô giáo, các anh chị em đồng nghiệp và những người thân trong gia đình và bạn bè đã giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện để tác giả hoàn thành luận văn này.