Những Tác Động Của Kinh Tế Thị Trường Tới Hoạt Động Kinh Doanh Xuất Bản Phẩm


Cách kinh doanh thứ hai trái với kiểu kiếm lợi nhuận trên, nhiều nhà kinh doanh lại quan niệm rằng nội dung chủ yếu của kinh doanh là phải vừa nâng cao hiệu quả kinh doanh, vừa nâng cao nhân tố trí tuệ; coi trọng nhân tố đạo đức của người sản xuất, tiếp thị và quản lý tài chính. Theo họ kinh doanh không những vì lợi ích của mình mà ngay từ đầu phải tính đến lợi ích và phát triển của xã hội.

Từ quan niệm như vậy mà văn hóa kinh doanh cũng được xác định theo nguyên tắc mới, đó là: Một mặt phải đảm bảo cho nhà kinh doanh xác định được đầy đủ chủ quyền của mình trong việc bảo vệ và phát triển quyền lợi sở hữu tài sản, sử dụng các nguồn lực vào hoạt động kinh doanh đưa ra những quyết định kịp thời, chính xác nhằm thực hiện các mục tiêu kinh doanh có lợi cho họ và xã hội. Mặt khác văn hóa kinh doanh cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải hoạt động theo luật định. Ngay từ đầu họ phải chú ý đến lợi ích xã hội, đến đời sống và công việc của những người có liên hệ tới hoạt động kinh doanh của mình để doanh nghiệp của mình thu được lợi nhuận vững chắc. Đó chính là môi trường đảm bảo cho hoạt động của nhà kinh doanh có thể tồn tại và phát triển lâu dài. Cách kinh doanh này thể hiện mặt ưu việt của phương thức kinh doanh có đạo đức, có văn hóa.

Phạm trù kinh doanh có văn hóa chính là phần thể hiện cái tâm và là bản chất văn hóa của người tham gia kinh doanh. Nó chính là thước đo văn hóa, giáo dục, tình cảm và trách nhiệm của người kinh doanh trước nhu cầu của khách hàng và xã hội.

Một xã hội kinh doanh có văn hóa, tập hợp các nhà kinh doanh có văn hóa đó là xã hội văn minh, lành mạnh và phát triển. Nếu ngược lại, xã hội sẽ phải trả giá cho sự bất lực và yếu kém về trí tuệ và văn hóa trong kinh doanh. Những vụ tranh chấp đầy kịch tính, những phi vụ làm ăn phi pháp, buôn lậu, ma túy, tham nhũng... là biểu hiện của hoạt động kinh doanh phản văn hóa. Hiện tượng này chỉ có thể khắc phục trong xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

1.2.3. Quan niệm về văn hóa kinh doanh


Kinh doanh là hoạt động gắn liền với lợi ích kinh tế, nhưng kinh doanh như thế nào? Đem lại lợi ích cho ai? Đây là vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc. Trong quá trình thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường tất yếu sẽ xuất hiện mối quan hệ canh tranh giữa các nhà doanh nghiệp. Sự cạnh tranh thể hiện ở mọi lĩnh vực: sản xuất, mua, bán,... Cách giải quyết các mâu thuẫn đó không thể không liên quan đến vấn đề văn hóa và kinh doanh; cạnh tranh có văn hóa là cạnh tranh lành mạnh, chân chính.

Vấn đề văn hóa kinh doanh được đặt ra và giải quyết trong mối quan hệ tương hỗ về lợi ích giữa ba chủ thể chính của nền kinh tế thị trường là người tiêu dùng - nhà doanh nghiệp - Nhà nước. Ba chủ thể đó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình kinh tế. Nhà nước ban hành và thực hiện những mục tiêu chiến lược của mình. Đương nhiên những chủ trương, biện pháp của Nhà nước tác động đến các hoạt động của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ theo đúng pháp luật, chính sách của Nhà nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước. Người tiêu dùng được thụ hưởng (từ việc mua) các sản phẩm có giá trị vật chất và tinh thần từ các doanh nghiệp được Nhà nước quản lý và điều tiết với giá cả hợp lý...

Nhà nước là chủ thể quan trọng trong nền kinh tế thị trường, sự điều tiết của Nhà nước thông qua chủ trương chính sách và luật lệ có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến hoạt động của mỗi doanh nghiệp. Do đó mỗi chính sách, chủ trương trước khi được ban hành cần được phân tích kỹ lưỡng và xây dựng trên luận cứ khoa học chắc chắn, có tính đến quan hệ giữa các chủ thể trong nền kinh tế. Mỗi chính sách đúng đắn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế đất nước nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng. Một chính sách thiếu chính xác sẽ làm ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của xã hội.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

Đối với người tiêu dùng - trung tâm của thị trường cũng cần phải thấy nhu cầu chính đáng để có tác dụng thúc đẩy các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh hướng tới những nhu cầu văn hóa, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Ngược lại, những nhu cầu phi lý, có thể đẩy doanh nghiệp vào con đường làm ăn phi pháp, vi phạm văn hóa kinh doanh, đối lập với lợi ích xã hội.


Văn hóa kinh doanh ở Công ty phát hành sách Hà Nội trong cơ chế thị trường - 3

Đối với người kinh doanh hay một tổ chức kinh doanh cụ thể thì văn hóa tồn tại tiềm ẩn trong họ như nguồn lực, hệ giá trị... mà muốn khơi dậy, phát huy được cần có thời gian, môi trường và sự tác động phù hợp, tạo ra bản sắc riêng của từng doanh nghiệp. Như vậy, có thể đưa ra một quan niệm về văn hóa kinh doanh như sau: Văn hóa kinh doanh là việc các doanh nhân, các doanh nghiệp sử dụng các nhân tố văn hóa vào trong hoạt động kinh doanh của chủ thể nhằm làm cho hoạt động kinh tế có hiệu quả, đạt năng suất, sản lượng, giá trị cao, giá thành thấp, sản phẩm đạt chất lượng cao, tiêu thụ được sản phẩm trên thị trường trong nước và ngoài nước, làm đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, tạo được chữ tín với khách hàng. Văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp có thể được nhận biết từ hai phương diện chính:

Một là, các nhân tố văn hóa (hệ giá trị, tâm lý, triết lý chung mà chủ thể lựa chọn từ văn hóa dân tộc và nhân loại), được vận dụng vào quá trình kinh doanh để tạo ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Nói cách khác đây là lối kinh doanh có văn hóa, kinh doanh phù hợp với sự tiến bộ của xã hội.

Hai là, các giá trị văn hóa, kết tinh trong các sản phẩm như hệ giá trị, triết lý, tập tục riêng, nghệ thuật... mà chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình kinh doanh và làm nghề kinh doanh của họ có tác dụng cổ vũ, biểu dương đối với kiểu kinh doanh có văn hóa mà họ đang theo đuổi.

Hai phương diện trên cũng chính là hai thành tố chính của hệ thống văn hóa kinh doanh, vốn có mỗi quan hệ biện chứng và hữu cơ với nhau. Điều này giống như việc muốn trở thành một con người sống có văn hóa thì trước hết phải tôn trọng và hành động theo các chuẩn mực văn hóa.

Văn hóa kinh doanh là một bộ phận, là cái đặc thù so với văn hóa chung của dân tộc. Vì vậy không thể đồng nhất văn hóa kinh doanh với nền văn hóa dân tộc cũng như không thể không phân biệt các đặc thù mà các doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh khác tạo ra.

Văn hóa của một cá nhân, một tổ chức cũng có cái đặc thù, có những điểm riêng so với cá nhân, tổ chức khác trong cùng dân tộc và đương nhiên sự khác biệt này càng


lớn nếu họ thuộc vào những nền văn hóa dân tộc khác nhau. Mỗi thời đại phát triển khác nhau của lực lượng sản xuất làm cho những nhu cầu tiêu dùng cũng khác nhau. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Huy: "Bản chất của văn hóa kinh doanh là làm cho cái lợi gắn chặt chẽ với cái đúng, cái tốt, cái đẹp" [19, tr. 211]. Vì lý do đó người ta nói kinh doanh có văn hóa bao chứa cả trí tuệ của nhà triết học, lòng dũng cảm của người lính và tài năng của nhà nghệ sĩ.

Để cái lợi gắn với cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong kinh doanh nhằm thỏa mãn có chất lượng nhu cầu và thị hiếu của con người trong môi trường sống, mỗi xã hội, mỗi nền văn hóa đều hình thành các truyền thống văn hóa kinh doanh trong nền văn hóa chung. Bản chất văn hóa kinh doanh gắn với văn hóa đạo đức. Văn hóa đạo đức là sự phản ánh lợi ích của cộng đồng. Khi nhà kinh doanh làm cho giá trị của đạo đức cộng đồng được củng cố thì bản thân cũng có sức mạnh bởi sự tín nhiệm của cộng đồng. Chữ "tín" là nội lực phát triển của nghề kinh doanh.: "Văn hóa kinh doanh được thống nhất trong bản thân nó các giá trị đạo đức, giá trị kinh tế và được các giá trị này điều hòa" [20, tr. 217].

Văn hóa kinh doanh không thể tách rời văn hóa chính trị. ở nhiều nước phát triển không những bản thân nhà kinh doanh là những chính khách và thủ đoạn thương trường của họ nhiều lúc còn vượt qua cả chính khách. ở nước ta văn hóa kinh doanh phải thống nhất với các mục tiêu của văn hóa chính trị. Chúng ta đang làm cho kinh tế thị trường ngày càng được mở rộng và vận hành khách quan hơn. Song nó phải được đặt dưới sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn hóa chính trị ở nước ta xác lập một hệ thống luật pháp và chính sách đảm bảo cho cơ sở kinh doanh thành công về mặt kỹ thuật, kinh tế, đồng thời Nhà nước làm chủ được thị trường, điều tiết sự tự do cạnh tranh (hoang dã), tạo cơ hội kinh doanh ngang nhau cho mọi thành phần kinh tế.

Thuật ngữ về văn hóa kinh doanh mới xuất hiện gần đây. Trước đây, khi bàn về vấn đề này người ta chỉ nói kinh doanh có văn hóa hoặc văn hóa trong kinh doanh. Sự xuất hiện thuật ngữ "văn hóa kinh doanh" bao hàm sự thay đổi sâu sắc về yếu tố văn hóa trong hoạt động quản lý điều hành của doanh nghiệp. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội


nhập với nền kinh tế tri thức văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp là mối quan tâm chú ý đặc biệt của doanh nghiệp nhằm khẳng định vị trí và uy tín của mình với thị trường.

Từ khi đổi mới đến nay nền kinh tế nước ta có nhiều khởi sắc, các lĩnh vực hoạt động kinh doanh dần xóa đi cơ chế kế hoạch hóa tập trung và đã vươn lên phát huy mạnh mẽ tiềm lực của mình. Tình hình văn hóa kinh doanh trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở nước ta trong những năm qua thể hiện ở những điểm chính là: Kinh doanh đạt năng suất cao, giá thành hạ, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị và giá trị thặng dư cho xã hội. Sản phẩm (kết quả) đạt chất lượng cao được xã hội và người tiêu dùng trong và ngoài nước chấp nhận. Hoạt động kinh doanh đảm bảo tuân thủ chính sách pháp luật, làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước, tạo lòng tin (chữ "tín") vững chắc, ổn định đối với khách hàng trong và ngoài nước.


1.3. Những tác động của kinh tế thị trường tới hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm

1.3.1. Thị trường và cơ chế thị trường


- Thị trường: Thị trường là phạm vi của lĩnh vực trao đổi, mua bán, nhờ đó mà các chủ thể kinh tế cạnh tranh nhau trong việc xác định giá cả hàng hóa, giá cả dịch vụ và sản lượng nhằm tiêu thụ hàng hóa, nắm bắt các yêu cầu tiêu dùng, từ đó tiếp tục sản xuất những mặt hàng quen thuộc hoặc đưa ra những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và xã hội. Thị trường tồn tại một cách khách quan và gắn liền với sản xuất hàng hóa.

Khái niệm thị trường đã trải qua quá trình phát triển lâu dài. Từ khi con người biết cách sản xuất ra sản phẩm để trao đổi sao cho có lợi cho mình thì khái niệm thị trường xuất hiện.

Đầu tiên trong nền văn minh nông nghiệp người ta gọi thị trường là "chợ" - nơi trao đổi hàng hóa. Khái niệm chợ gắn với một địa điểm trao đổi hàng hóa nhất định mang tính địa phương, khu vực. Hàng hóa được đem trao đổi chủ yếu là hàng nông sản và tư liệu sản xuất phục vụ nông nghiệp. Chủ thể của chợ là nông dân và những nhà sản xuất


hàng hóa nhỏ. Do lực lượng sản xuất còn lạc hậu, năng suất lao động thấp, cá nhân gắn chặt với cộng đồng, nên lợi ích của mỗi cá nhân dựa trên lợi ích cộng đồng. Trong quá trình trao đổi, người ta lấy công làm lãi và coi đó là chuẩn mực mang tính đạo đức của thị trường văn minh nông nghiệp. Như vậy khái niệm thị trường xuất hiện chậm hơn khái niệm "chợ".

Trong nền văn minh công nghiệp, sản xuất hàng hóa phát triển mạnh mẽ, quan hệ trao đổi được mở rộng hơn và vì thế khái niệm thị trường càng được mở rộng. Từ chỗ thị trường là địa điểm trao đổi hàng hóa cụ thể, nó trở thành một lĩnh vực trao đổi hàng hóa mang tính xã hội, biểu hiện mối quan hệ kinh tế, mối quan hệ giữa người và người, là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu. Theo Philip G.Altbach thì thị trường, trong nghĩa đơn giản của nó là "tập hợp những người mua hàng hiện có và sẽ có" [31, tr. 21].

Cùng với sự phát triển của sản xuất, thị trường cũng phát triển dưới các dạng khác nhau như thị trường hàng tiêu dùng, thị trường tư liệu sản xuất, thị trường sức lao động và dịch vụ, thị trường khoa học công nghệ, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản... Sự phát triển của thị trường trong nền văn minh công nghiệp đã làm cho nền kinh tế xã hội đã có những thay đổi lớn. Nhiều ngành nghề mới xuất hiện trong đó có ngành kinh doanh tiền tệ (thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán...).

Việc ngành kinh doanh tiền tệ ra đời cho thấy từ công thức chung: Tiền (T) - hàng (H) - tiền (T) nảy sinh công thức mới (T) - (T). Công thức này cho phép nhà kinh doanh thu lợi nhanh chóng hơn.

Chủ thể thị trường được chia thành hai lực lượng tham gia trao đổi, đó là người bán và người mua. Người có hàng bán trên thị trường luôn muốn bán với giá cao, ngược lại người mua muốn mua hàng với giá thấp. Đó là hai ý chí độc lập. Lúc này lợi ích của mỗi cá nhân có điều kiện thỏa mãn tối đa thông qua cạnh tranh với phương pháp, biện pháp hữu hiệu. Nhưng nhận thức và hành động thường không giống nhau. Nguồn gốc của sự khác nhau chính là chỗ đứng văn hóa khác nhau. Những kẻ chỉ lo thu vén cho lợi ích riêng tư, cục bộ bao giờ cũng tiến hành những thủ đoạn cạnh tranh bất chấp lẽ phải, luật pháp, đạo lý xã hội. Đó là người kinh doanh vô văn hóa. Những người quan tâm đến lợi


ích toàn cục cùng hợp tác kinh doanh, cùng chia lợi nhuận một cách hài hòa, xử lý các mối liên hệ thương mại theo triết lý đôi bên cùng có lợi, hợp tác cùng phát triển, thì họ thực sự đại diện cho tầng lớp doanh nhân văn hóa. Sự nghiệp của doanh nghiệp chắc chắn sẽ bền vững và phát triển.

- Cơ chế thị trường: Cơ chế thị trường là cơ chế vận động của nền kinh tế hàng hóa theo các quy luật của sản xuất và lưu thông hàng hóa trong sự tác động qua lại với các quy luật kinh tế khác. Theo cơ chế này hoạt động mua - bán hàng hóa đều tuân theo quy luật khách quan của sản xuất hàng hóa. Đó là quy luật giá trị, quy luật cung - cầu, cạnh tranh, lưu thông tiền tệ.

- Quy luật giá trị: Là quy luật cơ bản của sản xuất hàng hóa. Quy luật này đòi hỏi việc sản xuất và trao đổi phải dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết. Sản xuất hàng hóa là công việc riêng của từng chủ thể bởi môi trường chủ thể có điều kiện sản xuất riêng (trình độ kỹ thuật, trang thiết bị kỹ thuật, tổ chức quản lý để sản xuất ra một loại hàng hóa, và mỗi loại hàng hóa thường có chi phí khác nhau gọi là chi phí cá biệt). Nhưng khi đưa ra thị trường loại hàng hóa đó chỉ có thể bán theo một giá trị có tính chất trung bình hay theo một chi phí lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hóa. Người nào có chi phí cá biệt nhỏ hơn chi phí trung bình của xã hội thì có lãi, ngược lại người nào có chi phí cá biệt lớn hơn chi phí trung bình thì lỗ, thậm chí mất vốn hoặc phá sản.

Quy luật giá trị có tác dụng điều tiết việc phân phối sản phẩm tư liệu sản xuất và sức lao động xã hội vào các ngành khác nhau thông qua quy luật cung - cầu trên thị trường. Điều tiết lưu thông hàng hóa từ nơi giá bán thấp đến nơi giá bán cao kích thích ứng dụng kỹ thuật mới cải tiến quản lý, tăng năng suất lao động, phân hóa người sản xuất, đào thải sự yếu kém kích thích phát triển tài năng.

- Quy luật cung - cầu: Là một quy luật của sản xuất hàng hóa trong cơ chế thị

trường.


Cầu là nhu cầu của xã hội được đảm bảo bằng lượng tiền tương ứng hay còn gọi

là nhu cầu có khả năng thanh toán. Còn cung là tổng số hàng hóa có trên thị trường hoặc có khả năng cung cấp cho thị trường.


Cung và cầu có quan hệ mật thiết với nhau và thường xuyên tác động lẫn nhau, đồng thời chúng có quan hệ trực tiếp đến giá cả. Nếu mặt hàng nào đó mà cung lớn hơn cầu thì khó tiêu thụ, giá cả giảm và do đó sản xuất bị thu hẹp. Khi đó người ta cần giảm dần việc sản xuất loại mặt hàng đó hoặc chuyển sang sản xuất mặt hàng khác. Nếu cung nhỏ hơn cầu thì hàng bán chạy giá cả tăng, sản xuất mở rộng, làm tăng khối lượng. Khi đó một số người trước đây chưa sản xuất mặt hàng này thì nay chuyển sang sản xuất mặt hàng đó, vì nó đang có nhu cầu lớn và thu được lợi nhuận cao hơn.

Như vậy quy luật cung - cầu cùng với quy luật giá trị có vai trò điều tiết các tỷ lệ cân đối giữa các ngành làm cho sản xuất gắn liền với tiêu dùng hơn. Tuy nhiên, sự hoạt động của chúng diễn ra tự phát thường gây nhiều hậu quả tiêu cực, như lãng phí của cải xã hội, kích thích thị hiếu tiêu dùng xa thực tế. Trong chủ nghĩa xã hội các quy luật này được vận dụng có ý thức nhằm kích thích sản xuất phát triển và hạn chế tác động tiêu cực của chúng.

- Cạnh tranh cũng là quy luật của sản xuất hàng hóa. Đó là sự đấu tranh của những người sản xuất hàng hóa nhằm dành được những điều kiện sản xuất và tiêu thụ có lợi nhất, thu nhiều lợi nhuận nhất.

Cạnh tranh có vai trò tích cực là thúc đẩy cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức quản lý, thực hiện tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất, làm tăng năng suất lao động, thúc đẩy cải tiến chất lượng và hình thức hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, cải tiến phương tiện vận chuyển, phương tiện bán hàng, kể cả tranh thủ tình cảm của khách hàng thông qua tinh thần thái độ phục vụ của người bán hàng.

Bên cạnh mặt tích cực cạnh tranh cũng nảy sinh nhiều tiêu cực như lừa lọc, làm hàng giả và các hành động phi pháp khác gây thiệt hại cho người tiêu dùng và xã hội.

Trong điều kiện nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa các chủ thể sản xuất hàng hóa không chỉ hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và sự quản lý nhà nước mà còn có sự hợp tác đem lại lợi ích cho chủ thể sản xuất và toàn xã hội.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/05/2022