Văn hóa doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế - Phân tích trường hợp Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - 4

đuổi, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, cấu trúc tổ chức, cơ chế quản lý của doanh nghiệp hay phong cách của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp. Tóm lại, có thể nói VHDN được hình thành và phát triển chính là do sự thích nghi, điều chỉnh của doanh nghiệp với các yếu tố thuộc về môi trường bên trong và bên ngoài của nó.

Các cấp độ văn hóa doanh nghiệp


Schein (2004) đưa ra mô hình 3 cấp độ VHDN, bao gồm: (1) Cấu trúc văn hóa hữu hình, (2) Những giá trị được thống nhất và (3) Những ngầm định cơ bản. Đồng thời, ông phân loại doanh nghiệp theo mức độ doanh nghiệp thoả mãn các đặc điểm của 3 cấp độ văn hóa này.

(1) Cấp độ một: Cấu trúc văn hóa hữu hình (Artifacts): bao gồm tất cả những hiện tượng và sự vật mà một người có thể nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận khi lần đầu tiên tiếp xúc với doanh nghiệp.

(2) Cấp độ hai: Những giá trị chung được thống nhất (Espoused Values): bao gồm những giá trị, chiến lược, triết lý chung được thống nhất, tán thành trong đông đảo người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp.

(3) Cấp độ ba: Những ngầm định cơ bản (Basic Underlying Assumptions) bao gồm những nhận thức, niềm tin, suy nghĩ, tình cảm chung được chia sẻ, ăn sâu trong tiềm thức, tâm lý của các thành viên doanh nghiệp và trở thành điều mặc nhiên được công nhận.

Đỗ Minh Cương (2001) đã mở rộng mô hình 3 cấp độ VHDN của Schein bằng mô hình cấu trúc 6 lớp nhằm phân loại VHDN, bao gồm: Hệ tư tưởng, triết lý; Hệ thống giá trị; Phong tục, tập quán, thói quen; Các truyền thuyết, tín ngưỡng; Hoạt động văn hóa nghệ thuật; Hành vi ứng xử, lối hành động chung, không khí tâm lý chung của doanh nghiệp.

Đo lường văn hóa doanh nghiệp


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 97 trang tài liệu này.

Daniel Denison (1990), đưa ra bốn đặc điểm văn hóa làm cơ sở cho mô hình khảo sát VHDN DOCS của mình gồm: sứ mệnh, khả năng thích ứng, sự tham gia và tính nhất quán.

Mô hình DOCS là một công cụ gồm 60 danh mục nhỏ được thiết kế để cung cấp cho một phân tích đơn giản nhưng toàn diện về văn hóa của một doanh nghiệp bằng cách đánh giá mức độ ảnh hưởng của các đặc điểm văn hóa cơ bản đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị. Dựa trên những nhận định đó, Denison đã phát triển mô hình khảo sát VHDN của mình bằng cách nhóm VHDN theo bốn nhóm đặc điểm gồm (1) Sứ mệnh: định hướng và những kết quả mong đợi dài hạn của doanh nghiệp; (2) Khả năng thích ứng: năng lực thay đổi của doanh nghiệp để đáp ứng với những biến động của yêu cầu khách hàng và thị trường; (3) Sự tham gia: mức độ tham gia của nhân viên vào các quyết định quản trị doanh nghiệp, tăng cường năng lực, trách nhiệm của nhân viên; (4) Tính nhất quán: các hệ thống, quy tắc, thủ tục tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, đảm báo tính thống nhất, bền vững của doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế - Phân tích trường hợp Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - 4

Kim Cameron và Robert Quinn (2011), dựa trên lý thuyết về Khung giá trị cạnh tranh đã chia VHDN thành 4 loại: Văn hóa gia đình (Clan), văn hóa thứ bậc (Hierarchy), văn hóa cạnh tranh (Market) và văn hóa sáng tạo (Adhocracy).

Dựa trên 6 yếu tố cấu thành VHDN là đặc tính nổi bật của doanh nghiệp, phong cách lãnh đạo, đặc điểm nhân viên, chất keo gắn kết tổ chức, chiến lược phát triển và tiêu chuẩn xác định thành công, Quinn và Cameron đã đi sâu phân tích những đặc điểm cụ thể hơn của 4 loại hình VHDN đồng thời xây dựng Bộ công cụ chẩn đoán VHDN OCAI (Organizational Culture Assessment Instrument). Bộ công cụ OCAI được hình thành với mục tiêu đánh giá cụ thể 6 yếu tố cấu thành VHDN, từ đó định dạng VHDN dựa trên khung giá trị cạnh tranh. Ưu điểm nổi bật của mô hình chẩn đoán VHDN OCAI là có thể minh họa diễn biến thay đổi VHDN của đơn vị qua các thời kỳ phát triển.

Mô hình OCAI chỉ so sánh 2 chiều VHDN có tính đối lập dựa trên khung giá trị cạnh tranh (hướng nội so với hướng ngoại và ổn định so với linh hoạt) để diễn tả thực trạng VHDN. Tuy nhiên, nghiên cứu của nhiều học giả cho thấy việc áp dụng khung giá trị cạnh tranh với 2 chiều như vậy sẽ giúp các nhà quản trị có cái nhìn bao quát, dễ hình dung hơn về VHDN của đơn vị mình, biết được điểm mạnh, điểm

yếu trong VHDN của đơn vị mình so với đối thủ cạnh tranh hoặc so với mức trung bình của ngành, từ đó đưa ra những chiến lược điều chỉnh VHDN phù hợp.

Mô hình OCAI cũng giúp so sánh VHDN trong ngành, địa phương, có bảng hỏi đơn giản, kết quả khảo sát phù hợp với các nghiên cứu định lượng. Tuy nhiên, so với mô hình cấu trúc VHDN gồm 3 cấp độ của Schein thì rõ ràng mô hình chẩn đoán VHDN OCAI mới chỉ định hình được VHDN ở cấp 3 (Những ngầm định cơ bản – Basic Underlying) và cấp 2 (Những giá trị được thống nhất – Espoused Values), còn cấp độ văn hóa đầu tiên (Cấu trúc văn hóa hữu hình - Artifacts) chưa được đề cập đến.

Nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp trong các ngân hàng thương mại


Nghiên cứu về tầm quan trọng của VHDN với NHTM, John R Childress (2011, tr.2-3) trong bài viết “Tại sao các ngân hàng nên chú trọng tới văn hóa” cho rằng: văn hóa chính là sự hiển diện của ngân hàng, qua đó, mọi người biết đến ngân hàng sẽ đi về đâu (tầm nhìn chiến lược), vai trò của các thành viên trong ngân hàng như thế nào (cấu trúc tổ chức) và nền tảng cho các hoạt động của ngân hàng (triết lý kinh doanh, tiêu chuẩn đạo đức).

Trong một nghiên cứu thực tế năm 2009, Camaron và Quinn đã sử dụng bộ công cụ đo lường VHDN OCAI để tiến hành nghiên cứu về VHDN trong các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tại Hà Lan. Kết quả nghiên cứu cho thấy tại các định chế tài chính này, mô hình văn hóa có xu hướng đề cao các đặc điểm của văn hóa thị trường và văn hóa thứ bậc, trong khi các đặc điểm của văn hóa gia đình và văn hóa sáng tạo ít được coi trọng hơn.

Ngoài ra, một số nghiên cứu khác ở nước ngoài về VHDN liên quan đến hệ thống tài chính ngân hàng thường đi sâu vào phân tích một mảng nội dung cụ thể trong mối quan hệ, tác động qua lại giữa VHDN và một số thành tố khác trong hệ thống quản trị của ngân hàng. Wilderoma (2012, tr.845-848) đã phân tích tác động của VHDN và phong cách lãnh đạo tới hiệu suất làm việc của nhân viên ngân hàng tại Hà Lan, từ đó kết luận, trong khi phong cách lãnh đạo có khả năng tác động tới

việc nâng cao hiệu suất của nhân viên ngân hàng trong ngắn hạn thì VHDN cần một khoảng thời gian dài hơn để có những tác động thực sự, nhưng lâu dài tới hiệu suất làm việc của các nhân viên ngân hàng.

Tại Việt Nam, cũng đã có một số nghiên cứu về VHDN trong hệ thống NHTM. Lê Thị Kim Nga (2009), trong Đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, đã đi sâu phân tích một số yếu tố tác động đến việc hình thành VHDN trong các NHTM tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa dân tộc và phong cách lãnh đạo. Tác giả cũng đề cập đến 5 nhóm giải pháp đối với các NHTM nhằm xây dựng và phát triển VHDN gồm (1) Nhóm giải pháp thông qua cơ chế quản trị điều hành, (2) Nhóm giải pháp thông qua các giá trị văn hóa hữu hình, (3) Nhóm giải pháp thông qua cơ chế thưởng phạt, (4) Nhóm giải pháp thông qua các giá trị giáo dục đào tạo và (5) Nhóm các giải pháp hỗ trợ.

Phạm Thị Tuyết (2015), trong cuốn sách “Văn hóa doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh ngân hàng” đã khái quát chung về VHDN trong hoạt động kinh doanh ngân hàng; khảo sát quan điểm của ban lãnh đạo, nhân viên và khách hàng đối với một số đặc điểm VHDN tại các NHTM của Việt Nam, trình bày kinh nghiệm phát triển VHDN của một số NHTM nước ngoài và đề xuất một số giải pháp phát triển văn hoá trong hoạt động kinh doanh của các NHTM Việt Nam.

Một số học giả đã vận dụng các lý thuyết hiện đại về quản trị học và VHDN để nghiên cứu trường hợp điển hình trong việc xây dựng và phát triển VHDN ở một số NHTM Việt Nam. Điển hình như Hoàng Văn Hải (2006) với cuốn sách Xây dựng và phát triển văn hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, hay Nguyễn Văn Đường (2004), nghiên cứu về trường hợp xây dựng VHDN tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Ngoài ra, chủ đề nghiên cứu về VHDN tại các NHTM ở Việt Nam cũng đã được một số học viên cao học tiến hành nghiên cứu trong luận văn Thạc sĩ của mình.

3. Mục tiêu nghiên cứu

3.1 Mục tiêu chung

Mục tiêu chung của luận án là hệ thống hóa cơ sở lý luận về VHDN; đánh giá thực trạng các cấp độ VHDN và mô hình VHDN tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giữa hai thời kỳ trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO; từ trường hợp điển hình này, luận án đề xuất các giải pháp củng cố, phát triển mô hình, nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả áp dụng VHDN, tăng cường lợi thế cạnh tranh cho các NHTM Nhà nước nói chung ở Việt Nam.

3.2. Những mục tiêu cụ thể

Thứ nhất là hệ thống hóa cơ sở lý luận về VHDN, trong đó tập trung phân tích về các cấp độ VHDN và các mô hình VHDN; làm rõ sự khác biệt trong VHDN giữa các NHTM Nhà nước và các loại hình NHTM khác ở Việt Nam.

Thứ hai là đánh giá các cấp độ VHDN và sự thay đổi của nó tại ngân hàng Vietcombank giữa hai thời kỳ trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Đánh giá được sự khác biệt về các cấp độ VHDN theo những yếu tố nhân khẩu học của nhân viên ngân hàng.

Thứ ba là xác định mô hình VHDN và sự dịch chuyển của mô hình VHDN tại ngân hàng Vietcombank giữa hai thời kỳ trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO (Theo mô hình 4 loại hình VHDN của Quinn và Camaron, 2011).

Thứ tư, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đưa ra nhận xét, đề xuất các giải pháp đối với ngân hàng Vietcombank nói riêng và các NHTM Nhà nước ở Việt Nam nói chung nhằm củng cố, phát triển mô hình, nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả áp dụng VHDN, tăng cường lợi thế cạnh tranh, đóng góp cho sự phát triển bền vững của các ngân hàng.

4. Câu hỏi nghiên cứu

(1) Đánh giá các cấp độ VHDN, mô hình VHDN của ngân hàng Vietcombank có thay đổi không và thay đổi như thế nào giữa hai thời kỳ trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO?

(2) Ảnh hưởng của các yếu tố nhân khẩu học (khu vực, tuổi tác nhân viên, thâm niên, trình độ học vấn, giới tính, v.v.) tới kết quả đánh giá các cấp độ VHDN tại ngân hàng Vietcombank như thế nào?

(3) Những giải pháp nào nhằm củng cố, phát triển mô hình, nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả áp dụng VHDN, từ đó tăng cường lợi thế cạnh tranh, đóng góp cho sự phát triển bền vững của các NHTM Nhà nước ở Việt Nam?

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu được xác định là các cấp độ VHDN, mô hình VHDN cùng sự dịch chuyển của nó tại ngân hàng Vietcombank trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện chính tại ngân hàng Vietcombank. Ngoài ra, nhằm có sự so sánh với một số NHTM Nhà nước khác ở Việt Nam, tác giả có mở rộng thêm phạm vi nghiên cứu ở mức độ hẹp tới Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Thời gian thực hiện nghiên cứu: từ tháng 7/2011 đến tháng 10/2015.

Mốc thời gian trong bảng khảo sát: tác giả lấy mốc thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (01/2007) để chia tách thành hai giai đoạn khảo sát VHDN tại các ngân hàng. Cụ thể, hai giai đoạn khảo sát gồm giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập WTO (2000-2006) và giai đoạn sau khi Việt Nam gia nhập WTO (2007-2014). Mặc dù tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đánh dấu với nhiều điểm mốc quan trọng như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), thời điểm Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1995), thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN (1995); thời điểm ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (2000). Tuy nhiên, tác giả lấy mốc năm 2007 làm thời điểm phân định giữa hai giai đoạn do việc Việt Nam gia nhập WTO mang ý nghĩa quan trọng, thể hiện chúng ta sẵn sàng hội nhập toàn diện, trên mọi lĩnh vực kinh tế với các quốc gia, tổ chức trên thế giới và kèm theo đó là những cam kết về thương mại,

dịch vụ tổng thể và chặt chẽ nhất kể từ thời điểm đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới.

Địa phương khảo sát: Hội sở, chi nhánh các ngân hàng trên tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.

6. Tính mới và đóng góp của luận án

6.1. Các đóng góp về mặt lý luận

Luận án này có những đóng góp về mặt lý luận, cụ thể gồm:

Một là, luận án đã tổng quan được các công trình nghiên cứu tiêu biểu trên thế giới và Việt Nam về khái niệm VHDN, vai trò của VHDN, phân loại VHDN, phân tích các nhân tố tác động đến VHDN, các mô hình VHDN và phương pháp đo lường VHDN. Bằng nghiên cứu tài liệu và nghiên cứu định tính, tác giả đã đưa ra một số đặc điểm nổi bật trong VHDN của các NHTM so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Hai là, luận án đã tiếp cận nghiên cứu VHDN ở một góc độ mới đó là quan sát và phân tích sự thay đổi của các cấp độ VHDN, sự dịch chuyển của mô hình VHDN giữa hai giai đoạn khác nhau. Đã có nhiều công trình ở Việt Nam nghiên cứu về VHDN nói chung và VHDN trong các NHTM nói riêng nhưng hoặc là tiếp cận theo mô hình 3 cấp độ (Schein, 2004) hoặc theo mô hình 4 loại hình văn hóa OCAI (Camaron và Quinn, 2011) hoặc theo mô hình DOCS (Denison, 2007) một cách độc lập chứ không kết hợp nghiên cứu đồng thời các mô hình trên nhằm phân tích tổng quan nhiều mặt VHDN của đơn vị nghiên cứu. Vì vậy, cách tiếp cận mới của luận án có thể nói đã góp phần làm sâu sắc thêm lý luận về VHDN.

Ba là, luận án đã bước đầu xây dựng được thang đo các cấp độ VHDN với điều kiện các NHTM Nhà nước ở Việt Nam. Điều này có ý nghĩa gợi ý trong các nghiên cứu tiếp theo về VHDN, đó là cụ thể hóa thang đo các cấp độ VHDN vào từng lĩnh vực, ngành nghề và đơn vị.

6.2. Các đóng góp về mặt thực tiễn

Ngoài những đóng góp về mặt lý luận, luận án cũng có đóng góp về mặt thực tiễn được thể hiện ở các khía cạnh sau:

Một là, luận án đã đánh giá được một số khía cạnh quan trọng trong các cấp độ VHDN và sự thay đổi của các cấp độ VHDN tại ngân hàng Vietcombank nói riêng và các NHTM Nhà nước ở Việt Nam nói chung giữa hai thời kỳ trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Luận án cũng đã chứng minh được sự khác biệt trong đánh giá các cấp độ VHDN theo những yếu tố nhân khẩu học của nhân viên ngân hàng.

Hai là, luận án đã xác định được mô hình VHDN và xu hướng dịch chuyển của mô hình VHDN tại ngân hàng Vietcombank và một số NHTM Nhà nước khác ở Việt Nam giữa hai thời kỳ trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO (Theo mô hình 4 loại hình VHDN của Quinn và Camaron, 2011).

Ba là, luận án đã đánh giá, lý giải nguyên nhân sự thay đổi các cấp độ VHDN và sự dịch chuyển mô hình VHDN của ngân hàng Vietcombank, từ đó nhận diện và đề xuất những điểm trọng tâm cần ưu tiên đầu tư trong xây dựng VHDN tại ngân hàng Vietcombank thời gian tới.

Bốn là, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, luận án đã đưa ra một số đề xuất giải pháp đối với các NHTM Nhà nước ở Việt Nam nhằm củng cố các cấp độ VHDN, định hình mô hình VHDN phù hợp, nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả áp dụng VHDN, từ đó tăng cường lợi thế cạnh tranh, đóng góp cho sự phát triển bền vững của các NHTM Nhà nước ở Việt Nam.

7. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu định tính:

Nghiên cứu định tính được vận dụng trong nghiên cứu này nhằm xây dựng mô hình lý thuyết và thang đo. Tác giả thực hiện tổng quan các công trình nghiên cứu tiên nghiệm nhằm tìm ra khoảng trống nghiên cứu, từ đó đề xuất mô hình nghiên cứu. Bên cạnh đó, phương pháp chuyên gia và phỏng vấn sâu cũng được vận dụng để bổ sung thông tin cho các kết quả nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu định lượng:

Nghiên cứu định lượng được tiến hành sau khi mô hình nghiên cứu và các thang đo đã được xây dựng từ mô hình lý thuyết. Sau đó, bảng hỏi sẽ được thiết kế và đưa vào khảo sát thử nghiệm qua hai hình thức: phỏng vấn chuyên gia và

Xem tất cả 97 trang.

Ngày đăng: 05/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí