Đánh Giá Kết Quả Học Tập Trong Dạy Học Theo Dự Án


Như vậy, cách chia thành 5 bước này cơ bản không khác nhiều so với cách thứ nhất, tác giả Đỗ Hương Trà đã gộp phần thu thập và xử lí thông tin của cách phân loại trên vào bước 3 là bước thực hiện DA của HS.

Chúng tôi lựa chọn quy trình DHTDA này cho sự vận dụng DHTDA trong dạy học phần hoá học phi kim chương trình THPT chương trình nâng cao do đa số HS THPT đã biết thu thập và xử lí thông tin theo bộ câu hỏi định hướng và khung nội dung đã xác định trong sơ đồ tư duy.

Những hoạt động quan trọng trong các bước của quy trình này:

Quyết định chủ đề và xác định mục tiêu dự án:

Việc lựa chọn chủ đề DA phụ thuộc vào sự hứng thú, quan tâm của HS và kinh nghiệm các em đã có. Chủ đề DA có thể hấp dẫn với một nhóm HS, với cả lớp, hay với một số HS nhất định. Bằng việc quan sát và thảo luận trên lớp, GV sẽ phát hiện ra HS quan tâm tới vấn đề gì, vấn đề gì thực sự hấp dẫn đối với các em và khuyến khích HS đưa ra các ý tưởng, chủ đề DA. Để khuyến khích HS trình bày ý tưởng, GV có thể sử dụng hộp thư gợi ý thu thập sáng kiến, đề nghị của HS, đưa ra sự kiện mang tính thời sự để HS thảo luận, lấy ý kiến của các nhóm HS.

Chủ đề được diễn đạt tốt nhất dưới dạng một vấn đề và nên bắt đầu bằng một vấn đề cần phải giải quyết. Kết quả cuối cùng của DA sẽ là lời giải cho vấn đề đó. Điều này kích thích HS hoạt động, lên kế hoạch và đặt mục tiêu đề ra.

Khi chưa quen với việc giải quyết vấn đề, HS thường có xu hướng lựa chọn các chủ đề, những đề tài mà mình quan tâm, hứng thú. Để không đi chệch hướng khi lựa chọn chủ đề, GV cần lưu ý:

+ Đảm bảo đa số HS ủng hộ ý tưởng đưa ra bằng cách kiểm tra xem các chủ đề nào có liên quan với nhau và tại sao.

+ Xác định rõ một số tiêu chí mà đề tài DA cần đạt được. GV cần trả lời được một số câu hỏi, ví dụ: (1) Câu hỏi/nhiệm vụ đặt ra có phải một vấn đề hay không?

(2) Liệu tất cả HS đều có thể tham gia DA được không? (3) Có thể đạt được sản phẩm cuối cùng hay không? (4) Có thể dành một khoảng thời gian nhất định cho DA hay không? (5) HS có thể hoạt động cùng nhau được hay không? (6) Có thể học được điều gì đó từ hoạt động hay không? (7) Có thể áp dụng sau... tuần được hay không? (8) Vấn đề có mới mẻ và mang tính thách thức hay không? (9) Chi phí như thế nào? (10) ...


+ Khả năng HS có thể thuyết phục lẫn nhau trong khi lựa chọn chủ đề DA. Các em đưa ra ý kiến, lí lẽ để bảo vệ kiến nghị của mình. Nếu nhóm HS không đạt được thoả thuận, có thể dùng đến biện pháp bỏ phiếu sao cho dân chủ nhất, HS có thể bỏ phiếu kín cho 1, 2 hoặc 3 lựa chọn. Hoặc có thể cho các HS cùng lựa chọn cùng nội dung DA tạo nhóm mới.

• Xây dựng kế hoạch thực hiện: Trong giai đoạn này, với sự hướng dẫn của GV. HS xây dựng đề cương và kế hoạch cho việc thực hiện DA, bao gồm những công việc cần làm, thời gian dự kiến, vật liệu, kinh phí, phương pháp tiến hành và phân công công việc trong nhóm.

Thực hiện DA: Các thành viên thực hiện công việc theo kế hoạch đã đề ra cho nhóm và cá nhân. Trong giai đoạn này, HS thực hiện các hoạt động trí tuệ và hoạt động thực tiễn, thực hành; những hoạt động này xen kẽ và tác động qua lại lẫn nhau, như:

– Thu thập các đồ dùng, tài liệu cần thiết: nghiên cứu trong lớp, trong thư viện, qua mạng Internet.

– Có sự tham gia của phụ huynh HS.

– Xin “chuyên gia” tư vấn – viết thư – phỏng vấn – gọi điện thoại xin hẹn.

– Thu thập thông tin, chỉnh sửa và viết lại sao cho dễ hiểu.

Trong quá trình đó, sản phẩm của DA học tập và thông tin mới được tạo ra.

Thu thập kết quả và công bố sản phẩm: Kết quả thực hiện DA có thể được công bố dưới dạng bài thu hoạch, báo cáo bằng văn bản, bài trình diễn PowerPoint, poster, mô hình, lập trang web, tạo mô hình hay vật thật,... Hoặc những hành động phi vật chất, như biểu diễn một vở kịch, việc tổ chức một buổi tuyên truyền nhằm tạo ra các tác động xã hội, phòng triển lãm trưng bày tranh ảnh, quay video clip,…

Sản phẩm của DA học tập có thể được trình bày giữa các nhóm HS trong một lớp, có thể được giới thiệu trước toàn trường, hay ngoài xã hội.

Đánh giá DA học tập:

GV và HS đánh giá quá trình thực hiện và kết quả cũng như kinh nghiệm đạt được. Việc đánh giá có thể tiến hành trước, trong và sau khi kết thúc DA, bằng cả các phương pháp quan sát, vấn đáp và viết. Khi đánh giá, cần phải trả lời các câu hỏi sau:

– DA vừa thực hiện có tạo điều kiện cho HS học tập tích cực không?


– Trong tương lai DA có thể thực hiện khác được không?

– Hướng phát triển tiếp theo của DA là gì?

Do đó cần tiến hành hoạt động xem xét lại DA: Hoạt động này được thực hiện thông qua các câu hỏi: Mục đích học tập đạt được hay chưa? Liệu sản phẩm của DA có dùng được hay không? Những thiếu sót gì đã bỏ qua? Các yếu tố khác như cảm giác thoải mái của HS trong quá trình hoạt động nhóm – thời gian thực hiện DA – các vấn đề gặp phải và sự hỗ trợ,... đều phải được đề cập tới, từ đó rút ra những kinh nghiệm cho việc phát triển DA hoặc thực hiện các DA khác tiếp theo.

Cần sử dụng những phương pháp đánh giá khác nhau như: trao đổi bằng thư, đánh giá toàn lớp, đánh giá đồng đẳng, tự đánh giá, HS nêu câu hỏi, đánh giá các nhóm... theo các tiêu chí đưa ra.

Việc phân chia các giai đoạn của DHTDA chỉ mang tính chất tương đối, có thể xen kẽ và thâm nhập lẫn nhau. Việc tự kiểm tra, điều chỉnh cần được thực hiện trong tất cả các giai đoạn của DA. Với những dạng DA khác nhau có thể xây dựng cấu trúc chi tiết riêng phù hợp với nhiệm vụ DA. Giai đoạn 4 và 5 cũng thường được mô tả chung thành một giai đoạn (giai đoạn kết thúc DA).

1.4.6. Đánh giá kết quả học tập trong Dạy học theo dự án

Đánh giá kết quả học tập của HS trong DHTDA được thực hiện phối hợp đánh giá kiến thức, kĩ năng (qua bài kiểm tra kiến thức), đánh giá năng lực và thái độ của HS trong quá trình thực hiện DA thông qua các hoạt động học tập do GV tổ chức (qua các bảng kiểm, quan sát). Đánh giá trong DHTDA phải kết hợp các hình thức đánh giá khác nhau, tại nhiều thời điểm khác nhau và được kết hợp giữa đánh giá của GV và đánh giá của HS. Như vậy, đánh giá năng lực HS trong DHTDA cần được thực hiện qua bộ công cụ đánh giá cụ thể.

Yêu cầu của việc thiết kế bộ công cụ đánh giá là phải đảm bảo tính khách quan, độ giá trị và độ tin cậy. Vì vậy, khi thiết kế bộ công cụ đánh giá trong DHTDA, GV cần dựa trên các dấu hiệu/biểu hiện của năng lực cần đánh giá để xây dựng bảng kiểm quan sát, bảng kiểm đánh giá, sổ theo dõi DA, thang đo thái độ,…

a) Bảng kiểm quan sát

Việc đánh giá qua quan sát thực hiện thông qua bảng kiểm/phiếu quan sát. Quy trình xây dựng bảng kiểm quan sát được thực hiện như sau:

Bước 1. Liệt kê danh sách các tiêu chí: GV cần căn cứ nội dung quan sát để liệt kê những tiêu chí cần đánh giá và lĩnh vực cần đánh giá.


Bước 2. Khớp nối những mức độ chất lượng: Mô tả mức độ tốt nhất và kém nhất của chất lượng, sau đó viết vào những cột ở giữa những mức độ trung gian.

Bước 3. Sử dụng trong đánh giá của GV: GV sử dụng bảng kiểm quan sát để đánh giá chất lượng công việc HS thực hiện.

Các tiêu chí đánh giá năng lực HS trong bảng kiểm quan sát được trình bày trong Phụ lục 2A.

b) Sổ theo dõi dự án

Sổ theo dõi DA là một dạng hồ sơ học tập, là bằng chứng ghi chép về kết quả hoạt động của từng cá nhân trong nhóm, bao gồm: Các ý tưởng ban đầu; Kế hoạch thực hiện DA; Phiếu phân công nhiệm vụ trong nhóm; Phiếu tổng hợp dữ liệu; Thông tin quan sát, tranh ảnh, bài viết hoặc bài báo; Biên bản thảo luận nhóm và kết quả đạt được; Bảng nhìn lại quá trình thực hiện DA; Thông tin phản hồi của GV.

Sổ theo dõi DA được sử dụng trong tất cả các giai đoạn của tiến trình dạy học.

GV cần chuẩn bị sẵn mẫu Sổ theo dõi DA và cung cấp ngay khi HS bắt đầu DA.

Thông qua Sổ theo dõi DA để GV đánh giá năng lực và thái độ của HS trong quá trình thực hiện DA. Nội dung Sổ theo dõi DA được trình bày trong Phụ lục 3D.

c) Bảng kiểm đánh giá kết quả dự án học tập

Bảng kiểm đánh giá DA học tập là một công cụ làm căn cứ có liệt kê danh sách các tiêu chí đánh giá sản phẩm của DA học tập (chẳng hạn, mô hình vật chất, bài trình bày PowerPoint, trang web...) mà trong đó có sự kết hợp các mức độ của chất lượng cho mỗi tiêu chí, từ xuất sắc đến kém.

Trong DHTDA, có thể sử dụng bảng kiểm để: đánh giá bài trình diễn đa phương tiện; đánh giá ấn phẩm (poster); đánh giá trang web; đánh giá tổng thể DA. Ngoài ra, còn có bảng kiểm trình bày của HS; bảng kiểm thảo luận nhóm; bảng kiểm bài tập ở nhà; bảng kiểm đánh giá sự hợp tác của HS,... Nội dung các bảng kiểm đánh giá năng lực HS qua sản phẩm DA được trình bày ở các Bảng 2.1 - 2.6.

d) Thang đo thái độ (thang đo Likert) [69]

Một thang đo Likert bao gồm một chuỗi các mục là các phát biểu tường thuật. HS được yêu cầu chỉ ra ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý với mỗi phát biểu. Nói chung, thường có 5 lựa chọn: “rất không đồng ý”, “không đồng ý”, “trung tính”, “đồng ý” và “rất đồng ý”, được gán điểm số, thường từ 1 đến 5. Nhờ cách gán điểm, những phản hồi của HS được định lượng và có thể tính tổng điểm số của các cá


nhân cho một mục nào đó để điều tra sự quan tâm của họ với nội dung đó. Vì vậy, thang đo Likert còn được gọi là thang đo tổng cộng.

* Quy trình xây dựng thang đo Likert

– Bước 1. Xác định mục tiêu tức là xác định những gì cần đo lường.

– Bước 2. Tạo ra các mục: Căn cứ vào mục tiêu để tạo ra các mục thang đo.

– Bước 3. Phân loại các mục: Gồm nhóm các mức độ hưởng ứng đối với mỗi mục. Thông thường đối với các phát biểu khẳng định, người ta sử dụng một thang mức độ từ 1 đến 5 từ “rất không đồng ý/rất không quan tâm” đến "rất đồng ý/rất quan tâm”. Đối với các phát biểu phủ định, các mức độ được gán điểm số ngược lại.

– Bước 4. Thực thi thang đo tức là sử dụng thang đo Likert trong đánh giá. Trong DHTDA, có thể sử dụng thang đo Likert để HS: (1) lựa chọn các chủ đề

DA; (2) phân chia nhóm theo sở thích; (3) đo thái độ của khán giả với bài trình bày.

Đối với GV: Thang đo Likert đánh giá những thuận lợi/khó khăn về phía GV trước, trong, sau quá trình DHTDA, liên quan tới nhiều yếu tố tác động tới việc tiến hành thuận lợi các DA của HS.

Xây dựng thang đo Likert cho HS và GV trong DHTDA được trình bày trong Phụ lục 1B và 1E.

1.4.7. Ưu điểm và hạn chế của Dạy học theo dự án

1.4.7.1. Ưu điểm

* Với HS:

– Có sự gắn kết kiến thức lí thuyết với thực tiễn trong hoạt động học tập.

– Kích thích động cơ, hứng thú học tập của HS.

– Phát huy tính tự lực, trách nhiệm, sáng tạo của HS.

– Phát triển năng lực giải quyết những vấn đề phức hợp, mang tính tích hợp.

– Phát huy năng lực cộng tác làm việc và kĩ năng giao tiếp ở HS.

– Rèn luyện tính bền bỉ, kiên nhẫn của HS trong hoạt động thực hiện DA.

– Phát triển năng lực đánh giá của HS.

– Phát triển kĩ năng sử dụng CNTT trong hoạt động bên cạnh việc phát triển các kĩ năng mềm khác.

– Thông qua quá trình thực hiện DHTDA, HS củng cố mối quan hệ (tình bạn) với nhau trong nhóm, lớp và với GV bộ môn.


* Với GV:

– Phát triển được các kĩ năng đánh giá (quan sát, vấn đáp) của GV cả về kiến thức và năng lực của HS (theo chiều rộng và chiều sâu). Việc đánh giá HS sẽ toàn diện hơn so với các PPDH khác: đánh giá vì việc học (đánh giá quá trình), trong việc học (đánh giá đồng đẳng) và về việc học của HS (đánh giá kết quả).

– Quan tâm tới tiềm năng của HS và gắn kết hơn với HS trong dạy học, từ đó GV thấy yêu nghề hơn.

– Tự bồi dưỡng kĩ năng sử dụng CNTT và các phương tiện kĩ thuật hiện đại trong dạy học.

– Luôn có ý thức tìm hiểu và gắn kết kiến thức lí thuyết với thực tiễn, từ đó sẽ tạo được bộ tư liệu dạy học ngày càng phong phú, đa dạng, sâu sắc hơn.

1.4.7.2. Hạn chế

Tuy nhiên, DHTDA cũng có những hạn chế và thách thức nhất định:

– Không phải bất kì bài học nào cũng áp dụng được DHTDA. DHTDA không phù hợp trong việc truyền thụ tri thức mang tính hệ thống cũng như rèn luyện hệ thống kĩ năng cơ bản.

DHTDA là hình thức bổ sung cho các PPDH truyền thống, không thay thế cho phương pháp thuyết trình và luyện tập.

– DHTDA đòi hỏi phải có thời gian để HS nghiên cứu, tìm hiểu và còn mất thời gian của cả GV. Đây là hạn chế lớn nhất của DHTDA. Do vậy đòi hỏi GV phải xác định cụ thể mục tiêu và giới hạn được phạm vi nội dung của DA. Thực hiện điều này lại hạn chế những ý tưởng, tính sáng tạo của HS. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lí giải vì sao GV ít sử dụng PPDH này ở trường THPT Việt Nam [6].

– Để HS làm việc hiệu quả, GV phải cân đối giữa việc HS họp nhóm gây ồn ào với việc phải duy trì trật tự [60].

– GV gặp khó khăn trong thiết kế bộ công cụ đánh giá khách quan và chính xác nhất những mục tiêu học tập và giáo dục [60].

– DHTDA đòi hỏi phương tiện vật chất và tài chính phù hợp, đặc biệt cần sự trợ giúp của CNTT, các phần mềm ứng dụng và mạng Internet, các phương tiện kĩ thuật hiện đại (đa phương tiện).


– DHTDA yêu cầu GV phải có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm và lòng tâm huyết với nghề.

1.4.8. Điều kiện để Dạy học theo dự án trong môn Hoá học đạt hiệu quả

Để việc vận dụng DHTDA trong môn Hoá học đạt được hiệu quả cao cần đảm bảo các điều kiện sau:

– Xác định rõ mục tiêu học tập của HS: HS đạt được gì về kiến thức, kĩ năng, thái độ qua DA học tập? Các DA có tính chất liên môn hay chỉ gồm nội dung môn Hoá học đều chú ý tới khía cạnh khoa học và thực nghiệm. Tập trung vào hoạt động tư duy bậc cao, không chỉ là những kĩ năng đọc sách hay sử dụng CNTT,...

– Nội dung hoặc chủ đề DA phải gắn với thực tiễn, hoặc với những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống xung quanh, mang tính thời sự, tính xã hội có liên quan đến nội dung môn học, bài học. Ví dụ như các DA: tìm hiểu về pháo hoa nhân lễ hội bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng; khủng hoảng năng lượng nhân ngày “Giờ Trái Đất”; ô nhiễm môi trường nhân ngày Môi trường thế giới 5/6; an toàn thực phẩm liên quan tới chất bảo quản rau quả, bánh trái, nước chấm, thuốc bắc, thuốc nam; các loại phân bón hoá học; những ứng dụng quan trọng của các chất khi tạo ra các vật liệu, chất liệu, nguyên liệu, nhiêu liệu cũ và mới;…

– Chú ý các đặc điểm chuyên biệt về giới tính, tâm sinh lí lứa tuổi giúp phát huy những điểm mạnh riêng của HS theo sự khác biệt về cá thể.

– GV, nhà trường và gia đình phải tạo được môi trường học tập thân thiện, tích cực; ủng hộ và hỗ trợ các điều kiện vật chất (chủ yếu là phương tiện kĩ thuật CNTT, Internet) và tinh thần, thời gian cho phương pháp học tập mới của HS.

– GV phải xây dựng một lịch trình đánh giá hiệu quả và luôn theo dõi, tư vấn cho HS trong quá trình thực hiện DA.

– GV cần hình thành và rèn luyện các kĩ năng tư duy bậc cao và các kĩ năng cần có của người lao động mới trong thế kỉ XXI để làm gương cho HS.

Như vậy, DHTDA là một PPDH đáp ứng quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm, gắn lí thuyết với thực hành, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội, góp phần tích cực vào việc hình thành và phát triển năng lực tự lực, sáng tạo, năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp, tinh thần trách nhiệm và khả năng cộng tác làm việc cho người học. DHTDA giúp HS làm quen với học tập kết hợp nghiên cứu để khi họ bước vào môi trường ĐH, dễ dàng thích nghi với phương pháp học tập mới.


1.5. MỘT SỐ KĨ THUẬT DẠY HỌC TÍCH CỰC HỖ TRỢ DẠY HỌC THEO DỰ ÁN [1], [21], [22]

Kĩ thuật dạy học là những biện pháp, cách thức hành động của GV và HS trong các tình huống nhằm giải quyết một nhiệm vụ cụ thể. Từ quy trình tổ chức cho HS học theo DHTDA, chúng tôi lựa chọn các kĩ thuật dạy học tích cực hỗ trợ cho DHTDA và thể hiện ở bảng sau:

Bảng 1.1. Các kĩ thuật dạy học, kĩ năng hỗ trợ DHTDA


Quy trình tổ chức cho HS học theo DHTDA

Kĩ thuật dạy học, kĩ năng cần có

Bước 1. Lập kế hoạch

Dạy học nhóm, kĩ thuật mảnh ghép

1.1. Lựa chọn chủ đề

Kĩ thuật khăn phủ bàn

1.2. Xây dựng tiểu chủ đề

Lập sơ đồ tư duy

1.3. Lập kế hoạch các nhiệm vụ học tập

Kĩ thuật đặt câu hỏi 5W1H

Bước 2. Thực hiện DA

Dạy học nhóm


2.1. Thu thập thông tin

Sử dụng máy vi tính, mạng Internet

Kĩ năng phỏng vấn (tương ứng kĩ thuật đặt câu hỏi 5W1H), sử dụng máy ảnh, quay phim

2.2. Xử lí thông tin

Kĩ năng lập bảng, biểu đồ Kĩ năng so sánh và đối chiếu

2.3. Tổng hợp thông tin

Kĩ năng so sánh và đối chiếu, tổng hợp

Bước 3. Tổng hợp báo cáo kết quả



3.1. Xây dựng sản phẩm

Sử dụng máy ảnh, máy quay phim, máy vi tính, các phần mềm MS Microsoft Word, PowerPoint, Flash, …

3.2. Báo cáo trình bày sản phẩm

Kĩ năng thuyết trình, đóng kịch

3.3. Đánh giá

Kĩ năng so sánh và đối chiếu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.

Vận dụng phương pháp dạy học theo dự án trong dạy học phần hóa phi kim chương trình hóa học Trung học Phổ thông - 6

Các kĩ năng sử dụng phương tiện kĩ thuật hiện đại (như sử dụng máy ảnh, máy quay phim, máy vi tính), các phần mềm CNTT như là công cụ hỗ trợ (như MS Microsoft Word, PowerPoint, Flash,…), các kĩ năng thuyết trình, đóng kịch, hay lập bảng, biểu đồ, so sánh và đối chiếu,… không được trình bày trong luận án do HS dễ dàng tiếp cận thông qua các tài liệu hướng dẫn và sự trợ giúp của GV. Sau đây là một số kĩ thuật dạy học cần thiết hỗ trợ học tập DA có hiệu quả.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/05/2022