Nhà báo Thu Thủy, phóng viên Báo điện tử Vĩnh Phúc cũng thẳng thắn cho rằng: “Báo chí địa phương là kênh thông tin của tỉnh, vì vậy, mọi hoạt động du lịch của tỉnh đều được thông tin, phản ánh kịp thời, sinh động. Tuy nhiên, việc thông tin của báo địa phương còn ở mức độ hạn hẹp, chưa mang tầm vĩ mô”.
Từ kết quả điều tra xã hội trên, cùng với phỏng vấn sâu lãnh đạo, phóng viên Báo điện tử Vĩnh Phúc, tác giả luận văn đưa ra nhận định rằng, mặc dù số lượng và tần suất tin, bài, chùm ảnh, video về du lịch Vĩnh Phúc trên Báo điện tử Vĩnh Phúc nhiều hơn so với các báo điện tử Trung ương lựa chọn khảo sát, nhưng hiệu quả thông tin thì lại kém hơn. Nguyên nhân là do Báo điện tử Vĩnh Phúc vẫn chưa có được sự quan tâm của rộng rãi công chúng, hay nói cách khác tầm ảnh hưởng, uy tín của Báo vẫn chưa bằng so với các báo điện tử Trung ương, dẫn đến số lượng công chúng đón đọc còn ít. Thêm vào đó, có thể chất lượng bài viết, chuyên trang, chuyên mục trên Báo điện tử Vĩnh Phúc chưa có sự hấp dẫn, thu hút độc giả. Vấn đề này đặt ra cho lãnh đạo và đội ngũ chuyên viết về du lịch ở Báo điện tử Vĩnh Phúc cần phải tìm ra cách tiếp cận mới với công chúng, tìm hiểu nhu cầu thông tin, nâng cao chất lượng tin, bài nhằm xây dựng thương hiệu cho tờ báo.
2.2.2. Nội dung thông tin về du lịch Vĩnh Phúc
Báo điện tử Trung ương và địa phương đã thông tin rất nhiều nội dung về du lịch Vĩnh Phúc như: Sản phẩm du lịch, các loại hình du lịch, văn hóa du lịch, tài nguyên du lịch… Tuy nhiên, do điều kiện giới hạn của luận văn, tác giả sẽ tập trung nghiên cứu 5 nội dung chính sau:
2.2.2.1. Thông tin về vẻ đẹp tự nhiên của du lịch Vĩnh Phúc
Trong quá trình khảo sát, tác giả luận văn nhận thấy số lượng tin, bài, chùm ảnh, video thông tin về vẻ đẹp tự nhiên của Vĩnh Phúc chiếm số lượng nhiều nhất trên cả 3 cơ quan báo chí lựa chọn khảo sát.
Bảng 2.6: Biểu đồ thể hiện số lượng tin, bài, chùm ảnh, video quảng bá nội dung thông tin về du lịch Vĩnh Phúc trên các cơ quan báo chí khảo sát (đơn vị: Tin, bài, chùm ảnh, video)
Báo Vnexpresss Báo Du lịch Việt Nam Báo điện tử Vĩnh Phúc
40
35
30
25
20
15
10
5
0
Vẻ đẹp tự Cơ sở vật
Xúc tiến
Văn hóa Chính sách
nhiên
chất và nhân lực du lịch
du lịch
và ẩm thực phát triển
du lịch
Qua biểu đồ trên, chúng ta dễ dàng nhận ra sự nổi trội của tin, bài, chùm ảnh, video thông tin về vẻ đẹp thiên nhiên của du lịch Vĩnh Phúc trên các báo. Tổng số tin, bài, chùm ảnh, video về cảnh đẹp tự nhiên của Vĩnh Phúc đã đăng trên 3 cơ quan báo chí khảo sát là 52/146 tin, bài, chùm ảnh, video (chiếm 35,6% ).
So sánh với nội dung thông tin khác về du lịch Vĩnh Phúc thì thông tin về vẻ đẹp thiên nhiên đứng ở vị trí số 1, tiếp theo lần lượt đến thông tin về văn hóa và ẩm thực, cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ du lịch, chính sách phát triển du lịch và xúc tiến du lịch.
Từ kết quả điều tra xã hội học, một vấn đề mà tác giả luận văn muốn nhấn mạnh, đó là tin, bài, chùm ảnh, video về nội dung cảnh đẹp thiên nhiên Vĩnh Phúc có số lượng nhiều nhất phù hợp với nhu cầu công chúng. Đây là điều đáng mừng, bởi sự phù hợp giữa cung và cầu, mang lại hiệu quả thông tin. Các cơ quan báo chí cần phát huy việc cung cấp thông tin về du lịch Vĩnh Phúc theo nhu cầu của công chúng. Đây có thể là hướng đi không chỉ phù hợp về mặt lí luận báo chí mà còn đúng với thực tiễn hoạt động báo chí. Muốn làm được điều này, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải tiến hành nghiên cứu nhu cầu của công chúng một cách bài bản. Về vấn đề này, tác giả luận văn sẽ đề cập sâu hơn trong phần giải pháp ở chương 3.
Về thể loại, tỉ lệ tin chỉ chiếm 5%, chùm ảnh chiếm 10%, video chiếm 0,7%, còn bài chiếm đến 84,3% tổng số tin, bài, chùm ảnh, video thông tin về vẻ đẹp tự nhiên của Vĩnh Phúc. Như vậy là các báo khảo sát sử dụng bài làm thể loại chủ lực để thể hiện vẻ đẹp tự nhiên của du lịch Vĩnh Phúc. Thể loại bài sẽ đáp ứng được
mục đích thông tin vì có khả năng cung cấp thông tin sâu và toàn diện hơn về vẻ đẹp tự nhiên của Vĩnh Phúc.
Điểm thứ hai tác giả muốn đề cập tới trong nội dung thông tin vẻ đẹp tự nhiên của du lịch Vĩnh Phúc trên các báo khảo sát là yếu tố chỉ dẫn trong các bài viết.
Khi khảo sát tất cả tin, bài, chùm ảnh, video về vẻ đẹp tự nhiên của Vĩnh Phúc trên các báo khảo sát thì cả báo điện tử Trung ương và địa phương mới chỉ đưa ra được địa chỉ của các địa danh, thắng cảnh thuộc địa phận xã, phường, huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc và khoảng cách địa lý, thời gian từ Hà Nội đến các địa danh đó.
Trên Báo Du lịch Việt Nam ngày 2/7/2018 có bài “Hấp dẫn tuyến du lịch Vĩnh Yên - Đại Lải”. Bài viết đưa ra chỉ dẫn: “Hồ Đại Lải nằm ngay chân núi Tam Đảo, thuộc địa phận xã Ngọc Thanh – thành phố Phúc Yên, cách Hà Nội 40km, từ sân bay Quốc tế Nội Bài rẽ sang quốc lộ 2A qua Xuân Hoà tới khu du lịch Đại Lải khoảng 20km”.
Hay trong bài “Làng rắn Vĩnh Sơn” đăng ngày 14/6/2018 có ghi rõ: “Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 50km về phía Tây Bắc, được tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng thành “Làng nghề chăn nuôi rắn - du lịch - dịch vụ” đầu tiên, đó là làng nghề rắn Vĩnh Sơn thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc”.
Trên Báo điện tử Vĩnh Phúc ngày 27/5/2019 có bài “Đảm bảo an toàn cho du khách đến Đại Lải”, trong đoạn mở đầu đưa ra chỉ dẫn: “Giao thông thuận tiện, giá cả hợp lý, khu du lịch Đại Lải (thành phố Phúc Yên) là điểm đến lý tưởng cho nhiều người dân khi mùa hè tới”…
Như vậy, về mặt chỉ dẫn du lịch khi thông tin về vẻ đẹp tự nhiên của du lịch Vĩnh Phúc thì cả báo điện tử Trung ương và địa phương đã có sự chú trọng để đưa thông tin về địa chỉ của từng danh thắng trong bài viết lên đầu bài. Khi đưa ra chỉ dẫn, báo điện tử Trung ương lấy Thủ đô Hà Nội làm điểm mốc, còn Báo điện tử Vĩnh Phúc chỉ rõ địa danh đó nằm ở huyện hay thành phố nào của tỉnh. Đây là một ưu điểm đáng ghi nhận vì giúp người đọc có thể định vị và thuận tiện khi tìm đường đến với các danh thắng tự nhiên của Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, các báo nên có nhiều thông tin chỉ dẫn du lịch hơn nữa.
Chẳng hạn, các báo có thể đưa thêm thông tin về đi đường nào thuận tiện nhất
và dễ đi nhất đến các danh thắng; vị trí các danh thắng nằm ở hướng nào (Tây, Bắc, Đông, Nam) của tỉnh… Một điều đáng tiếc là tất cả các tin, bài, chùm ảnh, video tác giả khảo sát trên báo điện tử Trung ương và địa phương viết về vẻ đẹp tự nhiên của du lịch Vĩnh Phúc thì không có tin, bài, chùm ảnh, video nào có một bức ảnh bản đồ chỉ dẫn đến các danh thắng. Đây là hạn chế cần được khắc phục. Một bức ảnh bản đồ chỉ dẫn đến một địa danh, một danh thắng sẽ giúp công chúng dễ dàng định vị và hình dung về các danh thắng đó hơn rất nhiều so với chữ viết.
Cùng viết về vẻ đẹp tự nhiên, nhưng mỗi báo lại khai thác ở các góc độ, khía cạnh khác nhau. Ngay cả khi viết về cùng một địa danh, thắng cảnh thì mỗi báo cũng tìm góc độ khai thác và cung cấp thông tin khác nhau. Chẳng hạn cùng viết về khu danh thắng Tam Đảo thì mỗi báo có một cách tiếp cận riêng.
Trên Báo điện tử Du lịch Việt Nam ngày 16/7/2018 có đăng bài “Nhiệt độ chỉ 18 độ C, Tam Đảo trở thành “thiên đường” trốn nắng tuyệt vời”. Tác giả bài viết đã nhấn mạnh về cảm giác tuyệt vời khi thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên tươi đẹp và không khí trong lành nơi đây: “Nằm cách Hà Nội chỉ khoảng 80km, Tam Đảo được mệnh danh là “Đà Lạt ở phía Bắc” nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm và cảnh sắc nên thơ, trữ tình. Một ngày ở Tam Đảo bạn có thể cảm nhận được trọn vẹn thời tiết trong 4 mùa. Buổi sáng ở Tam Đảo se se gió xuân, buổi trưa nóng ấm của mùa hè, buổi chiều lãng đãng của mùa thu và buổi tối trời se lạnh của mùa đông. Nhiệt độ trung bình ở đây vào bất kể mùa nào trong năm chỉ vào khoảng 18 độ C”.
Cũng viết về địa danh Tam Đảo, trên Báo Vnexpress đăng tải bài “Tam Đảo – nơi đất trời gặp gỡ” của tác giả Quỳnh Trang – Hương Chi ngày 22/11/2018. Hai tác giả đã giới thiệu tới độc giả những nét độc đáo, thú vị riêng có ở vùng đất Tam Đảo tươi đẹp. Theo đó, “Tam Đảo là nơi bạn có thể chiêm ngưỡng biển mây bồng bềnh, thưởng thức đồ ăn tươi ngon và khám phá nhiều điểm dừng chân lý thú”.
Báo điện tử Vĩnh Phúc cũng đăng tải nhiều bài viết về vẻ đẹp thiên nhiên của Tam Đảo. Trong đó, bài viết “Tam Đảo hấp dẫn khách du lịch” của tác giả Khánh Linh đăng ngày 22/4/2019 đã nhấn mạnh đến sự đổi thay của vùng đất nổi danh này: “Đặt chân đến vùng đất Tam Đảo, du khách không khỏi ngỡ ngàng về sự thay đổi của nơi từng được mệnh danh là "Đà Lạt ở phía Bắc". Tam Đảo giờ đây khoác trên mình diện mạo mới tươi đẹp hơn, trở thành địa điểm hấp dẫn, cuốn hút hàng triệu
lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, nghỉ dưỡng mỗi năm”…
Các bài viết trên các báo khảo sát thông tin về vẻ đẹp tự nhiên của du lịch Vĩnh Phúc đã cho thấy cùng viết về vùng đất Tam Đảo, những mỗi báo lại có góc độ tiếp cận và chuyển tải nội dung thông tin khác nhau.
Một điểm đáng chú ý nữa mà tác giả luận văn muốn đề cập đến là cùng với các bài viết ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên của Vĩnh Phúc thì trên các báo điện tử Trung ương và địa phương khảo sát cũng có bài viết về những tồn tại, bất cập, nhưng số lượng bài viết không nhiều. Trên Báo Vĩnh Phúc điện tử chỉ có 1 bài phản ánh và 1 tin viết về việc người dân vi phạm đất đai trên đất rừng Tam Đảo, ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên. Thiết nghĩ, các báo không nên chỉ viết bài ca ngợi mà còn phải có thêm bài viết về những hạn chế trong phát triển du lịch Vĩnh Phúc với tinh thần xây dựng trong thời gian tới.
Có thể nói rằng, trong các nội dung thông tin về du lịch Vĩnh Phúc trên báo điện tử Trung ương và địa phương thì các bài viết về vẻ đẹp tự nhiên đã thể hiện khá thành công những cảnh đẹp say đắm lòng người của Vĩnh Phúc đến bạn đọc.
Kết quả điều tra xã hội học của tác giả luận văn cho thấy, đa phần số ý kiến được hỏi cho rằng báo điện tử Trung ương và địa phương đã lột tả khá tốt vẻ đẹp tự nhiên của du lịch Vĩnh Phúc.
Bảng 2.7: Bảng số liệu đánh giá hiệu quả thông tin về vẻ đẹp tự nhiên của du lịch Vĩnh Phúc trên báo điện tử Trung ương và địa phương khảo sát
Tỉ lệ (%) | Số người | |
Rất tốt | 0 | 0 |
Tốt | 45,3 | 136 |
Khá tốt | 31,3 | 94 |
Bình thường | 20 | 60 |
Chưa được tốt | 3,4 | 10 |
Có thể bạn quan tâm!
- Vai Trò Của Du Lịch Vĩnh Phúc Đối Với Phát Triển Kt-Xh Địa Phương
- Tiêu Chí Đánh Giá Bài Viết Về Du Lịch Có Chất Lượng Trên Báo Điện Tử
- Khảo Sát Thực Trạng Vấn Đề Phát Triển Du Lịch Vĩnh Phúc Trên Báo Điện Tử Trung Ương Và Địa Phương
- Thông Tin Về Chính Sách Phát Triển Du Lịch Vĩnh Phúc
- Những Thành Công, Hạn Chế, Nguyên Nhân Thành Công, Hạn Chế Của Báo Điện Tử Trung Ương Và Địa Phương Khi Thông Tin Về Du Lịch Vĩnh Phúc
- Nguyên Nhân Dẫn Đến Hạn Chế Về Thông Tin Du Lịch Vĩnh Phúc Trên Báo Điện Tử Trung Ương Và Địa Phương
Xem toàn bộ 115 trang tài liệu này.
Nguồn: Cuộc điều tra của tác giả luận văn vào 1/2019.
Khi tiến hành phỏng vấn sâu, các lãnh đạo, nhà báo cũng có quan điểm cho rằng báo chí đã phản ảnh được vẻ đẹp tự nhiên của du lịch Vĩnh Phúc. Phóng viên Hương Chi, chuyên viết về du lịch của Báo Vnexpresskhẳng định: “Báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng đã có cái nhìn tổng quan về du lịch Vĩnh Phúc, phản ánh ở nhiều góc cạnh, thể hiện được giá trị đặc sắc, độc đáo của cảnh quan du lịch
Vĩnh Phúc, rất kỳ vĩ, nên thơ”.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thủy Chung, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo điện tử Vĩnh Phúc cho rằng: “Báo điện tử Vĩnh Phúc đã đăng tải khá nhiều tin, bài, chùm ảnh, video về du lịch của tỉnh. Trong đó, có nhiều bài viết phân tích, đánh giá, làm nổi bật những giá trị của danh lam thắng cảnh như: Tam Đảo, Flamingo Đại Lải, Đầm Vạc…”.
Như vậy, báo điện tử Trung ương và địa phương tuy chưa thể hiện một cách thực sự xuất sắc nhưng đã lột tả được cảnh đẹp tự nhiên của du lịch Vĩnh Phúc. Chủ đề này có số lượng bài viết nhiều nhất, thông tin khá đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu của công chúng.
2.2.2.2. Thông tin về văn hóa, ẩm thực của du lịch Vĩnh Phúc
Du lịch Vĩnh Phúc không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên núi non hùng vĩ, đáy nước in trời như chốn bồng lai tiên cảnh khiến lòng người say đắm, mà còn có các giá trị văn hóa và ẩm thực rất có sức hút.
Khi tiến hành khảo sát tin, bài, chùm ảnh, video trên 3 cơ quan báo chí điện tử Trung ương và địa phương, tác giả luận văn thống kê có đến 36/146 tin, bài, chùm ảnh, video có nội dung thông tin về văn hóa, ẩm thực của Vĩnh Phúc (chiếm 24,7% tổng số tin, bài, chùm ảnh, video về du lịch Vĩnh Phúc). Đây là nội dung có số lượng tin, bài, chùm ảnh, video đứng thứ hai, sau nội dung về vẻ đẹp tự nhiên của Vĩnh Phúc.
Về thể loại báo chí viết về văn hóa và ẩm thực thì Báo Vĩnh Phúc điện tử có số lượng tin nhiều hơn (6 tin), so với các báo Trung ương (2 tin). Trong khi đó, về thể loại bài, chùm ảnh thì báo điện tử Trung ương có số lượng bài, chùm ảnh tương đương so với Báo điện tử Vĩnh Phúc (14 bài, chùm ảnh).
Về khía cạnh chỉ dẫn du lịch đối với các bài viết về văn hóa và ẩm thực thì các báo đã phần nào đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, mức độ còn hạn chế.
Ví như, trên Báo điện tử Vĩnh Phúc ngày 11/9/2018 có đăng bài viết: “Nơi lưu giữ truyền thống ẩm thực của địa phương” của tác giả Minh Thu. Trong bài viết tác giả giới thiệu: “Ai từng đi qua vùng đất Hợp Thịnh (Tam Dương), được nếm thử món bánh hòn đặc sản nơi đây, chắc khó có thể quên được hương vị và sự thơm ngon của nó”... Rõ ràng là bài viết chỉ thông tin chỉ dẫn chung chung là ở xã Hợp
Thịnh, còn nếu người đọc muốn thưởng thức hương vị món bánh hòn hay muốn mua làm quà biếu sẽ không biết cụ thể mua ở đâu, mua như thế nào…
Khi viết về văn hóa, ẩm thực thì các báo khảo sát tập trung vào ba mảng đề tài chính, đó là: Lễ hội, làng nghề và các món ăn nổi tiếng ở Vĩnh Phúc.
Cùng thông tin về lĩnh vực văn hóa và ẩm thực, nhưng mỗi báo lại có trọng tâm thông tin khác nhau. Trong khi Báo Vnexpress ưu tiên thông tin về ẩm thực; Báo Du lịch Việt Nam ưu tiên thông tin về lễ hội thì Báo điện tử Vĩnh Phúc lại chú trọng thông tin về cả làng nghề và lễ hội.
Cụ thể, về Lễ hội Tây Thiên năm 2019, trên Báo Du lịch Việt Nam trong ngày 19/2/2019 đăng tải thông tin “Nhiều hoạt động tại Lễ hội Tây Thiên 2019”. Tiếp đó, ngày 21/3/2019, Báo Du lịch Việt Nam lại đăng tải tiếp thông tin “Khai mạc Lễ hội Tây Thiên” của tác giả Nguyễn Hường. Có thể thấy, dù thông tin về cùng một sự kiện (Lễ hội Tây Thiên) và trong khoảng thời gian khá gần nhau (1 tháng), Báo Du lịch Việt Nam vẫn ưu tiên thông tin khá đầy đủ về Lễ hội Tây Thiên đến đông đảo bạn đọc.
Còn trên Báo điện tử Vĩnh Phúc, bạn đọc có thể tìm thấy rất nhiều tin, bài, chùm ảnh, video thông tin về các làng nghề truyền thống của địa phương. Ví như: “Về làng nghề hoa, cây cảnh Triệu Đề” của tác giả Hồng Tính đăng tải trên báo ngày 11/9/2018; “Vĩnh Sơn phát triển làng nghề gắn với du lịch” của tác giả Nguyễn Hường ngày 1/3/2019 hay “Nỗi niềm người dân làng nghề An Tường” của tác giả Thanh Tuyền ngày 14/6/2019…
Đánh giá về hiệu quả thông tin lĩnh vực văn hóa, ẩm thực trên báo điện tử Trung ương và địa phương, có đến 64,6% ý kiến được hỏi cho là tốt và khá tốt.
Bảng 2.8: Bảng số liệu đánh giá hiệu quả thông tin về văn hóa, ẩm thực của du lịch Vĩnh Phúc trên báo điện tử Trung ương và địa phương khảo sát
Tỉ lệ (%) | Số người | |
Rất tốt | 3,1 | 9 |
Tốt | 29 | 87 |
Khá tốt | 35,6 | 107 |
Bình thường | 19,4 | 58 |
Chưa được tốt | 12,9 | 39 |
Nguồn: Cuộc điều tra của tác giả luận văn vào 1/2019.
Trả lời tác giả luận văn về hiệu quả thông tin về văn hóa, ẩm thực của du lịch Vĩnh Phúc trên báo điện tử Trung ương và địa phương, ông Nguyễn Thủy Chung, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo điện tử Vĩnh Phúc đưa ra quan điểm: “Khá tốt về thông tin nhưng chưa đa dạng hình thức thể hiện”.
Còn nhà báo Nguyễn Nam, chuyên viết chuyên mục Du lịch của Báo Vnexpress khẳng định: “Báo chí đã phản ánh, giới thiệu, quảng bá rõ nét về giá trị văn hóa, ẩm thực của Vĩnh Phúc”.
Từ các cuộc phỏng vấn sâu, điều tra xã hội học và phân tích các bài viết, tác giả luận văn có thể đưa ra nhận định rằng, báo điện tử Trung ương và địa phương khi thông tin về văn hóa, ẩm thực của du lịch Vĩnh Phúc ở mức độ khá hiệu quả. So với với hiệu quả thông tin về vẻ đẹp tự nhiên của du lịch Vĩnh Phúc thì thấp hơn.
2.2.2.3. Thông tin về cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ du lịch Vĩnh Phúc
Thông tin về cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ du lịch Vĩnh Phúc trên các tờ báo khảo sát ít hơn so với thông tin về vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa, ẩm thực. Tất cả có 26/146 tin, bài, chùm ảnh, video khảo sát trong 1 năm, chiếm 17,8% tổng số tin, bài, chùm ảnh, video viết về du lịch Vĩnh Phúc.
Bảng 2.9: Bảng số liệu tin, bài, chùm ảnh, video thông tin về cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ du lịch Vĩnh Phúc trên các báo khảo sát
Tin | Bài | Chùm ảnh | Video | |
Báo Vnexpress | 2 | 0 | 0 | 0 |
Báo Du lịch Việt Nam | 1 | 1 | 0 | 0 |
Báo điện tử Vĩnh Phúc | 9 | 13 | 0 | 0 |
Nguồn: Khảo sát của tác giả luận văn.
Điểm khác biệt ở lĩnh vực thông tin này so với lĩnh vực vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa và ẩm thực là số tin nhiều hơn. Có 12/37 tin, chiếm 32,4% tổng số tin viết về du lịch Vĩnh Phúc. Đây là lĩnh vực có số lượng tin nhiều nhất.
Cùng viết về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phục vụ du lịch, nhưng qua khảo sát trên báo điện tử Trung ương và Báo điện tử Vĩnh Phúc có sự khác nhau về góc độ tiếp cận. Trong khi báo điện tử Trung ương tập trung khai thác các khu nghỉ dưỡng cao cấp thì Báo điện tử Vĩnh Phúc bên cạnh thông tin về các khách sạn hạng sang còn đưa tin về các khu lưu trú, nhà hàng và nhân lực ngành du lịch của tỉnh.