Vấn đề phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và ý nghĩa tham khảo đối với Việt Nam - 2


7. Kết cấu của luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án gồm 4 chương, 10 tiết.


Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN‌


1.1. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN LÝ LUẬN PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN

1.1.1. Những công trình nghiên cứu liên quan đến lý luận của chủ nghĩa Mác về phát triển con người toàn diện

Công trình nghiên cứu xuất bản bằng tiếng Việt:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.

Ở Việt Nam, quan điểm triết học Mác về phát triển con người toàn diện được các nhà nghiên cứu quan tâm, đặc biệt từ khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Vấn đề phát triển con người toàn diện được các tác giả nghiên cứu và luận giải từ nhiều bình diện khác nhau cả về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, tiêu biểu có thể kể đến các công trình như sau:

Cuốn sách Tư tưởng triết học về con người do tác giả Vũ Minh Tâm chủ biên (Nxb. Giáo dục, 1996) là công tình nghiên cứu công phu, có hệ thống về vấn đề con người từ góc độ lịch sử tư tưởng triết học. Trên cơ sở luận giải các quan điểm về con người của những nhà triết học tiêu biểu của các trường phái, các nền triết học trong lịch sử, các tác giả khẳng định mục đích cao nhất của triết học Mác - Lênin là khắc phục sự tha hóa con người, giải phóng và phát triển con người, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về con người thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, khoa học và cách mạng triệt để.

Vấn đề phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và ý nghĩa tham khảo đối với Việt Nam - 2

Trong cuốn Triết học Mác - Lênin về con người và việc xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Nxb. Chính trị quốc gia, 2001), tác giả Vũ Thiện Vương khẳng định: trên cơ sở tiếp thu và phát triển những tư tưởng của các nhà triết học trong lịch sử, Mác đã đưa ra những quan điểm đúng đắn và khoa học về bản chất con người; theo đó, con người không chỉ là sản phẩm của những hoàn cảnh xã hội nhất định mà con người là chủ thể sáng tạo ra lịch sử của chính mình, con người thể hiện ra là giá trị sản sinh ra mọi giá trị, là thước đo


của mọi giá trị. Ngoài ra, tác giả cho rằng việc giải phóng con người mà nhân loại phải hướng tới là sự giải quyết mâu thuẫn giữa con người với tự nhiên và giữa con người với con người.

Trong cuốn Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người” (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2001), tác giả Trần Đức Thảo đã phê phán mạnh mẽ quan điểm của phái Althusser (phái “lý luận không có con người”) cho rằng chỉ có con người cá nhân, con người giai cấp, chứ không có con người với tư cách con người theo nghĩa cơ bản chung của loài người, không có con người xã hội, phủ định bản chất xã hội của con người, phủ định vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Từ đó tác giả phân tích và làm sáng tỏ quan điểm của Mác: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” [17, tr.11], đồng thời nhấn mạnh, con người trong mọi thời đại đều đóng vai trò là chủ thể của lịch sử, và khẳng định chỉ có trong chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, khi con người thực sự là chủ thể thì mới giải quyết được mâu thuẫn giữa giá trị thặng dư ngày càng cao với tình trạng khốn cùng của quần chúng nhân dân ngày càng lớn.

Cuốn Con người và phát triển con người trong quan niệm của Mác và Ph.Ăng-ghen (Nxb. Chính trị quốc gia, 2003) của tác giả Hồ Sỹ Quý là một sản phẩm của Đề tài KX.05.01 thuộc chương trình khoa học - công nghệ cấp nhà nước giai đoạn 2001 - 2005. Ở phần 1 của cuốn sách này, tác giả đã tập trung hệ thống hóa một cách chi tiết và đầy đủ những tư tưởng của Mác và Ph.Ăng-ghen về vấn đề con người, bản chất con người, phát triển con người, đồng thời định hướng khai thác các di sản kinh điển thông qua cách nhìn của thời đại ngày nay. Ở phần 2, tác giả phân tích một số vấn đề phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu con người. Tác giả đã chỉ ra những phương hướng chủ yếu trong nghiên cứu con người trên các phương diện về phát triển con người, về nguồn lực con người, về quan hệ văn hoá và con người, về quan hệ con người và môi sinh, về nhân cách và giá trị…; trong đó đặt ra yêu cầu cần phải có sự nghiên cứu phức hợp - liên ngành và có kế hoạch lâu dài trong nghiên cứu về con người khi đó mới có khả năng nghiên


cứu con người một cách đúng đắn, toàn diện và sâu sắc hơn.

Tác giả Cao Thu Hằng trong nghiên cứu “Quan niệm của Mác và Ăng-ghen về con người, giải phóng con người trong Hệ tư tưởng Đức và sự vận dụng của Đảng ta”, Tạp chí Triết học (2006) đã luận giải quan điểm của Mác và Ăng-ghen về con người hiện thực và hoạt động của nó với tư cách đối tượng của sự suy tư triết học về con người; đồng thời làm rò đánh giá của các ông về những sai lầm của Hêghen và L.Phoiơbắc khi nghiên cứu vấn đề con người. Từ đó, tác giả phân tích quan điểm của Mác và Ăng-ghen về giải phóng con người, về con đường, phương tiện và những tiền đề vật chất cần thiết cho giải phóng con người.

Trong cuốn sách Con người và phát triển con người (Nxb. Giáo dục, 2007), tác giả Hồ Sỹ Quý đã nghiên cứu để chỉ rò, theo quan điểm của Mác, ngay cả khi nghiên cứu những đối tượng hoàn toàn tách rời con người thì khoa học tự nhiên cũng vẫn là khoa học của con người, cho con người, còn khoa học về con người, cho dù nghiên cứu những đối tượng thuần túy xã hội, cũng vẫn không thể thoát ly khỏi các quy luật tự nhiên và bản tính tự nhiên của con người. Điều đó có nghĩa, lợi ích và nhu cầu của con người luôn luôn là mục đích mà khoa học trực tiếp hướng đến.

Bài viết “Một số vấn đề về con người trong quan niệm của C.Mác và Ph.Ăng- ghen dưới ánh sáng của khoa học hiện đại trong” cuốn Triết học với đổi mới và đổi mới nghiên cứu giảng dạy triết học (Nxb. Chính trị quốc gia, 2007), Nguyễn Trọng Chuẩn đã phân tích những quan niệm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về nghiên cứu con người trong mối quan hệ giữa các thành tựu của các ngành khoa học như tâm lý học, khảo cổ học, xã hội học, nhân chủng học, sinh học,... từ đó làm sâu sắc thêm về nguồn gốc, bản chất con người.

Trong bài viết “Vấn đề con người trong học thuyết Mác và phương hướng, giải pháp phát triển con người cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam hiện nay” đăng tải trên Tạp chí Triết học (số 8, 2008), tác giả Hoàng Đình Cúc đã khẳng định học thuyết Mác về con người được dựa trên cơ sở làm rò quan niệm về “cơ sở hiện thực” cho sự tồn tại của con người với tư cách thực


thể sinh học - xã hội, về lao động với tư cách điều kiện quyết định của sự hình thành con người, về sự thống nhất biện chứng giữa yếu tố sinh học và yếu tố xã hội trong con người, về mối liên hệ giữa cá nhân và xã hội và về sự giải phóng con người, giải phóng xã hội; đặc biệt tác giả nhấn mạnh mối quan hệ giữa giải phóng xã hội và giải phóng cá nhân, đó là: Con người tự giải phóng cho mình và qua đó, giải phóng xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Trong bài viết “C.Mác và sự nghiệp giải phóng con người trong thời đại ngày nay” đăng trên Tạp chí Triết học (số 5, 2008), tác giả Vũ Quang Tạo đã nêu ra và khẳng định bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết Mác về giải phóng con người. Tác giả dẫn quan điểm của Mác cho rằng để giải phóng con người, cần phải xoá bỏ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa; đồng thời khẳng định chủ nghĩa cộng sản chính là sự phủ định một cách tất yếu, tự nhiên mà lịch sử xã hội loài người dành cho chế độ tư hữu và cũng là một bước tiến lớn của lịch sử trong sự nghiệp giải phóng con người.

Trong bài viết “Quan điểm về phát triển con người toàn diện ở Việt Nam” đăng trên tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (số 5 - 2016), tác giả Trần Thị Minh Ngọc phân tích quan điểm của các nhà sáng lập triết học Mác về phát triển con người toàn diện, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của phát triển sản xuất đối với phát triển con người. Ngoài ra, tác giả cũng khẳng định thực chất của sự phát triển xã hội loài người theo triết học Mác là một quá trình mà nhân loại tạo ra những điều kiện, những khả năng cho chính mình nhằm đem lại sự phát triển toàn diện, tự do và hài hòa cho mỗi người trong cộng đồng nhân loại, tạo cho con người năng lực làm chủ tiến trình lịch sử của chính mình.

Trên cơ sở phân tích quan điểm của Mác về bản chất con người, tác giả Đặng Hữu Toàn trong bài viết “Học thuyết về con người, giải phóng và phát triển con người

- một giá trị làm nên sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 16/6/2018), đã phân tích quan điểm triết học Mác về vị thế chủ thể, vai trò sáng tạo lịch sử của con người, theo đó, con người vừa là chủ thế, vừa là đối tượng của tiến trình phát triển lịch sử, con người làm nên lịch sử của chính


mình và do vậy, lịch sử là lịch sử của con người, do con người và vì con người.

Bài viết “Tư tưởng Các Mác về con người, giải phóng con người và phát triển con người toàn diện ở Việt Nam”, Tạp chí Tuyên giáo, bản điện tử (ngày 04/5/2018) của tác giả Văn Thị Thanh Mai, Đinh Quang Thành đã khẳng định lại tư tưởng của Mác về con người với những nội dung chính là: Con người là một thực thể tự nhiên - xã hội, tồn tại và phát triển trong sự gắn bó hữu cơ với giới tự nhiên và xã hội loài người, con người là chủ thể giữ vai trò quyết định đối với sự vận động, phát triển của thế giới và của chính mình; lao động quyết định sự hình thành con người, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là thước đo năng lực thực tiễn của con người và xã hội. Từ nghiên cứu về con người và bản chất con người, các tác giả nêu tư tưởng giải phóng con người của Mác, đó là: việc xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất chủ yếu là để cứu lấy con người, giải phóng con người, và lực lượng xã hội có sứ mệnh lịch sử thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng nhân loại ấy chính là giai cấp vô sản.

Ngoài ra, những công trình sau đây cũng góp phần gợi mở cho tác giả rất nhiều trong quá trình nghiên cứu đề tài luận án: Loạt công trình của tác giả Hồ Sỹ Quý như “Phát triển con người: Những điều cần làm rò”, Tạp chí Cộng sản, số 10/2000, “Mấy tư tưởng lớn về con người trong ‘Bản thảo kinh tế triết học năm 1844’”, Tạp chí Triết học (số 6, 2003), “Con người là trung tâm: Sự khác biệt giữa hai quan điểm tiêu biểu”, Tạp chí Triết học (số 8, 2014); loạt công trình của tác giả Nguyễn Minh Hoàn như “Quan điểm của chủ nghĩa Mác về công bằng xã hội với tư cách thước đo trình độ giải phóng con người”, Tạp chí Triết học (số 5, 2007), “Quan điểm triết học Mác về con người và việc xóa bỏ sự tha hóa con người”, Tạp chí Lý luận chính trị (số 4, 2008), “Quan điểm triết học Mác về sự tha hóa con người - cơ sở lý luận cho việc nhận thức về phát triển con người thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Tạp chí Triết học (số 1, 2018), “Quan điểm của triết học Mác về vai trò của quan hệ giữa kinh tế với chính trị đối với sự phát triển toàn diện và tự do của con người”, Tạp chí Triết học (số 10, 2018)…

Công trình nghiên cứu xuất bản bằng tiếng nước ngoài:


Từ thập niên 50 của thế kỷ XX, học thuyết phát triển con người toàn diện của chủ nghĩa Mác đã trở thành cơ sở lý luận và nội dung căn bản của phương châm giáo dục ở Trung Quốc. Song do ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng “cực tả” và “Cách mạng văn hóa”, trong thập niên 60-70 của thế kỷ XX, nghiên cứu về vấn đề phát triển con người toàn diện bị gián đoạn. Sau Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (1978), Trung Quốc bước vào thời kỳ cải cách mở cửa và xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, vấn đề con người và phát triển con người đã nhận được sự quan tâm của cả giới lãnh đạo, giới nghiên cứu lý luận và người dân bình thường. Nghiên cứu về tư tưởng phát triển con người toàn diện ngày càng đa dạng và sâu sắc hơn cùng với sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

Đến thập niên 80 của thế kỷ XX, vấn đề con người và nghiên cứu về phát triển con người toàn diện trở thành vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của đông đảo giới học thuật. Với nguyên tắc “thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý” của Mác, các học giả Trung Quốc tập trung làm rò nhân tính và giá trị con người, chú trọng đến sự phát triển toàn diện. Nghiên cứu đáng chú ý nhất ở thời kỳ này là bài viết “Tổng quan về quan điểm phát triển con người toàn diện

của Mác” (马克思的人的全面发展观概览) đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội

Trung Quốc (số 3 năm 1983) của tác giả Ding Xueliang (丁学良). Tác giả đã dựa vào những trình bày của Mác về đặc trưng phương thức phát triển của ba hình thái xã hội lớn để phác họa ra “phát triển con người toàn diện” từ góc độ triết học; luận chứng học thuyết chủ nghĩa Mác về phát triển con người toàn diện không chỉ là một nguyên lý giáo dục, mà còn là một nguyên lý triết học chứa đựng bên trong tinh hoa tư tưởng chủ nghĩa Mác và bao trùm mọi phương diện của hoạt động xã hội. Bài nghiên cứu đồng thời cũng bàn đến ý nghĩa phê phán đối với văn minh chủ nghĩa tư bản đương đại của quan điểm phát triển con người toàn diện và ý nghĩa chỉ đạo đối với sự nghiệp xây dựng văn minh mới chủ nghĩa xã hội - chủ nghĩa cộng sản.

Đến thập niên 90 của thế kỷ XX, những nghiên cứu về phát triển con người


toàn diện có bước tiến triển trên cơ sở tiếp nối những nghiên cứu của giới học giả ở thập niên 80. Nội dung nghiên cứu chủ yếu tập trung vào mối quan hệ giữa phát triển con người toàn diện với giáo dục (bao gồm giáo dục đạo đức, giáo dục tố chất, giáo dục mỹ thuật, giáo dục thể chất v.v…). Tác phẩm tiêu biểu nhất ở giai

đoạn này là cuốn Tư tưởng nhân học của chủ nghĩa Mác (马克思的人学思想)

(Nxb. Đại học Sư phạm Bắc Kinh, 1996) và Bàn về tố chất con người (人的素质论)(Nxb. Thanh niên Trung Quốc, 1993) của tác giả Yuan Guiren (袁贵仁). Cuốn

Tư tưởng nhân học của chủ nghĩa Mác chủ yếu khảo sát lịch sử, còn cuốn Bàn về tố chất con người lại tập trung nghiên cứu con người hiện thực. Hai cuốn sách nhận định lý thuyết nhân học là bộ phận cấu thành quan trọng của triết học Mác, tố chất của con người là điểm mấu chốt để nghiên cứu vấn đề “con người hiện thực”, là điểm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn.

Bước sang thế kỷ XXI, nghiên cứu về phát triển con người toàn diện đã trở thành cao trào. Trong bài phát biểu kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2001), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã 8 lần đề cập đến khái niệm “phát triển con người toàn diện”, lấy “phát triển con người toàn diện” làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt để trình bày một cách toàn diện vấn đề con đường cơ bản và nhiệm vụ lịch sử của Đảng. Đặc biệt ở phần thứ tư của bài phát biểu đã chỉ ra đường lối cơ bản và nhiệm vụ lịch sử của phát triển con người toàn diện, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nghiên cứu vấn đề phát triển con người toàn diện, từ đó rất nhiều học giả Trung Quốc nghiên cứu về vấn đề này. Hai tác phẩm tiêu biểu nhất ở thời kỳ này là Bàn về phát triển con

người toàn diện (论人的全面发展) (Nxb. Nhân dân Quảng Tây, 2003) của hai tác

giả Yuan Guiren, Han Qingxiang (袁贵仁,韩庆祥), và Con đường do Mác mở ra - Nghiên cứu về phát triển con người toàn diện (马克思开辟的道路——人的全面发展研究) (Nxb. Nhân dân, 2005) của các tác giả Han Qingxiang, Kang Anyi

(韩庆祥,亢安毅). Cuốn Bàn về phát triển con người toàn diện trình bày một cách sâu sắc và toàn diện về vấn đề phát triển con người toàn diện trên bốn phương

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022