Cảm Quan Phái Tính Và Nữ Quyền Trong Văn Học Việt Nam Trung Đại

Là người tạo ra của cải vật chất nhưng người phụ nữ trong xã hội xưa lại không được thừa hưởng thành quả lao động của mình: “Cô kia cắt cỏ đồng màu/ Chăn trâu cho béo, làm giàu cho cha/ Giàu thì chia bảy chia ba/ Phận cô là gái được là bao nhiêu”.

Là người kiến tạo đời sống tinh thần, là chỗ dựa cho gia đình và con cái sau này, nhưng hủ tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” khiến người con gái xưa khi bước vào hôn nhân lại không có quyền lựa chọn hôn phu, không được phép tự định đoạt hạnh phúc: “Con vua lấy thằng bán than/ Nó dắt lên ngàn cũng phải đi theo. Mẹ em tham gạo tham gà/ Bắt em để bán cho nhà cao sang. Mẹ em tham thúng xôi rền/ Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng. Em đã bảo mẹ rằng đừng/ Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào. Bây giờ chồng thấp vợ cao/ Như đôi đũa lệch so sao cho bằng”. Mặc dù những giá trị vật chất không được công nhận, những giá trị tinh thần không được đề cao, nhưng người phụ nữ xưa sau khi lập gia đình vẫn một lòng hiếu thuận, hy sinh vì chồng, vì con. Dường như, trong cái xã hội nam quyền, đầy tính gia trưởng ấy, người phụ nữ chỉ biết thực hiện nghĩa vụ và chấp nhận số phận: “Có con phải khổ vì con/ Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng. Có chồng phải lụy cùng chồng/ Đắng cay phải chịu, mặn nồng phải theo. Vì chàng thiếp phải mò cua/ Những như thân thiếp thì mua mấy đồng. Vì chàng thiếp phải long đong/

Những như thân thiếp cũng xong một bề.

Những từ, cụm từ “vì”, “khổ”, “lụy”, “gánh”, “long đong”, “phải chịu”, “phải theo” dường như xuất hiện khá phổ biến trong ca dao. Người phụ nữ xưa dường như chỉ nhận về mình những đắng cay, nhọc nhằn mà không một lời oán thán chồng con, cha mẹ. Những câu ca dao nói về sự khổ đau của người phụ nữ luôn gắn liền với sự hy sinh thầm lặng nhưng vĩ đại. Hơn thế, với tư tưởng phụ quyền, đa thê nên người đàn ông vốn dĩ đa tình thường “năm thê, bảy thiếp”. Nước mắt người vợ bị phụ tình lại chất chứa qua những lời than đắng cay: “Ngày nào anh iibủng anh beo/ Tay cất chén thuốc, tay đèo múi chanh/ Bây giờ anh khỏi anh lành/

Anh mê nhan sắc anh tình phụ tôi. Gió đưa bụi chuối sau hè/ Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.

Nước mắt người vợ cả bị phụ tình thật đáng cảm thương, nhưng người vợ lẽ cũng ở vào cảnh trớ trêu hơn thế: “Lấy chồng làm lẽ khổ thay/ Đi cấy, đi cày chị chẳng kể công/ Tối tối chị giữ mất chồng/ Chị cho manh chiếu, nằm không chuồng bò/ Mong chồng, chồng chẳng xuống cho/ Đến khi chồng xuống, gà o o gáy dồn”.

Trút những nhọc nhằn, cay đắng ấy vào ca dao, người phụ nữ đã đong đầy vào những lời ca dao cảm quan về phái tính, về thân phận.

Bên cạnh cảm quan thân phận mang đặc thù của tính nữ đó, người phụ nữ xưa đã mơ hồ nhận ra sự bất bình đẳng nam nữ trước sự tồn tại, sự sống. Ca dao mới là tiếng nói phản kháng lại quan niệm đạo đức đã trói chặt người phụ nữ trong luân lý, tam tòng: “Không chồng mà chửa mới ngoan/ Có chồng mà chửa thế gian sự thường. Chữ “trinh” đáng giá ngàn vàng/ Từ anh chồng cũ đến chàng là năm. Vắng sao Hôm có sao mai/ Vắng chàng thiếp đã có trai trong nhà. Chơi cho thủng trống long bồng/ Rồi ra ta sẽ lấy chồng lập nghiêm”.

Với ca dao mới, mặc dù lời ca được cất lên có chút chua ngoa, bông đùa, nhưng dường như ý thức giải phóng tính dục đã dậy sóng trong tâm thức người phụ nữ.

2.3. Cảm quan phái tính và nữ quyền trong văn học Việt Nam trung đại

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 173 trang tài liệu này.

Như chúng tôi đã nhận định ở trên, từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX, ở Việt Nam, Nho giáo vẫn giữ vai trò là hệ tư tưởng thống trị. Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX là nguồn tư liệu quý giá cho chúng tôi suy nghĩ về vấn đề nữ quyền và ảnh hưởng của Nho giáo đến vấn đề này. Trong khuôn khổ một xã hội Nho giáo nam quyền, thực tế sáng tác văn học giai đoạn này đã cho thấy vấn đề phái tính và nữ quyền như những tiếng trống được gióng lên làm xã hội phong kiến lay chuyển, mất đi cái uy quyền tưởng như bất di bất dịch của nó.

2.3.1. “Chuyện người con gái Nam Xương” và người phụ nữ với nỗi buồn nhân thế

Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu - 6

Có lẽ, với một “thiên cổ kỳ bút” như “Chuyện người con gái Nam Xương” trong tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI) thì chúng tôi không thể không nhắc đến khi đưa ra những vấn đề về phái tính và nữ quyền, về thân phận người phụ nữ trong văn học Việt Nam Trung đại.

Vũ nương vốn là nhân vật nữ được Nguyễn Dữ xây dựng với tất cả tấm lòng yêu thương. Nàng là hiện thân của người con gái nề nếp gia phong theo đúng nghĩa với đủ cả công, dung, ngôn, hạnh. Gần ba năm chồng tham gia chiến trận là gần ba năm nàng “gìn lòng giữ tiết” chung thủy chờ chồng, nuôi con, phụng dưỡng hiếu nghĩa với mẹ chồng hết mực. Một người phụ nữ “chuẩn mực”, theo “lề thói” như Vũ Nương lẽ ra phải được hạnh phúc. Thế nhưng, nàng lại bất hạnh và nỗi bất hạnh của nàng lại đến từ những điều tưởng như không thể đến. Hạnh phúc thật mong manh, mong manh đến nỗi chính Vũ nương cũng chẳng thể nghĩ tới, chẳng thể tưởng tượng nổi. Có thể nói, câu chuyện gia đình bất hạnh của Vũ nương sau này được rất nhiều người “mổ xẻ” để tìm ra nguyên nhân. Quả thật, “những gia đình hạnh phúc thì hạnh phúc giống nhau, còn những gia đình bất hạnh thì mỗi gia đình bất hạnh một kiểu”. Có rất nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ Vũ nương bất hạnh là do chiến tranh bởi chiến tranh đã khiến nàng phải xa Trương Sinh và mọi chuyện mới bắt đầu từ đó. Và rồi, người ta đi đến kết luận rằng Nguyễn Dữ đã tố cáo xã hội phong kiến bởi đã đẩy một người con gái tuổi vừa đôi tám như nàng Vũ nương đến chỗ phải gieo mình tự tử. Nhìn lại những dòng chữ hiển hiện trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, chúng tôi cũng không biết Nguyễn Dữ có hàm ý tố cáo xã hội phong kiến hay không, nhưng việc nhà văn chỉ trích lòng ghen tuông mù quáng và thói gia trưởng của Trương Sinh thì quá rõ ràng. “Trong gia đình, chủ quyền ở trong tay gia trưởng thì đàn bà tất là không có quyền gì cả. Khổng giáo chủ trương nam tôn nữ ti, trọng nam khinh nữ, lại vun đắp thêm quyền uy của gia trưởng mà đè nén địa vị của đàn bà” [2, tr.109]. Đã là vợ chồng đầu gối tay ấp, vậy mà Trương

Sinh lại nghi ngờ vợ, không cho nàng lấy cả một cơ hội thanh minh. Có lẽ, thói gia trưởng phong kiến đã ngấm sâu vào đầu óc của chàng Trương và làm chàng mất hết lý trí. Mượn yếu tố thần thánh của truyền kỳ, Nguyễn Dữ đã để Vũ nương được vợ của Nam Hải Long Vương cứu sống. Tuy vậy, Vũ nương vẫn không thể quay lại trần gian sống với chồng con được dù nỗi oan đã được hóa giải. Có lẽ, một người như chàng Trương thì không đáng được hưởng hạnh phúc và không đáng được một người vợ “đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng” như nàng Vũ nương yêu thương. Hành động nhảy xuống sông tự vẫn của Vũ nương khiến người ta liên tưởng đến hành động tự vẫn của nàng Kiều xuống sông Tiền Đường sau này. Tuy vậy, nỗi bất hạnh của nàng Kiều còn có những nguyên nhân cụ thể liên quan đến những kẻ “ăn trên ngồi trốc”, đại diện cho xã hội phong kiến như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến,… Còn nỗi bất hạnh của Vũ nương thì lại nằm ở ngay “cái bóng” của mình, ở ngay lòng tin giữa những người thân yêu nhất. Nhưng tại sao nàng Vũ nương phải chết? Nàng chết bởi không thể chịu đựng được lòng ghen tuông và những lời lăng mạ của chàng Trương? Hay cái chết của Vũ nương xuất phát từ chính những ẩn ức của nàng về nỗi ô nhục bởi hai chữ “tiết hạnh” bị nghi ngờ mà không có cách gì minh oan, tẩy rửa được? Và nếu vậy thì những người phụ nữ xưa, tự họ đã đeo vào cổ mình “cái tròng” của lễ giáo phong kiến hà khắc, oan nghiệt.

“Chuyện người con gái Nam Xương” khép lại thật ảm đạm dù đoạn kết có thể làm hài lòng một số độc giả. Dù vậy, những câu nói cuối cùng của Vũ nương dành cho chồng cũng chỉ bay là là trên mặt nước và rồi sẽ lại biến mất theo nàng. Ý thức phái tính và nữ quyền không thể chỉ dừng ở đó.

2.3.2. Cảm quan tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương

Vào giữa thế kỷ XX, khi hai nhà nữ quyền nổi tiếng là Vigrinia Woolf (Mỹ) và Hèlène Cixous (Pháp) lên tiếng cổ vũ cho cuộc đấu tranh nữ quyền bằng cách kêu gọi những người phụ nữ hãy cầm bút viết văn và viết về chính những người phụ nữ để đưa những người phụ nữ bị xa cách, bị quên lãng, bị đứng ngoài rìa văn

học trở lại với văn chương, thì ở Việt Nam trước đó hàng trăm năm, đã có một nữ sĩ họ Hồ từng cầm bút vì tiếng nói của phụ nữ. Ở đây, chúng tôi không có ý so sánh hay hàm chỉ việc Hồ Xuân Hương đã làm một bước “đi trước” so với phong trào nữ quyền thế giới mà chỉ muốn nhấn mạnh đến sự gặp gỡ của những người đấu tranh cho phái tính và nữ quyền là cách thức và hành động của họ. Họ muốn dùng ngòi bút của mình để viết về chính mình và viết về những điều mình trải nghiệm trong cuộc sống.

Trong bối cảnh xã hội nam quyền, nơi người phụ nữ vẫn luôn được răn dạy phải sống theo lễ giáo, phải biết cam chịu thân phận thì tiếng nói của một nhà thơ nữ như Hồ Xuân Hương đề cập đến quyền sống phụ nữ dưới góc độ đời sống bản năng thực sự là một tiếng nói mới, có ý nghĩa bênh vực nữ quyền sâu sắc.

Hồ Xuân Hương (chưa rõ năm, tháng sinh, mất trước năm 1842) là một nhà thơ đã tạo ra bước đột phá trong văn học, khẳng định bước tiến và là người đặt nền móng cho chủ nghĩa nữ quyền trong văn học Việt Nam. Trải qua 18 thế kỷ với 26 người phụ nữ làm thơ (theo thống kê của cuốn Nữ sĩ Việt Nam [18]) thì Hồ Xuân Hương được coi là một nhà thơ nữ với phong cách thơ đặc biệt ấn tượng và độc đáo.

Phong cách thơ của nữ sĩ họ Hồ ấn tượng và độc đáo không chỉ bởi nội dung phản kháng, chống lại chế độ đa thê, chống lại chế độ xã hội trọng nam khinh nữ một cách quyết liệt mà ngôn ngữ thơ còn mang nhiều ẩn dụ tính dục khiến người đương thời chắc hẳn phải chớp mắt nhiều lần mới dám tin mình đang cầm trên tay một tập thơ quá thực và mang đầy cảm quan tính dục. Hầu hết các bài thơ của Hồ Xuân Hương đều có ngụ ý tả cảnh làm tình, miêu tả những bộ phận nhạy cảm của cơ thể, nhất là cơ thể người phụ nữ. Bằng những câu thơ Nôm mầu nhiệm, dường như, nữ sĩ họ Hồ đã đánh lên một tiếng trống làm bừng tỉnh cơn mê ngủ của cả một lớp tài tử văn nhân Nho học lúc bấy giờ.

Có một thời gian dài, trên văn đàn Việt Nam, người ta đã tranh cãi về những yếu tố “dâm” và “tục” trong thơ Hồ Xuân Hương. Trong phần viết này, chúng tôi

không có ý bênh vực cho bất kỳ một quan điểm nào mà chỉ đưa ra quan điểm của mình về thơ văn của nữ sĩ họ Hồ liên quan đến những vấn đề về nữ quyền và phái tính, đến cảm quan tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương.

Là một người phụ nữ mà đường tình duyên không mấy suôn sẻ, lại sống trong một xã hội phong kiến ở vào giai đoạn thoái trào với những cảnh ăn chơi trác táng của đám người vốn được gọi là “quân tử”, thơ Hồ Xuân Hương có không ít bài mỉa mai đám vua chúa và quan lại thống trị hoặc trí thức nghênh ngáo đã bị thoái hóa đạo đức. Bài thơ Vịnh cái quạt là một bài thơ điển hình: “Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa/ Duyên em dính dáng tự bao giờ/ Chành ra ba góc, da còn thiếu/ Khép lại đôi bên, thịt vẫn thừa/ Mát mặt anh hùng khi tắt gió/ Che đầu quân tử lúc sa mưa...”.

Phải là một người tinh tế, có con mắt sắc sảo như Hồ Xuân Hương thì mới có được những vần thơ giàu tính biểu tượng đến thế. Dưới cái nhìn của nữ sĩ họ Hồ, những “anh hùng”, “quân tử”, “tài tử”, “văn nhân” – những mẫu hình mà Nho giáo luôn đề cao bỗng trở lên nhỏ bé trước người phụ nữ.

Đọc thơ Hồ Xuân Hương dưới cái nhìn nữ quyền luận, chúng tôi nhận thấy ở những hình ảnh thơ ẩn dụ tính dục của Bà có hai Hồ Xuân Hương hoàn toàn khác biệt: một Hồ Xuân Hương đấu tranh và một Hồ Xuân Hương khát khao tình ái. Ở phần viết này, chúng tôi chỉ xin đưa ra hai bài thơ tiêu biểu cho khát khao về bản năng tính dục của người phụ nữ trong xã hội phong kiến trong thơ của nữ sĩ.

Thiếu nữ ngủ ngày là một bài thơ thật đẹp, ngọt ngào: “ Mùa hè hây hẩy gió nồm đông/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng/ Lược trúc biếng cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long/ Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông...”. Hẳn nhiên, dưới con mắt Nho gia thì chuyện một thiếu nữ ngủ ngày một cách hớ hênh, bất cẩn như thế là một chuyện đáng bị phê phán. Tuy nhiên, dưới con mắt của nữ sĩ họ Hồ thì người phụ nữ trong giây phút “trễ nải” đó đã vô tình bộc lộ hết vẻ đẹp hình thể - vẻ đẹp đáng được trân trọng và ngợi ca. Và như thế, Hồ Xuân Hương không chỉ chống lại quan niệm “nam tôn nữ

ti” của Nho giáo mà còn công khai khẳng định ngợi ca một phương diện mà mỹ học phong kiến luôn né tránh là thân xác người phụ nữ. Chúng tôi cho rằng, ở phương diện này, nữ sĩ họ Hồ chính là người khởi đầu cho một lối viết về ngôn ngữ thân thể vốn rất phát triển trong văn học đương đại sau này.

Đánh đu cũng là một bài thơ phảng phất khao khát được ái ân: “ Bốn cọc khen ai khéo khéo trồng/ Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông/ Trai đu gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng/ Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/ Hai hàng chân ngọc duỗi song song”.

Nhưng hai câu kết bài thơ đột nhiên lắng xuống, đớn đau cho phận đàn bà: “Chơi xuân có biết xuân chăng tá/ Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không”.

Đánh đu dường như hàm chứa trong nó một thứ mỹ học của chính Hồ Xuân Hương – một thứ mỹ học vượt qua trần tục để thanh khiết hoá những hơi thở, những niềm say mê, khát khao yêu đương của chính cõi thế này. Sự tiếc nuối của nữ sĩ họ Hồ ở hai câu cuối trong bài thơ cũng chính là sự tiếc nuối cho sự phôi pha vẻ đẹp xuân thì. Dường như, Hồ Xuân Hương muốn khẳng định sức sống, sự “cường tráng” của khát khao tình yêu như “nhân lõi” của lực sống mà Freud đề cập đến sau này.

Có một điều mà chúng tôi muốn nhắc lại rằng, thơ Hồ Xuân Hương có quá nhiều hình ảnh ẩn dụ mang cảm quan dục tính. Hệ thống danh từ: nương long, đôi gò Bồng Đảo, lạch đào nguyên, con cò, cọc, lỗ, vỏ, múi, cầu trắng, nước trong, đôi mảnh, đầu non, hang, rêu, cỏ gà,… và hệ thống từ tượng hình: lún phún, đỏ loét, rậm rạp, lam nham, hỏm hòm hom, leo lẻo, toen hoẻn, phau phau,… gợi nhiều ẩn dụ tính dục bạo dạn, mạnh mẽ. Đặc biệt, khi hệ thống ngôn từ ấy được kết hợp một cách sống động, tài tình thì cảm quan tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương trở lên rõ nét nhưng lại vô cùng độc đáo. Có thể coi đó chính là “sự vận động song hành của các biểu tượng khác nhau chứa đựng trong một cấu trúc ngôn ngữ” [32, tr.97], thể hiện “tư duy thơ Hồ Xuân Hương đã thiên về vấn đề giải phóng cho phụ nữ, giải phóng cho giới tính” [32, tr.97].

Vào thời kỳ ấy, chắc chắn Hồ Xuân Hương chưa thể biết đến lý thuyết tính dục của Freud mà chỉ tiếp thu những nguồn lực trong ca dao, và với kinh nghiệm của mình, thể hiện cảm quan tính dục một cách quyết liệt hơn. Là một nhà thơ nữ với thân phận lẽ mọn, Hồ Xuân Hương đặc biệt chống đối kịch liệt chế độ đa thê của xã hội đương thời. Từ kinh nghiệm bản thân sau hai lần lập gia đình với Tổng Cóc và ông phủ Vĩnh Tường, Bà thấy rõ chế độ đa thê rất phổ biến trong xã hội phong kiến là một sự bất công của xã hội phụ quyền. Hồ Xuân Hương đưa vào thơ những lời ai oán: “Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng/ Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Năm thì mười họa hay chăng chớ/ Một tháng đôi lần có cũng không”

Thân phận làm lẽ đã vậy, thế còn những người phụ nữ góa bụa rơi vào cảnh “cán cân tạo hóa rơi đâu mất” khiến cho “cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không” thì sao? Tiếng thơ của nữ sĩ họ Hồ khiến người ta đau đáu. Cùng phận đàn bà, chỉ có những người đàn bà mới thấm thía điều người đàn bà nào cũng cần hạnh phúc. Hạnh phúc vốn là thứ mơ hồ nhưng thực ra vốn rất thực. Trong một xã hội phong kiến không cho phép người phụ nữ góa tái giá thì cái tấm “Bảng trinh tiết” còn có nghĩa gì khi phía sau nó là những khắc khoải, cô đơn…

Và vì thế, trong thơ Hồ Xuân Hương, người ta thấy rõ sự khát khao một tình yêu xứng đáng, một tình yêu mang yếu tố tính dục là hiện hữu: “Tài tử văn nhân ai đó tá/ Thân này đâu đã chịu già tom”.

Lời kêu gọi của nữ sĩ họ Hồ ẩn chứa trong đó cả một sự đau đắm của người phụ nữ vẫn còn trẻ, còn khao khát nồng nàn mà có dễ gì tìm kiếm được tri ân.

Có thể nói, thơ Hồ Xuân Hương gợi nhớ đến cả một truyền thống văn hóa phồn thực hồn hậu. Hồ Xuân Hương đã đi trước thời đại mình, đã phản ánh được một nhu cầu xã hội lớn mà cuối thế kỷ XX mới được đặt ra cấp bách: Nhu cầu giải phóng bản năng tính dục và thái độ nữ quyền về các hệ giá trị và lịch sử. Mặc dù vậy, tiếng thơ của nữ sĩ họ Hồ cũng chỉ như những tiếng trống vừa róng riết, vừa thiết tha được đánh lên rồi lại nhanh chóng chìm vào không trung, vào giữa lòng xã hội phong kiến vốn dĩ không bao giờ chấp nhận những điều không thuộc “đạo lý”

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/09/2023