với sự tràn ngập của các hình ảnh. Tục thờ nam thần, các giá trị nam tính cũng như chế độ phụ hệ nổi lên cùng lúc với chữ viết. Coi chữ viết chủ yếu là sản phẩm của nam giới là sự thừa nhận của hầu hết các tác giả khi dẫn lại những nghiên cứu về ngôn ngữ học và văn hóa học phương Tây. Phan Việt Thủy dẫn ra sự kỳ thị phái tính trong ngôn ngữ: “ngôn ngữ mà chúng ta hiện đang sử dụng, với tư cách là một hệ thống (linguistic system) cũng như với tư cách là một hoạt động (linguistic performance), chủ yếu là sản phẩm của nam giới, trong một xã hội phụ quyền, phản ánh những giá trị và những chuẩn mực văn hóa của đàn ông” [32]. Trong bài viết Chuyện hiếp dâm và vấn đề phái tính trong văn học Việt Nam, Nguyễn Hưng Quốc có sự phân tích rất sắc sảo khi biến một vấn đề của dục tính, chuyện hiếp dâm, trở thành một vấn đề của phái tính, với nghĩa kép: chuyện giải phóng tình dục: hiếp dâm hay là thông dâm?; chuyện giải phóng ngôn ngữ: ngôn ngữ phái tính hay ngôn ngữ bị xuyên tạc? Ông cho rằng “trong văn học, hiếp dâm không được mô tả như một tội phạm. Nó chỉ đơn thuần là một sự kiện, một thứ tai nạn, hay có khi, lạ lùng hơn, một thứ “may mắn” đối với nạn nhân. Rõ ràng đây là một cách nhìn đầy kỳ thị về phái tính… Một cách vô ý thức, cái đọc của phụ nữ cũng bị nam hóa đi: họ đọc như là những người đàn ông đọc, cho nên không nhận ra cả những cách nhìn đầy bất công trong đó chính mình là nạn nhân. Do đó, cái chúng ta thiếu không phải chỉ là những tác giả nữ mà là những người đọc nữ” [137]. Như vậy, sáng tạo của người viết nữ là phải biết giải phóng mình ra khỏi ràng buộc của sự kỳ thị phái tính trong ngôn ngữ. Đọc họ, chúng ta phải có những tiêu chí đánh giá mới, thoát khỏi sự chi phối của hệ thống ngôn ngữ phụ quyền.
Ngoài ra, có những bài nghiên cứu dẫn nhập rất chi tiết lý thuyết về chủ thuyết phụ nữ, văn học nữ quyền, hoặc cũng đang trong quá trình tìm tòi như: Lí luận phụ nữ: Từ Simone de Beauvoir dến Judith Butler của Đặng Phùng Quân, Nữ quyền luận của Nguyễn Hưng Quốc, Dày dày đúc sẵn một tòa… văn chương của Đinh Từ Bích Thúy, Tiếng cười của nàng Medusa của Mary Klages…Với tính chất
khơi mở, những nghiên cứu ấy góp phần gợi hướng tìm hiểu ý thức phái tính nhưng chưa chủ định nghiên cứu cụ thể vấn đề phái tính trong văn thơ nữ Việt Nam.
Giai đoạn thứ ba bắt đầu từ khoảng thời gian năm 2006 khi những nghiên cứu về phái tính trong văn học nữ trong nước xuất hiện ngày một nhiều. Có ba khuynh hướng chính: khuynh hướng thứ nhất nghiên cứu văn học nữ thiên về dục tính/sex, khuynh hướng thứ hai nghiên cứu văn học nữ thiên về nữ tính/thiên tính nữ, khuynh hướng thứ ba nghiên cứu văn học nữ trên bình diện văn học nữ quyền.
Ở khuynh hướng thứ nhất, năm 2006, sau sự ra đời hàng loạt tác phẩm gây shock trên văn đàn, trên các báo, các trang mạng lập tức xuất hiện nhiều bài viết về sex trong văn học nói chung và trong văn học nữ nói riêng. Trang Vietnamnet mở cả một chuyên đề về Sex trong văn học. Nói là chuyên đề nhưng thực ra các cây bút góp mặt lại viết khá tản mản bằng những quan điểm chủ quan và không có sự phân tích một cách chi tiết, cụ thể. Đối tượng chủ yếu mà các tác giả hướng tới là sex trong văn học nữ. Những bài như: Tính dục trong văn học hôm nay, Dục tính và những ranh giới mong manh (Nguyễn Huy Thiệp), Văn học sex: chấp nhận để tìm cách đổi khác?(Vương Trí Nhàn), Lịch sử - văn hóa và sex trong văn chương (Nguyễn Hòa), Tính dục đơn thuần chỉ ở cấp thấp (Lê Đạt), Các cây bút nữ giữa trào lưu sex (Tâm Huyền), Tình dục trong văn chương đương đại: Chuyện không có gì mà ầm ĩ thế (Võ Thị Hảo), Sex trong văn học trẻ thoái trào (Phương Quyên)… Hầu hết, sex được nhìn như một “ngoại động từ”, một hành động bên ngoài để “khiêu dâm”, đánh giá về sex trong văn học hoàn toàn dựa vào quan điểm đạo đức (tất nhiên là nền đạo đức truyền thống bị chi phối bởi nam giới). Có người nhìn sex như một “ngoại động từ” mà xét đoán cao trào hay thoái trào của nó. Nhưng sex trong văn học là một “nội động từ”, là một phương diện thuộc về phái tính, vì thế nó không có cao trào hay thoái trào. Chưa nâng được vấn đề sex trong văn học nữ thành vấn đề phái tính, mặt khác chỉ nhìn các cây bút nữ đương đại với góc độ sex, đó chính là khuynh hướng có khả năng đánh đồng phái tính là dục tính.
Ở khuynh hướng thứ hai, các bài nổi bật nhất là: Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại của Nguyễn Đăng Điệp [8], Ý thức phái tính trong văn xuôi nữ đương đại của Nguyễn Thị Bình [6], Quá trình giải phóng thiên tính nữ trong văn học nghệ thuật từ góc nhìn mỹ học tính dục của Phan Tuấn Anh (Công trình tham gia xét giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2012). Với quan điểm nhà văn nữ khi viết về phái nữ sẽ bộc lộ được những khả năng mang tính "thiên bẩm" và chân thực hơn, trong bài viết của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp đã đưa ra một bức tranh tương đối hoàn chỉnh và có tính chất gợi mở cho những nghiên cứu về âm hưởng phái tính và nữ quyền trong sáng tác của các nhà văn nữ thời gian gần đây. Trong bài viết, cụm từ “âm hưởng nữ quyền” được tác giả sử dụng với hàm ý chỉ mức độ: Ở Việt Nam chưa có văn học nữ quyền hoàn chỉnh như ở phương Tây, mà mới chỉ có những dấu hiệu ban đầu như là sự phát triển của ý thức dân chủ. Khái niệm nữ tính/ nữ quyền/ văn học nữ vẫn cần được khẳng định rõ hơn. Tác giả Nguyễn Thị Bình trong bài viết của mình đã đề cập đến những “tuyên ngôn” của một số tác giả nữ đương đại về “viết” và coi đó như kim chỉ nam hướng nhà văn nữ vào việc xây dựng những nhân vật mang đậm ý thức phái tính và kiến tạo nên thứ ngôn ngữ của ý thức phái tính trong tác phẩm. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một bài viết có tính chất gợi mở vấn đề, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình cũng mới chỉ dừng lại ở việc đề cập đến việc các nhà văn nữ xử lý mối quan hệ giữa nhân vật nữ với nghiệp “viết”, giữa nhân vật nữ với nhân vật nam, giữa nhân vật nữ với vấn đề tình dục và đưa ra một số biểu hiện của một thứ ngôn ngữ mang màu sắc phái tính trong văn xuôi nữ. Sự nhận diện, lý giải về vai trò của ý thức phái tính đối với hoạt động sáng tạo văn chương nữ giới của tác giả Nguyễn Thị Bình mới chỉ cung cấp cho các học giả một vài điểm nhìn trong quá trình khám phá bức tranh đa diện về thế giới qua con mắt những người phụ nữ vốn vô cùng bí ẩn. Còn tác giả Tuấn Anh trong bài viết của mình lại đặt vấn đề khá giản đơn khi cho rằng biểu tượng của thiên tính nữ - theo cách tác giả đã dẫn – là hoàn toàn tính nữ. Tiếp tục đi sâu vào luận điểm dựa trên
thiên tính nữ của Phương Lựu, Nguyễn Hoàng Đức rút ra đặc tính ngòi bút của các tác giả nữ: “a- Đề tài chủ yếu là tình yêu. b- Trung tâm của tình yêu là cái tôi. c- Nền tảng của cái tôi là trực cảm” [11]. Những công trình nghiên cứu rất công phu trong nhà trường, có chủ ý viết về phái tính trong thơ nữ thì hướng khai thác vẫn có phần đi lệch: Tư duy thơ nữ sau 1975 của Hoàng Thùy Linh [32] nhắc đến chất nữ tính phong phú và mạnh mẽ‟ trong những khoảng suy tư của tâm hồn người phụ nữ, trong đề tài tình yêu, trong đề tài gia đình, Phái tính trong thơ nữ Việt Nam sau 1975 của Nguyễn Ngọc Thùy Anh [32] khai thác vào những biểu hiện có khuynh hướng đồng nhất phái tính với “nữ tính”, “mẫu tính”, “cá tính”, “dục tính”. Còn đa phần khai thác vấn đề trong văn học nữ là viết về hình ảnh người phụ nữ. Thừa nhận những nỗ lực của họ trong việc giới thiệu, chuyển tải khái niệm phái tính – một khái niệm mà so với văn học ta bây giờ vẫn còn là mới, nhưng chúng tôi cũng phải thẳng thắn chỉ ra rằng trong khi họ phân tích, khái niệm phái tính bỗng chuyển thành khái niệm nữ tính, hay thiên tính nữ.
Khuynh hướng thứ ba nổi lên trong thời gian gần đây, khi chủ nghĩa nữ quyền được nhắc đến nhiều hơn ở Việt Nam. Bài viết trên của Nguyễn Đăng Diệp thực ra muốn mở rộng cánh cửa chào đón những nghiên cứu về phái tính và về văn học nữ quyền. Theo tác giả, văn học đương đại Việt Nam hiện nay mới chỉ có âm hưởng nữ quyền và nó thể hiện trên bốn phương diện: ngôn ngữ quyết liệt không kém gì nam giới ; công khai xét lại lịch sử và các điển phạm nghệ thuật bằng cái nhìn riêng của cá nhân và giới nữ ; công khai bày tỏ thái độ chống lại sự lệ thuộc vào thế giới đàn ông và dám xông vào các đề tài tình dục ; tuy quyết liệt nhưng hơi ấm nữ tính vẫn “được bảo lưu một cách vô thức”[8]. Nếu như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp nhấn mạnh đến “hơi ấm nữ tính” như một bảo lưu vô thức thì Inrasara lại đòi hỏi sự vượt thoát điểm cố hữu đó. Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố nữ [19] là bài viết gợi nên ý tưởng về sự giải phóng khỏi giới và sự bó buộc về ngôn ngữ của người viết nữ, Dấu hiệu nữ quyền trong văn nữ Việt Nam của Bùi Thị Thủy có hơi hướng là sự tiếp bước lối đi của tác giả Nguyễn Đăng Điệp; Phê
bình văn học nữ quyền của Lý Lan mang lại cái nhìn lịch sử về các trào lưu phê bình văn học nữ quyền thế giới… Thời gian gần đây, trong một bài nghiên cứu có tự đề “Những nẻo đường đến với truyện ngắn Việt Nam đương đại”, tác giả Nguyễn Thanh Tâm khẳng định rằng, hiện nay, các nhà nghiên cứu thường tiếp cận thể loại này bằng một số cách thức tiếp cận, nhưng chủ yếu là theo hai hướng chính là tiếp cận từ thi pháp học (theo hướng này có thể kể đến một số nghiên cứu của La Khắc Hòa (Dấu hiệu của Chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài), Cao Kim Lan (Lịch sử trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và dấu vết của hệ hình thi pháp hậu hiện đại), Thái Phan Vàng Anh (Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Việt Nam đương đại),… ) và tiếp cận từ góc độ phân tâm học (theo hướng này có thể kể đến một số bài viết của Hồ Thế Hà (Hướng tiếp cận phân tâm học trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975/ Tình yêu trong truyện ngắn hiện đại Việt Nam nhìn từ các phức cảm), Trần Thanh Nhị, Trần Huyền Sâm (Một số thể nghiệm phân tâm học Freud trong văn học Việt Nam) và một số luận văn thạc sĩ khác. Tuy nhiên, tác giả cũng nhận định: “Chính vì sức phổ biến và khả năng ảnh hưởng lớn của thi pháp học/tự sự học trong nghiên cứu loại hình tác phẩm tự sự lại tạo thành một “đại tự sự”. Biểu hiện rất rõ là nhiều luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ và các bài viết với đề tài Thế giới nghệ thuật, Không gian nghệ thuật, Thời gian nghệ thuật, Nghệ thuật trần thuật, Ngôn ngữ trần thuật,…trong một tác phẩm hay một nhóm tác phẩm nào đó. Sức hút của “đại tự sự” này tạo nên đại lộ của nghiên cứu nhưng cũng gây nên áp lực trong việc khám phá những hướng đi mới trong việc tiếp cận truyện ngắn đương đại”. Và “tiếp cận truyện ngắn đương đại từ phân tâm học có những ưu điểm riêng mà những phương pháp khác gần như đã vấp phải rào cản. Chân trời của sự thông diễn cứ được vén mở nhờ những phương pháp khác nhau trong “cộng đồng diễn giải”. Tuy nhiên, hướng nghiên cứu phân tâm học trên thể loại truyện ngắn đương đại nhìn chung vẫn còn khá mờ nhạt”.
Như vậy, việc dùng một mô hình lý thuyết có sẵn, từ trên xuống đã tạo nên một lối nghiên cứu “đẽo chân cho vừa giày” khá phổ biến trong nghiên cứu văn học. Và, đúng như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp nhìn nhận: “Vấn đề giới tính là một vấn đề phức tạp. Nó gắn liền với ý thức hệ, chính trị, tôn giáo, được thể hiện rõ nét qua ngôn ngữ và văn học”[8, tr.9]. Những nghiên cứu về phái tính và nữ quyền trong văn học Việt Nam vẫn thiếu một cái nhìn hệ thống và tường giải; vẫn mới chỉ như khúc dạo đầu của bản giao hưởng đầy thanh sắc cần được tiếp tục khám phá.
Có thể bạn quan tâm!
- Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu - 1
- Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu - 2
- Tình Hình Nghiên Cứu Về Phái Tính Và Nữ Quyền Ở Một Số Nước Châu Á
- Sự Xác Lập Ý Thức Phái Tính Và Nữ Quyền Trong Văn Học Việt Nam Truyền Thống
- Cảm Quan Phái Tính Và Nữ Quyền Trong Văn Học Việt Nam Trung Đại
- Cảm Quan Tính Dục Và Thân Phận Người Phụ Nữ Trong Văn Học Việt Nam Từ Thế Kỷ Xviii Đến Cuối Thế Kỷ Xix
Xem toàn bộ 173 trang tài liệu này.
Tiểu kết
Có thể nói, những làn sóng đấu tranh của phong trào nữ quyền, các lý thuyết phê bình nữ quyền trên thế giới xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII và kéo dài cho đến tận ngày nay như là một minh chứng cho công cuộc đi tìm lại chính mình- tìm lại bản ngã luôn đau đáu, mòn mỏi và chưa bao giờ ngưng nghỉ của một nửa nhân loại. Kể từ khi Chủ nghĩa cấu trúc xuất hiện với xác quyết rằng cá tính là một cấu trúc được tạo ra chứ không phải là một thực tại tuyệt đối cố định thì điều đó mở ra một chân trời hết sức rộng lớn cho tư duy nữ quyền luận. Mặc dù nhiều người vẫn có thể nghi ngờ bằng cái cách quen thuộc của Chủ nghĩa hậu hiện đại, rằng không có gì là tuyệt đối mà luôn bất định, không có một đại tự sự; cái tôi là một hư cấu, và do đó, không thể có cái tôi mang bản tính nữ,… thì họ vẫn phải thừa nhận rằng trong các tác phẩm văn học, nhất là những tác phẩm văn học do phụ nữ sáng tác vẫn luôn tồn tại một “bản sắc nữ giới”, một “hơi ấm nữ tính”, một “thiên tính nữ” mang âm hưởng nữ quyền đầy khát khao. Nghiên cứu về phái tính và nữ quyền trong văn học ở nhiều nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng không phải là một hướng đi mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ bởi tính hấp dẫn và cả sự phức tạp của vấn đề. Trong suốt chặng đường dài của lịch sử văn học dân tộc, chúng tôi nhận thấy giới nữ đã thực sự xác lập tiếng nói của mình bằng rất nhiều cách biểu đạt trong diễn ngôn. Để khám phá những cách biểu đạt của các diễn ngôn ấy trong văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học Việt Nam đương đại qua sáng tác
của chính nữ giới vẫn luôn cần một hướng nghiên cứu đầy triển vọng, có ý nghĩa văn hóa sâu sắc.
Chương 2
VẤN ĐỀ PHÁI TÍNH VÀ NỮ QUYỀN TRONG VĂN HỌC TRUYỀN THỐNG
“Tất cả mọi thứ bí ẩn trên thế gian này cũng không thể sánh nổi với sự bí ẩn của đàn bà”. Không phải chỉ khi người ta được chiêm ngưỡng bức tượng thần Venus – vị nữ thần tình yêu và sắc đẹp của Hy Lạp thì người ta mới thấy được sự bí ẩn và sức quyến rũ của người đàn bà mà ngay từ khi tưởng ra các “đấng” tối cao kiến tạo nên thế giới thì người ta đã muốn đặt những người phụ nữ đầy quyền năng vào đó. Dù vậy, bức tượng thần Venus được phát hiện tại Milos năm 1820 trong tình trạng bị rời làm hai mảnh dường như đã mang đến thế giới này nỗi ám ảnh về “phận đàn bà”. Những người đàn bà vốn được sinh ra là để chịu khổ đau hay chính họ đã bị Thượng đế phạt kể từ khi nàng Eva dụ dỗ chàng Adam ăn trái cấm?
Ở châu Á, người ta cũng từng một thời coi cuộc sống truân chuyên của người đàn bà là do “kiếp sinh ra thế”. Những người phụ nữ, thậm chí chưa được sinh ra đã chịu thiệt thòi và khổ đau. Là một trong những đất nước vốn có một nền văn hóa có xuất phát điểm Mẫu hệ, nhưng cũng giống như một số nước thuộc “vòng văn hóa Hán” khác, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Khổng Nho- nền văn hóa đã cột chặt cuộc đời người phụ nữ bằng sợi dây cương tỏa khổng lồ của tam tòng, tứ đức. Xã hội phong kiến đầy rẫy những hủ tục đã khiến những người phụ nữ Việt Nam truyền thống trở thành những kẻ nô lệ, phụ thuộc vào đàn ông và đôi khi chính họ cũng chấp nhận điều đó. Không tự “giải cứu” cho mình được trong cuộc sống thực, một số người phụ nữ đã lấy văn đàn làm “cứu cánh”. Chúng ta có thể nhận thấy rõ điều này trong văn học dân gian, và đặc biệt là trong văn học Việt Nam thời Trung đại. Tuy nhiên, những biểu hiện phản kháng với những bất công trong xã hội đối với người phụ nữ trong văn học Việt Nam truyền thống dường như chỉ là một sự “quẫy đạp” vô vọng bởi một khi ý thức cá nhân còn bị tôn giáo chi phối và nhận thức văn hóa của con người chưa phát triển đến một trình độ nhất định thì ý thức phái tính chưa thể trở thành ý thức tự giác. Tuy vậy, dù muốn hay