- Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế, đúng pháp luật.
- Khi cơ quan Thi hành án dân sự có văn bản yêu cầu giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ hoặc có văn bản kiến nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm theo qui định của pháp luật tố tụng. Tòa án phải giải quyết chính xác, kịp thời, đúng pháp luật, trong thời hạn luật định.
- Chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho cơ quan Thi hành án dân sự kịp thời, đúng thời hạn quy định của pháp luật. Kèm theo bản án, quyết định là tang vật vụ án, các giấy tờ, tài liệu liên quan (nếu có).
- Thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản, giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản thuộc thẩm quyền của Toà án phát sinh trong quá trình thi hành án.
Những vai trò này của Tòa án trong công tác thi hành án dân sự là đúng với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, gắn liền trách nhiệm của Tòa án đối với bản án, quyết định của mình, tạo mối quan hệ đồng bộ giữa Tòa án với cơ quan Thi hành án dân sự, làm cho bản án, quyết định của Tòa án được thi hành kịp thời, nghiêm chỉnh thi hành, đảm bảo quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi của cá nhân, cơ quan, tổ chức đã được Tòa án phán quyết.
Kết luận chương 1
Những phân tích nêu trên cho thấy, pháp luật hiện hành đã quy định rõ về vai trò của Toà án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự nói chung và tranh chấp HĐTD nói riêng và trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại Toà án; thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan nhà nước. Việc xây dựng hành lang pháp lý tương đối toàn diện như đã phân tích nêu trên là một bước tiến quan trọng trong việc quy định về thủ tục xét xử các vụ việc dân sự, nó thể hiện sự tiến bộ trong các quy định của pháp luật về mặt tố tụng dân sự. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, khi nền kinh tế ngày càng phát triển, xã hội ngày càng tiến bộ kéo theo những quan hệ pháp luật ngày càng nảy sinh và phức tạp hơn thì những quy định của Bộ luật tố tụng dân sự cũng bắt đầu nảy sinh những bất cập, vướng mắc trong các điều luật gây khó khăn không nhỏ tới việc áp dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp mà chủ yếu là Tòa án. Tòa án chưa thể hiện được hết vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác xét xử và công tác thi hành án. Chính vì vậy, cần phải tìm hiểu những vướng mắc trong các quy định đó để tìm ra những nguyên nhân và giải pháp nhằm khắc phục những bất cập để nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp nói chung và của Tòa án nói riêng để đảm bảo quyền lợi cho người dân và nâng cao pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Chương 2
THỰC TIỄN THỰC HIỆN VAI TRÒ CỦA TÒA ÁN
Có thể bạn quan tâm!
- Các Phương Thức Giải Quyết Tranh Chấp Hợp Đồng Tín Dụng Và Vai Trò Của Tòa Án
- Vai Trò Của Tòa Án Trong Giải Quyết Tranh Chấp Hợp Đồng Tín Dụng
- Vai Trò Của Tòa Án Trong Giai Đoạn Xét Xử Vụ Án
- Thực Tiễn Thực Hiện Vai Trò Của Tòa Án Trong Giai Đoạn Xét Xử Vụ Án
- Một Số Giải Pháp Hoàn Thiện Quy Định Pháp Luật Hiện Hành Về Giải Quyết Tranh Chấp Hợp Đồng Tín Dụng Tại Tòa Án
- Vai trò của Tòa án trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng - 9
Xem toàn bộ 85 trang tài liệu này.
TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
2.1. Thực tiễn thực hiện vai trò của Tòa án trong giai đoạn thụ lý vụ án và chuẩn bị xét xử
Một tranh chấp chỉ được coi là một vụ án khi các bên khởi kiện ra Tòa án và được Tòa án chấp nhận thụ lý. Chính vì vậy, giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự là giai đoạn đầu tiên trong quá trình xét xử vụ án dân sự. Đây là một giai đoạn quan trọng và không thể thiếu được trong xét xử vụ án dân sự. Khi có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp thì việc đầu tiên Tòa án phải xem xét về tính hợp lệ của đơn khởi kiện, xem xét về quyền khởi kiện của đương sự và các điều kiện để được thụ lý đơn khởi kiện. Một vướng mắc gặp phải trong giai đoạn này đó là xem xét về thời hiệu khởi kiện của vụ án còn hay là đã hết thời hiệu khởi kiện.
Về thời hiệu khởi kiện, theo quy định tại khoản 3 Điều 155 Bộ luật dân sự 2005: “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện” [15]. Điểm a khoản 3 Điều 159 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS quy định cụ thể: “Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện” [14]. Theo đó, tranh chấp phát sinh từ HĐTD là loại tranh chấp về quyền sở hữu tài sản sản, tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu nên sẽ không áp dụng thời hiệu. Tuy nhiên, với quy định tại Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao
hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự thì chỉ không áp dụng thời hiệu đối với việc đòi nợ gốc, còn việc đòi nợ lãi thì vẫn áp dụng thời hiệu, cụ thể: Điểm b khoản 3 Điều 23 của Nghị quyết quy định:
Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Ví dụ 1: Ngày 01-01-2008, A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là 1 năm. Đến ngày 01-01-2009, B không trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày 03-4-2011, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung [10, Điều 23].
Việc xác định đúng thời hiệu khởi kiện là một vấn đề rất quan trọng, nó là cơ sở để xem xét xem vụ án đó có được Tòa án thụ lý giải quyết hay là trả lại đơn khởi kiện. Tuy nhiên, cách quy định về thời hiệu khởi kiện tranh chấp phát sinh từ HĐTD như hiện hành dẫn đến việc để xác định đúng thời hiệu khởi kiện là rất khó khăn bởi quy định của pháp luật còn chưa rõ ràng, thống nhất dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về thời hiệu khởi kiện trên thực tế áp dụng pháp luật.
Bên cạnh việc xác định thời hiệu khởi kiện thì việc xác định địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân cũng là việc làm không đơn giản vì vướng mắc phát sinh từ quy định pháp luật. Theo quy định của Điều 164 Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của BLTTDS thì Đơn khởi kiện của người khởi kiện phải ghi rõ tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Tại tiết 8.5 điểm 8 mục I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn:
Trường hợp trong đơn khởi kiện không ghi đầy đủ cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì Toà án yêu cầu người khởi kiện ghi đầy đủ và đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu người khởi kiện không thực hiện, thì Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 169 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ mà không được thụ lý vụ án. Việc Toà án thụ lý vụ án để sau đó ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “chưa tìm được địa chỉ của bị đơn” là không đúng quy định của BLTTDS, vì đây không phải là một trong những trường hợp Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 189 của BLTTDS. Toà án cũng không được tự mình tiến hành thông báo tìm người bị kiện, vì đây là nghĩa vụ của đương sự [9].
Căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành thì Tòa án chỉ trả lại Đơn khởi kiện cho đương sự trong trường hợp đương sự ghi không đầy đủ, hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp đương sự đã ghi đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải thụ lý vụ án. Tuy nhiên, công tác thực tiễn cho thấy có nhiều trường hợp đơn khởi kiện đã ghi đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án kèm theo các tài liệu chứng minh về tên, địa chỉ của họ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu gia đình thì Tòa án lại yêu cầu Ngân hàng phải có văn bản của chính quyền địa phương xác nhận đương sự đang cư trú tại địa chỉ ghi trong đơn khởi kiện thì Tòa án mới thụ lý vụ án. Xuất phát từ
vướng mắc trên mà rất nhiều Ngân hàng không thể tiến hành khởi kiện trong khi có đầy đủ căn cứ chứng minh khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán, trây ì, trốn tránh khi Ngân hàng đôn đốc trả nợ. Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân mà không xác định được địa chỉ thì Tòa án không thụ lý vụ án. Ngân hàng phải tiến hành thủ tục thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp của Ngân hàng liên doanh Việt Nga là một minh chứng rõ nét cho phân tích nêu trên: Năm 2013, Ngân hàng liên doanh Việt Nga khởi kiện đòi nợ theo HĐTD đối với khách hàng Vũ Công Khôi tại TAND quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Thông báo bổ sung đơn khởi kiện số 39/2013/TB-TA ngày 09/4/2013,TAND quận Ba Đình yêu cầu Ngân hàng cung cấp nơi ở hiện tại của bị đơn, Ngân hàng đã xin xác nhận tại Công an phường Nguyễn Trung Trực – Nơi cư trú của bị đơn theo sổ hộ khẩu, công an phường xác nhận Vũ Công Khôi đã chuyển đến phường Minh Khai. Tuy nhiên khi đến phường Minh Khai để xác minh thì công an khu vực cho biết không có ai tên là Vũ Công Khôi đăng ký tạm trú tại phường. Kết quả, Ngân hàng không thể cung cấp được xác nhận nơi cư trú của khách hàng Vũ Công Khôi theo yêu cầu của Tòa án và việc khởi kiện đòi nợ khách hàng cho đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
Theo quan điểm của tác giả, yêu cầu có xác nhận của chính quyền địa phương về nơi cư trú của bị đơn của một số Tòa án là không có căn cứ bởi lẽ: Đơn khởi kiện của Tổ chức tín dụng đã ghi đúng và đầy đủ tên, địa chỉ của người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án kèm theo tài liệu chứng minh tên, địa chỉ của họ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Mặt khác, Bộ luật tố tụng dân sự, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không quy định người khởi kiện trong trường hợp này phải xuất trình thêm văn bản xác nhận của chính quyền địa phương về tên, địa chỉ
của người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc một số Toà án tự đặt ra yêu cầu trên và buộc người khởi kiện phải thực hiện đã gây nhiều khó khăn cho họ trong việc khởi kiện.
Một khó khăn khác là trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì nhiều mục đích khác nhau cố tình gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải quyết vụ án như không có mặt tại Tòa án theo Giấy triệu tập, bỏ trốn khỏi nơi cư trú, không ký nhận các văn bản tố tụng do Tòa án ban hành.... Sự bất hợp tác của người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong trường hợp này sẽ làm cho việc giải quyết vụ án của Tòa án bị kéo dài. Tòa án phải tiến hành xác minh, niêm yết văn bản tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự mới có thể xét xử vắng mặt họ. Đối với những vụ án phức tạp có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì phiên tòa xét xử bị hoãn nhiều lần là điều khó tránh khỏi.
Tương tự các khách hàng cá nhân thì hiện nay nhiều khách hàng doanh nghiệp sau khi vay vốn của Ngân hàng cũng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh với mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Ngân hàng không có căn cứ chứng minh doanh nghiệp bỏ trốn và cũng không biết doanh nghiệp còn hoạt động kinh doanh hay không. Cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin khẳng định doanh nghiệp không thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Về vấn đề này, hiện nay Tòa án có quan điểm khác nhau về việc thụ lý giải quyết đối với trường hợp doanh nghiệp vay vốn bỏ địa chỉ kinh doanh, không liên lạc được với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Quan điểm của một số TAND cấp huyện cho rằng Tòa án không thụ lý giải quyết đối với trường hợp này bởi lẽ: Người khởi kiện không cung cấp được địa chỉ hiện tại của người bị kiện doanh nghiệp nên Tòa án không thụ lý. Trường hợp Tòa án đã thụ lý thì phải trả lại đơn khởi kiện.
Quan điểm thứ hai của Toà Kinh tế TAND tối cao cho rằng Tòa án phải thụ lý giải quyết đối với trường hợp này bởi lẽ: Cơ quan đăng ký kinh doanh khẳng định doanh nghiệp chưa bị xoá tên trong sổ đăng ký kinh doanh do phải giải thể theo quy định tại các Điều 157 và 158 Luật Doanh nghiệp năm 2005 hoặc bị tuyên bố phá sản theo quy định tại Điều 89 Luật phá sản năm 2004 thì phải xác định doanh nghiệp đó vẫn đang tồn tại ở địa chỉ cuối cùng trong hồ sơ đăng ký kinh doanh. Do vậy, Tòa án thụ lý giải quyết và tiến hành các thủ tục tống đạt để xét xử vắng mặt theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự cho dù không tìm thấy người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Quan điểm này đã tháo gỡ vướng mắc cho rất nhiều Tổ chức tín dụng trong việc khởi kiện đòi nợ đối với các khách hàng là doanh nghiệp.
Bên cạnh một số vướng mắc còn tồn tại nêu trên, trong giai đoạn thụ lý vụ án và chuẩn bị xét xử, Tòa án đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc hòa giải. Theo thống kê của TAND tối cao, từ ngày 01/01/2005 đến ngày 30/12/2013 [22], ngành TAND đã thụ lý được 70911 vụ án kinh doanh thương mại trong đó có các vụ án tranh chấp phát sinh từ HĐTD, giải quyết 60160 vụ án, trong đó, số lượng các vụ án hòa giải thành ở TAND cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 45.3% số vụ án được giải quyết, cao hơn so với các vụ án được hòa giải thành ở TAND cấp huyện, chiếm 39.2% số vụ án đã được giải quyết. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ hòa giải thành trong vụ án kinh doanh thương mại là rất lớn, cao nhất ở TAND cấp tỉnh có năm lên đến 50.2%, thấp nhất cũng là 13%. Kết quả này phản ánh ngành Tòa án đã áp dụng quy định pháp luật và thực hiện hiệu quả công tác hòa giải án kinh doanh thương mại tại Tòa án, phát huy được tính đặc thù của giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại đặc biệt là tranh chấp HĐTD cần giải quyết nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhằm giảm thiểu thiệt hại vật chất và giữ uy tín của các bên.