Tuyến điểm du lịch Việt Nam Dành cho học sinh, sinh viên chuyên ngành du lịch - Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai - 11

Cho đến năm 1909, đời vua Duy Tân, ngôi điện được chuyển ra vị trí mới hiện nay và phục dựng làm Tân Thơ Viện lưu giữ hàng ngàn tư liệu bằng chữ Hán, Pháp, Anh,... chủ yếu phục vụ cho học sinh trường Quốc Tử Giám. Ngày 24/8/1923, Khâm Sứ Trung kỳ và vua Khải Ðịnh cùng ban sắc dùng Ðiện Long An làm Bảo tàng Khải Ðịnh. Hiện nay, điện Long An còn gọi là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, là nơi trưng bày cổ vật cung đình Huế.

Điện Long An có trang trí nội ngoại thất phong phú, giàu tính nghệ thuật, lộng lẫy và thanh nhã, khéo léo điểm sáng những chi tiết chính, tô mờ những chỗ phụ là một công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách kiến trúc Nguyễn. Các sưu tập ở đây phong phú và đa dạng, phần lớn tập trung vào mảng đề tài mỹ thuật thời Nguyễn (1802-1945), gồm sưu tập y phục của hoàng gia, sưu tập đồ sứ, các đồ dùng trong sinh hoạt nơi cung cấm, những bộ tranh vẽ trên gương có tuổi thọ trên 150 năm, những bộ nhạc khí dùng trong các cuộc lễ hội chốn cung đình... Có lẽ, đây là bảo tàng duy nhất của Việt Nam hiện có một số lượng hiện vật khổng lồ của thời Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Điện chứa đựng một bộ sưu tập khá phong phú và quý hiếm bởi số hiện vật được trưng bày tại đây. Có những cổ vật chỉ còn duy nhất một bản và một số cổ vật thuộc hàng "độc" như đầu hồ gắn liền với một trò chơi đã lui vào quá khứ. Ngoài ra, bảo tàng còn lưu giữ 80 hiện vật Chăm được sưu tầm từ vùng châu Ô, châu Lý và từ kinh đô Trà Kiệu sau cuộc khai quật năm 1927. Đây là các cổ vật được các nhà nghiên cứu đánh giá là những di sản văn hóa quý hiếm ở Việt Nam và trên thế giới.

b) Lăng tẩm Huế

Triều Nguyễn (1802 -1945) có đến 13 vị vua, nhưng vì những lý do khác nhau nên hiện nay ở Huế chỉ còn 7 khu lăng tẩm. Đó là các lăng: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Đồng Khánh và Khải Định. Vị trí các lăng nằm ở phía tây kinh thành Huế. Theo quan niệm phương Đông, vua là đấng chí tôn, được biểu trưng bằng hình ảnh Mặt trời. Khi Mặt trời lặn về phía Tây nên đây là lý do vì sao các lăng được xây dựng ở phía Tây kinh thành.

Theo quan niệm “tức vị trị lăng” nên phần lớn các lăng tẩm đều được xây dựng khi vua còn ở trên ngai vàng. Các khu lăng tẩm đều được thiết kế xây dựng tuân theo quy luật phong thủy. Một số lăng tẩm có kiến trúc và giá trị nghệ thuật tiêu biểu là:

Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng còn gọi là Hiếu lăng, nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách TP Huế 12 km. Lăng Minh Mạng được xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 thì hoàn thành.

Lăng Minh Mạng có bố cục kiến trúc cân bằng đối xứng, xung quanh một trục kiến trúc là đường thần đạo, xuyên qua một loạt các hạng mục công trình gồm: cửa chính, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân (thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu), hồ Trừng Minh, Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt (trăng non), cổng tam quan Quang Minh Chính Trực, Trung Đạo kiều và cuối cùng là Bửu thành (mộ vua Minh Mạng). Lăng có diện tích 18 ha (nhưng diện tích cấm địa quanh lăng là 475 ha), xung quanh lăng có La thành bao bọc.

Mở đầu Thần đạo là Đại Hồng Môn, cổng chính vào lăng, xây bằng vôi gạch, cao hơn 9 m, rộng 12 m. Cổng này có ba lối đi với 24 lá mái lô nhô cao thấp và các đồ án trang trí cá chép hóa rồng, long vân... được coi là tiêu biểu của loại cổng tam quan đời Nguyễn. Cổng chỉ mở một lần để đưa quan tài của vua vào trong lăng, sau đó được đóng kín, ra vào phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 169 trang tài liệu này.

Sau Đại Hồng Môn là Bái Đình, lát gạch Bát Tràng (sân rộng 45 x 45 m), hai bên có hai hàng tượng quan văn võ, voi ngựa bằng đá đứng chầu. Cuối sân là Bi Đình tọa lạc trên Phụng Thần Sơn, bên trong có bia “Thánh đức thần công” bằng đá Thanh ghi bài văn bia của vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức của vua cha. Một khoảng sân rộng tiếp theo chia làm bốn bậc lớn nhằm giảm bớt cảm giác choáng ngợp của con người trước sự mênh mông của kiến trúc, đó là sân triều lễ.

Hiển Đức Môn mở đầu cho khu vực tẩm điện, được giới hạn trong một lớp thành hình vuông biểu trưng mặt đất (từ ý niệm trời tròn, đất vuông). Điện Sùng Ân nằm ở giữa được coi là trung tâm, chung quanh có Tả, Hữu Phối Điện (trước) và Tả, Hữu Tùng Phòng (sau) như những vệ tinh chung quanh. Trong điện thờ bài vị của vua và bà Tá Thiên Nhân Hoàng hậu.

Tuyến điểm du lịch Việt Nam Dành cho học sinh, sinh viên chuyên ngành du lịch - Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai - 11

Hoằng Trạch Môn là công trình kết thúc khu vực tẩm điện, mở ra một không gian của hoa lá và mây nước phía sau. Tất cả những công trình mang tính hiện thực dường như dừng lại ở khu vực tẩm điện. Từ đây, bắt đầu một thế giới mới đầy thư nhàn, siêu thoát và vô biên. 17 bậc thềm đá Thanh đưa du khách vào khoảng trời xanh mát bóng cây và ngát thơm mùi hoa dại. Ba chiếc cầu: Tả Phù (trái), Trung Đạo (giữa), Hữu Bật (phải) bắc qua hồ Trừng Minh như dải lụa xanh, đưa du khách đến Minh Lâu - một công trình như đột khởi từ quả đồi có tên là Tam Tài Sơn.

Minh Lâu nghĩa là lầu sáng, nơi nhà vua suy tư vào những đêm hè trăng thanh gió mát, là nơi đi về của linh hồn tiên đế, là dấu chấm vuông kết thúc một thế giới hữu hạn; là “bộ ngực kiêu hãnh” của “con người” được ví bởi hình dáng của khu lăng. Minh Lâu là sự thể hiện cách lý giải về vũ trụ và nhân sinh quan của người xưa. Tòa nhà này hình vuông, hai tầng, tám mái, là một biểu trưng của triết học phương Đông. Hai bên Minh Lâu, về phía sau là hai trụ biểu uy nghi dựng trên Bình Sơn và Thành Sơn mang ý nghĩa nhà vua đã “bình thành công đức” trước khi về cõi vĩnh hằng.

Một cái hồ hình trăng non tên là Tân Nguyệt ôm lấy Bửu Thành. Đây là hình ảnh của thế giới vô biên. Hồ hình trăng non ví như yếu tố “Âm” bao bọc, che chở cho yếu tố “Dương” là Bửu Thành - biểu tượng của mặt trời. Kết cấu kiến trúc này thể hiện quan niệm của cổ nhân về sự biến hóa ra muôn vật. Đó là nhân tố tác thành vũ trụ.

Cầu Thông Minh Chính Trực bắc ngang hồ Tân Nguyệt có 33 bậc tầng cấp đẫn vào nơi yên nghỉ của nhà vua, nằm giữa tâm một quả đồi mang tên Khải Trạch Sơn, được giới hạn bởi Bửu Thành hình tròn. Hình tròn này nằm giữa những vòng tròn đồng tâm biểu trưng, được tạo nên từ hồ Tân Nguyệt, La Thành, núi non và đường chân trời như muốn thể hiện khát vọng ôm choàng Trái Đất và ước muốn làm bá chủ vũ trụ của vị vua quá cố.

Hai bên trục chính của lăng có nhiều công trình phụ đối xứng nhau từng cặp một. Hiện nay, các công trình như Tả Tùng Phòng trên Tịnh Sơn; Hữu Tùng Phòng trên Ý Sơn; Tuần Lộc Hiên trên Đức Hóa Sơn; Linh Phượng Các trên Đạo Thống Sơn; Truy Tư Trai trên Phúc Ấm Sơn; Hư Hoài Tạ trên đảo Trấn Thủy đều không còn tồn tại.

Bên cạnh hàng loạt các công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao còn có gần 600 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên Bi Đình, Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân và Minh Lâu cũng là những tuyệt tác vô giá. Đó là một “bảo tàng thơ” chọn lọc của nền thi ca Việt Nam đầu thế kỷ XIX.

Lăng Khải Định

Lăng Khải Định (còn gọi là Ứng Lăng) là lăng mộ của vua Khải Định (1885-1925), vị vua thứ 12 của triều Nguyễn, toạ lạc trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) bên ngoài kinh thành Huế. Lăng được xây dựng năm 1920 và hoàn thành năm 1931.

So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích khiêm tốn hơn nhiều, với kích thước 117 m × 48,5 m nhưng ngược lại cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian. Để xây lăng, Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise..., cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu... để kiến thiết công trình.

Về kiến trúc lăng Khải Định được người đời sau thường đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi cái mới, cái lạ, cái độc đáo, cái ngông nghênh, lạc lõng... tạo ra từ phong cách kiến trúc.

Về tổng thể, lăng là một khối hình chữ nhật vươn lên cao có 127 bậc cấp. Sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique... đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể: Những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ; Trụ biểu dạng stoupa của Phật giáo; Hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu; Nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể... Điều này là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn hóa Đông - Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Khải Định.

Phần quan trọng nhất trong lăng là Cung Thiên Định. Cung này ở vị trí cao nhất là kiến trúc chính của lăng, được xây dựng công phu và tinh xảo. Toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện... kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa... cũng được trang trí nơi đây. Công trình này gồm 5 phần liền nhau: Hai bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng; Phía trước là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung vua Khải Định; Chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua ở trên và mộ phần phía dưới;Trong cùng là khám thờ bài vị của vua.

Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920, do 2 người Pháp là P. Ducing và F. Barbedienne thực hiện theo yêu cầu của vua Khải Định. Thi hài nhà vua được đưa vào dưới pho tượng bằng một toại đạo dài gần 30 m, bắt đầu từ phía sau Bi Đình. Phía sau ngôi mộ, vầng mặt trời đang lặn như biểu thị cái chết của vua.

Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của 3 bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định.

c) Một số di tích lịch sử văn hóa khác ở Huế

Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía tây.

Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng -vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Dưới thời chúa Quốc-Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) theo đà phát triển và hưng thịnh của Phật giáo xứ Đàng Trong, chùa được xây dựng lại quy mô hơn. Năm 1710, chúa Quốc cho đúc một chiếc chuông lớn,nặng tới trên hai tấn, gọi là Đại Hồng Chung, có khắc một bài minh trên đó. Đến năm 1714, chúa Quốc lại cho đại trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền... mà nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn nữa. Chúa Quốc còn đích thân viết bài văn,khắc vào bia lớn (cao 2m60, rộng 1m2) nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, việc cho người sang Trung Quốc mua hơn 1000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn sơ nhưng tuyệt đẹp.

Với cảnh đẹp tự nhiên và quy mô được mở rộng ngay từ thời đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa Thiên Mụ đã từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều các vua nhà Nguyễn.

Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21 m, gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa vào năm 1844. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện, trên nóc đặt Pháp luân (bánh xe Phật pháp, biểu tượng Phật giáo.Pháp luân đặt trên đình Hương Nguyện quay khi gió thổi).

Trận bão năm 1904 đã tàn phá chùa nặng nề. Nhiều công trình bị hư hỏng, trong đó đình Hương Nguyện bị sụp đổ hoàn toàn (nay vẫn còn dấu tích). Năm 1907, vua Thành Thái cho xây dựng lại, nhưng chùa không còn được to lớn như trước nữa. Hai bên tháp có hai nhà tứ giác, đặt hai tấm bia đời Thiệu Trị. Sâu vào bên trong là hai nhà lục giác, một nhà để bia và một nhà để quả chuông đúc đời chúa Nguyễn Phúc Chu.

Qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ, ngoài những công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm... cùng bia đá, chuông đồng, chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quí giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật. Những bức tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Lặc, tượng Tam Thế Phật... hay những hoành phi, câu đối ở đây đều ghi dấu những thời kỳ lịch sử vàng son của chùa Thiên Mụ.

Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. Ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam là Đào Tấn được đặt gần chiếc xe ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.

Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời.

d) Nghệ thuật ẩm thực Huế

Một trong những đặc trưng văn hóa của xứ Huế là những giá trị văn hóa ẩm thực mang màu sắc dân tộc. Đối với người Huế, cách chế biến món ăn và phong cách thẩm mỹ được coi là nghệ thuật ẩm thực. Nó không chỉ dừng lại ở giá trị ẩm thực đơn thuần mà đã vươn tới đỉnh cao của nếp sống văn hóa cổ truyền, đầy ắp triết lý sâu xa. Chính vì vậy nên món ăn Huế đã trở thành danh tiếng, định hình như một chuẩn mực về công nghệ chế biến và phong cách thưởng thức món ăn, không gian và thời gian ăn uống. Một số món ăn nổi tiếng của người Huế:

Tôm chua Huế

Tôm chua, một trong những đặc sản của đất Cố đô. Khách phương xa lần đầu đến Huế, khi được mời ngồi vào bàn ăn, nhác thấy chủ nhà dọn tôm chua ra, ắt không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ. Cái bỡ ngỡ trước tiên là không hiểu những con tôm được chế biến theo kiểu gì, bởi thoạt nhìn, thấy chúng tươi lắm, tươi đến độ làm ta nhầm những con tôm mới được nấu tức thì trong bếp. Khi biết đó là tôm chua, khách sẽ còn lúng túng hơn, bởi không hiểu sẽ ăn như thế nào.

Tôm chua đúng "điệu" (hay nghệ thuật làm tôm chua) phải được làm từ những con tôm nước lợ thật tươi, nhất là tôm từ Cầu Hai đưa lên thì tuyệt. Chọn những con tôm đều nhau và tương đối to. Tôm được ngắt đầu, rửa sạch, ngâm một lát trong rượu. Sau đó vớt ra để ráo, trộn đều với các thứ phụ gia: riềng, tỏi, ớt đỏ, măng non, xôi nếp, nước mắm ngon.

Trong các thứ phụ gia thì riềng đóng vai trò quan trọng nhất nên phải dùng nhiều hơn cả. Tỏi to thái mỏng, ớt thái vát dài và mỏng, riêng và măng thái thành sợi mảnh. Tôm được ủ tốt nhất là trong vại sành. Khi nào chín đem ra trộn với một ít mật ong. Có thể gia tăng thêm ít riềng rồi đóng vào các lọ thuỷ tinh hoặc lọ nhựa. Như vậy trong một lọ tôm chua ta thấy đủ các sắc màu: trắng, vàng, hồng, đỏ; đủ các vị: ngọt, béo, bùi, cay, chua, đắng, vừa nóng lại vừa mát, nghĩa là vừa có dương, vừa có âm. Tất cả hoà trộn tạo nên một mùi thơm đầy quyến rũ. Quá trình ủ tôm kéo dài từ 7-10 ngày, để trong phòng sạch sẽ, thoáng mát hoặc được chôn xuống đất.

Thưởng thức tôm chua phải có 3 thứ cơ bản đi liền nhau: thịt heo phay (ba chỉ) thái mỏng-tôm chua-dưa giá. Ngoài ra còn có quả vả hoặc chuối chát, khế chua thái mỏng cùng rau quế, ớt tươi. Thêm một phần nữa các sắc màu lại hoà trộn trong lúc ăn; âm dương lại giao hoà. Cảm giác ngon miệng bắt đầu từ màu sắc. Rồi được lan toả từ cái béo ngậy của thịt; ngọt, bùi, chua thơm của tôm; vừa cay, vừa nóng, vừa thơm của riềng, ớt, tỏi; cái chua dìu dịu của dưa giá; vị chát của vả, vị chua thanh của khế, rồi còn mùi thơm rau quế, tạo nên cái cảm giác chỉ ăn một lần mà rồi nhớ mãi không quên.

Cơm hến Huế

Cơm hến là một đặc sản ẩm thực Huế. Từ những nguyên liệu đơn giản, người Huế đã chế biến thành món ăn cầu kỳ, tao nhã, nổi tiếng.

Hến ở Huế ngon nhất là hến Cồn. Sau khi lấy về, hến được ngâm nước gạo một thời gian để thải hết bùn đất, rửa sạch, đem luộc cho đến khi hến mở vỏ. Lấy nước luộc sau khi đã để lắng, đổ hến ra sàng để lấy thịt hến.

Thịt hến và nước hến là hai vị chính của cơm hến, ngoài ra thì cũng không thể thiếu các loại gia vị đi kèm. Các phần khác gồm có: cơm trắng để nguội, khế chua, rau thơm, bạc hà (dọc mùng), bắp chuối thái chỉ, nước mắm, hồ tiêu, hành phi, muối mè, ớt tượng, tóp mỡ, da heo phơi khô chiên phồng, mắm ruốc sống, đậu phộng rang vàng nguyên hạt, ớt bột tao dầu. Tất cả đều để nguội. Duy có nước hến phải được giữ cho nóng sôi. Bát cơm hến được trộn từ tất cả các thành phần trên rồi chan nước hến. Cơm hến thường được ăn với ớt thật cay mới đúng vị; còn đối với bún hến thì có lẽ sẽ ngon hơn nếu ăn khô (tức là không chan nước hến khi ăn).

Trước đây, cơm hến đặc trưng bởi vị cay đến chảy nước mắt. Song, món cơm hến mà chúng ta ăn ở Cồn Hến bây giờ không cay. Bù lại, trên bàn có đủ loại thức cay: tương ớt, ớt xắt lát, ớt dằm, ớt tươi, ớt khô, ớt hiểm... để tùy du khách thưởng thức theo gia vị riêng. Tuy không cay cùng cay cực như món cơm hến được những người yêu Huế mô tả, nhưng bạn yên tâm, đó vẫn là cơm hến.

Mỗi suất cơm hến luôn kèm 1 bát nước hến màu trắng đục nghi ngút khói. Có người chan ngay nước hến vô tô cơm. Người khác thì húp cái roạt rồi gật gù: "Ngọt! Ngọt thật!". Sự cộng hưởng của các gia vị trong cơm hến sẽ đưa mùi thơm dâng lên mũi, vị ngọt thấm vào đầu lưỡi, chất béo lan trong miệng... Cứ thế, không chỉ ăn mà bạn sẽ được thưởng thức hương vị của từng sản phẩm. Mọi tế bào của khứu giác, xúc giác, vị giác đang cộng hưởng, tạo nên một cảm giác đặc biệt thật khó quên.

e) Một số bãi biển và danh thắng ở Huế

Bãi biển Thuận An

Bãi biển Thuận An nằm bên cạnh cửa biển Thuận An, nơi dòng sông Hương đổ ra phá Tam Giang rồi thông ra biển. Bãi biển chỉ cách thành phố Huế 15 km và du khách có thể đi đến đó bằng ô tô.

Du khách có thể đến Thuận An bằng đường bộ qua những xóm làng trù phú, cây trái um sùm, những cánh đồng lúa bát ngát. Hoặc có thể xuôi theo dòng sông Hương Giang lướt qua

những cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, diễm lệ ở đoạn cuối con sông. Đặt chân đến đây, du khách sẽ không khỏi thán phục về vẻ đẹp của một vùng trời, biển đặc biệt là khi bình minh lên. Khi mặt trời ló rạng, những tia nắng như được đánh thức sau một giấc ngủ dài, oằn mình vươn vai bên sương muối mịt mờ của sóng biển tạo nên bức tranh không gian ba chiều.

Biển Thuận An vẫn giữ được nguyên vẻ đẹp với làn nước biển trong vắt, bờ cát trắng thoai thoải trải dài, sạch sẽ. Có hai điều khiến du khách thấy khá lạ ở đây là : bãi cát sạch tinh không có vỏ ốc và nước biển có vị mằn mặn hơn bình thường. Suốt từ sáng đến 3h chiều nước biển có màu xanh ngắt và bãi cát trắng lóng lánh tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, hiếm có .Bãi biển Thuận An kéo dài gần 1km, cát trắng mịn màng. Hoạt động náo nhiệt nhất ở Thuận An là vào mùa tắm biển từ tháng 4 đến tháng 9.

Biển Thuận An mang nét bí ẩn như tính cách người Huế thêm một chút hoang sơ do dịch vụ du lịch chưa phát triển. Bạn có thể lang thang dọc bờ biển đêm, hoặc thưởng thức hương vị rượu nếp làng Chuồn, những món hải sản tươi nguyên như tôm, sò huyết, mực…nướng trên bếp than thơm lừng tại bãi biển và các món ăn truyền thống của người dân địa phương như bánh lộc, bánh nậm. …..

Du khách không những chỉ bị Thuận An hút về bãi tắm mà có bị hút bởi sự đam mê về tâm linh. Ở đây có miếu Thái Dương với sự tích nữ thần Thái Dương được dân làng hết lòng sùng kính; thăm miếu thờ thần cá voi, con vật linh thiêng cùa cư dân miền biển. Tích xưa kể rằng, một hôm bỗng có một khối đá dạt vào bờ biển Thuận An. Bởi là một khối đá nên không ai quan tâm. Vào một đêm, chàng ngư dân đi biển về mệt quá nằm lên trên khối đá ấy ngủ. Đêm ấy, chàng nằm mơ có người đàn bà hỏi rằng: “Sao ngươi lại nằm trên mình ta mà ngủ?” Chàng hỏi lại: “Nàng là ai?”, nàng đáp: “Ta là Thai Dương phu nhân người nước Nhật Bản, bị bão, chết chìm dạt vào đây”. Thương cảm, dân Thuận An lập miếu thờ. Từ đó, Thai Dương phu nhân phù hộ dân Thuận An làm ăn phát đạt. Năm ấy trời hạn hán dữ quá, lo mất mùa, nhà vua xuống cúng xin Thai Dương phu nhân giúp đỡ. Trời đổ cơn mưa lớn. Dân không mất mùa nữa. Ngay năm ấy, nhà vua cho xây đền thờ Thai Dương phu nhân.

Gần cửa biển có thành cổ Trấn Hải, hình tròn, chu vi 285 m, có hào bao quanh. Trên thành có 99 ụ súng, có đài và lầu Quan Hải và đình Thái Dương có quy mô lớn, tường và cột trụ đều khảm sành sứ.Vào ngày 11,12 tháng Giêng, Thuận An diễn ra lễ hội “ Lễ Cầu Ngư” tại sân đình Thái Dương rồi rước qua bãi biển Thuận An theo hướng đập đá Vĩ Dạ. Ngày hội thì khỏi phải nói, ngư dân các nơi đổ về nườm nượp, cờ xí ngợp trời. Khói hương nghi ngút. Ai cũng lên thắp một nén hương xin được thủy thần phù hộ, che chở.

Đèo Hải Vân

Trên con đường xuyên Việt ra Bắc vào Nam, Hải Vân luôn luôn là một địa danh ấn tượng. Đây là đèo cao nhất trong các đèo ở Việt Nam (khoảng 500m so với mực nước biển), đầy hiểm trở và cũng là đỉnh núi cuối cùng của một mạch Trường Sơn đâm ngang ra biển. Trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn từng nhận xét: Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.

Hơn 6 thế kỷ trước, vùng đất này thuộc về 2 châu Ô, Rí của vương quốc Chămpa, được vua Chămpa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân đời Trần. Hiện nay, đèo Hải Vân là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng.

Ngay trên đỉnh dèo, dấu vết tiền nhân vẫn còn để lại: những cửa đèo và thành lũy đắp ngang. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ: Hải Vân Quan, cửa trông xuống Quảng Nam đề Thiên hạ đệ nhất hùng quan (đây là từ đề tặng của vua Lê Thánh Tôn khi dừng chân ngắm cảnh nơi này). Thật vậy, từ Nam chí Bắc, không có nơi nào đèo cao chênh vênh, cảnh đẹp lung linh, huyền ảo như Hải Vân. Đường đèo quanh co, khúc khuỷu men theo triền núi,

uốn lượn như dãi lụa vắt ngang giữa trời mây. Chỉ căn cứ vào tên gọi, cũng đủ hình dung Hải Vân là thế giới của gió và mây. Gió như đàn ngựa giong ruổi dặm trường, mây như từ trên trời tuôn xuống. Bước chân người đến đây như lạc vào cõi nào khác lạ, huyền ảo khói sương. Cao Bá Quát, một nhà thơ một đời chỉ biết lạy hoa mai (Nhất sinh đê thủ bái hoa mai) cũng đã phải sững sờ: Nhất bích ngưng vi giới, Trùng vân nhiễu tác thành (Biếc một dãi làm mốc, Mây muôn trùng dựng thành). Cũng từ đây, vào những ngày đẹp trời, du khách có thể thấy rõ toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa - Bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm... và những bãi cát vàng chạy dài ôm lấy mặt nước bao la trong xanh của biển.

Những gì thiên nhiên ban tặng, qua thời gian và qua bàn tay con người, sẽ trở thành những giá trị nhân văn. Đến Hải Vân là đến với nơi giao thoa giữa hai vùng đất, là thỏa mãn tâm lý chiếm lĩnh đỉnh cao, hòa mình trong âm vọng sử thi của bao dấu chân người Việt xưa đi mở cõi, bồi hồi thương nhớ quá khứ thẳm sâu của một khúc ruột miền Trung.

3.2.1.2. Các điểm du lịch ở Quảng Bình

Quảng Bình là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, có diện tích tự nhiên là 8.065,27 km. Quảng Bình nằm ở nơi hẹp nhất theo chiều Đông-Tây của dải đất hình chữ S của Việt Nam (50 km theo đường ngắn nhất tính từ biên giới Lào ra biển Đông). Tỉnh này giáp Hà Tĩnh về phía bắc với dãy Hoành Sơn là ranh giới tự nhiên; giáp Quảng Trị về phía nam; giáp Biển Đông về phía đông; phía tây là tỉnh Khăm Muộn và tây nam là tỉnh Savannakhet của Lào với dãy Trường Sơn là biên giới tự nhiên.

Tỉnh có di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng. Đây là nơi có phong cảnh đẹp, sự đa dạng sinh học cao, có giá trị về khoa học. Tỉnh có nhiều bãi biển đẹp như Đá Nhảy, Nhật Lệ, các danh thắng như đèo Ngang… rất hấp dẫn du khách. Một số những điểm tham quan du lịch nổi tiếng như sau:

a) Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

VQG Phong Nha-Kẻ Bàng nằm trong khu vực tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. VQG này có hệ thống hang động đá vôi phức tạp cũng như hệ sinh thái đa dạng. Năm 2003, vườn quốc gia này được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới. Phong Nha-Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000 ha thuộc lãnh thổ Việt Nam, khu vực lãnh thổ Lào tiếp giáp vườn quốc gia này cũng có diện tích núi đá vôi khoảng 200.000 ha. Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha. VQG được thiết lập để bảo vệ một trong hai vùng carxtơ lớn nhất thế giới với khoảng 300 hang động và bảo tồn hệ sinh thái bắcTrường Sơn ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Các hang động ở đây có tổng chiều dài khoảng hơn 80 km nhưng các nhà thám hiểm hang động Anh và Việt Nam mới chỉ thám hiểm 20 km, trong đó 17 km ở khu vực Phong Nha và 3 km ở khu vực Kẻ Bàng.

Thực vật trên núi đá vôi, dạng thực vật điển hình tại VQG Phong Nha-Kẻ Bàng là một bộ phận của vùng sinh thái Trường Sơn. Cho đến nay, chủng loại thực vật lớn nhất ở đây là rừng thường xanh ẩm, rậm nhiệt đới trên đá vôi cao 800 m so với mực nước biển. 96,2% diện tích khu vườn quốc gia này được rừng bao phủ; 92,2% là rừng nguyên sinh; 74,7% (110.476 ha) khu vườn quốc gia này là rừng ẩm nhiệt đới thường xanh trên đá vôi có độ cao dưới 800 m; 8,5% (12.600 ha) là rừng ẩm nhiệt đới thường xanh trên đá vôi có độ cao trên 800 m; 8,3% (12.220 ha) là rừng ẩm nhiệt đới trên đất núi đất có cao độ dưới 800 m, 1,3% (1.925 ha) là bụi cây và cỏ và cây rải rác trên đá vôi; 2% (2.950 ha) là cỏ, bụi cây và cây rải rác trên núi đất; 180 ha là rừng tre nứa và mây song; thảm cây nông nghiệp 521 ha.

Ở VQG này có một khu vực rừng bách xanh được phân bổ trên đỉnh núi đá vôi có diện tích khoảng trên 5000 ha, có khoảng 2500 cây với mật độ 600 cây/ha. Các cây bách xanh ở vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có tuổi 500-600 năm. Bởi hiện trên thế giới chỉ có 3 loài bách xanh đã được nhận diện. Đây là quần thể bách xanh núi đá (Calocedrus rupestris) lớn nhất Việt Nam. Loài bách xanh này nằm trong nhóm 2A theo quy định tại công văn số 3399/VPCP-NN (ngày 21 tháng 6 năm 2002) đính chính cho nghị định 48 của Chính phủ, thuộc nhóm quý hiếm, hạn chế khai thác.

Phong Nha-Kẻ Bàng là nơi sinh sống của 140 loài thú thuộc 31 họ và 10 bộ, nổi bật nhất là hổ và bò tót, loài bò rừng lớn nhất thế giới, 302 loài chim, trong đó có ít nhất 43 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 19 loài nằm trong Sách đỏ thế giới; 81 loài bò sát lưỡng cư (18 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 6 loài Sách đỏ thế giới); 259 loài bướm; 72 loài cá, trong đó có 4 loài đặc hữu Việt Nam. Năm 1996, ở đây có loài cá mới phát hiện ở Việt Nam. Linh trưởng có 10 loài linh trưởng, chiếm 50% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ởViệt Nam, 7 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là voọc Hà Tĩnh, sao la, mang. Phong Nha-Kẻ Bàng được đánh giá là có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển quốc gia trên thế giới.

Động Phong Nha – Kẻ Bàng

Thuộc vùng núi đá vôi Kẻ Bàng, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới 50km về phía tây bắc, động Phong Nha được coi là "Thiên Nam đệ nhất động" của Việt Nam, được che chở bởi những cánh rừng nhiệt đới. Đây là một trong những niềm tự hào của người dân Quảng Bình và là một điểm tham quan kỳ thú hấp dẫn du khách.

Động Phong Nha, dài 7.729 mét, có 14 hang, có dòng sông ngầm dài 13.969 mét mới lung linh kỳ ảo và rực rỡ nhất. Cửa động cao khoảng 10 mét, rộng 25 mét. Từ phía trên, nhũ đá nhỏ xuống trông như những giọt sương khổng lồ đang tan chảy…

Hang động Phong Nha được biết đến từ thế kỷ X, khi người Chăm đã đến đây, lập bàn thờ và viết bia. Hiện nay, còn có 97 chữ Chăm cổ trong hang và hang đó được gọi là hang Bi ký. Đến năm 1898, một người Pháp có tên là Hangry Cadie đã đến thám hiểm động Phong Nha đi sâu được 600m. Sau này, người Anh và các nhà khoa học của trường ĐH Quốc gia đã nghiên cứu, khám phá các hang động.

Động Phong Nha có hai phần: động khô và động nước. Động khô nằm ở độ cao 200m, theo các nhà địa lý học, từ xa xưa dòng sông ngầm đã cạn nước, chỉ còn lại những vòm đá trắng và cột đá xanh ngọc bích. Các thạch nhũ trong động Phong Nha trải qua hàng triệu năm kiến tạo từ đá vôi dạng karst, bị nước mưa thẩm thấu, hoà tan và chảy xuống từ nóc hang tạo thành những nhũ đá vô cùng lạ mắt như sư tử, ngai vàng, Đức Phật... Nước mưa tiếp tục rơi xuống đáy hang, kết canxi tạo ra măng đá. Những phiến đá, măng đá, nhũ đá, sông ngầm muôn hình muôn vẻ lung linh kỳ vĩ. Dường như Phong Nha là nơi hội tụ tất cả vẻ đẹp hoàn mỹ nhất của thiên nhiên và là nơi trí tưởng tượng được thăng hoa nhất.

Vào tháng 4 - 1997, một cuộc hội thảo khoa học về di tích danh thắng Phong Nha - Xuân Sơn được tổ chức tại Quảng Bình. Kết quả nghiên cứu khảo sát cho biết Phong Nha có 7 cái nhất:

1. Hang nước dài nhất (Hang Vòm-28km)

2. Cửa hang cao và rộng nhất

3. Bãi cát và đá rộng đẹp nhất

4. Hồ ngầm đẹp nhất

5. Thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất

6. Dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam (13.969 m)

Xem tất cả 169 trang.

Ngày đăng: 01/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí