TRƯỜNG CAO ĐẲNG CỘNG ĐỒNG LÀO CAI KHOA DU LỊCH
TẬP BÀI GIẢNG
TUYẾN ĐIỂM DU LỊCH VIỆT NAM
(Dành cho học sinh, sinh viên chuyên ngành du lịch)
LÀO CAI, 2015
LỜI NÓI ĐẦU
Có thể bạn quan tâm!
- Tuyến điểm du lịch Việt Nam Dành cho học sinh, sinh viên chuyên ngành du lịch - Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai - 2
- Các Tuyến Du Lịch Chủ Yếu Và Mộ Số Chương Trình Du Lịch Của Trung Tâm Du Lịch Hà Nội
- Một Số Tuyến Và Chương Trình Du Lịch Xuất Phát Từ Hà Nội
Xem toàn bộ 169 trang tài liệu này.
Trong suốt hơn 40 năm hình thành và phát triển, du lịch Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ, trở thành ngành kinh tế có vị trí xứng đáng trong nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, kinh doanh lữ hành ở Việt Nam phát triển rất nhanh chóng. Từ một công ty du lịch ở thời kỳ đầu đến năm 2014, toàn ngành đã có 2532 doanh nghiệp lữ hành (nội địa và quốc tế) đáp ứng nhu cầu đi du lịch ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước. Và kinh doanh lữ hành cũng là một trong những ngành kinh doanh chính của kinh doanh du lịch. Muốn đạt hiệu quả kinh doanh cao, ngoài kiến thức sâu rộng về ngành du lịch nói chung, các nhà kinh doanh cần phải có kiến thức về kinh doanh lữ hành nói riêng. Tại các trường cao đẳng và đại học đào tạo về du lịch, trong hệ thống kiến thức về ngành du lịch, việc trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức về tuyến điểm du lịch phục vụ cho kỹ năng kinh doanh lữ hành là điều cần thiết.
Môn học “Tuyến điểm du lịch Việt Nam” là một môn học cốt lõi trong chuyên ngành đào tạo “Hướng dẫn du lịch” và “Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành” của trường Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai. Mục tiêu của môn học nhằm trang bị cho học sinh, sinh viên các kiến thức lý luận về tuyến, điểm du lịch và các loại hình du lịch; các tuyến, điểm du lịch của từng vùng du lịch trên đất nước Việt Nam. Kiến thức của môn học là sự tiếp nối kiến thức các môn cơ sở của ngành đã được trang bị trước đó.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và yêu cầu của công tác đào tạo, Khoa Du lịch trường Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai đã tiến hành biên soạn tập bài giảng Tuyến điểm du lịch Việt Nam phù hợp với nhu cầu và nội dung giảng dạy của ngành đào tạo dành cho hệ TCCN và cao đẳng. Đồng thời, tập bài giảng đã hệ thống kiến thức và cập nhật mới các thông tin du lịch của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Nội dung của tập bài giảng gồm có 4 chương. Chương 1: Cơ sở lý luận về Tuyến điểm du lịch. Chương 2: Tuyến điểm du lịch vùng du lịch Bắc Bộ. Chương 3: Tuyến điểm du lịch vùng du lịch Bắc Trung Bộ. Chương 4: Tuyến điểm du lịch vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Nội dung các chương ngoài kiến thức cơ bản còn cập nhật các kiến thức mới và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Hi vọng tập bài giảng sẽ là tài liệu hữu ích cho các học sinh, sinh viên thuộc các ngành liên quan đến du lịch, cũng như tất cả những ai quan quâm tới lĩnh vực này.
Tập bài giảng được tổ chức và biên soạn với thái độ làm việc nghiêm túc nhưng không thể tránh khỏi những khiếm khuyết. Chúng tôi hi vọng sẽ nhận được sự đóng góp của các nhà nghiên cứu và người đọc quan tâm đến lĩnh vực để tập bài giảng ngày càng hoàn thiện hơn.
TÁC GIẢ
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TUYẾN ĐIỂM DU LỊCH
1.1. KHÁI NIỆM
1.1.1. Điểm du lịch
Điểm du lịch là nhân tố quan trọng hình thành nên các sản phẩm du lịch phục vụ cho hoạt động kinh doanh lữ hành. Điểm du lịch càng đa dạng thì sản phẩm du lịch càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Hiện nay khi đánh giá điểm du lịch, các nhà khoa học quan tâm nhiều đến giá trị thu hút khách của điểm đến. Và điểm du lịch có thể là đại diện của một địa phương, một vùng lãnh thổ hoặc của một quốc gia.
Hiện nay, có nhiều định nghĩa về điểm du lịch, theo Luật du lịch Việt Nam năm 2007, Điểm du lịch được định nghĩa như sau: Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch.
Điều kiện và nhân tố hình thành nên điểm du lịch:
Nơi có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, độc đáo và có sức hấp dẫn đối với du khách. Ví dụ những nơi có: suối nước khoáng; thảm thực vật và động vật phong phú; có không gian nghỉ ngơi; có địa điểm cho những hoạt động ngoài trời như đi dã ngoại, chạy bộ, đi xe đạp; những công trình kiến trúc, văn hóa nghệ thuật có giá trị….
Đảo bảo các điều kiện vệ sinh cần thiết cho du khách.
Có cơ sở hạ tầng: đường xá, cầu cống, hệ thống điện nước… đang hoạt động tốt.
Có loại hình lưu trú phục vụ du khách như khách sạn, nhà nghỉ, nơi cắm trại, nhà sàn,… Có hệ thống các cửa hàng bán đồ lưu niệm, đặc biệt là thực phẩm.
Hệ thống dịch vụ được trang bị đầy đủ như nhà luyện tập, câu lạc bộ phục hồi sức khỏe, khu vui chơi, giải trí.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, vòng đời của một điểm du lịch thường trải qua 6 giai đoạn:
Giai đoạn phát hiện: Trong giai đoạn này, một vùng hay một địa danh nào đó được du khách hoặc người dân, các nhà nghiên cứu ngẫu nhiên phát hiện và được thế giới tán thưởng, công nhận vẻ độc đáo, hấp dẫn của nó. Trong giai đoạn này chưa có hoạt động kinh doanh du lịch.
Giai đoạn tham gia: Đây là giai đoạn những người làm du lịch vào cuộc (nhà quản lý du lịch, đối tác, cộng đồng địa phương, nhà nước…). Họ sẽ tiến hành đưa ra ý tưởng, nghiên cứu, quy hoạch, xây dựng phương án phát triển. Đây là giai đoạn hoạt động du lịch đã diễn ra, nhưng chưa nhiều.
Giai đoạn phát triển: Trong giai đoạn này đã bùng nổ lượng khách đến điểm du lịch mới. Ngay trong giai đoạn này xuất hiện những mâu thuẫn giữa khách du lịch và người dân địa phương, giữa các cơ sở kinh doanh du lịch trong và ngoài địa phương đó. Đây là những mâu thuẫn muốn phát triển du lịch bền vững và kéo dài tuổi thọ của một điểm du lịch, rất cần thiết họ phải bắt tay cùng đưa ra hướng phát triển chung và hiệu quả.
Giai đoạn hoàn chỉnh: Để tiếp tục thu hút nhiều khách du lịch, chủ đầu tư và chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện điểm du lịch, mở rộng và nâng cấp các hạng mục và dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Đây cũng là giai đoạn thu hút khách trong chu kỳ phát triển của một điểm du lịch.
Giai đoạn trì trệ: Trong giai đoạn này, điểm du lịch đã được khai thác vượt quá sức tải của nó và bắt đầu đi xuống. Khách du lịch lúc này đã quá quen với hình ảnh điểm đến nên không còn hứng thú một điểm du lịch đã cũ và xuống cấp.
Giai đoạn suy tàn: Lượng khách giảm sút mạnh, sức hút của điểm du lịch không còn như trước. Vào thời điểm này tuy điểm du lịch vẫn còn hoạt động nhưng với quy mô nhỏ và doanh thu không còn được như trước đây.
Ở Việt Nam cũng như đối với tất cả các nước có hoạt động du lịch, nếu muốn kéo dài giai đoạn hoàng kim của điểm du lịch cần phải có chiến lược khai thác, quy hoạch, nâng cấp, mở rộng phù hợp với sự phát triển du lịch của quốc gia đó.
Theo Luật Du lịch Việt Nam, điểm du lịch muốn được công nhận là điểm du lịch quốc gia cần phải đạt được các tiêu chí sau đây:
- Có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn.
- Có khả năng bảo đảm phục vụ tối thiểu một trăm nghìn lượt khách du lịch một năm.
- Có đường giao thông thuận tiện đến điểm du lịch, có các dịch vụ: bãi đỗ xe, có khu vệ sinh công cộng, phòng cháy chữa cháy, cấp, thoát nước, thông tin liên lạc và các dịch vụ khác đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch.
- Đáp ứng các điều kiện về bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
Điểm du lịch quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định, công nhận.
Một số những điểm du lịch hấp dẫn: Sa Pa, chùa Hương Tích, Tam Đảo, Vịnh Hạ Long, Hội An, Địa đạo Củ Chi, Buôn Đôn,....
1.1.2. Tuyến du lịch
Trong hoạt động kinh doanh du lịch, tuyến du lịch là nhân tố quyết định đến việc thỏa mãn nhu cầu của du khách. Dựa vào nhu cầu, sở thích, vị trí địa lý của điểm du lịch và sự phân vùng lãnh thổ du lịch mà các nhà kinh doanh lữ hành đã tạo ta những tuyến du lịch phù hợp, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Tuyến du lịch có thể mang tính chất địa phương hoặc liên vùng tùy thuộc vào điểm đến du lịch và sự phân hóa lãnh thổ du lịch.
Hiện nay, tuyến du lịch có nhiều cách hiểu khác nhau, ở Việt Nam các nhà nghiên cứu hay sử dụng khái niệm: Tuyến du lịch là lộ trình liên kết các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, gắn với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không. Theo Luật du lịch Việt Nam năm 2007.
Như vậy, tuyến du lịch được coi như là một lịch trình được lên sẵn, kết nối các điểm du lịch, cùng với nó là các dịch vụ phục vụ đi kèm để thực hiện chương trình du lịch. Trong tuyến du lịch, quan trọng nhất là hành trình (lộ trình) của một chương trình du lịch. Thông qua tuyến du lịch, các nhà lữ hành có thể tính toán được thời gian của chuyến đi và đặc trưng nổi bật của sản phẩm du lịch đó.
Ở Việt Nam, để được công nhận là một tuyến du lịch phụ thuộc rất lớn vào kết cấu và khoảng cách của các điểm du lịch ở trong tuyến đó. Từ đó, phân chia thành tuyến du lịch quốc gia hay tuyến du lịch nội vùng (địa phương).
Điều kiện để được công nhận là tuyến du lịch quốc gia bao gồm:
- Nối các khu du lịch, điểm du lịch, trong đó có khu du lịch, điểm du lịch quốc gia, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, kết nối với các cửa khẩu quốc tế;
- Có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc theo tuyến.
Điều kiện để được công nhận là tuyến du lịch địa phương bao gồm:
- Nối các khu du lịch, điểm du lịch trong phạm vi địa phương;
- Có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc theo tuyến.
Một số tuyến du lịch quan trọng của Việt Nam: Hà Nội – Hải Dương - Hạ Long – Hải Phòng Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa
Hà Nội – Nghệ An – Quảng Bình – Quảng Trị - Huế TP. Hồ Chí Minh – Đà Lạt – Nha Trang
TP. Hồ Chí Minh – Đồng bằng Sông Cửu Long TP. Hồ Chí Minh – Vũng Tàu – Côn Đảo
1.2. CÁC LOẠI HÌNH TỔ CHỨC DU LỊCH
1.2.1. Du lịch dã ngoại
Du lịch dã ngoại thích hợp với các hoạt động thanh niên, khảo sát, nghiên cứu và khám phá. Du lịch dã ngoại cung ứng thỏa mãn các yêu cầu thuộc về tinh thần: thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ, hoang dã hay thơ mộng của cảnh vật thiên nhiên; tìm tòi những điều mới lạ, sống gần với tự nhiên để có được những cảm xúc rạt rào, thư thái tâm hồn, với một thể chất được tập luyện và tái bồi dưỡng bằng không khí trong lành. Ðặc biệt du lịch dã ngoại phát triển tinh thần cộng đồng giúp mọi thành viên thân thiết với nhau hơn.
Du lịch dã ngoại được hiểu như sau: Là loại hình du lịch cắm trại ngoài trời, kết hợp những trò chơi để tạo mối thân mật trong đoàn du lịch, thường là những nhóm người trong cùng một lớp học, đoàn thể, cơ quan và thích hợp cho các đối tượng thanh thiếu niên.
Thực tế, đây là hình thức du lịch dã ngoại có thể mang lại nhiều niềm vui cho con người, ngay cả những du khách tuổi già, và cả những du khách có hứng thú về trèo non, vượt suối băng ngàn, những buổi vui chơi rộn rã tiếng "hò dô ta" hoặc là những đêm lửa trại giữa núi rừng, đồi hoang, đảo vắng, ấm áp tình người với những trò chơi giản dị, hồn nhiên.
Ở Việt Nam, với địa hình đa dạng và có nhiều cảnh vật hoang sơ nên rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch này đối với cả đối tượng khách nội địa và khách quốc tế. Khách du lịch nước ngoài rất thích thú với các tuyến hành trình bằng xe đạp đi khám phá các vùng nông thôn hoặc vùng núi, hải đảo. Họ được trải nghiệm những khoảng khắc đẹp trong cuộc sống thường nhật của những người dân ở mỗi vùng, miền khác nhau trên đất nước Việt Nam.
Một số các điểm du lịch dã ngoại được du khách yêu thích nhất là Sài Gòn, vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, Ngũ Hành Sơn, các bãi biển, Ðà Lạt, Daklak, Hội An, Huế, Hà Nội, vịnh Hạ Long, vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc....
1.2.2. Du lịch sinh thái
Du lịch sinh thái để thưởng thức những tài nguyên thiên nhiên (sông, núi, biển, rừng) thích hợp cho mọi đối tượng khách du lịch đặc biệt là khách nước ngoài. Nội dung căn bản của du lịch sinh thái là tập trung vào mức độ trách nhiệm của con người đối với môi trường. Quan điểm thụ động cho rằng Du lịch sinh thái là du lịch hạn chế tối đa các suy thoái môi trường do du lịch tạo ra, là sự ngăn ngừa các tác động tiêu cực lên sinh thái, văn hoá và thẩm mỹ. Quan điểm chủ động cho rằng du lịch sinh thái còn phải đóng góp vào quản lý bền vững môi trường lãnh thổ du lịch và phải quan tâm đến quyền lợi của nhân dân địa phương.
Ở Việt Nam vào năm 1999 trong khuôn khổ hội thảo xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển du lịch sinh thái đã đưa ra định nghĩa như sau: "Du lịch sinh thái là hình thức du lịch thiên nhiên có mức độ giáo dục cao về sinh thái và môi trường có tác động tích cực đến
việc bảo vệ môi trường và văn hóa, đảm bảo mang lại các lợi ích về tài chính cho cộng đồng địa phương và có đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn".
Trong Luật du lịch năm 2005, định nghĩa du lịch sinh thái được hiểu khá ngắn gọn "Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững". Theo quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các VQG, khu bảo tồn thiên nhiên, do bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành năm 2007, thì Du lịch Sinh thái được hiểu " Là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương với sự tham gia của cộng đồng dân cư ở địa phương nhằm phát triển bền vững". Tuy nhiên, trong giảng dạy và nghiên cứu thường sử dụng định nghĩa trong Luật Du lịch được ban hành năm 2005.
Thực tế, khi phát triển loại hình du lịch sinh thái, các nhà nghiên cứu kỳ vọng loại hình du lịch này sẽ cải thiện được các vấn đề về môi trường, kinh tế, văn hóa – xã hội. Bảo tồn tài nguyên của môi trường tự nhiên. Bảo đảm đối với du khách về các đặc điểm của môi trường tự nhiên mà họ đang chiêm ngưỡng. Thu hút tích cực sự tham gia của cộng đồng địa phương, người dân bản địa trong việc quản lý và bảo vệ, phát triển du lịch đang triển khai thực hiện trong điểm du lịch, khu du lịch v.v...
Qua các yêu cầu nhiệm vụ đề ra nói trên, loại hình du lịch sinh thái vừa đảm bảo sự hài lòng đối với du khách ở mức độ cao để tạo lập sự hấp dẫn đối với họ, đồng thời qua du khách quảng bá uy tín của điểm du lịch, khu du lịch. Từ đó ngành du lịch có điều kiện bảo đảm và nâng cao hiệu quả của hoạt động du lịch và cũng là cơ hội tăng thu nhập cho người dân thông qua hoạt động du lịch, cũng tức là có điều kiện thuận lợi về xã hội hoá thu nhập từ du lịch.
Một số nơi thu hút khách với loại hình du lịch sinh thái như: Hà Nội, Đà Lạt, TP. Hồ Chính Minh, đồng bằng Sông Cửu Long, Cần Thơ…
1.2.3. Du lịch nghiên cứu
Du lịch nghiên cứu là loại hình du lịch ngày càng phổ biến do nhu cầu kết hợp lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Một trong những biểu hiện của loại hình này là sinh viên thuộc các ngành học như địa lý, lịch sử, văn hóa, môi trường… được tổ chức đi nghiên cứu tìm hiểu thực tế. Ngoài ra, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực trên họ cũng có nhu cầu nghiên cứu thực tế tại các điểm phù hợp với nội dung nghiên cứu. Địa điểm đến phải là những nơi có các đối tượng phù hợp với nội dung học tập như vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, các di tích lịch sử - văn hóa, bảo tàng….
Hiện nay, có nhiều cách hiểu về hình thức du lịch nghiên cứu. Tuy nhiên, cách hiểu được sử dụng nhiều nhất là khái niệm: Du lịch nghiên cứu là loại hình du lịch tổ chức cho cá nhân hay một nhóm nghiên cứu, tìm hiểu về các tài nguyên thiên nhiên (động thực vật học, địa chất), các tài nguyên nhân văn (văn hóa, trang phục của các dân tộc).
Một số nơi thu hút khách du lịch đến nghiên cứu: VQG Cúc Phương, VQG Hoàng Liên Sơn, VQG Tràm Chim, VQG Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Cát Tiên, bảo tàng Lịch sử, bảo tàng Dân tộc học, tìm hiểu văn hóa vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên, tìm hiểu văn hóa người Chăm….
1.2.4. Du lịch tìm hiểu về lịch sử - văn hóa
Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, con người ngày càng có điều kiện và nhu cầu tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của dân tộc mình và các dân tộc khác trên thế giới. Do đó, việc tổ chức các chương trình du lịch gắn với nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa của một dân tộc, một quốc gia đang là mối quan tâm của các nhà quản lý du lịch.
Nếu như các hình thức du lịch khác thường gắn liền với cả hai loại tài nguyên du lịch, thì du lịch tìm hiểu về lịch sử - văn hóa chỉ gắn với tài nguyên du lịch nhân văn. Đây là, loại
hình du lịch tìm hiểu những tài nguyên nhân văn thích hợp cho mọi đối tượng khách tham quan đến những đình, đền, chùa, các công trình kiến trúc nghệ thuật, các công trình kỷ niệm những danh nhân và sự kiện lịch sử.
Một số điểm du lịch văn hóa tiêu biểu
- Điểm du lịch địa đạo Củ chi ( TPHCM )
- Điểm du lịch đình Bình thủy ( tỉnh Cần thơ )
- Điểm du lịch Côn sơn – Kiếp Bạc ( tỉnh Hải dương )
- Khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc ( tỉnh Đồng Tháp )
- Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)
- Cố đô Huế (TP. Huế)
- Phố cổ Hội An (Quảng Nam)
1.2.5. Du lịch vui chơi, giải trí
Mục đích của chuyến du lịch là thư giãn, thoát khỏi công việc căng thẳng thường ngày để phục hồi sức khỏe. Với mục đích này du khách chủ yếu muốn tìm đến những nơi yên tĩnh, có không khí trong lành. Tuy nhiên, ngoài thời gian tham quan, nghỉ ngơi rất cần thiết có các chương trình vui chơi, giải trí. Để đáp ứng xu thế này cần quan tâm mở rộng các loại hình và các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ vui chơi giải trí như các công viên, các trung tâm thương mại, sòng bạc….
Chính vì mục đích của chuyến đi nên hình thức du lịch vui chơi, giải trí được hiểu là loại hình du lịch giúp cho khách tham quan những giây phút được thư giãn về tinh thần sau một thời gian lao động cực nhọc, tăng cường sức khỏe để tiếp tục công việc.
Ở Việt Nam, loại hình du lịch này mới chỉ phát triển mạnh ở cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ
XXI. Tuy nhiên, thực tế các khu vui chơi, giải trí còn chưa hiện đại do hoàn cảnh kinh tế nước ta còn khó khăn.
- Điểm du lịch tắm bùn và nước khoáng Tháp Bà (tỉnh Khánh hoà).
- Khu du lịch Suối Tiên (TP. HCM).
- Thiên đường Bảo Sơn (TP. Hà Hội)
- Vinpearl Land (Nha Trang)
- Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến (Bình Dương)
1.2.6. Các hình thức khác
Bên cạnh, cách phân loại trên, hiện nay có rất nhiều cách phân loại khác cũng được các nhà nghiên cứu sử dụng.
Cách phân loại dựa vào phương tiện vận chuyển có các hình thức:
- Du lịch bằng môtô - xe đạp: Trong loại hình này xe đạp và môtô được làm phương tiện đi lại cho du khách từ nơi ở đến điểm du lịch. Nó được phát triển ở nơi có địa hình tương đối bằng phẳng
- Du lịch bằng tàu hỏa: Được hình thành từ những năm 40 của thế kỷ 19.
Ngày nay do sự phát triển của ngành đường sắt, số khách du lịch bằng tàu hỏa ngày càng đông. Lợi thế của du lịch bằng tàu hỏa là: tiện nghi, an toàn, nhanh, rẻ, đi được xa và vận chuyển được nhiều người.
- Du lịch bằng tàu thủy: Được phát triển ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở những nước có bờ biển đẹp, có nhiều vịnh, nhiều đảo, hải cảng, sông hồ...
- Du tịch bằng xe hơi: Là loại hình du lịch được phát triển phổ biến và rộng rãi nhất. nó có nhiều tiện lợi và được nhiều người ưa chuộng: nhanh, du khách có điều kiện gần gũi với
thiên nhiên, có thể dừng lại ở bất cứ điểm du lịch nào...
- Du lịch bằng máy bay: Là loại hình du lịch có nhiều triển vọng nhất, nó có nhiều ưu thế: nhanh, tiện nghi. Vì vậy trong một thời gian ngắn du khách có thể đi được quãng đường xa hơn, giúp họ đi được nhiều nơi hơn. Tuy nhiên, giá cả tương đối cao không phù hợp với thu nhập của nhiều người.
Hoặc cách phân loại theo loại hình lưu trú:
- Du lịch ở trong khách sạn: Là loại hình du lịch phổ biến nhất. Loại hình này phù hợp với những người lớn tuổi, những người có thu nhập cao. Vì ở đây các dịch vụ hoàn chỉnh hơn, có hệ thống hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn, nhưng giá cả cao hơn.
- Du lịch ở trong Motel: Motel là các khách sạn được xây dựng ven đường xa lộ nhằm phục vụ cho khách du lịch bằng xe hơi. Ở đây có cả các giữa để xe cho lữ khách. Các dịch vụ trong Motel phần lớn là tự phục vụ. Du khách tự nhận phòng, tự gọi ăn trong nhà hàng. Các dụng cụ ở đây là loại sử dụng một lần. Giá cả trong Molel thường rẻ hơn ở trong khách sạn.
- Du lịch ở trong nhà trọ: Nhà trọ là những khách sạn loại nhỏ của tư nhân, giá cả thường rất thích hợp với du khách có thu nhập thấp, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ đi cùng.
- Du lịch cắm trại: Là loại hình du lịch được phát triển với nhịp độ cao, được giới trẻ ưa chuộng. Nó rất thích hợp với khách đi du lịch bằng xe đạp, mô tô, xe hơi. Đầu tư cho du lịch loại này không cao, chủ yếu sắm lều trại, bạt, giường ghế gấp và một số dụng cụ đơn giản rẻ tiền. Khách tự thuê lều bạt, tự dựng và tự phục vụ.
Những cách phân loại này tùy theo yêu cầu cụ thể của khách mà có cách thiết kế, tổ chức các chương trình du lịch phù hợp.