Tuyến điểm du lịch Việt Nam Dành cho học sinh, sinh viên chuyên ngành du lịch - Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai - 2

CHƯƠNG 2: TUYẾN ĐIỂM DU LỊCH VÙNG DU LỊCH BẮC BỘ

2.1. KHÁI QUÁT VỀ VÙNG DU LỊCH BẮC BỘ

2.1.1. Vị trí địa lý

Vùng du lịch Bắc Bộ có diện tích 150.066,8 km2, bao gồm 28 tỉnh, thành phố, kéo dài từ Hà Giang đến Hà Tĩnh, với Thủ đô Hà Nội là trung tâm tạo vùng và có tam giác tăng trưởng du lịch: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Vùng là nơi hội tụ đầu đủ các tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam. Trong số 3 vùng du lịch của cả nước, vùng du lịch Bắc Bộ có diện tích lớn nhất, với dân số là 41.013,4 nghìn người (2013), chiếm 45,3% diện tích và 45,2% dân số cả nước, mật độ trung bình là 260 người/km2, tương đương với mật độ dân số toàn quốc.

Vùng du lịch Bắc Bộ có 7 tỉnh ở phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên) tiếp giáp với Trung Quốc; 5 tỉnh phía Tây (Lai Châu, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) tiếp giáp với Lào, phía đông giáp vịnh Bắc Bộ với bờ biển dài l.000km và hàng nghìn đảo nhỏ. Trong đó, có các đảo nhỏ dọc theo các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng rất có giá trị về mặt du lịch.

Vị trí địa lý của vùng du lịch Bắc Bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho vùng có biểu hiện đầy đủ nhất về đất nước và con người Việt Nam. Thiên nhiên của vùng rất đa dạng và mang nhiều nét đặc trưng độc đáo của cảnh quan nhiệt đới gió mùa ẩm. Vùng là cái nôi hình thành nên dân tộc Việt với nền văn hóa Việt. Bên cạnh đó, vùng núi phía Bắc còn là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư các dân tộc Việt Nam, nên kho tàng văn hóa của mỗi dân tộc đã tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng đầy màu sắc. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động du lịch, đặc biệt ngoài giá trị cho khách nội địa, vùng còn có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách quốc tế.

2.1.2. Thống kê các điểm du lịch quan trọng của vùng

Vùng du lịch Bắc Bộ bao gồm 28 tỉnh thành, mỗi tỉnh có những điểm du lịch đặc trưng, tạo nên các sản phẩm du lịch có giá trị lớn đối với hoạt động kinh doanh du lịch. Hệ thống các điểm du lịch, điểm tham quan quan trọng của vùng bao gồm nhiều điểm có giá trị, được thống kê chi tiết trong bảng phục lục 1: Hệ thống các điểm du lịch/điểm tham của vùng du lịch Bắc Bộ.

2.1.3. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch

Vùng du lịch Bắc Bộ có lịch sử hình thành và phát triển du lịch sớm nhất nước ta do đó, vùng đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, đa dạng phục vụ cho sự phát triển của ngành. Tại các trung tâm hoặc các điểm du lịch đã xây dựng được hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách. Hệ thống này ngày càng đa dạng về loại hình đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách đến từ nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, hệ thống các điểm, khu vui chơi giải trí của vùng vẫn còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 169 trang tài liệu này.

Về hệ thống cơ sở lưu trú, số lượng khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 3 sao trở lên đã được đầu tư xây dựng tại trung tâm du lịch Hà Nội, các điểm du lịch Hạ Long, Hải Phòng, Hải Dương, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh.... Loại hình lưu trú cũng ngày càng đa dạng. Ngoài hệ thống khách sạn cao cấp, vùng có phát triển hệ thống nhà nghỉ, khu resrot, homestay, camping... phục vụ tối đa nhu cầu nghỉ dưỡng của các đối tượng khách. Các hình thức lưu trú này không chỉ tập trung tại trung tâm du lịch Hà Nội mà còn được trải đều ở các tiểu vùng du lịch. Đây là điều kiện để phát triển du lịch đồng đều giữa các tỉnh thành trong vùng, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch. Các cơ sở lưu trú quan trọng của vùng được thống kê chi tiết trong phục lục 2: Hệ thống cơ sở lưu trú quan trọng của vùng du lịch Bắc Bộ.

Đối với vùng du lịch Bắc Bộ, hệ thống nhà hàng, quán bar phục vụ cho hoạt động du lịch của vùng trong giai đoạn hiện nay cũng ngày càng phát triển đa dạng. Trong vùng, có nhiều kiểu nhà hàng phục vụ đa dạng cho các đối tượng khách khác nhau: nhà hàng các món ăn dân tộc, nhà hàng chuyên món ăn Âu, nhà hàng chuyên món ăn chay, nhà hàng chuyên món ăn của một số quốc gia trên thế giới (Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,...). Sự phong phú này giúp cho khách quốc tế có nhiều sự lựa chọn và khách nội địa sẽ được thưởng thức văn hóa ăn của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế các nhà hàng lớn chỉ tập trung ở các trung tâm du lịch phát triển như Hà Nội, Hạ Long. Với các điểm du lịch nhỏ cơ sở ăn uống còn nhỏ lẻ, manh mún chưa có hệ thống nhà hàng chuyên dụng hoặc mới chỉ phát triển hình thức ăn theo bàn truyền thống (chưa có kiểu Buffet mang lại nhiều sự lựa chọn cho du khách).

Bên cạnh hệ thống khách sạn, nhà hàng sang trọng, vùng du lịch Bắc Bộ còn có nhiều cơ sở phục vụ lưu trú và ăn uống với hệ thống nhà nghỉ, quán bar tập trung tại các điểm du lịch quan trọng của vùng như Nghệ An, Sa Pa, Ninh Bình.... Với sự đa dạng này, đã đáp ứng được nhu cầu phong phú của du khách với nhiều các loại hình du lịch khác nhau. Tuy nhiên, có nhiều cơ sở còn hoạt động manh mún vẫn mang tính thời vụ, do đó cần mở rộng kinh doanh đem lại sự phục vụ chuyên nghiệp, hoàn hảo cho du khách. Những nhà hàng quan trọng của vùng được thống kê chi tiết trong phục lục 3: Hệ thống nhà hàng quan trọng của vùng du lịch Bắc Bộ.

2.1.4. Sản phẩm du lịch đặc trưng

Sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng du lịch Bắc Bộ là du lịch văn hóa, du lịch hội nghị hội thảo kết hợp với du lịch sinh thái, tham quan, nghiên cứu và nghỉ dưỡng.

- Du lịch tham quan nghiên cứu nền văn hóa Việt Nam

+ Các di tích văn hóa – lịch sử của vùng là chứng nhân cho thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

+ Các lễ hội, tâm linh thuộc các nền văn minh, văn hóa của dân tộc.

+ Các di sản, văn hóa nghệ thuật truyền thống của cộng đồng người Việt và các dân tộc khác.

+ Các làng nghề thủ công truyền thống

- Tham quan nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại các vùng có cảnh quan đẹp

+ Vùng biển và hải đảo

+ Các hồ chứa nước lớn và nghỉ mát trên núi

+ Vùng núi đá, hang động karst

+ Vùng núi cao, rừng nguyên sinh

- Du lịch sinh thái

+ Tham quan nghỉ dưỡng tại các khu sinh thái gần trung tâm du lịch Hà Nội

+ Các vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển cho phép khai thác phục vụ phát triển du

lịch

- Du lịch hội nghị, hội thảo, hội chợ, công vụ

Bản đồ 2 1 Tuyến điểm du lịch vùng du lịch Bắc Bộ 2 2 MỘT SỐ TUYẾN DU 1

Bản đồ 2.1: Tuyến điểm du lịch vùng du lịch Bắc Bộ

2.2. MỘT SỐ TUYẾN DU LỊCH QUAN TRỌNG ĐANG PHÁT TRIỂN TRONG VÙNG

2.2.1. Tuyến du lịch trung tâm Hà Nội

2.2.1.1. Khái quát về Hà Nội

Hà Nội là thành phố cổ, là thủ đô của nước Việt Nam được xây dựng cách đây hàng nghìn năm, là nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống và nhân tài.

Hà Nội thành phố đứng đầu Việt Nam về diện tích với 3328,9 km2, đồng thời cũng là địa phương đứng thứ nhì về dân số với 7.129.600 người (2014).

Sau đợt mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8 năm 2008, Hà Nội hiện nay gồm 10 quận, 1 thị xã và 18 huyện ngoại thành. Hiện nay, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng của Việt Nam.

Hà Nội nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ, thuận tiện cho giao thông và trao đổi kinh tế, văn hóa với các tỉnh thành trong vùng và cả nước. Hà Nội cũng là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước.

Hà Nội có tiềm năng to lớn về tài nguyên du lịch (theo thống kê của Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, đến năm 2011, Hà Nội có 2.114 di tích văn hóa lịch sử, 579 ngôi đình, 676 ngoi chùa, 273 ngôi đền với mật độ di tích được xếp hạng cao nhất cả nước, trung bình 42,8 di tích/km2). Đây là tiền đề quan trọng để du lịch Hà Nội phát triển.

Theo thống kê năm 2013, Hà Nội có 611 cơ sở lưu trú với hơn 12.700 phòng đang hoạt động. Trong số này chỉ có 178 khách sạn được xếp hạng với 8.424 phòng. Tình trạng thiếu phòng cao cấp là một trong những nguyên nhân khiến lượng khách nước ngoài tới Hà Nội không cao. Với mức giá được coi là khá đắt ở Việt Nam, khoảng 126,26 USD một đêm cho phòng khách sạn 5 sao, hiệu suất thuê phòng các khách sạn 3–5 sao ở Hà Nội hiện dao động từ 80% đến 90%. Ngoài 9 khách sạn 5 sao là Daewoo, Horison, Hilton Hanoi Opera, Melia, Nikko, Sofitel Metropole, Sheraton, Sofitel Plaza, và InterContinental, thành phố còn 6 khách sạn 4 sao và 19 khách sạn 3 sao.

Về tài nguyên du lịch tự nhiên, Hà Nội có cảnh quan địa hình phân hóa đa dạng từ miền núi cao khu vực Ba Vì đến vùng đồng bằng trũng. Sự phân hóa địa hình tạo nên nhiều cảnh quan du lịch hấp dẫn cho thành phố, tiêu biểu như Ba Vì, Hương Sơn, Sóc Sơn… Thành phố cũng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thích hợp cho hoạt động du lịch. Hệ thống sông hồ cũng là một đặc điểm thu hút khách của thành phố, hấp dẫn du khách như: sông Hồng, sông Đáy; hồ Tây, hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, hồ suối Hai….Ngoài ra, thành phố còn có hệ thống cây xanh, vườn quốc gia có giá trị cao đối với hoạt động tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng, tiêu biểu là vườn quốc gia Ba Vì.

Hà Nội tập trung nhiều công trình kiến trúc tâm linh có giá trị như: chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, đền Ngọc Sơn, chùa Thầy, chùa Đậu, chùa Mía…Bên cạnh đó, lễ hội cũng là một tài nguyên đặc sắc, có giá trị rất hấp dẫn khách du lịch. Các lễ hội tiêu biểu: lễ hội Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Quang Trung, Chùa Hương, An Dương Vương…

Hà Nội có hệ thống bảo tàng đa dạng ở Việt Nam (hơn 10 bảo tàng): Dân tộc học, Lịch sử, Cách mạng, Quân sự, Mỹ thuật…cùng với nhiều thư viện, trung tâm triển lãm, trung tâm thông tin…. là những địa điểm tham quan, vui chơi giải trí hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Trung tâm du lịch Hà Nội còn là nơi tập trung các làng nghề nổi tiếng như: làng gốm Bát Tràng, làng Ngũ Xá đúc đồng, làng lụa Vạn Phúc, làng Nón Chuông, sơn mài Hạ Thái… vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống làng nghề. Nơi đây cũng là những điểm tham quan quen thuộc của du khách quốc tế.

Cùng với tài nguyên du lịch phong phú, thành phố Hà Nội có hệ thống cơ sở vật chất – kỹ thuật, cơ sở hạ tầng rất phát triển. Hệ thống khách sạn, nhà hàng, các cơ sở vui chơi, giải trí phát triển trên khắp thành phố. Hiện tại, thành phố có khoảng 200 khách sạn được xếp hạng, trong đó có 6 khách sạn chuẩn 5 sao, đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng khách khác nhau. Ngoài ra, thành phố là đầu mối giao thông và có sân bay quốc tế cũng là yếu tố thuận lợi để du khách dễ dàng di chuyển và thu hút đông đảo hơn nữa du khách trong tương lai.

2.2.1.2. Các điểm tham quan du lịch trong nội thành Hà Nội

a) Khu Phố cổ Hà Nội

Phố cổ Hà Nội được xác định bởi khu 36 phố phường. Khu phố cổ được xây dựng từ thế kỷ XI khi vua Lý Thái Tổ cho xây dựng kinh thành Thăng Long. Về địa giới, không gian khu Phố cổ Hà Nội có thể coi như một hình tam giác cân, có đỉnh là phố Hàng Than, cạnh phía đông là đê sông Hồng, cạnh phía Tây là phố Hàng Cót, Hàng Điếu, Hàng Da, còn đáy là phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ. Ngày nay, khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, tổng diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường: phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ.

Thời Lý, Phố cổ Hà Nội gồm 36 phố phường, thời nhà Trần Phố cổ Hà Nội được mở rộng với 61 phố phường. Từ thời Lê đến nay khi nới tới Phố cổ Hà Nội là được xác định bởi 36 phố phường.

Phố cổ Hà Nội được quy hoạch theo hình bàn cờ, có chức năng là nơi kinh doanh và sản xuất các mặt hàng theo tên gọi. Việc bố trí các phố phù hợp với điều kiện kinh doanh, các phố buôn bán những mặt hàng cồng kênh cần đường giao thông đều nằm gần mặt đê sông Hồng. Đặc trưng nổi bật nhất của khu phố cổ là các phố nghề. Thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long xưa tụ tập về đây, tập trung theo từng khu vực chuyên làm nghề của mình. Và chính sản phẩm được buôn bán trở thành tên phố, với chữ "Hàng" đằng trước, mỗi phố chuyên môn buôn bán một loại mặt hàng. Hiện nay, một số phố vẫn còn giữ được sản phẩm truyền thống như phố Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc...

Đặc trưng tiếp theo của khu phố cổ là kiến trúc nhà cổ trong khu phố buôn bán. Những nhà cổ chủ yếu là nhà ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán thò thụt không đều, được dựng vào thế kỉ XVIII - XIX, trước đó hầu hết là nhà mái tranh, chỉ có một số nhà giàu có, nhà của Hoa kiều mới lợp mái ngói.

Thời kì toàn quốc kháng chiến, để tránh đụng độ trực tiếp với quân Pháp và lính Lê dương, người dân và Vệ quốc quân đã đục thông tường từ nhà này sang nhà khác. Khi cần người ta có thể đi từ đầu đến cuối phố qua những lỗ hổng giữa các ngôi nhà mà không cần phải xuống đường. Từ cuối thế kỉ XX, các nhà cổ dần dần biến mất. Thay vào đó là các ngôi nhà ống xây mới phá vỡ cảnh quan vốn có của phố cổ.

Bên cạnh kiến trúc nhà, khu phố cổ còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa như đình, đền, chùa, hội quán. Điển hình: Đình Nhân Hội (33 phố Bát Đàn); đình Đông Môn (8 Hàng Cân); đình Thuận Mỹ (64 Hàng Quạt); chùa Cầu Đông (38B Hàng Đường) ; chùa Kim Cổ (73 Đường Thành);…. Các di tích lịch sử văn hóa còn hiện hữu tại nơi đây đã thể hiện gốc gác truyền thống văn hóa của một bộ phận dân cư Thăng Long – Hà Nội xưa.

Khu Phố cổ Hà Nội ngày nay do bị thời gian tàn phá nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn giữ được những giá trị kiến trúc mỹ thuật, văn hóa như xưa. Do đó, việc trùng tu, bảo vệ Phố cổ Hà Nội đang rất cấp bách. Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định dùng khoảng 50 tỷ đồng để tân trang 75 tuyến phố của các quận nội, ngoại thành.

Ngày nay, phố cổ Hà Nội vẫn là nơi lưu giữa văn hóa Thăng Long – Hà Nội xưa, rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, ông F.Mayơ - Tổng giám đốc UNESCO đã nhận xét rằng: “Khu Phố cổ Hà Nội là một di tích quý giá, đáng được bảo tồn”.

b) Văn miếu Quốc Tử Giám

Văn miếu Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.

Cổng chính nằm ở phía nam công trình thuộc phố Quốc tử giám.

Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám có diện tích 54.331m2 bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám, mà kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Văn Miếu được xây dựng từ năm (1070) tức đời Lý Thánh Tông. Ngoài chức năng thờ tự, Văn miếu còn mang chức năng của một trường học Quốc gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức, con trai vua Lý Thánh Tông với Nguyên phi Ỷ Lan, lúc đó mới 5 tuổi, đến năm 1072 lên ngôi trở thành vua Lý Nhân Tông. Ngày nay toàn bộ khu Thái Học được xây dựng với diện tích 1530m² trên tổng diện tích 6150m² gồm các công trình kiến trúc chính là Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống được mô phỏng theo kiến trúc truyền thống trên nền đất xưa của Quốc Tử Giám.

Cổng Văn miếu là tam quan lớn, xây hai tầng ba cửa, tầng hai có tám mái, bốn mái nóc uốn cong, bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, tạo kiểu dáng vừa uy nghi, vừa thanh thoát. Qua cổng tam quan là khu Nhập đạo, có không gian cây xanh thảm cỏ, hồ nước, đường lát gạch.

Khuê Văn Các (nghĩa là "vẻ đẹp của sao Khuê") là một lầu vuông tám mái, bao gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ, cao gần chín thước, do Tổng trấn Nguyễn Văn Thành triều Nguyễn đương thời cho xây dựng vào năm1805. Gác dựng trên một nền vuông cao cân xứng có lát gạch Bát Tràng mỗi bề có chiều dài là 6,8 mét. Để bước lên được nền vuông này phài đi qua ba bậc thang đá. Kiểu dáng kiến trúc Khuê Văn Các rất hài hòa và độc đáo. Tầng dưới là 4 trụ gạch vuông, mỗi cạnh của trụ có chiều dài một mét và trên các mặt trụ đều có chạm trổ các hoa văn rất tinh vi và sắc sảo. Tầng trên là kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng trừ mái lợp và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc là bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát có độ bền cao.

Nằm trong khu Văn miếu còn có giếng Thiên Quang và bia Tiến sĩ là hai công trình rất có giá trị.

Thiên Quang tỉnh (tức "giếng soi ánh sáng bầu trời") còn được gọi là Văn Trì (Ao Văn). Thiên Quang nghĩa là ánh sáng bầu trời. Đặt tên này cho giếng, người xây dựng có ý muốn nói con người thu nhận được tinh túy của vũ trụ, soi sáng tri thức, nâng cao phẩm chất, tô đẹp nền nhân văn. Giếng hình vuông, quanh bờ đều xây hàng lan can tới độ ngang lưng. Người xưa còn có quan niệm giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho trời. Tinh hoa của cả trời cả đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa giáo dục uy nghiêm giữa chốn đế đô này. Một con đường nhỏ lát gạch bao quanh giếng cho phép người ta có thể dạo quanh giếng, lên gác Khuê Văn, vào cửa Đại Thành hoặc rẽ sang 2 vườn bia đá ở 2 bên.

Di tích có giá trị bậc nhất ở đây là 82 tấm bia Tiến sĩ dựng ở hai bên phải trái của giếng Thiên Quang, mỗi bên 41 tấm dựng thành 2 hàng ngang, mặt bia đều quay về phía giếng. Cả hai bên, giữa mỗi vườn bia xây một tòa đình vuông, 4 mặt bỏ trống, nền cao, giữa nền có bệ, cửa đều trông thẳng xuống giếng. Đây là hai tòa đình thờ bia. Xưa kia hàng năm xuân thu nhị kỳ trong Văn Miếu làm lễ tế thì ở đây cũng sửa lễ vật cúng bái các vị tiên nho của nước ta mà quý tính cao danh còn khắc trên bia đá. Trong 82 tấm bia còn lại tới ngày nay, tấm sớm nhất dựng vào năm1484, khắc tên các vị tiến sĩ đỗ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) tấm cuối cùng dựng vào năm 1780, khắc tên các Tiến sĩ đỗ khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40 (1779). Từ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 tới khoa cuối cùng là khoa Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống năm thứ nhất 1787 tính cho đủ phải tới 124 khoa thi đình, nếu chỉ kể các khoa thi Tiến sĩ, không kể các khoa Đông Các và Chế khoa thì cũng phải 117 khoa, vậy nếu theo đúng điển lệ triều Hậu Lê thì phải lập đủ 117 tấm bia đề tên Tiến sĩ. Thế nhưng trải qua bao cơn binh lửa, vật

đổi sao dời, số bia chỉ còn là 82 tấm. Nhiều tấm bia nọ lắp vào rùa kia, nhiều tấm nứt vỡ phải gắn chắp lại.

Hai cửa nhỏ theo văn bản của ông Đỗ Văn Ninh là Kim Thành bên phải và Ngọc Thành bên trái, hiện nay là Kim Thanh môn Ngọc Chấn môn nằm ngang với cửa Đại Thành, song 2 cửa này không mở vào thẳng khu vực chính, mà để đi qua con đường lát gạch phía sau 2 dãy Tả Vu và Hữu Vu để tiếp tục qua sang khu Khải Thánh phía cuối cùng của di tích. Bước qua cửa Đại Thành là tới một sân rộng mênh mang lát gạch Bát Tràng. Hai bên phải trái của sân là 2 dãy Hữu Vu và Tả Vu. Chính trước mặt là tòa Đại Bái Đường rộng rãi, to lớn và thâm nghiêm trải suốt chiều rộng của sân nối giáp với đầu hồi của Tả Vu, Hữu Vu 2 bên, tạo thành cụm kiến trúc hình chữ U cổ kính và thuyền thống. Sau Đại Bái Đường, song song với Đại Bái Đường là tòa Thượng Điện, có quy mô tương tự cả về chiều cao lẫn bề rộng. Đại Bái Đường nối với Thượng Điện bằng một Tiểu Đình hình vuông. Nếu tách riêng cụm 3 kiến trúc này ra mà nói thì chúng được xây dựng theo hình chữ công mà Tiểu đình chính là nét sổ giữa và Đại Bái Đường, Thượng Điện là 2 nét ngang trên và dưới.

Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Ngày nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng. Đặc biệt, đây còn là nơi các sĩ tử ngày nay đến "cầu may" trước mỗi kỳ thi.

Ngày 9/5/1962, Bộ Văn hóa đã công nhận Văn miếu Quốc tử giám là di tích lịch sử cấp Nhà nước.

c) Chùa Một Cột

Chùa Một Cột hay còn gọi là chùa Diên Hựu được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông tháng mười (âm lịch) năm 1049.

Tương truyền khi ấy nhà vua cao tuổi mà không có con trai nên thường đến các chùa để cầu tự. Một đêm, vua chiên bao thấy đức Quan Thế Âm hiện trên đài hoa sen ở một hồ nước hình vuông phía Tây thành Thăng Long, tay bế đứa con trai đưa cho nhà vua, ít lâu sau hoàng hậu thụ thai sinh con trai, nhà vua cho dựng chùa có dáng như trong mộng để thờ Phật và Quan Thế Âm.

Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua dựng cột đá, trên đặt đài sen thờ Phật, các nhà sư đi vòng để cầu kinh cho nhà vua sống lâu nên chùa có tên là Diên Hựu.

Ngôi chùa có kết cấu bằng gỗ, trong chùa đặt tượng Phật bà Quan Âm. Năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho mở rộng kiến trúc khu chùa có thêm hồ Linh Chiểu. Về sau, quy mô chùa Một Cột chỉ còn lại ngôi chùa nhỏ trên cột đá như hình ảnh hiện nay. Thực dân Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho nổ mìn phá chùa. Tuy nhiên, chùa đã được trùng tu cơ bản như trước. Chùa Một Cột hiện nay bao gồm đài Liên Hoa hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 3 m, mái cong, dựng trên cột cao 4 m (không kể phần chìm dưới đất), đường kính 1,20 m có cột đá là 2 khúc chồng lên nhau thành một khối. Tầng trên của cột là hệ thống những đòn gỗ làm giá đỡ cho ngôi đài ở trên. Đài Liên Hoa có mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có Lưỡng long chầu nguyệt. Trong quan niệm người Việt, rồng luôn là con vật linh thiêng, biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh. Và hình ảnh "Lưỡng long chầu nguyệt" trên các mái đình đền, chùa chiền, không chỉ biểu tượng cho sức mạnh thần thánh mà còn ẩn trong đó những giá trị nhân văn, phản chiếu trí tuệ, ước vọng của con người và nền văn minh cổ xưa. Ngày nay không có những cánh sen trên cột đá như đã nói đến trong bia văn thời nhà Lý, nhưng ngôi chùa dựng trên cột vươn lên khỏi mặt nước vẫn là kiến trúc độc đáo, gợi hình tượng một bông sen vươn thẳng lên khu ao hình vuông được bao bọc bởi hàng lan can làm bằng những viên gạch sành tráng men xanh. Kiến trúc chùa xây dựng gần với kiến trúc nhà Hậu Lê.

Chùa Một Cột được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt vào năm 1962.

d) Quảng trường Ba Đình và lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam, nằm trên đường Hùng Vương và trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quảng trường là nơi ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt, vào ngày 2 tháng 9 năm1945, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quảng trường Ba Đình ngày nay có khuôn viên với chiều dài 320m và rộng 100m, có 240 ô cỏ, xen giữa là lối đi rộng 1,4m. Giữa quảng trường là cột cờ cao 25m. Đây là nơi diễn ra các cuộc diễu hành nhân dịp các ngày lễ lớn của Việt Nam, và cũng là một địa điểm tham quan, vui chơi, dạo mát của du khách và người dân Hà Nội.

Phía đông Quảng trường là nhà Quốc hội do hai kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện và Trần Hữu Tiềm thiết kế. Hội trường có sức chưa 1.200 người.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay còn gọi là Lăng Hồ Chủ tịch, Lăng Bác, là nơi đặt thi hài của chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là nhà yêu nước lớn, nhà văn hóa thế giới, đã được UNESCO tặng danh hiệu là Danh nhân văn hóa thế giới và Anh hùng giải phóng dân tộc nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính thức khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1973, tại vị trí của lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Người đã từng chủ trì các cuộc mít tinh lớn.

Lăng được khánh thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6 mét, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Ở mặt chính có dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng đá hồng màu mận chín. Trong di chúc, Hồ Chí Minh muốn được hỏa táng và đặt tro tại ba miền đất nước. Tuy nhiên, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, với lý do "theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân", quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chí Minh để sau này người dân cả nước, nhất là người dân miền Nam, khách quốc tế có thể tới viếng Người.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết quả lao động nghệ thuật của các nhà khoa học Việt Nam và Liên Xô.

Khách đến viếng và thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có dịp tham quan quần thể khu di tích: nơi ở và nơi làm việc của Người, Phủ Chủ tịch, nhà sàn, ao cá và vườn cây với nhiều loại cây quý. Đây cũng là điểm tham quan hấp dẫn nằm liền kề khu vực Quảng trường và Lăng Chủ tịch.

e) Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn

Hồ Hoàn Kiếm còn được gọi là Hồ Gươm, là một hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố Hà Nội. Trước kia, hồ còn có các tên gọi là hồ Lục Thủy (vì nước có màu xanh quanh năm). Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ XV gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa thần. Tên hồ được lấy để đặt cho một quận trung tâm của Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) và là hồ nước duy nhất của quận này cho đến ngày nay.

Quá trình hình thành và phát triển của đền Ngọc Sơn qua các thời kỳ lịch sử không đồng nhất và có sự khác nhau. Thời xưa trên hồ Tả Vọng (Hoàn Kiếm) đã có gò đất cao, tương truyền các tiên nữ thường về đây ca hát. Thời Lý Thái Tổ gò đất được gọi là Ngọc Tượng Sơn. Thời Trần gọi là Ngọc Sơn, trên Ngọc Sơn có một ngôi chùa, về sau bị hủy hoại. Đến thời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735 - 1739), chúa Trịnh Giang đã dựng cung Thụy Khánh và đắp hai quả núi đất ở trên bờ phía Đông đối diện với Ngọc Sơn gọi là núi Đào Tai và Ngọc Bội.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 01/06/2023